Bản tin Vui Mừng và Hy Vọng số 14: Linh đạo bí tích Thánh Thể nơi con người và cuộc đời của Đức Hồng y PX Nguyễn Văn Thuận

Thứ hai - 03/04/2017 21:06

-

-
Ban Biên tập website Cựu Chủng sinh Huế xin hân hạnh giới thiệu đến quý cha và quý độc giả “Bản Tin Vui Mừng Và Hy Vọng” số 14, ngày 01-04-2017.
Bản tin Vui Mừng và Hy Vọng số 14:
Linh đạo bí tích Thánh Thể nơi con người và cuộc đời của Đức Hồng y PX Nguyễn Văn Thuận

 
Tải bản tin Vui Mừng và Hy Vọng số 14:   BẤM VÀO ĐÂY
 
Bài giảng của Đức Giám mục Giampaolo Crepaldi* trong lễ Giỗ lần thứ 1 Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận. Ngày 6 tháng 9 năm 2003
 
Tâm hồn người (công chính) đẹp lòng Chúa”: lời sách Khôn Ngoan dẫn đưa chúng ta vào buổi tưởng nhớ Đức Hồng y Văn Thuận, người đã từ giã chúng ta cách đây một năm để trở về nhà Cha. Tâm hồn ngài đã sẳn sàng cho cuộc gặp gỡ vĩnh cửu với Đấng Tình yêu và với Đấng Hòa Bình. “Trở nên thân thiết với Chúa, người được Chúa yêu mến”: những lời này cũng từ sách Khôn Ngoan giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa cái chết của Đức Hồng y Văn Thuận: một biến cố cho chúng ta sự hiểu biết đầy đủ và đích thực về cuộc đời ngài, vì chính ngài cũng mang dấu ấn tình yêu.
 
Thiên Chúa với tình yêu quan phòng và đầy lòng thương xót đã đồng hành với ngài, nâng đỡ ngài, cứu vớt ngài trước những thăng trầm phức tạp của một cuộc đời phải sống trong những thời điểm bi thương nhất của thế kỷ trước. Đức Hồng y đã biết đáp trả lại tình yêu này bằng sự tín thác; ngài luôn trung thành với Chúa kể cả trong những thời điểm tăm tối nhất, nguy hiễm nhất của thử thách và cám dỗ. Ngài xác quyết rằng nương náu nơi Chúa không phải là dấu hiệu của sự lười biếng hay thụ động. Đó là một hành động, một hành vi yêu thương đối với Thiên Chúa: “Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, người ấy sinh nhiều trái” (Gio 15,5). Chứng tá rạng ngời của Đức Hồng y giúp chúng ta đào sâu ý nghĩa Tin Mừng của thánh Phaolô: “Tôi bị đóng đinh cùng với Đức Kitô; và không còn là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Ga 2, 20). Thế nên, lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải trở nên một lời tình yêu: Lạy Chúa Giêsu, con ao ước được ở trong Ngài; Ngài với con chúng ta sẽ nên một, một ý chí duy nhất, một con tim duy nhất, một dự phóng duy nhất, một tình yêu duy nhất. Người ta sẽ không còn phân biệt nữa cái gì thuộc về Ngài với cái gì thuộc về con.
 
Có lúc, trong quá trình làm việc và hoạt động của Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình xuất hiện những vấn đề khó khăn phức tạp cần giải quyết và chế ngự, Đức Hồng y thường trấn an tôi khi thốt lên cách đơn sơ của Tin Mừng: “Xin Đức Cha đừng lo, có Chúa cứu giúp chúng ta!” Đức Hồng y không trốn tránh trách nhiệm của mình, nhưng ngài đặt để mọi sự trong chính nhãn quan ý định đầy lòng thương xót của Thiên Chúa và tình yêu quan phòng của Ngài. Lời thốt lên này của ngài vén mở phẩm chất thiêng liêng trong đời sống nội tâm của Đức Hồng y và làm nên chìa khóa đào sâu bí mật tâm hồn ngài. Mọi sự đều ở trong bàn tay của Thiên Chúa, và mọi sự đều phải được đặt để lại trong bàn tay của Ngài, không phản kháng và với niềm tin tưởng tuyệt đối.
 
Về điều này Đức Tổng Giám mục Martino** đã viết: “Bất cứ ai có may mắn gặp Đức Hồng y Văn Thuận đều ngay lập tức nhận ra mình đang đứng trước một con người đích thực của Thiên Chúa, một con người cầu nguyện, đặt để lại mọi sự nơi Thiên Chúa, biết nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa qua từng kinh nghiệm sống. Trong cơn khổ nhục vì tình yêu Thiên Chúa, ngài đã sống lịch sử cá biệt đau đớn và bi thương của một Kitô hữu và của một Giám mục bằng cách luôn thông phần, với tất cả con người của ngài, vào sự kết hiệp với Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Trong suốt mười ba năm bị cách ly bất công trong các nhà tù Việt Nam, Đức Hồng y đã đương đầu với sự cô đơn và chịu đựng cơn cám dỗ hiễm nghèo của tuyệt vọng. Chính trong cơn khốn cùng khủng khiếp của cuộc đời, khi ngài bị tước hết mọi mối quan hệ với con người và với hàng giáo phẩm, thì ơn Chúa không để tâm hồn ngài rơi vào tuyệt vọng, ngược lại cho ngài vui mừng nhận ra tình yêu Thiên Chúa và sự hiện diện đầy lòng thương xót của Ngài. Nơi ngài Thiên Chúa tự tỏ lộ mình là Tất Cả”.
 
Chừng đó đủ để ngài phải lượng giá lại gánh nặng và nỗi đau bị tước mất phẩm giá con người và sự tự do: một khi ta kết hiệp với Chúa, Đấng là Tất Cả, sao ta lại để thứ dư thừa làm ta kinh sợ?
 
Trong những ngày khủng khiếp bị giam cầm, ngài gẫm suy về câu hỏi mà các môn đệ đặt ra cho Đức Giêsu khi họ bị bão tố: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? (Mc 4, 38), cho đến một đêm kia, tự đáy lòng ngài có tiếng nói: “Sao con cứ day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa, tất cả những gì con đã làm và ao ước tiếp tục làm, những cuộc viếng thăm mục vụ, việc đào tạo chủng sinh, nam nữ tu sĩ, giáo dân, giới trẻ, việc xây dựng trường học, nhà cho sinh viên, sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho lương dân…, tất cả những điều đó là một công việc tuyệt vời, đó là công việc của Chúa, nhưng không phải là chính Chúa! Nếu Chúa muốn con từ bỏ tất cả những công việc này, bằng cách đặt chúng trong tay Chúa, thì hãy làm ngay, và hãy tin tưởng nơi Chúa. Chúa làm điều đó tốt hơn con vô cùng; Ngài sẽ trao phó những công việc của Ngài cho những người khác, nhiều người có khả năng hơn con. Phần con, con chỉ việc chọn Chúa, chứ không phải việc của Chúa!”
 
Đức Hồng y đã học biết làm theo ý Chúa. Ánh sáng này mang lại cho ngài một sức mạnh mới, làm thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ và giúp ngài vượt qua những thử thách thể lý hầu như không thể vượt qua được. Nói ngắn gọn, ở đây chúng ta đang nắm bắt chân lý đầy đủ và sâu sắc về một học thuyết Kitô giáo được sống cách thánh thiện đến độ trở thành mẫu mực. Đó thực sự là một bí mật lớn của Đức Hồng y Văn Thuận!
 
Đức Giám mục Văn Thuận kể lại khi bị bắt, ngài được đưa đi ngay, không cho ngài có thời gian chuẩn bị hành lý. Tuy nhiên ngay hôm sau, người ta cho phép ngài viết thư cho người thân để họ gửi cho ngài những đồ dùng cá nhân, nhất là đồ tắm, kem đánh răng, v.v… Giả vờ đau bao tử, ngài xin họ gửi cho ngài rượu thuốc. Giáo dân hiểu ngay và họ chuyển cho ngài một chai nhỏ rượu lễ và những bánh lễ giấu trong một cái lọ chống ẩm. Ngài thốt lên: “Tôi không bao giờ có thể diễn tả niềm vui lớn lao của tôi, mỗi ngày tôi cử hành thánh lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay. Đó là bàn thờ của tôi, nhà thờ chánh tòa của tôi! Đó là liều thuốc đích thực của tâm hồn và thể lý. Tôi cảm thấy chính trái tim của Đức Kitô đập trong tim tôi, tôi cảm thấy sự sống của tôi là sự sống của Chúa và sự sống của Ngài là sự sống của tôi. Chúa sống trong tôi và tôi sống trong Chúa, một kiểu cộng sinh và nội tại lẫn nhau: Chúa sống trong tôi, Ngài lưu lại trong tôi… Đức Giêsu Thánh Thể luôn ở cùng tôi, trong túi áo của tôi.”
 
Và Đức Giám mục Văn Thuận còn kể: “Mỗi tuần có một buổi học tập, mọi người trong trại đều phải tham dự. Với những người cùng tôn giáo với tôi, chúng tôi lợi dụng giờ giải lao để chuyền cho nhau một túi nhỏ trong đó có Mình Thánh Chúa, cho mỗi người trong bốn nhóm tù nhân khác: Tất cả họ đều biết rằng Chúa Giêsu đang ở giữa họ.
 
Khi đêm đến, chúng tôi thay phiên nhau để chầu. Chúa Giêsu Thánh Thể tự bó mình trong sự hiện diện thầm lặng: nhiều Kitô hữu tìm lại được lòng nhiệt thành đức tin. Chứng tá phục vụ và yêu thương của họ ảnh hưởng ngày càng lớn trên các tù nhân khác. Tình yêu của Đức Giêsu thì nào ai cưỡng lại được, đến nỗi nhiều phật tử và lương dân khác đã trở lại, khởi đầu cho một sự biến đổi từ bóng tối của nhà tù đến ánh sáng phục sinh: và trong thời gian này, hạt giống đã âm thầm nẩy mầm trong lòng đất, trong tăm tối, đang lúc phong ba bão táp. Nhà tù biến thành trường học giáo lý. Những người công giáo rửa tội cho các bạn tù và trở thành người đỡ đầu của họ.”
 
Nhờ đó ngài sống trong niềm vui của Đức Kitô phục sinh, trong tha thứ, trong tình yêu và hiệp nhất, kể cả khi đối diện những khó khăn hầu như vượt quá khả năng chịu đựng. Thái độ này cũng làm thay đổi những người cai tù, trở thành những người bạn của ngài. Chính những người này kín đáo giúp ngài chế tác một cây thánh giá từ một mảnh gỗ, sau đó kết một dây đeo bằng dây điện của nhà tù; một cây thánh giá mà ngài luôn mang theo bên mình, vì nó nhắc nhớ ngài tình yêu và sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta trong di chúc của Ngài. Sợi dây này luôn mang lấy cây thánh giá Giám mục của ngài, đến khi làm Hồng y, cây thánh giá bằng gỗ cũ kỹ này được bọc bằng một ít kim loại. Cây thánh giá chứng tá anh hùng, cây thánh giá tình yêu.
 
Tình yêu mang lại âm hưởng bí tích thánh thể trong linh đạo của ngài. Giáo huấn này của Đức Hồng y về bí tích Thánh Thể trước khi ngài lìa đời minh chứng điều ấy. Ở đó người ta có thể nắm bắt sự tất cả tinh tế và nhạy cảm của tâm hồn ngài, sự đơn giản mà phức tạp nơi tư tưởng lớn của ngài: “Điều chúng ta cần, Chúa Giêsu ban cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể: tình yêu, nghệ thuật yêu (là thế này): yêu mãi, yêu với nụ cười, yêu ngay lập tức và yêu kẻ thù, yêu bằng cách tha thứ và quên đi mình đã tha thứ. Tôi nghĩ rằng trong bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu dạy chúng ta bảy khía cạnh của tình yêu:
 
[1] Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu thể hiện một tình yêu tự hiến: “Đây là mình Ta, tự hiến vì các con”.
 
[2] Sau bữa ăn tối, khi Ngài đến vườn Gethsémani, đây là một tình yêu bị khước từ: Chúa Giêsu cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi, tuy nhiên, Ngài phó thác hoàn toàn và tất cả trong tay Chúa Cha: “Xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha” (Non sicut ego volo sed sicut tu).
 
[3] Trên thập giá, Chúa Giêsu thể hiện một tình yêu toàn vẹn, vì Ngài yêu chúng ta đến cùng và Ngài nói: “Mọi sự đã hoàn tất”. Không còn có điều gì mà Ngài đã không làm cho chúng ta.
 
[4] Và khi sống lại, lúc Ngài đồng hành cùng hai môn đệ trên đường về Emmaus, qua việc chuyện trò và giải thích các đoạn Kinh Thánh cho họ, và qua việc tiết lộ cho họ việc bẻ bánh chính là bí tích Thánh Thể, đây là một tình yêu thân thiết.
 
[5] Trong Thánh lễ, mỗi ngày Chúa Giêsu ban tặng chính mình trong tay chúng ta; Ngài tự hiến cho chúng ta và cho mọi người, đây là một tình yêu bị xẻ thịt, bị ăn, như lời cha sở xứ Ars.
 
[6] Trong nhà tạm, Chúa Giêsu thể hiện tình yêu ẩn mình trong thinh lặng và trong lời cầu nguyện.
 
[7] Trong hào quang, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy tình yêu tỏa chiếu, và tất cả chúng ta là một tia sáng Chúa Đức Giêsu, chúng ta phải trở thành thứ ánh sáng như Ngài mong ước”.
 
Chúng ta trao gửi các ý tưởng này cho Mẹ Maria, Đấng mà Đức Hồng y Văn Thuận yêu mến cách thắm thiết và cầu nguyện cách nhiệt thành: Mẹ biết lưu giữ chúng trong trái tim Mẹ và làm cho chúng sản sinh điều tốt lành và ân sủng, trên trời và dưới đất.
 
Lê Văn Hùng HT69 chuyển ngữ
 
Nguồn: http://www.versdemain.org/articles/eglise-catholique-romaine/item/son-eminence-le-cardinal-francois-xavier-nguyen-van-thuan
 
Hình ảnh minh họa: Abbaye Sainte-Marie de Rieunette
-----------------------------------------------------------
Ghi chú:

 
*Đức Giám mục Giampaolo Crepaldi, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa Bình (từ năm 2001-2009), hiện nay ngài là Tổng Giám mục coi sóc Giáo phận Tergestina, Italia.
 
**Đức TGM Renato Raffaele Martino, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình (từ năm 2002-2009). Ngài được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nâng lên hàng Hồng Y năm 2003.
 

Tác giả: Gia đình CCS Huế

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập582
  • Hôm nay88,936
  • Tháng hiện tại909,595
  • Tổng lượt truy cập57,011,232
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây