Tiếng Huế và Giọng Huế.

Thứ hai - 27/12/2010 10:02

Huế.

Huế.
Giọng Huế khác với giọng Hà Nội, giọng Saigon ra răng mà ông Hà Huyền Chi đi giữa chợ Mỹ, chắc chắn là nghe rất nhiều người nói tiếng Việt, mà chỉ khi nghe giọng Huế mới chiêng trống dậy hồn đau, mới khơi nỗi sầu xa xứ chất ngất trong lòng, dù ông là dân Bắc chính cống?

Tiếng Huế và Giọng Huế

Đã bao giờ bạn đến Huế chưa? Ấn tượng của bạn về vùng đất cố đô này như thế nào? Đã có nhiều người khi đến Huế phải thốt lên rằng Huế thật đẹp với những con đường xanh ngắt, những ngôi nhà cổ kính, những di tích lịch sử lâu đời, những món ăn rất cay - rất Huế… Và một thứ "đặc sản" để lại ấn tượng trong lòng mỗi du khách chính là chất giọng trọ trẹ của miền Trung, là những "chi, mô, răng, rứa" khiến ai đi xa cũng nhớ mãi.

"Hiểu được chết liền"...

Khúc ruột miền Trung - vùng đất sóng biển vỗ bờ đá núi, với điệp trùng núi non ghềnh thác. Không bị trói buộc lề thói một cách quá chặt chẽ như quê cha cội nguồn Bắc kỳ, cũng không quá thoáng đạt như xứ sở sông nước phù sa Nam kỳ, chất trầm lắng, tính chịu thương, chịu khó dường như ăn sâu vào giọng nói. Nếu bạn không quen, chắc chắn sẽ rất khó khăn khi tiếp xúc với một người Huế. Đi trên đường, gặp cô bạn mặc áo dài xinh xắn, hỏi đường đến trường Quốc Học, rất dễ nghe được câu trả lời mang ý quan tâm đại loại như: "Anh cần đi mô?", "Răng anh không đi xe mà đi bộ rứa?". Đến khi cô bạn nhiệt tình lấy bản đồ ra chỉ vẻ bằng một tràng giọng Huế thì đúng là bó tay toàn tập.

Khó nghe nhưng rất đặc trưng

F.d.Saussure từng nói: "Dòng sông ngôn ngữ vẫn chảy không ngừng, còn như nó chảy lờ đờ hay cuồn cuộn thì đó là việc thứ yếu". Sự biến đổi dẫn đến sự khác biệt trong giọng nói của mỗi vùng. Người Việt Nam dù sinh sống ở Lạng Sơn, Minh Hải hay ở những hải đảo xa xôi vẫn có thể giao tiếp với nhau bình thường. Tuy nhiên nếu để ý, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong tiếng nói mỗi vùng miền, thậm chí mỗi địa phương.

Quả thật giọng Huế thật đặc trưng mà không có nơi nào có được. Nếu bạn nói giọng Bắc, mọi người chỉ biết bạn ở miền Bắc mà khó xác định chính xác ở đâu. Hay giọng Nam cũng thế. Nhưng khi giọng Huế thốt lên thì chắc chắn mọi người sẽ "à" ngay ra rằng bạn chính là người Huế. Điểm thú vị chính là ở đó.

Một cô bạn tôi sau chuyến bay nhảy ở Huế về đã phán một câu xanh rờn "Giọng Huế như một…trái sầu riêng, ở ngoài sần sùi nhưng bên trong thật thơm và ngọt. Tuy không phải ai cũng ăn được sầu riêng hay nghe được giọng Huế, nhưng khi nghe được rồi chắc chắn sẽ kết toàn tập".
Nghe có vẻ tâm hồn ăn uống phết nhưng cũng có lý đấy chứ. Tới Huế, đi thuyền trên sông Hương, nghe chính cô gái Huế ngân nga những khúc ca mượt mà sâu lắng "Sông Hương tấp nập, tìm răng được chừ. Em trao nón đợi và em hẹn hò" sẽ khiến không ít trái tim đập lỡ nhịp và yêu thương hơn một vùng đất bình yên của đất nước này.

.....

Khó nghe nhưng không phải là không thể nghe

Khi nghe giọng Huế, có thể nhiều bạn trẻ há miệng ngạc nhiên, nhại giọng rồi cười một cách sảng khoái. Tại sao bạn không nở một nụ cười, không mở rộng trái tim mình ra để tiếp nhận một sự khác biệt, đón nhận những tình cảm mà người Huế giành cho bạn?

Lắng nghe và thấu hiểu được tiếng nói, tình cảm của bạn bè Huế, bạn sẽ cảm nhận được những nét đẹp rất riêng trong tâm hồn con người nơi đây, để tâm hồn Huế có thể đi sâu vào tâm hồn bạn, nhẹ nhàng mà tươi đẹp

Giọng Huế trên đất Mỹ

Ôi chao giọng Huế !! Mình người Huế mà đi nơi lạ, nghe được giọng Huế mô đó là rán ngước mắt, quay đầu tìm cho kỳ được chủ nhân của giọng nớ đang đứng ở mô, có quen chút mô không. Người Huế qua Mỹ hà rầm, mô phải ít. Cứ mỗi lần nghe giọng Huế thì quay đầu tìm, chẳng mấy lúc mà chóng mặt, nếu không gãy cổ. Nhưng mà lạ quá, hể nghe được thì tự nhiên trong lòng như có một chút dậy sóng, a, bên cạnh mình đang có một ai đó đang tha hương lạc bước từ xứ mình đây.

Hôm kia đi ăn cưới, hai bên dâu rể đều là người Huế, ông MC cũng người Huế, ông ca sĩ chính cũng người Huế. Khi ông ca sĩ nói, một cô trong bàn phê bình: "Ông ni nói tiếng Huế chi lạ rứa, ông nói tiếng chi a", còn ông xã thì nói: "Nói tiếng Huế gì nghe nặng wá, hổng hiểu gì cả. "K thì nghe hiểu tất. Vậy thì giọng Huế ra răng mới đúng tiêu chuẩn? Cô bé phê bình giọng Huế của chàng ca sĩ thì vừa rời Huế năm năm, ông xã K là Huế lai căng, sinh ở cao nguyên và lớn lên ở miền Nam, họ có đôi tai khác hẳn K chăng? K không phân biệt được âm sắc trong giọng nói chăng? Hay là K vì lòng thương Huế, cái xứ mình bỏ mà đi từ xưa nên rộng rãi hơn với cái giọng thân thương nớ, nghe bằng trái tim hơn là bằng đôi tai?

Giọng Huế khác với giọng Hà Nội, giọng Saigon ra răng mà ông Hà Huyền Chi đi giữa chợ Mỹ, chắc chắn là nghe rất nhiều người nói tiếng Việt, mà chỉ khi nghe giọng Huế mới chiêng trống dậy hồn đau, mới khơi nỗi sầu xa xứ chất ngất trong lòng, dù ông là dân Bắc chính cống? Có phải chăng khi đã nghe một giọng Huế thỏ thẻ bên tai, không chỉ là lời đi vào hồn người, mà cái giọng đã đậu trong tim, đâm cành trẫy lá?

...Giọng Huế bỗng nghe từ chợ Mỹ
Mà chiêng mà trống dậy hồn quê
Hương cau màu trúc xanh thôn Vỹ
Áo mới xênh xang giữa hội hè

Tôi bước bên nàng không dám thở
Không gian đầy Huế núi cùng sông
Tóc ai thả gió hồn tôi mở
Dấu kín trong tim những nụ hồng

Hà Huyền Chi

Giọng Huế quý giá vô cùng làm cho Mạ đã lưu lạc bao nhiêu năm, mất mát đủ thứ mà khư khư ôm lấy giọng Huế ướt rượt, nhất định không đánh đổi, không pha trộn, dù đời sống Mạ như cuồng lưu tràn bờ biết bao lần. Lúc lắng xuống, giọng Mạ như giòng Hương sau những cơn cuồng nộ, lại lặng lờ xanh trong chảy xuôi ra biển, êm ái nghe giọng hò thoang thoảng xa đưa.

...Tuổi con gái Mạ từng uống nước sông
Đến bây giờ giọng Huế nghe còn ướt
Giọng Huế nghe còn một chút gí trong
Bao đắng cay pha vào chưa đục được
...

Đoàn Vị Thượng

Giọng Huế ăn sâu trong tâm người con Huế, đi đến bờ bến nào cũng thương nhớ không nguôi. Chỉ cần nghe tiếng thỏ thẻ của một người bạn Huế là gợi nhớ đến một thời thơ ấu có tiếng Mạ ru hời bên tai, và cảm thấy gần gũi ngay, như gần gũi với thời gian đã qua, đã mất.
 

...Nếu lại được em ru bằng giọng Huế
Được vỗ về như mạ hát ngày xưa
Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt
Chết cũng đành không hối tiếc chi mô.

Tô Kiều Ngân

Giọng Huế của gái Huế dịu dàng, nhiều người công nhận. Nhưng giọng Huế con trai Huế thì đang còn được bàn cãi. Nhiều người cho rằng giọng trai Huế không hùng hồn, không kêu gọi được người khi làm chuyện lớn. Điều ấy thực chăng? Không phải đâu. Chỉ tại người Nam và người Bắc không muốn sửa đổi đôi tai của họ để nghe một âm sắc trầm trầm bằng bằng. Không sửa được, họ không hiểu thì họ không nghe. Nên để được người nghe, người Huế đổi giọng. Người Nam, người Bắc không ai đổi giọng của họ, mà người Huế thì đi đến đâu pha giọng đến đó. Chính vì vậy mà người khác địa phương không cần phải lắng nghe, sửa tai mà nghe. Hai người Huế tha phương gặp nhau, phải một thời gian lâu mới biết là họ cùng người Huế cả vì họ nói giọng Bắc, giọng Nam. Khi biết ra, cả hai cùng hân hoan, tự hào nói: Rứa hả, em cũng Huế đây nì.

Ngày K mới theo chồng từ Huế vào Saigon, K ở chung với chị chồng. Bà đi làm suốt ngày. Bà có một người giúp việc, bà Tư, người Kiên Giang. Trong những ngày đầu sống trong căn gác xép xa lạ, chồng theo tàu lênh lênh, chung quanh không người thân quen, K chỉ có mỗi bà giúp việc ấy để chuyện trò cho đỡ nhớ nhà. Mà nói chuyện với Bà như nói chuyện với người điếc. Bà nói K còn nghe được chứ K nói thì bà hoàn toàn mù tịt, không hiểu K nói gì. Nhờ bà làm gì rồi thì cũng tự mình đi làm lấy vì bà ư hử mà không làm, chỉ vì bà không biết K muốn gì. Bà than: " Cô nói tiếng ngoại guấc, hông nói tiếng Yiệt".

Đối với người Nam, ai không nói giọng Nam là không nói tiếng Việt.

Như vậy, giữa tiếng và giọng, có một sự sai biệt khá lớn. Chúng ta hay dùng lẫn lộn. Khi nói "nói tiếng Huế" hay "nói giọng Huế", thì ai cũng hiểu ngay là người ấy đang dùng âm thanh trọ trẹ để phát ngôn. Nhưng khi nói theo ông Võ Hương An "Tiếng Huế, một ngoại ngữ", thì rõ ràng tiếng không còn là giọng Huế nữa. Bạn có thể nói giọng Huế, nhưng giọng Huế nớ sẽ không là giọng Huế rặt nếu bạn không dùng mô tê răng rứa. Nghe một giọng Huế thỏ thẻ mà trong câu toàn là thế là thế nào, hưa vâng, không sao đâu ạ thì nghe nó... kỳ kỳ như ăn cơm hến với dưa muối, cà pháo. Huế không thưa vâng ạ. Huế chỉ dạ nhẹ nhàng. Cái tiếng dạ của mấy cô gái Huế làm chết biết bao chàng trai Huế cũng như không Huế. Huế không nói thế là thế nào, Huế nói: Dạ, rứa là răng? Mấy chữ mô tê răng rứa ni phải đi với giọng Huế, hứ còn đi với giọng Saigòn, với giọng Hà Nội thì dĩ nhiên chỉ là nói đùa cho vui, hoặc đang lấy lòng một người Huế nào đấy thôi, hoặc là một dấu vết cho thấy người nói đã một thời lăn lóc trên đất người, đã lậm tiếng người, đã mất gốc không nhiều thì ít. Như K đây. Đau lòng mà nhận ra như rứa.

Người Huế không kêu "cô", người Huế kêu "O".
Người Huế không kêu "Bà", người Huế thưa "Mệ"
Người Huế không "nói", người Huế "noái"
Người Huế không "mắc cỡ", người Huế "dị òm",
Người Huế không hỏi: "Sao vậy? ", người Huế hỏi "Răng rứa? "
Người Huế không nói "Đẹp ghê ", người Huế nói "Đẹp dễ sợ "
Người Huế cái chi cũng kêu lên "Dễ sợ !! ", dữ dễ sợ, hiền dễ sợ, buồn dễ sợ, vui dễ sợ, xấu dễ sợ, thương dễ sợ, ghét dễ sợ.

K đang trở lại với Huế, đang nói lại cái giọng mà thuở xưa đã từng thỏ thẻ bên tai ai, đang tìm học lại tiếng Huế, một ngôn ngữ tuy đang dần dần bị mai một vì những đợt sóng người từ các nơi trôi dạt đến. Những người mới này mang theo họ cái giọng, cái tiếng từ quê cha đất tổ, hoà lẫn với tiếng và giọng Huế, tìm cách đồng hoá nó, như xưa kia người Việt đồng hoá người Chiêm.

Những người ở các vùng khác có tha thiết nhớ và gìn giữ tiếng và giọng của họ không nhỉ?

Hồi còn đôi tám, đi nghỉ hè trọ ở nhà một người bạn gái tại Saigon. Nhà bạn có hai ông anh lớn hơn chừng ba bốn tuổi. Cả bọn họp thành một nhóm đi chơi với nhau vui vẻ. Một buổi trưa, sau khi đi chơi đâu đó về, ả 4 nằm ngang trên chiếc giường lớn nói chuyện bâng quơ. Một trong hai anh nằm kề K, lấy mái tóc dài của K đắp ngang mặt mình, hỏi :

"Tại sao người Huế khi nói gì cũng nói" dễ sợ "vậy K?"
"K không biết"
"Vậy thì nếu nói 'Dễ thương dễ sợ' có đúng không ?"
"Không biết"

Sưu tầm trên internet

Kính mời thưởng thức bài hát  Dễ Thương Giọng Huế

Thơ : Nhất Chi
Nhạc : Phạm Tùng
Ca sĩ : Minh Thảo

Tác giả: Sưu tầm

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập665
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại974,110
  • Tổng lượt truy cập57,075,747
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây