Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (3)

Thứ ba - 15/05/2012 12:36

-

-
“Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn.” [Đức Ông Phan Văn Hiền HT63]
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (3)

 
Bài 22: Sống Yêu Thương
Ngày 05-05-1991 - Chúa Nhật VI Phục Sinh

Cv 9, 26-31; 1Ga 3, 18-24; Ga 15, 1-8
 
Cả mấy tuần này trong thánh lễ, chúng ta đều nghe đọc Tin Mừng của Thánh Gioan. Không thấy bài Phúc Âm nào khác lọt vào. Tại sao vậy? Bởi vì Giáo Hội muốn chúng ta được nghe tất cả toàn bộ Tin Mừng trong suốt chu kỳ ba năm phụng vụ. Phúc Âm Mat-thêu được dùng cho năm phụng vụ thứ nhất, được gọi là năm A; Phúc Âm Marcô cho năm thứ hai, năm B; và Phúc Âm Luca cho năm thứ ba, năm C. Còn Gioan được gọi là nhà thần học Thánh Kinh, nên Phúc Âm của Ngài được dùng trong các thời điểm quan trọng như Mùa Vọng và Mùa Phục Sinh hằng năm, để chúng ta có dịp đào sâu thêm nền thần học của Tin Mừng.

Hôm nay, Thánh Gioan đề cập đến ba mặt của tình yêu: “Như Cha đã yêu Ta, Ta cũng yêu các con... và chúng con hãy thương yêu nhau”.

Từ muôn đời Chúa Cha đã yêu thương Chúa Con, và cũng từ muôn đời Chúa Con đã yêu thương chúng ta. Nhưng tình thương giữa chúng ta chỉ xuất hiện trong thời gian và không gian. Như có lần Cha đã chia sẻ trước đây: tình yêu, lề luật và hạnh phúc có một liên hệ mật thiết với nhau. Tình yêu của chúng ta đối với Chúa phải được chứng minh bằng hành động, nhất là với người chung quanh. Các Thánh nói rằng: “Ai sống chung với mọi người mà được tất cả quý mến thì đáng được phong thánh”. Làm một vài phép lạ để được phong thánh còn dễ hơn là sống hòa thuận với anh em mình. Như có lần các người Biệt Phái hỏi Chúa Giêsu: “Ai là anh em của tôi?” Và Chúa đã trả lời bằng câu chuyện người Samaritanô nhân lành: “Một người bộ hành đi từ Giêricô... và bị nạn... được người ngoại cứu”. Trong trường hợp này, người Samaritanô mới thật là người anh em của kẻ bị nạn, vì đã chứng thực tình thương của mình đối với người bị nạn bằng sự quan tâm và săn sóc ân cần.

Yêu mến người chung quanh, người bên cạnh mình là một điều không phải dễ. Người ta có thể sẵn sàng bỏ tiền của để làm phúc cho những người ở xa không quen biết, nhưng với anh em bên cạnh mình thì lại chối từ giúp đỡ.

Tòa Giám Mục Lugano nước Thụy Sĩ, được gọi là Tòa Giám Mục Thánh Tâm, vì ở cổng có viết hàng chữ rất đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa như sau: “Đi vào cổng này để yêu mến Chúa và ra lại cổng này để yêu mến anh em”. Đọc thoáng qua, người ta có thể xem câu này thật bình thường. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, họ phải công nhận những lời đó thật sâu sắc. Người giáo dân có thể rất chăm chỉ đọc kinh, dự lễ. Nhưng ra khỏi nhà thờ, lại chửi vợ đánh con, kiện tụng, nói hành nói xấu nhau... Cuộc sống của họ có hai mặt: một mặt cho Chúa và mặt kia cho anh em, không liên hệ gì với nhau. Họ không nhìn thấy Chúa nơi những người chung quanh mà họ gặp gỡ thường ngày, nhất là vợ con, bạn bè, láng giềng của họ... Thật lạ lùng!

Phúc Âm và sách Tông Đồ Công Vụ nhắc nhở chúng ta phải yêu mến những người bên cạnh mình. Chúa Giêsu là gương sáng của tình yêu này. Ngài đã yêu bạn hữu đền độ sẵn sàng hy sinh mạng sống mình trên Thập Giá. Rồi đến các Tông Đồ lần lượt ra đi phục vụ mọi người. Yêu cả người ngoại như Chúa truyền dạy. Thánh Phêrô được sai đến cùng một anh em ngoại giáo. Ông đã từ chối vì theo luật Do Thái, vào nhà một người ngoại giáo là lỗi nặng. Trong một thị kiến, Phêrô thấy một tấm khăn lớn từ trời thả xuống trước mặt ông, trong đó có đủ loại thú bốn chân, thú rừng, rắn rết, chim trời và có tiếng Chúa biểu ông làm thịt ăn. Ông từ chối vì cho đó là những đồ vật dơ bẩn mà theo luật không được phép đụng đến. Chúa phán: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì chớ xem là dơ bẩn”. Phêsô hiểu được ý Chúa và đã đi rửa tội cho người ngoại ấy (Cv 11, 5-10). Ở đây, Chúa muốn dạy Phêrô phải yêu thương tất cả mọi người kể cả người ngoại giáo. Các Thánh cũng dạy rằng: “Người nào chỉ muốn đi đường một mình, là một người ích kỷ. Đi với một người bạn, đó là một người đoàn kết. Và đi với mọi người, thì người đó là người Công Giáo”.

Tình yêu mà Chúa muốn chúng ta thực hành phải mang chiều kích phổ quát, rộng lớn, bao gồm tất cả mọi người. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta biết luôn sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Đặc biệt, xin Chúa thương ban cho các đấng bậc trong Hội Thánh, biết quan tâm yêu thương nhau và yêu thương những người mình có trách nhiệm săn sóc, hướng dẫn, để luôn trở thành chứng tá sống động của Thiên Chúa tình yêu. Một linh mục, Giám Mục giảng thuyết hùng hồn, thâm sâu, ý nghĩa mà bề dưới vẫn ấm ức, không hài lòng, thì cần phải xem xét lại. Có thể lời rao giảng và cuộc sống không đi đôi với nhau, nhất là khía cạnh yêu thương. Và sau cùng, xin cho tất cả mọi người được biết Chúa và yêu mến Chúa để thế giới được sống trong công bằng và hòa bình thật sự. Amen.
 
 
Bài 23: Theo Chúa Đến Cùng
Thứ hai 06-05-1991 - Tuần 6 Phục Sinh 

Cv  16, 11-15;  Ga 15, 26-16,4
 
Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ: “Người ta sẽ trục xuất chúng con ra khỏi hội đường, và có lúc những kẻ giết chúng con lại tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa”.

Đây là số phận của các Tông Đồ, số phận của những ai tin vào Chúa Giêsu, vì như Ngài đã nói: “Môn đệ không trọng hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ”. Khi Phêrô hỏi Chúa: “Phần chúng con, chúng con bỏ mọi sự theo Thầy, chúng con được gì?”. Chúa trả lời: “Chúng con sẽ được gấp trăm ngay ở đời này cùng với sự bắt bớ”. Thật vậy, dân Do Thái đã không chấp nhận lời giáo huấn và tinh thần của Chúa Kitô, vì Ngài đòi hỏi họ phải thay đổi cuộc sống chỉ dựa trên lề luật cứng nhắc, để chú tâm vào yêu thương và phục vụ mọi người. Vì thế, họ ghét bỏ và tìm mọi cách để tiêu diệt Chúa và các Tông Đồ, để khỏi phải nghe những lời chân lý đó. Hơn nữa, họ còn xem việc triệt hạ này là để làm vinh danh Thiên Chúa nữa.

Nhưng Thiên Chúa của họ là Thiên Chúa nào? Chắc chắn họ thuộc về dòng dõi của Abraham, người được Thiên Chúa chọn để làm tổ phụ dân tộc Do Thái. Nhưng trải dài qua lịch sử, dân tộc này đã nhiều lần chối bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại bang, và đã có lần xem tượng bò vàng là Thiên Chúa của họ. Đến thời Chúa Giêsu, việc thờ phượng Thiên Chúa của họ chỉ còn trên môi miệng. Họ xem việc giữ luật lệ bên ngoài là điều chính yếu của đạo. Có thể nói, đối với họ, người nào giữ luật là người thờ phượng Thiên Chúa. Nói cách khác, họ hạ giá Thiên Chúa xuống ngang hàng với lề luật. Vì thế, Chúa Giêsu đã chỉ trích cách giữ luật vô hồn của họ, và mời gọi họ sống tinh thần của lề luật, nhất là luật yêu thương. Và họ đâm ra thù ghét Ngài.

Ngày nay, thế gian cũng ghét bỏ những người tin theo Chúa, vì họ đã chọn một “Thiên Chúa” khác theo sở thích của mình. Có người chọn khoa học làm “Thiên Chúa” của họ. Có người xem ăn chơi, hưởng thụ là “Thiên Chúa” của họ. Người khác xem quyền lực, tiền bạc hoặc một lý thuyết nào đó là “Thiên Chúa”. Ví dụ: chủ nghĩa Phátxít do Hitler chủ trương cũng là một lý thuyết độc tôn bắt mọi người phải theo. Vì thế, không lạ gì khi những người này chống đối, vu khống và tìm mọi cách tiêu diệt những người tin vào Chúa Giêsu, những người không chung lập trường với họ.

Nhưng cho dù phải bắt bớ, tù đày, người môn đệ của Chúa vẫn luôn can đảm làm chứng cho chân lý và đức tin của mình. Như Thầy Chí Thánh, các Tông Đồ lần lượt ngã xuống và suốt trong lịch sử, rất nhiều môn đệ của Chúa Giêsu cũng đã chịu bắt bớ, hãm hại. Nhưng Tin Mừng của Chúa thì không ai có thể tiêu diệt được.

Cách đây không lâu, ở nước El-Salvado, Đức Cha Oscar Romero đã hết sức công khai bênh vực những người nghèo khổ, lương cũng như giáo, đang bị bóc lột, đàn áp. Ngài cương quyết bênh vực lẽ phải, bênh vực quyền lợi của người nghèo, bất chấp những lời đe dọa của những người giàu có, xem tiền bạc và thế lực là “Thiên Chúa”. Một ngày kia, khi đang dâng thánh lễ trong một bệnh viện, kẻ địch đã nã súng vào Ngài. Ngài ngã gục xuống, máu của Ngài đã hòa lẫn với máu của Chúa Giêsu trên bàn thờ. Đó là thánh lễ cuối cùng của đời Ngài. Tin này đồn vang khắp nơi. Người ta tỏ lòng kính phục Ngài và nhắc đến tên Ngài như một tấm gương anh dũng bảo vệ chân lý, bênh vực người nghèo. Khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến thăm Anh Quốc, tại nhà thờ Anh Giáo ở Luân Đôn, người ta cũng để di ảnh của Đức Cha Oscar Romero để tỏ lòng khâm phục Ngài. Những chứng nhân anh hùng đức tin như Đức Cha Oscar Romero rất đáng được mọi người khắp nơi, không phân biệt tôn giáo, kính trọng và yêu mến.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết can đảm làm chứng cho Chúa, sẵn sàng chấp nhận thử thách hy sinh, hầu làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Amen.
 
 
Bài 24: Thế Tục Hóa 
Bài huấn đức tối 06-05-1991
 
Lần trước chúng ta đã nói chuyện về thời đại của chúng ta với khả năng vô biên của con người, và mặt trái của thế giới ngày nay với bất công và nghèo đói, cũng như nạn nhân mãn ở các nước nghèo, và trào lưu vật chất tiêu thụ ở các nước giàu có. Những vấn đề này, trực tiếp hay gián tiếp, đã tạo nên những khủng hoảng trong Giáo Hội. Vì thế, hôm nay chúng ta tìm hiểu thêm về phương cách vượt qua khủng khoảng và đóng góp của Giáo Hội trước các vấn nạn đó.

Tất nhiên đây là một vấn đề toàn cầu cần được mọi người ý thức và nỗ lực đóng góp phần mình để giải quyết. Nhưng một cách cụ thể, nếu chúng ta được người giáo dân trực tiếp đặt câu hỏi: “Việc đó giải quyết như thế nào” thì phải trả lời làm sao? Chẳng lẽ chúng ta lại bảo: “Đó là chuyện thế gian. Về ngay. Cút. Bước. Hay cứ về rồi Cha cầu nguyện cho”. Kiểu trả lời này không còn thích hợp cho giáo dân tiến bộ ngày nay. Họ chờ đợi nơi linh mục của thời đại này một hướng dẫn rõ ràng và thực tế hơn. Nếu chúng con không chuẩn bị sẵn sàng, không cập nhật với những vấn đề của thời đại, chắc chắn chúng con sẽ thất bại, vì không đáp ứng được những thao thức của con người.

Đời sống tâm linh của con người luôn cần một thần tượng để noi theo. Vì thế, sau những biến cố đau thương, nhất là chiến tranh, con người thường bị thất vọng, vì thần tượng mà họ đặt trọn niềm tin, nay đã sụp đổ hoàn toàn. Kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus là một thí dụ điển hình:  “Chúng tôi tưởng chính Ngài sẽ thống trị thế giới, vậy mà người ta đã đóng đinh Ngài, hôm nay đã là ngày thứ ba... rồi mấy phụ nữ đi thăm mộ về còn kể chuyện gặp thiên thần hiện ra nói Ngài đã sống lại”... Khi mọi sự sụp đổ, con người thất vọng. Nhưng đó chính là thời điểm thuận lợi để con người tìm đến với Thiên Chúa, là Thần Tượng không bao giờ lỗi thời.

Cha nói chuyện ấy có cơ sở cả. Nước Nhật là một ví dụ cụ thể. Thời kỳ chiến tranh, Nhật Bản phát động chủ nghĩa Đại Nam Á. Họ chiếm đánh sang tới Trung quốc, qua Thái lan, Singapore, Việt Nam, Miến Điện, Philippines để làm thành khu vực Đại Nam Á này. Và mỗi nơi chiếm được, họ thu góp những vật quý giá đem về nước mình. Đức Cha Các của Địa Phận Quy Nhơn kể lại với Cha về một giáo xứ gần bờ biển mà Ngài phụ trách thời đó. Nhiều ngày sau lễ sáng, giáo dân đổ xô ra bờ biển xem tàu Nhật với máy bay Mỹ bắn nhau. Họ để ý chỗ tàu Nhật bị bắn chìm rồi khi hết đánh nhau, họ lặn xuống và tìm thấy nhiều kim loại quý trên tàu này... Bị thất trận, dân Nhật đâm ra thất vọng, và mới tìm đến với đạo Công Giáo. Thấy vậy, các vị thừa sai vội xin Đức Giáo Hoàng cho người sang Nhật truyền giáo. Đức Giáo Hoàng Piô XII kêu gọi các dòng tu ở Âu Châu phái người qua đó. Nhưng các dòng tu rề rà hội họp, bàn tới bàn lui. Đến khi quyết định đưa người đi truyền giáo, thì người Nhật không cần nữa, vì kinh tế đã phục hồi và họ đã tìm ra được thần tượng khác. Các linh mục thừa sai được gởi sang Nhật cảm thấy lạc lỏng bơ vơ vì xã hội không còn là cánh đồng truyền giáo tốt nữa. Có người xin về lại Âu Châu. Kẻ xin hồi tục vì buồn chán! Chậm mất rồi! Giáo Hội đã mất đi một cơ hội ngàn năm một thuở.

Cho đến bây giờ, số người Nhật trở lại đạo Công Giáo vẫn rất hiếm hoi. Họ làm việc ngày đêm để hưởng thụ và đi du lịch. Người ta tính ở Thành phố Paris mỗi ngày có khỏang 800 người Nhật tới du lịch. Đối với người Nhật, tôn giáo chỉ là một hình thức an ủi, giúp khuây khỏa nhẹ nhàng. Vật chất tiêu thụ đã khiến cho người Nhật không còn muốn tìm kiếm Chúa.

Lần trước Cha đã nói đến trào lưu vô thần vật chất và trào lưu tiêu thụ, như là hai thách đố lớn của Giáo Hội thời nay. Bây giờ Cha nói tới thách đố thứ ba là nạn thế tục hóa. Đức Thánh Cha đã cho thấy nạn tục hóa này rất nguy hiểm, vì muốn gạt Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống của xã hội và con người, đồng thời biến tất cả những sinh hoạt tôn giáo, đạo đức thiêng liêng thành chuyện trần thế. Nói một cách đơn sơ dễ hiểu, tục hóa là có tinh thần thế tục. Khác với tinh thần của Chúa và Tin Mừng. Ví dụ: “Thế gian nói: mắt đền mắt... nhưng Thầy thì nói khác: hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ... để chúng con xứng đáng là Con Chúa... là Đấng làm cho mưa cả người lành và kẻ dữ...” Cũng như tinh thần khó nghèo, khiêm nhượng, chịu đựng, hy sinh... của Tin Mừng đều bị thế gian cho là dại dột, hèn nhát. Và đặc biệt trào lưu tục hóa không chấp nhận giá trị của sự cầu nguyện, vì xem đó là một thái độ thiếu tự tin vào khả năng của con người.

Trong xã hội chúng ta đang sống, tục hóa đã lan tràn khắp nơi, ngay cả trong hàng giáo sĩ.  Một mục sư tin lành danh tiếng, trong một hội nghị lớn, đã phân tích cặn kẽ vì sao có phong trào tục hóa và khủng hoảng trong Giáo Hội (cả Công Giáo và Tin Lành). Ông nói: “Thứ nhất là bởi vì chúng ta hạ giá sự cầu nguyện. Chúng ta đang đánh mất khoa học về Thánh Giá của Chúa. Và chúng ta sống, nói năng, cư xử, hành động, như mọi người khác”. Thật vậy, ngày nay rất nhiều người tin Chúa đã không còn biết cầu nguyện là gì, hoặc không xem việc cầu nguyện là quan trọng trong đời sống của mình nữa. Nhiều người khác còn biết đọc kinh nhưng lại không cầu nguyện. Và cũng lắm người chẳng cầu nguyện và cũng chẳng đọc kinh luôn. Vì thế, Giáo Hội bị khủng hoảng.

Không có đời sống cầu nguyện, ngay cả linh mục cũng dễ bị sa ngã. Và dấu hiệu cho biết một linh mục hoặc một tu sĩ nam hay nữ không còn cầu nguyện, khi vị đó ăn nói, cư xử, hành động như một người bình thường. Chẳng hạn, một linh mục than thở: “Xứ này nghèo rớt mồng tơi”. Đây là kiểu nói của một người “đời”. Làm linh mục chứ đâu phải buôn bán kiếm lợi mà tính chuyện giàu nghèo. Như vậy, chuyện mục vụ giáo xứ đã bị linh mục đó tục hóa, làm mất hết tinh thần của Phúc Âm. Có thể nói nguyên nhân của khủng hoảng ơn gọi linh mục, tu sĩ hiện nay trong Giáo Hội chính là do việc hạ giá sự cầu nguyện và tinh thần tục hóa. Xem chức linh mục như là một nghề nghiệp trong xã hội để sinh sống.

Linh mục hay tu sĩ là một ơn gọi. Điểm chính yếu của ơn gọi này là theo Chúa, kết hợp với Chúa, sống như Chúa đã sống. Vì thế, người linh mục, tu sĩ chọn một sự khôn ngoan đích thực là Thánh Giá của Chúa, chứ không phải kiểu khôn ngoan tính toán của thế gian. Chúa Giêsu đã cảnh cáo các Tông Đồ về khuynh hướng tục hóa này. Phúc Âm kể lại: Khi Chúa đi ngang qua vùng Samaria, người ta ném đá xua đuồi Chúa. Ông Gioan hăng hái đề nghị: “Thầy để cho con xin lửa từ trời xuống thiêu đốt họ” Và Chúa nhắc nhở: “Tinh thần của chúng con là tinh thần của ai vậy?” Và chính Ngài cũng đã nhiều lần bị đưa vào bẫy tục hóa. Ma quỷ cám dỗ Ngài: “Nếu Ông đói, hãy biến những viên đá này thành bánh”, ”Nếu Ông là con Thiên Chúa, hãy lao mình xuống khỏi nóc đền thờ...”, “Nếu Ông là con Thiên Chúa, hãy tự mình xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin”. Nhưng Chúa đã không sa vào những cám dỗ tục hóa đó, vì Ngài luôn vâng phục thánh ý của Chúa Cha, sống kết hợp với Chúa Cha, để hoàn tất chương trình của Chúa Cha. Đó là gương mẫu của người linh mục và tu sĩ nam nữ. Tìm thánh ý Chúa, chứ không phải chạy theo ý của thế gian.

Năm 1959, Cha có dịp viếng thăm Canada và Mỹ. Khi tới Canada, Cha ghé thăm một trung tâm hành hương của Dòng Chúa Cứu Thế rất lớn. Đúng ngày Lễ Bà Thánh Catarina, quan thầy của trung tâm đó, người ta tổ chức rước kiệu cả ngày đêm. Bỗng có một bà ngoại quốc đến hỏi Cha: “Cha ở nước nào?” Cha trả lời: “Tôi ở Việt Nam”. Bà hỏi tiếp: “Ở Việt Nam các linh mục có cầu nguyện không?” Cha thắc mắc: “Sao bà hỏi hay vậy, có cầu nguyện chứ”. Bà than thở: “Vậy mà ở đây, các linh mục chẳng cầu nguyện gì cả. Chúng con buồn lắm. Các ngài chơi tenis, coi truyền hình không biết chán. Còn làm lễ và cầu nguyện thì bỏ luôn”. Câu nói ấy làm Cha suy nghĩ. Bây giờ ở Canada càng ngày càng thiếu ơn gọi. Đó là hậu quả của việc hạ giá cầu nguyện và tinh thần tục hóa. Thánh Phaolô ngày xưa đã phải cảnh cáo về sự tục hóa này: “Tôi nói điều này với anh em trong nước mắt, chính họ đã trở thành kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô. Họ lấy cái bụng làm Chúa của họ”.

Như vậy, chúng con đã tìm ra câu trả lời cho các vấn nạn của Giáo Hội ngày nay. Hãy chuyên tâm cầu nguyện và sống tinh thần của Tin Mừng. Mọi quyến rũ của vật chất tiêu thụ, của trào lưu tục hóa sẽ chẳng bao giờ có thể ảnh hưởng được trên cuộc đời của những ai sống liên kết với Chúa và làm tất cả cho vinh danh Thiên Chúa, theo gương mẫu của Chúa Giêsu Kitô.
 
 
Bài 25: Làm chứng nhân
Thứ ba 07-05-1991 - Tuần 6 Phục Sinh
    

Cv 16, 22-34;  Ga 16, 5-11

Chúa Giêsu truyền dạy các Tông Đồ: “Các con hãy làm chứng nhân cho Thầy”. Vậy chứng nhân là gì? Và làm chứng nhân cần phải biết gì?

Làm chứng nhân tức là làm chứng niềm tin của mình bằng chính cuộc sống. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở các Tông Đồ điều quan trọng trên hết là phải sống những điều Chúa đã chỉ dạy. Phải sống làm sao để những người chung quanh thấy được lời rao giảng của mình đi đôi với hành động. Để khi nhìn vào cuộc sống của các Tông Đồ, những người nghe lời rao giảng và cả những người sống chung quanh, phải nhìn lại cách sống của mình, vì đời sống gương mẫu vẫn ảnh hưởng sâu đậm hơn là những lời rao giảng suông. Vì thế, dù không trực tiếp rao giảng, mỗi người vẫn có thể làm chứng nhân cho Chúa, cho Tin Mừng bằng cuộc sống của mình. Và đó là điều Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta, linh mục, tu sĩ, cũng như giáo dân: “Hãy làm chứng nhân cho Thầy đến tận cùng trái đất”.

Điểm thứ hai: điều kiện để làm chứng nhân cho Chúa là phải hiểu biết Chúa, và thực hành điều Chúa chỉ dạy. Cần phải xác tín Chúa Giêsu là ai? Tại sao Chúa lại chết? Tại sao lại có chuyện sống lại?... Chính các Tông Đồ cũng đã không nắm vững hoàn toàn những điều đó mặc dầu đã được ở kề cận Chúa trong suốt ba năm. Lý do chính yếu là vì các ông vẫn còn nặng đầu óc và cách suy nghĩ thế tục. Vẫn tưởng nghĩ Nước Chúa cũng giống như một vương quốc trần thế. Vẫn muốn dành chỗ ngồi, chức vị quan trọng. Vẫn không chấp nhận Thầy mình phải chết dù đã được báo trước nhiều lần. Và vẫn hồ nghi chuyện Thầy mình sống lại... Các ông cần được thay đổi não trạng, cách suy nghĩ, để nhận ra con người và sứ mạng của Chúa Giêsu, và sứ mạng chứng nhân của mình.

Hơn ai hết, Chúa Giêsu biết rõ các môn đệ của mình. Vì thế, Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần cho các ông. Thánh Thần sẽ dẫn các ông đến sự thật toàn vẹn, giúp con ông hiểu rõ thân thế và sứ mạng của Ngài, hiểu thấu những gì đã xảy ra, những gì Ngài đã truyền dạy và cả những gì sẽ xảy đến. Và thật sự, các Tông Đồ đã làm chứng nhân cho Ngài cho đến hơi thở cuối cùng.

Lời kêu gọi làm chứng nhân của Chúa cũng được gởi đến với mỗi người chúng ta. Sống như Chúa đã sống. Sống như Chúa đã chỉ dạy. Giữa một thế giới vô thần, vô thần lý thuyết và vô thần thực tiễn qua lối sống vật chất hưởng thụ, chúng ta càng phải khôn ngoan và can đảm để có thể trở thành chứng nhân đích thực của Chúa. Đây là tác động của Chúa Thánh Thần. Và sự can đảm và khôn ngoan này chỉ có thể tìm gặp nơi khoa học Thánh Giá của Chúa Giêsu.

Ngày Lễ Chúa Thánh Thần sắp đến, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần tác động mạnh mẽ trong Giáo Hội, trên những người lãnh đạo, cũng như toàn thể dân Chúa, để tất cả cùng ý thức và nỗ lực làm chứng nhân cho Chúa trong hoàn cảnh sống của mình. Amen.

 
Bài 26: Lễ An Táng  
Thứ tư 08-05-1991 - (Tại chủng viện cho Anh ruột của Anh Ruẫn)
 
Chắc chúng con đã nghe chuyện Thánh Phanxicô Borgio. Ngài là quan cận thần đắc lực của Vua nước Tây Ban Nha. Chuyện xảy ra là Bà Hoàng Hậu Isabella qua đời. Khi còn sống, Isabella là một phụ nữ có nhan sắc đẹp nhất thời bấy giờ. Phanxicô Borgio được Vua tín nhiệm và ủy thác việc đưa xác Hoàng Hậu về an táng ở quê hương là nước Bỉ. Trước đây, nhiều lần Phanxicô đã có dịp gặp gỡ Hoàng Hậu và trầm trồ khen ngợi sắc đẹp của Bà. Nhưng khi về tới quê nhà, và mở nắp quan tài để mọi người thân quen nhìn lại Hoàng Hậu Isabella lần cuối, Phanxicô đã ngạc nhiên thất vọng vì nhan sắc tuyệt vời của Hoàng Hậu giờ đây không còn nữa. Thay vào đó là một khuôn mặt thâm tím, giòi bọ rúc rỉa. Qua biến cố này, cùng với ơn Chúa tác động mạng mẽ, Phanxicô Borgio nhận ra mọi sự trên thế gian này đều chóng qua, mau tàn, nên quyết tâm từ bỏ chức tước cao sang, giã từ cuộc sống nhung lụa để vào sống trong một tu viện Dòng Tên. Ngài đã sống một cuộc đời thật đạo đức làm cho mọi người đều khâm phục và sau khi từ giã cõi trần, Ngài được Giáo Hội phong vào hàng hiển thánh.

Cũng vậy, khi chứng kiến người thân ra đi, mỗi người trong chúng ta đều ngậm ngùi thương tiếc. Nhưng đó cũng là dịp để chúng ta tự vấn về ý nghĩa của cuộc đời mình. Lời thi sĩ sau đây nói về cái chết: “Hôm nay là anh và ngày mai sẽ là tôi” thật có giá trị. Không ai thoát được điểm hẹn cuối cùng này. Thời kỳ học ở Roma, Cha có dịp đến viếng xác Đức Giáo Hoàng Piô XII vào năm 1958. Sự ra đi của Ngài đã làm Cha suy nghĩ về cuộc sống, nhưng tâm tình của Cha lúc đó chỉ là tâm tình kính trọng Ngài. Mãi đến khi có dịp chủ tọa lễ an táng cho môt Đức Cha Việt Nam, tâm hồn Cha mới cảm thấy xúc động thật sự, nhất là khi đọc câu “Lạy Chúa, xin cho con khỏi chết đời đời” trong nghi thức làm phép xác cuối thánh lễ. Đúng thật, chết đời đời là cái chết khốn nạn vô cùng. Và điều này làm Cha luôn lo nghĩ về bổn phận của mình trước tòa Chúa.

Suy nghĩ về sự chết, không phải để chúng ta thương khóc người thân, ai oán số phận, nhưng để chúng ta có dịp nghĩ về cuộc đời và số phận của mình. Ai cũng phải chết và không ai biết trước được giờ mình sẽ ra đi. Nhưng chết không phải là hết. Lời Chúa thật an ủi và mang lại hy vọng cho chúng ta: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”, “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai theo Ta sẽ được sống muôn đời“ và “Tất cả những Cha Ta trao cho Ta, Ta sẽ không để hư mất một ai”. Tất cả những lời này của Chúa là bằng chứng để ta tin tưởng và hy vọng vào sự sống đời đời mà Chúa sẽ ban cho những ai tin cậy ở nơi Ngài.

Cũng trong thời gian du học ở Roma, Cha có dịp qua Anh Quốc dự lễ an táng của một anh em Hướng Đạo sinh. Sau khi hạ huyệt, tất cả anh em Hướng Đạo đứng hai bên mộ hát một bài bằng tiếng Anh với những lời thật ý nghĩa làm Cha xúc động: “Tạm biệt bạn, người bạn thân yêu, chúng ta sẽ gặp lại nhau trong một ngày nào đó” và “Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên chúng con, chúng con trông cậy Ngài sẽ cho chúng con có ngày xum họp bên Ngài”.

Cũng vậy, hôm nay chúng ta dâng lễ cầu cho người anh ruột của một người trong anh em chúng con mới qua đời. Chúng ta chia tay với người quá cố, nhưng không phải là vĩnh biệt. Trong niềm tin tưởng và hy vọng, chúng ta dâng lên Chúa lời nguyện cầu tha thiết cùng với những hy sinh của chúng ta hiệp với lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên bàn thờ, để xin Thiên Chúa thương ban cho người anh em này chóng được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa, niềm hạnh phúc mà tất cả chúng ta cùng hy vọng chung hưởng trong Nước Trời. Amen. 
 
 
Bài 27: Chúa Lên Trời   
Thứ năm 08-05-1991

Cv 1,1-11; Ep 1, 17-23;  Mc 16, 15-20
 
Bài đọc sách Tông Đồ Công Vụ mà chúng ta vừa nghe kể lại rất chi tiết việc Chúa lên trời với sự chứng kiến của hàng ngàn người. Sự kiện này làm chúng ta liên tưởng đến chuyện khoa học không gian. Rõ hơn, chuyện Liên Xô và Mỹ phóng phi thuyền vào vũ trụ. Từ năm 1957 đến nay, hai nước thi nhau phóng phi thuyền. Lúc đầu không có người đi theo. Nhưng tính đến bây giờ thì không biết bao nhiêu phi thuyền có người lái đã được phóng đi. Và mỗi lần phóng phi thuyền, thiên hạ đều đổ dồn đến xem.

Con người cảm thấy tự hào với thành quả này vì việc phóng phi thuyền vào không gian để khám phá vũ trụ nói lên được khả năng “vượt bực“ của con người. Nhưng thật ra, chuyện khám phá này càng cho thấy kiến thức nhỏ bé của con người trước vũ trụ bao la. Những hiểu biết con người khám phá được, nghĩa là đã có sẵn rồi, còn quá ít ỏi. Không biết phải mất thêm bao nhiêu ngàn năm con người mới khám phá hết những hành tinh, thái dương hệ ở gần mình.

Còn chuyện Chúa lên trời lại mang một ý nghĩa siêu việt, nói lên quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Chúa Giêsu xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại, không cần phải dùng phi thuyền nào cả. Và Ngài về lại “Trời“ cũng chẳng cần hỏa tiển nào đưa đi. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Sự khôn ngoan của con người, dù có “vượt bực“ đến đâu, cũng chỉ phản ảnh một phần nào sự khôn ngoan siêu việt của Thiên Chúa. Và sự kiện Chúa lên trời không chỉ nói lên quyền năng vô biên thật sự của Thiên Chúa, nhưng còn biểu lộ tình yêu bao la Ngài dành cho con người nữa. Đó chính là sứ điệp lớn nhất mà Thiên Chúa muốn nói với nhân loại: sứ điệp yêu thương. Sứ điệp này đã được Ngài gởi gấm cho các môn đệ trong khi Ngài còn sống, và đặc biệt trước khi giã từ các ông: “Các con hãy làm chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem và cho đến tận cùng trái đất”. Làm chứng nhân điều gì nếu không phải là chứng nhân của tình yêu. Vì thế, sự kiện Chúa lên trời nói lên ba khía cạnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.

Trước hết: Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng cứu chuộc nhân loại mà Thiên Chúa Cha giao phó vì yêu thương con người. Ngài đã xuống thế làm người, giảng dạy, chịu nạn và sống lại để hoàn tất công cuộc cứu chuộc. Sau đó, Ngài tiếp tục hiện ra với các tông đồ và một số giáo dân để trấn an và dặn dò những điều cần thiết. Và cuối cùng, Ngài lên trời.

Điểm thứ hai: Chúa Giêsu trao lại cho các Tông Đồ sứ mạng của Ngài. Ngài truyền lệnh cho các ông: “Chúng con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ai tin thì sẽ được cứu độ, ai không tin thì sẽ bị luận phạt”. Nói cách khác, Ngài giao cho các Tông Đồ và những ai tin theo Ngài nhiệm vụ làm chứng nhân, để tiếp tục mang tình yêu và ơn cứu chuộc của Thiên Chúa đến với mọi người. Phúc Âm kể lại, trong khi các ông còn bỡ ngỡ nhìn trời, thiên thần của Chúa xuất hiện và bảo các ông hãy trở về với cuộc sống thường ngày để làm chứng nhân cho Chúa.

Điểm thứ ba: hy vọng vào cuộc sống hạnh phúc với Chúa. Lời thiên thần: “Đức Giêsu cũng sẽ ngự đến như các ông đã thấy Người lên trời“ muốn nhắc nhở với các ông rằng một ngày nào đó các ông cũng sẽ được lên trời như Ngài vì Ngài đã hứa: “Ta ở đâu thì những kẻ tin Ta cũng sẽ ở đó“ và “Thầy đi để dọn chỗ cho các con“. Đây cũng là một lời hứa thương yêu. Ngài muốn tất cả những ai người tin vào Ngài, làm chứng nhân cho Ngài ở trần thế, đều được hưởng cuộc sống hạnh phúc muôn đời với Ngài.

Sự kiện này nói lên niềm vui mừng và hy vọng của người Kitô Hữu. Mà không hy vọng, không vui sao được khi biết chắc mình đã được Chúa hứa một chỗ trên Nước Trời. Và niềm vui mừng và hy vọng này chính là động lực giúp chúng ta sẵn sàng chấp nhận cũng như đứng vững trước mọi gian lao, thử thách, vì biết chắc rằng sau cuộc sống trần thế này, chúng ta sẽ được chung sống hạnh phúc muôn đời với Chúa.

Cha Thánh Maximilie Kolbe là một mẫu gương sống niềm vui và hy vọng này. Cuộc thế chiến thứ hai bắt đầu bằng việc quân Đức tràn chiếm Ba-lan, quê hương của Ngài. Để bảo đảm an toàn cho anh em, Ngài khuyên họ rời nhà dòng trở về với gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn một số anh em xin ở lại với Ngài. Tối hôm đó, Ngài thân tình bộc lộ với những anh em còn lại: “Đức Mẹ nói cho Cha biết là Cha được cứu rỗi“. Và những người chứng kiến kể lại, lúc ấy, khuôn mặt Ngài sáng láng lạ thường. Ngài đã cảm động rơi lệ khi thốt lên những lời ấy.

Thánh Maximilia Kolbe đã vui mừng đến rơi lệ vì nghe được lời Đức Mẹ báo cho biết sẽ được cứu rỗi. Và niềm vui này đã giúp Ngài can đảm chấp nhận mọi thử thách, hy sinh, kể cả việc chấp nhận chết thay cho người bạn trong tù. Đó cũng phải là tâm tình của mỗi người chúng ta, vì Chúa Giêsu đã hứa Nước Trời cho những ai tin theo Ngài: “Ai tin thì sẽ được cứu rỗi”. Hơn ai hết, cuộc sống của chúng ta phải là cuộc sống của những người đầy hy vọng và tràn trào niềm vui, nhất là khi gặp thử thách, để những người chung quanh nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa qua chúng ta. Và đó cũng là cách làm chứng nhân cho Chúa.

Hôm nay, Lễ Chúa Lên Trời, chúng ta hợp ý cũng toàn thể Giáo Hội xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết hướng về trời trong niềm vui mừng và hy vọng, cùng với tâm tình tạ ơn, vì Thiên Chúa đã yêu thương con người, yêu thương tất cả chúng ta một cách lạ lùng. Và chúng ta cũng cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết đáp trả tình yêu của Ngài bằng chính cuộc sống chứng nhân của chúng ta, ngay trong những công việc bổn phận thường ngày, với những người anh em đang sống kề cận chung quanh. Amen.
 
 
Bài 28: Đạo Đức
Bài huấn đức tối 08-05-1991
 
Trước đây chúng ta đã cùng nhau nói chuyện về tình hình thế giới, trong đó, mỗi người chúng ta đều đều có trách nhiệm làm cho môi trường sống được tốt đẹp hơn. Chúng ta cũng đã suy nghĩ về cách thức để đối phó với thế giới tiêu thụ, thế giới tục hóa đang làm băng hoại thế giới. Và sống tinh thần Phúc Âm chính là phương cách tốt nhất để tiếp tục sứ mạng mở mang Nước Chúa trong thế giới ngày nay. Lần trước, Cha đã nhắc đến mục sư Newman. Ông đã đề cập đến 3 lý do của cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội thời đại này, trong đó có lý do bỏ quên khoa học Thánh Giá của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô nói: “Đối với người Do thái, Thánh Giá là một sự điên dại, người Hy lạp xem đó là một vấp phạm... còn với chúng ta Thánh Giá là một vinh dự”.

Thánh Giá là một hình khổ đê nhục nhất đối với người Do Thái, vì chỉ có kẻ nô lệ mới bị đóng đanh, còn người dân thường khi bị trừng phạt thì chỉ bị ném đá. Nhưng đối với người Công Giáo, Thánh Giá là biểu tượng của tình yêu và vinh quang, vì Chúa Giêsu đã dùng Thánh Giá để chiến thắng tội lỗi và sự chết, mang lại ơn cứu độ cho con người. Vì thế, những người bắt đạo thường ép buộc người Công Giáo bước qua Thánh Giá, như là một hình thức chối bỏ đạo. Hơn nữa, khi chấp nhận Thánh Giá, người Công Giáo đồng thời cũng chấp nhận sống Tin Mừng của Chúa, khác với tinh thần của thế gian.

Chúng con chắc đã nghe đến chuyện Đức Hồng Y Joseph Mindszenty người Hungary khi Cộng Sản chiếm nước này sau thời Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc vào năm 1945. Ngài bị chính quyền kết án tử hình vì tội phản quốc, nhưng sau đó được giảm xuống thành án chung thân vì áp lực của dân chúng. Ngài qua đời năm 1973 khi bị lưu đày tại ranh giới của nước Áo. Đức Hồng Y Mindszenty đã âm thầm vác Thánh Giá của Chúa trong suốt 28 năm. Nhiều người cho rằng Ngài dại dột vì dám một mình chống lại những chuyện ngược đãi, bất công đối với Giáo Hội từ phía nhà nước. Nhưng rất nhiều người Công Giáo Hungary đã hãnh diện về sự can đảm của Ngài... Và mới đây, Thiên Chúa đã tôn vinh người tôi trung này bằng việc chính quyền Hungary chấp nhận đưa xác Ngài về lại thủ đô Budapest như một vị anh hùng. Khi nhận lại thi hài của Ngài tại biên giới Hung-Áo, ông Bộ Trưởng Hungary phát biểu: “Tôi nhận thấy rằng Đức Hồng Y là một công dân tốt và rất có công... tôi khẳng định các biên bản trước đây về Ngài đều sai sự thật”. Thi hài của Ngài được chôn ngay trong nhà thờ Chánh Tòa ở thủ đô Budapest, và nhà nước lấy tên của Ngài để đặt tên cho quảng trường ở đó: Quảng Trường Đức Hồng Y Mindszenty.

Con đường Thánh Giá khác với con đường của thế gian. Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc đến sự khác biệt này: “Luật dạy rằng: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy bảo: đừng chống cự người ác... Luật dạy: hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Còn Thầy bảo: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình...“ Và Phúc Âm kể lại khi Chúa và các Tông Đồ đi ngang qua một vùng của dân Samaria và bị họ ném đá xua đuổi, ông Gioan với tinh thần thế tục, đã xin phép Chúa để cầu xin lửa từ trời xuống thiêu đốt những người ngoại này. Rồi khi Phêrô được Chúa báo cho biết Ngài sẽ đi lên Giêrusalem và chịu nhiều đau khổ, ông cương quyết can ngăn Ngài và Chúa đã trả lời ông: “Satan... Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người“ (Mt 16, 21-23). Cũng với tinh thần thế gian muốn dùng sức mạnh, Phêrô đã dùng gươm chém đứt tai tên đầy tớ của vị thượng tế trong vườn Cây Dầu. Rồi sau đó, cũng với tinh thần thế gian sợ bị liên lụy, Phêrô đã liên tiếp chối bỏ sự liên hệ Thầy-trò với Chúa, khi bị tra hỏi trong dinh vị thượng tế, ngay cả khi đứng trước mặt một người tỳ nữ. Và cuối cùng, trong lần Chúa hiện ra để về trời, cũng với tinh thần thế gian, tất cả các Tông Đồ vẫn còn mơ ước chuyện Chúa khôi phục lại nước Israel (Cv 1, 6-7).
 
Tuy nhiên, sau biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các Tồng Đồ đã bỏ được tinh thần thế gian để hoàn toàn sống cho tinh thần Phúc Âm, sẵn sàng chấp nhận Thánh Giá, chấp nhận gian lao, thử thách vì Chúa, vì Giáo Hội.

Tinh thần thế gian vẫn luôn là một cám dỗ cho mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ có thể vượt qua được tinh thần thế tục này bằng lối sống của Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã truyền dạy và đã sống. Và với tinh thần của Tin Mừng, không một khó khăn thử thách nào có thể làm cho chúng ta nao núng, như gương của các Tông Đồ, của các Thánh Tử Đạo, và của Đức Hồng Y Mindszenty mà chúng ta vừa nghe. Kẻ đứng mới sợ ngã, người nằm còn sợ ngã gì nữa. Cha biết một người ở Giang Xá rất ngỗ nghịch, chửi mắng cả cán bộ... Cha hỏi: “Ông làm thế mà không sợ cán bộ sao?“ Ông đáp: “Thưa Cha, con trọc đầu nên con chẳng sợ gì“. Ông áp dụng câu nói “Chụp thằng có tóc, chứ ai lại chụp kẻ trọc đầu“ để nói rằng ông nghèo lắm, nhà cửa chẳng có gì đáng giá, nên chẳng có gì làm ông phải sợ mất mát, thua thiệt. Cũng thế, một khi không còn dính bén với thế gian, yêu mến  khoa học Thánh Giá, người theo Chúa sẽ hoàn toàn dấn thân, chấp nhận tất cả những thua thiệt vì Nước Trời.

Nhưng làm thế nào để gạt bỏ tinh thần thế tục ra khỏi mình? Quyết tâm sống Tin Mừng. Chắc chắn đó không phải là chuyện dễ dàng. Phải tập luyện hằng ngày để có thể trở nên hoàn thiện. Ơn Chúa sẽ bù đắp những thiện chí và thiếu sót của chúng ta. Câu trả lời của Mạnh Tử ngày xưa khiến cho chúng ta phải suy nghĩ. Có người hỏi: “Thưa Thầy, chị dâu chết đuối làm sao mà cứu? Mạnh Tử trả lời: “Chị dâu chết đuối, lấy cái sào mà cứu“. Người ấy hỏi tiếp: “Thưa Thầy, nếu thiên hạ chết đuối, lấy gì để cứu“. Mạnh Tử trả lời: “Thiên hạ chết đuối, lấy đạo mà cứu”. Đúng vậy, phải có đạo đức mới cứu được thế giới. Người linh mục, trước hết phải là người đạo đức.

Sống trong thời đại ngày nay, chúng ta lại cần phải đạo đức hơn. Nhưng thế nào là đạo đức? Không phải đọc kinh, cầu nguyện dông dài là đạo đức. Không phải chỉ biết ru rú trong nhà thờ là đạo đức. Đạo đức chính là sống kết hiệp với Chúa, để cách suy nghĩ, lời nói và hành động của mình phù hợp với ý của Chúa. Chính Thiên Chúa hoạt động qua chúng ta và trong chúng ta. Và như vậy, không phải chúng ta giảng, nhưng chính Chúa giảng. Không phải chúng ta ban Bí Tích, nhưng chính Chúa ban... Chúng ta thật sự trở thành khí cụ Chúa dùng. Và khí cụ càng tốt, hiệu quả của công việc càng tốt đẹp hơn. Cũng như xe tốt thì giúp việc đi lại nhanh hơn và thuận tiện hơn.

Điều thứ hai là cần phải có khả năng. Thời đại càng văn minh, càng đòi hỏi linh mục có nhiều khả năng. Nhiều khả năng không có nghĩa là phải biết hết mọi sự, nhưng phải biết cập nhật hóa những vấn đề của thời đại để phục vụ tốt và hữu hiệu hơn. Trình độ của người giáo dân ngày nay đã tiến xa. Hơn nữa, phương tiện truyền thông càng giúp họ nắm vững những vấn đề thời sự. Nếu linh mục không chịu tìm tòi học hỏi thêm, lời giảng dạy và khuyên bảo của mình sẽ làm cho giáo dân ngủ gục hết.

Không tiến tức là lùi. Giáo Hội ngày nay cần những linh mục luôn tiến tới trong đạo đức và khả năng để thánh hóa mình và thánh hóa người khác nữa.

 
Bài 29: Vui Mừng 
Thứ sáu 10-05-1991 - Tuần 6 Phục Sinh
    
Cv 18, 9-18;  Ga 16, 20-23
 
Một lần nữa, Thánh Gioan lại cho thấy hai thái cực đối nghịch nhau: “Thế gian này sẽ vui mừng.... còn chúng con sẽ lo buồn.... Nhưng sự lo buồn của chúng con sẽ trở nên vui mừng, và niềm vui của chúng con không ai có thể cướp đi được”. Một điều lạ là sự vui mừng của thế gian có thể biến thành sự đau khổ, nhưng thế gian lại không thể biến đau khổ thành vui mừng, trong khi những người tin theo Chúa có thể biến đau khổ thành vui mừng và niềm vui này tồn tại mãi. Tại sao các Tông Đồ phải lo buồn và vì sao lại vui mừng? Đó là ý tưởng chúng ta suy ngắm ngày hôm nay.

Sự lo buồn nơi các Tông Đồ thật dễ hiểu vì đây là tâm trạng tự nhiên của con người khi phải xa cách người mình yêu mến. Được ở với Chúa Giêsu trong ba năm liền, được chứng kiến quyền năng của Chúa trong lời rao giảng và các phép lạ, và nhất là được thấy tận mắt sự nhân từ của Chúa, các Tông Đồ cảm thấy kính trọng và yêu mến Chúa một cách sâu xa. Vì thế, khi biết rằng sắp phải lìa xa Chúa, người mình kính yêu, các Tông Đồ hết sức lo buồn và cảm thấy thật cô đơn. Chúa Giêsu hiểu rõ tâm trạng của các môn đệ. Vì thế, Ngài nói về Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi sẽ được ban cho các ông. Chính Chúa Thánh Thần sẽ đến dạy dỗ, nâng đỡ và sẽ biến niềm lo buồn, cô đơn của các ông thành niềm vui trọn vẹn, vì lúc đó các ông sẽ ý thức được Chúa hiện diện với các ông mọi ngày cho đến tận thế như lời Chúa hứa.

Thánh Tôma tiến sĩ giải thích lo buồn như sau: “Người ta lo buồn, cô đơn vì họ kiêu ngạo”. Thật vậy, người kiêu ngạo, dù là kiêu ngạo về vật chất hay tinh thần, không bao giờ có được niềm vui, vì họ luôn lo sợ người khác hơn mình. Nếu đó là một người kiêu ngạo “dởm”, không có thực chất, thì lại càng lo lắng hơn vì sợ sẽ bị người khác phanh phui sự thật về mình ra. Điều này đưa đến một hệ luận khác là người kiêu ngạo luôn cảm thấy cô đơn, vì họ không thể hòa hợp với anh em, với người chung quanh. Người kiêu ngạo lên lớp, chỉ trích tất cả mọi người. Và ngược lại, cũng chẳng có ai thích sống gần gũi với người kiêu ngạo. Kẻ cô đơn vì kiêu ngạo được ví như cái chai đã đậy nút rồi quẳng xuống sông. Nó sẽ nổi lềnh bềnh một mình trên mặt nước. Vậy làm thế nào để tránh sự cô đơn? Thánh Tôma đưa ra ba nguyên tắc căn bản sau đây:

Trước hết, hãy nhận biết mình là kẻ yếu đuối. Thứ hai, phải nhận thấy nếu mình hơn được anh em điều gì là nhờ có ơn Chúa giúp, và nếu người anh em được ơn Chúa như mình, thì sẽ thánh thiện hơn mình. Thứ ba, phải nhận ra nếu mình chỉ có ơn Chúa bằng người anh em, thì mình sẽ tội lỗi hơn họ. Nhận biết mình yếu đuối và ý thức tất cả những gì mình có được là do Chúa thương ban, sẽ giúp chúng ta biết sống khiêm nhường thật sự và kính trọng những người chung quanh. Như thế, chúng ta sẽ sống hòa hợp với mọi người và không cảm thấy cô đơn. Với những suy nghĩ trên đây, chúng ta có thể rút ra được ba công thức:

- Nếu chỉ có tôi không thôi thì sẽ có thêm tội lỗi.
- Nếu tôi với người anh em thì sẽ có kiêu ngạo và cô đơn.
- Nếu tôi với người anh em cộng với hình ảnh của Chúa thì sẽ có sự vui mừng.

Một khi sống yêu mến anh em, nhờ nhận ra hình ảnh Chúa trong họ, chúng ta sẽ sống trong niềm vui và sự vui mừng này không ai có thể lấy đi được, vì có Chúa ở với chúng ta, như lời Chúa quả quyết trong bài Phúc Âm hôm nay: “Khi gặp lại Thầy, chúng con sẽ vui mừng và sự vui mừng này không ai có thể cất đi được”.

Có Chúa, chúng ta sẽ được niềm vui trọn vẹn. Chắc chắn cuộc sống, nhất là đời sống cộng đoàn, luôn có những khó khăn, thách đố. Muốn cho cuộc sống của cộng đoàn ở chủng viện luôn được thoải mái, vui vẻ, mỗi người chúng con cần phải sống khiêm nhường và nhận ra hình ảnh Chúa nơi người anh em. Ngày Lễ Chúa Thánh Thần gần đến, chúng ta cầu xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết học và sống nhân đức khiêm nhường, như Chúa là Đầng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, để chủng viện chúng ta thật sự trở thành nhà của Chúa. Amen.
 
 
Bài 30: Tinh Thần Phụng Vụ Thánh Lễ
Bài huấn đức tối 10-05-1991
 
Chiều nay, Cha muốn dùng buổi nói chuyện để giúp chúng con hiểu và sống tinh thần của phụng vụ thánh lễ. Mỗi ngày, chúng ta đều tham dự thánh lễ. Nếu chúng ta ý thức và hiểu được ý nghĩa cách sắp xếp cũng như những nghi thức trong thánh lễ, chúng ta sẽ tham dự một cách sốt sắng và được nhiều ơn ích hơn.

Một cách tổng quát, thánh lễ gồm hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Hai phần này liên kết chặt chẽ với nhau. Ngoài ra còn có những nghi thức mở đầu và kết thúc thánh lễ.

Trong phần mở đầu thánh lễ, có nghi thức sám hối, mà chúng ta thường gọi là phần cáo mình. Phần này có thể được thay thế bằng kinh “Lạy Chúa, xin thương xót...” nhằm mời gọi chúng ta dọn mình, thú tội để được dâng thánh lễ một cách sốt sắng. Cũng có thể phân công mấy người nói lên lòng xám hối của mình trước khi đọc kinh cáo mình. Sau đó có Kinh Vinh Danh, để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. Kinh này được dùng trong các Chúa Nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, cũng như trong những dịp lễ đặc biệt. Và kết thúc bằng lời nguyện nhập lễ. Thông thường, linh mục mời giáo dân cầu nguyện và tất cả cùng thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước mặt Chúa.

Phần Phụng vụ Lời Chúa: Gồm Bài Đọc Một lấy từ Cựu Ước hoặc Tân Ước, tiếp đến là bài Thánh Vịnh Đáp Ca, dựa theo ý của Bài Đọc Một, rồi Bài Đọc Hai chỉ có trong thánh lễ ngày Chúa Nhật hay lễ trọng, được lấy từ Tân Ước; bài Alleluia và câu tung hô trước bài Tin Mừng. Và cuối cùng là bài Tin Mừng được lấy từ bốn cuốn Phúc Âm. Sau bài Phúc Âm là phần diễn giải. Nói cách vắn gọn là phần giảng. Phần này được khuyến khích vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của giáo dân. Riêng ngày Chúa Nhật và lễ buộc, trừ khi có lý do quan trọng, phần giảng này phải được thi hành. Thường chính linh mục chủ tế phải giảng dựa theo bài Phúc Âm và bài đọc của ngày lễ, hoặc chọn một đề tài nào đó theo ý lễ ngày hôm đó. Ví dụ: lễ cầu hồn, lễ hôn phối, bổn mạng giáo xứ...

Thời Cha ở Nha trang, có Cố Chính địa phận rất lo lắng về việc giảng lễ vì Ngài không thạo tiếng Việt. Vì thế, một Cố khác giỏi tiếng Việt soạn sẵn toàn bộ bài giảng trong năm cho Cố Chính và các Cố Tây khác. Chuyện xảy ra là các Cố sợ giảng sót bài, nên cứ theo thứ tự giảng hết các bài đã dọn sẵn trong năm. Nên có khi đến Noel rồi mà có Cố vẫn còn giảng về hôn phối, vì tập bài giảng soạn sẵn cho một năm mới đến chỗ đó. Giáo dân nơi khác đến nghe Cố giảng trật lất như vậy không thể nín cười được.

Trong những nhóm nhỏ, để giúp hiểu và sống Lời Chúa một cách sâu sắc hơn, sau bài Phúc Âm, linh mục chủ tế dành thì giờ để mọi người chia sẻ Phúc Âm thay vì giảng. Có thể bài Phúc Âm này đã được gợi ý trước cho nhóm, để mọi người có thì giờ suy nghĩ và sống Lời Chúa thật sự. Chia sẻ không phải là giảng cho người khác, nhưng thuật lại với anh em chính kinh nghiệm sống Lời Chúa của mình một cách khiêm tốn và yêu thương. Chia sẻ Phúc Âm rất có lợi vì mọi người đều cảm thấy Lời Chúa thật sự đánh động và sinh ích cho mình. Khi nào có dịp Cha sẽ nói rõ hơn về vấn đề này.

Trong thánh lễ ngày Chúa Nhật và lễ trọng, sau bài giảng, tất cả mọi người đọc Kinh Tin Kính để nhắc nhở niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi và Giáo Hội trước khi cử hành phụng vụ Thánh Thể. Có một Đức Cha hay giảng dài, và khi đã giảng thì không thể dừng lại được. Vào những dịp lễ lớn của địa phận, các cha về dự lễ rất ngại vì nghe Đức Cha giảng lâu quá. Cũng không ai dám nói thẳng với Đức Cha. Cuối cùng, các cha mới nghĩ ra một cách là đợi gần cuối bài giảng, khi Đức Cha dừng lại để lấy hơi giảng tiếp, tất cả các cha cùng đứng dậy bắt đọc Kinh Tin Kính luôn.

Và phần phụng vụ Lời Chúa được kết thúc bằng lời nguyện giáo dân. Lời nguyện này không phải là lời nguyện trực tiếp dâng lên Chúa, nhưng chỉ là những gợi ý được nêu lên để mời gọi tất cả mọi người cùng cầu theo ý nguyện đó. Lời nguyện được soạn tùy theo ý của ngày lễ, nhưng luôn có những gợi ý cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho Giáo Hội, cho thế giới và chính cộng đoàn tham dự. Vì là lời cầu gợi ý, nên cuối mỗi lời cầu, thường có câu xướng: “Chúng ta hãy cầu nguyện” hoặc “Chúng ta hãy cầu xin Chúa”. Và mọi người đáp lại: “Xin Chúa nhận lời chúng con”.

Chúng con thấy một vài nơi áp dụng “Cầu nguyện tự phát” thay cho phần “Lời nguyện giáo dân”. Đây là một điều hay vì như vậy lời cầu sẽ cụ thể và thiết tha hơn. Nhưng cũng dễ xảy ra những lạm dụng và làm cho thánh lễ kéo dài quá. Thực tế cho thấy, lời cầu tự phát chỉ nến áp dụng trong thánh lễ của những nhóm nhỏ đã được chuẩn bị. Còn trong thánh lễ có giáo dân, nên dùng những lời nguyện đã được dọn sẵn trong sách phụng vụ, hoặc do những người có trách nhiệm và trình độ chuẩn bị trước vì nếu để tự do lời cầu nguyện tự phát cũng có thể rất nguy hiểm. Ví dụ: một ông trùm tự phát cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin cho cha xứ của chúng con biết sống hòa thuận, vì ngài chửi mắng và đánh đập giáo dân luôn”. Như vậy thì cả giáo xứ sẽ khốn khổ với cha xứ đó. Hay câu chuyện Bề Trên Cả đi kinh lý sau đây. Một vị Bề Trên Cả đến kinh lý một nhà dòng nọ. Ngài muốn biết tất cả sự thật trong nhà dòng. Nhưng Bề Trên nhà dòng đó đã cấm tất cả mọi người trong nhà không được thưa bẩm điều gì với Bề Trên Cả.

Một tuần lễ trôi qua, Bề Trên Cả cũng cảm thấy lạ vì không thấy ai nêu vấn đề gì. Không lý cộng đoàn này đã sống như trên Thiên Đàng rồi. Hôm lễ cuối cùng, một linh mục trong nhà dòng làm chủ tế. Đến phần Kinh Tiền Tụng, thay vì đọc như trong sách lễ: “Lạy Chúa, là Cha Chí thánh...” thì ngài hát cho thêm phần long trọng với những lời sau đây: “Bề Trên Cả đã đến với chúng con hơn một tuần nay, nhưng Bề Trên chúng con cấm không được nói gì cùng Bề Trên Cả. Nên chúng con không dám thưa bẩm điều gì. Xin Bề Trên Cả thông cảm cho chúng con... Nhờ Đức Giêsu Kitô... Vì thế, hiệp cùng với các thiên thần...”. Nghe lời Kinh Tiền Tụng tự phát đó, Bề Trên Cả hiểu được lý do thinh lặng của mọi người trong cả tuần nay và sau đó khám phá ra sự thật trong nhà dòng.

Chuyện tự phát có lợi thật nhưng đôi khi cũng dở khóc dở cười. Người ta kể lại một chuyện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thời còn làm Hồng Y như sau. Hôm dự lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, đến phần lời nguyện, Ngài nhắc vị Giám Mục đứng bên cạnh: “Đức Cha nhớ cầu xin cho Hội Thánh và cho Hội Nghị bầu Giáo Hoàng...” Đến khi đọc, vị Giám Mục ấy đọc như sau: “Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho Đức Hồng Y Karol Joseph Woityla làm Giáo Hoàng”. Đức Hồng Y lúc đó vội bảo: “Đừng nói thế!”. Nhưng lần nữa vị ấy lại đọc: “Lạy Chúa, chúng con tha thiết cầu xin cho Đức Hồng Y Karol J. Woityla...” Lúc đó Đức Hồng Y bảo: “Thật là nói dại”. Nhưng chậm mất rồi! Cũng vậy, nếu cha xứ để cho giáo dân cầu nguyện tự phát, thì nhiều lúc bịt miệng họ không kịp và sẽ làm mất lòng nhiều người, hỏng nhiều việc chung.

Phần phụng vụ Thánh Thể bắt đầu bằng việc chuẩn bị lễ vật: bánh, rượu, nước. Cũng được nhận tiền bạc hay các phẩm vật khác trong phần chuẩn bị này, để giúp người nghèo hay nhà thờ. Trong những dịp lễ trọng, có nghi thức xông hương để nói lên lễ vật và lời cầu của Hội Thánh như hương trầm bay lên trước nhan Chúa. Rồi đến nghi thức rửa tay như là một biểu lộ lòng ước ao được thanh tẩy trong tâm hồn. Sau đó là Kinh Tạ Ơn, còn gọi là Kinh Tiền Tụng, được kết thúc bằng lời tung hô: “Thánh, Thánh, Thánh”, nói lên tâm tình cảm tạ của toàn dân Chúa về công trình cứu chuộc hoặc những lý do đặc biệt tùy ý lễ và mùa phụng vụ. Tiếp đến là phần tường thuật việc lập Bí Tích Thánh Thể và quan trọng hơn cả là lời truyền phép, biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Sau lời truyền phép, linh mục chủ tế nhân danh cộng đoàn Dân Chúa, nhắc lại việc tưởng niệm biến cố khổ hình sinh ơn cứu độ cũng như sự sống lại vinh hiển và lên trời của Chúa Giêsu. Vị chủ tế cũng dâng lên Thiên Chúa tất cả mọi người hiện diện và cuối cùng xin Chúa đoái thương nhìn đến tất cả nhu cầu của Hội Thánh, cũng như của mọi chi thể còn sống cũng như đã qua đời.

Nghi thức Hiệp Lễ được bắt đầu bằng Kinh Lạy Cha như muốn bày tỏ lòng phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa. Xin được cơm bánh hằng ngày, vật chất cũng như thiêng liêng là Thánh Thể, và xin cho được khỏi mọi sự dữ, để luôn sống trong tình nghĩa với Chúa và với anh em, đặc biệt qua nghi thức “Chúc bình an” sau đó. Nghi thức này tùy Hội Đồng Giám Mục mỗi nơi ấn định, phù hợp với văn hóa và phong tục của dân tộc.

Kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” được mọi người tham dự cùng đọc hoặc hát, nói lên tâm tình tin yêu và cầu xin được mọi sự lành. Tiếp đến linh mục đưa cao Thánh Thể và mời gọi giáo dân hãy đến dự tiệc của Đức Kitô. Mọi người được khuyến khích rước cả Mình và Máu của Chúa. Và sau đó có thời gian thinh lặng để mọi người cầu nguyện riêng với Chúa đang ở trong tâm hồn.

Cuối cùng là nghi thức kết thúc với lời chào và ban phép lành của linh mục. Và cộng đoàn giải tán, trở về với sinh hoạt thường ngày trong tâm tình ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa.
 
Cha chỉ trình bày một cách vắn tắt những điểm chính của phụng vụ thánh lễ, để giúp chúng con nắm vững ý nghĩa của những phần chính, nhờ đó có thể tham dự thánh lễ một cách ý thức hơn, vì thánh lễ là trung tâm điểm của đời sống Kitô Hữu. Khi học môn phụng vụ, chúng con sẽ có dịp đào sâu hơn những ý nghĩa của các phần và những nghi thức này. Điều Cha muốn nói là khi tham dự thánh lễ, chúng con cố gắng chú tâm theo dõi và đóng góp phần mình một cách ý thức, chứ đừng làm vì thói quen. Hành động bái gối hay cúi đầu, làm dấu Thánh Giá, chúc bình an, hoặc xướng đáp hay ca hát... nếu chúng con làm một cách ý thức, sẽ giúp chúng con sống trong tình hiệp thông với Chúa và Giáo Hội và cảm nghiệm được sự cao quý của thánh lễ. Người ta đưa ra câu hỏi: “Trong giáo xứ, ai là người bái gối kém nhất?” Câu trả lời là: “Trước nhất là ông từ, đến chú giúp lễ, rồi tới cha xứ”. Vì những người này không còn bái gối một cách ý thức nữa. Thật nguy hiểm!

Cha mong ước tất cả chúng con luôn tham dự thánh lễ một cách ý thức, để ơn của thánh lễ chúng con nhận được mỗi ngày, sẽ làm cho cuộc sống chúng con tràn đầy niềm vui và hy vọng.
 
 
Bài 31: Ai Xin Sẽ Được
Thứ bảy 11-05-1991 - Tuần 6 Phục Sinh 

Cv 18, 23-28; Ga 16, 23-28

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu hứa với các Tông Đồ một cách chắc chắn: “Anh em xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy”. Ngài xác quyết điều này để an ủi và củng cố niềm tin nơi các Tông Đồ sau khi biết rằng không còn bao lâu nữa, các ông phải lìa xa Chúa: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không trong thấy Thầy” (Ga 16, 19). Và các Tông Đồ đã cảm nghiệm được lời hứa này của Thầy mình trên bước đường rao giảng Tin Mừng sau khi Chúa sống lại và lên trời. Lần trước Cha có đề cập đến vấn đề chia sẻ Phúc Âm, bây giờ Cha muốn dùng đề tài của bài Phúc Âm hôm nay, để giúp chúng con làm quen với việc chia sẻ này. Nên nhớ rằng chia sẻ Phúc Âm không phải là giảng, nhưng là nói lên kinh nghiệm sống Lời Chúa trong cuộc đời mình.

Ngày trước, Cha có dự một buổi chia sẻ của các thanh niên nam nữ với đề tài Phúc Âm hôm nay: “Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy”. Dĩ nhiên, trong buổi chia sẻ đó, nhiều anh chị đã đóng góp những kinh nghiệm sống rất hay. Nhưng câu chuyện của chị thủ quỹ nhà máy chia sẻ đã làm Cha nhớ mãi. Sau đây là nội dung lời chia sẻ của chị:

Thưa các bạn, tôi muốn chia sẻ với các bạn một chuyện đã xảy ra cách đây không lâu. Một hôm vào ngày thứ bảy, tôi đại diện cho cơ quan, đến ngân hàng lấy một số tiền trị giá mấy chục ngàn đô-la. Về lại văn phòng thì đã quá muộn, các công nhân đều đã về nhà. Tôi lại không có chìa khóa để cất tiền vào két sắt. Sau khi đã suy nghĩ mọi cách, tôi quyết định để số tiền ấy vào ngăn kéo bàn làm việc của tôi, khóa lại rồi ra về. Qua ngày Chúa Nhật đến sáng thứ hai, tôi trở lại cơ quan làm việc, với tâm hồn không được bình an vì lo sợ số tiền đó bị mất cắp. Khi mở ngăn kéo, tôi giật mình, mặt tái xanh, vì số tiền đó không còn nữa. Tôi lo lắng không biết phải giải quyết làm sao. Mặc dầu được ông giám đốc tín nhiệm, tôi tự biết mình không thể thuyết phục được ông vì số tiền quá lớn, và không có gì làm bằng chứng là số iền đó bị mất trong cơ quan. Tôi cũng nghĩ đến việc mình phải trả bù lại số tiền đó, tương đương với ba năm lương của tôi. Nhưng quan trọng hơn cả là mọi người sẽ nghĩ tôi tham ô tài sản cơ quan và có thể bị ngồi tù.

Trong lúc buồn sâu lo lắng, tôi chợt nhớ đến đề tài Phúc Âm tôi phải sống trong tuần đó và tha thiết cầu nguyện: “Lạy Chúa, vì Đức Giêsu con Chúa, xin Chúa giải quyết việc này cho con”. Tôi cứ cầu nguyện như thế và tin tưởng Chúa sẽ can thiệp. Sau đó, tôi mạnh dạn đến gặp ông giám đốc và trình bày tất cả sự việc xảy ra. Ông tin tôi và thông cảm hoàn cảnh trớ trêu này, nhưng không thể làm gì hơn ngoài việc loan báo sự việc này với tất cả nhân viên trong cơ quan. Không ai biết được manh mối gì cả. Thế rồi công an đến điều tra. Họ cũng không phát hiện thêm được điều gì. Tôi phải chịu trách nhiệm đền lại số tiền và chờ ngày ra tòa.

Trong thời gian chờ tòa xử, tôi vẫn nhớ và tin tưởng vào câu Phúc Âm tôi đang sống. Một ngày trước khi hầu tòa, tôi chậm rãi bước vào phòng làm việc, và đi đến bàn viết. Đúng lúc ấy, chị quét dọn nhà rón rén bước tới, run run nói với tôi: “Thưa chị, chính em đã lấy số tiền đó. Em biết chị rất khổ tâm trong mấy tuần qua. Em thành thật xin chị tha thứ”. Tôi vừa vui mừng vừa thương cho chị ta, vì bây giờ chị phải gánh lấy tất cả mọi hậu quả. Tôi lại nhớ câu Phúc Âm mình đang sống và tôi đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, vì Đức Giêsu con Chúa, xin Chúa thương đến chị này”. Rồi tôi đến báo cáo sự việc cho ông giám đốc. Chị làm công lập tức bị bắt giữ để chờ ngày ra tòa.

Tôi nhớ lại Lời Chúa dạy tôi: “Hãy yêu thương người ta như yêu thương mình”. Tôi nghĩ đến chị làm công và kiên nhẫn ra tòa nhiều lần để xin tòa thông cảm hoàn cảnh khó khăn của chị và tha cho chị lần này. Cuối cùng, tòa không bắt chị ngồi tù, nhưng chị lại bị cơ quan đuổi việc. Một lần nữa, tôi đến gặp ông giám đốc để xin cho chị được làm việc lại. Ông giám đốc tín nhiệm và hiểu tôi, nhưng không chấp nhận lời yêu cầu này. Ông nói: “Các anh em trong cơ quan không đồng ý. Họ lo ngại biết đâu rồi đây các chứng từ sổ sách, hay máy móc lại bị mất”. Tôi lại xuống phân xưởng giải thích và nài nỉ mọi người cho chị ta một cơ hội. Cuối cùng tôi vui mừng được họ đồng ý. Ông giám đốc chấp nhận cho chị ta làm việc lại, nhưng xem ra ai cũng e dè chị. Tôi nhớ lại câu Phúc âm này và cầu nguyện cho chị: “Lạy Chúa, nhân danh Đức Giêsu, xin Chúa cho chị ấy sống trong cơ quan được bình thường, không còn bị mặc cảm”. Đồng thời tôi cũng xin các anh em trong cơ quan thông cảm và yêu thương chị. Sau một vài tháng, bầu khí trong cơ quan thay đổi hẳn. Tất cả mọi người trong cơ quan của chúng tôi không ai còn nhớ đến lỗi lầm của chị ngày trước, và nhờ đó chị ấy cũng hết mặc cảm.

Đây là kinh nghiệm sống câu Phúc Âm “Các con xin Chúa Cha nhân danh Thầy thì sẽ được” của tôi. Tôi cảm thấy rất vui mừng, vì Chúa đã thật sự lắng nghe lời tôi kêu xin, và niềm vui của tôi thật không ai có thể cất đi được như lời Chúa hứa.

Cha đơn cử cuộc chia sẻ trên đây của chị thủ quỹ để chúng con biết cách chia sẻ Phúc Âm. Chị thủ quỹ đã thành công trong việc sống Lời Chúa. Nhưng chúng ta cũng có thể chia sẻ những kinh nghiệm thất bại của mình vì đã không sống Lời Chúa. Kinh nghiệm học được từ thất bại sẽ giúp chúng ta tránh những sai lầm trong tương lai. Một điều nên nhớ là không ai có thể chia sẻ cho người khác cái mà mình không có. Muốn chia sẻ Phúc Âm, chúng con trước hết phải sống Phúc Âm thật sự đã.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết tin tưởng vào Chúa như chị thủ quỹ trong câu chuyện vừa kể. Tin vào Chúa, chúng ta cầu xin nhân danh Đức Giêsu, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhận lời.

Hôm nay, chúng ta đặc biệt cầu cho Đức Thánh Cha đương kim trong cuộc công du của Ngài sang Fatima, để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu Ngài thoát chết 10 năm trước. Qua lời cầu bàu của Mẹ Maria, xin Chúa ban cho Ngài và các Giám Mục Bồ Đào Nha mà Ngài sẽ gặp tại thủ đô Lisbon, được luôn can đảm làm chứng nhân cho Chúa. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập686
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại914,696
  • Tổng lượt truy cập57,016,333
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây