Thi Hoa hậu VN: Giải trí hay văn hóa?

Thứ bảy - 27/08/2016 04:45

-

-
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/08, BBC Tiếng Việt mời nhà thơ Vi Thùy Linh và nhà văn, dịch giả Trang Hạ bình luận về cuộc thi này và các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam nói chung.
Thi Hoa hậu VN: Giải trí hay văn hóa?
 

Phạm Hồng Thủy Vân trong cuộc thi Miss International 2015 tại Tokyo
 
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/08, BBC Tiếng Việt mời nhà thơ Vi Thùy Linh và nhà văn, dịch giả Trang Hạ bình luận về cuộc thi này và các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam nói chung.
 
Nhà văn Trang Hạ nói với BBC Tiếng Việt hôm 24/08 từ Hà Nội rằng nên coi các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp là hoạt động giải trí thay vì coi đó là hoạt động văn hóa như cách Việt Nam đang làm hiện nay.
 
"Nếu coi thi hoa hậu là hoạt động giải trí thì sẽ gỡ được rất nhiều gánh nặng tinh thần và mặc cảm của Việt Nam ngày hôm nay về hoa hậu, cũng như gỡ nghĩa vụ không cần thiết đối với người đăng quang."
 
"... Cá nhân Trang Hạ cho rằng không có cô hoa hậu nào đại diện được cho Trang Hạ và 40 triệu phụ nữ Việt Nam khác."
 
"Cô hoa hậu ấy chỉ đại diện cho một mình cô ấy và có thể là cho cuộc thi mà cô đó tham gia bao gồm vài chục ứng viên, hoặc thậm chí là vài trăm, vài ngàn ứng viên đi chăng nữa."
 

Nhà thơ Vi Thùy Linh
 
Tuy nhiên, nhà thơ Vi Thùy Linh, trả lời trong cùng ngày, nói cô "hoàn toàn bác bỏ" ý kiến trên, và cho rằng thi hoa hậu phải được coi là một hoạt động văn hóa.
 
"Hoa hậu thì đầu tiên phải đẹp, nhưng vì là một biểu tượng của phái đẹp một quốc gia và là người được tôn vinh trong cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia để từ đó đại diện cho quốc gia đi ra quốc tế thì người đó chắc chắn không chỉ đẹp mà phải có phẩm cách, tri thức, đạo đức."
 
"Bản thân những quy định đó của Việt Nam cũng tương ứng, tiệm cận với khá nhiều cuộc thi hoa hậu truyền thống khác ở châu Âu, châu Mỹ trong việc nghiêm cẩn về hành vi, đạo đức, học vấn, phát ngôn. Thì bản thân những điều đó hoa hậu là một sứ giả của cái đẹp, của văn hóa, bởi vậy nó không thể là cấp độ của một chương trình giải trí."
 
Nhà thơ đã có 20 năm cầm bút giải thích thêm, nhiều khi các chương trình giải trí "đi theo thị hiếu số đông, và không được nâng lên ở mức chuẩn mực nữa."
 
Bất bình đẳng?
 

Nhà văn Trang Hạ
 
Dịch giả Trang Hạ giải thích quan điểm của cô về việc nên coi thi hoa hậu là hoạt động giải trí: "Nhiều nghiên cứu về nữ quyền và phụ nữ đã chỉ ra rằng bản chất của các cuộc thi hoa hậu và người đẹp không phải là tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ nữ người ta vẫn hay tuyên truyền mà ở góc nào đó họ nhìn nhận người phụ nữ - những thí sinh tham gia, được nhìn nhận như một sex partner [bạn tình]."
 
"Và khi người ta nhìn bằng cái nhìn rất giới tính đó thì cái gì điều khiển người ta? Có thể loại trừ dục vọng, bản năng không? Liệu có thể khẳng định văn hóa là giá trị duy nhất?"
 
"Sau các cuộc thi hoa hậu cũng không có nghĩa là giá trị phụ nữ, nữ quyền lên ngôi. Như Venezuela giữ nhiều ngôi vị hoa hậu ở các cuộc thi nhan sắc đình đám nhất, nhưng đồng tiền và chính trị của họ đã trượt giá thê thảm thế nào trong mắt công chúng?"
 
"Và liệu với 15 cuộc thi người đẹp trong một năm thì liệu họ cứu vãn được những lỗ hổng trong xã hội, kể cả từ văn hóa, kinh tế, hay những bất an xung đột hay không?" nhà văn nói.
 

Edymar Martine, hoa hậu Venezuela trong cuộc thi Miss International ở Tokyo năm 2015
 
Cũng lấy ví dụ về Venezuela, nhưng để chứng minh quan điểm ngược lại, nhà thơ Vi Thùy Linh cho rằng, nhan sắc là một loại "nguyên khí quốc gia", "như Venezuela là đất nước nhiều hoa hậu mà người dân đang khốn đốn vì thiếu nhu yếu phẩm hàng ngày, thì người ta vẫn nhớ đến nó một thời là một vương quốc của sắc đẹp, và đấy cũng là một niềm tự hào chứ sao".
 
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về một số quan điểm nữ quyền cho rằng các cuộc thi sắc đẹp hạ thấp phụ nữ và bất bình đẳng giới, nhà thơ Vi Thùy Linh nói những ý kiến đó là "cực đoan và đầy cay nghiệt".
 
"Bình đẳng ở đây không phải là 50/50. Bình đẳng ở đây là sự tôn trọng về nhân quyền. Phải nhìn nhận trong khía cạnh rất nhân văn, chứ không phải bình đẳng là phải chia việc."
 
"... Người đẹp đi trên sân khấu để mọi người thưởng lãm cái đẹp đó. Tại sao không nhìn khía cạnh thưởng lãm mà lại coi đó là xác thịt, giống cái, thân thể đang phô bày hay khêu gợi tình dục? Tại sao lại nghĩ thô thiển như vậy?"
 
"Những cuộc thi sắc đẹp vẫn cho người ta hy vọng, sự kết nối văn hóa, biểu tương về nhan sắc chủng tộc của các châu lục hội tụ, các dòng văn hóa và khán giả được thưởng lãm."
 
"Cái đẹp thuần khiết và nguyên bản cần được tôn vinh trong thế giới nhiều nhiễu loạn và lệch chuẩn này," nhà thơ Vi Thùy Linh nói.
 
'Kinh doanh vương miện'

 
 
Nhà văn Trang Hạ cho biết, là một người đã học thạc sỹ về truyền thông và nghiên cứu các đề tài về phụ nữ, cô thấy ở Việt Nam "đã hình thành thứ gọi là nền kinh tế hoa hậu", mà cô đánh giá là điều "vô cùng bất ổn trong xã hội".
 
Cô cũng chia sẻ, việc cấp phép tràn lan cho các cuộc thi sắc đẹp, hay kinh doanh hoa hậu, "hay quá nhiều hoa hậu không chịu xuống ngôi, vẫn tự xưng là hoa hậu dù đã 20 năm trôi qua, tất cả những thứ đó nó phản ánh việc hoa hậu là một món hàng.
 
"... Chính việc các lò đào tạo hoa hậu, các thí sinh được gọi là ‘gà nhà’ mang đi thi đấu trong các cuộc thi nhan sắc liên tục chính là biểu hiện rõ ràng nhất của nền kinh tế hoa hậu, nơi mà vương miện có sinh lời."
 

Thi Hoa hậu Việt Nam năm 2010
 
Ở điểm này dường như hai nữ tác giả cùng chung quan điểm, khi nhà thơ Vi Thùy Linh cũng đánh giá các cuộc thi nhan sắc, hay giới "show biz" [kinh doanh chương trình truyền hình, giải trí] ở Việt Nam đã bị kém đi về chất lượng.
 
"Trong khoảng hơn một thập niên qua thì tôi thấy rằng giới show biz nói riêng ở Việt Nam cũng như các cuộc thi nhan sắc, người mẫu, hay những gì liên quan đến danh tính và danh tính bề nổi đang bị nhàm và rẻ đi bởi chính nội hàm của nó, nội dung câu chuyện của những chương trình ấy."
 
"Nó rẻ đi bởi những scandal, bởi sự tự phong, sự dễ dãi, những giá trị đảo lộn, những rởm và giả."
 
Nhà thơ nói thêm, việc có quá nhiều cuộc thi cũng cho thấy một xã hội thực dụng, "trong đó nhiều tham vọng và mưu cầu thực dụng. Háo danh và tham vọng vật chất được giải quyết nhanh nhờ nổi tiếng".
 
"Ở Việt Nam bây giờ có nhiều người không làm nghề gì cụ thể, không được đào tạo chính thức mà rất chăm đi các cuộc thi dù chỉ để lên hình và bị loại."
 
"Tôi thất vọng khi có rất ít em trẻ, thế hệ 9X và sau này, khát khao học vấn, khát khao dùng vương miện và giá trị của chiếc vương miện ấy để cống hiến cho cộng đồng mà họ mưu cầu cho cá nhân nhiều hơn."

Nguồn tin: www.bbc.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập759
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm755
  • Hôm nay138,806
  • Tháng hiện tại1,051,070
  • Tổng lượt truy cập57,152,707
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây