Ai dễ bị đột quỵ khi ngủ?

Thứ hai - 14/11/2022 08:59
Theo khuyến cáo của bác sĩ, đột quỵ khi ngủ sẽ gây nguy cơ tử vong cao hơn đột quỵ khi tỉnh vì phát hiện chậm và khó nhận biết hơn. Tuy nhiên, vẫn có cách để tầm soát, phòng tránh.
Đột ngột mất ý thức khi đang ngủ

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa cấp cứu kịp thời cho nữ bệnh nhân T.T.A.N (44 tuổi), được gia đình đưa đến nhập viện ngày 18.9 trong tình trạng yếu nửa người bên phải, nói khó, có biểu hiện mất ý thức vận động. Theo lời kể của chồng bệnh nhân, thường ngày khoảng 6 giờ sáng hai vợ chồng thức giấc để chuẩn bị đưa con đi học rồi đi làm. Tuy nhiên, thời điểm anh thức giấc thì vợ vẫn nằm im. Anh quay sang đánh thức thì phát hiện vợ nằm bất động, mắt nhìn lên trần nhà, lay gọi không đáp ứng. Ngay lập tức gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cấp cứu.
 
dot quy 1
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ cấp nên lập tức kích hoạt quy trình cấp cứu đột quỵ, huy động liên chuyên khoa phối hợp chuyên môn. Trên hình ảnh MRI sọ não người bệnh ghi nhận tình trạng nhồi máu não bán cầu trái, tắc động mạch não giữa bên trái, đối mặt với tình trạng đột quỵ rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ đã quyết định can thiệp tái thông động mạch não giữa khẩn nguy.

Sau 20 phút khẩn trương can thiệp, ê kíp đã lấy thành công cục máu đông, tái thông mạch máu bị tắc cho người bệnh. Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt, có thể cử động chân tay gần như bình thường.

Đột quỵ khi ngủ gây nguy cơ tử vong cao

ThS-BS. Bùi Diễm Khuê (Phó chủ tịch Chi hội Bệnh lý mất ngủ Việt Nam, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM), cho biết khi ngủ mọi người hoàn toàn không thư giãn 100%, mà chỉ thư giãn tri thức.

Trong giấc ngủ, dòng máu và suy nghĩ vẫn chuyển hóa trong não bộ. Nếu người bệnh có yếu tố nguy cơ trước đó như tăng huyết áp không kiểm soát, mỡ máu… thì có thể làm vỡ mạch máu não (xuất huyết não), tắc mạch máu não (nhồi máu não). Đó là hai yếu tố chính của đột quỵ hay tai biến mạch máu não - là sự cố đột ngột nguy hiểm của hệ tuần hoàn, làm ngừng cung cấp oxy và dưỡng chất cho tế bào não.

“Khi ngủ không phải mọi thứ dừng lại, cơ thể vẫn hoạt động nhưng chậm lại. Tuy nhiên, một số giai đoạn trong giấc ngủ hoạt động sẽ nhanh hơn hoặc lộn xộn hơn, như cử động mắt nhanh hay còn gọi là giấc ngủ REM. Hoạt động cơ thể có những tăng giảm, biến thiên cao thấp khác nhau, không hoàn toàn thư giãn. Vì vậy, nguy cơ đột quỵ vẫn có thể xảy ra trong giấc ngủ”, BS. Khuê lý giải.

So với đột quỵ khi tỉnh, đột quỵ khi ngủ sẽ không nhận biết được các dấu hiệu. Các dấu hiệu cũng xảy ra âm thầm hơn. Thông thường người bệnh thấy tay chân bất thường, người khác quan sát cũng thấy vậy nhưng khi người bệnh ngủ và người bên cạnh cũng ngủ, các dấu hiệu đó sẽ bị chậm hơn. Chính vì sự phát hiện chậm và khó nhận biết nên đột quỵ khi ngủ sẽ gây nguy cơ tử vong cao hơn. Nếu được cứu sống, di chứng đột quỵ khi ngủ hầu hết sẽ nặng nề hơn đột quỵ khi tỉnh.

Thời gian vàng để điều trị, đặc biệt trong nhồi máu não, khi có triệu chứng là 3 giờ đồng hồ. Hiện nay, một số thuốc mới có thể kéo dài thời gian hơn, nhưng 3 giờ sau khi phát hiện triệu chứng vẫn là thời gian tốt nhất để hồi phục não bị tổn thương. Người bệnh ngủ sẽ không biết khi nào có triệu chứng nên lúc họ thức dậy, có thể đã qua thời gian vàng.

Theo BS. Khuê, những nguyên nhân ảnh hưởng đến mạch máu, não bộ đều là nguy cơ của đột quỵ khi ngủ. Những bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, rối loạn mỡ máu điều trị không ổn định hay tối ưu, béo phì… cũng dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Một số vấn đề về mặt tinh thần như căng thẳng, stress, lo âu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ và khả năng chuyển hóa xấu trong cơ thể. 

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra

BS. Khuê cho biết nếu bệnh nhân ngủ, người bên cạnh khó phát hiện dấu hiệu đột quỵ trừ khi có biểu hiện đột ngột như khó chịu trong người phải bật dậy, hay buồn nôn, đau đầu dữ dội... Bản thân bệnh nhân cũng có thể tự phát hiện  những dấu hiệu cảnh báo đó ngay trước hoặc khi thức dậy. Hai chữ cơ bản đáng nhớ là tê và liệt.

Tê là sờ vào tay chân và mặt không có cảm giác. Sờ một bên thấy tay, da bị tê bì, nhéo không có cảm giác. Thêm nữa, dấu hiệu vận động: tay chân không nhúc nhích được một bên hoặc cảm thấy bị yếu hẳn một bên. Cơ mặt bên này không giống bên kia, méo miệng hoặc mắt nhắm không kín, nói không nên lời, phát âm không rõ hoặc bỗng dưng bị nói ngọng. Đó là một số dấu hiệu cơ bản về cảm giác và liệt vận động.

Một số dấu hiệu khác như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội có thể kèm nôn ói, buồn nôn hoặc mờ mắt. Các hiện tượng này xảy ra từ từ và không cảnh báo trước.
 
Chụp cộng hưởng từ với công nghệ hiện đại MRI 3 Tesla giúp tầm soát đột quỵ có độ chính xác cao,
dễ dàng phát hiện các tổn thương não. Ảnh: T.A.T

Cách phòng ngừa đột quỵ khi ngủ cũng tương tự như phòng ngừa đột quỵ khi tỉnh. Cả hai đều giống nhau về mặt cơ chế và nguyên nhân, chỉ thời điểm khác nhau. Đột quỵ khi ngủ đôi khi xuất hiện vào đầu giờ sáng lúc người bệnh chuẩn bị thức dậy hay sau khi thức dậy. Đối với người có bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường, tim mạch..., hoặc bị rối loạn mỡ máu, cần theo toa thuốc của bác sĩ và tái khám đều đặn.

“Mọi người cần tránh yếu tố nguy cơ bằng cách tạo lối sống sinh hoạt lành mạnh, không nên ăn khuya, uống rượu bia trước giờ ngủ. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây... Tập luyện thể thao từ 25 đến 30 phút mỗi ngày. Lạm dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ cũng không tốt cho chất lượng giấc ngủ và vấn đề khác liên quan đến giấc ngủ…”, BS. Khuê lưu ý.
 
TS-BS. Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM:

Những người nên tầm soát đột quỵ sớm nhất

Các nhà khoa học đã có nghiên cứu, những người từng bị đột quỵ thì nguy cơ tái phát sẽ nhiều hơn những người chưa từng bị đột quỵ. Do đó, những người đã từng đột quỵ cần tầm soát trong thời gian sớm nhất. Lưu ý, bệnh nhân đã từng bị đột quỵ mà bị tái phát lần hai thì nguy cơ tàn phế, tử vong sẽ cao hơn lần đầu và tổn thương đó sẽ bằng tổn thương cũ + tổn thương mới.

Những người sau đây nên đến bệnh viện có chuyên khoa để tầm soát đột quỵ sớm nhất có thể:

- Có cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng có thể nhận biết như: tự nhiên ngất xỉu, mất ý thức thoáng qua sau đó tự phục hồi; tự nhiên cảm giác tê yếu nửa người (không mang được dép, tay yếu không cầm nắm được) sau đó tự hết.

- Có cơn đau đầu dữ dội, cảm giác đau như búa bổ mà chưa bao giờ trải qua cơn đau đầu như thế.

- Xảy ra cơn động kinh, đặc biệt là người trẻ, đang làm việc không uống rượu bia mà lên cơn động kinh, co giật tay chân, ngất xỉu, thậm chí cắn môi, cắn lưỡi, sau đó tự phục hồi.

Đây là những trường hợp bắt buộc phải tầm soát đột quỵ để tìm nguyên nhân. Nếu có bệnh tiềm ẩn như phình mạch, dị dạng mạch máu não, tắc nghẽn mạch cảnh... thì điều trị sớm, mang lại hiệu quả tốt hơn cho bệnh nhân. Để đến khi bệnh xảy ra rồi thì việc điều trị hiệu quả không cao, nguy cơ tử vong và tàn phế luôn luôn hiện diện.

Tại Việt Nam, hiện đã có các trung tâm cấp cứu đột quỵ có thể tầm soát căn bệnh này mà không phải ra nước ngoài.

Hữu Đức - Minh Hoàng

Tác giả: Hữu Đức - Minh Hoàng

Nguồn tin: nguoidothi.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay14,888
  • Tháng hiện tại443,323
  • Tổng lượt truy cập67,468,170
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây