Ảo ảnh thiên đường

Chủ nhật - 10/11/2019 09:44
Bi kịch 39 người chết trong container trên đường tới nước Anh ám ảnh tôi từ cuối tuần trước. Tôi không tưởng tượng nổi họ đã đau đớn và hoảng sợ như thế nào trong những giờ phút cuối kinh hoàng của cuộc đời, trong một không gian có lẽ còn đáng sợ hơn cả địa ngục.
Ảo ảnh thiên đường
Hiện trường chiếc xe container chở 39 thi thể tại hạt Essex, phía Đông Bắc London.
Ảnh: Reuters

Như những thông tin cho đến hiện tại, có lẽ phần lớn họ là những người đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh (Việt Nam). Đây có lẽ cũng là cái nôi của xuất khẩu lao động và dạng thức bất hợp pháp của nó là vượt biên trái phép. Riêng tỉnh Nghệ An đang có khoảng hơn 60.000 lao động có thời hạn ở nước ngoài, chuyển kiều hối về địa phương khoảng 255 triệu đô la Mỹ/năm(1). Con số này, tất nhiên, chưa tính đến những người đi chui, vốn có lẽ còn nhiều hơn số liệu chính thức.

Cận cảnh hơn, Chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành của Nghệ An, cho biết “hiện toàn xã có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 1.450 người đang làm việc ở các nước châu Âu; 1.047 người đi làm việc, buôn bán tại Lào; 439 người đang làm việc tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...”, không có thông tin về việc họ đi hợp pháp hay đi chui(2).

Đi nước ngoài trở thành lối thoát không chỉ cho người lao động, mà còn cho cả chính quyền. Sau vụ khủng hoảng môi trường biển Formosa năm 2016, từ ngày 1-6-2016 đến ngày 31-5-2017, gần 18.000 lao động tại bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi vụ khủng hoảng này được “ưu tiên” xét tuyển đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản(3). Những đồng ngoại tệ gửi về nhiều khi không phải là lý do duy nhất. Ra đi, với nhiều người, còn là đi tìm kiếm những thiên đường khác, nơi họ kỳ vọng có môi trường sống tốt hơn, vật chất đầy đủ hơn, và an sinh tốt hơn.

Ở Nghệ An hay Hà Tĩnh, người dân thường “đi cả cụm”: một người đi sẽ kéo theo cả anh em họ hàng đi cùng. Ở những khu đông người Việt ở châu Âu như chợ Đồng Xuân Berlin (Đức) hay chợ Sapa (Cộng hòa Czech), rất dễ nghe thấy những giọng nói miền Trung nằng nặng trên phố hay các phương tiện đi lại công cộng. Cách đây vài năm thôi, việc “đi nước ngoài” như thế còn được tôn vinh, coi là một cách vượt khó đổi đời. Thời đại của mạng xã hội, những bức ảnh hoa lệ ở Paris hay London của người đi trước lại tiếp thêm ao ước cho bao nhiêu thế hệ thanh niên ở quê nhà.

Phong trào vượt biên ở các làng quê nghèo là rất phổ biến. Nhiều gia đình còn không giấu sự tự hào với những ngôi nhà khang trang dựng lên từ tiền của những người con xa xứ gửi về. Cơ quan chức năng ở địa phương, bởi thế, ít khả năng không biết đến sự tồn tại của những đầu mối đưa người đi nước ngoài chui. Thực tế là ngay khi có thông tin về bi kịch 39 người chết trong container nói trên, công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài(4) với cung đường tương tự như các nạn nhân trên container. Nhưng với cơ quan chức năng, dường như hiện tượng trên không phải là ưu tiên số 1, khi ngoại hối chuyển về vẫn nhiều, người đi tự nguyện, còn làng quê có thêm nhiều ngôi nhà mới khang trang.

Ai cũng biết đi chui là bất hợp pháp, nhưng tặc lưỡi cho qua. Người nhà, làng xóm, thậm chí là cả truyền thông, tô hồng cuộc sống nơi xứ người mà không cho thấy hết những mặt trái đáng sợ của bóc lột, cưỡng bức, cướp bóc, giết người, đặc biệt là với những “người rơm” - lao động sống bất hợp pháp, không có giấy tờ ở xứ sở tại. Chính các nạn nhân cũng nửa vời khi nghĩ đến cơ hội đổi đời, mà gạt đi những rủi ro gặp phải trên hành trình đến miền đất hứa. Chính quyền nửa vời trong việc xử lý, bởi cho rằng ra đi thì ai cũng có lợi.

Những chuyến vượt biên được thúc đẩy bởi sự nửa vời như thế. Kết quả là Việt Nam là nước có số người nghi là “nô lệ hiện đại” cao nhất ở Anh(5), chỉ sau Albania. Giữa tháng 7, Mỹ xếp nước ta vào nhóm 2 về tình hình buôn người(6) năm 2019, với mô tả Việt Nam “chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người”.

Ra đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn là khát vọng chính đáng của mỗi người, nhưng khát vọng đó phải được thực hiện bằng những con đường hợp pháp, đảm bảo sự an toàn và quyền lợi của người lao động. Những ai cổ xúy cho việc vượt biên trái phép để làm giàu cũng mang tội lỗi không khác gì những kẻ buôn người đẩy đồng loại của mình vào chỗ chết.

Xử lý vấn đề trên ở thời điểm hiện tại vẫn nặng về cưỡng chế. Suy cho cùng, nhiều trong số nạn nhân tự nguyện tham gia các đường dây buôn người, vay mượn những khoản tiền khổng lồ để mong đặt chân đến vùng đất hứa. Để nhu cầu đó không còn, thì cần phải làm nhiều việc và mất nhiều thời gian hơn: không có những miền quê bị bỏ lại phía sau, cơ hội việc làm tốt hơn, môi trường an toàn hơn, và hướng tới một xã hội thịnh vượng và công bằng hơn. Có lẽ không ai muốn đặt bản thân vào cuộc phiêu lưu trắc trở nơi xứ người, nếu có thể làm giàu ở quê hương.

Nhưng nhìn xung quanh, tôi chắc rằng ai trong chúng ta cũng quen một vài người đang có ý định di cư, vì lý do kinh tế, giáo dục, hay môi trường. Người giàu đi theo cách của người giàu, người nghèo tìm lối thoát của người nghèo. Những chuyến vượt biên trên container là dạng thức cực đoan của khát vọng đó, nhưng chắc chắn nó không chỉ đại diện cho thiểu số. Với một đất nước rừng vàng biển bạc, liệu còn nỗi buồn nào lớn hơn thế?
-------------------------------------------------
(1) https://baonghean.vn/nghe-an-co-hon-255-trieu-usd-nam-tu-xuat-khau-lao-dong-236631.html
(2) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xa-1000-ty-phu-bac-nhat-xu-nghe-biet-thu-hang-ngan-o-to-nhieu-vo-ke-20181115095141594.htm
(3) http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?TinTucID =26608&page=15&fbclid= IwAR1WRfjjqmtZQUEbRf7 MngGwQK9ooT0O s6zREhLr3qEkSVCO6BTb5TTzFoQ
(4) https://news.zing.vn/nghe-an-khoi-to-vu-an-to-chuc-dua-nguoi-tron-di-nuoc-ngoai-post1006053.html
(5) https://vov.vn/the-gioi/viet-nam-co-so-nguoi-nghi-la-nan-nhan-no-le-hien-dai-cao-nhat-o-anh-971596.vov
(6) https://vn.usembassy.gov/vi/2018-tipreport/

Tác giả: Nguyễn Khắc Giang

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập159
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm156
  • Hôm nay25,038
  • Tháng hiện tại563,077
  • Tổng lượt truy cập56,664,714
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây