Chìa khóa hạnh phúc của người Bhutan

Chủ nhật - 21/11/2021 05:56
Trong dịp Vương quốc Bhutan mở cửa biên giới sau đại dịch Covid, một vị cao tăng chia sẻ bí quyết thấu hiểu hạnh phúc độc nhất vô nhị của quốc gia này.
khedrupchen rinpoche 1
Rinpoche Khedrupchen Tu viện trưởng là một trong những đức lạt ma trẻ tuổi nhất Bhutan vào thời
điểm ngài đảm nhận vị trí hiện thời, hồi năm 2009. Ảnh: SCOTT A WOODWARD

"Tất cả chúng ta đều quan tâm đến hạnh phúc." - Đại sư Khedrupchen Rinpoche nói. "Dù ta có thừa nhận nó hay không, hạnh phúc vẫn là lẽ sống của mỗi con người."

Là hóa thân đời thứ năm của Đức Khedrup Jigme Kundrol và là tu viện trưởng Tu viện Sangchen Ogyen Tsuklag (Tu viện Hang Cọp) tọa lạc tại Trongsa, Bhutan, vị Rinpoche (lãnh đạo tinh thần), tu viện trưởng này tường tận tất cả về hành trình theo đuổi hạnh phúc.

Đảm lãnh vị trí hiện nay từ năm 19 tuổi, hồi 2009, Ngài là vị Rinpoche trẻ nhất trong số các rinpoche của Bhutan lúc bấy giờ.

Nay ở tuổi 31, Ngài đã dành trọn 12 năm vừa qua để hết lòng chỉ dạy cho chúng sinh toàn cầu về giáo lý cốt lõi của Phật pháp và cách vận dụng chúng để sống hạnh phúc hơn mỗi ngày, bất kể nguồn gốc văn hóa và tôn giáo của mỗi cá nhân.

Nằm giữa hai cường quốc kinh tế và chính trị là Trung Quốc và Ấn Độ, với dân số chỉ hơn 760 nghìn người, Vương quốc Bhutan nổi tiếng toàn thế giới vì sử dụng một thước đo mức độ phát triển quốc gia cực kỳ độc đáo: chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness - GNH).

Quy chuẩn này được triển khai vào năm 1972 theo chỉ dụ của Đệ Tứ Quốc Vương Bhutan, Vua Jigme Singye Wangchuck.

Bỏ qua các chỉ số định lượng kinh tế truyền thống, Bhutan tự đánh giá phúc lợi tổng thể của họ trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội bền vững và công bằng; bảo tồn thiên nhiên; bảo tồn và phát huy văn hóa; và quản trị quốc gia tốt.

"Tổng Hạnh phúc Quốc gia là một chỉ số bao gồm các điều kiện gộp chung; là một tập hợp các nhu cầu phổ quát để chúng ta sống một cuộc đời tốt đẹp," Rinpoche nói.

Trước khi có đại dịch, Rinpoche đi khắp thế giới để thuyết giảng và chủ trì các hội thảo thông qua Sáng kiến Neykor. Ông cũng vun đắp cho kế hoạch xây dựng Học viện Phật giáo đầu tiên ở Bhutan với dự định sẽ chào đón tất cả học viên có quan tâm tìm hiểu về triết lý nhà Phật, bất kể nền tảng xuất thân hay tôn giáo của họ.

"Mọi việc tôi đang làm lúc ấy đã phải hoãn lại. Tôi quyết định xem đó là cơ hội để chiêm nghiệm sâu sắc và tự cách ly," Rinpoche nói. "Tôi lên núi và sống ở đó với rất ít thức ăn, trong đủ loại điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà không có nơi trú thân nào khác ngoài một hang động tự nhiên. Lối tu hành đó cho tôi một khoảng thời gian thực sự thấm nhuần những lời dạy của chính mình. Điều trở nên rất rõ ràng là hạnh phúc thực sự không hề liên quan đến những vật ngoài thân; nó xuất phát từ chính bên trong chúng ta."
 
-
Rinpoche thường xuyên ghé hang động nằm trong những ngọn đồi rừng phía sau Tự viện Sangchen
Ogyen Tsuklag ở Trongsa để thiền định một mình. Ảnh: SCOTT A WOODWARD

Dĩ nhiên, Đại sư cũng lưu ý rằng người thường không cần khổ hạnh như mình để tìm thấy sự bình yên.

"Hãy ngưng đi tìm hạnh phúc trong những trải nghiệm ngoài thân. Tôi cho rằng hạnh phúc có bốn rường cột: tình yêu thương, lòng trắc ẩn, buông bỏ, và nghiệp nhân quả, có thể dễ dàng chiêm nghiệm được mọi lúc mọi nơi trong cuộc đời mỗi người."

Theo Rinpoche, tình yêu thương là "chìa khóa tạo ra hạnh phúc không chỉ cho riêng mình mà còn cho mọi người".

Đại sư nhấn mạnh việc yêu thương chính bản thân mình là quan trọng nhất, và lý giải điều đó mở ra lòng từ bi dành cho người khác như thế nào.

"Bạn phải yêu lấy bản thân và hiểu thật rõ rằng bạn luôn an yên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Từ đó, bạn mới có thể lan tỏa lòng từ bi đến người khác."

Chunjur Dozi, cựu hướng dẫn viên du lịch, tin rằng đặc tính trắc ẩn của người Bhutan có nguồn gốc từ tôn giáo.

"Cộng đồng của chúng tôi có ý thức mạnh mẽ trong việc giúp người, đó là do hầu hết người dân đều theo đạo Phật. Tôi luôn cân nhắc liệu mỗi hành động của mình có giúp ích gì cho cộng đồng hay không."

Sau khi mất đi công việc hướng dẫn viên du lịch do đại dịch Covid-19, Dozi tự đánh giá lại bản thân mình và trở về ngôi làng Tekizampa quê hương anh vào tháng 5/2020.

"Điều khó khăn nhất với tôi là phải chống đỡ với việc mất đi một việc làm mà tôi từng cho là ổn định," Dozi nói. "Tuy nhiên, không phải là tôi đã cùng đường. Tôi còn được trở lại làng quê của mình và quay về với mảnh đất mẹ, làm nông nghiệp và bán nông sản."

Kể từ đó anh đã vận dụng kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch để khuyến khích những người đồng hương cùng nhau tìm cách quảng bá văn hóa địa phương cho khách du lịch khi vương quốc mở cửa biên giới trở lại.

"Tôi đã khuyến khích dân làng đầu tư tỉ mỉ vào công thức nấu ăn bằng các sản phẩm tự trồng, nấu với gạo đỏ để tạo thành món ăn mang đậm bản sắc nhất, để mọi người biết đến ẩm thực địa phương chúng tôi," Dozi nói.
 
-
Chấp nhận vạn vật vô thường, theo Rinpoche, là một trong những rường cột tạo nên hạnh phúc.
Ảnh: SCOTT A WOODWARD

Rường cột thứ ba của Rinpoche - buông bỏ những chấp niệm, hay chấp nhận vạn vật vô thường - là một triết lý Phật giáo nằm trong gốc rễ của văn hóa Bhutan.

"Khi gặp trắc trở, đừng nản lòng thoái chí vì vạn vật luôn thay đổi," Đại sư chỉ dạy. "Khi ta chấp nhận vạn vật là vô thường, thì ta hiểu rằng sẽ luôn có sự đổi thay, và đi cùng với thay đổi là niềm hy vọng."

Thầy Rinpoche giải thích thêm rằng điều này cũng đúng với những điều tốt đẹp trong cuộc sống. "Chấp nhận rằng không có gì tồn tại vĩnh viễn, kể cả gia tài và sự nghiệp, khiến ta thực sự trân quý những gì ta đang có."

Bên cạnh việc đón nhận sự yêu thương với bản thân và sống thân ái với mọi người xung quanh, đại dịch còn làm vững thêm tầm quan trọng của một sự thay đổi mang tính chào đón dành cho Dozi.

Kể từ khi quay về làng, anh vừa học làm nghề mộc và giúp đỡ xóm làng sửa chữa nhà cửa vừa bắt tay vào một dự án cộng đồng lớn. "Chúng tôi đã cải tiến một trang trại kiểu cũ bị một gia đình bỏ hoang và biến nó thành một điểm du lịch. Từ lâu tôi đã luôn ủng hộ chủ trương tiếp cận du lịch một cách sâu rộng hơn cho những du khách muốn khám phá văn hóa và lối sống chốn thôn quê ở Bhutan."

Theo Đại sư Rinpoche, rường cột thứ tư - nghiệp nhân quả - không giống như những gì ta nhìn thấy.

"Mọi người hầu như hiểu lầm về nghiệp. Đa số đều cho rằng nó có nghĩa là gieo gió thì gặt bão, như thể một cách trả thù hay một hình phạt hiển nhiên. Thật ra không phải như thế. Nghiệp ở đây là về nhân quả và hoàn cảnh. Đó là chấp nhận rằng việc làm và lựa chọn của ta có tác động lên thế giới xung quanh. Nó giống như việc gieo hạt một giống cây. Gieo hạt xoài thì sẽ mọc lên cây xoài chứ không thể gieo hạt táo mà lại muốn có cây xoài nẩy lộc đâm chồi," sư thầy ví von và cười.

"Tin vào nghiệp là một cơ hội để thay đổi và định hình bản thân, để thực sự xây dựng nên con người mà bạn muốn trở thành và làm những gì bạn muốn đạt được."
 
-
Để tìm thấy hạnh phúc, Đại sư Rinpoche cho rằng chúng ta phải chấp nhận rằng hành động của chúng
 ta sẽ có tác động đến thế giới xung quanh. Ảnh: SCOTT A WOODWARD

Tuy Đại sư Rinpoche khẳng định rằng Bhutan "vô cùng yên bình, lại sở hữu môi trường thiên nhiên hùng vĩ và nguyên sơ", nhưng ông cũng nhận ra rằng Vương quốc vẫn có những vấn đề của riêng nó, như mọi đất nước khác trên thế giới.

Lạm phát tiếp tục leo thang, với chỉ số giá tiêu dùng tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng mất an ninh lương thực cũng là một thực tế (Bhutan nhập khẩu gần 50% nhu cầu lương thực thực phẩm) và giá thức ăn đã tăng gần 15%.

Tác động từ việc đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2021 khiến ít nhất 50.000 người trong ngành du lịch mất việc làm và kế sinh nhai, giống như trường hợp Dozi vậy.

Dù vậy, quản trị quốc gia tốt, một trong những nền tảng của chỉ số GNH, vẫn luôn là yếu tố quan trọng giúp Bhutan vượt qua đại dịch.

Những ứng phó nhanh chóng của chính phủ trước tác động của virus corona lên kinh tế, xã hội đã được cộng đồng quốc tế tán dương, khi nước này hoãn thuế đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho người dân.

Các nghị viên Quốc hội đã quyên góp một tháng lương cho các nỗ lực cứu trợ. Chính phủ cũng ưu tiên tiêm phòng cho người dân và đến nay 90,2% dân số đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ.

"Điều thực sự đặc biệt là người Bhutan luôn tồn tại một ý niệm thống nhất về lòng biết ơn, hạnh phúc cộng đồng và bản sắc dân tộc," Thinley Choden, một doanh nhân và nhà tư vấn xã hội, chia sẻ.
 
-
Dù Bhutan đề cao hạnh phúc lên cấp độ quốc gia nhưng đất nước này cũng có những vấn đề của
riêng họ như mọi nơi khác trên thế giới. Ảnh: SCOTT A WOODWARD

Choden tin rằng một phần lý do vì sao người Bhutan nhìn nhận hạnh phúc khác biệt với những nền văn hóa khác là bởi họ có khả năng hòa hợp giữa quá khứ với hiện tại.

"Văn hóa Bhutan bắt rễ sâu rộng trong những giá trị truyền thống và tâm linh, song chúng tôi là một xã hội rất tiến bộ và thực tế. Nhìn chung, văn hóa và tôn giáo của chúng tôi không mang tính mặc định, và cũng không phải là một lựa chọn trắng đen rõ ràng, mà là cố gắng hướng đến sự dung hòa trong cuộc sống thường ngày."

Nếu như đưa ra một lời khuyên cho thế giới thì Rinpoche sẽ nói rằng: "Hãy luôn ghi nhớ điều quan trọng nhất là ta nên sống một cuộc đời trọn vẹn trong phút giây hiện tại, và hạnh phúc không phải là sản phẩm được tạo thành từ những vật ngoài thân mà là kết quả của việc điều hòa tâm trí theo lối tích cực. Hạnh phúc nằm trong tầm tay của chính chúng ta."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
Stephanie Zubiri (BBC Travel)
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-59122129

Tác giả: Stephanie Zubiri (BBC Travel)

Nguồn tin: BBCVietnamese

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay12,908
  • Tháng hiện tại668,195
  • Tổng lượt truy cập67,693,042
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây