Chúa nhật 3 Phục Sinh. Giải thích Lời Chúa.

Thứ hai - 08/04/2013 09:27
Theo bản văn Ga 21: 15-17, Đức Giê-su Phục Sinh thiết lập quyền tối thượng của thánh Phê-rô căn cứ trên “tình yêu”. Cho đến lúc đó, Chúa Giê-su đã cho ông thấy rằng Ngài đã yêu mến Giáo Hội Ngài và toàn thể nhân loại đến mức hy sinh mạng sống mình.
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

 
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật III Phục Sinh hôm nay dâng hiến cho chúng ta những lời chứng mới về biến cố Phục Sinh.
 
Cv 5: 27b-32, 40b-41
 
Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca tường thuật lời chứng của các Tông Đồ trước Thượng Hội Đồng. Các Tông Đồ khẳng định đầy xác tín rằng Đức Giê-su, mà các ông đã đóng đinh, đã phục sinh và được tôn vinh.
 
Kh 5: 11-14
 
Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan mô tả thị kiến về phụng vụ thiên quốc tôn vinh Con Chiên sát tế, được cả triều thần thánh thiên quốc cũng như muôn loài thọ tạo chúc tụng tôn vinh.
 
Ga 21: 1-19
 
Tin Mừng tường thuật Đấng Phục Sinh lại hiện ra với các môn đệ Ngài trên bờ Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Đây là giây phút Chúa Giê-su trao gởi con thuyền Giáo Hội của Ngài cho thánh Phê-rô và tấn phong thánh nhân làm vị mục tử của đàn chiên Ngài, căn cứ  trên tình yêu của thánh nhân đối với Ngài.
 
BÀI ĐỌC I (Cv 5: 27b-32, 40b-41)
 
Sự kiện các Tông Đồ bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, tức là thẩm phán tối cao ở Giê-ru-sa-lem, được đặt vào trong những hoàn cảnh rất đặc thù. Trước đó, thánh Phê-rô và thánh Gioan đã bị bắt sau khi đã chữa lành một người bất toại ở cửa Đền Thờ và đã ngỏ lời với đám đông tụ tập lại chung quanh các ngài. Sau khi tra hỏi các ngài, các thành viên Thượng Hội Đồng ngăm đe và nghiêm cấm các ông không được rao giảng Đức Giê-su nữa, rồi thả các ông về “vì họ sợ dân chúng” (4: 21).
 
Thánh Phê-rô, thánh Gioan cũng như các Tông Đồ khác, chẳng những đã không nín lặng, lại càng lớn tiếng rao giảng Đức Giê-su. Thánh Lu-ca xác định: “Nghe vậy, họ giận điên lên và ra lệnh bắt các ông”. Vào ban đêm, thiên sứ mở cửa ngục, đưa hai ông ra. Ngay từ sáng sớm, các ông lại xuất hiện trong Đền Thờ để giảng dạy đám đông. Các thượng tế càng nỗi giận và bắt các ngài một lần nữa. Chính đây là đoạn trích dẫn hôm nay: các Tông Đồ lại bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng.
 
1. Vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người:
 
Vì thế, vị thượng tế hỏi những kẻ tái phạm ngoan cố này: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh Giê-su, thế mà các ông lại gieo rắc giáo lý của mình khắp cả Giê-ru-sa-lem, và còn muốn quy tội cho chúng tôi là đã làm đổ máu tên đó!”.
 
Nhân danh nhóm Mười Hai, thánh Phê-rô khôn khéo trả lời. Thánh nhân giải thích cho các tư tế được thánh hiến để phụng sự Thiên Chúa trong Đền Thờ rằng chính “vị Thiên Chúa của cha ông chúng ta” này mà các ngài tin đã cho Đức Giê-su sống lại, nâng Ngài lên và đặt làm Thủ Lãnh và Đấng Cứu Độ. Vì thế, nếu thánh nhân cũng như các bạn đồng môn đã không thể nào nín lặng, vì phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người.
 
2. Chúng tôi cùng Chúa Thánh Thần xin làm chứng:
 
Thánh Phê-rô biết rằng lời chứng của mình có thể bị bác bỏ. Luật Do thái đòi hỏi việc xét xử chỉ có giá trị nếu căn cứ ít nhất trên hai nhân chứng (Đnl 17: 6). Chứng nhân thứ hai mà vị Tông Đồ viện dẫn, quả thật bất ngờ: Chúa Thánh Thần:“Về những sự kiện đó, chúng tôi đây xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng phục Người”.
 
Cũng vẫn ở nơi Thiên Chúa mà thánh Phê-rô quy giá trị của những lời nói được Thánh Thần linh hứng của mình. Như vậy, thánh nhân kết thúc bài diễn từ của mình với cùng viễn cảnh như thánh nhân đã bắt đầu: vâng phục Thiên Chúa là nguồn mạch của những phong phú tinh thần.
 
Qua bài diễn từ này và những bài diễn từ khác nữa của thánh Phê-rô (tổng cộng là năm bài diễn từ), thánh Lu-ca cho chúng ta biết những đề tài cốt yếu của giáo lý tiên khởi; lúc đó, giáo lý này chỉ ngỏ lời với các thính giả Do thái.
 
Thượng Hội Đồng sẽ lại miển cưỡng thả các Tông Đồ. Quả thật, vào gần cuối của đoạn trích này, thánh Lu-ca đặt ông Ga-ma-li-ên, một người Pha-ri-sêu, đồng thời một kinh sư đáng kính có khuynh hướng tự do, lên tiếng bênh vực cho các Tông Đồ. Như vậy, ngay ở giữa lòng Thượng Hội Đồng xảy ra những căng thẳng nội tại. Những đối thủ hung dữ nhất của các Tông Đồ không là những người Pha-ri-sêu (thánh Lu-ca đã không nêu tên họ trong suốt bài tường thuật Thương Khó), nhưng giới giáo sĩ, đặc biệt nhà Kha-nan (“vị thượng tế cùng những người thân cận”).
 
Tuy nhiên, các Tông Đồ, trước khi được thả ra, phải bị đánh đòn theo luật Mô-sê cho là có tội, và chỉ được phép đánh không quá bốn mươi đòn, “sợ rằng đánh thêm sẽ bị trọng thương, và người anh em của anh em sẽ bị nhục trước mặt anh em” (Đnl 25: 2-3).
 
3. Niềm vui của những người bị khổ nhục vì danh Đức Giê-su:
 
“Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su”. Chúa Giê-su đã nói trước với các ông: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5: 11-12). Thánh Phê-rô, khi viết cho các cộng đoàn Ki-tô hữu bị bách hại, cũng phát biểu như vậy: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu” (1Pr 4: 13).
 
BÀI ĐỌC II (Kh 5: 11-14)
 
Sách Khải Huyền được chi phối bởi hai thị kiến khai mạc. Chúng ta đã đọc thị kiến thứ nhất vào Chúa Nhật trước. Thị kiến thứ hai giới thiệu phần chính yếu thứ hai sách Khải Huyền. Thị kiến này bao gồm các chương 4 và 5 và được chia thành hai phân đoạn. Phân đoạn thứ nhất mô tả một lễ nghi hùng vĩ tôn thờ Thiên Chúa cực thánh, Đấng Sáng Tạo muôn loài muôn vật; phân đoạn thứ hai là một phụng vụ trang trọng tôn vinh Con Chiên sát tế. Bản văn của chúng ta được được trích dẫn từ phân đoạn thứ hai này.
 
1. Đức Ki-tô, Con Chiên sát tế:
 
Trong sách Khải Huyền, đây là lần đầu tiên Đức Ki-tô được gọi là Con Chiên và Con Chiên sát tế. Danh xưng này từ nay sẽ ngự trị toàn bộ sách Khải Huyền. Tước hiệu này mang đậm nét Gioan. Trong Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan Tẩy Giả chứng nhận Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”; cũng trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su chết trên thập giá vài giờ trước khi cử hành lễ Vượt Qua, thậm chí vào giây phút đó, trong sân Đền Thờ người ta sát tế những con chiên dành cho bữa ăn vượt qua vào ban chiều.
 
Hình ảnh con chiên ẩn hiện trong tư tưởng của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, khi ông gợi lên Người Tôi Trung bị đem đi giết “như chiên bị đem đi làm thịt” (Is 53). Ngược theo dòng lịch sử, sách Xuất Hành tường thuật máu chiên vượt qua đã bảo vệ dân Do thái khỏi chết như thế nào khi họ bôi máu con chiên trên khung cửa nhà mình (Xh 12: 7-13).
 
Trong thị kiến của mình, thánh Gioan xác định rằng ông thấy “con chiên đã bị sát tế”, nghĩa là được ghi dấu bởi những vết thương hy tế. Trong vinh quang của mình, Chúa Ki-tô muôn đời mang lấy những dấu tích cuộc Tử Nạn của mình mà giá trị của chúng không bao giờ phai nhạt. Chính ở nơi con chiên này mà muôn vàn thiên thần và muôn vị chư thánh dâng lời tôn vinh chúc tụng.
 
2. Lời chúc tụng của các thiên thần và con số 7:
 
Muôn vàn thiên thần đứng chầu chung quanh ngai. Ngai chỉ Thiên Chúa, Đấng không bao giờ được miêu tả, ngoại trừ qua những ám chỉ đến ánh sáng huy hoàng nhiệm mầu của Ngài, được sánh ví với những viên đá quý lung linh rực rỡ. Ấy vậy, ở đây, ngai cũng chỉ Con Chiên, cách thức công bố thần tính của Chúa Giê-su.
 
Các thiên thần tán dương Con Chiên qua bảy phẩm tính: “Con Chiên đã bị giết quả xứng đáng lãnh nhận phú quý và quyền năng, khôn ngoan và uy lực, danh dự với vinh quang, cùng muôn lời chúc tụng!”. Bảy là con số chỉ sự viên mãn. Xa hơn một chút, chúng ta gặp lại lời chúc tụng khác cũng về bảy phẩm tính, mà cộng đoàn những người được tuyển chọn dâng lên cho chính Thiên Chúa: “A-men! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! A-men!” (7: 12). Nếu Con Chiên đón nhận cùng một phụng thờ như thế, đó là một cách thức mới khẳng định thần tính của Ngài.
 
Cả triều thần thánh trên trời đều tán dương Con Chiên, như thế khẳng định thần học của thánh Phao-lô và thần học của tác giả thư gởi tín hữu Do thái: Chúa Ki-tô đã được đặt trên các thiên thần (x. Ep 1: 21; Dt 1: 4-14).
 
3. Lời chúc tụng của các Con Vật, các Kỳ Mục và con số 4:
 
Chung quanh ngai có các Con Vật và các Kỳ Mục. Các Con Vật và các Kỳ Mục này đã được nêu lên và đã được mô tả trước đây. Các Con Vật được biểu tượng bởi con số bốn, con số có nghĩa vũ trụ (“bốn phương”). Chúng được mô tả có cánh, giống như con vật hay con người (4: 7), gần với bốn con vật có hình thù kỳ lạ nâng đỡ ngai Thiên Chúa trong thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Ed 1: 18). Ở đây, chúng đại diện vũ trụ.
 
Các Kỳ Mục có tất cả là hai mươi bốn vị. Họ biểu thị mười hai chi tộc Ít-ra-en và mười hai Tông Đồ, tức là vừa Giao Ước Cũ vừa Giao Ước Mới; như vậy, hai mươi bốn Kỳ Mục muốn nói lên chỉ một Giao Ước duy nhất. Dù thế nào, họ thuộc về nhân loại và đã đóng vài trò của những người thờ phượng trong phụng vụ trước đó: mình mặc áo trắng, đầu đội triều thiên (4: 10-11). Họ cũng tôn thờ Con Chiên: “Các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy”.
 
4. Lời chúc tụng của muôn loài thọ tạo và con số 4:
 
Muôn loài thọ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất và ngoài biển khơi đều tung hô Con Chiên. Vũ trụ được chỉ rõ bởi bốn miền. Bài thánh thi tung hô Con Chiên với bốn phẩm tính: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!”.
 
5. Mầu nhiệm vượt qua:
 
Con Chiên được tôn thờ, tán dương, chúc tụng vì nó đã được sát tế. Tất cả mầu nhiệm vượt qua được tiềm ẩn ở nơi khía cạnh hy tế và cứu chuộc, rồi đến vinh quang, vinh quang mà Chúa Giê-su đã xin Cha Ngài trong lời cầu nguyện hiến tế của Ngài: “Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho Con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17: 5).
 
6. Sứ điệp:
 
Ngoài phụng vụ tôn vinh Con Chiên – phản ảnh nào đó cuộc sống phụng vụ Giáo Hội – nổi bật sứ điệp then chốt của sách Khải Huyền: những người Ki-tô hữu bị bách hại, dẫn đến cuộc tử đạo, chính họ là những con chiên bị sát tế, “bị đem đi làm thịt”; họ theo bước chân của Chúa Ki-tô; họ dự phần vào vận mệnh và vinh quang của Ngài. Lời hứa đã được ban cho họ một cách long trọng: “Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người” (3: 21).
 
TIN MỪNG (Ga 21: 1-19)
 
Chương 21 Tin Mừng Gioan là phần phụ chương. Tác phẩm đã đóng lại rồi ở 20: 30-31: “Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người”. Chung chung, người ta nghĩ rằng phần phụ chương này đã được thêm vào, hoặc bởi chính tác giả hay bởi một trong các môn đệ của ông.
 
Dù thế nào, người ta nhận ra ở đây văn phong của Gioan: những thực tại được mô tả chất nặng những dấu chỉ đến mức chúng ban cho câu chuyện nghĩa thứ hai, tròn đầy hơn nghĩa của từ ngữ. Hai bài tường thuật theo nhau, nhưng có chung một đề tài: quyền tối thượng của thánh Phê-rô, lãnh đạo của Giáo Hội truyền giáo (21: 1-14) và mục tử của Giáo Hội được thiết lập trên tình yêu (21: 15-19).
 
1. Cuộc hội ngộ bên biển hồ Ti-bê-ri-a miền Ga-li-lê:
 
Sau những cuộc gặp gỡ ban đầu với Đấng Phục Sinh ở Giê-ru-sa-lem, các Tông Đồ trở về Ga-li-lê. Về điểm này, thánh Gioan đồng thuận với thánh Mát-thêu. Theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su, vào lúc trên đường đến đồi Ô-liu, sau Bữa Tiệc Ly, đã nói với các môn đệ: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em (Mt 26: 31-32). Thiên sứ đã lập lại sứ điệp này cho những người phụ nữ đến mồ: “Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông (Mt 28: 6-7).
 
Không phải tất cả họ đều có mặt ở đó, nhưng những người có mặt là bảy người, con số chỉ sự viên mãn, và tất cả họ đều lên thuyền, thuyền của thánh Phê-rô. Người ta nhận ra rồi ở nơi tình tiết này ý nghĩa Giáo Hội. Cũng giống như mẻ lưới cá lạ lùng thứ nhất được thánh Lu-ca tường thuật (Lc 5: 1-11), “Đêm ấy không bắt được gì cả”. Ấy vậy, những mẻ lưới ban đêm, theo kinh nghiệm nghề nghiệp, được xem là những mẻ lưới đánh nhiều cá hơn những mẻ lưới ban ngày.
 
2. Chúa Giê-su ở trên bờ:
 
“Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển”. Như thử Ngài là một khách bộ hành vui miệng hỏi thăm công việc của các ông như thế nào. Họ trả lời là chẳng bắt được gì cả. Vâng theo lời chỉ dẫn của Ngài “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được nhiều cá”, họ đánh bắt được một mẻ lưới đầy những cá. “Người môn đệ Chúa yêu” nhận ra ngay chính Chúa đó. Trong Tin Mừng Gioan, độ nhạy bén và sự sáng suốt của con tim luôn luôn trổi vượt. Tuy nhiên, thánh Phê-rô là người phản ứng trước tiên: ông lao mình xuống nước; cũng như vậy khi Đức Giê-su đi trên mặt biển sóng to gió lớn để đến với các ông, thánh nhân đã muốn đến gặp Ngài. “Thánh nhân vội khoắc áo vào vì đang ở trần”, đây là cách nói kinh thánh để chỉ tội lỗi, nỗi khốn cùng và sự xấu hổ.
 
Ở mẻ lưới cá lạ lùng thứ nhất, Đức Giê-su đã ở trong thuyền với các môn đệ của Ngài (Lc 5: 1-7), trong khi ở mẻ lưới cá lạ lùng thứ hai, được định vị sau biến cố Phục Sinh, Đức Giê-su không còn ở giữa các môn đệ của Ngài nữa. Ngài ở bên kia bờ cuộc sống đời đời của Ngài rồi. Chỉ một mình các môn đệ của Ngài trên biển, theo truyền thống được xem như nơi trú ngụ của những quyền lực sự dữ. Tuy nhiên, Đức Giê-su hiện diện ở nơi những nỗi lo lắng của họ, Ngài hướng dẫn họ và chính nhờ sự can thiệp của Ngài mà công việc của họ đâm hoa kết trái. Biểu tượng Giáo Hội được xác nhận. Chúa Giê-su đã nói với thánh Phê-rô ngay từ mẻ lưới cá lạ lùng đầu tiên, từ ơn gọi đầu tiên của ông: “Từ nay anh sẽ là người chài lưới người” (Lc 5: 10).
 
3. Riêng một mình thánh Phê-rô:
 
Thánh Phê-rô một mình bơi vào bờ, trong khi các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá. Khi Chúa Giê-su bảo các ông đem ít cá mới vừa mới đánh bắt được đến đây, thì chỉ mình thánh Phê-rô lại xuống thuyền, rồi kéo lưới đầy cá lớn lên bờ, công việc vượt quá sức của một người, và lưới không bị rách. Chính nơi thánh Phê-rô mà Chúa Giê-su trao phó trách nhiệm hàng đầu đối với Giáo Hội của Ngài; chính thánh nhân phải dẫn đến với Chúa những ai mà sứ mạng truyền giáo đã thu phục được. Những ai đến với Đức Giê-su, thánh nhân có bổn phận ân cần săn sóc để không có bất kỳ một ai phải bị mất đi. Chính nhờ ân sủng mà lưới của Giáo Hội không bị rách. Ấy vậy, thời điểm được xác định ngay từ đầu câu chuyện: “trời đã sáng”, hình ảnh rất tâm đắc của thánh Gioan; đây là giờ ánh sáng, giờ cứu độ.
 
Còn con số “một trăm năm mươi ba con”, thánh Giê-rô-ni-mô giải thích vào thời của thánh nhân, các nhà động vật học liệt kê được một trăm năm mươi ba loài cá. Như vậy, qua con số biểu tượng này, tác giả ám chỉ đến công việc truyền giáo các tông đồ sẽ thực hiện theo lệnh của Đức Ki-tô dưới sự hướng dẫn của thánh Phê-rô, đồng thời tác giả cũng tiên báo công trình ấy sẽ đem muôn dân muôn nước về với Đức Ki-tô.
 
4. Bữa ăn của Chúa:
 
Biết các môn đệ vất vả suốt đêm trong cái lạnh của nước và gió, Đức Giê-su chuẩn bị sẵn cho các ông một bếp than hồng để sưởi ấm và một bữa ăn để no lòng. Tất cả đã sẵn sàng: "Anh em đến mà ăn”. Bữa ăn gồm bánh và cá, hai yếu tố này xem ra không phù hợp với bàn tiệc Thánh Thể, tuy nhiên biểu thức : “Đức Giê-su cầm lấy bánh và trao cho các môn đệ ăn” rõ ràng là biểu thức của bàn tiệc Thánh Thể. Hơn nữa vào thời Giáo Hội tiên khởi “bánh”“cá” biểu tượng Thánh Thể.

“Mẻ cá lạ lùng”"bữa ăn của Chúa” diễn tả hai khía cạnh bất khả phân của thực tại Giáo Hội: hoạt động truyền giáo và bàn tiệc Thánh Thể. Giáo Hội được mời gọi nối tiếp sứ mạng của Đức Giê-su, loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Đây là một công việc đòi hỏi nhiều gian nan vất vả như cuộc đời của Đức Giê-su đã cho thấy. Chính vì thế Chúa Giê-su đã dọn sẵn cho các môn đệ của Ngài bữa ăn của Ngài để sưởi ấm lòng mến của các ông và nuôi dưỡng đức tin kiên vững của các ông trong sứ mạng.
 
Những người khác nhận ra ở nơi bữa ăn của Chúa trên bờ biển này dấu chỉ bàn tiệc cánh chung mà Thiên Chúa sẽ thiết đãi những tôi trung của Ngài. Các ngôn sứ đã loan báo rồi. Chúa Giê-su cũng đã hứa với các môn đệ Ngài: “Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy…” (Lc 22: 30), và Ngài đã xác định rằng chủ sẽ đích thân phục vụ những tôi trung của mình: “Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12: 37). Bàn tiệc cánh chung là hình ảnh của niềm hoan lạc, đồng thời diễn tả mối tâm giao với Chúa.
 
5. Cuộc Tấn Phong của thánh Phê-rô:
 
Sau đó diễn ra một cuộc đối thoại thật cảm động giữa Chúa Giê-su và thánh Phê-rô. Chúa Giê-su long trọng hỏi thánh Phê-rô ba lần cùng một câu hỏi: “Này “anh Si-mon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”, và cả ba lần thánh nhân đều khẳng định là mình yêu mến Thầy. Như vậy, thánh nhân ba lần được tấn phong, và đồng thời ba lần thánh nhân được khôi phục lại vì trước đây thánh nhân đã chối Thầy cũng ba lần.
 
Hơn nữa, có một sắc thái ngữ nghĩa rất tinh tế giữa hai động từ Hy lạp: “agapao”: diễn tả một tình yêu cho đến mức sẵn sàng chết cho người mình yêu, và “phileo”: diễn tả tình bằng hữu. Hai lần đầu, Chúa Giê-su hỏi thánh nhân với động từ “agapao”, nghĩa là Ngài đòi hỏi thánh nhân yêu mến Ngài đến mức dám chết cho Ngài. Tuy nhiên, cả ba lần thánh nhân điều trả lời cho Thầy với cùng một động từ “phileo”, nghĩa là, từ kinh nghiệm mình đã chối Thầy ba lần, thánh nhân không dám hứa với Thầy rằng thánh nhân yêu mến với động từ “agapao”, nhưng chỉ với động từ “phileo”. Vì thế, đến lần thứ ba, một cách tế nhị, Chúa Giê-su hạ mức độ đòi hỏi lòng yêu mến của thánh nhân đối với Ngài xuống cho ngang tầm với yêu cầu của thánh nhân khi hỏi thánh nhân với động từ “phileo”. Chính với câu hỏi lần thứ ba này, thánh nhân buồn vì mình không thể đáp trả lòng mến của mình đối với Thầy trên cùng mức độ “agapao” như Chúa muốn: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy".
 
6. Quyền tối thượng của Phê-rô được thiết lập dựa trên niềm tin:
 
Trong các sách Tin Mừng, chúng ta có đến ba bản văn thiết lập quyền tối thượng của thánh Phê-rô: Mt 16: 13-19, Lc 22: 31-34 và Ga 21: 15-17. Trong ba bản văn này, hai bản văn của Mát-thêu và Lu-ca thiết lập quyền tối thượng của Phê-rô dựa trên niềm tin.
 
Theo bản văn Mt 16: 13-19, Đức Giê-su đã long trọng tấn phong thánh Phê-rô quyền lãnh đạo Giáo Hội Ngài; nhưng Ngài đã thiết lập quyền tối thượng này căn cứ trên niềm tin của thánh Tông Đồ. Sau lời tuyên xưng của thánh Phê-rô ở Xe-da-rê, Chúa Giê-su đã công bố ông là đá tảng trên đó Ngài sẽ xây Giáo Hội của Ngài và hứa với ông là trao cho cho ông “chìa khóa Nước Trời” (Mt 16: 19).
 
Theo bản văn Lc 22: 31-34, sau khi báo trước thánh nhân sẽ chối Thầy, Chúa Giê-su đã nói với thánh Phê-rô: “Thầy cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em mình nên vững mạnh” (Lc 22: 32). Hơn ai hết, thánh Phê-rô ý thức sự yếu đuối ngay chính trong bản thân mình: đã ba lần mình đã chối Thầy; vì thế, thánh nhân phải có thái độ bao dung, nhân ái và độ lượng với những yếu đuối của anh em mình, như Đức Giê-su cư xử bao dung, nhân ái và độ lượng với thánh nhân. Từ kinh nghiệm của chính mình, thánh nhân phải là người nâng đỡ niềm tin của anh em mình.
 
7. Quyền tối thượng của Phê-rô được thiết lập trên tình yêu:
 
Theo bản văn Ga 21: 15-17, Đức Giê-su Phục Sinh thiết lập quyền tối thượng của thánh Phê-rô căn cứ trên “tình yêu”. Cho đến lúc đó, Chúa Giê-su đã cho ông thấy rằng Ngài đã yêu mến Giáo Hội Ngài và toàn thể nhân loại đến mức hy sinh mạng sống mình. Chính một tình yêu tương tự mà Ngài đòi hỏi ở nơi thánh Phê-rô khi đặt ông lên làm “mục tử chăm sóc đàn chiên của Ngài”. Chúa Giê-su đòi hỏi thánh nhân phải có một tình yêu đối với đàn chiên của Ngài tương tự với tình yêu mà Chúa Giê-su đã nêu lên khi phác họa chân dung của “Người Mục Tử Nhân Lành” đến mức hiến dâng mạng sống mình cho đàn chiên (Ga 10: 11-15).
 
Cái khác biệt giữa người mục tử với kẻ chăn chiên thuê chính là ở nơi phẩm chất cao quý này, chứ không bất kỳ cái gì khác. Người mục tử theo mẫu gương của Đức Giê-su, Ngài đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ, không phải để truyền lệnh mà là để đáp ứng nhu cầu của đàn chiên để chúng được sống và sống dồi dào. Giáo Hội là một tập thể vì thế cần có cơ cấu phẩm trật: “mục tử và đàn chiên”, nhưng cơ cấu phẩm trật này nhằm để phục vụ cho tình yêu và vì tình yêu: “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’ , là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13: 13-15).
 
Trong cuộc đối thoại này, điều quan trọng không chỉ ghi nhận quyền mục tử tối cao của thánh Phê-rô, nhưng còn cả tấm lòng yêu thương của Chúa Ki-tô đối với đàn chiên của Ngài nữa. Trước khi trao gởi đến ba lần đàn chiên của Ngài cho thánh Phê-rô, Ngài đã hỏi thánh nhân cũng đến ba lần có yêu mến Ngài không. Như vậy, thánh nhân yêu mến Đức Giê-su như thế nào, ông cũng phải yêu mến yêu mến đàn chiên của Ngài như vậy. Nói cách khác, chính qua cách thức người mục tử cư xử với đàn chiên của Đức Giê-su mà người ta đo lường được lòng yêu mến của người mục tử ấy đối với Đức Ki-tô. Chính đó là tiêu chuẩn để đánh giá một người mục tử như lòng Chúa mong ước, và đó cũng là tiêu chuẩn để nhận dạng kẻ chăn chiên thuê.
 
8. Quyền mục tử tối cao của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô:
 
Khi đề cập đến quyền tối thượng của Phê-rô theo Tin Mừng Gioan 21: 15-17, chúng ta không thể nào không nhớ đến Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Trong bài giảng vào ngày lễ đăng quang của ngài, được xem như định hướng hoạt động triều đại của tân Giáo Hoàng, Đức Phan-xi-cô cũng nói về quyền bính, tuy nhiên ngài giải thích quyền bính không trong ánh sáng của Tin Mừng Mát-thêu (16: 13-20) như thông lệ trước đây, trong đó quyền tối thượng của Phê-rô được nhấn mạnh trên quyền cai quản Giáo Hội qua việc Chúa Giê-su trao ban "chìa khóa Nước Trời", nhưng trong ánh sáng của Tin Mừng Gioan (21: 15-17), trong đó quyền tối thượng của Phê-rô được nêu bật ở nơi vai trò của người Mục Tử phục vụ toàn thể Giáo Hội bằng một tình yêu ngang bằng tình yêu dành cho Đức Giê-su. Ý hướng này được thấy rõ ở nơi tên gọi của ngày lễ Đăng Quang của ngài: không là lễ Tấn Phong Giáo Hoàng nhưng là lễ Khởi Đầu Sứ Vụ Mục Tử của Phê-rô. Sự kiện này khiến chúng ta có ấn tượng như ngài muốn cởi bỏ chiếc áo Giáo Hoàng mà mặc lấy chiếc áo Mục Tử để có thể được sống gần gũi bình dị với mọi người và cúi xuống phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo, những người phận nhỏ, những người bị bỏ rơi, những người bị đặt ra bên lề xã hội.
 
Từ kinh nghiệm của một vị mục tử ở miền đất Nam Mỹ, Đức Thánh Cha biết rất rõ việc phục vụ những người nghèo theo mẫu gương của Đức Giê-su không phải luôn luôn dễ dàng, đôi khi gặp phải những bất lợi cho chính bản thân và công việc của mình, ngay cả nguy hiểm đến tính mạng mình. Vì thế, những người mục tử đích thật như lòng Chúa mong ước phải chấp nhận bước trên con đường Thập Giá, con đường mà Đức Giê-su đã chọn để có thể ôm trọn mọi người vào vòng tay thương yêu của mình.
 
"Ngày nay, cùng với lễ Thánh Giuse, chúng ta cử hành khởi đầu sứ vụ của tân Giám Mục Roma, người Kế Vị Thánh Phêrô, cũng bao gồm một quyền bính. Dĩ nhiên Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho thánh Phêrô, nhưng đó là quyền bính gì thế? Sau ba câu Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô về tình yêu, có 3 lời mời gọi: hãy chăn giắt các chiên con, hãy chăn giắt các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo Hoàng, để thi hành quyền bính này, ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ ấy, việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá; Giáo Hoàng phải nhìn đến sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin, của thánh Giuse và như thánh nhân, mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà thánh Mathêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, khát, ngoại kiều, người trần trụi, bệnh nhân, tù nhân (Xc Mt 25,31-46). Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết giữ gìn!". Cuối cùng, Đức Phan-xi-cô lời gọi tất cả mọi người: "Giữ gìn Chúa Giêsu với Mẹ Maria, giữ gìn toàn thể công trình sáng tạo, giữ gìn mỗi người, đặc biệt là người nghèo nhất, giữ gìn chính chúng ta; đó là một công tác phục vụ mà Giám Mục Roma được kêu gọi chu toàn, nhưng đó cũng là ơn gọi mà tất cả chúng ta được mời gọi làm cho ngôi sao hy vọng được chiếu sáng rạng ngời: Chúng ta hãy gìn giữ với lòng yêu mến những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta!" ("Bài giảng vào ngày lễ Đăng Quang").
 
Đó là lý do tại sao những người nghèo của Giáo Phận ngài khi thấy hình ảnh của vị tân Giáo Hoàng trên màn hình Ti-vi Hđã gọi ngài bằng danh xưng đầy yêu mến "Đức Giáo Hoàng khu ổ chuột của chúng tôi".
 
9. "Hãy theo Thầy"
 
Khi Chúa Giê-su đòi hỏi thánh Phê-rô yêu mến Ngài đến độ hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên của Ngài, Ngài cho ông hiểu rằng cái chết của ông sẽ tương tự với cái chết của Ngài. Ngài mời gọi thánh nhân:“Hãy theo Thầy” trên con đường này. Nhưng để bước theo Ngài trên con đường như thế, phải có một tình yêu bao la: “Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào đẻ tôn vinh Thiên Chúa”. Như vậy, trong cuộc đối thoại, thánh nhân, ý thức thân phận yếu đuối của mình, không dám đáp trả bằng một tình yêu tròn đầy như Chúa muốn, nhưng trong cuộc sống thi hành sứ vụ thánh nhân đã đi cho đến cùng của tình yêu bằng cái chết tử vì đạo.

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập215
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm214
  • Hôm nay44,216
  • Tháng hiện tại683,092
  • Tổng lượt truy cập57,968,961
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây