Sách GLHTCG - Bài 35-37

Thứ năm - 31/01/2013 10:25

-

-
Tìm hiểu sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Phần 1: Tuyên xưng Đức Tin. Bài 35-37
Sách GLHTCG - Bài 35-37
 
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 35. HỘI THÁNH LÀ THÂN THỂ ĐỨC KITÔ
 
Thư gửi tín hữu Do Thái nói về mầu nhiệm Nhập Thể như sau: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (10,5-7).
 
“Tin vào việc Nhập Thể thật của Con Thiên Chúa là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo” (GLHTCG số 463). Trong những thế kỷ đầu, các lạc thuyết không phủ nhận thần tính của Đức Kitô cho bằng chối bỏ nhân tính thật của Người. Chẳng hạn, phái Ngộ Đạo cho rằng thân xác của Đức Kitô chỉ là thân xác ảo và Đức Kitô đã ra khỏi thân xác ấy trước khi chịu đóng đinh thập giá. Kể cả đến ngày nay, Hồi giáo vẫn chủ trương gần giống như thế. Xem ra thật là phiền phức: Thiên Chúa mà lại là người, Con Thiên Chúa mà lại mang thân xác nhân loại (số 465, 467)!
 
Qua thân xác mà Người đã đón nhận từ Đức Maria, Chúa Giêsu đã trở nên anh em của mọi người, và cách nào đó, kết hợp với từng người. Người mong ước chúng ta được nên một với Người đến mức độ không chỉ là anh em của mọi người nhưng còn hơn thế nữa, tức là chúng ta nên một Thân Mình với Chúa Giêsu, là những chi thể trong Thân Mình Người (số 521).
 
Hội Thánh phát sinh từ sự hiệp thông này với Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong Thầy… và Thầy ở trong anh em” (Ga 15,4-5; GLHTCG số 787). “Sự so sánh Hội Thánh với một thân thể làm sáng tỏ mối dây liên kết mật thiết giữa Hội Thánh và Đức Kitô. Hội Thánh không chỉ được quy tụ quanh Đức Kitô, nhưng còn nên một trong Người, trong Thân Thể của Người” (số 789).
 
Do đó, trở nên chi thể của Hội Thánh không chỉ đơn thuần là đăng ký tham gia một cộng đoàn, nhưng còn điều gì sâu xa hơn thế. Hội Thánh là Dân Thiên Chúa vì Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô. Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được nên một với sự chết và phục sinh của Đức Kitô, chúng ta trở nên những chi thể trong Thân Mình Người, và vì thế, nên chi thể của Hội Thánh. Qua bí tích Thánh Thể, sự hiệp thông này với Đức Kitô được kiện cường hơn nữa: chúng ta rước Mình Thánh Chúa Kitô và trở nên điều mà chúng ta lãnh nhận: Thân Thể của Chúa (số 1396).
 
Nếu Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô thì Hội Thánh không thể làm gì mà không có Đức Kitô. Người là Đầu của Hội Thánh. Chính Đức Kitô phân phối các hồng ân và thừa tác vụ trong Hội Thánh, nhờ đó chúng ta giúp đỡ lẫn nhau trên con đường cứu độ. Chính Đức Kitô kết hợp chúng ta với cuộc Vượt Qua của Người, để chúng ta cùng chịu đau khổ với Người và được tôn vinh với Người (số 793-795). Vì vậy, Đức Kitô và Hội Thánh chính là “Đức Kitô toàn thể” (Christus totus).
Thánh nữ Jeanne d’Arc khẳng định cách đơn giản: “Về Chúa chúng ta và Hội Thánh thì tôi nghĩ cả hai chỉ là một, không phải rắc rối làm gì”.
 
 
Bài 36. HỘI THÁNH DUY NHẤT
 
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Đây là những đặc tính thiết yếu của Hội Thánh, cho nên cần phải xem xét từng đặc tính một. Điều cần ghi nhớ trước hết là: cho dù lý trí con người có thể thấy được những đặc tính này qua chính đời sống của Hội Thánh, nhưng ý nghĩa đích thực của những đặc tính này chỉ có thể hiểu được nhờ đức tin (GLHTCG số 812).
 
Hội Thánh có thực sự là duy nhất? Thực tế là các Kitô hữu chia rẽ nhau thành nhiều “hội thánh”, rồi ngay giữa người công giáo cũng chia rẽ nhau! Làm sao có thể nói là Hội Thánh duy nhất? Chính vì thế, cần phải tìm lại ý nghĩa “duy nhất” trong ánh sáng đức tin.
 
Sách Giáo Lý trình bày tính duy nhất của Hội Thánh bằng cách nhìn về cội nguồn. Mệnh lệnh của Đức Kitô “hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ” có nghĩa là Thiên Chúa muốn quy tụ một gia đình nhân loại duy nhất, vốn đã bị chia tách vì tội lỗi. Hội Thánh chính là khởi điểm của gia đình duy nhất này (số 761), và gia đình ấy sẽ được thành toàn trong Nước Thiên Chúa (số 769). Tất cả mọi người đều được kêu gọi đến sự hiệp nhất này, cho dù có những khác biệt về chủng tộc và văn hóa. Những khác biệt này không hề ngăn cản sự hiệp nhất nhưng làm cho Hội Thánh thêm phong phú (số 1201). Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng sự hiệp nhất thường xuyên bị đe dọa và con đường đi đến hiệp nhất luôn luôn là con đường nhiều gian khó.
 
Chúng ta đừng quên rằng tội nguyên tổ đã làm cho con người nghiêng chiều về sự ác, và đã tiêm một thứ “virút” vào trong thế giới (số 400-408). Mọi tội lỗi, kể cả những tội thầm kín nhất, đều làm tổn thương hoặc hủy hoại sự hiệp nhất. Như thế mới hiểu được tại sao ngay từ đầu, đã luôn có những chia rẽ lớn nhỏ trong đời sống Hội Thánh (số 817). Sự chia rẽ đầu tiên và sâu xa nhất là sự chia rẽ ngay trong dân Israel: chỉ có một phần trong dân Israel nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Do đó chúng ta hết lòng mong ước dân được tuyển chọn này sẽ đón nhận Đức Giêsu Kitô (số 674). Rồi dọc dài theo các thế kỷ, những cuộc chia tách khác lại xảy ra (Chính Thống, Thệ Phản, Anh Giáo…), đặt một gánh nặng lên vai Hội Thánh và cản trở sứ mệnh loan báo Tin Mừng (số 855).
 
Đã thế thì “Hội Thánh duy nhất” có thực sự tồn tại không? Nhiều người cho rằng phải đợi đến tận thế thì mới có hiệp nhất. Thế nhưng Công đồng Vaticanô II khẳng định: Cho dù chúng ta không phủ nhận rằng có những yếu tố thánh thiện và chân lý ở bên ngoài Hội Thánh Công Giáo, nhưng Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô “tồn tại trong Hội Thánh Công Giáo” (subsistit in) (số 815). Đức Kitô đã thiết lập Hội Thánh duy nhất, và Hội Thánh ấy tồn tại nơi đâu Vị kế nhiệm Thánh Phêrô và các giám mục hiệp thông với ngài điều khiển.
 
Mọi Kitô hữu đều có trách nhiệm xây dựng sự hiệp nhất bằng cầu nguyện, canh tân đời sống, hiểu biết và tôn trọng nhau, đối thoại và hợp tác (số 821).
 
 
Bài 37. HỘI THÁNH THÁNH THIỆN
 
Đặc tính thứ hai của Hội Thánh là: thánh thiện. Nhưng phải hiểu Hội Thánh thánh thiện như thế nào? Phải chăng mọi thành viên trong Hội Thánh đều thánh thiện cả? Phải chăng Hội Thánh chẳng bao giờ lầm lỗi? Điều hiển nhiên là chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh (GLHTCG số 208). Chúng ta chỉ có thể tiếp cận sự thánh thiện nơi Hội Thánh khi chúng ta cảm nhận sự thánh thiện của Thiên Chúa. Đối diện với Thiên Chúa, con người vừa ý thức về sự nhỏ bé và tội lỗi của mình, vừa cảm nhận sự thánh thiện và gần gũi của Thiên Chúa. Đấng vô cùng vĩ đại cũng là Đấng gần gũi với loài thụ tạo (số 1502).
 
Bất cứ cái gì được Thiên Chúa chạm đến đều trở nên “thánh” và được chữa lành. Chúng ta tuyên xưng Hội Thánh là thánh thiện vì “Đức Kitô đã yêu thương và hiến mình cho Hội Thánh, để thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh” (Eph 5, 25-26). Cũng như mọi ánh sáng trong Hội Thánh đều phát xuất từ Đức Kitô (số 748) thì sự thánh thiện nơi Hội Thánh cũng vậy. Vì thế trong Kinh Tiền Tụng 1, chúng ta cầu nguyện rằng: “Chúa được tôn vinh nơi cộng đoàn các thánh, vì khi tuyên dương công trạng của các ngài, Chúa tuyên dương chính hồng ân của Chúa”.
 
Vì thế, tuyên xưng Hội Thánh thánh thiện là nhìn nhận rằng Hội Thánh “được phong phú bởi những của cải thiên quốc” (số 771). Bằng cặp mắt của Đức Kitô, chúng ta nhìn Hội Thánh như Hiền thê của Người (số 796). Hội Thánh đẹp đẽ vô cùng. Thánh Gioan mô tả Hội Thánh như Giêrusalem thiên quốc, được chuẩn bị như tân nương trang sức đón chàng rể (số 756). Trong đức tin, nếu chúng ta thấy được sự huy hoàng của Đức Kitô phản ánh trên Hội Thánh thế nào, thì chúng ta sẽ hiểu được sâu xa hơn tại sao Hội Thánh được gọi là thánh.
 
Vì Đức Kitô thánh hóa Hội Thánh nên Hội Thánh cũng có khả năng thánh hóa (số 824). Đây chính là mục đích của mọi hoạt động nơi Hội Thánh: gia tăng sự thánh thiện (số 2013). Mọi phương thế chữa lành được trao cho Hội Thánh cũng nhằm mục đích này: Lời Chúa, các bí tích, các đặc sủng, các chức vụ và nhiệm vụ. Công đồng Vaticanô II xem đây là trung tâm đời sống Hội Thánh: mọi người đều được kêu gọi nên thánh (số 2013). Tuy nhiên, nên nhớ rằng thước đo duy nhất của sự thánh thiện là tình yêu (số 826). Tình yêu là trái tim của Hội Thánh, ở đâu có tình yêu thì ở đó Hội Thánh nên hữu hình và hiệu quả.
 
Điều này cũng giúp chúng ta có cách nhìn đúng đắn khi nói đến những tội lỗi trong Hội Thánh. Không thể nói Hội Thánh là tội lỗi, nhưng nên nói Hội Thánh “ôm trong lòng mình những tội nhân”. Hội Thánh vừa thánh thiện vừa không ngừng cần được thanh tẩy, do đó mọi tín hữu đều được mời gọi “thường xuyên sám hối và đổi mới” (số 827). Ở bất cứ thời đại nào cũng thế, Hội Thánh được đổi mới là nhờ những con người sống trọn vẹn đức tin và lòng mến. Hơn bất cứ điều gì khác, Hội Thánh ngày nay cần đến những tín hữu sống thánh thiện.

Tác giả: ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn tin: hdgmvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay15,243
  • Tháng hiện tại443,678
  • Tổng lượt truy cập67,468,525
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây