Chúa nhật 4 TN C. Giải thích Lời Chúa

Thứ hai - 25/01/2016 19:15

-

-
Để loan báo Tin Vui, Tin Giải Thoát của Thiên Chúa cho những người khốn khổ, bị áp bức…cho hết mọi dân mọi nước, Chúa Giê-su gặp phải sự chống đối và phẫn nộ đến mức ngay cả những người đồng hương của Ngài cũng tìm cách giết Ngài.
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

 
Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật này mời gọi chúng ta suy gẫm về sứ mạng đầy gian nan của Đức Giê-su. Để loan báo Tin Vui, Tin Giải Thoát của Thiên Chúa cho những người khốn khổ, bị áp bức…cho hết mọi dân mọi nước, Chúa Giê-su gặp phải sự chống đối và phẫn nộ đến mức ngay cả những người đồng hương của Ngài cũng tìm cách giết Ngài.
 
Gr 1: 4-5, 17-19
 
Mẫu gương đầu tiên được đưa ra cho chúng ta là ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Ông vốn bản tính nhút nhát, với con tim đa cảm và tấm lòng nhân hậu, nhưng Thiên Chúa đã chọn ông thi hành sứ mạng đầy thách đố. Vì trung thành với sứ mạng, ông phải đương đầu không chút khoan nhượng trước mọi thế lực “từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ”. Ở giữa lòng của những thù nghịch ngút ngàn này, vị ngôn sứ không thể chu toàn sứ mạng nếu không nương tựa vào chính Thiên Chúa.
 
Lc 4: 21-30
 
Tin Mừng Lu-ca tiếp tục kể cho chúng ta câu chuyện Đức Giê-su viếng thăm Na-da-rét. Trong phần thứ hai này, những người đồng hương của Ngài thay đổi thái độ của họ, từ thiện cảm sang ác cảm.
 
1Cr 12: 13-13: 13
 
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô. Đoạn trích hôm nay chứa đựng bài thánh thi nổi tiếng ca ngợi đức mến cao trọng trên mọi nhân đức.
 
BÀI ĐỌC I (Gr 1: 4-5, 17-19)
 
Trong lịch sử trào lưu ngôn sứ Kinh Thánh, ngôn sứ Giê-rê-mi-a chiếm một chỗ đặc biệt. Hơn bất kỳ tác phẩm ngôn sứ nào, tác phẩm của Giê-rê-mi-a chứa đựng những lời tâm sự bộc phát rất tự nhiên, những tiếng kêu tận đáy lòng, để lộ một đời sống nội tâm rất phong phú.
 
1. Con người và sứ mạng:
 
Những lời phàn nàn của ông Gióp trong những cuộc đối thoại của ông với Chúa chỉ thuần túy tưởng tượng. Những lời phàn nàn của Giê-rê-mi-a trong những cuộc đối thoại thường hằng của ông với Thiên Chúa xuất phát từ chính cuộc đời thật của ông. Vốn bản tính nhút nhát, với trái tim đa cảm và một tâm hồn nhân ái, Giê-rê-mi-a không muốn làm phật lòng với bất kỳ ai; ấy vậy, Thiên Chúa ủy thác cho ông một sứ mạng đầy thách đố mà ông không thể thoái thác được. Có một lần ông đã tâm sự: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con” (Gr 20: 7). Chính ở nơi lời trần tình này chúng ta gặp thấy sự khác biệt giữa sứ vụ ngôn sứ và con người của vị ngôn sứ: “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được” (Gr 20: 9).
 
Vào đầu tác phẩm của mình, ông kể lại câu chuyện ơn gọi của ông. Ơn gọi này đã xảy đến vào “năm thứ mười ba triều vua Giô-si-gia-hu”, tức là vào năm 626 trước Công Nguyên. Giê-rê-mi-a xuất thân từ một gia đình tư tế ở A-na-thốt, nơi có đền thánh xưa, cách kinh thành Giê-ru-sa-lem khoảng năm cây số về hướng bắc.
 
2. Ơn gọi ngay từ trong lòng mẹ:
 
Giê-rê-mi-a để cho Thiên Chúa nói ở ngôi thứ nhất: “Ta”, biểu thức thông thường của các sấm ngôn. Ông mặc lấy ở đây một cung giọng xác thực hơn bao giờ, vì mối thân tình đặc biệt giữa Thiên Chúa và vị ngôn sứ của Ngài; ít nhất chúng ta có thể nghĩ rằng đối với Giê-rê-mi-a, tiếng gọi này là mặc khải nội tâm của ông.

Sáng kiến của Thiên Chúa là đầu tiên và nhưng không; tất cả ơn gọi phục vụ cho kế hoạch của Thiên Chúa đều là như vậy cả, như Đức Giê-su nhắc lại cho các môn đệ Ngài: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15: 16).
 
Thiên Chúa đã chọn Giê-rê-mi-a ngay từ trong lòng mẹ: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”. Cho đến lúc đó, diễn ngữ này đã được sử dụng trong Kinh Thánh chỉ cho ông Sam-son (Tl 13: 5). Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị sẽ lấy lại diễn ngữ này và áp dụng cho “Người Tôi Trung” mầu nhiệm: “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ” (Is 49: 1). Thánh Phao-lô sẽ định nghĩa ơn gọi của mình cũng một cách như vậy: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người…” (Gl 1: 15-16). Và thánh Lu-ca cũng sẽ sử dụng biểu thức này cho thánh Gioan Tẩy Giả (Lc 1: 15) cũng như cho Đức Giê-su (Lc 1: 31) trong tập truyện Truyền Tin.
 
“Ta đã biết ngươi”. Động từ “biết” của văn hóa Do thái diễn tả một sự hiểu biết tròn đầy tình yêu; đây là một sự biện phân trước của tâm hồn người được tuyển chọn, ở nơi người ấy Chúa Đức Chúa sẽ đặt trọn tấm lòng ưu ái của Ngài.
 
“Ta đã thánh hiến ngươi”: Cốt là một cuộc xức dầu tấn phong, nhưng như các ngôn sứ khác, đây là một cuộc xức dầu thiêng liêng, dưới tác động của Chúa Thánh; tuy nhiên, từ “Thánh Thần” không bao giờ được Giê-rê-mi-a kể ra.
 
Khi Giê-rê-mi-a nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, tuổi đời của ông còn quá trẻ: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” (Gr 1: 6). Chúng ta không biết chính xác ông bao nhiêu tuổi vào lúc đó, có lẽ độ tuổi thanh xuân chưa từng trải nhiều kinh nghiệm.
 
3. Một sứ mạng đầy thách đố:
 
Chính chàng thanh niên với tính tình nhút nhát và tấm lòng nhạy cảm này mà Đức Chúa đòi hỏi ông phải đương đầu không chút khoan nhượng trước mọi thế lực “từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ”. Vị ngôn sứ sẽ đơn độc một mình, không chỉ gặp thấy thù nghịch từ phía thế quyền nhưng cũng không gặp thấy sự cảm thông từ phía giáo quyền nữa: “Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ…Chúng giao chiến với ngươi”. Giê-rê-mi-a được ủy thác kêu gọi toàn dân hoán cải và loan báo án phạt sắp tới: vương quốc sẽ bị họa diệt vong, thành đô Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá, Đền Thờ sẽ bị thiêu hủy. Với con người đa cảm, ông sẽ khóc thương thảm họa của đất nước ông, nhưng với tư cách ngôn sứ, ông sẽ giữ cho tâm trí mình sáng suốt đến ngạc nhiên và nuôi dưỡng một niềm hy vọng bất khả chuyển lay vào một “Giao Ước Mới”.
 
4. Thiên Chúa là nơi ông nương tựa:
 
Bị kết tội là sứ giả loan báo tai họa, Giê-rê-mi-a bị chế nhạo, ngược đãi và bách hại, nhưng ông sẽ chứng tỏ lòng can đảm không ai bì trong sứ mạng đầy gian truân này. Ngay từ tiếng gọi đầu tiên, Đức Chúa hứa với ông Ngài sẽ phù trợ ông: “Có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”. Đó là sự bảo đảm độc nhất mà vị ngôn sứ bám chặc vào đây như ông Mô-sê trong câu chuyện về tiếng gọi đầu tiên của mình: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3: 12).
 
Trong các ngôn sứ, số phận của ngôn sứ Giê-rê-mi-a giống với số phận của Chúa Ki-tô hơn ai hết.
 
BÀI ĐỌC II (1Cr 12: 31-13: 13)
 
Đây là “bài thánh thi ca ngợi đức mến” một cách nồng nàn say đắm. Bài thánh thi này hấp dẫn chúng ta bởi nhịp điệu của nó, những điệp ngữ của nó, cách thức kết luận của nó: đức mến là ân huệ trổi vượt trên tất cả mọi ân huệ khác. Tuy nhiên, xin đừng xem “bài thánh thi ca ngợi đức mến” này chỉ như một khúc ca trữ tình trào dâng một cách tự phát từ ngọn bút của thánh Phao-lô trong một niềm hưng phấn tột cùng. Nó chứa đựng những bài học chính xác, vừa vượt lên trên mọi thời gian vừa được định vị vào một hoàn cảnh rõ ràng; nó liên kết một cách chặc chẽ với những lời khuyên bảo trước đó.
 
1. Đức mến trổi vượt trên mọi ân huệ khác:
 
Thánh nhân vừa mới nêu lên sự phong phú của những ân huệ tinh thần mà Chúa Thánh Thần ban tặng một cách hào phóng cho các tín hữu Cô-rin-tô; tuy nhiên, những ân huệ này gây nên những đố kỵ, ghen tuông. Thánh Phao-lô đã nhận ra một trong những khuyết điểm cốt yếu của các tín hữu này: “chủ nghĩa cá nhân”. Thánh nhân đã khẩn khoản nài xin họ hiệp nhất với nhau, bởi vì họ làm thành một thân thể duy nhất, Thân Thể của Đức Ki-tô (bản văn của Chúa Nhật trước).
 
Phương thuốc thật sự chữa trị cho chủ nghĩa cá nhân này là đức mến, tức là, “mến Chúa và yêu người”, đó là ân huệ trổi vượt trên mọi ân huệ khác. Trong cộng đoàn Cô-rin-tô, mọi người đều muốn mình có ân ban ngôn sứ, mọi người đều muốn mình có ân ban nói các tiếng lạ. Thánh Phao-lô đáp lại: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi có được ơn nói tiên tri…”.
 
Trước đây, trong cùng bức thư này, thánh Phao-lô đã vạch cho cộng đoàn này thấy một khuyết điểm khác mang đậm nét văn hóa Hy lạp: khao khát được hiểu biết về những khía cạnh khác nhau của đức tin, tìm kiếm sự khôn ngoan. Vì thế, thánh nhân tấn công trực diện: dù được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu mà không có đức mến thì cũng chẳng bằng không. Thánh nhân nhấn mạnh sự hiểu biết này chỉ là phiến diện, có thể được sánh ví với sự hiểu biết của một trẻ con. Chúng ta sẽ trưởng thành trong sự hiểu biết Thiên Chúa chỉ khi nào “chúng ta được gặp Ngài diện đối diện”.
 
Thánh Phao-lô không nghi ngờ đức tin, lòng hào hiệp của các tín hữu Cô-rin-tô này, nhưng nếu họ không có đức mến thì cũng bằng không: “Giả như tôi…có được một đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem đến gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”.
 
2. Đức mến đối với đức tin và đức cậy:
 
Nếu phần tranh luận chiếm một chỗ lớn trong lời khuyên bảo nồng cháy này của thánh Phao-lô, thì đó không phải là tất cả. Những phẩm chất của đức mến được kể ra vô vàn cho đến tận câu kết của bài thánh thi tuyệt vời này: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”.
 
Viễn cảnh đều hướng đến “yêu người”, nhưng “mến Chúa” cũng hàm chứa ở đây. Tư tưởng của thánh Phao-lô rất trong sáng. Trong tất cả những bức thư của mình, thánh nhân không ngừng lập đi lập lại rằng “đức mến”“mến Chúa” đang hoạt động trong chúng ta để “yêu người” được đâm bông kết trái.
 
Sau này, thánh Phao-lô sẽ chứng tỏ cho thấy rằng những công việc chúng ta làm nếu không có đức tin, thì chẳng có giá trị gì cả. Trong bản văn hôm nay, những công việc yêu người, thậm chí hiến thân mình cho đến chết, vân vân, chẳng có giá trị gì, nếu không xuất phát từ đức mến. Đức tin gợi nguồn cảm hứng cho đức mến; đức cậy hổ trợ đức mến. Cả ba nhân đức này đều là bản chất của sự thánh thiện, nhưng cao trọng hơn cả vẫn là đức mến.
 
TIN MỪNG (Lc 4: 21-30)
 
Chúng ta tiếp tục câu chuyện Đức Giê-su viếng thăm Na-da-rét theo Tin Mừng Lu-ca. Nếu hai thánh Mác-cô và Mát-thêu đặt biến cố này như một trong những biến cố xảy ra trong sứ mạng công khai của Đức Giê-su tại miền Ga-li-lê, thì thánh Lu-ca định vị biến cố này vào lúc khởi đầu sứ vụ của Đức Giê-su, tiên báo những bước thăng trầm về sứ mạng tương lai của Ngài.
 
1. Thái độ của những người đồng hương Na-da-rét của Ngài:
 
Trong phần đầu của câu chuyện, thái độ của người đồng hương Na-da-rét đối với Chúa Giê-su được tóm gọn như sau: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt lên từ miệng Người”. Nhưng rồi họ nẩy sinh những mối nghi ngờ về Ngài bởi vì Ngài xuất thân từ một gia đình tầm thường: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?”.
 
Chính vì gia thế tầm thường của Ngài ở giữa họ mà họ không nhận ra ở nơi Ngài, Đấng được sai đến để thực hiện những điều mà ngôn sứ I-sai-a đã loan báo. Vì thế, những người đồng hương của Ngài muốn Ngài thực hiện những dấu lạ ở tại quê nhà của Ngài như Ngài đã thực hiện ở thành Ca-phác-na-um, để chứng thực sứ mạng của Ngài.
 
2. Câu trả lời của Đức Giê-su:
 
Hiểu được những ý nghĩ trong lòng họ, Đức Giê-su trả lời, trước hết bằng cách trích dẫn hai câu ngạn ngữ. Câu ngạn ngữ thứ nhất: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình”, tiên báo hoàn hảo về những lời thách đố được lập lại đến ba lần ở dưới chân thập giá: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (23: 35, 37, 39). Câu ngạn ngữ thứ hai: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương của mình”, phác họa số phận chung của các ngôn sứ thời xưa, họ đã không được hiểu và bị bách hại bởi chính những người đồng hương của mình, tiêu biểu số phận của ngôn Giê-rê-mi-a trong Bài Đọc I, đồng thời tiên báo về số phận của chính Ngài.
 
Tiếp đó, Ngài còn trích dẫn hai ví dụ về ngôn sứ Ê-li-a và ngôn sứ Ê-li-sa được trích từ sách 1V 17 và sách 2V 5. Qua hai ví dụ này, Chúa Giê-su muốn ám chỉ đến sứ vụ phổ quát của Ngài. Ngài đến để thực hiện sấm ngôn Is 61: 1-2, nhưng không chỉ đóng khung cho những người đồng hương của Ngài: dân Na-da-rét hay toàn thể dân Ít-ra-en, mà mở rộng ra đến hết mọi dân mọi nước khác nữa. Việc Ngài chọn Ca-phác-na-um làm cứ điểm truyền giáo của mình theo cùng một ý nghĩa như vậy. Thành này, được gọi là “Ngã Tư của các dân tộc”, là nơi giao du thường hằng của những dân ngoại chung quanh. Chiều kích phổ quát của sứ điệp được phác họa rồi. Đó là toàn bộ chương trình mà Giáo Hội, tiếp nối sứ mạng của Ngài, sẽ thực hiện như được miêu tả trong sách Công Vụ Tông Đồ, cũng là công trình biên soạn của chính thánh Lu-ca. Chính vì sứ mạng này mà Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến để thực hiện bằng cả mạng sống mình và cũng vì sứ mạng này mà Giáo Hội hiện diện giữa nhân loại cho đến ngày Ngài trở lại trong vinh quang.
 
3. Tiên báo tương lai:
 
Việc Chúa Giê-su từ chối thực hiện những phép lạ tại đây, ám chỉ đến việc hủy bỏ mọi ranh giới trong việc thi ân giáng phúc của Ngài, gây nên làn sóng giận dữ của những người đồng hương đối với Ngài. “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ”: “Mọi người trong hội đường” ở đây ám chỉ đến những người mộ đạo, những lãnh tụ tôn giáo, những người lắng nghe lời nói của Đức Giê-su khiến họ phẫn nộ.
 
“Sư phẫn nộ” của họ báo trước sự phẫn nộ của Thượng Hội Đồng…Như những thành viên Thượng Hội Đồng sau này, hành động của dân Na-da-rét: “Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành…kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”, tiên báo cuộc Tử Nạn của Ngài; nhưng việc Đức Giê-su “băng qua giữa họ mà đi”, tiên báo cuộc Phục Sinh tương lai của Ngài.
 
Theo thánh Lu-ca, câu chuyện Đức Giê-su viếng thăm Na-da-rét mang tính ngôn sứ: câu chuyện này quy tụ mọi yếu tố báo trước tiến trình sứ mạng Đức Giê-su. Để hiểu một cách xác đáng những tương hợp lịch sử giữa cuộc viếng thăm Na-da-rét của Ngài và cuộc đời cứu độ của Ngài, chúng ta đọc liên tục: lòng nhiệt thành của đám đông dân chúng, đoạn sự từ chối của dân Ít-ra-en, sứ điệp được hứa cho lương dân, viễn cảnh Tử Nạn, và cuối cùng, sự tự do tối thượng của Đức Giê-su, Đấng làm chủ sự sống và cái chết của Ngài. 

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập713
  • Hôm nay128,495
  • Tháng hiện tại1,040,759
  • Tổng lượt truy cập57,142,396
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây