Sách GLHTCG – Phần 2: Các Bí tích. Bài 06-10

Thứ bảy - 18/05/2013 05:48

-

-
Năm Đức Tin - Tìm hiểu sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Phần 2: Các Bí tích. Bài 06-10. Tác giả: ĐHY Christoph Schönborn.
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần II: CÁC BÍ TÍCH


 
Bài 6. CÁC BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH
 
Mầu nhiệm Vượt Qua là nền tảng đức tin của chúng ta: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại”. Đức Kitô đã chết vì và cho chúng ta. Người sống lại thật. Người đang hiện diện. Những gì Người đã làm trong cuộc sống trần thế, Người vẫn tiếp tục làm, cách riêng qua các bí tích.
Hội Thánh dạy chúng ta rằng có bảy bí tích và những bí tích này “được Đức Giêsu Kitô thiết lập” (GLHTCG số 1114). Với một số bí tích, sự kiện Chúa Giêsu thiết lập bí tích và Người thiết lập như thế nào, mọi sự đã rõ. Chẳng hạn, Chúa truyền lệnh cho các tông đồ làm Phép Rửa (số 1223), và trong bữa Tiệc Ly, Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể (số 1337). Chúng ta không thể xác định thời điểm Chúa lập các bí tích, tuy nhiên tất cả các bí tích đều có “điểm cố định” trong cuộc đời Chúa Giêsu, qua lời nói và hành động của Người. Ví dụ cụ thể là bí tích Xức dầu bệnh nhân. Chúa Giêsu thường dùng những dấu chỉ khả giác để chữa lành: Người chạm đến người bệnh và đặt tay trên họ (số 1504). Ngay từ thời đầu, khi tiếp xúc với các bệnh nhân, Hội Thánh đã có nghi thức cầu nguyện riêng và xức dầu cho bệnh nhân (1510). Cũng như Đức Kitô chạm đến người bệnh và chữa lành cho họ, thì Người vẫn làm như thế qua bí tích Xức dầu bệnh nhân.
 
Đến thế kỷ 12, Hội Thánh khẳng định rõ ràng bảy bí tích. Việc này cũng giống như việc xác định Quy Thư Kinh Thánh (số 120). Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh đã xem xét, phân định, và cuối cùng xác định những sách nào được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, và do đó là Lời Thiên Chúa. Cũng vậy, “theo dòng thời gian, Hội Thánh xác định trong số các cử hành phụng vụ của mình, có bảy cử hành là những bí tích, theo nghĩa hẹp của từ này, do Chúa thiết lập” (số 1117).
 
Một trong những đặc điểm của bảy bí tích là tất cả đều có mối liên hệ nào đó với thừa tác vụ linh mục. Điều này đặc biệt rõ ràng khi nói về bí tích Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể “cho đến khi Chúa đến” là mệnh lệnh các tông đồ nhận lãnh từ nơi Chúa: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Việc ban phát các bí tích được trao phó cho các tông đồ và những người kế vị. Khi một linh mục giải tội cho ai thì không phải ngài tha tội nhân danh ngài nhưng là nhân danh Đức Kitô, “trong tư cách của Đức Kitô” (số 1461, 1548). Không có thừa tác vụ thánh chức (giám mục và linh mục) thì không có bí tích, ngoại trừ trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ rửa tội, khi đó bất cứ ai cũng được làm (số 1256). Chức linh mục thừa tác ở tự nó cũng là một bí tích, qua đó Đức Kitô kiến tạo và dẫn dắt Hội Thánh (số 1547). Chức linh mục này “bảo đảm rằng trong các bí tích, chính Đức Kitô hành động nhờ Chúa Thánh Thần cho Hội Thánh… Đây là sợi dây mang tính bí tích nối kết hành động phụng vụ với những gì các tông đồ đã nói và đã làm, và qua các tông đồ, với những gì Đức Kitô, Đấng là nguồn mạch và nền tảng của các bí tích, đã nói và đã làm” (số 1120).
 
 
Bài 7. ĐỨC TIN VÀ BÍ TÍCH
 
Nếu Đức Kitô không sống lại, có lẽ sẽ không có Hội Thánh và cũng chẳng có bí tích. Đức Kitô đang hành động nơi các bí tích của Người. Bí tích là những dấu chỉ và khí cụ cho sự hiện diện của Chúa. Thế nhưng bí tích không hoạt động nếu không có chúng ta. Như Đấng Phục Sinh đã nói khi sai các môn đệ đi vào thế gian: “Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,16). Các bí tích không chỉ được trao ban mà còn được lãnh nhận. Việc thông ban ân sủng và sự sống của Thiên Chúa không tùy thuộc nơi chúng ta, thế nhưng có đón nhận và để cho ân sủng ấy trổ sinh hoa trái hay không, việc ấy lại tùy thuộc chúng ta.
 
Hội Thánh dạy rằng các bí tích có hiệu quả do sự (ex opere operato), “do chính hành động bí tích được thực hiện” (GLHTCG số 1128), nghĩa là do quyền năng của Chúa Kitô, do quyền năng của Thập Giá và sự Phục Sinh của Chúa, và do bí tích được cử hành cách thành sự. Khi một người làm phép Rửa tội, không phải người ấy rửa tội bằng quyền năng của riêng mình mà là chính Đức Kitô rửa tội qua người ấy. Phép Rửa không mang lại hiệu quả do cảm tính của chúng ta, cũng không do đức tin của chúng ta, nhưng do quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Đó là lý do tại sao hiệu quả của bí tích không tùy thuộc sự thánh thiện của cá nhân thừa tác viên. Kể cả khi một linh mục đang mắc tội – mà ai trong chúng ta không có tội – ban phép Giải tội, thì chính Thiên Chúa tha tội cho tôi qua vị linh mục ấy: “Bởi vì xét cho cùng, chính Đức Kitô là Đấng hành động và thực hiện ơn cứu độ qua thừa tác viên có chức thánh, nên sự bất xứng của vị này không ngăn cản được Đức Kitô hành động” (số 1584).
 
Tuy nhiên việc tôi lãnh nhận các bí tích như thế nào lại là điều quan trọng. Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Corintô đừng dự phần Bánh và Chén cách bất xứng, nếu không họ sẽ mang tội xúc phạm đến Mình và Máu Chúa (1 Cr 11,27). Vậy thế nào là lãnh nhận cách xứng đáng?
 
Trước hết là phải lãnh nhận bí tích bằng đức tin. Khi lên rước lễ, thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa nói “Mình Thánh Chúa Kitô”, và tôi thưa “Amen”. Tiếng Amen ấy là hành vi đức tin, khẳng định sự sẵn sàng của tôi để trong đức tin, tôi đón nhận ân sủng Đức Kitô ban cho tôi trong bí tích.
 
Đức tin ấy cần được dưỡng nuôi và củng cố. Do đó học hỏi về ý nghĩa của các bí tích là điều cần thiết. Có những hình thức chuẩn bị thích hợp cho từng bí tích: học giáo lý để chịu phép Thêm Sức cũng quan trọng như những năm đào tạo để chịu chức thánh (số 1309 và 1589). Nếu không được chuẩn bị đầy đủ về ý nghĩa của bí tích hôn phối, làm sao các đôi vợ chồng hiểu được rằng họ đang cử hành bí tích cho nhau, Thiên Chúa đóng ấn dây hôn phối của họ, và Đức Kitô hiện diện giữa họ qua bí tích này (số 1632)? Việc chuẩn bị cũng cần thiết đối với những bí tích chúng ta lãnh nhận thường xuyên như bí tích Thánh Thể và bí tích Giao Hòa. Thế nhưng nhiều khi chúng ta rước lễ mà rất ít ý thức. Chẳng hạn, những giây phút thinh lặng sau khi rước lễ là điều cần thiết, nhưng ngày nay lại bị coi thường và lãng quên. Cuối cùng, toàn bộ đời sống chúng ta đều góp phần vào việc lãnh nhận các bí tích cách phong phú và hiệu quả nhất.
 
 
Bài 8. CÁC BÍ TÍCH: CỬA DẪN VÀO SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
 
Trong mỗi bí tích, quá khứ, hiện tại và tương lai nối kết với nhau. Tất cả các bí tích đều nhắc nhớ một biến cố lịch sử cụ thể. Phép Rửa trong Kitô giáo nhắc nhớ Phép Rửa của Chúa Giêsu tại sông Giođan, và xa hơn nữa, việc dân Israel băng qua Biển Đỏ. Chúng ta nhớ đến sự kiện này cách đặc biệt trong Đêm Canh Thức Vượt Qua (GLHTCG số 281, 1221). Lại càng rõ ràng hơn nữa khi cử hành bí tích Thánh Thể: mệnh lệnh của Chúa là “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (số 1341). Cũng có thể nói như thế về mọi bí tích. Các bí tích cắm rễ sâu trong lịch sử Dân Chúa. Các bí tích là những “điểm nối kết” với cuộc đời Chúa Giêsu và không bao giờ tách rời khỏi đó. Các bí tích không chỉ là những biểu tượng trong đời sống con người, nhưng còn là những “dấu chỉ và khí cụ” của Đức Kitô cho chúng ta.
 
Trong sách hướng dẫn cử hành lễ Vượt Qua của Do Thái, có đoạn văn nói rằng mỗi người tham dự phải nghĩ về mình như là người hiện nay đang ra khỏi đất Ai Cập. Khi chúng ta nhớ lại điều đã xảy ra một lần thay cho tất cả (số 1085) thì sự kiện ấy trở thành hiện tại cho hôm nay; chúng ta là những người tham dự vào chính biến cố đó. Trong cử hành Thánh Thể, khi chúng ta thực hiện điều Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho chúng ta làm cho đến khi Chúa lại đến, thì những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm trong bữa Tiệc Ly trở thành hiện tại. Chúng ta có thể nói được rằng chúng ta là những người tham dự bữa Tiệc Ly ấy. Thời gian như biến mất. Hy lễ của Chúa trên Thánh Giá nay đang hiện diện. Chúng ta liên kết với Người tại bàn tiệc, trở thành “người cùng thời” với Người. Vâng, Thánh Thể là sự hiện diện của Chúa.
 
Tuy nhiên, quá khứ và hiện tại không phải là những chiều kích duy nhất của bí tích. Các bí tích còn hướng chúng ta đến tương lai. Nói theo ngôn ngữ của thánh Nicolaus Cabasilas, các bí tích là “cửa thiên đàng”, qua đó Đức Kitô đến gặp gỡ chúng ta. Trong tác phẩm sâu sắc và tuyệt đẹp của ngài về ba bí tích khai tâm: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể, vị thầy thiêng liêng của thế kỷ 14 này đã mô tả các bí tích dẫn chúng ta vào tương lai ra sao, và nơi bí tích, thiên đàng mở ra cho chúng ta như thế nào. Thánh Phaolô nói về Chúa Thánh Thần như “hoa quả đầu mùa” của vinh quang sẽ tới. Chúng ta có thể áp dụng những từ này cho các bí tích: trong các bí tích, Hội Thánh nhận được bảo chứng gia tài của mình, nếm hưởng trước đời sống vĩnh cửu (số 1130).
 
Một bản văn của Hội Thánh sơ khai kể lại việc các Kitô hữu chờ đợi Chúa trở lại vào Đêm Vọng Phục Sinh như thế nào, cũng giống như ngày nay các tín hữu Do Thái giáo vẫn mong chờ Đấng Mêsia ngự đến vào Đêm Lễ Vượt Qua. Tràn ngập ước mong, các tín hữu sơ khai kêu lên “Maranatha” (Lạy Chúa, xin ngự đến). Khi đêm đã tàn và ngày mới xuất hiện mà vẫn không thấy Chúa trở lại như Người đã hứa, họ bắt đầu cử hành Thánh Thể. Đức Kitô, Đấng Phục Sinh, lại chẳng đến trong bí tích Thánh Thể đó sao? Dĩ nhiên là cách ẩn giấu, nhưng thực sự Người ở với chúng ta, ngày nay trong hình thức khiêm tốn của các bí tích, và mai ngày trong vinh quang của Chúa.
 
 
Bài 9. AI CỬ HÀNH PHỤNG VỤ?
 
Nhiều người sẽ trả lời câu hỏi này: Linh mục. Nếu chúng ta nghĩ đến việc cử hành Thánh Lễ thì đúng, theo nghĩa là nếu không có linh mục thì không có Thánh Lễ. Người khác sẽ nói: Toàn thể Hội Thánh, tất cả chúng ta đều cử hành phụng vụ. Câu trả lời này cũng đúng nếu hiểu cho đúng cụm từ “toàn thể Hội Thánh”. Thật vậy, “toàn thể cộng đoàn… cử hành phụng vụ” (GLHTCG số 1140). Hành động phụng vụ luôn luôn là “cử hành của Hội Thánh”. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh đặc tính cộng đoàn của cử hành phụng vụ và nói đến “sự tham dự tích cực” của mọi tín hữu vào phụng vụ. Tuy nhiên trước khi bàn đến những vai trò khác nhau trong cử hành phụng vụ, chúng ta phải quan tâm đến một sự kiện có vẻ xa lạ nhưng hết sức quan trọng.
 
Trước câu hỏi “Ai cử hành phụng vụ?”, câu trả lời đầu tiên của sách Giáo Lý là: “Đức Kitô toàn thể” (số 1136), nghĩa là Đức Kitô là Đầu cùng với tất cả những chi thể của Người. Vị chủ sự là chính Đức Kitô và phụng vụ Người cử hành là phụng vụ thiên quốc. Công đồng cho chúng ta một mô tả sống động: “Trong phụng vụ trần thế, chúng ta tham dự như một cách nếm trước phụng vụ trên trời, được cử hành trong thành thánh Giêrusalem, nơi chúng ta là lữ khách đang tiến về, ở đó, Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, là thừa tác viên của cung thánh và của nhà tạm đích thực” (số 1090).
 
Thật ngỡ ngàng khi biết rằng phụng vụ trần thế chúng ta đang cử hành lại là sự tham dự vào phụng vụ thiên quốc! Trong Thánh Lễ, phần cuối Kinh Tiền Tụng lại chẳng luôn nói rằng chúng ta hợp tiếng với các thiên thần và các thánh mà tung hô Chúa đó sao? Và trong mỗi Kinh Nguyện Thánh Thể, khi chúng ta nhớ đến Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa và các thánh, là để chúng ta hiệp thông với các ngài. Cộng đoàn phụng vụ tham dự vào vinh quang của Hội Thánh trên trời (số 957), cho dù chỉ là trong đức tin. Thực tại đó cho thấy phụng vụ có chiều rộng và chiều cao như thế nào! Nếu Đức Kitô ở giữa chúng ta thì cùng với Người là tất cả các chi thể trong Thân Mình Chúa, và tất cả chúng ta được hiệp nhất với nhau: những người đã ở thiên đàng cùng với Đức Kitô, những người đang còn trong hành trình dương thế, những người đang dự lễ ở giáo xứ, và tất cả những ai liên kết với chúng ta trong đức tin. Đó chính là “Đức Kitô toàn thể” đang cử hành phụng vụ.
 
Như thế, “sự tham dự tích cực” trước hết không phải là những hoạt động bên ngoài, nhưng là sự ý thức và tham dự từ bên trong vào cử hành phụng vụ, nhờ đức tin. Không có sự tham dự từ bên trong này thì sự tham gia bên ngoài cũng không thể biến chúng ta thành một cộng đoàn phụng vụ đích thực.
 
Cũng thế, “các chi thể không có cùng một chức năng” (số 1142). Như Công đồng nói, trong phụng vụ, mỗi người “chỉ làm và làm trọn vẹn những gì thuộc phận vụ của mình theo bản chất của sự việc và các quy tắc phụng vụ” (số 1144): linh mục, phó tế, đọc Sách Thánh, thừa tác viên Thánh Thể, người dự lễ. Tất cả chúng ta hiệp nhất với nhau trong cùng việc thờ phượng Chúa.
 
 
Bài 10. DẤU CHỈ VÀ BIỂU TƯỢNG
 
Năm 1927, Romano Guardini xuất bản cuốn sách mỏng, nhan đề là Những dấu chỉ thiêng thánh. Mục đích của tác phẩm là để đào tạo về phụng vụ, không phải bằng những giáo huấn trừu tượng, nhưng bằng những giải thích sống động về những cử chỉ, dấu chỉ và biểu tượng đơn giản gắn liền với phụng vụ. Ví dụ, ngài nói về việc quỳ và đứng, thềm cửa và cửa nhà thờ, nước thánh và hương, nến và chuông, bánh và rượu, chén thánh và khăn thánh.
 
Tất cả những điều này đều là thành phần của phụng vụ. Theo Guardini, điều quan trọng không phải là suy nghĩ về chúng mà đơn giản là làm những dấu chỉ thánh đó: Một người mẹ dạy con làm dấu thánh giá, cử chỉ nhúng tay vào nước thánh và bái gối khi đến nhà thờ. Những “ngôn ngữ cơ thể” đó tự nó nói lên nhiều điều.
 
Phải chăng ý nghĩa ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay? Năm 1987, trong Lời tựa cho tác phẩm của giám mục Kapellaris “Dấu chỉ thánh”, Hans Urs von Balthasar viết: “Những sự vật đơn giản chung quanh chúng ta hầu như không còn khả năng nói với chúng ta nữa. Và khi không còn nghe được điều mà những sự vật ấy nói nữa, thì chúng ta cũng giống như kẻ mù chữ không đọc được cuốn sách của tạo thành”. Nếu chúng ta muốn nghe ngôn ngữ của các bí tích, trước hết phải học lại ngôn ngữ của sự vật.
 
Sách Giáo Lý nhắc chúng ta rằng mọi dấu chỉ bí tích đều hàm chứa ba chiều kích. Trước hết, trong các bí tích, những dấu chỉ nền tảng là nước, bánh và rượu, dầu, là “hoa mầu ruộng đất và lao công của con người”. Maria Montessori, nhà giáo dục công giáo vĩ đại, tập cho trẻ em chuẩn bị bánh và rượu mà sau đó các em đem lên bàn thờ. Cách tập luyện này càng cần thiết hơn ngày nay vì do hoàn cảnh cuộc sống bị vây quanh bằng đủ thứ máy móc hiện đại, nhiều người trong chúng ta thiếu mối quan hệ sống động với thiên nhiên.
 
Kế đến, dấu chỉ bí tích không chỉ đơn thuần là dấu chỉ tự nhiên. Dấu chỉ tự nhiên ấy được đưa vào lịch sử của Dân Chúa (số 1150). Thiên Chúa ban cho Dân Ngài những “dấu chỉ của Giao Ước” như cắt bì, hy lễ, Lễ Vượt Qua.
 
Đức Kitô dùng cả những “dấu chỉ tự nhiên” (ví dụ: khi chữa bệnh) và những dấu chỉ từ Cựu Ước (ví dụ: bữa Tiệc Ly) và cả hai mang một ý nghĩa mới: chúng trở thành những dấu chỉ của Người, chính Người nói và hành động trong những dấu chỉ ấy.
 
Trong các bí tích của Hội Thánh, ba chiều kích này luôn hiện diện. Nếu chúng ta muốn hiểu biết sâu về các bí tích, nên tự hỏi xem chúng ta ý thức về ba chiều kích đó ra sao, và những dấu chỉ ấy được trình bày trong giáo lý và cử hành phụng vụ như thế nào. Có lẽ phương pháp sư phạm tốt nhất để hiểu các dấu chỉ bí tích là thực hành: khi ngọn nến phục sinh được thắp lên và tiến vào bóng tối đang bao trùm nhà thờ, thì chính kinh nghiệm ấy dẫn chúng ta đến với Đức Kitô, nguồn sáng của chúng ta. Dĩ nhiên là với đức tin.

Tác giả: ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn tin: hdgmvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập156
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm149
  • Hôm nay14,976
  • Tháng hiện tại232,030
  • Tổng lượt truy cập68,197,569
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây