Thành ngữ Huế.

Thứ sáu - 31/12/2010 10:05

Xứ Huế.

Xứ Huế.
Dù là một người Huế, nhưng khi đã đi xa nhiều năm tháng, có lẽ bạn nên một lần nghe lại cách nói của người Huế. Bạn sẽ nhận ra ngôn ngữ Huế luôn tượng hình, ngụ ý sâu xa và lãng mạn như trong thi ca.

MỘT SỐ THÀNH NGỮ HUẾ

Ăn cháo đá bát: hạng phản bội, phản trắc, phụ ơn (Ở đời phải cho chung thủy, có nghĩa với nhau, thọ ơn ai phải nhớ báo đáp, đừng làm hạng ăn cháo đá bát) (nói văn hoa).

Ăn chưa no lo chưa tới: ý nói người đang còn nhỏ tuổi, non dại.

Ăn chực nằm chờ: chờ đợi (Ra tỉnh xin giấy tờ phải ăn chực năm chờ cả tháng).

Ăn coi nồi, ngồi coi hướng: ý nói ăn uống phải dè dặt để ý trước sau, và cũng phải lựa chỗ ngồi ăn cho thích hợp với địa vị của mình.

Ăn cỗ đi trước lội nước đi sau: khôn ngoan ở đời.

Ăn cơm chúa múa tối ngày: lãnh lương của chủ phải làm việc đàng hoàng (Ở Mỹ đi làm việc cũng có tiền nhưng phải làm việc cho đàng hoàng, ăn cơm chúa múa tối ngày).

Ăn cơm nhà vác lá ngà cho quan: tức cũng như "Ăn cơm nhà vác ngà cho thiên hạ". Hồi xưa, triều Nguyễn dùng chế độ trưng dụng nhân công, dân đinh trai tráng để làm việc công ích như làm đường, đồn lũy... Tre lá ngà là thứ tre màu vàng thường dùng để làm nhà, rất nhiều ở thượng nguồn Thừa Thiên. 

Ăn cơm cùng mâm nằm cùng chiếu: chia sẻ với nhau (Bạn nối khố thường là bạn ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu).

Ăn ở như bát nước đầy: ăn ở trọn tình trọn nghĩa (Vợ chồng ăn ở với nhau như bát nước đầy).

Ăn lấy hương lấy hoa:  Ăn cho có lệ, ăn chút xíu để khỏi bị trách móc (Tuy đã ăn ở nhà nhưng đến bàn tiệc cũng phải ăn lấy hương lấy hoa kẻo bị chê là khinh thường gia chủ). 

Ăn không ngồi rồi (không nghề không ngỗng): vô nghề vô nghiệp (Ăn không ngồi rồi, núi bạc cũng lở).

Ăn mắm mút dòi: hà tiện quá sức

Ăn như thúng lủng khu: ăn mấy cũng không vừa (Đàn ông con trai ăn như thúng lủng khu).

Ăn tươi nuốt sống: 1. giận quá (Hắn lừa bẫy tui, tui muốn ăn tươi nuốt sống hắn). 2. hơn trội hẳn (Thi toán thì tui ăn tươi nuốt sống hắn).

Ăn quen bén mùi: quen thói (Ăn quen bén mùi tên trộm trở lại nên bị bắt).

Ăn thủng nồi trôi rế: Ăn sạch tất cả. Rế = Rế Nồi = cái đế đan bằng tre dày để đựng nồi cơm đang nóng khi đuống xuống cho khỏi cháy bàn. Ở thôn quê, thường người ta dọn cả cơm để trên bàn để xới vào chén cho tiện. Khi vét nồi, phải lấy nồi ra khỏi rế để cạo nồi. Rế đi một ngã, nồi đi một ngã, cạo nồi đến nỗi nồi thủng và rế trôi đi đường rẽ. Do đó mới có chữ "thủng nồi trôi rế".

Ăn to nói nậy: Ăn to nói lớn (Người hay ăn to nói nậy mà sợ đàn bà như cọp).

Ăn xổi ở thì: không chung thuỷ, không bền, tạm thời (Những kẻ ăn xổi ở thì chẳng ai ưa thích).

Ào ào không hao bằng lộ mội: Nước chảy rỉ lâu ngày hao hơn là chảy ào một lúc.

Ách giữa đàng mang vào cổ: bị liên lụy oan uổng (nói văn hoa).

Ăn chấm mút đũa: Ăn một tí mà thôi, ăn cho có lệ, ăn cho có (Chị mời quá tui cũng ăn chấm mút đũa, cho chị thấy tui không làm khách).

Ăn rồi quẹt mỏ như gà: Vô ơn, bạc bẽo (Người vô ơn quen thói ăn rồi quẹt mở như gà).

Ẩu tả bạt mạng: liều lĩnh (Tánh người ẩu tả bạt mạng).

 

Ba tháng biết cạy, bảy tháng biết bò: phát triển thông thường của trẻ em, biết lật khi ba tháng, biết bò khi bảy tháng. Ba tháng mà chưa biết lật, chưa biết chạy để quây trở lại gọi là "trốn lật".

Bán trâu vẽ bóng giữa đồng: bán hàng mà chỉ được coi hình mà thôi (Hỏi em có thương anh không, hay là bán trâu vẽ bóng giữa đồng cho anh- Hò Huế).

Bắn súng canh nông không thấu: bà con quá xa, thấy sang bắt quoàng làm họ.

Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn: ám chỉ tình mẫu tử. Mẹ thương nhường chỗ ráo cho con và nằm thay vào chỗ khô bị ướt vì nước tiểu.

Bộ mặt như đưa đám ma: mặt vẻ buồn rầu (vác bộ mặt như đưa đám ma đến nhà người ta, ai mà chịu nổi).

Bói ra ma, quét nhà ra rác: nhìn kỹ thì khi nào cũng thấy có khuyết điểm.

Bóng xế trăng chiều: về già (Con nhà quý phái chán chi kẻ yêu thương, cớ làm sao anh phòng không khối chiếc, chịu cảnh bóng xế trăng chiều hở anh- Hò Huế) (Nói văn hoa).

Bóp hầu nặn họng: bắt chẹt (Chủ nợ bóp hầu nặn họng con nợ).

Bóp muối xoa chanh: trị chỗ xưng (Anh bổ, để em bóp muối xoa chanh cho anh đỡ đau).

Bô lô chi trợt: tay trắng vẫn hoàn toàn trắng tay; mất hết (Lụt lịt mà chín mà mười, vừa nói vừa cười bô lô chi trợt- Phong dao Huế). Năm ngoái trồng khoai, khoai không có cộ, năm ni cây ló, ló lỗ mất màu. Thôi đừng nói chuyện hơn thua, ba lô chi trợt, như tay bản điền làm ruộng mất mùa mà thôi.

Bôn ba chẳng qua thời vận: làm gì cũng có số có thời.

Bổ lăng chiên đổ đèn: bổ té bổ càng (Bị vấp, bổ lăng chiên đổ đèn).

Bỏ thì thương, sương thì nặng: Vất không đành (Sách học hồi tú tài, bỏ thì thương sương thì nặng).

Bôn ba chẳng qua thời vận: làm gì cũng có số có thời.

Buôn đầu chợ, bán cuối chợ: buôn bán không có cửa hàng nhất định (Đầu tắt mặt tối, buôn đầu chợ bán cuối chợ để kiếm tiền nuôi con ăn học).

Buôn tây buôn tàu không bằng giàu tằn tiện: tằn tiện là nhất.

Buôn thúng bán bưng: buôn hàng lẻ (Kiểu bán hàng nhẹ ở Huế, bưng gánh đi bán rong khắp nơi).

Buông chầm cầm chèo: dùng chầm để chèo di chuyển thuyền ở chỗ cạn, ra chỗ sông rộng phải dùng chèo, ý nói cảnh nào thì giải pháp nấy, còn có ý "Chống trả, làm việc luôn tay, liền tay" (Ngồi ăn, anh nớ đói quá, buông chầm cầm chèo luôn tay, thấy mà bắt mệt).

Bửng lưng bơ lơ: Sững sờ. (Nghe tin thầy Lễ bị tai nạn tụi em đứa mô đứa nấy bửng lưng bơ lơ).

Bước một ao hao một đọi: lời mời khéo để mời khách dùng cơm (Tuy anh đã ăn rồi, nhưng bước một ao hao một đọi, xin mời anh dùng vài chén cơm cho vui).

Bút sa gà chết: phải cẩn trọng khi ký giấy tờ (Ký giấy tờ cũng phải suy nghĩ đắn đo trước khi hạ bút vì bút sa là gà chết).

 

Cá gáy hóa rồng: cá gáy (Cá chép vượt qua khỏi vũ môn là hóa thành rồng, nói văn hoa, ví như người học trò vượt vũ môn là thi đỗ, hoá thành rồng là ra làm quan. Bao giờ cá gáy hóa rồng. Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa- Ca dao Huế).

Cá mè một lứa (cá đối bằng đầu): như nhau (đối với người lớn mà hỗn láo, coi ai cũng cá mè một lứa).

Cái khó bó cái khôn: nghèo ít tiền nên hạn chế phương tiện, khó tính toán làm ăn hoặc giải quyết vấn đề.

Cái nẩy sẩy cái ung: việc nhỏ hóa ra việc lớn (Cái sẩy nẩy cái ung, từ chuyện con gà đến đưa nhau ra cửa quan).

Cay con mắt, tắt ngọn đèn: Trừ bỏ nguyên nhân gây ra (Tắt đèn ngủ để khỏi cay con mắt).

Cám cảnh sinh tình: vì cảnh vật hoặc vì cảnh ngộ mà sinh dồi dào tình cảm (Thấy núi non đẹp nên anh cám cảnh sinh tình làm một bài thơ; Thấy cảnh ngộ chị, cám cảnh sinh tình anh cưới làm vợ).

Cây khô chết đứng giữa trời: hình ảnh một cuộc đời khô héo tàn tạ oan ức (Không nghe lời thân phụ thì thất hiếu với thân phụ, nghe lời thân phụ thì bỏ nghĩa anh ơi, tấm thân em như cây khô chết đứng giữa trời, tội chưa - Hò Huế).

Cạch mặt đến già (Cạch đến già): sợ đến già, không dám nữa (Gặp thằng du côn tui cạch mặt đến già).

Cả vú lấp miệng em (trám miệng): hối lộ, bịt miệng (Hắn dùng tiền tài để cả vú lấp miệng em).

Cảnh phòng không chiếc bóng: cảnh cô đơn khi vắng chồng hay goá bụa.

Cấn ăn cấn nói: khó ăn khó nói (Có mặt chú nên thợ cấn ăn cấn nói với nhau).

Cắn không ra, cà không bể: khó ăn, gặp đồ "ăn không được" (Mua lầm thứ đậu xanh "cắn không ra, cà không bể". Chua lắm, hắn mà cho cái chi thì cái nớ cũng là thứ "cắn không ra, cà không bể").

Cha mẹ nói oan, làm quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa: thân phận làm con, làm dâu và làm vợ ngày xưa thường bị ức hiếp.

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính:  tánh tính mỗi người tự nhiên phát triển.

Cha ôn chi tui, ôn mệ chi tui: không phải là chuyện trên đầu trên cổ của chính mình mà phải lo. Ý nghĩa rộng là "không cần phải lưu tâm vì không quan hệ đến mình" (Cha ôn chi tui mà bắt tui lo. Ôn mệ chi tui mà bắt tui phải hầu hạ cho nhọc xác).

Cha hồ chú dẫn (cha chà chú chóp): người không gốc gác (Tui mô phải là "cha hồ chú dẫn" mà coi thường tui được. Đồ cha chà chú chóp, mắc mớ chi mà sợ!).

Chê bai vặn vọt: làm khó dễ (Thầy mẹ chê bai vặn vọt, em biết làm dâu ai chừ - Ca dao).

Cháo nóng húp quanh, nợ trả dần: thủng thẳng giải quyết vấn đề (Có chi mà sợ, cứ từ từ mà tính, đã có câu "cháo nóng húp quanh, nợ trả dần" mà).

Cháy nhà ra mặt chuột: khi nguy hiểm mới biết rõ sự thật.

Chén sành cọ chén đất: Thanh lẫn với tục (Chị nớ lấy anh nớ như chén sành cọ với chén đất).

Chỉ đường cho hươu chạy: đồng lõa, giúp bày vẽ đường đi cho người khác thoát khỏi cảnh ngặt nghèo (Cùng là một phe mà lại chỉ đường cho hươu chạy, định làm phản hay răng đây?).

Chọn vợ coi tông, chọn chồng coi giống: đàn bà làm vợ quý nhất ở đức hạnh và chung thủy, thường do gương mẹ mà có. Đàn ông cần giống tốt, dòng tốt để có con nối dõi tông đường.

Chồng chúa vợ tôi: câu thường dùng để nói đến các ông chồng người Huế, hay bắt vợ hầu hạ mình (Người Huế chồng chúa vợ tôi. Ngẫm xem chưa biết ai là chúa ai. Trời dông ngày ngắn đêm dài. Vợ ho một tiếng, bẩm bà đòi chi (Ca dao Huế). Tuy nhiên, vợ chồng người Huế thường hay có cảnh "chồng kêu vợ dạ" biểu hiện lễ nghi truyền thống của các gia đình vọng tộc dễ bị người ngòai hiểu lầm là "chồng lấn áp vợ". Đó chỉ là cảnh vợ chồng hòa thuận, biết lấy lễ nghĩa đối xử với nhau của người Huế.

Chổng mông vắt xôi: khi em bé chổng mông hoặc vắt tay vào nhau, người lớn thường nói với cha mẹ em bé "em bé muốn có thêm em để làm bạn", ngụ ý muốn có thêm con cháu sau này.

Chỗ chó ăn đá gà ăn muối: (chỗ ma chê quỷ hờn) chỗ heo hút, nghèo nàn (Ăn nói không khéo bị mất lòng cấp trên nên anh nớ bị đổi đến chỗ chó ăn đá gà ăn muối).

Chơi dao có ngày đứt tay (Huế nói chữ): không đùa với lửa.

Chuyện ba đồng bảy đổi: chuyện loanh quoanh (Ngồi buồn nói chuyện ba đồng bảy nổi).

Cơm với cá như mạ với con: Hai thứ phải đi với nhau.

Chờ mạ thì má đã sưng: sự việc đã qua rồi, cần giải quyết gấp ngay (Lụt vô nhà thì lo chồng đồ lên cao, chờ người tới giúp thì đồ đã hư, chờ mạ thì má đã sưng).

Chưa đánh mặt đỏ như son, đánh rồi mặt vàng như nghệ: không biết cách tô điểm, không khôn khéo. Nghĩa rộng= làm hư sự, càng làm càng tệ).

Coi trời như ngọn rau má: khinh thường thiên hạ (Học chưa cao mà đã coi trời như ngọn rau má).

Coi ai cũng như cháu mình: ngụ ý bao bọc, bao dung, không chấp trách (Ra đường gặp thằng nhỏ chưởi cũng không chấp trách, hắn lỡ dại, con ai cũng như cháu mình).

Con nhà lính tính việc nhà quan: không biết tính toán đúng mức, đúng khả năng.

Con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng: sinh con đầu lòng thì về nhà mẹ ruột để được săn sóc kỹ.

Chó sủa sáng trăng: chó sủa đổng. Nghĩa bóng: chuyện không có gì mà cũng làm ồn ào, nói ồn ào cho có  chuyện.

Chọn chồng giữa chốn ba quân: gái khôn phải khéo chọn chồng lúc còn hàn vi để sau giúp chồng trở nên thành đạt.

Cò kè bớt một thêm hai: Mua bán trả giá (Cò kè bớt một thêm hai mãi mới mua được con le le ngon ni về chiên anh xơi).

Có cứng mới đứng đầu gió: Có bản lãnh mới làm được (Chuyện nớ không phải ai cũng làm được, có cứng mới đứng đầu gió).

Có đi có lại mới toại lòng nhau: Ở đời phải có trao đổi qua lại (Quà cáp trao đổi ngụ ý mình có nghĩ đến người khác, có qua có lại mới toại lòng nhau).

Có ít mà xít cho nhiều (đổ hô đổ thừa): Không nói thiệt (Ở đời thường gặp phải cảnh có ít mà xít cho nhiều và đổ hô đổ thừa).

Có mô mà lấy, lấy mô mà bỏ: Vẫn còn ở một mình (Tui vẫn ở không, có mô mà lấy, lấy mô mà bỏ).

Có mợ chợ cũng đông, mợ đi trong Quảng ai trông mợ về: Không cần thiết (Ông giám đốc đi vắng cũng thế thôi, có mợ chợ cũng đông, mợ đi trong Quảng ai trông mợ về).

Có quân mới có tướng: Có người giúp mới nên việc (Ở đời phải có trao đổi với nhau, có qua có lại mới toại lòng nhau).

Có tật có tài (câu an ủi): Người Huế tin rằng người nào có tật thì cũng có tài đặc biệt: Người mù nghe thính, người điếc nhìn miệng người ta mà biết nói gì, người câm có tài ra dấu...

Có tật giật mình: Có lỗi hay sợ người khác biết. Có chừng có đổi (có chừng có mực): có chừng mực, có mực thước (cho ai cũng nên cho có chừng có đỗi).

Có chừng có độ (có chừng có mực): có điều độ, không quá lố (làm chi cũng phải cho có chừng có độ).

Có cũng được mà không có cũng được (có cũng xong mà không có cũng xong): không nhất thiết phải có, không đòi hỏi gì, dễ dãi (Câu người Huế hay nói, đượm màu Phật giáo và Lão giáo).

Có đó không đó: sắc sắc không không (Ở đời không có chi là quan trọng cả, có đó không đó).

Có đôi có đũa: lập gia đình (Mong cho con sớm có đôi có đũa).

Có khi có thì: đúng lúc đúng chỗ, điều độ (Ăn cũng có khi có thì chớ mô phải khi mô cũng ăn. Chuyện vợ chồng cũng có khi có thì chứ đi ngoài đường mà ôm hun hít nhau ngó không được).

Có mắt không ngươi (có mắt không tròng): không nhìn thấy sự việc rõ ràng, không sáng suốt (Có mắt mà không ngươi, vợ hư mà không biết).

Có mấy ăn nấy: 1.có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu (Ngụ ý ăn tiêu có chừng có mực, không thâm lậm). 2. không dè sẻn, không để dành để dụm (Làm bao nhiêu, anh chị có mấy ăn nấy, không bao giờ chịu để dành).

Có mô cho nhiều: không có nhiều (Mỗi người ăn một đọi thôi, có mô chi nhiều).

Có mô mà mượt: có đâu mà mừng, mà ham (Xổ số trật lất một con số, có mô mà mượt).

Có mới nới cũ: bạc tình bạc nghĩa.

Có nghĩa lý chi: có thấm thía gì đâu (Nói rứa có nghĩa lý chi).

Chạy trời không khỏi nắng: Không thể nào tránh khỏi (Làm người ai cũng phải lấy vợ, chạy trời không khỏi nắng).

Chạy vắt chưn lên cổ (Chạy vắt giò lên cổ, chạy có cờ): Chạy trốn (Thua trận, địch vắt chân lên cổ trốn chạy).

Cheo veo một mình: Cô đơn (Giã gạo rồi cối cất chày treo, anh về, em ở cheo veo một mình - Hò Huế).

Chết cha ông bà ông vải: Nguy quá là nguy (Chết cha ông mồ tổ, ra đi mà tui quên tắt điện rồi).

Chia măn chia múa (Chia năm xẻ bảy): Chia rẽ không đoàn kết (Ngoại quốc lúc nào cũng muốn chia măn chia muốn dân mình để dễ thống trị).

Chình ình như cột đình La Chữ: Rõ ràng, ai cũng thấy, ai cũng biết (" Chình ình như cột đình La Chữ"). Làng La Chữ nổi tiếng nhiều dân khoa bảng nên Trần Trọng Kim đã có lần gọi làng "Đa Chữ". Cột đình làng La Chữ lớn nhất trong nước, cả nước đều biết. Làng này, có họ Hà Thúc nổi tiếng ở Huế về khoa bảng.

Chuyện bao đồng chỉ sá: Chuyện loanh quoanh của thiên hạ, không phải của mình (Nói chuyện bao đồng chỉ sá).

Cơm bưng nước rót: 1. Diễn tả người vợ hiền xứ Huế săn sóc chồng hàng ngày, bưng cơm mời chồng ăn, rót nước mời chồng uống (cơm bưng nước rót phản ánh đầy đủ tình của người vợ Huế thương chồng và săn sóc chồng); 2. Được hầu hạ cẩn thật, dấu hiệu được trọng vọng (Thầy giáo dạy kèm trong nhà được chủ nhà cho cơm bưng nước rót đàng hoàng).

Cơm đùm cơm bới: bới cơm theo để ăn trưa tại chỗ làm việc hoặc đem theo khi đi đường xa. Cơm được vắt thật chắc, gói từng mo cau cùng với gói đồ ăn nhỏ, đem theo rất tiện lợi. Nghĩa bóng là chịu khó cực khổ gian nan lúc hàn vi, công trình khó nhọc (Cũng nhờ cơm đùm cơm bới để đi học lúc còn nhỏ nên mới có ngày ni).

Cơm đường cháo chợ: vô gia cư, không nhà ở (Bị vợ bỏ nên phải ăn cơm đường cháo chợ).

Cơm không lành, canh không ngọt: Vợ chồng lục đục với nhau (Cảnh cơm không lành canh không ngọt thường dẫn đến ly dị).

Cơm sống là cơm thảo, cơm nhão là cơm hà tiện: một lời khen khá ép uổng hồi xưa với dâu (Con dâu nấu cơm sống là dâu hiền, dâu nấu cơm nhão vì thêm nước nhiều là dâu hà tiện).

Cờ đến tay ai nấy phất: cơ hội đến với người nào người nấy hưởng (Sợ chi, cờ đến tay ai nấy phất, gặp dịp mình phải chụp lấy).

Của làm ra để trên gác, của đánh bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ: chỉ có tiền làm ra mới quý.

Của một đồng, công một nén: công quý hơn của.

Của rẻ là của hôi: đừng ham của rẻ, không biết cách tiêu tiền (Của rẻ là của hôi, tôi rẻ là tôi vụng).

Của chìm của nổi (của ăn của để): tài sản bề ngoài và tài sản cất bên trong, ý nói giàu có thực lực.

Của chồng công vợ: công khó của hai vợ chồng (Giỏi mấy thì giỏi phải có bà vợ cùng lo, mới ăn nên làm ra được).

Cũ người mới ta: cũ của người khác nhưng đối với mình mới, ngụ ý đồ dùng cũ của người (Lấy vợ đã một đời chồng phải tự an tủi là cũ người nhưng mới ta). 

Củi nè than bọn: cành tre khô làm củi đốt than chóng tàn, ý nói "khiêm nhượng" ( Một mình thua kém kém thua, củi nè than bọn không dám đua trăm rằm- Hò Huế).

Cũng quyền mẹ cha: tuỳ quyết định của cha mẹ (Anh thương em, em cũng biết rứa, chớ thiệt ra cũng quyền mẹ cha mới nên nghĩa vợ chồng).

Cực chẳng đã, tắt là phải nhen: chẳng đặng đừng, lửa đã tắt là phải nhen lại. 

 

Dạn mồm dạn miệng: nói năng không sợ sệt, dám phát biểu ý kiến riêng của mình, dám ăn dám nói (Người dạn miệng dạm mồm thường hay phát biểu ý kiến khi hội họp).

Dầm dãi sương nắng: chịu cực khổ (Khi em nói với anh thì dầm sương dãi nắng nên má em mỏng, chân đạp gốc toót nên gót em mòn, vườn hoa em giữ trọn, con ong lòn cũng không vô- Hò Huế).

Dấu đầu hở đuôi: không giấu giếm được (Chuyện quá rõ ràng, dấu đầu hở đuôi).

Dương danh dương oai: làm oai cho mọi người biết mặt.

Dưỡng khí tồn thần: chữ để dạy con cháu đừng truỵ lạc chơi bời hư đốn  mà mất sức khoẻ. Lấy câu của Y sư Hải Thượng Lãn Ông:"Giữ tinh, dưỡng khí, tồn thần, tinh không hoa tán thì thần được yên".

Dựa trưa đứng bóng: giữa trưa đứng bóng (ngày mồng năm tháng năm dựa trưa đứng bóng ra đứng ngó mặt trời để hách xì thì cả năm mắt sáng như sao).

Dạy ăn dạy nói, dạy gói dạy đùm: con nhà gia giáo được dạy dỗ cẩn thận từ hành động cho đến lời ăn tiếng nói.

Dạy con từ thuở lên ba, dạy vợ từ thuở mẹ cha đưa về: dạy dỗ uốn nắn càng sớm càng tốt.

Dắt trâu vô rú (đưa trâu vô rú): đưa vào mê hồn trận không tìm được lối ra (Dạy học trò như rứa thì làm răng tụi hắn hiểu làm răng tụi hắn hiểu, giống như dắt trâu vô rú), làm đần độn, rối loạn thêm (Dạy cách nớ chẳng khác chi dắt trâu vô rú. Tiếng dân quê nói thụi vì nghe không rõ).

Duyên chàng nợ thiếp: duyên nợ vợ chồng (Duyên chàng nợ thiếp, chớ đổi đừng thay, may thì làm nên danh vọng rủi có ăn mày cũng theo nhau- Hò Huế).

Dư công rồi nghề: quá rảnh rỗi làm chuyện không đáng làm (Dư công rồi nghề mới ngồi nghe cải lương).Điếc không sợ súng: dốt nát không biết nên không uý kỵ.

 

Đan rọ thả trôi sông: ngày xưa con bất hiếu hoặc đàn bà ngoại tình bị nhốt vào rọ rồi để trên bè thả trôi sông (Ví dụ thầy mẹ có đan rọ thả trôi sông, thả trôi thì thả, thiếp không thôi nghĩa chàng- Hò Huế).

Đau như trời giáng: quá đau, thường là quá đột ngột (Bị người yêu bỏ đi lấy chồng, hắn đau như trời giáng).

 Đo nước mắm đếm củ hành: Chồng hà tiện bẩn thỉu (Hằng ngày chồng đưa tiền cho vợ đi chợ rồi còn đo nước mắm đếm củ hành, làm răng vợ ở nổi).

Đồ uống nước không chừa cặn: Người bạc tình (Ăn ở trên đời cần hai chữ chung thủy, chứ cái đồ uống nước không chừa cặn thì ai mà thương cho đặng).

Đổ mồ hôi sôi nước mắt: Làm lụng cực khổ (Đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có ngày nay).

Đừng ghé cụ thợ nề, đừng ghé cụ thợ mộc: tức là đừng đi lang thang, loanh quoanh, ghé nhiều chỗ cho mất thời gian (Nhớ đi mua rồi về ngay, đừng ghé cụ thợ nền, đừng ghé cụ thợ mộc!).

Đường đi dài mới biết ngựa hay: Với thời gian mới biết được tài người ta (Tưởng là khù khờ, té ra gặp lúc nguy biến anh cứu cả cả nhà, đúng là đường dài mới biết ngựa hay).

Đói tay đứng đường: vô nghề nghiệp (Không chịu học, sau làm chi mà ăn hay đói tay đứng đường).

Đọi đất mâm đan: nhà nghèo ăn chén đất mâm tre (Người ta giàu sang thì ăn đũa trắc bịt bạc, khổ như đôi mình thì đọi đất mâm đan, cũng cố thương nhau cho trọn, kẻo thế gian chê cười- Hò Huế).

Đồ ba đàng ba sá: lưu manh, đồ đứng đường (Gặp cái thứ đồ ba đàng ba sá làm chồng thì coi như đời lúa rồi. Đồ ba đàng ba sá, nói ai mà nghe).

Đưa cái mạng tra ra (thí cái mạng cùi): liều mình, liều mạng (Họ mà bắt con tui đi lính, tui đưa cái mạng tra ra đòi đi thế, họ làm chi thì làm).

Đưa con vô nội: hồi xưa, khi người con gái được vua tuyển vào cung để làm cung tần, cha mẹ không thể nào nhìn thấy mặt con nữa, hai bên xa cách vì người con gái không bao giờ được ra khỏi cửa cung hoặc gặp gỡ người thương. Câu này ám chỉ sự xa cách giữa người thân và tình trạng bất khả kháng, không bao giờ thấy mặt nhau được.

Đau rụng râu, rầu rụng tóc: nhận xét theo dân gian hồi xưa.

Đánh trống khỏ mỏ: đi quảng cáo, đi rêu rao (Không cho hắn vay, hắn đi đánh trống khỏ mỏ là mình ích kỷ).

Đã đốn thì phải vác: nhận trách nhiệm (Đã làm cho người ta mang bầu thì phải lấy người ta làm vợ, đã đốn thì phải vác).

Đầu ngoài sân sau lần vô bếp: khởi đầu ở phía ngoài rồi lân la ra tận trong nhà (Anh làm quen với thằng em trước rồi mới ve được chị nớ sau, đúng là đầu ngoài sân sau lần vô bếp).

Đầu tắt mặt túi: làm việc quá nhiều (Hai vợ chồng cùng làm việc đầu tắt mặt túi để nuôi đàn con dại cho nên người).

Đầu tôm xương cá cũng vẫn theo chàng: dẫu cực khổ phải ăn đầu tôm bỏ đi, xương cá vất đi, cũng vẫn theo người yêu (Nói văn hoa).

Đem con bỏ chợ: vất bỏ không ngó ngàng tới (Gởi con cho người ta nuôi có khác chi đem con bỏ chợ).

Đèn dầu củi lửa: nhà có người ở (Vô nhà có đèn dầu thắp sáng, củi lửa trong bếp là thấy ấm cúng rồi).

Đèn nhà ai nấy sáng: chuyện người ta đừng để ý đến (Chê chi mà chê, chuyện của họ không dính dáng đến mình, đèn nhà ai nấy sáng).

Đẻ ông bộ cho làng nhờ: Hồi xưa, trẻ em nào sinh ra mà không có bộ phận sinh dục sẽ được gọi là ông bộ và được tiến vào cung vua làm thái giám. Cả làng sẽ được miễn thuế và hưởng các đặc ân khác của triều đình ban, vì vậy mới có câu "đẻ ông bộ cho làng nhờ".

Đẹp như tiên sa rồng lộn: quá đẹp (O nớ đẹp như tiên sa rồng lộn mà hắn cũng chê).

Đi không dứt, rứt không rời: Dính nhau, đeo nhau (Hai đứa nớ cứ đeo nhau, đi không dứt, rứt không rời).

Đi nhai đứng ngậm ngồi cười: dáng vẻ hàng ngày phải giữ ý tứ, nhất là ở người đàn bà con gái (Cái chi cũng phải học, đi nhai đứng, ngậm ngồi cười cũng phải đều học cả). Tuy nhiên, câu này còn có nghĩa rất tục là so sánh dáng vẻ cửa mình của đàn bà như cửa miệng, hình thù thay đổi mỗi khi cử động trông giống như đang nhai lúc đi, đang ngậm miệng lúc đứng hoặc miệng đang cười lúc ngồi (Câu đố tục).

Đi thẳng cò o ngón (đi dông đi dài): đi không thấy về để mẹ ngóng trông (Cưới xong là đi thẳng cò o ngón). "O ngón" là "mẹ ngóng" tức mẹ ngóng, trông chờ.

Đói ăn vụng, túng làm liều: khi thất thế thường sinh liều lĩnh (Nói văn hoa).

Đói thì đầu gối cũng bò: khi đã đói thì phải bò đi kiếm ăn, không còn ngồi chờ đợi được (Nói văn hoa).

Đồ ba cha tám mẹ (đồ năm cha bảy mẹ): ý khinh khi người khác là gốc gác không được thuần nhất, dòng dõi không chính thức.

Đồ đá cá lăn dưa (đồ ba de): đồ lưu manh ngoài chợ (Chợ Đông Ba không thiếu đồ đá cá lăn dưa).

Đồ khẩu phật tâm xà: đồ ác độc, đạo đức giả (Miệng thì Nam mô mà bụng thì một bồ dao găm, đúng là đồ khẩu Phật tâm xà).

Đồ trời đánh thánh vật: lời rủa, người dữ tợn, người ba gai (Đồ trời đánh thánh vật ngoài chợ Đông Ba).

 

Gái giống cha giàu ba họ, trai giống mẹ khó ba đời: Kinh nghiệm xem tướng truyền thống ngày xưa.

Gạn đục khơi trong: Nói văn hoa là đắn đo lừa lọc (Núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong, thầy mẹ già cứ gạn đục khơi trong, để cho duyên chàng nợ thiếp cứ long đong rứa hoài - Hò Huế).

Gạo châu củi quế: Vật giá đắt đỏ (Thời buổi gạo châu củi quế làm không đủ ăn).

Gần nhà mà xa ngõ: tuy gần mà xa (gần nhà mà xa cửa ngõ, cho chộ mà nỏ cho ăn, trời cao dầu mấy mươi tầng, cũng bắc thang mà hỏi, bởi làm răng rứa ông trời?- Hò mái đẩy của Thảo Am Nguyễn Khoa Vy).

Gầy duyên dựng nợ: nói văn hoa, lấy làm vợ chồng (Em đây vốn thiệt một mình, có ai vô gầy duyên dựng nợ gá nghĩa chung tình cho vui - Hò Huế).

Ghét của nào trời trao của nớ: Ghét gì thì bị thứ ấy (Hồi học y khoa, tui ghét nhứt là phần đầu và cổ, mà chừ tui lại làm bác sĩ chuyên về giải phẩu đầu và cổ. Đúng là ghét của nào trời trao của nớ).

Giang sơn mô anh hùng nấy: Ở vùng nào quen vùng nấy (Nhập gia tùy tục, giang sơn mô anh hùng nấy).

Già lừa đạp dưa thúi: Lọc lừa cho lắm rồi cũng bị gặp xấu, thiệt thòi hơn (O nớ lấy chồng nghiện rượu cũng vì già lừa đạp dưa thúi).

Già néo đứt dây: Làm khó quá thì sẽ mất hết (Bị bên nhà gái thách cưới quá nhiều, nhà trai không theo nổi, nên xin hủy lễ cưới, già néo đứt dây).

Già nhân ngãi, non vợ chồng: Người bạn tình (Hai anh chị nớ ăn ở với nhau, già nhân ngãi nhưng non vợ chồng vì tình, chưa hẳn đã cưới hỏi với nhau).

Giàu làm kép hẹp làm đơn: Tùy theo phương tiện mà làm, liệu cơm gắp mắm, tùy tiện.

Giàu nứt đố đổ vách: Quá giàu (Nghĩa đen là lúa đổ đầy tra, đầy buồng làm cho các bức đố gỗ phải sập).

Giàu nứt máu té: Quá giàu, đồng nghĩa với "Giàu nứt đố đổ vách".

Giá trị không bằng ngọn rau má: Không đáng giá (Tiền quan kim của Tàu Phù giá trị không bằng ngọn rau má).

 

Hai cấy lấy một cấy: lựa chọn, hai cái lấy một cái

Hàm huyết phún nhân (tiên ô tư khẩu): nói xấu người ta thì mình thiệt thòi trước (Huế nói chữ).

Hàng tôm gièm hàng cá: ganh tị gièm pha thường cùng một nghề nghiệp.

Hàng tôm hàng cá: hạng lộng ngôn, cãi không lại.

Há miệng mắc quai: nói không được vì mình cũng bị vướng vào.

Hát bài tẩu mã (quất ngựa truy phong): bỏ chạy (Anh nớ ve chị nớ xong là hát bài tẩu mã).

Hầm hầm hè hè nhau: giận nhau, ghét nhau (Anh em mà cứ hầm hầm hè hè nhau).

Háy ngang huýt dọc (hàng cá nguýt hàng thịt): ý nói người hay dùng diện mạo để bày tỏ ý kiến phản đối, chống đối khinh bỉ của mình đối với người khác.

Hăm một làm tốt, hăm hai xỏ tai, hăm ba ông táo về trời: Tập tục những ngày cuối năm làm việc gì.

Hắn lú có chú hắn khôn: chú dạy dỗ, giúp đỡ và bày vẽ cho cháu vắng cha cô thế.

Hét đựng hét đột: la hét lớn tiếng khi giận dữ.

Ho sò sò như chó tiền rưỡi: người đang ho trông thảm hại, không đáng đồng tiền.

Hoa tàn nhị rữa: thời trẻ đã qua (Hỡi ôi hoa đã tàn, nhị đã rửa, còn đầu thời vương tôn công tử tới chầu hầu).

Học ăn học nói học gói học đùm: học cách thức để sống ở đời (Con nhà gia giáo thường được dạy học ăn học nói, học gói học đùm).

Hồn bất phụ thể: thất kinh tản hồn (Thần hồn bất phụ thể, bình địa nổi phong ba - Hò Huế).

Hồi đầu tiên chỉnh (hồi tiên khởi): lúc ban đầu (Hồi đầu tiên chinh chưa có ai học môn nớ nên hắn cũng oai lắm).

Hồn bất phụ thể: thất kinh tản hồn (Thần hồn bất phụ thể, bình địa nổi phong ba - Hò Huế).

Hùm chết để da, người chết để tiếng: tiếng tăm để lại sau khi chết mới là quan trọng (Huế nói chữ).

Hữu tật hữu tài: có tật có tài (Bàn tay ba ngón chơi Saxophone hay vô kể, đúng là hữu hữu tật hữu tài) (Nói văn hoa).

Hữu thỉ hữu chung: có thủy chung (Bạn bè với nhau, phải hữu thỉ hữu chung).

Hữu xạ tự nhiên hương: có thực tài tất người biết, không cần phải khoe khoang (Nói văn hoa). 

 

Khóc có dây có nghỉn: Khóc lâu dài (Bị chồng bỏ bà khóc cả ngày, khóc có dây có nghỉn).

Không trồi đầu lên nổi: không nở mặt nở mày với thiên hạ được (Tâm địa độc ác sẽ không bao giờ trồi đầu lên nổi).

Không ừ mà cũng không è: không tỏ ý kiến, giữ im lặng (Nghe tui nói anh không được có vợ hầu, anh không ừ mà cũng không è).

Không biết mặt ngang, mặc dọc ra răng: không biết rõ người đó ra sao, không dám nói.

Không biết mô mà trơ (không biết mô mà rờ): Không biết múi mớ mô, không biết mô mà lần, không biết làm sao (Bị vợ chưởi, tui khựng, không biết mô tê chi cả).

Không cất đầu lên nổi: đời không khá lên được (Những kẻ phản trắc không bao giờ cất lên nổi).

Không chết thằng Tây mô hết: có nghĩa là "làm chẳng được việc gì, không có kết quả gì", theo tích xưa hồi quân triều đình ta đánh quân Pháp ở Cột cờ, Cửa Ngăn, Cửa Hữu đã giả bộ thua để nhử quân Pháp đuổi theo, rồi rắc rối nhiều trái mù u đem theo sẵn, vừa chạy vừa rãi trên đường, mong quân Pháp đạp phải sẽ té ngửa và quân ta sẽ quay lại chém giết. Tương truyền do Ông Tướng Ông Ích Khiêm nghĩ ra kế này. Năm 1946, quân ta đem rơm và ớt định đốt cháy và xông khói cay lính tây đóng trong khách sạn Morin nhưng chúng không hề hần gì (Không chết thằng Tây mô hết).

Không chừng không đỗi: Thường hay thay đổi, không thể nào đoán được (Anh đi đi về về, không chừng không đổi).

Khun ăn nước dại ăn xác: biết cách ăn.

Khun ba năm dại một giờ (khôn ba năm dại một giờ): Người con gái khôn ngoan biết biết giữ gìn trinh tiết lâu ngày nhưng nếu chỉ dại một giờ là mất tất cả, hủy hoại cả một đời người con gái. Đại ý là lời các bà mẹ dạy khôn cho con gái phải biết chống đỡ ở đời để khỏi mắc cạn bẫy của đàn ông.

Khun trổ trời mà lên: quá khôn ngoan (Vợ chồng khun trổ trời mà lên cũng bị lừa).

Khun vàng trời: quá sức khôn (Cả vợ cả chồng đều khun vàng trời).

Khuất mặt khuất mày: vắng mặt (Đừng nói xấu người khuất mặt khuất mày).

Khéo thì gói bánh tày, vụng thì vầy bánh ít: khả năng mỗi người đều được dùng thích đáng (Ngồi giúp một tay, khéo thì gói bánh tày, vụng thì vậy bánh ít, ai chê mô mà sợ).

Khi không ai, khi cả trai liền chồng: khi thì không ai giúp khi thì lại có quá nhiều người cùng giúp, nghĩa cũng như "khi thái quá thì bất cập".

Khi sóng dập gió dồi: khi hoạn nạn (Bèo nhờ sen khi dóng dập gió dồi- Hò Huế).

Khi thái quá khi bất cập: không điều độ khi thì quá nhiều khi thì quá ít (Tình yêu vợ chồng phải cho đều đặn, đừng có khi thái quá khi bất cập).

Khó kiếm như rắn mồng năm: khó kiếm (Thời buổi ni tìm kiếm người chân thật thiệt khó kiếm như rắn mồng năm). 

 

Làm cho một mạch (làm cho một chặp): la rầy dữ dội (Nói tầm bậy, tui làm cho một mạch).

Làm chuyện ngụy: làm chuyện lạ (Hai đứa làm chuyện ngụy cả đêm, ai cũng thấy).

Làm chuyện thất sách: làm sai, không đúng đường lối (Đem tiền cho O nớ làm chuyện thất sách).

Làm dâu già đời: làm dâu cả đời, ở với nhau cả đời (Thương anh nên em nguyện làm dâu nhà anh trọn đời - Ca dao).

Làm đến nơi đến chốn (làm thấu đáo) (lời đe doạ): làm cho biết mặt (không trả tiền, tao làm đến nơi đến chốn thì biết tay tau).

Làm hành làm tỏi: làm khó làm dễ (Bà già làm eo làm xách với nàng dâu).

Làm việc bao đồng: làm việc không cần thiết (Cứ làm việc bao đồng, không lo học thi).

Làm vương làm tướng: chức tước cao cấp, làm oai (Tưởng anh làm vương làm tướng chi chứ làm trung sĩ ai mà thèm).

Làm anh làm ả ngả mặt lên: làm anh chị phải xử sự lớn.

Làm đẹp mặt đẹp mày: làm tăng giá trị để hãnh diện (Làm đám cưới thiệt lớn cho đẹp mặt đẹp mày gia đình).

Làm đại làm liều: làm cho xong (Mệt quá, tui làm bài làm đại liều cho xong).

Làm đày làm láo (làm bộ làm tịch): làm vẻ cao đạo (Làm thì không hơn ai mà cứ làm đày làm láo).

Láo thiên láo địa, láo từ chợ Sịa láo về: tánh hay nói láo (Láo thiên láo địa, láo từ chợ Sịa láo về, thiệt đại láo).

Lạt mềm buột chặt: dây tre càng mềm càng dễ buộc. Ý nói đừng coi thường đàn bà con gái ý chí yếu mềm, đàn ông dễ bị trói tay. Càng dịu hiền, càng chết người.

Lạy ông tui ở bụi này: không bắt mà khai (chuyện chi đem chuyện trong nhà ra nói ngoài đường, lạy ông tui ở bụi này).

Lạt như gạo tẻ: 1. tình đời không mấy tốt đẹp lạt như nước ốc, lạt như gạo tẻ; 2. ăn nói vô duyên (Ăn nói vô duyên); 3.Chán ngấy.

 Lờn ngờn tám khớt: hoang đàng (Cái thứ đàn bà lờn ngờn tám khớt, như ngựa Thượng Tứ).

Lụt lịt địt ra khói: đừng xem thường, người có bản lãnh (Ngó bộ hiền lành, nhưng lịt rứa mà địt ra khói).

Lưng dài vai rộng: người đàn ông lực lượng mạnh khỏe.

Lưng eo vú xách: đàn bà còn săn giòn, tốt đẹp (Một mẹ sinh được ba con, lưng eo vú xách, miệng tròn như xưa - Đồng dao Huế).

Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo: nói ngược cũng được nói xuôi cũng xong.

Lúa ông Khuyên, tiền ông Quản Lạc, bạc ông Bồ Ghè: tên 3 người giàu nhất ở Phường Đúc hồi xưa. Nhà ông Khuyên (ở đường Bùi Thị Xuân ngày nay) có chiếc cổng vào "xưa và hiếm nhất ở Huế về mặt kiến trúc" (theo Từ Chi). Chiếc cổng này vào năm 1995 đã được tháo dỡ vào phía trong để mở rộng đường (theo Trần Đức Anh Sơn, "Từ Kinh đô Trà Kiệu đến Cố Đố Huế", 1997).

 

Mắt su (sâu) như khu đọi: tướng người mất ngủ hay lo âu (Chồng có hầu, chị ngủ không được, mắt su như khu đọi).

Mặt cắt không còn giọt máu: quá sợ hãi (Bị tây đuổi, chạy quýnh, mặt cắt không còn giọt máu). 

Méc: Mách (méc mạ anh làm bể cái độc bình).

Mén: nhỏ (Chí mén; Dĩa mén).

Méng (một méng): một miếng (Ăn một méng rồi đi).

Méo xẹo: Méo xệch (Khi khóc miệng méo xẹo).

Mét: 1. mách (Mét mạ cho mà coi!); 2. xanh xao (mặt mét).

Mét lại: mách lại (Đi chơi với người yêu bị chị thấy mét lại cha mẹ). 

 

Ngoái lui: ngoảnh lại nhìn lui (Ông già chống gậy, ham ngoái lại nhìn lui người đẹp nên hụt chân rơi xuống sông, trôi cả gậy, suýt đi đời).

Ngoẻn: một cách mau chóng, lẹ làng (Ham đánh bạc mất ngoẻn nửa gia tài / Ăn ngoẻn cho rồi mà đi làm việc).

Ngoái: đã qua, hồi trước (Năm ngoái năm xưa).

Ngó mà coi (cho mà coi) (thách thức): để rồi xem (Ăn hiếp tui, tui về mách mạ, ngó mà coi. Ác báo chừ đó, ngó mà coi).

Ngót: 1. sắc bén (cây dao rất ngót); 2. rau ngót (ăn canh rau ngót mát); 3. gần hết (Đi dạo phố ngót ngày); 4. có đến (Ngót một ngàn người biểu tình); 5. nói xấu lưng (Ton ngót). Từ cổ, TĐ. Rohodes 1651.

Ngồi mà coi (ngồi giữa mà coi): Ở đấy rồi xem đúng như tôi dự đoán (Ngồi mà coi, tui nói lại không sai mô).

Ngốn: 1. ăn ngấu nghiến (Thỏ ngốn rau khoai); 2. làm vội (Ngốn trọn trái bắp cồn. Ngốn hết cuốn truyện chưởng trong một buổi chiều).

Ngốt: 1. mút mùa (Cứ đi chơi ngốt, không chịu học); 2. ngột, ngạt (Nhiều người ngồi nên trong phòng thấy ngột ngạt).

Ngồi trì: ngồi lì (Em bé ngồi trì xuống không chịu ngồi dậy. Ông chủ tịch ngồi trì trên chiếc ghế của cơ quan).

Ngợ: ngượng ngập (Tình cờ gặp người yêu cũ, cả hai bên đều ngợ). 

 

Như thúng lủng khu: Thúng đổ vào không bao giờ đầy (Ăn như thúng lủng khu).

Nhứt Huế nhì Đông Dương: lời bỡn cợt chế nhạo người tự cho là giỏi nhất (Ăn vụng nhứt Huế nhì Đông Dương).

Nhứt Huế nhì Sịa (theo Lê Hữu Giãn): dân Sịa thường hay khoe khoang về làng mình nên dân Huế chọc ghẹo là làng Sịa chỉ đứng sau thành phố Huế mà thôi do đó có câu:"Trạng thiên trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về".

No mất ngon, giận mất khun: Tránh sự thái quá, làm gì cũng phải "từ từ như tốn".

Nói có đầu có đuôi, có xuôi có ngược: nói rõ ràng, mạch lạc (Ông nớ diễn thuyết hay, nói có đầu đuôi, có xuôi có ngược).

Nói như chó nhai nhẻ rách: nói dai (Chuyện không có chi mà cứ nói như chó nhai nhẻ rách).

Nói như nước đổ lá môn: nói không ai chịu nghe (Khuyên dạy con mà hắn không nghe, như nước đổ lá môn).

Nói như sanh như sứa: nói liên miên bất tuyệt (Gặp nhau là hai người nói chuyện như sanh như sứa).

 

Tham lam lậm mặt: Hễ gian thì không làm ăn khá được. 

 

Theo: Tự điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức 

Tác giả: Bùi Minh Đức

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập638
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm636
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại980,031
  • Tổng lượt truy cập57,081,668
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây