Bài nói chuyện của Đức TGM Paul Richard Gallagher tại Đại Chủng viện Huế
Lm Lê Công Đức
2024-04-12T19:53:05-04:00
2024-04-12T19:53:05-04:00
http://www.cuucshuehn.net/Tu-duc/bai-noi-chuyen-cua-duc-tgm-paul-richard-gallagher-tai-dai-chung-vien-hue-13181.html
http://www.cuucshuehn.net/uploads/news/2024_04/paul-richard-gallagher-1.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ sáu - 12/04/2024 19:48
Niềm vui của chúng ta không phải là những của cải vật chất, hay nỗi khao khát sức mạnh và quyền bính. Không; niềm vui của chúng ta rút ra từ sự kiện rằng mỗi người chúng ta đã gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã yêu thương đoái nhìn chúng ta, và kêu gọi đích danh chúng ta.
Kính thưa Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh,
Kính thưa Đức TGM Phó Giuse Đặng Đức Ngân,
Kính thưa Cha Giuse Hồ Thứ,
Các bạn chủng sinh thân mến,
Tôi xin cảm ơn TGM Giuse Nguyễn Chí Linh vì đã mời tôi nói chuyện với các bạn tối hôm nay, cũng như cảm ơn Cha Thứ và Ban Đào Tạo của Chủng viện vì đã tổ chức sự kiện này. Thật là một niềm vui lớn lao cho tôi được có mặt với các bạn trong chuyến thăm chính thức đầu tiên này của tôi đến Việt Nam. Tôi chọn từ “niềm vui” vì một lý do: Ít lâu sau khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, Đức thánh cha Phanxicô đã gặp gỡ các chủng sinh từ khắp nơi trên thế giới, và ngài đã nói về tầm quan trọng của niềm vui. Trong cuộc gặp gỡ ấy, ngài nói: “Niềm vui đích thực không đến từ các thứ đồ vật hay từ sự chiếm hữu, không! Nó đến từ sự gặp gỡ, từ mối tương quan với người khác, nó đến từ cảm giác mình được chấp nhận, được cảm thông và được yêu thương, cũng như từ việc chấp nhận người, cảm thông người và yêu thương người” (ĐGH Phanxicô, Gặp gỡ các chủng sinh và các tập sinh, ngày 6.7.2013).
Đó chính xác là điều chúng ta đang làm ở đây tối nay. Chúng ta qui tụ với nhau để gặp gỡ, để xây dựng một mối tương quan, để hiểu biết và yêu thương nhau. Lý do niềm vui của chúng ta không phải là những của cải vật chất, hay nỗi khao khát sức mạnh và quyền bính. Không; niềm vui của chúng ta rút ra từ sự kiện rằng mỗi người chúng ta đã gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã yêu thương đoái nhìn chúng ta, và kêu gọi đích danh chúng ta.
Dĩ nhiên, vui không có nghĩa rằng chúng ta không kinh nghiệm nỗi buồn, nỗi khổ, hay những thời khắc khó khăn và bất quyết. Nhưng ngay giữa những thử thách ấy, niềm vui của việc nhận biết tình yêu của Đức Kitô vẫn còn mãi.
Tôi luôn được đánh động bởi những lời khí khái này của thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, mà Giáo hội mời gọi chúng ta suy ngẫm trong giờ Kinh Sách ngày Lễ kính nhớ Các Thánh Tuẫn Đạo Việt Nam. Trong một lá thư viết cho các chủng sinh ở Kẻ Vĩnh vào năm 1843, ngài viết: “Ngục thất này quả là một hình ảnh sống động của hỏa ngục đời đời: ngoài gông cùm, xiềng xích, dây thừng, lại còn thêm sự nóng giận, oán thù, nguyền rủa, những lời tục tĩu, những sự gây gỗ, những hành vi xấu xa, những lời thề gian, nói hành, và cả nỗi chán nản, buồn phiền […] Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Kitô ở cùng tôi.”
Đây là niềm vui đích thực. Đây là ân ban mà Thiên Chúa muốn trao cho mỗi chúng ta: niềm vui bắt nguồn từ việc nhận biết tình yêu mà Chúa Phục sinh dành cho chúng ta, một tình yêu có sức mạnh thắng vượt ngay cả cái chết trên thập giá.
Trong ánh sáng này, và xét như một phần việc hồi tâm hằng ngày của mình, chúng ta hãy tự hỏi: Hôm nay tôi có phải là một con người vui tươi không? Các bạn biết đó, có một cách để dễ dàng nhận ra mình vui mức nào, đó chính là nụ cười của chúng ta. Một điều thú vị về niềm vui chân thực, đó là nó lây lan! Nó không thể bị ức chế! Bạn thấy nó trong mắt và trong nụ cười của những người xung quanh bạn. Có lẽ các bạn biết một trong những vị thánh lớn của thời chúng ta, là Mẹ Têrêsa Calcutta, người đã chiến đấu trong hơn 50 năm với một tình trạng khô khan tâm linh khủng khiếp, trong đó Mẹ không cảm giác được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời Mẹ. Tuy nhiên, Mẹ luôn mỉm cười, luôn đầy tràn niềm vui trong mắt! Với nụ cười của mình, Mẹ đã mang niềm vui đến cho bất cứ ai Mẹ gặp: những người phung cùi, những người vô gia cư, những người bị bỏ rơi, những người khốn khổ do nghiện ngập và bệnh tật.
Trong lá thư vào ngày 8 tháng 9 năm ngoái mà Đức thánh cha Phanxicô gửi các bạn, là đoàn Dân trung tín của Thiên Chúa ở Việt Nam, ngài nhấn mạnh chính sứ mạng đức ái này. Ngài viết: “Ngày nay, hơn bao giờ trước đây, chúng ta cần thực hành đức ái cách cụ thể, nghĩa là, cần kiên quyết chọn đứng về phía con người, điều đã được hoàn tất trong biến cố Phục sinh, và vẫn tiếp tục được làm cho hiện diện xuyên qua lịch sử nhờ Giáo hội, vì ‘ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, các Kitô hữu… luôn được mời gọi nghe tiếng kêu than của người nghèo’” (ĐGH Phanxicô, Thư gửi nhân dịp đạt được thỏa thuận về qui chế Đại diện Thường trú của Giáo hoàng và Văn phòng Đại diện Thường trú của Giáo hoàng tại Việt Nam, 8.9.2023).
Các bạn chủng sinh thân mến, Đức thánh cha đang nói với các bạn trong lời kêu gọi tha thiết ấy. Giáo hội cần các linh mục là những nhà thừa sai bác ái, được sai vào trong thế giới, với đầy tràn niềm vui có sức thúc đẩy mình nói “vâng” với Đức Giêsu Kitô mỗi ngày, ngay cả những khi mà điều đó có nghĩa là nói “không” đối với những sở thích riêng, những khao khát riêng, những dự tính riêng của chúng ta. Thật vậy, có thể nói rằng tất cả việc cầu nguyện, việc đào tạo, học tập và rèn luyện mà các bạn trải qua ở đây trong chủng viện này có mục tiêu là: đào tạo những chàng trai có khả năng chuyển hóa cách chân thực và nhất quán niềm vui mà họ kinh nghiệm trong việc gặp gỡ Chúa Giêsu thành những thực hành cụ thể của bác ái, khi họ thực thi sứ vụ bí tích của mình.
Trong Tài liệu được Bộ Giáo sĩ công bố, nhằm cung cấp những chỉ dẫn cho việc đào tạo linh mục, khía cạnh này được mô tả như sau: “Cộng đoàn Kitô hữu được Thánh Thần qui tụ lại với nhau để được sai đi vào sứ mạng. Vì thế, năng động thừa sai và sự thể hiện cụ thể của nó thuộc về toàn thể Dân Thiên Chúa, là đoàn dân phải luôn luôn ‘tiến về phía trước’, bởi vì niềm vui Tin Mừng làm sinh động cộng đoàn môn đệ là một niềm vui sứ mạng thừa sai’. Động lực sứ mạng này càng liên hệ cách chuyên biệt hơn đến những ai được gọi đến chức linh mục thừa tác, vì đó chính là mục tiêu và chân trời của tất cả công cuộc đào tạo.” (Bộ Giáo sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotali (RFIS), 91; cf. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 20-21, 119-121).
Sức thúc đẩy chuyển hóa kinh nghiệm về tình yêu của Đức Kitô thành những hành động cụ thể của sứ mạng thừa sai bác ái là một hệ quả tự nhiên của niềm vui lấp đầy trái tim chúng ta. Tuy nhiên, như ta biết quá rõ, tội nguyên tổ và lòng tham dục của chính chúng ta có thể làm cho tiến trình này trở nên khó khăn. Có thể là do lười biếng, do kiêu căng, do săn đuổi quyền lực hay do bất cứ cám dỗ nào khác, tiến trình “tự nhiên” này không xảy ra một cách tự động. Cần phải không ngừng cố gắng và cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tất cả chúng ta đều cần rèn luyện trí năng, thân thể và ý chí để “tìm kiếm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).
Đó là lý do tại sao Giáo hội rất kỹ lưỡng trong việc đào tạo các linh mục. Các mục tử của Giáo hội không chỉ sống đức tin, mà còn phải có khả năng truyền thụ đức tin và dạy cho người khác biết sống đức tin một cách chân thực. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Pastores Dabo Vobis, phác họa bốn “trụ cột” đào tạo linh mục, làm nên cơ sở cho việc đào tạo các chủng sinh trên khắp thế giới. Nếu các bạn chưa đọc văn kiện này, tôi tha thiết khuyến khích các bạn hãy đọc. Tông huấn này không chỉ cung cấp một bối cảnh cho việc đào tạo mà các bạn đang đón nhận, nó còn cung cấp những suy tư về căn tính của linh mục, về mối tương quan của linh mục với Đức Giêsu Kitô, và một số thách đố riêng mà người ta đối mặt khi sống đức tin Kitô giáo trong thế giới hiện đại.
Còn rất nhiều điều tôi muốn chia sẻ về việc đào tạo, nhưng do thời gian của chúng ta có giới hạn, tôi xin ngừng ở đây để chúng ta có chút thời gian cho những câu hỏi và trả lời.
[Sau phần hỏi và trả lời…]
Xin cảm ơn các bạn về buổi gặp gỡ này. Nhờ sự chuyển cầu của Các Thánh Tuẫn Đạo Việt Nam, ước mong các bạn luôn đầy nhiệt tâm dũng mạnh, đầy vui tươi hy vọng, và đầy bác ái nồng cháy. Với niềm tín thác ơn gọi của các bạn cho sự che chở từ mẫu của Mẹ La Vang, tôi chúc lành cho các bạn và những người thân yêu bằng Phép Lành Tông Tòa của Đức thánh cha Phanxicô.
Cảm ơn vì các bạn đã lắng nghe.
TGM PAUL RICHARD GALLAGHER
(11 tháng Tư, 2024)
—————————————-
Tóm tắt phần hỏi đáp:
Đức TGM Gallagher đã nhận được những câu hỏi về niềm vui của ngài khi đến và hiện diện ở Việt Nam trong hai ngày qua. Ngài chia sẻ rằng ngài rất vui khi làm việc với giới chức nhà nước cũng như khi gặp gỡ cộng đoàn Dân Chúa, đặc biệt là Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội đầy ấn tượng… Được hỏi ngài có thể vén mở điều gì có tính khích lệ cụ thể qua những cuộc gặp gỡ với chính quyền Việt Nam, ngài ôn lại tiến trình vun đắp mối quan hệ song phương đã diễn ra từ rất khó khăn dần dần đi đến sáng sủa hơn, và gần đây có những bước tiến ngoạn mục. Việc chính quyền Việt Nam chấp thuận cho Tòa Thánh bổ nhiệm vị Đại diện Thường trú của Giáo hoàng là một bằng chứng như vậy. Ngài cũng đề cập đến khả năng về một chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức thánh cha Phanxicô, điều mà ngài biết người Công giáo Việt Nam rất mong đợi. Về việc này, ngài xác nhận đã có sự trao đổi chính thức giữa hai phía, nhưng vẫn còn phải làm việc với nhau một cách chi tiết hơn…
(Lm Lê Công Đức ghi lại)