Cái tên “An Ninh – Phú Xuân – Hoan Thiện” và cảm hứng Linh đạo Cựu Chủng sinh.

Thứ bảy - 07/05/2011 12:30

-

-
Những chia sẻ sau đây chỉ là cảm hứng, không phải là một khảo luận, mục đích là gợi mở cho mỗi người tìm lại căn tính của mình. Bởi vì, cuộc sống luôn là sự tìm kiếm vô tận những giá trị khả dĩ mang lại cho mình những ý nghĩa, sự khẳng định mình trong cõi nhân sinh.

Cái tên “An Ninh – Phú Xuân – Hoan Thiện” và cảm hứng Linh đạo Cựu Chủng sinh

Chỉ còn 45 ngày nữa, cuộc Hội Ngộ lịch sử 3 nhà An Ninh, Phú XuânHoan Thiện sẽ diễn ra tại Giáo phận Huế.

Một băn khoăn cho cả những người đang nô nức mong chờ cũng như những người xem ra “đứng ngoài cuộc” có thể tóm tắt như sau: Ý nghĩa của những ngày Hội Ngộ là gì? Và sau Hội Ngộ sẽ là gì?

Câu hỏi thì đơn giản, nhưng câu trả lời thì không! Có người thì mong ước cảm nhận cái tình cảm mà mình chia sẻ và đón nhận. Nhưng có những người khó tính hơn sẽ cho rằng chúng ta khó có thể đi đến kết cục khi một tập thể chẳng có quy chế nào rõ ràng, cũng như chẳng thể có ràng buộc nào.

Những chia sẻ sau đây chỉ là cảm hứng, không phải là một khảo luận, mục đích là gợi mở cho mỗi người tìm lại căn tính của mình. Bởi vì, cuộc sống luôn là sự tìm kiếm vô tận những giá trị khả dĩ mang lại cho mình những ý nghĩa, sự khẳng định mình trong cõi nhân sinh. Mỗi khi tìm được một giá trị có thể áp dụng cho mình trong cuộc sống, có thể thấy rõ chất lượng cuộc sống mình được tăng lên, cho dù những vấn nạn khác vẫn luôn còn đó.

1. Lịch sử là đường lối mạc khải của Thiên Chúa.

Rất nhiều người cảm thấy tâm đắc với câu nói: “Thiên Chúa viết (vẽ) đường thẳng bằng những đường cong!”. Câu nói này phần nào nói lên một cảm nhận, một “hồi ức” – là một chuỗi những quá khứ -  về tác động của Thiên Chúa trong lịch sử của mỗi con người. Bạn khó có thể - hay đúng hơn là không thể - nhìn thấy sự quan phòng của Thiên Chúa ngay trong biến cố đang xảy ra, nhưng sau một giai đoạn, có thể dài hoặc ngắn, bạn sẽ cảm nhận được bàn tay Thiên Chúa khi “xâu chuỗi” những biến cố nói trên dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Lịch sử dân Do Thái kéo dài hàng nghìn năm, trong đó mỗi biến cố là một mạc khải của Thiên Chúa. Tuy nhiên, lịch sử đó (mạc khải) chỉ được tỏ lộ cách trọn vẹn qua Đức Giêsu Kitô. Và dù khôn ngoan thượng trí như Thiên Chúa, Đức Kitô cũng không thể chọn con đường nào khác để đến phục sinh vinh hiển mà không bước qua con đường khổ giá.

Do đó, cuộc sống là sự đan xen của đau khổ, thành công, hạnh phúc, thất bại… mỗi cái đều có giá trị và tổng hợp tất cả làm nên lịch sử của mỗi con người.

Rất nhiều người trong chúng ta, mấy mươi năm bôn ba bằng cách này hay cách khác để tích trữ cho mình một cuộc sống đầy đủ, thất bại có, thành công có. Tất cả chúng ta dường như bị cuốn trôi theo thời cuộc và quên đi tất cả. Tuy nhiên, bạn sẽ đồng ý với tôi rằng một khi bạn dừng chân, dù bạn là người có cuộc sống đã đầy đủ hay đang thiếu thốn, niềm hạnh phúc của bạn không thể thiếu những “hoài niệm”. Bởi lẽ quá khứ luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời bạn, dù quá khứ đó ghi dấu những thất bại, những căm phẩn, những vết thương lòng…Hội Ngộ là sự tiếp nhận “hoài niệm” như một giá trị làm nên cuộc sống và lịch sử của chúng ta. Một trong những hoài niệm luôn khắc ghi trong tâm khảm, đối với chúng ta, là ngày bước chân vào chủng viện với hoài bão về một tương lai tốt đẹp.

2. Ý nghĩa cái chuỗi tên An Ninh – Phú Xuân – Hoan Thiện.

Có một điều chắc chắn là khi Đức Giám mục Sohier chọn An Ninh làm cái tên cho Tiểu Chủng viện tại vùng Đất Đỏ không hề biết rằng sau đó chủng viện sẽ còn có cái tên khác là Phú Xuân và Hoan Thiện. Và những vị đã chọn những cái tên Phú Xuân và Hoan Thiện cho 2 chủng viện được thành lậu sau này có lẽ không nghĩ đến sự liên kết kỳ diệu giữa 3 cái tên này. Riêng Tiểu Chủng viện Hoan Thiện dù chỉ tồn tại trong thời gian vắn vỏi nhất, nhưng lại là điểm kết thúc cho một lịch sử - với tôi, có thể nói là một mạc khải – quá tốt đẹp.

Nhắc lại một chút để có thể hiểu rõ hơn những khai triển sau này. Tiếng Việt chúng ta có đặc tính là đơn âm, khác với các ngôn ngữ khác. Đối với những từ ghép thì từ đầu được xem là có nghĩa chính, từ ghép thêm chỉ mang ý nghĩa bổ sung ý nghĩa của từ đầu. Ví dụ: Sạch sành sanh, từ “sạch” có nghĩa chính, còn “sành sanh” có ý nói rất sạch.

Với lối suy diễn trên, nếu chúng ta lấy các từ đầu tên của 3 chủng viện, chúng ta sẽ có cụm từ rất đẹp: AN – PHÚ – HOAN.

Nói đến đây chắc chắn mọi người có thể liên tưởng đây là một lời cầu chúc đầy đủ ý nghĩa nhất mà ai cũng muốn nhận được trong cuộc đời. Ngày đầu năm mới, chúng ta thường bày tỏ tình cảm và ước mơ bằng lời chúc tốt đẹp nhất: Chúc bạn và gia đình một năm mới BÌNH AN, PHÁT TÀI, VUI VẺ, HẠNH PHÚC, …

Thiết tưởng, tất cả mọi lời chúc, mọi ước muốn tốt đẹp nhất cho người thân thương của mình đều gói gọn trong 3 từ này.

Để hiểu rõ hơn, xin được khai triển ý nghĩa của 3 từ nói trên, để hiểu những cái tên muốn nói với chúng ta điều gì.

Chữ AN

Chữ AN () là một từ gốc tiếng Hán ghép từ bộ Miên  (nhà) ở trên, và thêm chữ Nữ  ở dưới, có nghĩa là sự bình an. Sự bình an, được mô tả là một căn nhà có sự hiện diện của người phụ nữ. Hay nói cách khác, chữ An bao hàm trong đó một gia đình. Xét nghĩa đen đó là dân “ta ru” chúng ta.

Chữ AN trong nội hàm của nó là một gia đình chứ không phải là người sống một mình (chứ không phải người sống độc thân), và ý nghĩa của nó hàm chứa sự bình an, sự hạnh phúc.

Người có gia đình như dân “ta ru”cần cư xử sao cho trong gia đình trên thuận dưới hòa, đó là AN.

Người sống độc thân, các linh mục, không nên sống theo ý riêng mình, mà phải sống trong sự tuân phục bề trên, hài hòa người dưới, đó là AN.

Phàm khi quyết định làm việc gì quan trọng, trước tiên ta phải giữ cho tâm được an thái, lúc đó trí mới thông, hành mới đạt. Cuộc nhân sinh của mỗi con người cũng vậy.

Khi chữ AN (tên chủng viện An Ninh) được đặt vào chủng viện thì theo nghĩa rộng chủng viện là một mái ấm gia đình hoàn hảo, nơi đó mang lại sự an bình. Chủng viện chính là người mẹ che chở, là môi trường tổ ấm yêu thương, là nơi an toàn cho những bước chân chập chững vào đời. Dù là linh mục hay tu xuất, chúng ta đã phải trải qua giai đoạn đầu tiên của cuộc đời: hình thành trong tâm hồn sự an bình nội tâm (tĩnh tâm), cái khí chất an nhiên tự tại, để khởi đầu cho một đoạn đường đời dài trước mặt.

Như thế theo nghĩa toàn vẹn chủng viện không chỉ là nơi đào tại linh mục mà là nơi đào tạo cựu chủng sinh. Nghĩ đến đây, tôi nhớ lại hồi năm ngoái, khi anh em Cựu Chủng sinh Huế lớp HT67 họp mặt hàng năm tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên giám mục giáo phận Nha Trang, đã nói đùa một câu (nhưng là một cảm nhận rất chân thật): “Tôi nghĩ rằng Chủng viện được lập ra không phải để dành cho việc đào tạo linh mục, mà đúng ra là để đào tạo cựu chủng sinh”. Có thể câu nói của ngài là bộc phát, nhưng nếu suy nghĩ kỹ chúng ta thấy không sai chút nào. Có bao nhiêu linh mục xuất thân từ chủng viện so với con số cựu chủng sinh?

Từ đó, một băn khoăn hợp lý như trong bài của anh Lê Cần dịch từ một bài báo nói lên ý tưởng của Hội đồng Giám mục Miến Điện được đăng trên website CCS Huế: tại sao không nghĩ đến việc tái đào tạo cựu chủng sinh như là thành phần nòng cốt để cọng tác với các linh mục?

Chữ PHÚ

Chữ PHÚ () có nghĩa là sự giàu có, sự đầy đủ, sự sung túc. Điều trùng hợp là cũng như chữ An, chữ PHÚ thuộc bộ Miên  (nhà) đặt trên cùng, thêm chữ Nhất, chữ Khẩu và chữ Điền.

Sự bình an (chữ An) chỉ mới là khởi điểm để con người bước vào cuộc đời, nó giúp con người tránh được những mối nguy hiễm, xây dựng nền tảng nhân linh. Tuy nhiên, như một quy luật, đời sống con người cần phải được phát triển, được thăng hoa. Điểm đến của cuộc nhân sinh là sự sung túc, giàu có (phải hiểu cả vật chất và đời sống thiêng liêng). Chữ Phú trong trường hợp này hướng con người đến một giá trị khác: sự hoàn thiện.

Chủng viện Phú Xuân, không phải là nơi để vui chơi, nhưng là nơi để con người rèn luyện, thủ đắc cho mình hành trang vào đời. Đó chính là kiến thức, là nội tâm phong phú, là lý tưởng sống… Sự giàu có trong những lĩnh vực này là điều cần thiết. Hãy nhớ rằng “bạn không thể cho người khác điều bạn không có!”.

Tiểu chủng viện Phú Xuân, chữ Phú  , như là giai đoạn 2 của cuộc đời mỗi con người chúng ta.

Người có gia đình, dân “ta ru”, lo sinh sản con cái, tìm kiếm của cải để phát triển gia đình, xã hội.

Người hiến đời mình cho Thiên Chúa, linh mục, thì lo làm cho đời sống mình sung mãn để làm trung gian ban phát ơn Chúa, phát triển đời sống thiêng liêng cho tín hữu.

Ai cũng mong ước cuộc sống mình được đầy đủ, sung túc, giàu có, và mọi nỗ lực trong cuộc đời cũng chỉ để đạt mong ước đó. Tuy nhiên có khi nào bạn nghĩ rằng cuộc đời mình còn là một chuỗi những hồng ân, những may mắn mà Chúa gửi đến. Vì thế, nếu bạn đang có một mái gia đình hạnh phúc, một đời sống vật chất đầy đủ hơn những người chung quanh, bạn hãy tạ ơn Chúa, và chia sẻ với những chung quanh người kém may mắn hơn bạn.

Chữ HOAN

Tôi không rành lắm về chiết tự chữ Hán, nhưng nhìn qua có thể thấy chữ HOAN () thuộc bộ Khiếm  (thiếu), và có đến 2 chữ Khẩu  (miệng), thêm chữ Chuy (chim), có nghĩa là niềm vui. HOAN là niềm vui, nhưng ý nghĩa của nó mạnh hơn niềm vui. Bởi lẽ hai chữ Khẩu đã nói lên đó niềm vui có nhiều người tham gia. Bạn có thể vui một mình, nhưng đó không phải là Hoan.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao trong chữ Hoan lại có chữ Khiếm (thiếu)?

Theo tôi, niềm vui là điều ai cũng ao ước tìm kiếm trong cuộc đời, tuy nhiên niềm vui và của cải không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Có thể bạn sống trong thiếu thốn, nhưng tâm hồn vui vẻ, trong khi những người có đầy của cải mà cô độc.

Tiểu chủng viện Hoan Thiện, chữ Hoan  , có thể coi là giai đoạn 3 trong cuộc đời mỗi người.

Người có gia đình, dân “ta ru” cảm nhận được niềm vui nơi con cái, cháu chắt, có thể coi là thứ tài sản quý giá nhất mà Chúa ban. Chắc chắn những người có gia đình có thể cảm nhận giây phút hạnh phúc nhất là giây phút con cháu quây quần trong những ngày Xuân, ngày Lễ.

Đối với người linh mục, giai đoạn đáng sợ nhất chính là tuổi già. Nếu không có đời sống nội tâm phong phú, thì sự cô đơn và nỗi lo sợ sẽ gặm nhấm tâm hồn trong suốt những ngày còn lại của cuộc đời.

Cảm thông cho thân phận của các linh mục già, một anh “ta ru” có ý định mua một khu đất làm nơi dưỡng lão cho mình và “cù” các anh em linh mục trong lớp cùng sống những ngày còn lại của cuộc đời trong tình bạn hữu. Ý định đó nếu thực hiện được quả là điều đáng khâm phục. Chữ HOAN là thế đó, đầy đủ, tròn trịa.

Một điểm cần lưu ý, đó là niềm vui chỉ xuất hiện khi ta giao tiếp với người khác (2 chữ Khẩu trong chữ Hoan). Vậy thì người ích kỷ, khép kín, chỉ biết mình, không thích giao tiếp, luôn nghi ngờ người khác, lường gạt, hại người, v.v… sẽ không bao giờ cảm nhận được niềm vui đích thực. Niềm vui tự nó mang tính tương giao, sự sẻ chia. Ngay cả khi bạn gặp nỗi buồn, sự sẻ chia cũng mang đến niềm vui và hạnh phúc.

Kết thúc lịch sử 3 nhà An Ninh, Phú Xuân, Hoan Thiện cũng là lúc chúng ta đi hết chiều dài của cuộc nhân sinh. Bởi lẽ cuộc đời dù dài đến đâu thì điểm vươn đến cũng chỉ thu gọn trong 3 cái tên đó: Sự bình an mạnh khỏe, phát tài phát lộc, vui vẻ hạnh phúc.

Để kết luận phần này, tôi sẽ ghép 3 chữ trên theo nguyên lý nhân quả như sau: AN => PHÚ => HOAN. Ý nghĩa: Sự bình an nội tại sẽ làm cho cuộc đời bạn phát triển phong phú, và niềm vui, niềm hạnh phúc đến với bạn sẽ là kết quả tất yếu.

Những cảm nghĩ trên đây có phần chủ quan của một người không rành chiết tự chữ Hán, nhưng hy vọng sẽ được chỉ bảo hoàn thiện bởi những bậc cao niên am hiểu. Hơn nữa, An Ninh và Phú Xuân là 2 địa danh, trong khi Hoan Thiện là 2 cái tên người ghép lại. Dù sao, nó cũng mang lại cho tôi những giây phút chiêm niệm hữu ích.

3. Linh đạo cựu chủng sinh

Một số người băn khoăn: “Sau Hội Ngộ sẽ là gì?”.

Tôi tự nghĩ, chúng ta luôn có khuynh hướng bị lôi kéo về hướng tùy thuộc lý trí, đòi hỏi mọi thứ phải có lý, phải được giải thích trọn vẹn, - và luôn bị ảnh hưởng của xã hội thực dụng, đòi hỏi cái gì cũng phải có hiệu quả, phải cân đo đong đếm được.

Riêng tôi, tôi tự vấn bản thân: Tôi đang đến Hội Ngộ với tâm tình nào? Tại sao Hội Ngộ lại lôi cuốn tôi?

Tôi hoàn toàn có thể đồng cảm và chia sẻ được với người đặt câu hỏi: “Sau Hội Ngộ sẽ là gì?”. Để Hội Ngộ không chỉ là cơ hội chia sẻ những quá khứ, hoặc thụ hưởng niềm vui trong chốc lát, thì mỗi người cần tự vấn lương tâm của mình.

Làm sao để sau Hội Ngộ, chúng ta trả lời được câu hỏi: Tôi là ai? Và Tôi phải làm gì?

Nhiều người lại mong đặt câu hỏi khác: “Sau Hội Ngộ chúng ta sẽ làm gì?”. Tôichúng ta có mối liên hệ như thế nào?

Tôi nhớ lại câu nói của thánh Augustinô: “Ama et fac quod vis”. Hãy yêu đã rồi sẽ biết phải làm gì?. Phải bắt đầu từ chính mình!

Để có thể trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”, chúng ta cần Hội Ngộ để có một cảm nghiệm về căn tính của mình. Bởi lẽ chủng viện là nơi bước đầu đào tạo chúng ta làm người.

Để trả lời cho câu hỏi: “Tôi phải làm gì?”, thiết tưởng cần một ánh sáng thiêng liêng soi rọi vào cuộc sống: một linh đạo.

Chắc chắn không thể trong một vài trang giấy có thể trình bày được trọn vẹn một nền linh đạo. Cần phải đào sâu, rất sâu qua nhiều khía cạnh, và nhất là cần tập hợp, ghi nhận những cảm nghiệm riêng tư của nhiều người.

Riêng bản thân tôi, đối chiếu cuộc sống với những gia sản tinh thần của Đức Cố HY FX Nguyễn Văn Thuận để lại, tôi đã tìm thấy rất nhiều điều hữu ích cho cuộc sống.

Bạn hãy một lần xem lại tất cả các di sản này với tất cả thiện tâm để tìm ra những ánh sáng soi rọi cho mọi vấn đề cuộc sống.

Hãy cùng nhau khám phá và chia sẻ.

Và khi bạn chia sẻ những gì mình tìm thấy, bạn sẽ cảm nghiệm lời cầu chúc AN – PHÚ – HOAN chính là nét tô đậm của nền linh đạo này.

Đừng bao giờ dừng lại hoặc thất vọng. Hãy bước đi trong cuộc đời như “những người lữ hành trên đường hy vọng”.

Lê Văn Hùng

Tháng 5-2011 

Tác giả: Lê Văn Hùng HT69

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Hoàng Xuân Tịnh
    Bài viết của Lê Văn Hùng mang nhiều tính chất triết lý khá sâu sắc và gợi ý. Nhưng tôi thích nhất là câu nói của Thánh Augustinô mà Hùng đã giới thiệu lên: Ama et Fac quos Vis! Hay quá! Và rất thuyệt vờì! Xin toàn thể AE thử nghe ông già Tịnh tôi một lần đi. Khi ra đi các bạn cư mang theo ba lô hành trang nhét đầy và cứng ngắt loạn xà ngầu, nhưng lôi ra thì toàn là những thứ "YÊU" và "YÊU" ( Ama ). Khi mang về, balô chúng ta tự khắc sẽ đầy nhóc 3 chữ AN, PHÚ, và HOAN. Hẹn gặp nhau.
      Hoàng Xuân Tịnh   07/05/2011 17:48

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập439
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm428
  • Hôm nay71,846
  • Tháng hiện tại831,601
  • Tổng lượt truy cập58,117,470
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây