Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập - Câu Chuyện Cuối Đời

Chủ nhật - 29/12/2013 22:19

-

-
Trước mặt Thiên Chúa, Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập là một người chăn chiên đôn hậu và trước mặt loài người Cha mãi mãi là một nhà giáo dục cao cả.
Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập - Câu Chuyện Cuối Đời

Đã từ lâu, tôi nuôi ý định đề nghị với Cha Nguyễn Văn Lập, nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt từ 1961-1970, khuôn mặt lớn một thời trong sinh hoạt văn hóa và trong Giáo Hội Công Giáo tại miền Nam Việt Nam, để ngài đồng ý viết hồi ký về đời hoạt động của ngài. Tuổi càng cao, sức khỏe ngài càng mòn mỏi, tôi càng nóng ruột với ý định này.


Kính mời xem clip Lễ Giỗ lần thứ 12 (ngày 19-12-2013) Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập. Thực hiện: Đỗ Thắng Cảnh


 
Nhân Đại Hội Đức Mẹ La Vang 8 – 1999, tôi hỏi ý kiến Đức Tổng Giám Mục Huế Nguyễn Như Thể về việc này, ngài hoan hỉ đồng tình. Ngài khuyến khích tôi bắt tay ngay vào việc. Ngài hứa là khi có dịp thuận tiện, chính ngài cũng sẽ làm “công tác tư tưởng” với Cha Nguyễn Văn Lập. Vốn xuất thân từ Giáo phận Huế, cha Simon Nguyễn Văn Lập công tác mục vụ tại Sài Gòn từ 1975 (và nhiều năm trước đó. Ngày 6-11-1998, cha Lập được nâng lên hàng Đức Ông), nhưng vẫn tự nhận là “tiền trạm” của Huế. Giọng Quảng Trị y nguyên, lòng dạ lúc nào cũng hướng về Đức Mẹ La Vang, cha Lập luôn luôn tiếp tay với Giáo phận Huế.

Về Sài Gòn, tôi gặp Cha và đưa đề nghị. Cha trầm ngâm rồi bảo để Cha suy nghĩ. Tôi đã phải chờ đợi gần một năm trời.

Được Cha đồng ý, tôi đệ trình cho Cha một đề cương về các chương mục của cuốn hồi ký: 


Kính gởi : Đức Ông Nguyễn Văn Lập.
V/v : Viết hồi ký

Kính thưa Cha,

Con xin phép được đề nghị với Cha:

1 – Quyển Hồi ký của Cha sẽ mang tựa đề đơn giản như sau:


HỒI KÝ
LINH MỤC NGUYỄN VĂN LẬP
NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT.

Ghi chép: Vũ Sinh Hiên (Cao Học Chính Trị Xã Hội Viện Đại Học Đà Lạt (1972-1974)

2 – Quyển Hồi ký sẽ được chia làm ba phần:

Phần I: Trước ngày nhận nhiệm vụ Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt.

Chương 1: Thời niên thiếu tại quê nhà Quảng Trị (nói về gia cảnh – làng quê – thời cuộc lúc bấy giờ ...)

Chương 2: Từ Tiểu Chủng Viện tới chức Linh mục (Sinh họat tại Tiểu Chủng Viện An Ninh –  Đời sống ở Đại Chủng Viện – Thời gian du học – Tình hình Giáo Hội lúc bấy giờ...)

Chương 3: Những trọng trách đã đảm nhiệm trong Giáo Hội và trong xã hội từ khi chịu chức Linh mục đến ngày về nhận chức Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt

Phần II: Viện Đại Học Đà Lạt.

Chương 1: Những ngày đầu thành lập – Liên hệ giữa Viện Đại Học Đà Lạt và Hội Đồng Giám Mục miền Nam Việt Nam – Hệ thống tổ chức, các phân khoa – Ban giảng huấn – Số sinh viên và tinh thần học tập – Tài chánh của Viện (Những trợ giúp từ khắp nơi và phương thức gây quỹ của Viện) ...

Chương 2: Trong chức vụ Viện Trưởng: Những khó khăn phải đương đầu – Những thành tựu gặt hái được – Công việc thường ngày của một Viện Trưởng ...

Chương 3: Đánh giá những thành quả của Viện Đại Học Đà Lạt sau những năm họat động đối với toàn xã hội và đối với Giáo Hội.

Phần III: Những công việc từ sau khi rời chức vụ Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt tới nay ... 
 
Kính thưa Cha,

Con xin thêm đôi điều:

1. Bởi Cha đã gắn liền sự nghiệp đời Cha với Đất Nước và Hội Thánh Việt Nam trong một giai đọan lịch sử nhất định, tên tuổi Cha được nhiều người biết đến, xin Cha đừng ngần ngại nhắc tới những nhân vật Đạo, Đời mà Cha đã gặp trên bước đường công tác, phê phán thẳng thắn, khen chê trung thực. Những nhận định của Cha sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những người viết sử sau này.

2. Xin Cha vui lòng trao cho con những thư từ, bản thảo, tài liệu, sách báo liên quan đến những vấn đề được Cha đề cập tới.

3. Con sẽ bổ túc những chi tiết chẳng hạn những năm tháng, sự kiện chỉ còn lờ mờ trong trí nhớ của Cha.

4. Phần con, con sẽ ghi chép lại với tất cả tâm tình của một công dân yêu mến quê hương Việt Nam, một tín hữu thiết tha với Hội Thánh, một sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt luôn quý mến Cha Viện Trưởng.

Nguyện xin Chúa và Đức Mẹ La Vang chúc lành cho công việc của Cha con chúng ta.

Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 30 tháng 8 năm 2000.
Cha Nguyễn Văn Lập đề nghị một phương thức làm việc ngược lại: Ngài không viết, cũng không một mình nói vào máy ghi âm để tôi biên tập sau đó. Ngài yêu cầu tôi gợi chuyện, trao đổi với ngài, nhân đó ngài hồi tưởng các sự việc, các nhân vật. Thế là có cuộc trò chuyện mỗi sáng thứ năm giữa Cha và con, với chiếc máy ghi âm trên bàn. Chính vì hình thức hàn huyên thân mật này mà trong cuốn “Tưởng Niệm” nhân giỗ 100 ngày Cha Viện Trưởng, người được hân hạnh hầu chuyện Cha đã vô tình dùng đề tựa bài viết là “Trò chuyện với Cha Nguyễn Văn Lập”, khiến nhiều đồng môn Thụ Nhân hải ngoại cau mày. Người ở Quê Nhà quả thực là ... nhà quê, thế thôi, chứ chẳng hề có hậu ý gì. Đến lúc thưa thốt với đồng môn thì lại dùng từ “hầu chuyện”. Chỉ là vô thức mà thôi.

Buổi hầu chuyện đầu tiên của tôi với Linh mục Nguyễn Văn Lập là vào ngày thứ năm, 2/11/2000, tại phòng làm việc của Cha, trong khuôn viên Tu viện Bác Ái mà Cha là Linh Phụ, thuộc Giáo xứ Bình Triệu, Giáo phận Tp. HCM. Sau khi trao cho tôi bản “lý lịch” do chính Cha viết tay với nét chữ run rẩy, xiêu vẹo, Cha bắt đầu câu chuyện:

“Tôi sinh ra ở một làng nhỏ, miền thượng du tỉnh Quảng Trị, gọi là làng Vạn Kim, nay đã được đổi tên, nhưng trong lý lịch tôi vẫn ghi là làng Vạn Kim. Tên đạo là họ Vạn Thiện, toàn tòng Công giáo, sống chung quanh một nhà thờ mà hiện nay không còn dấu tích gì nữa, bởi cả vùng này đã bị bom đạn Mỹ bạch hóa (vùng phi quân sự). Trong làng có chừng 500 nhân khẩu, những người lo việc đời thì cũng đồng thời lo việc đạo. Khi tôi sinh ra và lớn lên, cha xứ là một người Pháp, sau thì các Linh mục Việt Nam nối tiếp nhau. Làng tôi có một số gia đình giàu có, còn đại đa số là nghèo, nhưng không ai than trách gì, coi như số phận được an bài như thế, lo phục vụ, làm công cho mấy nhà giầu, ruộng đất của nhà giầu, trâu bò của nhà giầu. Riêng gia đình tôi thuộc một họ tộc không giầu không nghèo, trung lưu đủ ăn. Cha mẹ tôi rất chăm lo việc học của con cái, từ nhỏ tôi đã được cho đi học, học chữ Hán lúc sáu, bảy tuổi. Rồi thì một vị linh mục mở trường dạy chữ quốc ngữ, tôi theo học chữ quốc ngữ. Đến mười hai tuổi tôi vào Tiểu Chủng Viện.

Cha tôi có lúc làm Lý trưởng của làng và trước lúc qua đời được chính phủ ban tặng cửu phẩm bá hộ. Tôi có ba người chị và một người em trai. Tôi được cha mẹ cưng chiều, bởi theo truyền thống Việt Nam, tôi là con trai trưởng, vì thế không phải là việc dễ dàng cho tôi khi tôi vào Tiểu Chủng viện. Nhưng Chúa đã thương và tôi đã can đảm chọn đời tu. Mẹ của tôi là một người nhà quê, buôn bán làm ăn. Cha tôi tên là Nguyễn Văn Diều, mẹ tôi tên là Trương Thị Nhỏ.

Làng Vạn Kim ở cách vĩ tuyến 17 không bao xa, là một vùng đất rất đẹp nhưng bị Mỹ cầy lên hết. Trong vùng có nhiều giếng dẫn nước từ trong núi ra bằng mương. Vùng này đã trở thành căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tương truyền vùng này đã được Chúa Nguyễn Hoàng tới ở xưa kia trên đường Nam tiến.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[Trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 1/6/2001 có chụp hình và đăng tin hệ thống giếng cổ ở xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, vừa được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây là hệ thống giếng, đồng thời cũng là công trình dẫn thủy cổ xưa với 24 cái được xây dựng theo phương thức kè đá để khai thác nguồn nước ngầm. Hiện vẫn chưa có kiến giải xác đáng về nguồn gốc hệ thống giếng cổ này, nhưng theo các nhà nghiên cứu, đây là một công trình dẫn thủy độc đáo duy nhất có ở Việt Nam và vẫn chưa xác định cụ thể niên đại của nó có từ 5.000 năm trước hay từ thế kỷ 16. – Vũ Sinh Hiên].

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Từ trong Nam đi ra, tới huyện Gio Linh, quẹo trái về hướng Tây, hướng núi, đi bộ mất một buổi sáng thì tới Vạn Kim. Hồi đó tôi không biết được bao nhiêu cây số, chắc phải trên 10km từ làng tôi ra Đông Hà. Đất làng tôi hiện nay có lẽ thuộc một nông trường trồng hồ tiêu.

Lúc tôi vào Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cha Girard (Cố Hòa) đang là Giám đốc, trong số các giáo sư, có Cha Hồ Ngọc Cẩn, Cha Phát... Tiểu Chủng Viện dạy theo chương trình trung học Pháp, gồm có tám lớp, bắt đầu từ lớp 8 (huitième) lên tới classe de rhétorique (lớp 11), classe de philosophie (lớp 12). Chương trình cũng có dạy tiếng Việt và chữ Hán. Tất cả các môn khác đều được dạy bằng tiếng Pháp. Khi vô Chủng viện, lớp tôi có 38 người, khi chịu chức Linh mục được 6 người, trong đó có Cha Hồ Đắc Liên và Cha Bình chịu chức sau vài năm. Chúng tôi học mà không đi thi tú tài vì nhà trường ở xa, do đó, khi sang Pháp vào đại học, tôi phải thi lại tú tài. Tôi ở Tiểu Chủng Viện An Ninh từ năm 1923 đến năm 1931. Sau đó tôi lên Đại Chủng Viện Phú Xuân và học ở đây 7 năm.

Ở Đại Chủng Viện Phú xuân, chúng tôi được học 2 năm triết lý, 4 năm thần học. Chương trình cũng không có gì là vất vả, trừ phi có thày nào muốn học chuyên sâu, nghiên cứu riêng về một vấn đề gì, còn thì được trang bị đủ để làm cha sở. Cha Bề trên Đại Chủng Viện là một linh mục rất tốt lành, thánh thiện, Cha J. B. Roux. Trong Ban giảng huấn, có Đức Cha Ngô Đình Thục dạy môn Kinh Thánh. Ngài là Tiến sĩ Thần học, Giáo luật và Kinh Thánh. Ở ngoài Bắc có Cha San, Giáo phận Phát Diệm, cùng lớp với Đức Cha Thục. Tôi cũng còn nhớ Cha Faisseau, người Bỉ, mà tôi có ghé thăm nhà ngài ở bên Bỉ. Tôi lãnh sứ vụ Linh Mục ngày 18/10/1938 qua tay Đức Giám Mục Lemasle (Lễ).

Ở Pháp khi đó có một nhân vật rất uy tín là Đức Ông (Monseigneur) Henri Chappoulie, Giám đốc Hội Truyền Giáo trực thuộc Tòa Thánh (Oeuvres Pontificales Missionnaires). Ngài cũng là Giám đốc Văn phòng Hội Đồng Hồng y và Tổng Giám mục Pháp (Assemblée des Cardinaux et des Evêques). Hồi đó chưa có Hội Đồng Giám mục tại mỗi quốc gia như ngày nay. Ngài xin chính phủ Pháp cấp một số học bổng cho các linh mục Việt Nam, trong đó có Cha Cao Văn Luận và tôi. Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật (ministre de l'Éducation nationale et des Beaux-Arts) của Pháp lúc bấy giờ là ông Jean Zay, gốc Do Thái, rất thân với ông Bộ trưởng Bộ Thuộc địa. Tôi lên đường sang Pháp vào tháng giêng năm 1939, được lo cho đủ mọi thứ, không cần biết nguồn gốc học bổng từ đâu, chỉ biết một mình Đức Ông Chappoulie.

Tại Pháp, lúc đầu chúng tôi ở Paris, sau vì tình hình chiến tranh, miền Bắc không yên ổn, chúng tôi được di chuyển xuống Aix en Provence. Tôi theo học Đại học Văn Khoa (Faculté des Lettres), còn Cha Luận hình như vẫn ở lại Paris. Có hai Cha miền Nam cũng được học bổng này là Cha Thiện và Cha Quang (Vĩnh Long) học ở Toulouse. Tôi học ở Aix tuy nhỏ nhưng là thành phố văn hóa, khí hậu dễ chịu hơn ở miền Bắc. Tôi ở trong một Tiểu Chủng Viện của Giáo phận Aix en Provence. Đây là khoảng thời gian hạnh phúc, bởi tôi không phải lo lắng gì cả, chỉ lo học thôi. Tôi ở đây cho đến khi chấm dứt chiến tranh (Đệ nhị thế chiến – VSH). Trong thời gian này, tôi được đi viếng Lộ Đức lần đầu tiên. Tại đây, tôi được nghe lệnh gọi nhập ngũ các công dân Pháp, linh mục và đại chủng sinh tới tuổi là phải nhập ngũ, một thử thách lớn cho các thày. Các chủng viện đều thiếu giáo sư trầm trọng.

Đức Ông Chappoulie cũng được Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp tin cậy. Vị Sứ thần hồi đó là Hồng y Roncalli, sau này là Đức Thánh Cha Gioan 23. Ngài nghe nói về chiến tranh ở Việt Nam, muốn hiểu đầu đuôi ra sao. Đức Ông Chappoulie khuyến khích tôi gặp Đức Sứ thần. Thường ngày đi học, tôi ăn mặc xuề xòa, đội bê-rê. Nay phải sắm quần áo mới, găng tay, mũ đẹp, áo choàng ngoài áo chùng thâm (douillette). Đức Sứ thần tỏ ra rất quý mến Việt Nam. Câu chuyện đã rất vui. Đức Ông Chappoulie cũng bênh vực Việt Nam.

Cha Giám đốc Chủng viện lúc bấy giờ là Cha Enne, thuộc Hội Dòng Xuân Bích. Có một số sinh viên Việt Nam làm bích báo ủng hộ cuộc chiến tranh giành độc lập tại quê nhà, cảnh sát tới gặp Cha Giám đốc và hỏi tại sao ngài lại chứa chấp những người chống đối chính phủ trong Chủng viện. Cha Enne trả lời là ngài không biết số sinh viên này có chống đối chính phủ hay không, nhưng họ đang ở đây thì họ là con cái tôi, không ai được đụng đến họ.

Hồi đó, chúng tôi được rất ít tin tức từ quê nhà về cuộc chiến tranh giành độc lập. Đài phát thanh của Pháp lại càng ít loan tin hơn nữa. Bản thân tôi cũng điều khiển một tờ báo nhỏ trong phạm vi sinh viên là tờ “Hợp Nhất”, đăng các bài liên quan đến những vấn đề của quốc gia, dân tộc. Tờ “Hợp Nhất” không có chủ nhiệm, chỉ có tôi là chủ bút, in ronéo bằng tiếng Việt Nam, phát hành hàng tháng, nội dung ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Trong Ban Tổng Đại Diện Sinh viên Việt Nam hồi ấy, có Cha Cao Văn Luận là đại diện sinh viên Công Giáo. Tôi chưa khi nào tham gia vào các ban đại diện này. Khuôn mặt nổi bật của sinh viên Việt Nam lúc bấy giờ là Phạm Quang Lễ (1913-1997). Năm 1946 ông Lễ theo Hồ Chí Minh về Việt Nam và được cải danh là Trần Đại Nghĩa, người đã cải tiến súng không giật bazooka (của Mỹ) để có sức công phá mạnh hơn.

Khi Cụ Hồ thành lập chính phủ, rồi cầm đầu phái đoàn sang dự Hội nghị Fontainebleau, trong phái đòan có các ông Nguyễn Mạnh Hà, Trịnh Đình Bích là người Công Giáo, nhân đó chúng tôi được chút ít thông tin về Quê Hương. Cụ Hồ ở trong một biệt thự dành cho quốc khách, chúng tôi (Cha Luận, Cha Hiền OP. và tôi) nhận được giấy mời tới dự một bữa cơm với phái đoàn. Cụ Hồ hỏi tôi là nghe nói anh học hành giỏi, sao lại đi tu? Tôi trả lời là cũng có người đi tu, người làm công kia việc nọ ngoài xã hội. Cụ Hồ hút thuốc suốt bữa ăn và không ăn uống gì nhiều.

Trong thời gian theo học ở Pháp, tôi đi giúp lính Việt Nam trong quân đội Pháp lúc bấy giờ. Khi đó, có một nhà tù mới được xây cất mà chưa hề giam giữ ai, tên là Les Beaumettes gần Marseille, họ cho lính Việt Nam ở. Hàng tuần tôi tới đó dâng lễ cho số ít lính công giáo. Gần Aix en Provence còn nhiều điểm để làm mục vụ, có khi là do các cha sở nhờ vả. Sau đó, tôi làm tuyên úy cho quân đội, theo lời đề nghị của Đức Ông Chappoulie. Khi hòa ước đình chiến đã được ký kết, lính Việt Nam chưa về lại quê hương, vẫn ở trong các trại lính, tôi vẫn đóng vai tuyên úy như là tuyên úy của lính Pháp, cấp bậc đại úy, trong nhà ăn ngồi cùng bàn với sĩ quan cấp tá vì tôi là linh mục. Vào các ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, thế nào tôi cũng đến trung tâm lớn ở miền Nam là Fréjus có lính Việt Nam đóng ở đó, cho tới khi họ về lại Việt Nam để tham dự vào cuộc chiến tranh Đông Dương do Pháp tiến hành. Người Pháp muốn tôi theo lính về Việt Nam, nhưng tôi từ chối, tôi chỉ có ý định giúp đỡ lính Việt Nam trong lúc tôi theo học tại Pháp mà thôi.

Tôi chỉ ở Pháp, không đi du học nơi nào khác nữa. Một lần duy nhất sang Rome, nhưng chỉ với tính cách du lịch, hành hương. Thứ nhất là vì đi lại khó khăn, thứ hai là vì không có tiền. Cha Cao Văn Luận học Triết, thêm tiếng Hoa ở Trường Sinh ngữ Đông Phương (Ecole des Langues Orientales). Cha Lê Văn Lý cũng học tiếng Hoa. Còn tôi đậu bằng cử nhân văn khoa, nhiệm ý sử địa (Licence ès lettres, mention histoire – géographie). Chế độ học của chúng tôi ngày xưa ở Đại học Văn khoa (Faculté des lettres) là tất cả các văn bằng cử nhân đều là Licence ès lettres, nhưng chia ra từng nhiệm ý, ví dụ philo (triết học) thì không có bằng Licence en Philosophie, mà chỉ có Licence ès lettres, mention philosophie. Cũng vậy, không có bằng Licence en Histoire et Géographie. Học trình hồi đó khó hơn bây giờ, chúng tôi phải học ba chứng chỉ về lịch sử: Cổ sử, trung cổ và hiện đại, chứng chỉ thứ tư là địa lý. Lại còn thêm một chứng chỉ về văn chương Pháp, rất khó, về cổ văn Pháp (études littéraires classiques).

Trong thời gian tôi đi du học, làng quê tôi vẫn bình thường. Mẹ tôi chỉ mong có ngày tôi làm linh mục rồi về thăm làng. Ngoài lần về quê sau ngày thụ phong linh mục, phải đợi đến khi tôi đi du học về mới có dịp đôi ba lần trở về làng. Có một lần tôi về Vạn Kim cùng với Đức Cha Urrutia Thi, nhờ một viên sĩ quan người Pháp dùng xe jeep chở chúng tôi. Những chuyến về quê như vậy rất khó khăn và nguy hiểm vì là trong thời chiến. Viên sĩ quan này có người anh làm linh mục mà tôi được quen biết trong thời gian học ở Pháp.

Mẹ và cha tôi đều qua đời khi tôi còn ở bên Pháp. Phải sáu, bảy tháng sau tôi mới được tin về cái chết của mẹ và cha tôi. Hồi đó thư từ rất khó khăn. Khi còn sống, cứ mỗi buổi chiều mẹ tôi ra ngã ba đón con về, như một thói quen, đến nỗi các chị tôi phải ra đón về. Có lẽ mẹ tôi chết một phần vì nhớ con. Ba bà chị và chú em cũng đã qua đời. Các cháu của tôi đều đã vô Nam, sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt tại vùng quê tôi và tại Quảng Trị nói chung.

Tôi trở về Việt Nam năm 1947 và bắt đầu dạy học tại trường Providence (Thiên Hựu). Thực ra khi gửi tôi đi du học, Bề trên đã có ý định để sau này tôi về điều hành trường, nhưng tôi chưa bao giờ làm Giám đốc của Providence. Không riêng gì tôi mà các cha khác của Giáo phận Huế đi du học về đều có một lộ trình như nhau là dạy học ở Providence, bởi trường này là của Giáo phận Huế, kể cả Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, sau này làm Giám mục.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Trong thời gian này, có những sự việc do Cha Nguyễn Văn Lập đảm trách tại Huế mà Cha đã không, hoặc rất ít đề cập tới trong câu chuyện như việc Cha thành lập và làm Hiệu Trưởng Trường Bình Minh từ năm 1953-1958, đồng thời làm chính xứ Giáo xứ Phanxicô từ 1955-1958. Cũng trong thời gian này xảy ra biến cố di cư 1954 sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Cha đã phụ trách cơ quan Bác ái Tòa Giám mục Huế – VSH).

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trước khi vào Sài Gòn, tôi là đại diện của cơ quan Cứu trợ Công Giáo Hoa Kỳ (Catholic Relief Service – CRS) tại Huế. Công việc là nhận các quà tặng của Mỹ rồi phân phát cho các cha, các địa điểm cần đến. Viện trợ rất dồi dào, nhiều thứ không thực tế, ví dụ sữa bột, mà người Việt Nam mình không quen uống. Lại cả quần áo và xe hơi cũ. Ở Địa phận Huế có ít người di cư từ bên kia vĩ tuyến 17 vào, hầu hết chỉ có bà con Quảng Bình quây quần quanh Thánh địa La Vang. Trước kia chỉ có một họ đạo La Vang, nay thì có La Vang Thượng, La Vang Trung ...

Năm 1953, có Hội nghị Công Giáo Tiến hành tại Hà Nội, do Đức Khâm sứ Dooley triệu tập. Lúc đó tôi đang ở Huế. Hội nghị đã trao cho cha Gérard Gagnon, Dòng Chúa Cứu Thế, trách nhiệm điều hành Công Giáo Tiến Hành (CGTH) toàn quốc. Cho đến 1954 vẫn chưa có tổ chức CGTH chính thức, cha Gagnon chỉ đảm trách vai trò tuyên úy. Trong một hội nghị được Cha Gagnon triệu tập ở Đà Lạt, tôi được Đức Giám mục Urrutia Thi chỉ thị tham dự thay mặt Giáo phận Huế. Tại hội nghị bàn về các vấn đề truyền giáo, quy tụ các giới thành các đoàn thể, các phong trào ... Sau đó, Cha Gagnon đã chỉ định tôi phụ trách CGTH, được Tòa Thánh bổ nhiệm. Tôi là Giám đốc CGTH đầu tiên. Có lẽ việc bổ nhiệm cũng đã thông qua Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhưng để Tòa Thánh bổ nhiệm cho có uy tín hơn. Còn tôi cũng chẳng có khi nào liên lạc với Tòa Thánh, nên cũng không rõ mình trực thuộc Bộ nào. Bổ nhiệm mà không có văn bản. Một ngày đẹp trời, tôi được Đức Giám mục Địa phận Huế cho biết tôi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám đốc CGTH Việt Nam. Do đó, khi Hội Đồng Giám mục Việt Nam muốn tôi lên Đà Lạt làm Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt thì lại phải xin phép Tòa Thánh. Tòa Thánh cũng trả lời cho Đức Cha Ngô Đình Thục là Tòa Thánh chấp thuận.

Khi tôi về Sài Gòn 1958 làm Giám đốc CGTHVN thì Trung tâm Công giáo đã được mua từ trước. Sau năm 1954, hãng Air Azur đã bán cơ sở này và Đức Cha Phạm Ngọc Chi đứng tên mua, do cha Bửu Dưỡng làm môi giới. (Địa chỉ hiện nay là 72/12 Trần Quốc Toản, Quận 3, Tp. HCM – VSH). Tôi làm Giám đốc CGTH nhưng không quản lý Trung tâm Công giáo. Lúc tôi vô thì đã có cha Nguyễn Quang Trọng, thuộc Giáo phận Cần Thơ, làm quản lý. Ở Trung tâm, CGTH là lớn hơn cả, có văn phòng của ngành báo chí do cha Thanh Lãng điều khiển. Đôi khi cũng có sự phối hợp công việc giữa các ngành. Còn Đức Cha Phạm Ngọc Chi đã ra nhận Địa phận Qui Nhơn. Trên đường từ Huế vào Sài Gòn, tôi có ghé thăm Đức Cha.

Ban Chấp Hành (BCH) đầu tiên của CGTH gồm có tôi làm Giám đốc, Luật sư Nguyễn Văn Huyền làm Chủ tịch, và nhiều thành viên khác như ông Mai Văn Hàm, Lê Văn Hiệp ... Coi như tôi là đại diện của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tại mỗi Giáo phận có một BCH Giáo phận, mà ở Sài Gòn do Cha Khương, Chánh xứ Thị Nghè và cũng là Tổng Đại diện Giáo phận. Cha Võ Văn Bộ phụ trách một ngành riêng biệt và hiện nay đang nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa. Ở Huế Cha Nguyễn Kim Bích điều hành CGTH Giáo phận.

Với tư cách là Giám đốc CGTH toàn quốc, tôi đi đến khắp các Giáo phận, lợi dụng các buổi tĩnh tâm để trình bày về Phong trào CGTH. Tôi không thừa hưởng gì của Liên đoàn Công giáo (LĐCG). LĐCG coi như xóa sổ hoàn toàn, chúng tôi bước vào trang sử mới. Hồi còn ở Huế, tôi thường được Đức Khâm sứ Drapier đề cập đến LĐCG và ông muốn cho sống lại. Xem ra có nhiều khó khăn. LĐCG từ Phát Diệm, Bùi Chu thời 1946, 1947, lan vào Thanh Hóa, Vinh rồi Hà Nội, nặng tính chính trị hơn là Tông đồ truyền giáo.

Có một anh ở Thụy Sĩ về, gặp tôi, nói là biết tôi nhiều, nhưng tôi không biết anh ấy. Anh ấy nói: “Cha là một người chúng con yêu mến, bởi cha chỉ lo một chuyện là Hội Thánh và Văn hóa”. Nói rồi anh ta đi, không để lại tên tuổi. Tôi nghĩ là đôi khi mình cũng muốn làm điều gì ngoài sứ vụ linh mục của mình, tưởng là hay; nhưng nghĩ cho cùng, làm trọn sứ mạng linh mục là ý Chúa, không ai trách mình. Còn nếu bỏ ơn gọi mà làm việc khác, thành công đến đâu đi nữa thì cũng không phải là việc của mình.

Có lẽ CGTH Việt Nam khác với CGTH của các nước khác. Ở Âu Châu cũng có CGTH, nhưng là các phong trào chuyên biệt: JOC (Jeunesse Ouvrière Catholique) do Đức Cha Cardin đề xướng, rồi thì JAC (Jeunes Agriculteurs Catholiques), JEC (Jeunesse Etudiante Catholique), JIC (Jeunesse Indépendante Catholique) gồm những người buôn bán, hành nghề tự do ... Còn CGTH Việt Nam là gì? Gồm có hai phong trào, một là từ các hội đoàn đã có sẵn trong sinh hoạt của các giáo xứ, giáo phận, không mang tính chuyên biệt như Đạo Binh Đức Mẹ, Các Bà Mẹ Công Giáo, Giới Gia Trưởng, ... Thứ hai là các đoàn thể mang tính chuyên biệt như ở Âu Châu, ví dụ Hội Trí thức Công giáo – Pax Romana – đã có từ trước ngày tôi làm Giám đốc. Hội đã cử đại diện tham dự các hội nghị quốc tế, như tại Philippines chẳng hạn. Khuôn mặt tôi nhớ nhất là chị Lài, chị kết hôn với anh Tổng thư ký Pax Romana Ba Lan. Anh chị là chỗ thân tình với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Tôi chú ý nhiều đến các hội đoàn không chuyên biệt tại các giáo phận và cố gắng phối hợp trên bình diện toàn quốc. Tôi được các Đức Giám mục, các Cha của Giáo phận quý mến, mời tham dự các sinh hoạt lớn của mỗi giáo phận. Tôi chịu trách nhiệm trước Hội Đồng Giám mục Việt Nam. Cha Gagnon điều hành nhà huấn luyện ở Đà Lạt, tức biệt thự Thánh Tâm. Thời gian này, tại miền Nam Việt Nam, có Đức Cha Caprio làm Régent chứ không phải là Khâm sứ, bởi Đức Khâm sứ Dooley vẫn ở Hà Nội. Đức Cha Caprio ngụ tại nhà thương Saint Paul, trong khi mãi đến 1960, Đức Khâm sứ Dooley mới bị trục xuất khỏi Miền Bắc. Cũng trong thời gian này, tôi tổ chức Đại hội Thánh Mẫu.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc được tổ chức năm 1959 mà đỉnh cao là từ ngày 16-18/2. Đức Hồng y Grêgôriô Phêrô Agagianian, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, đại diện Tòa Thánh đến dự. Ngày 21/2 ngài đã đến cầu nguyện tại Thánh địa La Vang. Sang năm sau, ngày 8/12/1960, Đức Thánh Cha Gioan 23 ban hành sắc lệnh “Venerabilium Nostrorum” thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam – VSH).

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tuy nhiên, từ 1958-1961, trong chức vụ Giám đốc CGTHVN, tôi cũng chưa làm được gì nhiều. Tôi tự tìm tòi các tài liệu, học hỏi rồi hệ thống hóa và thuyết trình cho các giáo phận. Tôi chỉ mới đủ thời gian để gặp gỡ, làm quen.

Sau tôi là cha Nguyễn Viết Cư đảm trách chức vụ Giám đốc CGTHVN.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Tới đây, chúng tôi cho đăng lại phần kể của Cha Nguyễn Văn Lập về những năm ngài làm Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt. Phần này đã được Thụ nhân Châu Âu in trong tập sách với tựa đề “Tưởng Niệm” nhân giỗ 100 ngày Lm. Viện trưởng 29/3/2002 – VSH).

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
“Tôi đang làm Giám đốc CGTHVN thì được Hội đồng Giám mục Việt Nam (lúc bấy giờ được hiểu là miền Nam Việt Nam – VSH) mời về làm Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt. Đức Cha Ngô Đình Thục loan tin này cho tôi. Ngài đã báo cáo với La Mã và đã được Thánh Bộ Truyền Giáo chấp thuận. Đức Cha Thục là niên trưởng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đứng tên Viện trưởng và chịu trách nhiệm về Viện Đại học Đà Lạt. Cha Giuse Trần Văn Thiện (Giám mục Giáo phận Mỹ Tho 1960-1989 – VSH) khi đó chỉ là Giám đốc Ký túc xá Sinh viên, nhưng vì Viện trưởng không thường xuyên có mặt ở Đà Lạt nên ngài đã điều hành mọi công việc của Viện và do vậy, nhiều người đã lầm tưởng cha Thiện là Viện trưởng. Trong tư thế như vậy của Đức Cha Thục, chắc chắn đề nghị này là do ngài đề xướng và các Giám mục khác cũng đồng ý. Tôi không loại bỏ khả năng ý kiến này cũng được Tổng Thống Ngô Đình Diệm đồng ý, bởi nếu Tổng Thống không đồng ý thì cũng khó lòng.

Tôi được Chúa ban cho khả năng quen biết nhiều, nhưng không hề theo một ai vì ý hướng chính trị. Riêng với gia đình họ Ngô, Đức Cha Thục luôn đối xử với tôi trong tình cha con. Các thành viên khác trong gia đình họ Ngô luôn kính trọng và quý mến tôi. Tôi tự biết tôi không phải là người làm chính trị, tôi ở ngoài chính trị. Tôi giữ những liên lạc về tình cảm với các nhân vật nhà họ Ngô, không khi nào can dự vào công việc của ông Diệm, ông Nhu, ông Cẩn, nhưng họ vẫn tin và quý mến tôi.

Ông Diệm quý mến tôi lắm, nhưng không bao giờ tôi để ông vào trong Viện Đại học Đà Lạt. Có một lần duy nhất ông nói với tôi: “Cha về cha nói với ông thị trưởng Đà Lạt – khi đó là ông Trần Văn Phước – là khi nào tiện tôi lên Đà Lạt, ông thị trưởng sắp xếp chương trình sao cho tôi có dịp vào thăm Viện của cha.” Tôi nói: “Thưa cụ, còn nhiều nơi cần được cụ thăm viếng, cụ không cần phải đến Viện tôi. Viện tôi, cụ để tôi liệu”. Có lần Tổng Thống tới, tôi ra ngoài cổng Viện Đại học đón ngài, ngay chỗ sân Cù, nói chuyện một chập rồi Tổng Thống đi.

Ông Ngô Đình Nhu thì yêu cầu để ông tới Viện Đại học Đà Lạt nói chuyện với sinh viên về ấp chiến lược, tôi trả lời: “Ông Cố vấn nên đi nói chuyện ở những nơi khác cần hơn, “ấp chiến lược” của tôi để tôi liệu lấy”.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Ấy vậy mà anh Uông Đại Bằng, sinh viên Triết khóa 2 của Viện cho biết, có những sinh viên bị thuyên chuyển về tỉnh lẻ, chỉ có 1 hoặc 2 lớp 12, tức là lớp có giảng dạy môn Triết học, không đủ giờ dạy theo quy định, đã phải dạy môn Công dân Giáo dục, trong đó có các bài về thuyết Nhân Vị, về ấp chiến lược. Lời từ chối của cha viện trưởng quả là khéo léo và can đảm – VSH).

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Một lần duy nhất ông Nhu vào trong Viện, đó là nhân dịp Lễ mừng 25 năm Giám mục của đức Cha Ngô Đình Thục (5/1963). Hôm trước ngày lễ, bà Nhu có mời một số đại sứ đi picnic ở vùng rừng giữa Đà Lạt và Buôn Mê Thuột, trong đó có cái thác rất đẹp là thác Dankia, trong đoàn có cả Đức Khâm sứ Tòa Thánh Asta và Đức Cha Ngô Đình Thục. Bà Nhu có nói với Đức Cha là bà không được mời dự lễ ngày mai. Đức Cha trả lời là chính Đức Cha cũng chỉ là khách mời, chủ nhà là Cha Viện trưởng. Đang khi buổi lễ được tổ chức, có sự hiện diện của ông Nhu và người con trai, bà Nhu sai người cầm một mảnh giấy sang trao cho ông Nhu, trong đó có ghi mấy chữ: 
 
“Tôi qua có được không?”
 
Ông Nhu viết lại:

“Không”
 
Như vậy là Tổng Thống Diệm và bà Nhu chưa hề đặt chân vào khuôn viên Viện Đại học Đà Lạt.

Trên Đà Lạt có nhiều vị xứng đáng hơn tôi để giữ chức Viện trưởng, như các cha Lê Văn Lý, Hoàng Quốc Trương. Tôi hiểu là tôi sẽ phải điều khiển Viện không bằng luật pháp mà bằng tình thương. Chỉ lấy tình thương mà đối xử với sinh viên. Cho nên trong suốt thời gian tôi làm Viện trưởng, tôi không hề phạt một anh sinh viên nào, tôi chỉ làm hết sức để giáo dục sinh viên.

Về cơ sở, Viện Đại học Đà Lạt vốn là trung tâm an dưỡng của sĩ quan Pháp có tên là Camp Robert. Bộ Tài chánh Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ đã bán lại cho các Giám mục với giá 2 triệu đồng, giấy tờ bằng khoán đầy đủ, do Đức Cha Ngô Đình Thục đứng tên. Tôi gởi hồ sơ giấy tờ ở Tòa Khâm sứ và chỉ giữ một bản sao ở Viện Đại học. Camp Robert có hai khu, một ở gần thành phố Đà Lạt, bên bờ hồ, phía trường Yersin, một ở phía trong rừng xa thành phố, rộng 40 ha với 40 ngôi nhà lớn nhỏ. Các Đức Giám mục đã mua khu thứ hai này, gia công tu sửa những ngôi nhà trong khuôn viên, xây nhà nguyện ở độ cao 1.500m, chung quanh có phòng ốc dành cho các giáo sư cư ngụ và một phòng học rất yên tĩnh. Cùng với việc chỉnh trang là việc đặt tên cho những ngôi nhà, những con đường trong khuôn viên Viện: Nguyện đường Năng Tĩnh (nhà thờ), nhà Đôn Hóa (văn phòng Viện), Tòa Viện trưởng Hòa Lạc, đường Tiền Giang (từ cổng dẫn lên nhà thờ), đường Hậu Giang (từ cổng xuống ký túc xá sinh viên), các giảng đường Minh Thành, Đạt Nhân, Tri Nhất, Thượng Hiền, Hội Hữu. Trước ngày tôi lên nhận chức Viện trưởng, Viện Đại học Đà Lạt đã hoạt động được ba niên khóa. Tôi có Cha Lê Văn Lý làm Phó Viện trưởng kiêm Khoa trưởng Văn Khoa, Cha Hoàng Quốc Trương làm Khoa Trưởng Khoa Học và Sư huynh Pierre Trần Văn Nghiêm làm Khoa Trưởng Sư Phạm đang nhận đào tạo các giáo sư trung học sẽ dạy môn này cho lớp 12 các trường công lập. Khi tôi lên làm Viện trưởng thì các lớp Sư phạm Triết được trả về cho Đại học Sư Phạm Sài Gòn, sau khi đã gửi ba khóa ở Viện Đại học Đà Lạt. Hình như Đại học Sư Phạm Sài Gòn tiếp tục đào tạo thêm ba khóa nữa là đủ nhu cầu giáo sư Triết cho toàn quốc. Viện Đại học Đà Lạt vẫn tiếp tục duy trì môn Triết học tại phân khoa Văn Khoa.

Các giáo sư phần đông từ Sài Gòn lên, đều đặn hai tốp mỗi tuần. Tốp lên chiều Chúa Nhật sẽ dạy các ngày thứ Hai, Ba và sáng thứ Tư. Trong khi tốp này ra về chiều thứ Tư, thì tốp thứ hai lên để giảng dạy ngày thứ Năm, thứ Sáu và Thứ Bảy để sẽ ra về ngày Chúa Nhật. Tại Sài Gòn, chúng tôi có văn phòng lo việc đưa đón các giáo sư, do anh Trương Quang Ngọc phụ trách. Anh là người gốc Huế, Công giáo, tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp ở Nancy (Pháp) về.

Thế nhưng, nếu Viện Đại học Đà Lạt chỉ có các phân khoa như tôi vừa kể thì các sinh viên sẽ chẳng dại gì lên Đà Lạt theo học, vừa xa nhà, vừa tốn kém. Bản thân Viện cũng không thể cạnh tranh được với Viện Đại học Sài Gòn, nơi quy tụ nhiều vị giáo sư lỗi lạc, tiện đường giao thông. Tôi phải làm một cái gì mới mẻ để thu hút sinh viên. Tôi tham khảo ý kiến với anh Võ Văn Hải, tốt nghiệp chính trị học từ Pháp về và anh Trần Văn Đỉnh, giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và nhiều vị khác nữa.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Chuyện trò với cha Lập, khi đề cập đến các vị giáo sư cũ của Viện Đại học Đà Lạt, trong lúc người viết vẫn một điều “thày”, hai điều “thày” thì cha Lập vẫn thân mật, gần gũi, gọi các vị bằng “anh” – VSH).

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tôi có ý định mở trường Chính Trị Kinh Doanh, điều mà Chính phủ lúc bấy giờ cũng muốn mở nhưng còn do dự. Người Mỹ cũng muốn mở trong phạm vi Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nhưng gặp trở ngại về cơ chế. Viện Đại học Đà Lạt là một đại học tư, tôi có toàn quyền quyết định nếu có đủ khả năng cần thiết (cơ sở, ban giảng huấn, tài chính, v.v...). Bắt tay vào việc một cách cụ thể, tôi cần có một người chuyên môn để điều khiển trường mới này. Tôi được sự giúp đỡ của anh Trần Long. Người đã từng theo học Đại học Syracuse bên Mỹ về môn quản trị, nhưng khi đó đang bị động viên trong quân ngũ. Tôi xin với Bộ Quốc Phòng, quân đội sẵn sàng biệt phái anh Trần Long về giúp tôi. Anh rất giỏi, chính anh đã soạn thảo chương trình học như của các Đại học Hoa Kỳ, cũng chính anh là người thành lập ban giảng huấn lúc ban đầu. Anh Võ Văn Hải thiết kế chương trình chính trị, thêm phần báo chí. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của anh Phó Bá Long, người đã tốt nghiệp Khoa Quản Trị Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Chương trình Ban Cử nhân sẽ gồm bốn năm, được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Năm thứ nhất là năm Nhập Môn (Freshman year), năm thứ hai: Khái Luận (Sophomore), năm thứ ba: Nhiệm Ý (Junior year), năm thứ tư: Sưu Khảo (Senior year).

Lúc đầu, anh em đề nghị tên gọi của trường mới này sẽ là “Trường Chính Trị, Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp”, để làm vừa lòng cả hai khuynh hướng, một là chính trị từ Pháp về, một là quản trị xí nghiệp từ Mỹ về. Chúng tôi gặp ngay một trở ngại tế nhị: Ông Bộ Trưởng Giáo Dục lúc bấy giờ là Bùi Tường Huân, một người có khuynh hướng thân Phật Giáo. Ông Bộ Trưởng không đồng ý vì nghi là tôi dạy chính trị, ắt sẽ dạy về thuyết Nhân Vị của Đệ Nhất Cộng Hòa và đào tạo cán bộ cho ông Ngô Đình Nhu. Thực ra, trong hai ngành thì ngành chính trị yếu hơn, người ta thích quản trị xí nghiệp hơn. Tôi cũng không chịu hy sinh ngành chính trị để chỉ mở quản trị xí nghiệp mà thôi. Khi đó, may mắn là có anh Vũ Khắc Khoan đang giảng dạy bên Văn Khoa của Viện đứng ra làm trung gian giữa Viện Đại học Đà Lạt và ông Bộ trưởng Bùi Tường Huân để dàn xếp vụ này. Anh Vũ Khắc Khoan là anh rể ông Bộ trưởng. (Giáo sư Vũ Khắc Khoan định cư tại Hoa Kỳ sau 1975, sáng lập và là Chủ Tịch hội Khổng Học. Giáo sư đã qua đời ngày 12 tháng 9 năm 1986 tại thành phố Bloomington, tiểu bang Minnesota, Hoa kỳ – VSH).

Tôi có cái duyên may được biết anh Vũ Khắc Khoan tại Hà Nội từ trước ngày đất nước bị chia đôi theo Hiệp định Genève, dưới thời Thủ Tướng Bửu Lộc. Khi đó, tôi đang là giáo sư dạy tại trường Thiên Hựu (Huế) và là Giám đốc Giáo dục của Giáo phận Huế, tôi được ông Ưng Quả, người phụ trách ngành giáo dục tại Trung phần, mời tham dự khóa hội thảo về Giáo Dục Cao Đẳng tại trường Nguyễn Trãi (Hà Nội). Một hôm, phái đoàn các tham dự viên hội thảo đi tham quan Văn Miếu. Vừa đến nơi, chúng tôi đã nghe một giọng ngâm sang sảng bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan. Tôi bị ấn tượng và tìm hiểu người ngâm thơ, chính là anh Vũ Khắc Khoan.

Khi về nhận chức Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt, anh em đề nghị tôi mời anh Vũ Khắc Khoan lên giảng dạy tại trường Văn Khoa của Viện. Nhớ lại kỷ niệm trước đó, tôi đồng ý ngay. Anh Khoan vốn tính tình phóng khoáng, nghệ sĩ, đã thẳng thắn nói với tôi: “Thưa cha, anh em bảo tôi lên đây cộng tác với cha, tôi cũng thích, nhưng tôi là người hơi bê bối, không biết cha có chịu không?” Tôi trả lời: “Bản thân anh làm sao cũng được, xin anh để mọi bê bối ngoài cổng và mời anh vào dạy”.

Lần cuối cùng, chúng tôi đổi tên thành “Trường Chánh Trị Kinh Doanh” (CTKD) cho gọn gàng và được ông Bộ trưởng chấp thuận. Khóa đầu tiên được mở năm 1964 (ngày khai giảng là 13/8/1964 – VSH), với sự giúp đỡ của rất nhiều người mà phần đông không phải là người Công giáo. Tôi rất biết ơn họ về những ý kiến, những khích lệ tôi trong việc mở trường CTKD. Tôi dự đoán là chừng bốn năm sau đó, cuộc chiến sẽ kết thúc, khi đó sẽ có một lớp sinh viên tốt nghiệp ra phục vụ Đất Nước.

Việc mở trường CTKD được nhiều người tán thưởng. Các giáo sư phần đông tôi không được quen biết trước. Nhiều vị đang là giáo sư của Đại học Sài Gòn, đặc biệt là Đại học Luật Khoa và các chính trị gia như các ông Trần Văn Tuyên, Trần Chánh Thành, Vương Văn Bắc, Vũ Quốc Thúc, các nhà kỹ nghệ như ông Đinh Xáng ... Có những vị lên tham quan Viện, thấy vui xin dạy và tôi mời. Ngay khóa đầu này, trường CTKD đã quy tụ được trên 1.000 sinh viên (1.075 sinh viên – VSH). Có một số đang học ở Sài Gòn, ở một phân khoa nào đó, bỏ ngang lên Đà Lạt ghi danh vào trường. Có những người đã lớn tuổi và hiện nay họ đã trên dưới lục tuần, có cháu nội cháu ngoại cả rồi. Không có kỳ thi tuyển nhập học, nhưng thi ra thì rất nghiêm túc. Tôi có đề nghị với các giáo sư là nếu thấy những sinh viên nào không đủ khả năng theo học thì khuyên các em nên chấm dứt việc học tại trường để theo học ngành khác. Tôi có nhiều cơ hội để gạn lọc, Đà Lạt lại là nơi thuận lợi cho việc học hành. Ở Sài Gòn, sinh viên đi làm đủ nghề, còn ở Đà Lạt thì chỉ có thể làm trong kỳ nghỉ hè mà thôi, hoặc dạy học tại các tư thục, nhưng cũng không có nhiều trường tư.

Tôi chỉ thị cho anh Trần Long là phải tổ chức Viện Đại học Đà Lạt sao cho có thực chất và với một phong cách rất Việt Nam. Có rất nhiều người Công giáo, kể cả một số linh mục Hoa Kỳ mà tôi quên tên rồi, đề nghị với tôi gọi Viện Đại học Đà Lạt là Đại học Công giáo, tôi từ chối. Tôi trả lời ngay là ở Đà Lạt không có viện Đại học nào khác, tôi cho gọi Viện Đại học Đà Lạt là đủ rồi. Trong trường không bao giờ dạy giáo lý. Tôi căn dặn các sinh-viên tu-sĩ Công-giáo là tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, nhưng không phải trong lớp mà là bằng cuộc sống đời thường của mỗi người: sống hết mình và làm gương tốt. Tôi còn yêu cầu các tu sĩ, nhất là nam tu sĩ Công giáo, nên mặc thường phục đi học, để tránh cảnh sáng sáng lũ lượt nhà tu từ cổng vào như một đoàn kiệu. Điều này khác với dự đoán của các sinh viên “đời” là giới sinh viên “đạo” sẽ đậu hết!

Khi người Mỹ đề nghị giúp Viện và yêu cầu tôi cho biết nhu cầu ưu tiên là gì, tôi trả lời ưu tiên số một của tôi là sinh viên. Các em cần được ăn no, mặc ấm để học hành, vậy các ông cho tôi bánh mì, fromage, thịt ... để sinh viên dùng. Người Mỹ hỏi tôi có cần một ban cố vấn không, tôi trả lời dứt khoát là không. Tôi biết là Bề trên của tôi và Xã hội Việt Nam khi đặt tôi vào chỗ này, cũng đã hiểu được là tôi có đủ khả năng để làm tròn nhiệm vụ theo tinh thần Việt Nam mà không cần đến các cố vấn người nước ngoài. Anh người Mỹ này thuộc loại tráo trở, bởi sau khi rời Viện, anh ta gửi cho tôi một lá thư, trong đó anh ta nói là qua cuộc hội kiến với tôi tại Viện Đại học Đà Lạt, anh ta được biết là tôi đang cần một ban cố vấn. Tôi trả lời ngay là anh ta phải hỏi lại người thông dịch của anh ta, bởi tôi không hề nói như vậy, trái lại, tôi đã nói như thế này, thế này. Sau đó, họ hoàn toàn im lặng, không hề tặng Viện Đại học Đà Lạt chút gì!

Thế nhưng, trong một lần tham quan Hoa Kỳ cùng với bốn vị Viện trưởng khác là giáo sư Trần Quang Đệ, Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, giáo sư Nguyễn Thế Anh, Viện trưởng Viện Đại học Huế, giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ và Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, ông Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Philip Habib, người từng phục vụ lâu năm ở Việt Nam trong ngành Ngoại giao, đã tuyên bố là chỉ có Viện Đại học Đà Lạt mới là một Viện Đại học thật sự, theo quan điểm của ông. Tôi tỏ ra ngại ngùng về lời nhận xét này trước mặt các vị Viện trưởng khác. Tuy nhiên, giáo sư Trần Quang Đệ quay sang nói với tôi: “Cụ đừng ngại, tôi cũng đồng ý với nhận xét này. Bởi như tôi đây, có mấy khi dành đủ tám giờ một ngày cho công việc của Viện Đại học Sài Gòn đâu. Những gặp gỡ, những giao tế hàng ngày cũng chiếm mất nhiều thời giờ. Còn cụ, 24/24 giờ, cụ sống chết với Viện Đại học Đà Lạt, cụ xứng đáng được đánh giá như vậy”. Mà quả thật như vậy, ban đêm nếu chẳng may có sinh viên ngã bệnh phải đi cấp cứu thì chính tôi đưa đi, bởi nếu có sự hiện diện của tôi thì các bác sĩ, y tá cũng tỏ ra mau mắn, tận tình hơn đối với sinh viên của tôi.

Mối thân tình giữa tôi và các sinh viên của tôi là như thế, nên họ không e dè ngần ngại tiếp xúc với tôi, kể cả để mượn tiền những lúc gia đình chưa kịp gởi lên, mà tôi chẳng bao giờ ghi sổ sách, cũng chẳng nhớ đã trao cho ai.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Còn sinh viên thì thường không ghi vào bộ nhớ những động tác này, bây giờ nhắc lại là để cười xòa về một kỷ niệm đẹp trong giới Thụ Nhân – VSH)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Những vấn đề quan trọng, họ thường hỏi ý kiến tôi. Chẳng hạn, những lúc thành phố xôn xao biểu tình để ủng hộ hoặc phản đối chính sách của nhà cầm quyền lúc bấy giờ, sinh viên đến hỏi ý kiến tôi là có nên tham gia hay không? Tôi trả lời là các con phải đi biểu tình với đồng bào. Tôi nhớ câu ngạn ngữ của người Tây Phương: “Cái gì người khác làm mà mình không làm thì người ta sẽ làm để chống lại mình” (Ce que vous ne faites pas, les autres feront contre vous). Khi có các cuộc tuyệt thực ở bất cứ đâu, ở ngoài chợ, ở bên Chùa, tôi đều đi thăm. (Khuôn viên của Viện Đại học Đà Lạt tọa lạc xa thành phố, dân cư quanh vùng thưa thớt nên không được các đoàn biểu tình chọn làm địa bàn để biểu dương lực lượng – VSH).

Tôi rất thân với các thày bên Chùa Linh Sơn. Tôi còn nhớ khi đó bên chùa có một vị đại đức trẻ tuổi, dự tính sang Nhật du học tại một trường Phật giáo. Trường bên Nhật đòi phải xuất trình bằng cấp đã đậu ở Việt Nam; ngặt một nỗi các tăng ni Phật giáo ít khi tham dự các cuộc thi cử để lấy bằng cấp ngoài đời. Tuy vậy, có thể thay sự khiếm khuyết này bằng thư giới thiệu của một giới chức cao cấp trong ngành giáo dục Việt Nam. Vị Đại đức này đã nhờ tôi viết thư giới thiệu, tôi đồng ý ngay. Trước ngày lên đường du học, vị Đại đức đã tổ chức một buổi tiếp tân, trong đó có mặt các Thượng tọa Thích Minh Châu, Thích Thiện Minh và nhiều vị Thượng tọa khác nữa. Tôi được mời tham dự. Khi tôi đến, các vị Thượng tọa hỏi Cha Trần Thái Đỉnh (chuyên nghiên cứu về Phật giáo) để biết linh mục mới đến là ai. Khi tôi được giới thiệu, các vị Thượng tọa đã đến bắt tay và cám ơn tôi về việc tôi đã làm.

Đầu năm 1969, tôi tổ chức lễ mãn khóa cho sinh viên khóa 1 Cử nhân CTKD. Đây là lễ mãn khóa đầu tiên ở Việt Nam (dĩ nhiên được hiểu là miền Nam Việt Nam – VSH) do một viện đại học tổ chức cho các sinh viên tốt nghiệp, trước đó chưa hề có, kể cả ở Viện Đại học Sài Gòn. Đây cũng là lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Đại học Đà Lạt. Tôi cho mời các sinh viên đã tốt nghiệp trước đây của các phân khoa khác, trong đó có anh Dương Văn Ba, dân biểu đối lập trong Quốc Hội lúc bấy giờ, vốn là cựu sinh viên khoa Triết của Viện. Tôi đã đề nghị anh đọc diễn văn đại diện các sinh viên tốt nghiệp, phát biểu với tư cách là cựu sinh viên chứ không là dân biểu Hạ Viện. Theo luật động viên lúc bấy giờ, tất cả các sinh viên tốt nghiệp đều phải nhập ngũ nếu không được hoãn dịch vì lý do nào khác như sức khỏe, gia cảnh, tôn giáo, sắc tộc... Cho nên các sinh viên khóa 1 CTKD đã về trường dự lễ trong bộ quân phục, chân đi botte de saut. Một người bạn của tôi đã tặng tôi đủ số vải may áo choàng cho các sinh viên. Các sinh viên khóa 1 CTKD đã để nguyên bộ quân phục và chỉ khoác áo choàng bên ngoài. Tôi được nghe kể lại là sau ngày 30/4/1975, ở Đà Lạt, trong một phòng triển lãm, người ta thấy một chiếc toge này của sinh viên và được ghi chú là “biểu tượng phong kiến”.

Hôm trước ngày lễ, tôi tổ chức một thánh lễ đồng tế với sự hiện diện của nhiều vị giám mục. Buổi lễ chính thức ngày hôm sau được đặt dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Dịp này Tổng Thống đã gắn Bảo Quốc Huân Chương cho tôi. Tôi chỉ những đôi giầy lính trong hàng ghế của các sinh viên tốt nghiệp và nói với Tổng Thống là các sinh viên của tôi nay là lính của Tổng Thống.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Người hầu chuyện với Cha Lập có nêu lên chi tiết là khi ấy, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị cho Trung tướng Trần Văn Trung, Tổng cục trưởng Tổng cục Chiến tranh Chính trị, lấy danh sách các “tân binh” này để giữ lại làm việc ở những vị trí thích đáng, cha Lập nói ngài không hay biết chuyện này. Và ngài cực lực bác bỏ nguồn tin cho rằng Tổng Thống đã can thiệp không để cho dân biểu đối lập Dương Văn Ba đọc diễn văn với tư cách là cựu sinh viên của Viện. Cha Lập bảo ngài có toàn quyền tổ chức buổi lễ. Vả lại, Tổng Thống có hay biết gì đâu về nội dung bài phát biểu mà can thiệp hay không – VSH).

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nền Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ ngày 1/11/1963 nhưng tôi vẫn được các tướng lãnh kính trọng nể vì. Sau này có lần tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Quân đoàn II đã cho máy bay chở “sinh-viên-lính” về dự lễ mãn khóa. Tướng Tôn Thất Đính thường nhờ tôi trình bày chuyện này chuyện nọ với Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình mà tôi có khi nào làm đâu. Tướng Trần Văn Đôn thỉnh thoảng có vào chơi thăm tôi và có tham dự khóa hội thảo về “Mục tiêu Quốc gia” do Viện Đại học Đà Lạt tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Đồng Các Viện Trưởng Đại học (từ 24-29/7/1967 - VSH). Tôi không quen Tướng Dương Văn Minh. Tôi quen biết cụ Phan Khắc Sửu, nhưng cụ Trần Văn Hương thì không.

Khi đã điều khiển Viện được 10 năm, đã thực hiện được nhiều điều cho Viện, tôi cảm thấy nếu cứ tiếp tục thì sẽ không tiến bộ được, bởi vì mình có thể ngủ quên trên những thành quả này, không cần phải cố gắng chi nữa. Tôi nghĩ là cần phải nhường chỗ cho một người khác để có sáng kiến làm mới Viện sau 10 năm. Tôi trình bày ý định này với Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận. Tôi với ngài coi nhau như anh em, không hề giấu diếm nhau điều gì, mặc dù ngài nhỏ tuổi hơn tôi. Ngài bảo: “Nếu thực sự anh muốn từ chức thì lúc này là lúc thuận tiện nhất, bởi Viện đang lên, có uy tín với sinh viên, với người ngoài. Kẻo mai mốt già cả, chỉ điều khiển Viện theo thói quen thì không xong”. Tôi suy nghĩ về ý kiến của Đức Cha và tôi từ chức. Cũng có một vài khó khăn nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến quyết định của tôi. Sẵn có Cha Lê Văn Lý, rất nhiều uy tín, rất nhiều khả năng, ngài có thể tiếp tục. Lúc bấy giờ, Viện không có vấn đề gì về uy tín, nhân sự, tài chính.

Hôm bàn giao, từ giã Viện, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình có lên, tuyên bố tôi là Viện trưởng Danh dự của Viện Đại Học Đà Lạt. Hôm đó cũng có sự hiện diện của một số nhân vật của thành phố Đà Lạt. Sau này, đôi lần cha Lý mời tôi lên tham dự lễ mãn khóa của sinh viên. Sau 1975, có một lần tôi lên Đà Lạt nghỉ với Cộng đoàn Tu Hội Bác Ái mà tôi là linh phụ, các nhân viên cũ của Viện biết và có mời tôi vào chơi thăm anh chị em trong đó. Khi ấy ông Viện trưởng đương nhiệm nghe tin tôi có mặt, đến gặp gỡ và tiếp đón tôi tử tế. Họ cũng biết rằng khi ra đi, tôi đã để lại tất cả, kể cả sách của riêng tôi, tôi cũng để lại cho giáo sư và sinh viên sử dụng. Ông cũng tỏ lòng cám ơn vì đã thừa hưởng cơ ngơi tốt đẹp của Viện.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[Trong tập “Tưởng niệm” do Thụ Nhân Châu Âu ấn hành nhân giỗ 100 ngày Cha Nguyễn Văn Lập, tôi đã chỉ ghi chép lại những gì liên quan đến cá nhân ngài trong thời gian đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt. Trong câu chuyện giữa cha và con, cha còn nói đến những sinh hoạt của Viện. (Trong bài viết này, tôi xin ghi lại cho trọn vẹn câu chuyện cuối đời của Cha Simon Nguyễn Văn Lập VSH)].

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
“Về tổ chức của Viện Đại học Đà Lạt, chúng tôi có một vị chưởng ấn, một chức vị chỉ có ở Viện Đại học Công giáo. Đây phải là một nhân vật có kinh nghiệm, uy tín, thường là một vị giám mục, được suy tôn lên làm chưởng ấn". Vị chưởng ấn đầu tiên là Giám mục Ngô Đình Thục, sau là Đức Giám mục Giuse Trần Văn Thiện, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, và kế tiếp là Đức Cha Giuse Nguyễn Ngọc Quang, Giám mục Giáo phận Cần Thơ.

Văn phòng Viện trưởng được tổ chức một cách gọn nhẹ, có tính cách gia đình và bớt được nhiều chi phí. Tôi có một vị phụ tá Viện trưởng, lúc đầu là Cha Nguyễn Hòa Nhã, kế tiếp là Cha Ngô Duy Linh, sau khi ngài rời chức Giám đốc Nhạc viện Huế (1963) và về đây giúp tôi đặc trách ký túc xá của nam sinh viên.

Tại văn phòng, có các ông Trần Quang Diệu, người của Bộ Giáo dục biệt phái sang, ông Đỗ La Lam và một số thư ký.

Các phân khoa với các vị khoa trưởng như tôi đã giới thiệu trên đây. Riêng Trường CTKD, anh Trần Long là chủ lực, chính anh là người thiết lập chương trình, ban giảng huấn với sự cộng tác của anh Phó Bá Long, sau này có giáo sư Nguyễn Cao Hách phụ trách Ban Cao học ở Sài Gòn. Cũng chính anh Trần Long là người tổ chức Hợp tác xã Sinh viên (SIVIDA) để in ấn giáo trình, và dịch các từ chuyên môn sang tiếng Việt.

Viện Đại học Đà Lạt có khoảng 3.000 sinh viên mà quá nửa là thuộc trường CTKD. Trong Viện có Tổng hội Sinh viên, tôi không ảnh hưởng gì đến Tổng hội cũng như không hề có sự căng thẳng nào giữa tôi và Tổng hội Sinh viên. Trong Viện cũng có Liên đoàn Sinh viên Công giáo, nhưng tôi không dạy giáo lý trong Viện. Số sinh viên Công giáo chiếm khoảng 10%, cũng như ngoài xã hội, người Công giáo chiếm 10% dân số. Sinh viên Phật giáo tổ chức các sinh hoạt tôn giáo bên Chùa. Cũng có một số ít sinh viên Tin lành. Không hề có vấn đề gì về tôn giáo trong Viện. Nhà Nguyện Công giáo tọa lạc trên đồi cao, chung quanh là các phòng dành cho giáo sư và các phòng học của sinh viên. Có những lúc sinh viên công giáo cầu nguyện bên trong, bên ngoài các sinh viên tôn giáo khác học bài trong bầu khí tĩnh lặng và thân thiện. Có thánh lễ vào buổi trưa, nhưng không có các hội đoàn công giáo trong Viện Đại học. Tôi thường nói với sinh viên: “Chúng con ai là Công giáo thì phải Công giáo 100%, ai là Phật giáo thì cũng phải là Phật giáo 100%, thì tự nhiên có hòa đồng”.

Viện Đại học Đà Lạt có hai ký túc xá, một dành cho nam sinh viên, trong khuôn viên do Cha Ngô Duy Linh điều hành, do các nữ tu dòng Tận Hiến của Cha Việt Anh lo việc cơm nước. Chính các sinh viên định giá sinh hoạt, trả tiền qua Ban đại diện Ký túc xá. Ký túc xá Trương Vĩnh Ký dành cho nữ sinh viên, là một tòa nhà do Thị xã Đà Lạt tặng, được các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa quản lý, cũng có Ban đại diện Sinh viên với quyền hành như bên ký túc xá của nam sinh viên. Tôi không trợ cấp gì thêm cho ký túc xá ngoài việc trợ cấp học bổng cho các nữ tu cùng cư ngụ trong ký túc xá Trương Vĩnh Ký.

Về chuyện tài chánh của Viện Đại học Đà Lạt, học phí của sinh viên thu được rất ít, hình như 500 đồng/ năm/sinh viên. Quốc Hội cho mỗi năm khoảng 30.000 đồng nằm trong ngân sách của Bộ Giáo dục và công bố trong ngân sách quốc gia hàng năm. Tòa Thánh Vatican trợ cấp mỗi năm 20.000 đô la, tương đương với trợ cấp dành cho một giáo phận. Với những nguồn thu nhập này, tôi chi tiêu vừa đủ, nếu còn dư giả chút ít thì tôi dành để giúp đỡ sinh viên. Ngoài ra không có trợ cấp nào khác. Tôi có may mắn là có nhiều bạn bè thân ở Sài Gòn, khi cần vài ba triệu đồng, chỉ gọi điện thoại là họ cho vay ngay. Các cơ sở kinh doanh của Giáo hội như Thương xá Tax, khách sạn Caravelle ... cung ứng tài chánh cho việc sửa sang, xây dựng cơ sở hạ tầng của Viện Đại học. “Hội Đà Lạt” do Đức Cha Ngô Đình Thục cầm đầu chuẩn chi mỗi khi cần, chứ không qua hệ thống Giáo hội. Hội Đà Lạt có một vị chưởng khế là ông Phạm Quang Lộc, một người miền Nam và không công giáo. Sau biến cố 1963, ông đi đâu không ai biết, và việc quản lý Hội Đà Lạt được trao cho anh Trần Long. Đã có lúc Cha Tôma Nguyễn Văn Thạnh, quản lý Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, thành lập ngân hàng. Để thành lập ngân hàng, phải kê khai tài sản, vốn hiện có theo quy định, Cha Thạnh đã khai là tiền của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn và của Hội Đà Lạt. Ông Vũ Quốc Thúc là thành viên trong Ủy ban cứu xét việc thành lập ngân hàng, lại cũng là giáo sư của Viện, đã hỏi tôi và khuyến cáo tôi là nếu để Cha Thạnh làm như vậy, mai mốt Viện sẽ không nhận được tài trợ của các nơi, bởi đã giầu và mở ngân hàng cơ mà! Tôi thưa lại với Đức Cha Nguyễn Văn Bình. Nhưng Cha Thạnh cứ làm, rồi tôi không hiểu sau này cái ngân hàng ấy vận hành ra sao, lời lỗ thế nào. Tôi không hiểu những cơ sở như Tax, Caravelle, nhà sách Xuân Thu ... được điều hành ra sao, tôi chẳng có quyền hành gì ở những cơ sở này. Tôi chỉ nhận được tài trợ mỗi khi có xây dựng cơ bản, chứ không phải để chi dùng hàng ngày trong sinh hoạt của Viện Đại Học. Tôi không còn nhớ lương của giáo sư hồi đó được chi trả bao nhiêu, nhưng không ai than phiền gì. Viện Đại học Đà Lạt là một nơi vui vẻ.

Rời chức vụ Viện Trưởng Viện Đại học Đà Lạt và từ giã Đà Lạt, tôi về lại Huế. Tôi ở trong trường Thiên Hựu nhưng không dạy học mà làm việc cho Giáo phận. Thiên Hựu khi đó có Hiệu trưởng là Cha Nguyễn Tiến Huynh, thuộc địa phận Vinh, vượt tuyến vào Nam sau năm 1954, rồi đi học bên Pháp. Du học về, Cha Huynh nhập Giáo phận Huế và làm Hiệu trưởng Thiên Hựu.

Đức Cha Nguyễn Kim Điền là người sáng lập Phong trào Truyền giáo (được Tòa Thánh chấp thuận với danh xưng Hội Thừa Sai) nên thường xuyên phải đi công tác xa, tôi là Tổng đại diện của ngài phụ trách các dòng tu, Thư ký Hội đồng Linh mục của Giáo phận và là Trưởng ban Tài chánh của Giáo phận. Đức Cha thường có mặt ở Sài Gòn. Ngài rất đạo đức. Một số các linh mục tình nguyện nhập vào phong trào này như Cha Ngô Phục. Các linh mục của nhiều giáo phận gia nhập và đi truyền giáo ở đâu là do Đức Giám Mục Nguyễn Kim Điền chỉ định. Địa bàn họat động của Hội Thừa Sai chỉ mới có ở Việt Nam, chưa sang Lào hoặc Kampuchia. Tôi phụ trách các dòng nữ tu trong địa phận, với một số công việc như nhận lời khấn của các nữ tu, giải quyết các rắc rối của các hội dòng ... Là thư ký Hội đồng Linh mục, tôi nghiên cứu các vấn đề do Đức Giám mục chỉ định. Để gây quỹ trong giáo phận, tôi gửi thư xin mỗi gia đình một ngày công để có tiền chi phí như trả tiền cho các nữ tu dạy học trong các giáo xứ. Tôi chỉ thực hiện việc gây quỹ này được một lần duy nhất.

Với những trách vụ trên đây, tôi có dịp đi khắp Giáo phận Huế. Ở Thiên Hựu có 5 chủng sinh không vào được Tiểu chủng viện vì ở đây dậy bằng tiếng Pháp trong khi họ học Anh văn, cùng với Cha Phan Xuân Thanh (khi đó còn là Thày Đại Chủng viện), tôi đem ê kíp này đi theo tôi khắp nơi, với chiếc xe jeep. Tôi xin các nữ tu ở Thiên Hựu làm một mo xôi, thịt bò, đến xứ mô là cứ dở ra ăn, khỏi phiền hà Cha sở.

Năm 1975, sau khi Quảng Trị rơi vào tay Quân Cách Mạng, Huế bắt đầu xôn xao lộn xộn, tôi vô Đà Nẵng, rồi Sài Gòn với ý định là sẽ giải quyết một vài việc về tài chánh của Giáo phận Huế rồi về lại. Tình hình biến chuyển, Đức Cha Nguyễn Văn Bình yêu cầu tôi ở lại Giáo phận Sài Gòn với ngài và khuyên tôi về Bình Triệu ở với Cha Võ Văn Bộ. Cha Bộ và tôi quen biết nhau từ trước, khi tôi làm Giám đốc Công Giáo Tiến Hành thì ngài là Tổng Tuyên úy Hội Con Cái Đức Mẹ. Trước ngày về thành lập Trung Tâm Fatima này, Cha Bộ là Cha sở họ đạo Xóm Chiếu. Ngài về khu đất này, phân chia thành lô, lập Trung tâm Fatima, lấy hai lô đất lập tu viện Bác Ái và Trường Cai Nghiện. Ngài là người sáng lập Tu Hội Bác Ái này, theo mẫu các tu hội bên Pháp. Hai chị đầu tiên là Đặng Thị Duyên và Nguyễn Thị Quý. Cha Bộ đã đi Pháp, đem theo vài chị để học tập về tổ chức các cộng đoàn bác ái. Về Việt Nam, ngài đã hợp thức hóa Cộng đoàn Bình triệu. Ngoài Cộng đoàn Bình Triệu này, Tu Hội Bác Ái còn có hai cộng đoàn ở Cao Thái và Phú Dòng. Tu Hội như là muối và men giữa đời. Cũng có vài anh gia nhập các cộng đoàn. Ở bên Pháp có những cộng đoàn mà cả gia đình xin gia nhập để cùng sống đời nhân chứng. Hiện nay trên toàn thế giới có 75 cộng đoàn. Các anh các chị làm đủ mọi việc: Mở tiệm sách, tiệm may, nhà trẻ, quán cơm ở khu lao động ... Mỗi cộng đoàn có một linh mục làm linh phụ, như tôi hiện nay ở Bình Triệu.

Ngôi nhà tôi đang ở đây nằm trong khuôn viên của Tu Hội, do cựu sinh viên Thụ Nhân ở ngoại quốc gom góp tiền bạc, Thụ Nhân ở nhà đứng ra xây dựng mà đầu tầu là anh Cao Đình Phúc. Mai mốt tôi qua đời, cái nhà này thuộc Tu Hội Bác Ái Bình Triệu. Thụ Nhân trong nước họp mặt ở căn nhà này. Gia đình tôi, các anh chị em đều qua đời cả rồi, chỉ còn các cháu ở Giáo xứ Tân Hòa.

Năm 1975, người ta có ý định tịch thu Trung Tâm này. Cha Võ Văn Bộ, Giám đốc Trung Tâm Fatima, bị bắt vì quá đơn sơ thật thà, ngài không biết gì về chính chị chính em cả. Nhưng hay đồn, hay nói, nghe là nói lại, kể lại, nghe ai nói gì tin nấy. Tôi là Linh mục Chính xứ đầu tiên của Giáo xứ Fatima. Trước đó Cha Võ Văn Bộ là Giám đốc Trung Tâm, chưa thành lập Giáo xứ. Cha phó của tôi là Cha Trần Công Khôi, một linh mục Huế cùng vào Sài Gòn với tôi và qua đời ở đây. Còn có các Cha Nguyễn Liệp, gốc Bùi Chu, và Cha Huyền Linh. Cha Liệp hiện ở Mỹ. Những năm đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn, vì khách hành hương tới đông, tin đồn Đức Mẹ hiện ra ... Một đàng tôi mềm dẻo, một đàng cương quyết không ra đi. Đức Cha Nguyễn Văn Bình bảo tôi bám trụ cho đến khi nào người ta còng đi thì đi. Tôi cũng nói với ngài là tôi không có ý định bỏ cuộc. Ngài hứa sẽ cho tôi một cha phó đủ khả năng thay tôi khi tôi không muốn làm Chính xứ nữa. Năm 1977, Đức Cha Nguyễn Văn Bình đặt tôi làm Chính xứ mà không hỏi ý kiến chính quyền. Khi Cha Bộ được yêu cầu đi nơi khác (chứ không phải bị bắt, sau này mới bị bắt), Đức Cha Bình hỏi ý kiến các cha quản hạt xem có ai về thay Cha Bộ được không? Không ai dám! Đức Cha Bình đề nghị tôi, tất cả đều đồng ý. Trước đó, Đức Cha Bình cũng có nhờ anh Nguyễn Văn Trung dọ ý tôi, xem tôi có chịu không. Tôi trả lời đồng ý nếu có sự ưng thuận của Đức Tổng Giám mục Huế. Đức Cha Bình qua đời, Đức Cha Giám quản Huỳnh Văn Nghi có nói là tôi lớn tuổi rồi, nếu tôi muốn nghỉ thì ngài sẽ sắp xếp. Sau cùng thì Cha Lê Văn Liêu thuộc hạt Thủ Đức thay tôi. Như vậy là tôi làm Chính xứ từ năm 1977 đến năm 2000. Tôi từ chức ngày 11/1/2000.

Những năm tháng đầu của chức vụ chính xứ, tôi gặp nhiều khó khăn, bởi chính quyền không muốn giáo dân quy tụ về đây đông đảo, nhất là những ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Tôi có nói với chính quyền là dân chúng tự đến, tôi không mời ai cả. Nếu có bằng chứng là tôi đứng ra mời, tôi sẵn lòng đi tù. Dân chúng nhớ ngày này còn hơn tôi nữa. Có lần ngày 13/10, khi tôi sửa soạn giờ lễ thì bị kêu ra xã làm việc. Giáo xứ Fatima Bình Triệu bao gồm hai xã Hiệp Bình Phước và Hiệp Bình Chánh, huyện Thủ Đức. Tôi vẫn trả lời như vầy: "Giáo dân hành hương có ý thức cao độ, không bao giờ gây lộn xộn. Khi công an không muốn dân chúng ngủ lại, thì sáu, bảy giờ tối là họ ra về hết". Dần dà công an hiểu tôi hơn, bởi tôi cộng tác hết mình trong công tác xã hội, làm những gì do họ yêu cầu nếu không hại đến mục vụ. Tôi được không biết bao nhiêu bằng khen. Vậy mà cũng phải mất gần 10 năm tôi mới có hộ khẩu!

Hồi đó có một ông tên là Ba Râu, anh ta bảo anh ta quen Công an Thành phố. Có lẽ thật. Tôi nhờ Ba Râu cho tôi gặp Công an Thành phố. Tôi làm việc với ông Tư Châu, nhân vật cao cấp của Công an Thành phố. Có nhiều Cha xin gặp ông, nhưng chỉ mình tôi được chấp thuận. Lúc đầu ông Tư Châu đánh phủ đầu, tôi không sợ, tôi trình bày quá trình công việc tôi đã làm, ông Châu dịu giọng, lúc đầu gọi tôi là ông, sau là Linh mục, sau cùng là Cha. Tôi gặp ông mỗi tuần một lần. Sau đó ông yêu cầu tôi làm một bản lý lịch, tôi khai rõ ràng, rồi thôi. Sau cùng, ông Châu bảo tôi yên tâm, ai hỏi gì cứ chỉ lên ông, cứ ở đây cho đến lúc Đức Cha Bình bảo đi đâu thì đi. Từ đó, họ rất tốt với tôi, cho dù không có hộ khẩu. Năm 1983 tôi được cấp chứng minh nhân dân và hộ khẩu. Giáo xứ Bình Triệu hiện nay có 4000 giáo dân, trong khi lúc tôi mới về chỉ có 1500. Đã có nghĩa trang chôn cất người qua đời. Khách hành hương được thong dong đến kính viếng Đức Me.

Ở đầu bài viết này, tôi (VSH) đã đề cập đến bản đề cương cho cuốn Hồi ký của Cha Nguyễn Văn Lập. Tôi đã thưa với Cha bốn điều. Điều ba và bốn, tôi đã làm với tất cả tâm tình. Điều hai, qua bao nổi trôi của thời cuộc gần đây, Cha Nguyễn Văn Lập chẳng còn lưu giữ được tài liệu gì quý giá, những hình ảnh và bài viết. Vả lại, năm 1975, chính ngài không có ý định giã từ Huế mãi mãi, chỉ có ý định vào Sài Gòn giải quyết một số công việc rồi sẽ trở về nhiệm sở. Làn sóng di tản xuôi Nam đã chặn đường về của vị linh mục Tổng đại diện Giáo phận Huế. Từ đó, ngài chưa một lần quay lại với cố đô. Tài liệu, sách vở của ngài ở Huế cũng cuốn theo chiều gió. Phòng làm việc của ngài hôm nay, trên kệ sách, chẳng còn gì mang hương sắc hình hài Thụ Nhân.

Duy có một điều, một yêu cầu mà tôi cho là quan trọng, là cần thiết, làm nên tầm vóc của cuốn Hồi ký thì đã bị Cha Viện trưởng (rất sáng suốt) cố tình lờ đi. Có những lúc đề cập đến nhân vật này, chính khách nọ trong vòng quen biết của ngài, tôi cố tình đẩy câu chuyện đến chỗ buộc ngài phải đưa ra những nhận định của riêng mình, thì ngài lại ậm ừ cho qua, thậm chí buộc tôi tắt máy ghi âm nếu muốn được nghe ngài kể lể tiếp. Mà kể lể gì đâu, một vài giai thoại, thế thôi. Tôi thất vọng. Còn Cha Viện trưởng, ngài vẫn thản nhiên, nhất định không phê phán một ai, một biến cố nào dưới nhãn quan chính trị.

Trong buổi làm việc lần thứ sáu, ngày 12/12/2000, Cha Nguyễn Văn Lập đưa ra một nhận định hiếm hoi (có thể coi là duy nhất trong suốt câu chuyện dài), về anh em nhà Ngô. Cha nói:

Theo tôi, anh em nhà Ngô bị hiểu lầm. Ông Nhu có thể khác, nhưng Đức Cha và ông Diệm là người tốt. Chỉ vì tin cậy mọi người đến với mình, rồi sa lầy lúc nào không hay”.

Rồi trong buổi làm việc tiếp theo, ngày 4/1/2001, Cha lại nói về Tổng Thống Ngô Đình Diệm:

“Đối với ông Diệm, tôi nghĩ bản thân ông là người rất tốt, rất tin người. Khi xảy ra cuộc đảo chính 1963, tôi vẫn bình tĩnh và không hề có gì xảy ra cho tôi, cho Viện Đại học. Tôi cũng không phải thay đổi gì trong Viện. Ông Diệm có một người cháu là nữ tu Trương Thị Lý tìm được trong túi áo ngực của ông một tràng chuỗi. Có lần ông bảo với Võ Văn Hải mua cho ông cuốn lịch có ngày Tây ngày Ta và các ngày Lễ Công giáo. Ông Hải tìm không ra. Ngày nay loại lịch này khá nhiều, nhưng hồi đó thì chưa. Những người chung quanh ông Diệm làm hư ông. Ông quá tốt”.
 
Cùng liên quan đến gia đình họ Ngô, vào cuối buổi làm việc lần thứ sáu, khi tôi đã chuẩn bị ra về, Cha Lập còn giữ lại để kể cho tôi nghe rằng năm 1960, khi Đức Cha Ngô Đình Thục về nhận Giáo phận Huế, có ý kiến đề cử ông Ngô Đình Nhu ra dự lễ thay mặt chính quyền trung ương. Ông Ngô Đình Cẩn phản đối. Ông Tôn Thất Trạch phải dùng đường dây điện thoại riêng, nhờ Cha Lập trình với ông Diệm cử Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ ra dự. Không ai dám và không ai đủ uy tín bằng Cha Lập để trình điều này với Tổng Thống. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã chấp thuận.

Suốt đời, Cha Viện trưởng Simon Nguyễn Văn Lập chỉ là một nhà giáo dục và một mục tử thuần túy. Linh mục Phan Xuân Thanh, một nghĩa tử của Cha Viện trưởng, đã có lần được nghe Cha bật mí: “Anh Hiên viết báo, thích chuyện giật gân. Nhưng đời tôi chỉ là cho Giáo hội và Giáo dục”.

Những người cùng thời với Cha Nguyễn Văn Lập phần lớn đã vào cõi vĩnh hằng. Trong số các vị còn sống hoặc đã qua đời, có vị đã từng viết hồi ký, nhưng thử hỏi có mấy ai để lại được nỗi nhớ nhung tròn trịa, những tình cảm không sứt mẻ trong lòng hậu sinh!

Buổi hầu chuyện cuối cùng của tôi với Cha Simon Nguyễn Văn Lập là vào ngày 11/1/2001, đúng một năm sau ngày từ chức chính xứ Giáo xứ Bình Triệu (11/1/2000), trong không khí rộn rã của những ngày tất niên, chờ đón năm mới. Vài ngày sau, Cha cho một nữ tu thuộc Tu Hội Bác Ái đem sang tặng tôi một chiếc bánh chưng Như Lan, loại hảo hạng, và một tấm thiệp với lời cầu chúc bằng nét chữ không còn tròn vành. Đến cuối năm, ngày 19/12/2001, Chúa gọi Cha về mang theo nguyện ước đã hơn một lần ngài thổ lộ cho tôi, rằng ngài ao ước một ngày không xa, Viện Đại học Đà Lạt được trao trả lại cho Giáo Hội, rằng Thụ Nhân bốn phương tung cánh về lại tổ ấm, cách riêng Lê Đình Thông về làm Viện trưởng để nối nghiệp Thụ Nhân.

Hôm Cha nằm xuống, kính thưa Cha Viện trưởng, cả trăm sinh viên Thụ Nhân phủ phục bái lạy tiễn biệt Cha. Qua thái độ của Cha suốt những tháng ngày được hầu chuyện với Cha trong ngôi nhà mà Thụ Nhân khắp nơi đã chung sức xây tặng Cha Viện trưởng, con mới vỡ lẽ ra rằng tình cảm yêu quý Cha còn nguyên vẹn (và hơn thế nữa) trong lòng mọi người và trong lòng anh chị em Thụ Nhân. Trước mặt Thiên Chúa, Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập là một người chăn chiên đôn hậu và trước mặt loài người Cha mãi mãi là một nhà giáo dục cao cả.
 
Sàigòn tháng 8-2007
 
Vũ Sinh Hiên
Cao học Chính trị Xã hội Viện Đại học Đà Lạt

Tác giả: Vũ Sinh Hiên

Nguồn tin: www.daihoithunhan.org

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập149
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm147
  • Hôm nay27,117
  • Tháng hiện tại565,156
  • Tổng lượt truy cập56,666,793
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây