Nguyễn Trường Tộ và vấn đề tự do tôn giáo

Thứ tư - 14/11/2012 09:24

-

-
Nguyễn Trường Tộ là một trí thức sâu sắc và độc đáo nhất trong bối cảnh đất nước đầy bất trắc và bi thảm vào hậu bán thế kỷ XIX. Ông xuất hiện như một trí thức công giáo trẻ, đầy tài năng, có tư duy sáng tạo, quan điểm về thời cuộc rất tiến bộ và luôn nặng lòng với dân tộc.
Nguyễn Trường Tộ và vấn đề tự do tôn giáo
 
Nguyễn Trường Tộ là một trí thức sâu sắc và độc đáo nhất trong bối cảnh đất nước đầy bất trắc và bi thảm vào hậu bán thế kỷ XIX. Ông xuất hiện như một trí thức công giáo trẻ, đầy tài năng, có tư duy sáng tạo, quan điểm về thời cuộc rất tiến bộ và luôn nặng lòng với dân tộc. Dòng dã nhiều năm trời, ông đã rút ruột soạn thảo hơn 58 điều trần và kiến nghị canh tân đất nước, cũng như sách lược để đối phó với cuộc xâm lăng của người Pháp. Trên các lãnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, nông nghiệp, thương mại, quốc phòng, ngoại giao… ông đã đưa ra những đề nghị cải cách có giá trị. Có những lúc, vì tình trạng sức khỏe, ông không thể ngồi được, mà phải nằm ngửa để viết. Tất cả các đề nghị này, ông đã khổ công nghiên cứu, miệt mài suy tư, rồi chân thành đệ trình triều đình vua Tự Đức.
 
Rất tiếc thái độ bảo thủ của vua quan triều Nguyễn, cũng như óc kỳ thị công giáo của giới sĩ phu đương thời, đã biến ông thành một nhà cải cách cô đơn và bất hạnh. Thật vậy, khác với nhà canh tân người Nhật, Phúc Trạch Diệu Các, Nguyễn Trường Tộ không hề được triều đình tin dùng, ngoại trừ nhà vua nhờ một vài việc lặt vặt. Trong lúc sinh thời, tư tưởng Nguyễn Trường Tộ không được phổ biến cho đại chúng. Vì vậy, hầu như ông chưa có cơ hội đóng góp tài năng cho dân tộc vào chính giai đoạn bi thảm nhất của đất nước, lúc mà Việt Nam đang cần đến sự góp sức của kẻ sỹ hơn bao giờ hết.
 
1- Tiếng trống báo nguy
 
Nguyễn Trường Tộ từ trần năm 1871, nhưng mãi đến năm 1925, một vài di thảo của ông mới bắt đầu được phổ biến trong phạm vi hẹp. Tuy nhiên, ngay từ lúc đó, tâm huyết cũng như tài năng của ông được nhiều người nhìn nhận và tôn vinh[1]. Các nhà nghiên cứu đã tặng cho ông nhiều danh hiệu: “Người yêu nước sáng suốt”, “Nhà yêu nước sáng suốt nhất của thế kỷ XIX”, “Nhà cải cách lớn của dân tộc”, “Nhà phê bình xã hội đầu tiên ở nước ta”, “Nhà kiến trúc tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ XIX”, “Một trí tuệ lớn mang tầm quốc tế”, “Một nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX”, “Người đánh trống”…
 
Trong một mức độ nào đó, mỗi danh hiệu nói trên phản ánh một góc cạnh thiên tài, một hoài bão cứu nước, một dáng vẻ nhân văn và cách thế dấn thân của tiên sinh. Tất cả giúp chúng ta hiểu sâu hơn con người, sự nghiệp và tấm lòng của ông đối với đất nước, bởi vì chúng trình bày nét đặc trưng, cái nhìn, chí hướng, tâm nguyện cũng như hoạt động mà ông đã theo đuổi suốt đời. Nếu được phép chọn lựa, tôi sẽ chọn danh hiệu “Người đánh trống” để giới thiệu ông, vì danh hiệu này vừa dân dã và thân thương, vừa diễn tả một cách thật sắc nét hình ảnh một sĩ phu yêu nước đang đánh trống nơi cửa quan. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi, lao đao và chật vật của mình, Nguyễn Trường Tộ đã không ngừng gióng lên những hồi trống báo nguy. Tiếc rằng cố gắng và tâm huyết của ông đã trở thành vô hiệu và tuyệt vọng! Thật ngậm ngùi cho bản thân ông, nhưng càng ngậm ngùi hơn cho đất nước!
 
Nhìn chung, 58 điều trần của Nguyễn Trường Tộ mà ngày nay chúng ta còn lưu giữ, dù dài ngắn và bàn về những đề tài khác nhau, chính là 58 hồi trống mà một sĩ phu yêu nước đã đánh lên trước cửa Triều đình Tự Đức. Đây không phải là những hồi trống kêu oan cho bản thân hay gia đình, mà là tiếng trống tâm huyết của một kẻ sĩ thức thời, luôn đau đáu với vận nước điêu linh, thúc dục nhà cầm quyền cấp bách canh tân để tránh cảnh nước mất nhà tan. Chính Nguyễn Trường Tộ đã thổ lộ tâm sự này với Trần Tiễn Thành: “Những điều trình bày trong các tờ bẩm trước không phải là những điều thấy nghe nhất thời mà tôi viết ra. Đó là những điều tôi đã ôm ấp hàng năm, cho nên muốn thổ lộ chân tình, trút hết tâm huyết, mục đích không phải cầu cho lời nói của một mình tôi là thực mà muốn khắp thiên hạ chứng minh cho sự thực. Hơn nữa, tôi đang ở trong hoàn cảnh bị hiềm khích, chưa chắc ai đã tin ngay lời tôi nói, nên phải kiên nhẫn đợi chờ, không dám đuổi theo tài lợi, đành cam chịu cuộc sống nghèo khó đạm bạc, để cốt chứng minh cho lời nói của tôi là (…) không mong được một cái gì, không bị ai sai khiến, không có một ý đồ gì khác mà thật là vượt ra ngoài lẽ thường tình (…). Trung và hiếu vốn hai điều khó giữ vẹn. Nhưng chỉ nói suông không ngồi vào, không dự vào chỉ biết thân mình, nhà mình, theo thường tình, còn việc an nguy của quốc gia, thì coi như chuyện của nước Sở nước Việt, không hết lòng báo đáp ơn nước nhà, một mai bốn phương xảy ra nhiều việc thì thân thích của mình cũng sẽ cùng số phận với việc mất còn của đất nước”[2].

Qua những điều trần hay những tiếng trống này, Nguyễn Trường Tộ như con tằm không ngừng rút ruột nhả tơ nhằm đưa ra những sáng kiến, kế hoạch và đề nghị cụ thể để canh tân, xây dựng và bảo vệ đất nước, trong giai đoạn đế quốc Pháp vào xâm chiếm nước ta. Các điều trần của ông đề cập đến hầu hết các lãnh vực liên quan đến hưng vong của một quốc gia: công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, chính trị, cải cách giáo dục, dùng quốc âm, đời sống văn hóa, vấn đề tôn giáo, công tác xã hội, quốc phòng và ngoại giao. Tất cả chỉ nhằm mục đích duy nhất là canh tân đất nước và lấy lại 3 tỉnh, rồi 6 tỉnh Nam Kỳ. Điều trần “Giáo môn luận” hay “Bàn về tự do tôn giáo” cũng nằm trong cùng một định hướng đó.
 
Mặc dù đại bác của Pháp đã nã vào Đà Nẵng (ngày 1-9-1858), rồi tiếp theo đó, liên quân Pháp – Tây Ban Nha chiếm Gia Định, nhưng hầu hết các nhà Nho Việt Nam lúc bấy giờ vẫn quan niệm “nội hạ ngoại di”, cho ta là văn minh, Pháp là mọi rợ, và vẫn ảo tưởng về sức mạnh văn hóa của ta vượt trên vũ khí của địch. Tờ tấu của văn thân bốn tỉnh vùng Nghệ An là một dẫn chứng điển hình về quan niệm khuôn sáo và lạc hậu này: “Một tiếng trống trận đánh lên đủ làm tan súng phá trời, một thẻ linh bài gõ xuống, đủ làm đắm thuyền rẽ đất. Quân vua đi đến đâu như núi Thái Sơn đè lên quả trứng vậy”[3].
 
Đối đầu với thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức đã hoàn toàn thất bại trên cả ba bình diện: chính trị, ngoại giao và quân sự. Về chính trị, trong các vua nhà Nguyễn, Tự Đức trị vì lâu nhất (36 năm), nhưng không được lòng dân và “không có đời vua nào giặc giã nổi lên khắp nơi như đời vua Tự Đức”[4], vì người dân quá đói khổ, bất mãn và phẫn uất. Xã hội Việt Nam ở thời này được tổ chức rập khuôn triều đại nhà Minh, rất bảo thủ, bất bình đẳng, dân trí thấp, quan lại tham nhũng, hà hiếp dân chúng. Triều đình Tự Đức cũng có nhiều luật lệ hà khắc với các hình phạt rất dã man để trừng trị người công giáo cũng như các đối thủ chính trị.
 
Nhận định về sự phi lý và dã man của các cuộc cấm đạo ở nước ta, cụ Phan Bội Châu viết: “Từ đời Lê Huyền Tôn (1663-1671), niên hiệu Cảnh Trị, đến bản triều Tự Đức (1847-1883), khoảng những năm đầu đều có cái tệ cấm dương giáo, giết giáo đồ. Than ôi! Thời đại chưa khai hóa, có những việc như vậy, nay cũng không nỡ nhắc lại nữa”. Và trong Lời phê, cụ Phan nhận định thêm: “Mỗi khi nói đến thời Tự Đức có cái tệ bắt giáo đồ tập trung một nơi, thì thấy đó là một hành động bạo ngược, kỳ quái. Chả trách mà nguyên khí nước nhà bại hoại”[5]. 
 
Về ngoại giao, triều đình nhà Nguyễn thất bại thê thảm. Vua Tự Đức có tiếng là hiếu học và thông minh, nhưng độc đoán, thiển cận và rất bảo thủ theo đường hướng Tống nho, nên chẳng hiểu gì về cục diện thế giới, cũng như tham vọng chiếm thuộc địa của các cường quốc Tây phương. Chủ trương “bế quan tỏa cảng” không những không bảo vệ được chủ quyền đất nước, mà trái lại đã đẩy Việt Nam vào tình trạng tụt hậu, lầm than và bế tắc. Vì vậy, Việt Nam đã trở thành miếng mồi ngon của chủ nghĩa thực dân.
 
Về quân sự, binh lính Việt Nam tuy đông, nhưng ô hợp, thiếu huấn luyện, vũ khí thô sơ và nhất là không có tinh thần chiến đấu, mới lâm trận đã bỏ chạy. Chiến lược của các võ quan triều đình chỉ nhằm phòng thủ, không tấn công và cũng không dùng chiến thuật “lấy thịt đè người” hay “phục kích”, nên khi giữ thành không được thì bỏ chạy. Do đó, quân triều đình càng đánh càng thua và càng về sau càng thua đậm.
 
Trái ngược với cái nhìn thiển cận và ảo tưởng của các nhà Nho đương thời, Nguyễn Trường Tộ, với kiến thức sâu rộng, thức thời, biết ta biết người, tỉnh táo nhận ra sức mạnh quân sự của người Pháp, nên ông đã dồn tất cả tâm lực vào việc soạn thảo kế sách cứu nước. Giữa năm 1861, qua Nguyễn Bá Nghi, người được Triều đình Huế phái vào Sài Gòn để thương thuyết với Pháp, ông đã gửi cho Triều đình một kiến nghị mang tựa đề “hòa từ”. Dựa trên bối cảnh lịch sử thế giới, thực trạng của Pháp cũng như của nước ta vào giữa thế kỷ XIX, Nguyễn Trường Tộ đã phân tích so sánh lực lượng đôi bên và thấy rõ cái bất lợi của ta nếu quyết tâm chủ chiến. Do đó, ông đề nghị nên tạm thời hòa với Pháp để chuẩn bị lực lượng cho một cuộc tấn công sau này. Ông nêu rõ mối tương quan chặt chẽ giữa canh tân với bảo vệ đất nước: “Muốn giữ cái chưa mất thì phải gấp rút giao thiệp rộng, muốn mưu thu hồi 6 tỉnh thì phải gấp rút thừa cơ mà canh tân, chính là căn bản của thu hồi và gìn giữ. Nếu không canh tân để tiến bộ thì dù có tạm thời thu hồi được, vá hôm nay ngày mai lại rách, rốt cuộc cũng không thể không có chuyện xảy ra. Nếu nhất luật canh tân để tiến bộ thì việc giữ không khó mà việc thu hồi không chóng thì chầy cũng có thể hy vọng được”[6].
 
Mặc dù điều kiện khách quan đòi hỏi phải tạm hòa với Pháp, nhưng ông không  “chủ hòa” hay chấp nhận ở vị thế lép vế trước đối phương, mà đề nghị “tạm hòa hoãn” để canh tân đất nước và chuẩn bị kế hoạch đánh thắng giặc Pháp trong tương lai. Ông luận giải kế hoạch hòa để thắng như sau: “Một là mình phải khéo léo ngăn chặn đừng để họ tìm cớ sinh sự làm lan rộng ra; hai là hãy thong thả sắp đặt đợi lúc họ sơ hở; ba là để dân thư thái củng cố sức lực (…). Dân đã yên rồi thì sau sẽ đưa những người tài hiền đi ra bốn bể học tập các nước lớn những phương pháp tấn công, phòng thủ, phân tán tập hợp (…). Học được tinh thông rồi mới có kỹ xảo. Kỹ xảo giỏi thì mới mạnh, dưỡng uy sức nhuệ đợi thời hành động. Như thế thì tuy mất miền Đông mà lấy được miền Tây cũng chưa lấy gì làm muộn”[7].
 
Trong “Thiên hạ đại thế luận”, ông nhận định về giải pháp hòa hay chiến một cách sâu sắc như sau: “Sự thế hiện nay chỉ có hòa. Hòa thì trên không cưỡng lại ý trời, dưới có thể làm cho dân khỏi khổ, chấm dứt được sự dòm ngó của bọn gian nghịch, ngăn chặn được sự tranh giành của nước ngoài, thật là hay không thể kể xiết. Còn việc binh đao thì thật là tai họa nó làm cho vợ góa con côi, tổn thương hòa khí của đất trời  (…). Nếu không đánh mà khuất phục được binh lính người mới là đánh giỏi. Nay có đánh họ cũng không đi, hòa họ không đi. Họ chỉ xin mình miếng đất mà thôi, nếu cứ kiên quyết không cho, họ sẽ lập mưu cướp hết, từ khách quay lại làm chủ, như thế là tiếc một miếng đất mà đem cả nước trao cho họ”[8].
 
Trên thực tế, vào giai đoạn đầu, điều kiện thương thuyết tương đối còn nhẹ. Người Pháp chỉ yêu cầu chấm dứt bách hại đạo công giáo, cho phép giao thương trên toàn lãnh thổ Việt Nam và lập một thương điểm tương tự như Hồng Kông hay Tân Gia Ba. Vì thiếu một sách lược rõ rệt và chiến thuật đúng đắn, triều đình Huế thiếu tầm nhìn chiến lược, nhất quyết chủ trương đánh, nhưng càng đánh càng thua và càng về sau càng thất bại thê thảm.
 
Suốt 10 năm cuối đời, Nguyễn Trường Tộ những đau đáu nỗi niềm đất nước điêu linh. Ông là người có thực tài, nhưng không những không được triều đình đếm xỉa và đoái hoài tới, mà còn bị hiềm khích, ghen ghét vì là người công giáo. Khoảng sáu chục điều trần ông vắt óc viết ra, nhưng gửi đi … mà chẳng hề được phúc đáp. Bất chấp nghịch cảnh trớ trêu và nghiệt ngã đó, ông vẫn kiên nhẫn tiếp tục rút ruột soạn thảo các chiến lược cơ bản để phát triển quê hương, với ước vọng ngăn chặn thảm họa mất nước. Rất tiếc, cuối cùng, Nguyễn Trường Tộ đành chấp nhận đóng vai một sỹ phu yêu nước nhẫn nhục liên tiếp đánh trống báo nguy và tiếng trống tâm huyết của ông cũng chỉ là những tiếng kêu vô vọng trong sa mạc! Bi thảm và đau xót!
 
2- Vấn đề tự do tôn giáo
 
Nguyễn Trường Tộ trình bày vấn đề tự do tôn giáo dưới hai góc độ bổ túc cho nhau: quan niệm triết lý và kế sách chính trị chống lại âm mưu gây hấn của người Pháp. Trong các điều trần về vấn đề này ông đề cập đến ba điểm chính: lịch sử xa xưa của các tôn giáo tại tất cả các dân tộc; hệ lụy của việc cấm đạo tại Việt Nam và khía cạnh triết lý về tự do tôn giáo.
 
1) Trước hết, ông nhìn hiện tượng đa văn hóa và đa tôn giáo dưới hai góc độ: vừa là chiều hướng của những tình thế lớn trong thiên hạ, vừa là hiện tượng tự nhiên trong trời đất. Ông nhận định tổng quát: “Từ xưa đến nay trên mặt đất lớn lao này có nhiều đạo khác nhau đã được thành lập ở nhiều nơi (…). Phàm nơi nào có dấu chân người đặt đến thì các tôn giáo cũng theo người mà  truyền vào. Hễ nước nào có thanh danh văn vật, xứ nào có giao thông trù mật thì người theo đạo đông đúc. Nước càng thịnh vượng thì tôn giáo càng nhiều. Nước dã man thì tôn giáo ít ”.
 
Theo ông, “lý thuyết và lễ văn của các tôn giáo tuy có khác nhau, nhưng đem hết sách của các tôn giáo mà xem thì không tôn giáo nào không lấy trung hiếu làm gốc. Nếu không như thế thì người có lương tâm ai chịu tin theo”. Mặc dù sự phát triển của mỗi tôn giáo khác biệt nhau, tùy lúc, tùy nơi, thịnh suy một phần do hoàn cảnh, “nhưng chưa thấy đạo nào vì được phụ họa mà chấn hưng được hết cả, hay bị bài bác mà bị tiêu diệt hết cả (…) cũng chưa nghe nước nào đạo giáo nhiều mà phải mất nước”[9].
 
Trong bối cảnh một xã hội đa tôn giáo và đa văn hóa như thế, Nguyễn Trường Tộ xem như một hiện tượng tự nhiên việc “vua đối với dân, là người thay trời chăn dắt, theo ý trời mà hành động. Dân sinh ở trên đời, tuy tiếng nói khác nhau, sự yêu chuộng khác nhau, kẻ xứ lạnh, người xứ nóng khác nhau, đến hay đi, nghịch hay thuận, miễn sao biết trung hiếu là được cần gì phải câu nệ hình tích bên ngoài mà không xét đến cái gốc ở trong tâm, cưỡng ép phải giống nhau để gây ra rối loạn?”[10]. Trong viễn tượng đó, “vua đảm đang công việc giúp thượng đế không phải là vua có thể biệt lập một trời đất mà một mình cầm quyền được, chẳng qua chỉ là nhân các nhân vật đã được thượng đế tạo thành an bài đó mà thương yêu làm cho yên ổn, để thông suốt cái chí của thiên hạ, để soi thấu cái tình của muôn vật mà thôi”. Hành động như vậy là tôn trọng sự đa dạng của tín ngưỡng của dân chúng, cũng như tôn trọng sự đa dạng của chính tạo vật. Trái lại, “nếu cứ ai đồng với mình thì dù tệ cũng bỏ qua, còn ai khác với mình thì chỉ trích khắt khe mà đổ cho giáo pháp ấy không tốt, thử hỏi công lý ở đâu”?[11]
 
2) Tiếp đến, ông đề cập trường hợp đặc biệt của đạo công giáo, một tôn giáo được du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XVII dưới triều Nhà Lê. Ở giai đoạn đầu, lương giáo sống hài hòa, giúp đỡ và đùm bọc nhau. Ông viết: “Lúc bấy giờ giáo dân và những người trong ba đạo (Phật, Lão, Khổng), tuy tín ngưỡng khác nhau nhưng vẫn ân ái đón tiếp nhau, lễ nghĩa đối đãi nhau, năng lui tới với nhau không có gì hiềm nghi, đều là con dân của nước nhà mà thôi. Từ khi ban hành lệnh nghiêm cấm thì mới sinh ra ghen ghét kỳ thị nhau, mới sinh ra tội lệ. Từ đó, giáo dân bị phiền nhiễu đến nỗi phải lưu ly thất sở mà mắc vào vòng hình phạt. Nước vốn trong, có quấy lên mới bị đục, nếu ngừng thì chốc lát lại trong trở lại ”[12].
 
Truyền thống văn hóa dân tộc vốn bao dung và tôn trọng sự đa dạng về niềm tin. Người công giáo cũng muốn yên ổn để tôn thờ Thiên Chúa, phục vụ tổ quốc và yên ổn làm ăn. Nhưng Nhà nước không những không tạo cơ hội để giáo dân an cư lạc nghiệp, mà cứ khuấy lên lửa căm thù và kỳ thị tôn giáo. Nguyễn Trường Tộ lý luận sắc bén: “Giáo dân cũng là người trong nước, đều là người cả, cũng là dân của trời, sự ăn ở có liên quan với nhau, vui buồn liên quan nhau. Lẽ nào bên này động mà bên kia yên được sao? Một nước ví như một thân thể. Một chỗ bị đau thì toàn thân cũng không yên. Một cục thịt thừa, một ngón tay đeo thật hết sức vô dụng thế mà cắt bỏ đi thì hết sức đau, huống chi là tay chân hữu dụng”[13].
 
Thật vậy, kể từ khi vua Minh Mạng ban hành sắc chỉ cấm đạo khắc nghiệt vào năm 1833, bao nhiêu khốn khổ và tang thương đã đổ xuống trên đầu người công giáo trên cả nước. Tuy nhiên, tại giáo phận Vinh hậu quả của cuộc bách hại này tương đối nhẹ, lý do vì các quan đã nhẹ tay hoặc vì địa phương bằng lòng với tiền bạc lo lót của giáo dân nên đã làm ngơ. Chỉ có linh mục Lê Tùy bị bắt ngày 25.6.1833 và các quan đã bằng lòng nhận 6 lượng bạc để thả linh mục. Không may, vụ việc đã đến tai vua, nên các quan phải tâu về triều đình và ngài bị trảm quyết ngày 17.10.1833.
 
Nhưng, khi liên quân Pháp & Tây Ban Nha bắn phá Cửa Hàn thì cuộc bắt đạo tại giáo phận Vinh trở nên khốc liệt và đẫm máu như chưa từng thấy. Trong lịch sử dân tộc, mỗi khi có ngoại xâm thì tất cả các mâu thuẫn và xung đột nội bộ đều tạm gác sang một bên để ưu tiên lo cứu nước. Rất tiếc, Triều đình Nhà Nguyễn đã hành động trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thay vì kêu gọi toàn dân đoàn kết chống Pháp thì đã “giận cá chém thớt” và biến người công giáo thành dê tế thần. Nhà vua ra chỉ dụ trảm quyết tất cả các giáo sĩ, ngoại quốc cũng như bản xứ và phân tháp tất cả giáo dân vào các làng lương dân.
 
Trong cuốn “La Cochinchine Religieuse”, Eugène Louvet đã đưa ra một bảng tổng kết tình hình bi thảm của công giáo từ lúc Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam (1-9-1858) cho đến Hòa ước 5-6-1862 như sau: “Trong 4 năm chiến tranh, 150 linh mục người Việt, nghĩa là 1/3 hàng giáo sĩ của Việt Nam, đã đổ máu vì Đức Giêsu Kitô; tám mươi tu viện bị triệt phá với hai ngàn nữ tu người Việt của chúng ta bị phân tán và khoảng một trăm đã hiến mạng sống vì đức tin; tất cả các chủng viện đều bị đóng cửa và phần lớn chủng sinh với thầy giảng bị bắt; các câu trùm của tất cả các họ đạo đã chết vì đức tin: có kẻ bị chém đầu vì có án lệnh, có kẻ bị thiêu sống tập thể, có kẻ bị chôn sống hoặc vứt xuống sông, xuống biển; một số đông nhất là ở miền Bắc, chết vì đói; lúc ký kết hòa ước, các quan lại thấy là phải trả tự do cho những kẻ đáng thương này, để quên họ một hay hai tuần lễ không cho ăn. Hơn một trăm làng bị phong tỏa, hỏa thiêu, cướp bóc, không còn để lại cây cối và nhà cửa. Hơn hai ngàn giáo họ bị triệt hạ, tài sản, ruộng vườn, nhà cửa, cấp cho người ngoại ở lân cận; từ biên giới Trung Quốc cho tới Cao Miên, ba trăm ngàn giáo hữu bị phân tháp giữa các làng ngoại: vợ đi đày ở tỉnh này, chồng bị đày ở tỉnh nọ, con cái thì ai nuôi được thì nuôi; theo những tư liệu nghiêm túc nhất, trong năm phân tháp, khoảng bốn mươi ngàn giáo hữu đã chết vì bị ngược đãi, bị đói, bị đủ thứ cơ cực không kể xiết. Những người còn sống sót đã mất hết ruộng nương, súc vật, nhà cửa, tất cả những gì họ có trước kia”[14]

 
 
Ở giáo phận Vinh, cuộc bách hại này đạt đến mức độ dã man, hãi hùng và khủng khiếp nhất, đến độ giám mục Gauthier (Ngô Gia Hậu) và Nguyễn Trường Tộ phải lánh nạn sang Hồng Kông. Chuyến xuất dương này đã giúp Nguyễn Trường Tộ có cơ hội quan sát sự phát triển của một trung tâm thương mại theo mô hình Tây phương, đọc các “tân thư” được dịch ra tiếng Trung Quốc và hiểu rõ hơn cục diện thế giới. Đầu năm 1861, ông trở về Sàigòn với hoài bão đem những kiến thức đã thu thập được để giúp đất nước canh tân. Ông bắt đầu viết các bản điều trần và nỗ lực soạn thảo kế hoạch giúp Việt Nam thoát khỏi hiểm họa mất nước. Sau những năm tháng chờ đợi trong vô vọng, vì vua vẫn nghi kị người công giáo, còn các quan thì bảo thủ và lạc hậu, Nguyễn Trường Tộ rời Huế để trở về Nghệ An vào giữa năm 1866.
 
Vừa đặt chân đến mảnh đất quê hương thân yêu, ông đã phải chứng kiến thảm cảnh xung đột lương giáo. Lệnh cấm đạo không những gây khổ đau cho người Công giáo, mà còn đảo lộn tình làng nghĩa xóm xưa nay. Ông thổ lộ: “Tôi sau khi từ Kinh về đến Xã Đoài, những điều mắt thấy quả với những gì đã nghe được mà còn hơn thế nữa là khác. Cứ theo cái đà này thì sự việc sẽ lan ra mãi chưa biết khi nào dứt. Đầu mối của sự việc là do sĩ phu, nhưng cái gốc của nó cũng do những người có quyền lực xướng xuất ra nữa”[15].
 
Thật vậy, tại Nghệ An tình trạng bắt đạo trở nên khốc liệt nhất. Một đàng, vua Tự Đức ban hành các sắc chỉ cấm đạo nghiêm ngặt hơn. Đàng khác, các sĩ phu nổi lên phát động phong trào “bình Tây sát Tả” gây nhiều khốn đốn và tang thương cho người có đạo. Quan hệ lương giáo cũng rất căng thẳng. Nguyễn Trường Tộ tường thuật: “Hiện nay ở tỉnh Nghệ hai bên lương giáo lòng đang sôi sục. Một bên nói không thể nào chung sống, phải giết cho hết tiệt mới thôi. Một bên nói con thú mà bị khốn quẫn còn cắn càn huống chi là con người? Nếu bên kia không để cho cùng sinh cùng dưỡng, thì bên này cũng quyết không để bó tay chịu trói… Nhà nào ngõ nào cũng xôn xao bàn tán chuyện đó (…). Hơn nữa, sự thù hằn này đã sâu sắc, việc làm ác độc này đã kéo dài, lòng không sao yên được”[16].
 
Từ khi triều đình Huế phải nhường cho Pháp 3 tỉnh, rồi 6 tỉnh Nam Kỳ, giới sĩ phu càng thêm căm thù Pháp và đổ nỗi tức giận lên đầu giáo dân. Một số người cho rằng Công giáo bị bách hại là vì lý do theo Tây. Nguyễn Trường Tộ khẳng khái phản đối việc chụp mũ này và giải thích thái độ của giáo dân đối với triều đình như sau: “Dữu[17] dân cũng là người, ai lại không có lòng trung hiếu? Sở dĩ phải tránh đi xa mà mong nhờ cứu giúp, gọi người khác bằng cha, gọi người khác bằng mẹ là vì thời cùng thế bức, cực chẳng đã phải tạm trốn tránh chứ đâu phải trong lòng muốn như vậy! Không thấy như con  đối với cha mẹ đó sao? Hễ bị đòn nhỏ thì chịu, đòn lớn thì bỏ chạy là vì lợi hại thiết thân, không thể không được. Vì vậy sự thuận mệnh cũng có khi không thể làm được”[18].
 
Nhận định về hậu quả của chính sách bách hại Công giáo, ông quả quyết hành động đó chỉ làm rối loạn xã hội: “dân tao động lẽ nào nước không sinh họa loạn?” Hơn thế nữa, bắt đạo không những không thể tiêu diệt được đạo, mà trái lại còn tạo nên kết quả trái ngược. Lấy lại tư tưởng của Tertulliano, Nguyễn Trường Tộ viết: “Giết một người thì có nghìn người theo, giết mười người thì có vạn người thêm. Vua tướng các nước đã không tiêu diệt nổi đạo, mà trái lại được đạo cảm hóa. Vì sao vậy? Vì phàm vật gì có sức lớn mà lại có gốc nguồn thì càng bị quấy rối di động càng xuất hiện mãi mãi không cùng. Như nước và lửa, có ai có thể múc hết nước, dập tắt hết lửa?”[19].
 
Trong phần kết luận, Nguyễn Trường Tộ công nhận cũng có một số ít giáo dân vi phạm phép nước nhưng không thể đổ tội cho tất cả giáo dân. Theo ông, “giáo dân cũng do tạo vật sinh dưỡng và đạo giáo cũng do tạo vật bảo dưỡng, huống chi giáo dân cũng là một thành phần của nhân dân trong nước? Trong số đó, nếu có kẻ bội nghịch cũng chẳng qua một phần nghìn phần trăm mà thôi, tại sao không minh xét mà cứ đổ riết cho tất cả là nghịch? (…) Nói tóm lại, bất kỳ trong đạo giáo nào, hễ ai phản nghịch loạn thường đều là người đắc tội trong tôn giáo, cứ áp dụng hình pháp không tha để cho đạo giáo được trong sạch (…). Đồng hành mà không nghịch nhau là được, cần gì bắt phải nhất tề những cái mà tạo vật không thể nhất tề, cũng không cần thiết phải nhất tề, để làm tổn thương hòa khí?”[20].
 
3) Cuối cùng, theo Nguyễn Trường Tộ, tự do tôn giáo thuộc về tính tự nhiên của trời đất và do đó nằm trong quyền căn bản của con người: “Cái đức lớn của trời đất là sự sống. Sống là gì? Là làm cho muôn vật đều được bảo toàn thiên tính của nó. Vì vậy mà trên trời có sao sáng mây đẹp thì cũng có gió lớn mây to; dưới đất có lúa tươi thóc tốt thì cũng có cỏ xấu sâu độc. Tuy tốt xấu khác nhau nhưng đều được sinh nở không cái nào bị hại. Như vậy mới sáng tỏ cái đại toàn của trời đất. Chứ cái gì đẹp thì tài bồi, cái gì xấu thì dẹp bỏ, cái gì hay thì che chở, cái gì dở thì hủy hoại thì không làm sao thấy được cái vĩ đại, cái kỳ diệu của tạo vật”[21].
 
Nhưng trong bối cảnh của Việt Nam thời đó, tự do tôn giáo còn được xem như một kế sách ngoại giao và giải pháp thực tiễn chống lại âm mưu xâm lược của người Pháp. Điều trần “Thiên hạ đại thế luận” nêu rõ lý do sau cùng này: “Người Pháp đến đây, một là hỏi tại sao ta giết giáo sĩ, hai là hỏi tại sao không chịu giao thiệp, ba là xin ta cắt cho họ một vài chỗ để làm đường giao thương như các nước thường làm. Lúc đầu họ không có ý đi cướp nước người. Nếu yêu sách của họ được thỏa mãn, họ sẽ chấm dứt những hành động gây hấn như đã ước định chứ đâu đến nỗi dây dưa lan rộng như thế”[22].
 
Trên thực tế, Liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã mượn cớ triều đình bách hại Công giáo để mang quân đánh Đà Nẵng năm 1858 và chiếm Gia Định (Sài Gòn) năm 1861. Trong hòa ước 1862, điều khoản đầu tiên là yêu cầu cho tự do theo đạo trên toàn quốc Việt Nam. Điều kế tiếp mới yêu cầu cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp làm thuộc địa. Với kiến thức sâu rộng và tầm nhìn xa, Nguyễn Trường Tộ hiểu thâm ý của người Pháp, vì vậy ông xin triều đình bãi bỏ việc cấm đạo. Ông đặc biệt lưu ý triều đình rằng Pháp lấy cớ bách hại tôn giáo (tuy là có thật) để can thiệp vào Việt Nam, nhưng chủ đích thâm sâu của họ là mượn cớ xâm chiếm nước ta.
 
Mặc dù bị liệt vào thành phần bị bách hại, Nguyễn Trường Tộ vẫn không có mặc cảm hay duy trì hận thù, mà còn thành khẩn đệ lên triều đình hàng loạt điều trần nhằm khẩn trương canh tân đất nước để nhanh chóng thoát khỏi hiểm họa mất nước. Tự Đức lúc đầu ngờ vực, sau đó cũng có lúc đánh giá cao một số bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, vì vậy nhà vua đã ban hành chỉ dụ ngày 14.3.1868 cho Cơ mật viện như sau: “Nay hãy đệ nạp các bản, trong đó các khoản nên chăng như thế nào, khoản nào nên làm ngay, khoản nào nên đình lại, nhất phải nói rõ (phải phác trình riêng cho biết có bao nhiêu nguyên bản, sát kiểm sơ qua các khoản để tiện xem). Lại phải tiến trình các bản chưa đóng hãy đóng chung lại kẻo mất”.
 
Theo đề xuất của Cơ mật viện, vua Tự Đức cử Nguyễn Trường Tộ cùng với Hồ Văn Long đi tìm mỏ từ Nghệ An ra Bắc. Nhưng liền sau đó, vua đổi ý và triệu tập Nguyễn Trường Tộ cùng với giám mục Gauthier vào Huế để cử đi Pháp tìm giáo viên và mua máy móc, thiết bị.
 
Ngày 10-1-1867, phái đoàn lên đường đi Pháp. Cuối tháng 3 năm 1867, phái đoàn đã có mặt tại Paris. Giữa lúc đó người Pháp phản bội hòa ước 1862, ngang nhiên chiếm ba tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên. Phái đoàn được cấp tốc gọi về nước và ngày 25-11-1867 đã rời Pháp lên đường về Việt Nam. Giám mục Gauthier đã mua hơn 100.000 francs hàng hóa và thiết bị để mở trường tại Huế. Nhưng tất cả máy móc thiết bị và chương trình đào tạo nhân tài cũng như canh tân đất nước đành phải xếp xó, vì đa số các quan trong triều đình lo sợ ảnh hưởng của các giáo sĩ Pháp trên giới trí thức Tây học tương lai. Hơn nữa, tháng 4 năm 1868, bùng nổ ở khắp nơi cuộc phản kháng dữ dội của giới sĩ phu chống lại người Công giáo. Nhiều người gây áp lực để nhà vua ra lệnh cấm đạo một lần nữa. Trong bối cảnh đó, đề nghị cải tổ giáo dục và phát triển đất nước của Nguyễn Trương Tộ đương nhiên bị hủy bỏ, vì nhà vua nhu nhược, quan lại vô trách nhiệm, tầng lớp sĩ phu lạc hậu, nhất là thái độ hiềm khích đối với người Công giáo!
 
Một lần nữa, Nguyễn Trường Tộ lại giã từ kinh thành Huế để trở về Nghệ An, với một nỗi niềm u uất của một trí thức có tài và luôn nặng lòng với dân tộc, nhưng đành bất lực trước cảnh nước mất nhà tan. Do chủ trương bế quan tỏa cảng, thái độ tắc trách, thiển cận và đố kị tôn giáo, triều đình vua Tự Đức đã làm cho Việt Nam không những bị phân hóa, rơi vào cảnh nồi da xáo thịt, mà còn bỏ lỡ cơ hội hiện đại hóa đất nước như trường hợp Nhật Bản. Kết cục thê thảm là nước mất nhà tan!

3- Thân phận một trí thức “sinh bất phùng thời”!
 
Ngày 22-11-1871, Nguyễn Trường Tộ tạ thế trong cảnh bần hàn, chỉ mới hưởng dương bốn mươi mốt tuổi. Ngay khi còn trẻ, Nguyễn Trường Tộ nổi tiếng thông minh và được mệnh danh là “trạng Tộ”. Ở  vào hậu bán thế kỷ XIX, ông đích thực là một trí thức Việt Nam độc đáo, với tư duy hết sức sâu sắc, toàn diện và mới lạ, kết hợp nhuần nhuyễn kiến thức Âu-Á. Ông những đau đáu nỗi đau mất nước và muốn thể hiện tính chất người công giáo tốt, đồng thời là người công dân yêu nước, tận tình tận nghĩa với quê hương. Nỗi đau nhất của ông là mặc dù có tài, có tâm và đã lao tâm khổ trí để soạn thảo chiến lược phù hợp với nhu cầu của một đất nước đang đối diện với họa ngoại xâm, thế mà không những ông không có cơ hội để phục vụ đất nước, mà còn bị nghi ngờ, đố kỵ.
 
Theo Đinh Văn Chấp, Nguyễn Trường Tộ “khi chết thổ ra một cục máu lớn”[23], biểu lộ nỗi u uất và thất chí tích tụ trong suốt cuộc đời. Có lẽ dựa trên lời kể của gia đình Nguyễn Trường Tộ, Lê Thước đã viết: “Bệnh của tiên sinh, có người bảo là ung thư ruột, có người bảo là chứng tụ máu: trong bụng có một cục gì nho nhỏ chạy qua chạy lại. Sau khi tiên sinh mất, các bạn bè đến khóc, có người hiểu tâm sự của tiên sinh nhất đã than rằng: “Học thức như thế, mà chẳng thi thố được một điều gì để rồi cuối cùng mang bệnh mà chết. Thương thay!” Rồi người nhà thấy trên chăn đắp có dấu máu rướm, mở ra xem thì đó là cái cục trong bụng đã vỡ phun ra máu”.[24]
 
Riêng Giám mục Gauthier, trong lá thư đề ngày 1-11-1871 gửi về Pháp, đã giải thích cái chết này một cách khác: “Người giáo hữu Việt Nam mà tôi đem theo năm 1867 và người ta gọi là Kiến trúc sư (…) đã là nạn nhân của một âm mưu đầu độc”. Sự thật, đối với chủ trương “bình Tây sát Tả” của phong trào Văn Thân ở Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ, Nguyễn Trường Tộ bị xếp vào loại tay sai của thực dân cướp nước. Việc Nguyễn Trường Tộ cộng tác đắc lực với Giám mục Gauthier để xây dựng cơ sở Nhà chung to lớn theo kiểu Tây phương tại Xã Đoài cũng là “một thứ cao ngạo” khó được tha thứ. Vì vậy, giả thuyết Nguyễn Trường Tộ bị đối thủ đầu độc không phải là không có căn cứ.
 
Theo sử gia Trương Bá Cần, chúng ta không biết chắc Nguyễn Trường Tộ chết vì nguyên nhân nào, nhưng cái chết này mang nhiều nghi vấn: “Đối với chúng ta ngày nay, Nguyễn Trường Tộ là một người yêu nước. Nhưng trước con mắt của những người đương thời, những người không hiểu được nỗi lòng của một con người tha thiết với dân với nước, được bộc lộ qua các văn bản gởi lên triều đình Huế, – nhất là trước con mắt của nhân dân Nghệ Tĩnh, quê hương của phong trào “bình Tây sát Tả”, – Nguyễn Trường Tộ chỉ là một người công giáo đi lại, gần gũi các thừa sai Pháp, được coi như tay chân của thực dân cướp nước[25]. Trong mọi trường hợp cái chết này có nhiều dấu hiệu bất thường  và biểu lộ số phận bi đát của một trí thức “sinh bất phùng thời” hay sinh nhầm lãnh thổ.

Cho đến năm 1868, Nguyễn Trường Tộ vẫn duy trì quyết định sống độc thân,  không muốn “hệ lụy vợ con”, vì muốn được tự do và thanh thỏa theo đuổi chí lớn. Mãi đến những năm cuối đời, sau khi các điều trần cũng như các dự án canh tân gửi vua Tự Đức bị chống đối quyết liệt và bị xếp xó, ông trở về Xã Đoài và lập gia đình với bà Vũ Thị Cam vào năm 1869, nghĩa là chỉ vỏn vẹn hai năm trước khi từ trần. Ông bà làm nhà trước cổng Nhà chung Xã Đoài để dễ dàng đốc suất công trình xây dựng cơ sở Tòa Giám mục Xã Đoài. Ông bà chỉ có một người con là Nguyễn Trường Cửu và khi Nguyễn Trường Tộ từ trần đứa con này vẫn còn trong lòng mẹ.
 
Nguyễn Trường Cửu dời nhà về thôn Bùi Chu bây giờ. Ông có hai đời vợ. Người vợ đầu qua đời sớm và chỉ có với ông một người con gái. Người vợ thứ hai (quê làng Nhật Quang, thị trấn Nam Đàn) sinh được ba người con trai là Nguyễn Trường Võ, Nguyễn Trường Văn và Nguyễn Trường Triều. Nguyễn Trường Văn (sau đổi tên thành Nguyễn Trường Tín) và Nguyễn Trường Triều đi tu làm linh mục. Nguyễn Trường Võ lập gia đình với bà Nguyễn Thị Lý và sinh được 7 người con (ba trai và bốn gái), nhưng tất cả đều chết yểu, chỉ còn lại bà Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Thị Bang. Như vậy, dòng họ Nguyễn Trường đến đấy là chấm dứt, không còn người nối dõi tông đường.

Nguyễn Trường Võ tiếp tục sống trên phần đất của gia đình cho tới những năm giảm tô và cải cách ruộng đất. Trong cơn phong ba bão táp này, tất cả ruộng vườn của gia đình Nguyễn Trường Tộ bị tịch thu và phân phát cho người khác, kể cả ngôi nhà ngói 3 gian do ông xây cất trên nền đất của gia đình cũng bị dỡ đi. Nguyễn Trường Võ phải đi tù, gia đình tan nát và hai người con gái phải đi ở đỡ.
 
Sau cải cách ruộng đất, gia đình Nguyễn Trường Võ được phép trở lại khu vườn cũ. Tuy nhiên, lúc đó chỉ còn trơ lại một mảnh vườn hoang. Ông đã dựng tạm một căn lều trên nền đất cũ để sống qua ngày đoạn tháng. Sau khi ông qua đời (ngày 1 tháng 1 năm 1973), vợ ông, bà Nguyễn Thị Lý, tiếp tục sinh sống trên mảnh đất tổ tiên cho đến khi qua đời (tháng 5 năm 1991). Gia đình bà Nguyễn Thị Bang tiếp quản khu vườn này và hiện tại người con trai đầu của bà đang sinh sống trên khu đất đó.
 
Năm 1991, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày mất của Nguyễn Trường Tộ, Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học Xã hội tổ chức hội thảo về “Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước” để tiếp tục suy nghĩ về vấn đề canh tân đất nước. Mặc dù một trăm hai mươi năm đã trôi qua và Việt Nam đã bước vào thời kỳ mở cửa, thế nhưng một số người vẫn nói với ban tổ chức: “Hội thảo về Nguyễn Trường Tộ phải cẩn thận đấy, vì đó là một nhân vật công giáo”[26]. Rất may cuối cùng hội thảo vẫn được tổ chức.
 
Từ khi Nguyễn Trường Tộ viết điều trần về “Giáo môn luận” để biện minh cho quyền tự do tôn giáo cho đến nay, biết bao nhiêu lần lịch sử đã sang trang. Năm 1948 Liên Hiệp Quốc đã công bố Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, trong đó tự do tôn giáo là thành phần căn bản của nhân quyền. Nhưng, mặc dầu nhân loại đã bước sang thiên niên kỷ thứ III, nơi chính quê hương của Nguyễn Trường Tộ thì tự do tôn giáo vẫn còn nhiều giới hạn và ngộ nhận đáng tiếc. Đặc biệt, năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 140 năm ngày từ trần của Nguyễn Trường Tộ, hội thảo “Nguyễn Trường Tộ: Xưa và Nay” dự định tổ chức tại Vinh, nào ngờ cuối cùng đành phải hủy bỏ, vì bối cảnh xã hội vẫn chưa cho phép! Một lần nữa, phải chăng vì Nguyễn Trường Tộ là một trí thức công giáo?

 

Đức cha Phaolô cùng một số nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước
thắp hương kính viếng lăng mộ Nguyễn Trường Tộ, 16/8/2012

 
Hôm nay, đứng trên nền nhà cũ của ông Nguyễn Trường Võ ngày xưa nhìn về hướng Tây khoảng 150 thước là ngôi mộ của Nguyễn Trường Tộ. Ngôi mộ bằng đá do ông Từ Ngọc Nguyễn Lân và một số thân sĩ ở Nghệ Tĩnh dựng lên. Nhưng nó nằm chơ vơ, cô quạnh, trên gò đất cao, nhìn ra cảnh đồng không mông quạnh. Vào dịp kỷ niệm 140 ngày mất của Nguyễn Trường Tộ, một nhóm thân hữu muốn tôn tạo ngôi mộ này. Nhưng đành bó tay, vì điều kiện xã hội và các thủ tục rườm rà, nhiêu khê… vẫn chưa cho phép.
 
Cũng vào thời điểm kỷ niệm 140 ngày từ trần của Nguyễn Trường Tộ, vào một buổi chiều buồn, nhạt nắng…, giáo sư Nguyễn Khắc Dương âm thầm đến viếng mộ “ông trạng Tộ”, một người con ưu tú của xứ Nghệ. Nhìn cảnh cô quạnh, hoang sơ và tiêu điều này, ông chạnh lòng và cảm tác:
 
Ngôi mộ chơ vơ giữa cánh đồng
Chao ôi, nguyên khí của non sông?
Kinh luân thao lược đành ôm hận,
Kiến nghị, điều trần chỉ luống công.
Vận nước điêu linh khôn cứu vãn,
Cơ trời huyền nhiệm vẫn chờ mong.
Thánh đường bóng ngả, chuông chiều đổ,
Dâng nén tâm hương, những chạnh lòng!
 
Bài thơ man mác buồn vì quá hiện thực và điêu linh, ngoại trừ một tia hy vọng xa mờ: “Cơ trời huyền nhiệm vẫn chờ mong”. Ước mong sao “cơ trời huyền nhiệm” đó sớm ló dạng trên đất nước này.
 
Một câu hỏi khác vẫn ám ảnh tôi: Tại sao các chương trình cải cách tại Việt Nam đều giang dở và các nhà cải cách bị đánh giá thấp?[27] Trên đất nước thân yêu này đã và đang còn bao nhiêu “Nguyễn Trường Tộ” như thế? Phải chăng, tại mảnh đất thân yêu này hầu hết các nhà cải cách đều cô đơn và chung cuộc phải rơi vào tâm trạng u uất, thất chí?

 
[1] Xem chẳng hạn Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm, Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước, NXB Đà Nẵng, 2000; Trần Văn Lắm, Mai Thọ Tuyền, Phạm Đình Tân…, Nguyễn Trường Tộ và thời đại chúng ta, Văn Đàn, Sài Gòn, 1973; Đặng Huy Vận & Chương Thâu, Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1961; Phan Quân, “Nguyễn Trường Tộ, Lương Khải Siêu Việt Nam”, Nhật báo Tiếng Dội SG, 19-1-1950.

[2] Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ – Con người và di thảo, NXB Tp HCM, 1988, tr. 170.

[3] Thơ văn yêu nước nửa sau TK XIX, NXB Văn học Hà Nội, 1967, tr. 467.

[4] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, chương VIII,

[5] Phan Bội Châu, Việt Nam Quốc sử khảo, NXB Giáo dụ, Hà Nội 1962, tr. 149.

[6] Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ…, sđd., tr. 392.

[7] Sđd, tr. 123.

[8] Sđd, tr. 110.

[9] Sđd, tr. 117.

[10] Sđd, tr.115.

[11] Sđd, tr.117.

[12] Sđd, tr. 116.

[13] Ibidem.

[14] E. Louvet, La Cochinchine Religieuse, t.II, Paris, 1885, tr. 295; trích dẫn theo Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, t.II, 2008, tr.233.

[15] Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ…, sđd., tr. 181.

[16] Sđd, tr. 182.

[17] Theo Trương Bá Cần, dữu là cỏ xấu phá hoại cây lúa. Trong thời bắt đạo, từ Minh Mạng đến gần cuối Tự Đức, người Công giáo bị gọi là dữu dân để phân biệt với lương dân (chú thích 1, tr. 119).

[18] Sđd, tr. 116.

[19] Sđd, tr. 118

[20] Sđd, tr. 118.

[21] Sđd, tr. 115.

[22] Sđd, tr. 108

[23] Sđd., tr. 447.

[24] Lê Thước, Tiểu sử Nguyễn Trường Tộ tiên sinh, dẫn theo Trương Bá Cần, Sđd., tr. 443.

[25] Sđd., tr. 61.

[26] Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm, Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước, NXB Đà Nẵng, 2000, tr. 5.

[27] Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 đã giới thiệu “Phan Châu Trinh và xu hướng cải cách” như sau: “Ông là người sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, chủ trương cứu nước bằng biện pháp cải cách như nâng cao dân trí, dân quyền, dựa vào Pháp để đánh đổ ngôi vua và bọn phong kiến hủ bại, xem đó như là điều kiện tiên quyết để giành độc lập”. Và trong mục gợi ý ở cuối bài, các nhà soạn sách giáo khoa yêu cầu học sinh: “Hãy nêu những sự kiện chứng minh Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản…”.

Tác giả: Gm. P. Nguyễn Thái Hợp

Nguồn tin: www.lamhong.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập482
  • Hôm nay83,829
  • Tháng hiện tại889,084
  • Tổng lượt truy cập58,174,953
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây