Chúa nhật 23 TN C. Giải thích Lời Chúa

Thứ hai - 29/08/2016 19:49

-

-
Tin Mừng tường thuật cho chúng ta giáo huấn của Đức Giê-su về những yêu sách mà Ngài đòi hỏi các môn đệ Ngài: muốn theo Ngài phải dành quyền ưu tiên tuyệt đối cho Ngài, thậm chí trên mọi mối dây ràng buộc trần thế, kể cả gia đình đi nữa.
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN

 
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này mời gọi chúng ta suy niệm về ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa làm chúng ta đôi phen hụt hẩng, làm đảo lộn mọi kỳ vọng của con người, làm thay đổi những mối quan hệ giữa người với người, tương đối hóa quan niệm của con người về thế giới.
 
Kn 9: 13-18
 
Đoạn trích sách Khôn Ngoan gợi lên những giới hạn của những hiểu biết phàm nhân. Với trí tuệ phàm nhân, con người vô phương dò thấu những ý định của Thiên Chúa, nhưng nhờ ánh sáng Mặc Khải và tác động thần khí thánh ở nơi con người mà con người mới có thể đạt được một sự hiểu biết sung mãn.
 
Plm 9b-10, 12-17
 
Trong thư gởi ông Phi-lê-mon, thánh Phao-lô đưa ra một lời khuyên thật cảm động. Thánh nhân thỉnh cầu ông hãy đón nhận người nô lệ trốn chạy khỏi nhà ông và nay đã trở thành Ki-tô hữu, như một người con ruột thịt của thánh nhân và như người anh em rất thân mến trong Đức Ki-tô. 
 
Lc 14: 25-33
 
Tin Mừng tường thuật cho chúng ta giáo huấn của Đức Giê-su về những yêu sách mà Ngài đòi hỏi các môn đệ Ngài: muốn theo Ngài phải dành quyền ưu tiên tuyệt đối cho Ngài, thậm chí trên mọi mối dây ràng buộc trần thế, kể cả gia đình đi nữa.
 
BÀI ĐỌC I (Kn 9: 13-18)
 
Chúng ta không biết tác giả sách Khôn Ngoan là ai. Tác phẩm này đã được biên soạn vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, bởi một người Do thái mộ đạo thành A-lê-xan-ri-a. Tác giả muốn cảnh giác đồng bào của mình trước những sức quyến rũ của nền văn hóa Hy-lạp. Ông đổ hết tâm trí để nhắc lại những giá trị khôn sánh của sự khôn ngoan Do-thái giáo, gia sản của cha ông họ.
 
Đoạn văn hôm nay được trích từ phần thứ hai của sách. Bằng hư cấu văn chương, tác giả để cho vua Sa-lô-mon, một vị vua nổi tiếng khôn ngoan bậc nhất, lên tiếng. Chương 9 là lời cầu nguyện dài của vua, tán rộng lời cầu nguyện mà 1V 3: 6-10 đã trích dẫn một cách ngắn gọn, theo đó, vua Sa-lô-mon chỉ cầu xin Chúa ban cho mình được ơn khôn ngoan. Lời cầu nguyện của vua làm đẹp lòng Chúa. Thiên Chúa chẳng những ban cho vua được ơn khôn ngoan mà còn được muôn vàn những ân phúc khác nữa.
 
Việc nêu lên lời cầu nguyện của vua Sa-lô-mon như vậy đã trở nên một đề tài kinh điển của các tác phẩm minh triết. Tác giả sách Khôn Ngoan đem lại cho lời cầu nguyện này những dấu ấn riêng nhằm đánh động những người đương thời của ông. Dưới những khía cạnh phi thời gian của sự khôn ngoan, sứ điệp trực tiếp nhắm đến một xã hội phàm trần vào thời đại của tác giả. Sứ điệp này vẫn giữ mãi giá trị trường tồn của nó.
 
1. Thành phố A-lê-xan-ri-a vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên:
 
Hơn hai thế kỷ qua, thành phố A-lê-xan-ri-a là thủ đô trí tuệ của thế giới thời xưa. Vị vua đầu tiên của triều đại nhà Tô-lê-mê (323-285 trước Công Nguyên) đã cho xây cất một Bảo Tàng Viện danh tiếng, tại đó quy tụ các nhà thông thái và những nhà nghiên cứu các môn học thời danh; họ có sẵn một thư viện bao la cũng như phòng thí nghiệm. Những tiến bộ đáng chú ý trong mọi lãnh vực: toán học, thiên văn học, y học, nhất là giải phẩu học, vật lý, địa lý. Về triết học, thành A-lê-xan-ri-a tiếp nối sự nghiệp của thành A-thê-na. Những hệ thống triết học đặt cạnh nhau và giải thích cho nhau. Về tôn giáo, những khuynh hướng tôn giáo hỗn hợp khẳng định cho nhau. Tóm lại, một thời kỳ huy hoàng nhất đối với trí tuệ con người, con người có thể tự hào về những chinh phục của mình.
 
2. Sự mỏng dòn của lý trí phàm nhân:
 
Tác giả sách Khôn Ngoan phản ứng lại do quan điểm tôn giáo của ông về thế giới. Những hiểu biết phàm nhân, dù đáng chú ý đến mấy đi nữa, chẳng bao giờ hiểu được những ý định của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, nào ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?”.
 
Câu hỏi này Kinh Thánh thường đặt ra để nhắc nhớ sự siêu việt của Thiên Chúa, như Gióp: “Có phải anh đã hiện diện trong triều thần Thiên Chúa, và đã chiếm đoạt được khôn ngoan?” (G 15: 8) hay Giê-rê-mi-a: “Nhưng ai đã được họp bàn với Đức Chúa, để chứng kiến và nghe lời Người?” (Gr 23: 18) hoặc I-sai-a: “Ai làm quân sư chỉ vẽ cho Người?” (Is 40: 13). Tác giả sách Khôn Ngoan hỗ trợ đề tài này bằng một tư tưởng không kém phần chứng thực: “Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững”.

Tiếp đó, một câu nhuốm màu sắc nhị nguyên của Platon: “Quả vậy, thân xác dể hư nát này khiến linh hồn ra nặng”, nhưng ngay tức khắc lại gắn bó với đề tài Kinh Thánh về con người: “cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề”.
 
Những suy tư tiếp theo sau có thể mang tính bút chiến; chúng xem ra làm giảm thiểu những nổ lực của các bậc thông thái trong việc giải thích những thực tại trần thế. Thêm nữa, những nổ lực này không thể nào dò thấu những thực tại thiên giới: “Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng?”.
 
3. Lý trí phàm nhân được sự khôn ngoan Thiên Chúa soi sáng:
 
Những hiểu biết phàm nhân chỉ được sung mãn nhờ Mặc Khải và tác động thần khí thánh ở nơi con người: “Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Người chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gởi thần khí thánh?”. Vì là một tín đồ Do thái giáo, trung thành với độc thần giáo tuyệt đối khó mà gợi lên trong tâm trí của tác giả một sự biệt phân giữa Đức Chúa và thần khí thánh của Người; nhưng đúng hơn, tác giả đồng hóa Đức Khôn Ngoan của Đức Chúa với thần trí của Người. Tuy nhiên, thật chính đáng để đọc thấy ở đây một sự linh cảm nào đó về sự khác nhau về Đức Chúa và thần khí thánh của Người ở lòng cuộc sống của Thiên Chúa.
 
Cuối cùng, tác giả ám chỉ đến Lề Luật, được xem như cách diễn tả sự khôn ngoan của Thiên Chúa, kim chỉ nam cho những đức hạnh phàm nhân, con đường cứu độ: “Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ”.
 
Đoạn trích hôm nay vừa kết thúc lời cầu nguyện của vua Sa-lô-mon và cũng là để chuyển sang phần thứ ba của sách: suy tư về sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang hoạt động trong Lịch Sử.
 
BÀI ĐỌC II (Plm 9b-10, 12-17)
 
Thư gởi ông Phi-lê-mon, tuy ngắn nhất trong các thư của thánh Phao-lô, nhưng rất độc đáo vì những tâm tình tinh tế được diễn tả ở đây và những tấm lòng được biến đổi dưới ảnh hưởng của Ki-tô giáo thật là cảm động mà bức thư này làm chứng.
 
1. Lý do thánh nhân viết bức thư này:
 
Vào lúc đó, thánh Phao-lô đang bị giam cầm ở Rô-ma, chắc hẳn vào những năm 62-63. Thánh nhân đang đối mặt với một vấn đề không đơn giản một chút nào. Ông Phi-lê-mon là một Ki-tô hữu Cô-lô-xê; chắc chắn là một nhân vật khá giả, vì cộng đồng Ki-tô hữu tụ họp ở tại nhà ông. Ông có một người nô lệ tên là “Ô-nê-xi-mô”. Người nô lệ này đã trốn chạy khỏi nhà ông và lấy trộm của chủ một số đồ đạc, như thánh nhân đã viết trong thư: “Nếu anh ấy đã làm thiệt hại anh hay mắc nợ anh điều gì thì xin để tôi nhận cả”. Để tránh khỏi những cuộc truy tìm và những hình phạt mà anh có thể phải chịu, anh Ô-nê-xi-mô đã chạy đến Rô-ma, vì anh hy vọng mình có thể dễ dàng lẫn trốn vào đám đông trong các đường phố tại thành phố rộng lớn này.
 
Người nô lệ này biết rất rõ những người Ki-tô hữu vì đã thấy họ thường xuyên tụ họp tại nhà của chủ mình. Phải chăng đó là lý do thúc đẩy anh chạy đến Rô-ma để gặp thánh Phao-lô? Bức thư không nói cho chúng ta biết lý do. Dù sao thánh Phao-lô đã rửa tội cho anh và quý mến anh. Trong thời gian ở với thánh Phao-lô, anh Ô-nê-xi-mô đã trở nên một người hữu ích đến nỗi thánh nhân muốn giữ anh lại bên cạnh mình. Tuy nhiên, thánh nhân không thể, vì sợ vi phạm quyền lợi của ông Phi-lê-mon, chủ của anh. Vì thế, thánh nhân quyết định gởi anh Ô-nê-xi-mô trở về chủ của anh, ông Phi-lê-mon, kèm theo bức thư do tự tay thánh nhân viết. Không ai biết rõ hơn thánh nhân rằng người nô lệ đào thoát này trở về nhà chủ có thể gặp phải những nguy hiểm như thế nào. Như chúng ta biết thân phận của người nô lệ vào thời đó, người nô lệ không được đối xử như một con người nhưng như một dụng cụ sống trong bàn tay của chủ, tùy ý chủ sử dụng. Trong trường hợp một nô lệ trốn chủ, anh sẽ bị đóng dấu bằng thỏi sắt nung đỏ mang hình chữ viết tắt Đào Tẩu và chịu hình phạt tùy theo ý chủ.
 
Với sự tế nhị, thánh nhân thỉnh cầu ông Phi-lê-mon hai cử chỉ khác thường: khoan hồng cho phạm nhân và nhận lại người này không phải trong tư thế của người nô lệ nhưng như người con ruột thịt của thánh nhân và như một người anh em thân mến trong Đức Ki-tô.
 
Một sự gợi ý thật tinh tế, một lời mời gọi thật kín đáo, một lời thỉnh cầu mà không đòi buộc. Đoạn trích này thuộc phần trung tâm của bức thư.
 
2. “Tôi, một người đã già và đang bị tù vì Đức Ki-tô”:
 
Thánh Phao-lô thử đặt tất cả danh dự của con người ngài vào lời thỉnh cầu của mình cho người nô lệ này: thánh nhân nhắc lại rằng ngài đã già (vào thời đó, 50-55 tuổi được xem là già) và đang bị cầm tù, và chính trong cảnh giam cầm này mà thánh nhân rửa tội cho anh: “Tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích”.
 
3. “Tôi xin gởi nó về cho anh”:
 
Thánh Phao-lô muốn mọi việc đều rõ ràng. Anh Ô-nê-xi-mô thuộc quyền sở hữu của ông Phi-lê-mon. Thật ra thánh nhân biết rằng nếu ngài ngỏ lời với ông Phi-lê-mon, chắc chắn bạn của mình sẵn lòng để anh Ô-nê-xi-mô ở lại với thánh nhân để phục vụ thánh nhân trong cảnh xiềng xích. Như vậy, khi gởi anh Ô-ne-xi-mô trở về chủ của mình, thánh nhân xem trọng tính cách nhưng không của tình bạn.
 
4. Như một người con ruột thịt của thánh nhân:
 
Nhưng thánh nhân nhấn mạnh tình phụ tử tinh thần của ngài; vì đã có một thay đổi sâu xa: anh Ô-nê-xi-mô đã trở thành Ki-tô hữu. Thánh nhân thương mến anh như đứa con ruột thịt mà thánh nhân đã mang nặng đẻ đau trong cảnh xiềng xích. Phải chăng thánh nhân muốn ông Phi-lê-mon cũng sẽ chia sẻ với thánh nhân những tâm tình như thế?
 
Thánh nhân khuyên ông Phi-lê-mon nên tha thứ cho anh Ô-nê-xi-mô, dù không nói trắng ra nhưng chỉ gợi ý: “Tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không tự nguyện”.
 
5. Như một người anh em rất thân mến:
 
Thánh nhân nhắc cho ông Phi-lê-mon biết rằng việc anh Ô-nê-xi-mô trốn chủ phải được xem như một thiên ân: vì ông Phi-lê-mon “không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến”. Với chỉ vài lời này thôi cũng đủ để diễn tả cuộc cách mạng mà Ki-tô giáo đem đến cho những mối quan hệ giữa người với người.
 
Quả thật, sau này thánh nhân đã viết: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, , nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Gl 3: 28; Cl 3: 14). Biểu thức này không muốn nói rằng từ nay không còn phân biệt chủng tộc, phái tính, chủ tớ, nhưng những phân biệt này chẳng còn có ý nghĩa gì trước mặt Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng dạ con người. Từ nay, sự biến đổi nội tâm mới là đáng kể; nó làm đảo lộn thậm chí những thân phận bên ngoài, đến độ ở nơi khác, thánh nhân mạnh dạn phát biểu: “Người đang làm nô lệ mà được Chúa kêu gọi, thì là người được Chúa giải phóng. Cũng vậy, người đang tự do mà được kêu gọi, thì là nô lệ của Đức Ki-tô” (1Cr 7: 22).
 
6. Mối liên hệ được tăng gấp bội:
 
Ông Phi-lê-mon được lại anh Ô-nê-xi-mô như một người anh em “cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa”, nghĩa là cả trong sự phục vụ của anh cũng như trong những mối liên hệ của anh giữa người Ki-tô hữu với người Ki-tô hữu. Chắc hẳn thánh nhân muốn nói rằng việc ông Phi-lê-mon tha thứ sẽ thiết lập nên một mối liên hệ đặc biệt giữa chủ và nô lệ.
 
Thánh Phao-lô đưa ra lời khuyên tinh tế sau cùng: “Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi”. Ông Phi-lê-mon và thánh Phao-lô là anh em trong đức tin. Tình huynh đệ này phải trải rộng đến người nô lệ, người anh em khác này. Đó là sự “hiệp thông” của các chi thể Đức Ki-tô.  
 
TIN MỪNG (Lc 14: 25-33)
 
Các sách Tin Mừng, đặc biệt sách Tin Mừng Lu-ca, tường thuật muôn vàn những lời khuyên của Đức Giê-su về việc từ bỏ: từ bỏ chính mình, từ bỏ của cải, đoạn tuyệt với sự giàu sang phú quý, vân vân. Nhưng chưa bao giờ Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đệ Ngài xa đến mức phải hy sinh thậm chí ngay cả những tình cảm cao quý và chính đáng nhất.
 
Quả thật, Đức Giê-su không nghĩ phải hủy bỏ huấn lệnh yêu người mà Ngài đã công bố ngang bằng với huấn lệnh mến Chúa; nhưng Ngài ấn định theo cấp bậc hai bổn phận: “mến Chúa”“yêu người”. Lời của Ngài đã vang lên bên tai các môn đệ Ngài, những người đã bỏ hết mọi sự mà theo Ngài. Những môn đệ đầu tiên, Phê-rô và An-rê, Gia-cô-bê và Gioan, đã là mẫu gương, thậm chí Gia-cô-bê và Gioan đã để lại cha già mình là ông Dê-bê-đê mà họ có bổn phận chu toàn đạo hiếu, phụng dưỡng hằng ngày.
 
Những đòi hỏi của Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay, dù cứng rắn đến mấy đi nữa, tương ứng với thực tại và vang vọng xuyên suốt lịch sử Giáo Hội. Vốn bận lòng về Giáo Hội, thánh Lu-ca nghĩ trước tiên đến Giáo Hội truyền giáo, nhưng cũng đến Giáo Hội của đời sống tu trì mà lý tưởng tu viện sẽ nối tiếp.
 
1. Mến Chúa trên hết mọi sự:
 
Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi yêu mến Người đến tuyệt mức như vậy. Khi đòi hỏi phải yêu mến Ngài đến tuyệt mức tương tự, Đức Giê-su nhận về mình những đặc quyền của Thiên Chúa; Ngài ngầm khẳng định sự duy nhất của Ngài với Chúa Cha. Ngài đòi hỏi một tình yêu tuyệt đối phải vượt lên trên mọi tình yêu khác.
 
Thánh Mát-thêu cũng nêu lên tính tận căn của những đòi hỏi của Đức Giê-su: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10: 37), nhưng thánh Lu-ca đưa ra một danh sách đầy đủ hơn về những người mà tình cảm dành cho họ phải được đặt vào hàng thứ hai: cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thậm chí cả mạng sống mình.
 
2. Để là môn đệ Ngài:
 
“Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Ngài quay lại bảo họ”. Cử chỉ này của Đức Giê-su được thánh Lu-ca ghi nhận nhiều lần. Đức Giê-su luôn luôn dẫn đầu; Ngài là thầy, người dẫn đường; các môn đệ là những người bước theo Ngài. Khi Đức Giê-su quay lại, Ngài ngỏ lời với đám đông hiện diện, nhưng bên kia đám đông này, với đám đông môn đệ tương lai. Tuy nhiên, cử chỉ của Đức Giê-su cũng nhấn mạnh sứ điệp quan trọng mà Ngài sắp công bố qua ánh mắt nghiêm trang của Ngài.
 
“Ai đến với tôi…”. Đây là biểu thức Cựu Ước được gặp thấy ở nơi lời công bố Lề Luật. Trong Bộ Luật Giao Ước của sách Xuất Hành, biểu thức này được phát biểu: “Ngươi sẽ…” hay “Nếu ngươi…” (Xh 20: 22tt; 21: 2-17). Như vậy, đây là quy luật sống mà Đức Giê-su long trọng công bố, như xưa kia ông Mô-sê đã ngỏ lời như vậy với toàn thể dân Ít-ra-en.
 
Những yêu sách được trình bày dưới dạng phủ định: “Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Ở nơi khác, biểu thức này được diễn tả dưới dạng thức khẳng định: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9: 23). Các tác giả Tin Mừng đều sử dụng diễn ngữ “vác thập giá”, thậm chí trước khi Đức Giê-su nói rõ rằng Ngài sẽ bị đóng đinh vào thập giá khi Ngài loan báo lần thứ ba về cuộc Khổ Nạn của Ngài (x. Mt 20: 19). Nhưng các sách Tin Mừng được biên soạn dưới ánh sáng của các biến cố và diễn ngữ này gợi lên ở nơi các tín hữu tiên khởi còn khủng khiếp hơn. Các môn đệ phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự, chấp nhận bước đi trên con đường đau khổ, thậm chí cho đến mức phải hy sinh cả tính mạng của mình.
 
3. Phải suy nghĩ cho thật nghiêm túc:
 
Tiếp đó là hai dụ ngôn về việc xây tháp và việc một vị vua muốn xuất quân đi giao chiến, cả hai dụ ngôn này đều có chung một tư tưởng trong mối liên kết với những đòi hỏi của Đức Giê-su. Để là môn đệ Đức Giê-su, phải dấn thân trọn vẹn, phải yêu mến Ngài tuyệt mức. Như vậy, trước khi quyết định theo Ngài, trở thành môn đệ của Ngài, phải ngồi lại mà tính toán cho thật nghiêm túc, định liệu sức mình có thể theo đuổi cho đến cùng không, nếu quyết định trong giây phút bốc đồng có nguy cơ giữa đường đứt gánh.
 
Tuy nhiên, vài nhà chú giải tự hỏi phải chăng Đức Giê-su đã công bố hai dụ ngôn này ở đây chứ không vào những hoàn cảnh khác. Bởi vì, việc dấn bước theo Đức Giê-su, gắn bó với Ngài, phải phát xuất từ sự bùng phát của một con tim bốc lửa chứ không từ những tính toán đắn đo hơn thiệt của lý trí. Ấy vậy, hai dụ ngôn này hoàn toàn thiếu vắng niềm hưng phấn của tình yêu bốc lửa này. Vì thế, câu kết luận mà từ đó Đức Giê-su rút ra: “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”, khó định vị vào cái lô-gích của hai dụ ngôn này, nhưng lại rất phù hợp với những yêu sách tuyệt mức của Ngài đối với ai muốn làm môn đệ của Ngài như được kể ra trước đó.

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập608
  • Hôm nay62,327
  • Tháng hiện tại882,986
  • Tổng lượt truy cập56,984,623
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây