Chúa nhật 32 TN C. Anh phải sống

Thứ năm - 07/11/2019 21:57
Chúng ta vốn rất quen thuộc với suy nghĩa: chết để được lên thiên đàng. Thực ra bạn không cần phải chết để được lên thiên đàng; bạn phải sống để được lên thiên đàng, để niềm tin chúng ta thực sự là niềm tin như Chúa Kitô mong muốn.
Chúa nhật 32 TN C. Anh phải sống
(Suy tư Lời Chúa – Chúa Nhật 32 Thường Niên)

Chuyện xảy ra trên đê Yên Phụ dòng sông Nhị Hà, đâu đó ở Bắt Việt:

Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé! …Không? Anh phải sống!

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để mình xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.”
(Anh Phải Sống – Nhất Linh, Nhóm Tự Lực Văn Đoàn)

Đã từ lâu rồi, từ thời mài đủng quần trên ghế nhà trường của năm lớp 6, đọc tác phẩm này của Nhất Linh, tôi đã hiểu ít nhiều ý nghĩa của đời sống và của cái chết, và ý nghĩa của chúng chính là tình yêu. Không có tình yêu, bạn chẳng sống mà cũng chẳng chết. Không có tình yêu, tôi chỉ đơn giản có mặt trên đời và rồi biến mất khỏi cuộc đời…cách vô nghĩa. Đây là định nghĩa Thánh Phao Lô nói về sự sống chết: “Không ai sống cho mình, cũng không ai chết cho chính mình. Chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết cũng là chết cho Chúa.” (Rom 14: 7-9) ) Sống hay chết cho Chúa tức là sống và chết cho tình yêu.

Chúng ta vốn rất quen thuộc với suy nghĩa: chết để được lên thiên đàng. Thực ra bạn không cần phải chết để được lên thiên đàng; bạn phải sống để được lên thiên đàng, để niềm tin chúng ta thực sự là niềm tin như Chúa Kitô mong muốn.

Thánh Justino, vào đầu thế kỷ thứ 2 trong thời hoạn nạn mà các cộng đoàn tín hữu bị bách hại do chính quyền Roma, bị đưa ra tòa và chuẩn bị xử trảm vì không chịu dâng hương tôn thờ hoàng đế Roma như là một hành vi chối đạo. Đứng trước quan Thủ Phủ Rusticus, kẻ hỏi thánh nhân cách nhạo báng: “Bộ ngươi tin rằng sau khi ta chém đầu ngươi, ngươi sẽ lên thiên đàng phải không?” Thánh Justino trả lời: “Tôi không tin; tôi BIẾT chắc điều đó.”

Sự sống và sự chết không còn khác biệt chi mấy đối với những kẻ sống với tình yêu. Họ sống trọn vẹn cho đến khi sự chết hoàn tất cuộc sống đó và kiện toàn cuộc sống đó. Cũng như người vợ trong chuyện của Nhất Linh đã sống trọn cuộc sống mình khi muốn “Anh Phải Sống” cho anh và cho ba đứa con, nước Thiên Đàng mà chúng ta thường nói tới chỉ có thể là một thực tại cho ta nếu ta thực sự sống cho nó hôm nay. Chính đời sống hôm nay mang thiên đàng lại cho bạn chứ không phải cái chết; nếu không thiên đàng chỉ là một khái niệm vu vơ, một utopia, một sự tưởng tượng lý thú nhưng bấp bênh khi đối diện với thách đố và hoạn nạn trong đời sống.

Mầu nhiệm phục sinh của những kẻ chết trong Kitô giáo không phải đến từ một giả thuyết hay triết lý, nó cũng chẳng đến từ một mơ ước mông lung của tâm lý, nó cũng chẳng là một phỏng đoán của thần học. Mầu nhiệm phục sinh của kẻ chết trong Kitô giáo đến từ những nhân chứng thấy bằng mắt sờ bằng tay của các tông đồ, bạn hữu của Đấng Cứu Chuộc, Đức Giêsu Kitô.

Trong Cựu Ước, niềm tin này mất hằng bao thế kỷ mới bắt đầu có trong hàng con cái Israel, nhờ vào những mẫu mực sống của các tổ phụ và gương mẫu trung thành cho đến chết của những anh em nhà Maccabê. Chính nhờ họ sống trung thành tuân giữ luật Chúa cho đến cùng mà dân Do Thái mới bắt đầu thấy được sự sống vĩnh cữu qua niềm tin kẻ chết sẽ phục sinh.  Trong khi đó giới Sadduceo, vốn bị kẹt cứng trong lý luận thần học, nhận ra sự bất tử của linh hồn, nhưng không thể tin vào sự phục sinh. Họ có cái đầu để suy luận, nhưng không có trái tim cho tình yêu để mầu nhiệm của Chúa măc khải cho họ.

Nên nhớ rằng chuyện linh hồn bất tử là do triết lý; bạn không cần phải là tín hữu kitô mới tin được chuyện này. Mầu nhiệm chúng ta cử hành trong thánh lễ mỗi ngày là mầu nhiệm Chúa Kitô chết và phục sinh từ cõi chết, chứ không phải là chuyện linh hồn bất tử.

Càng sống đức tin của mình, bạn càng biết và cảm nếm mầu nhiệm thiên đàng, một cuộc sống với Thiên Chúa đang cùng lớn lên với bạn. Và khi đến nhà thờ trong thánh lễ là lúc bạn cử hành mầu nhiệm này. Tôi nói cử hành chứ không phải là đi học. Thánh lễ không phải là nơi để trau dồi kiến thức; nó không phải là một lớp học kinh thánh để chúng ta đòi hỏi một bài giảng cho hay hoặc một nghi thức cho đàng hoàng. Đành rằng những điều này nên có và phải có, nhưng bản chất của thánh lễ vẫn là việc cử hành của những người sống niềm tin trong việc bẻ bánh và chia sẻ mầu nhiệm của Lời Chúa. Mầu nhiệm Nước Trời không hề tùy thuộc vào chuyện ai biết hơn ai, nhưng tùy thộc vào việc ai yêu hơn ai.

Để trả lời cho nhóm Sadduceo, khi họ dùng một lý luận của con người về cơ chế hôn nhân trong luật Do Thái nhằm phản bác mầu nhiệm phục sinh của kẻ chết, Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Jacob. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải là của kẻ chết.” Ai có thể hiểu được điều này? Chỉ có những người sống trong tình yêu cho Thiên Chúa và cho anh em mình. Họ có thiên đàng trong lòng mình và biểu hiện thiên đàng trong đời sống. Họ nói là họ tin, nhưng thực sự họ đã biết. Tình yêu đã khiến họ sống trong thiên đàng, và tình yêu khiến họ biết thiên đàng. Họ chấp nhận trả giá đắt đỏ cho kho tàng Nước Trời; họ can đảm chiến đấu cho giá trị của Nước Trời. Họ mạnh mẽ đi qua cửa hẹp, một cuộc chạy đua đạt đến đích vinh quang. Nếu chỉ chết mà vào Nước Trời thì còn gì là kho tàng vô giá của vĩnh cữu? Anh phải sống! Bạn phải sống để có Thiên Đàng.

Vấn đề không nằm ở chỗ đạt được thành công trong việc sống lý tưởng Kitô giáo; vấn đề luôn nằm ở nỗ lực mỗi ngày, dầu thất bại hay tội lỗi, ta vẫn tin vào giá trị của sự sống nó trao ban. Tình yêu cho Thiên Chúa và lý tưởng cho chân lý có thể khiến bạn phải khốn đốn, nhưng không có tình yêu, bạn sẽ không thể sống có ý nghĩa và sẽ không thể chết cách hạnh phúc.

Tôi không nhớ câu của bài hát sau đây là của ai. Tôi chỉ nhớ là mình đã hát nhảm nhí theo lủ trẻ trong xóm lúc còn nhỏ: “Sống mà không có tình yêu thì như chết rồi mà biết thở…” Nghe lại cũng thấy có lý lắm đó chứ?

Tác giả: Lm Peter Trương Văn Thường HT74

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: thiên đàng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập155
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm153
  • Hôm nay24,995
  • Tháng hiện tại563,034
  • Tổng lượt truy cập56,664,671
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây