Những nẻo đường Việt Nam. Phần 4: Thừa Thiên-Huế

Thứ ba - 13/12/2011 04:56

-

-
Điểm tham quan gây nhiều ấn tượng nhất ở miền Trung là cố đô Huế. Tại đây, ngoài cung điện nhà vua và các lăng tẩm, tôi được thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh như sông Hương, cầu Trường Tiền, Chợ Đông Ba, Chùa Thiên Mụ, Nhà Thờ Chánh Tòa Phủ Cam… Đó chỉ là những cảnh cũ rất quen thuộc đối với tôi thuở thiếu thời, nhưng nay đã được tân trang và khác xa rất nhiều.
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VIỆT NAM.
PHẦN 4: THỪA THIÊN - HUẾ
 
Điểm tham quan gây nhiều ấn tượng nhất ở miền Trung là cố đô Huế. Tại đây, ngoài cung điện nhà vua và các lăng tẩm, tôi được thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh như sông Hương, cầu Trường Tiền, Chợ Đông Ba, Chùa Thiên Mụ, Nhà Thờ Chánh Tòa Phủ Cam… Đó chỉ là những cảnh cũ rất quen thuộc đối với tôi thuở thiếu thời, nhưng nay đã được tân trang và khác xa rất nhiều.
 
 
TIẾT MỘT
TỈNH THỪA THIÊN VÀ ĐÔ THỊ HUẾ 
 
Đèo Hải Vân 
 
Sau khi thăm viếng Hội An, ngày hôm sau chúng tôi đi ra Thừa Thiên - Huế, ngang qua Đèo Hải Vân. Đèo nầy trải dài theo sườn núi Hải Vân với chiều dài khoảng 20 cây số, từ địa phận Đà Nẵng đến Thừa Thiên.


 
Trong nhiều thế kỷ, vùng đèo nầy đã tạo thành một bức tường ngăn cách giữa nền văn hóa Chàm cổ ở phía Nam và nền văn minh kế thừa của Việt tộc tại vùng châu thổ sông Hồng. Dãy núi Hải Vân là một bức tường thành thiên nhiên quan trọng ngăn các đợt gió mạnh từ phương Bắc tràn vào. Vì vậy các tỉnh từ Đà Nẵng, Quảng Nam trở vào hầu như quanh năm ấm áp và không có mùa Đông.


 
Thắng cảnh nổi tiếng ở đây là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Từ trên cao độ 496 mét của đỉnh đèo Hải vân, du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ thành phố Đà Nẵng và làng chài Lăng Cô thanh bình, nằm ở chân đèo phía bắc. Làng chài Lăng Cô nằm gần bãi biển Lăng Cô. Bãi nầy dài 10 cây số, cạnh quốc lộ 1A, có bờ biển thoai thoải, cát trắng, độ sâu trung bình dưới 1 mét. Vào mùa tắm biển (từ tháng 4 đến cuối tháng 7), nhiệt độ trung bình là 25 độ C. Khu vực biển Lăng Cô có nhiều loại hải sản như tôm hùm, tôm sú, tôm bạc, tôm he, tôm vằn, tôm đất, cua, cá thu, cá chim, sò huyết…

Trên đỉnh đèo có miếu nhỏ thờ thần núi được hình tượng hóa bằng một con hổ. Rong rêu đã phủ đầy trên chiếc lô cốt – được gọi là Đồn Nhất – do người Pháp xây dựng vào năm 1826 để bảo vệ con đèo chiến lược nầy. Hiện nay có đường hầm xuyên qua đèo Hải Vân nên ít khi xe leo lên đèo, ngoại trừ trường hợp du ngoạn.


Ải Vân Quan

Đồn Nhất phủ rêu xanh
 
Tỉnh Thừa Thiên
 
Đây là một tỉnh ở miền Trung Việt Nam, phía bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía nam giáp thành phố Đà Nẵng, tây nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ và cũng là biên giới Việt Lào, phía đông trông ra biển.
 
Ở tỉnh Thừa Thiên, núi chiếm khoảng 1/4 diện tích và miền trung du chiếm khoảng ½ với độ cao phần lớn dưới 500 mét, với chiều rộng vài trăm mét. Đồng bằng nằm dọc miền duyên hải, bề ngang hẹp và chiều dọc dài, song song với bờ biển, lẫn với cồn cát, đầm phá. Những cồn cát có độ dài từ 5-30 mét, hai sườn không cân xứng. Vùng đồng bằng sát núi có một số hồ nhỏ, nước ngọt. Hầu hết các sông lớn ở tỉnh Thừa Thiên bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua đồng bằng, xuống đầm phá, đổ ra biển như sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Truồi, sông Hương. Con sông nầy lớn nhất, với diện tích lưu vực khoảng 300 cây số vuông.
 
Bờ biển Thừa Thiên dài 120 cây số, có cảng Thuận An và cảng Chân Mây với độ sâu 18-20 mét. Bờ biển nầy có hai nơi nổi tiếng là cửa Thần Phùphá Tam Giang, xưa kia là hai nơi hiểm trở, nên ca dao có những câu:
 
Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
 Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”
 
Và:
 
Yêu em anh cũng muốn vô,
  Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
  Phá Tam Giang ngày rày đã cạn…” 
 
Quả thế, khi xe chạy ngang qua phá Tam Giang, hiện ra trước mắt tôi một bãi biển mênh mông, trông chừng không sâu lắm, với những gợn sóng nhỏ, không lấy gì làm ghê sợ hãi hùng, nhưng có vẻ mông lung vô định.
 



Hoàng hôn trên phá Tam Giang
(Ảnh Mai Hữu Phước – 6.2007) 
 
Sân bay Phú Bài nằm cạnh quốc lộ 1A và mọi giao thông xuyên Việt bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy đều chạy qua tỉnh Thừa Thiên.


 
Thật là một tỉnh thành có nét đa dạng về quang cảnh thiên nhiên, cộng với yếu tố nhân tạo đã mang lại cho Thừa Thiên Huế một vẻ đẹp hài hòa: sông Hương chảy giữa lòng thành phố, những khu vườn xum xuê, những kênh đào bao quanh, những đồi thông soi bóng xuống những hồ nước trong xanh, trải rộng, những bãi tắm Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô với nước trong, cát mịn và khu nghỉ mát Bạch Mã.
 
Đô thị Huế
 
Huế là tỉnh lỵ của Thừa Thiên, một vùng đất cổ. Vào thế kỷ 13, vùng đất thơ mộng nầy đã hòa nhập vào nước Đại Việt do quà tặng của vua Chiêm Thành khi cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần, khiến nhân gian đã tiếc rẻ cho một sắc nước hương trời:
 
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
 Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”.
(Ca dao)
 
Phong cảnh tuyệt vời với địa hình hiểm trở đã tạo cho Huế một vị trí đặc biệt trong lịch sử nước Việt nên đã được chọn làm kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788-1802) bởi vua Quang Trung và của triều Nguyễn (1802-1945) bởi vua Gia Long. Trong hơn 400 năm, Thừa Thiên nói chung và Huế nói riêng đã là trung tâm chính trị và văn hóa của nhà nước Việt Nam qua những thời kỳ đó.
 
Chính vì vậy, nơi đây còn lưu giữ hằng trăm di tích lịch sử, văn hóa mà nổi bật nhất là các cung điện, lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn nên Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993, với trên 300 công trình kiến trúc bao gồm hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, các kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian, các chùa chiền, miếu mạo, phủ đệ, hệ thống nhà vườn…Tháng 11/2003, UNESCO công nhận nhã nhạc Huế là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 
Sông Hương
 
Chúng tôi trú tại một khách sạn vùng An Cựu, cạnh Đập Đá, bên cạnh sông Hương. Gọi là Sông Hương vì từ xa xưa, dòng sông nầy chảy qua những cánh rừng nhiều thảo mộc có hương thơm nên khi chảy qua Huế, dòng sông mang theo hương thơm của cây cỏ thiên nhiên. Sông Hương có hai ngọn nguồn là Tả TrạchHữu Trạch. Nguồn Hữu Trạch đến ngã ba Bằng Lăng họp dòng với Tả Trạch thành sông Hương thơ mộng.


Sông Hương
 
Với độ dài 30 cây số, đoạn sông chảy qua Huế uốn lượn như có sự sắp đặt, nhằm tăng thêm vẻ kiều diễm cho xứ Huế. Sắc nước sông Hương trở nên xanh hơn khi vượt qua chân núi Ngọc Trản - điện Hòn Chén, tạo nên một lòng vực sâu thẳm. Quang cảnh hai bên bờ sông bày ra thành quách, phố xá, vườn cây, chùa tháp…bóng lồng mặt nước phản chiếu lung linh làm cho dòng sông đã yêu kiều càng nên thơ, nên nhạc.
 
Những du khách có dịp đi thuyền, sẽ dạo chơi bên khu kinh thành, dưới cầu Dã Viên, Phú Xuân, Trường Tiền và lên thăm lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ. Nếu lưu lại Huế lâu hơn, người ta sẽ có dịp xuôi về Thuận An tắm biển hoặc lên rừng thông lăng Thiên Thọ để nghe thông reo vi vu.
 
Đêm hôm đó, chúng tôi ngồi du thuyền trên sông Hương để nghe ca Huế.  Dưới ánh trăng, mặt sông như dát bạc, giọng hò man mác của các cô gái Huế cất lên, ai nấy được thưởng thức vị ngọt ngào của tiếng đàn, giọng hát trong trẻo. Tôi nhớ lại mấy câu ca dao:
 
Đi đâu cũng nhớ quê mình,
Nhớ sông Hương gió mát,
Nhớ Ngự Bình trăng treo
(Ca dao)
 
Nhưng nếu cứ thưởng thức những điệu “Nam Ai” hoài, chắc cũng chán chết! Trong khi được thưởng thức lần đầu tiên, chúng tôi say mê như bị thu hút bởi tiếng đàn, tiếng hát ví von của mấy cô sa sĩ trẻ tuổi yêu kiều dễ thương thì ở một góc xó du thuyền, tôi thoáng thấy cô hướng dẫn viên lim dim gật gù…Thật tôi nghiệp cho cô vì phải “bị thưởng thức” như thế ít nhất mỗi tuần một lần!
 
Cầu Trường Tiền
 
Bắc qua sông Hương có rất nhiều cầu, nhưng chỉ có một cây cầu đã trở thành một trong những biểu tượng của Huế, đó là cầu Trường Tiền. Trong mấy ngày lưu lại Huế, chúng tôi đã qua lại chiếc cầu nầy vài lần, ban ngày và ban đêm. 


Cầu Trường Tiền
 
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn: “Cầu sắt Trường Tiền ở đông nam kinh thành…khởi làm năm Thành Thái thứ 9 (1897), cầu có 6 vài, 12 nhịp, dài khoảng 400m, đến năm 1899 mới xong”.
 
Tháng 8 năm 1904, một cơn bão dữ dội tràn vào miền Trung Việt Nam, cầu bị sập 4 nhịp. Năm 1906, cầu được sửa chữa lại. Cầu Trường Tiền hôm nay cũng đã được tu bổ nhiều lần. Đầu cầu phía bắc xưa có chợ nhỏ bên bến đò Trường Tiền là chợ Đông Ba. Nay chợ Đông Ba đã trở thành trung tâm thương mại lớn nhất của thành phố Huế.
 
Thuở nhỏ, khi còn là học sinh trung học, tôi qua lại cầu Trường Tiền mỗi ngày mấy lượt bằng xe đạp. Về mùa đông, trời hay mưa râm râm, cộng thêm cơn gió heo may, một cái lạnh thấm thía xâm nhập vào da thịt khiến tâm hồn cũng trở nên tê tái, như một thi sĩ tiền chiến đã viết:
 
Đã nghe rét nướt luồn trong gió,
 Đã vắng người sang những chuyến đò”.
 
Chợ Đông Ba
 
Chợ Đông Ba nằm bên đường Trần Hưng Đạo, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía bắc. Đầu tiên, chợ mang tên là “Chợ Đông Hoa”, nhưng “Hoa” là tên húy của một vị thuộc hoàng triều nhà Nguyễn nên phải đọc trại ra là “Ba”, do đó mới có tên “Chợ Đông Ba”. Sau nhiều biến cố và sự tàn phá của thiên nhiên, chợ được xây dựng lại năm 1986. Nơi đây hầu như có đủ các ngành hàng, từ hàng tiêu dùng thông thường, hàng công nghiệp giá trị cao đến các sản phẩm địa phương…rất đa dạng và phong phú.


Chợ Đông Ba ngày xưa


...và ngày nay.
 
Chúng tôi ghé lại thăm chợ vào một buổi xế chiều. Trong chợ, các sạp bán nón thu hút nhiều du khách hơn cả. Từ lâu nón Huế là một loại hàng nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Nón ở đây mỏng, nhẹ, thanh thoát. Đã vậy ở mỗi chiếc nón lại hiện lên một nét độc đáo riêng khi cầm nón soi lên ánh sáng, thông thường là bốn câu thơ, nên có tên là “chiếc nón bài thơ”. Do đó, người thợ làm nón đã nói hộ bao người thân thương của mình khi nhận được chiếc nón làm quà…
 
Chùa Thiên Mụ
 
Tôi có dịp đi thăm lại Chùa Thiên Mụ là một trong những ngôi chùa cổ nhất và đẹp nhất ở Huế. Chùa được xây dựng trên đồi Hà Khê bên tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 cây số về phía tây.

 
Khi còn niên thiếu, vào những ngày đẹp trời cuối tuần, tôi thường đạp xe đạp lên chùa nầy để ngồi nhìn sông Hương trầm lắng uốn khúc dưới những cánh đồi chạy dài gần như bất tận. Mùa hè, tôi hay ra phía sau chùa, nơi trải dài một cánh đồng bát ngát. Vào mùa gặt, mùi lúa thơm phảng phất từ đồng ruộng đưa lên dễ đưa tâm hồn con người vào cõi hư vô tĩnh mịch.
 
Chùa được xây cất đầu thế kỷ 17, gắn liền với một huyền thoại “bà tiên áo đỏ”. Bởi vậy chùa có tên là Thiên Mụ (bà tiên trên trời). Kiến trúc chùa Thiên Mụ chia làm hai phần: phía trước là pháp đình, phía sau là điện vũ. Trên sân tháp có nhà bia và lầu chuông.
 
Vào năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây ngọn tháp Phước Duyên. Tháp xây hình khối bát giác cao trên 21-24 mét, chia làm 7 tầng. Ở mặt phía nam, mỗi tầng tháp có một cửa cuốn đặt tượng Phật như một khán nhỏ. Riêng tầng trên cùng đặt ba pho tượng (trước kia bằng vàng đã bị mất trộm, nay được thay bằng tượng khác).
 
Chuông chùa Thiên Mụ có tên là Đại Hồng Chung, cao 2,5m, đường kính 1,4m, nặng 3.285 kg là một trong những thành tựu về nghệ thuật đúc đồngViệt Nam thế kỷ 18. Bia đá chùa Thiên Mụ được dựng vào năm 1715, cao 2,6m, rộng 1,2m, đứng trên lưng con rùa lớn tạc đá cẩm thạch.
 
Sau Y môn là ba nếp chùa chính, với tên gọi là Đại Hùng, Địa TạngQuan Thế Âm là nơi thờ Phật.
 
 
TIẾT HAI
CUNG ĐIỆN
 
Chúng tôi dành trọn một ngày đi thăm các “cung điện” và lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn.
 
Kinh thành Huế
 
Phần kinh thành Huế còn lại đến ngày nay được xây dựng từ năm 1805, (thời vua Gia Long) và hoàn thành vào năm 1832 (thời vua Minh Mạng), trên một diện tích khoảng 5,2 cây số vuông, bên bờ bắc sông Hương.
 
Kinh thành Huế được xây cất theo kiến trúc của phương Tây, kết hợp một cách hài hòa với kiến trúc thành quách phương Đông. Kinh thành gồm ba vòng thành: Phòng Thành, Hoàng Thành Tử Cấm Thành. Bên trong các lớp thành cao hào sâu là một tổng thể với hằng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ. Tất cả được xây lên xung quanh một trục chính, theo hướng nam bắc.
 
Khởi đầu là Kỳ Đài (cột cờ), tiếp đến là Ngọ Môn, sân Đại Triều Nghi, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung và kết thúc ở cửa Hòa Bình. Các công trình kiến trúc còn lại được xây đang đối ở hai bên đường trục.


Kỳ Đài Huế ngày xưa.
 
Phòng Thành vòng thành ngoài cùng, với chu vi 9.950 mét. Thành có mười một cửa đường bộ và hai cửa đường thủy. Thành dày 21 mét với 24 pháo đài.
 

Cửa Hiển Nhơn của vòng Phòng Thành
 
Hoàng Thành vòng thành thứ hai, với chu vi 2.450 mét. Hoàng thành có bốn cửa: Ngọ Môn (Nam), Hòa Bình (Bắc), Hiển Nhơn (Đông) và Chương Đức (Tây). “Ngọ Môn” là cửa chính nam của Hoàng Thành. Ngày xưa chỉ nhà vua đi qua cửa nầy. Đây là một công trình kiến trúc còn lại gần như nguyên vẹn.
 

Cửa Ngọ Môn của vòng Hoàng Thành
 
Tử Cấm Thành vòng thành trong cùng với chu vi 1.225 mét, có 10 cửa ra vào. Đây là nơi ở và làm việc của nhà vua cùng hoàng gia. Nơi đây hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài.


Tử Cấm Thành
 
Ngọ Môn
 
Ngọ Môn là cửa chính nam của Hoàng Thành. Đó là một công trình kiến trúc bề thế, dài 58 mét, rộng 27,5 mét và cao 17 mét, gồm 3 tầng. Ngọ Môn có 5 cửa. “Cửa chính giữa” chỉ dành cho vua đi, cao chừng 5 mét, rộng gần 4 mét. Hai cửa kế cận là “tả, hữu giáp môn”, dành cho các quan. Hai cửa ngoài cùng là “tả hữu dịch môn” dành cho lính hầu và đoàn tùy tùng. Tầng trên là “lầu Ngũ Phụng, nơi nhà vua ngự trong các dịp lễ trọng.

 
Ngọ Môn cũng là nơi cử hành lễ xướng danh các sĩ tử trúng tuyển trong các khoa thi Hội, thi Đình, trước khi đem yết bảng ở Phú văn Lâu. Suốt triều nhà Nguyễn, chỉ những khi vua qua lại hoặc tiếp các sứ thần thì Ngọ Môn mới được mở cửa.
 
Điện Thái Hòa

 
Điện được xây dựng năm 1805, theo mô hình chung của các cung điện, miếu tẩm ở kinh thành Huế vào thế kỷ 19. Mặt bằng kiến trúc khoảng 1.300 mét vuông. Căn nhà chính dài 43,3 mét và rộng 30,3 mét. Điện gồm hai nhà ghép lại, nhà trưóc là tiền điện, nhà sau là chính điện, nơi đặt ngai vàng của vua. Điện Thái Hòa là trung tâm quan trọng nhất của kinh thành. Tại đây tổ chức các buổi lễ đại triều.
 
Thế Miếu

 
Đây là một trong nhiều khu miếu thờ cúng các vua, chúa triều Nguyễn. Trong Hoàng Thành có năm miếu thờ gồm có:
 
- Triệu Miếu (thờ Nguyễn Kim, được coi là người mở đầu triều Nguyễn).
- Thái Miếu (thờ 9 chúa Nguyễn).
- Hưng Miếu (thờ cha và mẹ của vua Gia Long).
- Thế Miếu (thờ các vua nhà Nguyễn).
- Điện Phụng Tiên (cũng thờ các vua nhà Nguyễn, nhưng dành cho các bà ở nội cung đến lễ vì họ không được vào Thế Miếu).
 
Thế Miếu được xây dựng năm 1821 để thờ vua Gia Long, sau đó thờ các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng KhánhKhải Định. Vào tháng 1 năm 1959, trước yêu cầu của Hoàng Tộc và quần chúng, linh vị ba vua có tinh thần chống Pháp là Hàm Nghi, Thành Thái Duy Tân đã được đưa vào thờ ở Thế Miếu và như vậy cho tới nay, Thế Miếu thờ 10 vua nhà Nguyễn.
 
Thế Miếu là một nhà kép như điện Thái Hòa, dài 55 mét, rộng 28 mét. Mỗi gian trong nội thất của Thế Miếu bày một chân quỳ sơn son thiếp vàng, khán thờ, bài vị và một số đồ tế khí quý giá. Tại đây vào ngày mất của các vua triều Nguyễn đời trước, triều đình tổ chức tế lễ rất lớn do đích thân nhà vua đứng ra chủ trì. So với các miếu điện ở Việt Nam, Thế Miếu là một công trình kiến trúc to lớn bậc nhất.
 
Cửu đỉnh
 
Đó là chín cái đỉnh bằng đồng, mỗi đỉnh mang một tên: Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền. Lớn nhất là Cao Đỉnh nặng 4.307 cân (2.601kg), cao 2,5 mét. Huyền Đỉnh là đỉnh bé nhất, cao 2, 31 mét, nặng 3,201 cân (1.935kg). Chín đỉnh nầy được đúc trong 3 năm từ 1835-1837 và phải sử dụng tới trên 20 tấn đồng. Đây chính là những thành tựu xuất sắc về kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng của Việt Nam ở thế kỷ 19.

 
Mỗi đỉnh tượng trưng cho một vị vua và cả hàng đỉnh tượng trưng cho sự bền vững của triều đại nhà Nguyễn. Trên thân mỗi đỉnh có 17 họa tiết (tổng cộng 153 họa tiết), chữ đúc nổi rất thanh thoát, sắc nét theo mô hình cổ điển về các chủ đề phong cảnh, sản vật, chim muông, hoa lá và cảnh mô tả sinh hoạt của người Việt Nam. Cửu đỉnh cũng giống như một bộ bách khoa thư tóm tắt về đất nước và con người Việt Nam.
 
Cung thất
 
Cung thất là nơi ở của vua và hoàng gia. Khu vực nầy là một bộ phận quan trọng của kinh thành Huế, gồm các cung:
 
- Cung Càn Thành (nơi ở của vua).
- Cung Khôn Thái (nơi ở của hoàng hậu)
- Cung Diên Thọ (nơi dành cho mẹ vua)
- Cung Trường Sinh (nơi dành cho bà nội vua)…
 
Đáng tiếc, khu vực quan trọng nầy đã bị phá huỷ gần hết, hiện còn lại cung Diên Thọ và cung Trường Sinh là khá nguyên dạng. Cung Diên Thọ được xây cất từ năm 1804. Kiến trúc nổi bật ở đây là hệ thống hành lang có mái che, nối liền với nơi vua ở, để nhà vua có thể đi thăm mẹ.


Cung Diên Thọ
 
 
TIẾT BA
LĂNG TẨM
 
Lăng tẩm là nơi an nghỉ nghìn thu của các vua nhà Nguyễn. Huế có 7 khu lăng mộ của 9 vì vua. Các lăng nầy được xây cất rất công phu, nhiều lăng mộ xây dựng từ khi vua đang trị vì. Do đó, lăng không chỉ là nơi dành cho khi chết mà còn là hành cung thứ hai để vua thưởng ngoạn.
 
Hầu hết các lăng đều được xây về hướng tây nam của kinh thành Huế, với kiến trúc có hai khu: khu thờ phụng tưởng niệm (tẩm) và khu phần mộ (lăng). Bên cạnh những hạng mục chủ yếu, có lăng còn có hồ sen, núi giả, vườn hoa, cây cảnh, đồi thông, đình, cầu quán…tạo nên một quần thể kiến trúc gắn bó hài hòa với khung cảnh thiên nhiên. Bao quanh mỗi khu lăng tẩm thường có tường bao (la thành).
 
Lăng tẩm các vua triều Nguyễn rất đa dạng về kiến trúc, tuy nhiên mỗi lăng có một kiểu kiến trúc riêng. Điều đó phản ảnh phần nào tư tưởng, quan điểm, thẩm mỹ, cá tính, thị hiếu của từng vị vua đương thời.
 
Lăng Minh Mạng
 
Lăng Minh Mạng – còn gọi là Hiếu lăng – được xây cất vào năm 1840 và hoàn thành vào năm 1843, trên một diện tích gần 20ha, tại vùng đồi Cẩm Khê, huyện Hương trà, cách Huế khoảng 12 cây số. Bao quanh lăng là bức tường thành cao 3 mét, dày 0,5 mét. Mặt trước lăng có tam quan. Trong lăng có hơn 30 công trình kiến trúc lớn nhỏ, đưọc bố trí đang đối theo một trục thẳng. Lăng Minh mạng toát lên vẻ đường bệ, uy nghiêm, nhưng rất hài hòa giữa các công trình kiến trúc và thiên nhiên.
 
Lăng Tự Đức

 
Lăng Tự  Đức – còn gọi là Khiêm lăng – được xây dựng ở hữu ngạn sông Hương, trên núi Dương Xuân, làng Dương Xuân Thượng, Xã Thủy Xuân (cách Huế chừng 8 cây số), giữa khu đồi thông bát ngát tĩnh lặng. Lăng khởi công năm 1864, hoàn thành năm 1867, trên diện tích đất khoảng 12ha. Toàn bộ lăng được bao quanh bởi một bức tường dày uốn lượn theo địa hình đồi núi. Kiến trúc trong lăng, ngoài những yếu tố cần thiết của một lăng, còn có những công trình kiến trúc phù hợp với nơi ở của vua Tự Đức.
 
Lăng Khải Định
 



Bên trong lăng Khải Định

Lăng Khải Định – còn gọi là Ứng lăng – được xây dựng từ 1920 đến 1931, trên đỉnh núi Châu Ê, cách Huế 10 cây số. Nếu các lăng khác được xây trên một vùng núi non chập chùng với diện tích nhiều héc ta, thì lăng Khải Định như một tòa lâu đài đồ sộ xây bên triền núi. Từ dưới chân núi lên tới tẩm điện qua 109 bậc.
 
Vật liệu xây dựng lăng Khải Định chủ yếu là sắt thép, bê tôngsành sứ. Nét đặc trưng trong lăng Khải Định chính là kỹ thuật khảm sành sứ, trang trí lộng lẫy trên mặt tường, cột nhà và trần nhà. Đây là sự kết hợp giữa hai nền kiến trúc, văn hóa Đông Tây rất tinh xảo.
 
Trên đây là ba lăng tẩm mà đoàn du lịch chúng tôi đã đặt chân tới. Những lăng tẩm khác cũng có những nết đặc trưng, nhưng không nằm trong chương trình tham quan của chúng tôi nên không đề cập ở đây.
 
 
TIẾT BỐN
AI VỀ BẾN NGỰ
 
Lợi dụng ban trưa là giờ nghỉ ngơi, tôi đã âm thầm một mình lang thang ngoài phố để đi thăm lại nơi tôi đã lớn lên lúc còn là học sinh trung học. Đó là khu Bến Ngự, giáo xứ Phủ Cam và khuôn viên tòa Tổng Giám Mục Huế.
 
Bến Ngự
 
Tôi rảo bước qua khu Bến Ngự vào giữa ban trưa. Cảnh vật im lìm. Chợ búa vắng tanh. Nhìn vào hàng quán, các người bán hàng xem ra ngái ngủ, vì người dân xứ Huế khó bỏ giấc ngủ trưa được. Trông vào một tiệm hớt tóc thanh nữ, vào lúc ban trưa vắng khách, cô thiếu nữ hớt tóc thoải mái ngồi dựa lưng vào ghế, đánh một giấc ngon lành.
 
Tôi đi băng qua cầu Bến Ngự, dọc theo kênh đào Phủ Cam là nơi tôi sinh sống lúc còn tấm bé. Giờ đây cảnh vật đã đổi thay: hầu hết nhà cửa đã đổi chủ và được xây cất lại; hàng phượng vĩ già nua cằn cỗi trước kia, nay được thay thế bằng những cây còn non, cao hơn một thước. Cảnh cũ đã đổi khác và người xưa cũng không còn.


Cầu Bến Ngự
 
Tôi đi dọc theo một lối mòn lên thăm giáo xứ Phủ Cam, băng qua đường rầy xe lửa và đi qua dinh Đức Khâm Mạng trước kia nay cũng hoang vắng. Thuận đường, tôi leo lên dốc Phủ Cam và dừng chân trước phần mộ cụ Ngô Đình Khả là thân sinh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
 
Trò dâu bễ
 
Đây là phần mộ cổ, nơi chôn cất cụ Ngô Đình Khả, trên một mô đất cao được rào dậu bằng hàng rào sắt, với những cây thông vắng lặng. Trước kia, sau khi cụ Ngô Đình Diệm về chấp chánh ít lâu, ông Ngô Đình Cẩn đã cho sửa sang lại theo mô hình một lăng tẩm, với phần đất phía trước có sân nhỏ với chiếc hồ bán nguyệt và cổng ra vào được xây cất kiên cố.
 
Sau biến cố 1-11-1963, những người có ác cảm với gia đình họ Ngô đã không thể phá sập cái cổng ra vào được. Hiện còn để lại những dấu vết loang lỗ trên tường. Sau cổng tường đó, trên khoảnh sân trước kia giờ đây mọc lên một công ty xây cất với gạch đá ngổn ngang. Kế đó, chiếc hồ bán nguyệt bày ra một quang cảnh rất tang thương. Mặt hồ còn một vài cụm sen sót lại, nhưng nước đục ngầu, dơ bẩn, với rác rến được đổ xuống hơn một nửa hồ.
 
Tuy nhiên phần mộ ở trên cao, với cổng sắt được khóa chặt lại, trong đó ngoài ngôi mộ cụ Ngô Đình Khả, còn có ngôi mộ của ông Ngô Đình Khôi và người con trai là Ngô Đình Huân được cải táng về đây từ một miền đất ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, hình như vào dịp Tết 1956. Hai người nầy đã bị hạ sát trong thời kháng chiến chống Pháp.
 
Nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam
 
Kế đó, tôi lộn dốc trở xuống, ghé vào thăm viếng nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam, thuộc phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Hôm đó là ngày thứ sáu đầu tháng, nhà thờ mở cửa để cho một số người vào đọc kinh chầu Thánh Thể lúc ban trưa, nên tôi có thể vào thăm viếng bên trong nhà thờ.


Nhà thờ Phủ Cam

Đây là một ngôi thánh đường được xây cất theo lối kiến trúc hiện đại. Nhưng bên trong nhà thờ lại được xây theo truyền thống cổ điển, với lòng nhà thờ có hai cánh mở rộng, theo hình thánh giá. Cánh trái là phần mộ Đức cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988), cánh phải đối diện là bàn thờ kính Thánh Thể. Hôm đó một số giáo dân độ mười mấy người đang đọc kinh, chầu Mình Thánh Chúa.
 
Tôi lần mò tìm ngôi mộ của Đức cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền mà không thấy. Tôi phải ra hiệu, xin một thiếu nữ chỉ giùm. Nhờ đó tôi mới tìm ra, vì phần mộ của ngài nằm dưới bàn thờ bên cánh tả mà không có một hình ảnh hoặc một dấu chỉ cho biết thi thể của ngài nằm ở dưới đó.


Phần mộ Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền
 
Sau khi quì cầu nguyện bên mộ phần Đức Cha Nguyễn Kim Điền với những giọt lệ tự nhiên chảy xuống từ khóe mắt, tôi đã ra khỏi nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam. Nơi đây, thuở thơ ấu tôi thường tham dự Thánh Lễ mỗi sáng Chúa nhật và những ngày trong tuần vào mùa hè. Nhưng hồi đó là ngôi thánh đường cổ mà về sau đã được tân trang hoàn toàn như trông thấy hiện nay.
 
Ra ngoài nhà thờ Chánh Tòa, tôi để ý thấy phía trước nhà thờ có hai tượng đúc: bên phải là tượng Thánh Phêrô, bên trái là tượng Thánh Phaolô. Đây là hai vị Thánh Bổn Mạng của giáo xứ Phủ Cam. Tiền đường nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam trông giống như hàm con rồng với đỉnh nhà vươn thẳng lên trời trông rất thanh thoát, nhẹ nhàng, mang đặc tính nghệ thuật và tôn giáo. Tôi leo lên tiền đường nhà thờ để kính viếng thánh tượng Đức Mẹ La Vang đặt ở trên đó.
 
Những điều trông thấy…
 
Một cảnh tượng ngang trái bày ra trước mắt tôi: một nhóm năm bảy em học sinh, vừa trai vừa gái, có lẽ không phải Công giáo, tụ tập ngồi dưới chân thánh tượng Đức Mẹ, vì có bóng mát của thánh tượng, nói chuyện cười đùa như ngoài đường chợ. Mỗi em đều mang theo một chiếc ghế đẩu để ngồi cho thoải mái hơn. Họ còn lớn tiếng kêu gọi mấy em đang đứng xa xa ở dưới sân, đi lên nhập bọn với họ. Họ rất ngạc nhiên nhìn tôi làm dấu thánh giá và kính cẩn đọc kinh, trong khi họ xem đó là nơi hẹn hò lý tưởng để đùa giỡn vui chơi.
 
Tôi bước xuống mà lòng buồn vô hạn, không nói lên được một lời nào với họ. Bất giác tôi gặp một cụ già cũng vào nhà thờ chầu Thánh Thể. Tôi chào cụ và dò hỏi về việc một nhóm học sinh trẻ tuổi tỏ ra bất kính đối với thánh tượng Đức Mẹ La Vang như thế thì cụ ngao ngán trả lời: “Đã có những người bảo vệ mà họ không nói năng gì. Nếu mình lên tiếng thì chỉ mang họa mà thôi!
 
Cuối cùng tôi đành chia tay cụ già và ra đi với một nỗi buồn thấm thía trong lòng. Đám trẻ đó, tuy còn trẻ tuổi, nhưng có thể đã có văn bằng “COCC” (con ông cháu cha) nên không ai dám đả động tới, tôi nghĩ thế.
 
Người xưa đâu
 
Sau khi rời Nhà Thờ Chánh Tòa Phủ Cam, tôi đi xuống, trông về phía trái, tư gia của gia đình cụ Ưng Trạo – thân sinh hai vị linh mục Bửu Đồng và Bửu Hiệp –  vẫn còn lưu lại những dấu vết thời xa xưa, nhưng không biết ai cư ngụ trong đó. Tôi không có thời giờ ghé thăm để hỏi han. Tôi vượt qua đường rầy xe lửa, cố tìm cho ra vết tích tư dinh của ông Ngô Đình Cẩn. Nơi đây trước kia khi cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn tại vị, lính tráng canh gác trước sau, nay không còn một dấu vết gì, vì bị phá sập bình địa. Từ một dinh thự quyền quý thời đó, bây giờ được chia ra thành mấy mảnh vườn xơ xác với vài ngôi nhà lụp xụp mọc trên đó.
 
Tôi đi vòng ra phía sau đám đất đó, dọc theo con đường mòn, nhìn vào một trong mấy căn nhà thì thấy giữa sân còn vết tích của một hòn non bộ xơ xác. Tôi đoán biết đó là những gì còn sót lại của dinh cơ đồ sộ thuộc quyền sở hữu của ông Ngô Đình Cẩn đã một thời vang bóng. Ông đã từng được đám nịnh thần – về sau trở thành phản thần – thưa gọi bằng ông “Cố Vấn Chỉ Đạo”. Mỗi khi vào yết kiến ông, họ vừa đi vừa bái (“nhất bộ nhất bái”) và khi trở ra thì bước giật lùi. Trò đời thật đen bạc!
 
Ngày nay ông Ngô Đình Cẩn và đa số những con người đê tiện đó cũng đã khuất mặt, nằm sâu dưới ba tấc đất. Vong hồn họ bây giờ ở đâu??? Một vài người trong đám họ có thể còn sống sót, nếu may mắn được chạy ra hải ngoại thì cũng thân tàn ma dại, trốn chui trốn nhủi, không dám xuất đầu lộ diện vì sợ bị dân chúng phỉ nhổ vào mặt. Càng suy nghĩ, tôi càng thấy thấm thía hai câu thơ sau đây của cụ Nguyễn Du:
 
Trải qua một cuộc bễ dâu,
 Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
(Đoạn Trường Tân Thanh)
 
Tòa Tổng Giám Mục Huế
 
Tôi rời khỏi nơi đây với bao suy tư mênh mang trong lòng và đi qua cầu Phủ Cam lúc nào không hay. Thình lình tôi nhận ra Tòa Tổng Giám Mục Huế. Bên cạnh đó là họ đạo Bến Ngự được thành lập sau năm 1975 do các cha Dòng Thánh Tâm quản nhiệm. Trước kia nơi đây là nhà in của Dòng, bây giờ được sửa sang lại để trở nên trụ sở, vì tòa nhà cũ của Dòng thuộc giáo xứ Phường Đúc đã bị quản chế, kể từ năm 1975.


Cổng chính Tòa TGM Huế
 
Tôi tò mò đi vào khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục Huế. Vào lúc ban trưa, nơi đây thật vắng vẻ. Đi chung quanh tòa nhà cao lớn mấy tầng lầu đó với rất nhiều phòng ốc, tôi không rõ được sử dụng vào những công tác nào. Sau nầy khi thăm dò, tôi được biết tòa nhà rộng lớn đó, ngoài Tòa Tổng Giám Mục ra, phần còn lại là Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận Huế.
 
Ở góc phải phía trước tòa nhà đồ sộ đó, bày ra quang cảnh đồi Can-vê, với mô hình núi non bộ khá lớn. Cảnh vắng lặng ban trưa càng làm cho quang cảnh đó trở nên trống vắng hơn nữa.
 
Đại Chủng Viện Huế
 
Nằm bên tả ngạn sông Hương, thuộc họ đạo Kim Long, bên kia cầu Bạch Hổ, là Đại Chủng Viện Huế được Đức Tổng Giám Mục giao cho các linh mục Xuân Bích đảm trách. Tôi rất mộ mến nơi nầy.

 
Tôi quen biết một linh mục là giáo sư ở đó. Sau khi ngài đến thăm tôi vào lúc 7 giờ tối tại khách sạn tôi lưu ngụ, theo lời khẩn khoản của tôi, ngài đã chở tôi bằng xe gắn máy lên thăm viếng Đại Chủng Viện nầy vào lúc 8 giờ tối. Đó là lúc các thầy đại chủng sinh vừa đọc kinh tối xong. Tôi được linh mục đó hướng dẫn vào bên trong sân, nơi có thánh tượng Đức Mẹ rất lớn sơn màu trắng rõ nét, tuy trời đã về đêm.
 
Nhìn mấy cây cổ thụ to lớn, trên cả trăm năm, đang bao quanh thánh tượng Đức Mẹ, tôi xúc động khi hồi tưởng những tàng cây đó đã từng chứng kiến bao cảnh đổi dời của Đại Chủng Viện nầy trên một thế kỷ qua. Chính đây là nơi xuất thân của Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, Đức Cha Ximong Hòa Nguyễn Văn Hiền, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và hình như Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Đức Cha Lê Hữu Từ và của vài vị giám mục khác nữa mà tôi không nhớ tên.
 
Khi vào bên trong nhà nguyện, dưới ánh đèn lờ mờ, một số đại chủng sinh đang âm thầm cầu nguyện, trước khi nghỉ đêm, tôi cảm thấy một nỗi sâu lắng trong tâm hồn. Tôi vội vàng chụp một tấm ảnh kỷ niệm.
 
Rồi tôi theo chân vị linh mục đó đi ra phía sau nguyện đường, viếng nghĩa trang là nơi an nghỉ của một số linh mục thừa sai người Pháp và những linh mục Việt Nam sau nầy. Mặc dầu trời mờ tối, tôi cũng nhận ra những dãy mộ với những cây thánh giá sơn màu trắng, nằm ngay hàng thẳng lối như đang chờ đợi ngày Phục Sinh. Tôi muốn chụp hình quang cảnh đó để lưu niệm nhưng cảnh trời về đêm không cho phép.


Nghĩa trang tại ĐCV Xuân Bích Huế
 
Một bên nhà nguyện, trước kia là mảnh đất trồng mía, hiện tại một vài cây cam mọc lên. Người xưa đã từng chứng kiến cảnh “bãi biển biến thành nương dâu”, ngày nay tôi cũng nhìn thấy “ruộng mía biến thành vườn cam”. Xa xa về phía trái, trước kia là mảnh vườn trồng cây ăn trái, nay mọc lên một dãy nhà dành cho các nữ tu phục vụ cho Đại Chủng Viện.
 
Khi tôi ra sân trước Đại Chủng Viện để về lại Thành Phố Huế, xuất hiện một vài đại chủng sinh đang im lặng đi khoan thai ra bờ sông để hóng chút gió mát, trước khi trở vào phòng an nghỉ. Quang cảnh đó trái ngược với cảnh tượng ồn ào náo nhiệt của Thành Phố Huế mặc dù đã về đêm, khiến tôi nghĩ ngợi mông lung…

Tác giả: Đỗ Tân Hưng AN49
Hình ảnh minh họa: BBT sưu tầm từ internet

BBT: Phần phụ thêm:
Mặt bằng tổng thể kiến trúc Thành Nội Huế:

 
1. Ngọ Môn; 2. Sân Đại triều; 3. Điện Thái Hoà; 4. Hiển Lâm Các;
5. Đại Cung Môn; 6. Điện Cần Chánh; 7. Điện Càn Thành;
8. Thế Miếu; 9. Hồ Thái Dịch; 10. Hồ Ngự Hà; 11. Cầu Trung Đạo; 12. Lầu
Tịnh Minh; 13. Cung Trường Sinh; 14. Hồ Kim Thuỷ;
15. Đảo trên hồ; 16. Hậu Bổ.

Tác giả: Đỗ Tân Hưng AN49

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập671
  • Hôm nay32,121
  • Tháng hiện tại852,780
  • Tổng lượt truy cập56,954,417
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây