Ngày Hội ngộ mừng Bổn mạng lớp HT67. Chia sẻ “Hiệp Hành”
Lê Xuân Hảo HT67
2023-12-08T04:31:50-05:00
2023-12-08T04:31:50-05:00
http://www.cuucshuehn.net/Ban-Tin-Noi-Bo/ngay-hoi-ngo-mung-bon-mang-lop-ht67-chia-se-hiep-hanh-12990.html
http://www.cuucshuehn.net/uploads/news/2023_12/bon-mang-ht67_2.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ sáu - 08/12/2023 04:24
Hôm 06/12/2023, Gia đình HT67 Huế về xứ Cự Lại của cha Luận để mừng sớm Bổn mạng Lớp, Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8-12. Bạn Minh Phương đã có bài tường thuật đầy đủ và nhanh chóng về sự kiện nầy. Thế nên, ở đây tôi chỉ nói thêm về mục “chia sẻ hiệp hành” mà thôi.
Gọi là “chia sẻ hiệp hành” vì chúng tôi bày tỏ cảm nghiệm và lắng nghe nhau theo gương “khiêm nhường và lắng nghe” của Đức Mẹ.
Trong giờ chia sẻ nầy, cha Luận đã dùng Thư chung HĐGMVN năm 2022 với chủ đề “Củng cố sự hiệp thông” để làm tài liệu tựa nương (https://hdgmvietnam.com/.../thu-chung-nam-2022-cua-hoi...).
Thư chung đề nghị các thực hành cụ thể:
a. Hiệp thông trên nền tảng Lời Chúa;
b. Bí tích Thánh thể là nguồn suối hiệp thông;
c. Hiệp thông qua tình tương thân tương ái;
d. Hiệp thông qua các phương tiện truyền thông, trong Sự thật và Đức ái.
Mở đầu, cha Phaolô bày tỏ niềm vui khi thấy gia đình HT67 Huế qui tụ về đây để mừng Bổn mạng Lớp. Ngài tâm sự đời linh mục về già nhiều khi cảm thấy quạnh hiu, nên có đông bạn hữu quây quần thì rất vui, cha xúc động khi thấy anh chị em HT67 Huế vẫn luôn nhớ đến mình. Ngài dí dỏm “các cha sướng trước khổ sau, còn giáo dân thì khổ trước sướng sau”. Câu nói vui kích phát tiếng cười, nhưng cũng gợi lên niềm thương cảm cho cảnh vắng vẻ của các mục tử ở tuổi xế chiều.
Với bầu khí nhẹ nhàng và gần gũi đã gợi mở, cha Luận mời gọi mọi người cùng chia sẻ tâm tình của mình trong tinh thần “khiêm nhường và lắng nghe”, lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe nhau, của Đức Maria mà Lớp mừng Bổn mạng hôm nay.
Là người cầm ‘mic’ đầu tiên, bạn Đức Long tâm sự: Sau nhiều trải nghiệm buồn vui trong đời sống, nay mình cảm nhận được sự an bình mỗi khi tham dự Thánh lễ. Nơi đó, mình được lắng nghe Lời Chúa là kim chỉ nam cho đời sống và được hiệp thông thân mật với Chúa Giêsu khi rước lễ; đây là những điều mà mình không cảm nhận được khi còn trẻ, lúc phải vật lộn với nổi lo cơm áo gạo tiền.
Về các gợi ý thực hành của Thư Chung, Đức Long đặc biệt quan tâm về điểm thứ 3: Hiệp thông qua tình tương thân tương ái. Theo nhận định của bạn thì sự Chân Thành là cần thiết cho các mối tương quan. Cụ thể là tương quan huynh đệ, nếu thiếu chân thành thì tình bạn không thể bền lâu. Các sinh hoạt hội nhóm cũng vậy, nếu thiếu sự chân thành thì khó đạt được hiệu quả, và, như một vài người nói, nhiều khi chỉ là kiểu “khiêng bàn thờ ra đường” để “tranh đấu” cho lợi ích phe nhóm hay sở thích của một vài cá nhân.
Bạn cũng kể về việc chứng kiến một lễ Rửa Tội cho 1 em bé có cha mẹ “rối” hôn nhân. Cha xứ đã cử hành nghi thức cách hết sức trang trọng đồng thời giảng giải rõ ràng cho cộng đoàn về ý nghĩa của bí tích nầy và Lòng Thương Xót Chúa. Sự khiêm nhu và thương yêu gần gũi của vị linh mục đã khiến những người chứng kiến thật sự xúc động, qua đó phần nào cảm nghiệm được tình thương vô bờ của Thiên Chúa. (Về vấn đề nầy xin đọc: https://xuanbichvietnam.net/.../bi-tich-rua-toi-khong.../)
Tiếp đến, nhiều “nghị phụ” và “nghị mẫu” đã hăng hái “đăng đàn”. Thầy Thắng, cô Trân, rồi Tinh Thần, và Minh Phương. Chung chung, mọi người đều nêu khó khăn trong việc nhắc bảo con cái sống Đạo. Lý do thì nhiều nhưng tựu trung là vì hoàn cảnh xã hội. Người trẻ bị cuốn vào lối sống thực dụng và hối hả, cũng như bị ảnh hưởng xấu của các phương tiện truyền thông.
Bầu khí lúc nầy sôi nổi, ai cũng muốn chia sẻ nhưng cha Phaolô buộc phải kết thúc vì “cháy” giờ; chương trình dự định 10 giờ lễ mà nay đã gần 11 giờ.
Riêng tôi, nhân đây xin nêu thêm 2 nguyên do mà theo thiển ý cũng “góp phần” không nhỏ cho vấn nạn “khô đạo” của giới trẻ.
Một, cha mẹ và người lớn cần làm gương sáng cho con cháu. Các khoá học của Hội Thăng Tiến Hôn nhân Gia đình do cha Luận làm Tổng Linh nguyền luôn dành một buổi có chủ đề Giáo dục để nhắc nhở các thành viên về việc giáo dục trong gia đình. Các bậc cha mẹ phải thuộc nằm lòng phương châm nầy “Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Ngược lại “Cây khô thì lá cũng khô, cha mẹ điên rồ khốn khổ cho con”. Có nhiều khi người lớn chúng ta nói một đằng làm một nẻo. Vấn đề nầy có lẽ bản thân mỗi người đều đã trải nghiệm, tưởng không cần phải bàn nhiều.
Hai, nhiều khi các mục tử NHẤN MẠNH những điều không mấy lợi ích xét về mặt mục vụ trong thời đại hôm nay. Tôi không nói các ngài “sai”, nhưng cho rằng giữa những điều đúng về giáo thuyết hay giáo luật ấy các ngài không nên “highlight” những điểm mà tầng lớp giáo dân chúng tôi “khó hiểu thấu”, dễ gây nên sự nhầm lẫn.
Cha Ronald Rolheiser có bài “Bình dân và học thuật” (https://ronrolheiser.com/binh-dan-va-hoc-thuat/) nói về một bên là lòng đạo đức bình dân với những lề thói thực hành tôn giáo cứng ngắt đôi khi có phần cực đoan, và bên kia là “một tầm nhìn thần học phê phán và các nguyên tắc để giữ vững lòng đạo đức không bị kiềm chế, chủ nghĩa chính thống cực đoan ngây thơ và lòng nhiệt thành tôn giáo sai lầm trong những ranh giới của nó”. Theo ngài, có sự “căng thẳng” giữa 2 trạng thái, tuy nhiên “cả hai thực sự cần lẫn nhau”.
Thực ra, không nhiều người có may mắn được tiếp cận lãnh vực triết học và thần học chuyên sâu như cha Ronald hay các vị mục tử; mà đa phần các tín hữu, nhất là giáo dân VN trong đó có tôi, chỉ sống đạo cách “bình dân”. Với những lề thói cố hữu và sự vâng phục đôi khi mù quáng.
Điều nầy cần thay đổi để thích ứng với giới trẻ hiện đại năng động, có đầu óc “logic” và thực tế. Bên cạnh đó, hàng giáo sĩ và những người có trách nhiệm chăn dắt (giới học thuật) cần diễn giải, trình bày những ý nghĩa giáo lý căn cốt để củng cố niềm tin tôn giáo; không phải chỉ bằng những bài thuyết giáo tràng giang và thâm sâu, nhưng còn bằng chính đời sống đầy gương sáng hy sinh và phục vụ của mình.
Hoặc chí ít là xin đừng NHẤN MẠNH những lãnh vực hoặc tính chất dễ bị mang tiếng là “tục hoá”. Ví dụ: - Giám mục có quyền cai quản, nhưng thay vì “highlight” quyền lực thì nên nói về tình thương hay lòng nhân ái; bởi xã hội ngày nay đầy dẫy những vấn nạn về quyền lực. - Cần cơ sở để sinh hoạt tôn giáo, nhưng xin đừng sa đà vào việc ‘xây cất’ sinh tiếng xấu cho giáo hội của người nghèo. - “Hiệp hành” là bản chất của Giáo hội, thấm đẫm và bao trùm đời sống của Giáo hội, tuy nhiên, một khi giới học thuật đang xoay sở để phổ biến nội hàm của từ ngữ, thì xin hãy khoan dùng những hình ảnh sơ sài để lèo lái tín hữu bình dân chúng tôi đi vào ‘cảnh vực’ u minh v.v…
Việc thiếu ý tứ trong cách trình bày đạo Chúa qua sinh hoạt thường ngày của các mục tử và người có trách nhiệm không đem lại lợi ích cho công việc mục vụ, lại làm tổn hại hình ảnh Giáo hội và gây khó khăn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Và, cách riêng, chắc chắn sẽ không thu hút được giới trẻ tích cực thực hành các sinh hoạt Công giáo.
Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng trong một huấn từ cho lớp Thêm sức của một xứ nọ ở GP Sài Gòn có nhắc nhở các em: Đừng dùng những câu đại loại như “Cám ơn Đức Cha đã bỏ công sức, thì giờ đến ban phép Thêm sức cho chúng con”. Ngài thêm “Nói thế làm tôi chột dạ, bởi đó là việc của các Đức cha. Cha không ban phép Thêm sức cho chúng con thì cha làm gì?”!!!…
Nhiều khi chúng ta “highlight” hơi quá (tâng bốc) lại gây khó khăn cho các đấng bậc là thế. Ai không “lấy làm điều” mới là sự lạ!...
Trở lại chương trình Bổn mạng HT67, sau giờ chia sẻ là giờ sám hối, tiếp đến mọi người hiệp dâng Thánh Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, tạ ơn Chúa và cầu cho mọi thành viên Gia đình HT67 còn sống hay đã qua đời.
Cuối cùng là tiệc mừng Bổn mạng do cha Luận khoản đãi. Trời hôm nay đầy nắng ấm, mọi người quây quần bên nhau, trên bàn các món hải sản trứ danh của vùng Cự Lại, rượu vang Pháp, bia Việt và những câu chuyện bất tận của dòng đời. Tất cả làm nên một bữa tiệc huynh đệ ngon, bổ nhưng chắc chắn không hề rẻ. He he…
Niềm vui mừng Bổn mạng tỏa lan mọi tâm hồn. Niềm vui ấy noi gương Mẹ khiêm tốn nhưng ca vang lời tạ ơn. Tạ ơn Thiên Chúa, biết ơn Mẹ, cám ơn cha Luận, và cám ơn nhau.
Hai giờ chiều chúng tôi chia tay cha sở và lên xe về phố. Hẹn gặp lại nhau một ngày không xa…
Lê Xuân Hảo HT67 (Hình ảnh: Trương Minh Phương HT67)
Tác giả: Lê Xuân Hảo HT67
Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế