Sau Bốn Thập Niên – Hương Vĩnh. Phần 3

Thứ sáu - 20/03/2015 11:55

-

-
Nhà Hưu Dưỡng các Linh Mục Tổng Giáo Phận Huế nằm trong khuôn viên tòa Tổng Giám Mục Huế. Nơi đây trên dưới mười linh mục nghỉ hưu. Mỗi linh mục ở trong một căn phòng tươm tất, đầy đủ tiện nghi tối thiểu.
Sau Bốn Thập Niên – Hương Vĩnh. Phần 3
 
V.- THĂM CỐ ĐÔ HUẾ
 
Mùa hè năm 2004, tôi đã đi thăm Huế và Đà Nẵng do Sàigòn Tourist tổ chức, nhưng không đi Quảng Bình và Quảng Trị vì lúc đó là mùa mưa bão. Lần nầy tôi đi tour của Viettravel bao gồm Huế - Quảng Bình - Quảng Trị và Đà Nẵng.
 
Khi máy bay từ Sàigòn đáp xuống phi trường Phú Bài Huế, chúng tôi được đi thăm viếng lăng Tự Đức. Ban chiều, thay vì đi xem Đại Nội và chùa Thiên Mụ mà tôi đã biết, tôi lợi dụng thời gian đó đi thăm Nhà Hưu Dưỡng của các linh mục Tổng Giáo Phận Huế, nghĩa địa các linh mục Huế ở đồi Thiên Thai, nghĩa trang các thai nhi bị phá ở Ngọc Hồ, và Đại Chủng Viện Huế (Phú Xuân - Kim Long).
 
Nhà Hưu Dưỡng các Linh Mục Tổng Giáo Phận Huế  
 
Nhà nầy nằm trong khuôn viên tòa Tổng Giám Mục Huế. Nơi đây trên dưới mười linh mục nghỉ hưu. Mỗi linh mục ở trong một căn phòng tươm tất, đầy đủ tiện nghi tối thiểu. Tôi ghé thăm bốn linh mục mà tôi quen biết. Các ngài đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy” và gần được tám bó, nhưng cố gắng để trở nên năng động.
 

Nhà Hưu Dưỡng các Linh Mục Giáo Phận Huế
 
Cách đây mười năm, khi tôi đi thăm cố đô Huế, tôi được cha B. lúc bấy giờ là giáo sư Đại Chủng Viện Huế, đã đi xe gắn máy đến thăm tôi ở khách sạn, sau khi tôi đi ăn cơm lúc 7 giờ tối trở về cùng với đoàn du khách. Sau đó ngài chở tôi bằng xe gắn máy đi thăm Đại Chủng Viện Huế lúc 8 giờ tối. Ngài còn cho tôi dạo chơi một vòng thành phố Huế.
 
Thế mà ngài đã vào ở Nhà Hưu Dưỡng một hai năm nay. Khi tôi mở cửa vào phòng, ngài đang ngồi ở bàn viết và đang soạn thảo cuốn “Tự Điển Latinh Việt”. Ngài vui vẻ cho biết một linh mục trẻ đã hứa với ngài, nếu ngài có mệnh hệ gì mà cuốn tự điển chưa hoàn tất, linh mục đó sẽ tiếp tục công việc còn dở dang của ngài.
 
Sau đó tôi ghé thăm cha N. Khi còn trẻ, ngài đã từng là cha xứ nhiều họ đạo và có thời gian là linh mục tuyên úy trước 1975. Nhưng giờ đây, ngài đi đứng hơi khó khăn, với những bước chậm chạp, thật tôi nghiệp!
 
Linh mục mà tôi thăm viếng tiếp theo là cha Q. Ngài vừa giải phẫu ung thư và sáng đó ngài vừa đi kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện về. Mặc dù thế, ngài có vẻ năng động. Khi tôi bước vào phòng, ngài đang sử dụng máy điện toán. Ngài nhắc lại nhiều kỷ niệm mà tôi đã quên bẵng mấy chục năm qua. Ngài còn minh mẫn và trí nhớ thật tuyệt vời!
 
Sau cùng tôi thăm viếng cha H. Khi tôi vào phòng, ngài đang ngồi trên ghế dựa và chăm chỉ đọc sách. Có thể đó là giờ “lectio divina” của ngài? Tôi không dám hỏi. Hình như ngài không được khoẻ lắm, có thể vì vấn đề tim mạch?
 
Sau mấy thập niên, gặp lại các ngài, thời gian đã mài giũa các ngài từ những linh mục năng động thuở nào, nay đang đi đần vào tuổi xế bóng. Đó là định luật “sinh lão bệnh…”
 
Còn linh mục A., vốn là một giáo sư Đại Chủng Viện Phú Xuân, cũng đã nghỉ hưu ở đây. Nhưng hiện nay ngài mắc bệnh Alzheimer nên vừa dọn về sống với gia đình, để được săn sóc chu đáo hơn.
 
Sau hơn nửa giờ thăm viếng vài linh mục ở Nhà Hưu Dưỡng, tôi bỗng nhớ lại cuộc gặp gỡ một linh mục khác – cha L. – cách đây 15 năm ở tại Canada như được ghi lại trong câu chuyện “Dọc Đường Gió Bụi”.
 
Dọc Đường Gió Bụi (1)
 
Ròng rã trên bốn thập niên, tình cờ tôi gặp lại một linh mục Việt-nam – nay đã 60 tuổi đời và bắt đầu chuỗi ngày hưu trí. Linh mục đó là bạn học của tôi khi còn ở chủng viện, nhưng chúng tôi đã chia tay nhau để rồi kẻ Trung, người Nam và mỗi người lưu lạc theo một định hướng riêng, ở một phương trời xa lạ, dưới sự quan phòng của Chúa.
 
Rồi cuối cùng chúng tôi đã tái ngộ trên một đất nước tạm dung, mang lại cho tôi nhiều suy tư. Người ta thường nói: “Người già sống với quá khứ, tuổi trẻ hướng về tương lai, còn người trung niên sống với hiện tại”. Có lẽ tôi đã bắt đầu cuộc đời xế bóng nên thích hướng tâm tư về với dĩ vãng.
 
Hồi đó, tôi đã giã từ bạn tôi ở miền Trung để vào Nam tiếp tục con đường học vấn, còn bạn tôi vẫn tiếp tục con đường tu học để trở thành linh mục. Và gót chân người chiến sĩ Phúc Âm đó, vì tình hình chính trị thay đổi sau nầy, đã đi gieo vải Tin Mừng từ Trung vào Nam nước Việt và cuối cùng định cư ở Canada từ trên một thập niên trở lại đây.
 
Nhìn lại quá khứ của hai chúng tôi, cuộc đời đã trở nên như một dòng sông định mệnh mà chúng tôi có lúc đã gặp gỡ nhau trên một chuyến đò để rồi mỗi người xuôi ngược một hướng khác nhau và đến một thời điểm nào đó, khi trời đã về chiều, chúng tôi lại gặp nhau trên chuyến đò đó để mau mau vội vã trở về nhà Cha.
 
Vô tình, bạn tôi và tôi đã trở thành đôi bạn tri âm trong “Câu Chuyện Dòng Sông” (“Siddhartha”) của Hermann Hesse – mang tên Thiện Hữu và Tất Đạt – để lăn lóc trên vạn nẻo đường đất nước và ở hải ngoại.
 
Cũng như Thiện Hữu đã tìm sự giải thoát nơi Đấng Đại Giác, bạn tôi đã tìm sự cứu rỗi nơi Chúa Kitô, bằng cách loan báo Tin Mừng, trong vai trò một “Kitô khác”. Còn tôi, tôi đã trở thành Tất Đạt, khi chàng thân thưa với Đấng Đại Giác như sau: “Bạch Đấng Đại Giác, hôm qua tôi đã hân hạnh được nghe những lời chỉ giáo tuyệt vời của Ngài. Tôi từ xa đến với bạn tôi để nghe Ngài và bây giờ bạn tôi ở lại với Ngài, bạn tôi đã nguyện theo Ngài. Còn tôi, tôi vẫn tiếp tục hành trình.” (2)
 
Tôi đã giã từ bạn tôi vào mùa hè 1957 để ai nấy “tiếp tục hành trình” của riêng mình và có lẽ tôi cũng đã nói với bạn tôi những lời giã biệt của Tất Đạt như dưới đây, nhưng bằng những ngôn từ trong một ngữ cảnh khác: “Mong sao cho bạn đi cuộc hành trình cho đến cùng, cho bạn tìm ra giải thoát!” (3)
 
Tình cờ hôm nay đây, tôi gặp lại bạn tôi, cũng tương tự như Thiện Hữu đã gặp lại Tất Đạt. Lúc đó Thiện Hữu là một Sa môn khất sĩ tuổi cao vẫn đang trên con đường tìm kiếm chân lý, tình cờ đã gặp lại Tất Đạt là ông lái đò già nua. Và Tất Đạt đã buông ra những lời nầy với Thiện Hữu: “Ngài tìm kiếm quá nhiều, và bởi vì ngài tìm kiếm quá nhiều, ngài không thể gặp được.” (4)
 
Dưới nhãn quan Thánh kinh, bạn tôi là người con trưởng – tức anh Hai – còn tôi là người con thứ – tức anh Ba – trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”. Bạn tôi đã ở lại với Cha để chăm nom nhà cửa ruộng vườn – vườn nho – của Cha; còn tôi, tôi đã xin Cha chia nửa gia tài cho tôi để tôi được ra đi cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ.
 
Nay hai anh em gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng và tôi không thấy nơi bạn tôi chút gì ganh tị khi biết Cha quá thương yêu tôi, mặc dù tôi đã bỏ nhà Cha ra đi vì “cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời”. (5)
 
Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại nầy. Đó là lời thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn luôn luôn tha thiết đi tìm giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt.” (6)
……
 
Cuộc tái ngộ giữa bạn tôi và tôi gần nửa thế kỷ qua đã gợi lại cho tôi câu chuyện trao đổi thẳng thắn giữa Thánh Gióp và Thiên Chúa. Cùng với ngài, tôi xin cất lên Chúa lời khấn nguyện sau đây: “Lạy Chúa! Chúa đã chất vấn và con đã trang trải tấm lòng 'đầy cát bụi và dơ bẩn'. Bây giờ đến lượt con, trong suốt những ngày còn lại, con sẽ thành thật bộc lộ cho Chúa những câu hỏi vương vấn tâm hồn con. Và con biết rằng: chỉ có Chúa mới là CÂU TRẢ LỜI độc nhất vô nhị cho lòng khát vọng của con.” (7)
 
Nghĩa Trang Thiên Thai
 
Sau khi rời Nhà Hưu Dưỡng, tôi và anh bạn đến viếng Nghĩa Trang Linh Mục ở Thiên Thai vào khoảng 3 giờ chiều. Lúc bấy giờ, vì là mùa đông, bầu trời không trong sáng lắm, lại thêm cơn gió nhẹ thổi lên nên quang cảnh có phần hiu hắt, nếu không muốn nói là hơi thảm đạm thê lương!
 

Nghĩa Trang các Linh Mục Tổng Giáo Phận Huế ở Thiên Thai
 
Trong nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi đã rảo qua những ngôi mộ sơn màu trắng xoá. Mỗi khi gặp ngôi mộ của một linh mục mà tôi quen biết, tôi dừng lại ít phút, đọc vài kinh, cầu nguyện cho linh hồn các ngài được về hưởng Nhan Thánh Chúa. Đặc biệt, tôi dừng chân khá lâu trước mộ phần của linh mục J.M. Nguyễn Văn Thích, một linh mục khả ái, thánh thiện và nổi tiếng của Tổng Giáo Phận Huế.
 
Tôi cũng dừng chân khá lâu trước mộ phần của hai linh mục Bửu Đồng và Bửu Hiệp là hai anh em. Cụ Ưng Trạo, thân sinh của hai ngài và bà ngoại tôi – cụ bà Công Tôn Nữ thị Hồi – là hai chị em thúc bá nên hai ngài gọi bà ngoại tôi bằng cô, còn tôi gọi hai ngài bằng cậu. Trước kia lâu lắm, khi cha Bửu Hiệp là cha xứ họ đạo Qui Lai, gần giáo xứ Tân Mỹ, mỗi hè tôi thường đạp xe đạp từ thành phố Huế xuống ở chơi với ngài vài ngày hay một tuần lễ.
 
Đứng trước mộ phần các linh mục mà một số đông khi sinh thời tôi quen biết – một số vị là cha xứ, một số vị khác là Bề Trên hay giáo sư chủng viện – tôi mới cảm thấy thấm thía ý nghĩa của thành ngữ “sinh ly tử biệt”. Trong lúc suy tư như thế, tôi nhớ đến câu chuyện “Về Từ Cõi Sáng” mà một người bạn thân kể cho tôi nghe và, trong niềm mong ước của tôi, tôi cũng cầu xin cho các ngài được về cõi sáng đời đời của Chúa.
 
Về Từ Cõi Sáng
 
Anh T. kể cho tôi nghe câu chuyện riêng tư của anh như sau: Cách đây mấy năm, bà xã của anh qua đời, sau một cơn bạo bệnh. Bà xã của anh vốn là một Phật tử, nhưng khi ở bậc trung học đã theo học trường Saint Paul ở Sàigòn và Couvent des Oiseaux ở Dalat nên biết nhiều về đạo Công giáo và rất muốn tin theo.
 
Khi gặp anh và đi đến hôn nhân, chị hoàn toàn đồng ý theo đạo Công Giáo. Trong cuộc sống đạo, chị không biết nhiều về kinh kệ, nhưng Đức Tin của chị rất vững vàng. Vì vậy, trong cơn bệnh hoạn, theo lời khuyên bảo của anh, chị đã vui vẻ chấp nhận mọi sự đau đớn để đền tội và cầu xin Chúa thứ tha.
 
Khi chị qua đời, trong thời gian tám tháng đầu, anh rất đau buồn và chỉ biết cầu nguyện cùng xin lễ cho chị mà thôi. Thỉnh thoảng ban đêm anh nằm mơ thấy chị một cách lờ mờ “như người đi đêm”.
 
Kế đó – khoảng 8 tháng sau khi chị qua đời – dịp Giáng Sinh đến, anh ở nhà một mình, khi các con cháu đi nghỉ ba tuần lễ ở Hawai với bạn bè, một đêm anh nằm mơ thấy chị rất trẻ đẹp như lúc tuổi đôi mươi, khi còn là một sinh viên. Chị nhìn anh mỉm cười và không nói năng gì. Do đó, anh vơi đi nỗi đau buồn phần nào.
 
Rồi dịp Tết Dương Lịch đến, một đêm anh nằm mơ thấy chị sáng láng như câu chuyện Chúa biến hình trên núi Taborê như được ghi lại trong Phúc Âm Thánh Matthêu (Đoạn 17): “(1) Sáu ngày sau, Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo bên mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. (2) Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.
 
Kể từ đó, anh không nằm mơ thấy chị nữa. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ, anh nghe chị nói là anh đừng lo lắng cho chị vì nay chị rất hạnh phúc, khác với trước đây rất đau đớn khi bị bệnh hoạn. Chị còn khuyên anh: “Hãy vui lên và sống an bình!” (“Joy and Peace”)
 
Khi anh kể lại câu chuyện trên với một linh mục thân quen thì ngài cho biết từ nay có thể xin chị khẩn cầu cho những lúc gặp khó khăn. Và sự thật đã xảy ra như thế. Mỗi khi gặp khó khăn xảy đến cho cuộc sống của anh hay của gia đình, anh liền nghĩ tới chị, xin chị cầu nguyện và mọi chuyện đều được giải quyết ổn thoả!
 
Nghĩa Trang Thai Nhi hay Đồi Thiên Thần
 
Bên tả ngạn sông Hương, cách thành phố Huế độ 15 km về hướng tây, tại làng Ngọc Hồ (thị xã Hương Trà, Huế), cách chùa Thiên Mụ khoảng 5km, hiện lên một ngọn đồi người ta quen gọi là “Đồi Thiên Thần”, hay “Nghĩa Trang Thai Nhi” hoặc “Nghĩa Trang Anh Hài”, nơi chôn cất hơn 60.000 thai nhi bị phá bỏ (vào thời điểm mà tôi thăm viếng).
 
Nghĩa trang nầy được xây cất năm 1992 với mục đích ban đầu chỉ dùng làm nơi an táng cho các thai nhi xấu số qua đời vì bệnh tật, nhưng trải qua thời gian, đây lại là nơi an táng của hơn... 6 vạn thai nhi mà đa phần bị vứt bỏ. Toàn bộ khu nghĩa trang được bao phủ bởi một màu trắng xóa đến lạnh người, màu trắng của các nấm mồ, màu trắng của các tượng thiên thần, màu trắng của các hũ đang đợi để… đựng hài cốt các thai nhi bị phá.
 
Theo người coi sóc, toàn bộ khu Nghĩa Trang Anh Hài có diện tích khoảng 5 ha với hơn 60 nghìn thai nhi nằm trong các ngôi mộ mà phần lớn đều vô danh chỉ có ngày tháng năm chôn cất. Bên cạnh những ngôi mộ đã cũ còn có những ngôi mộ được làm sẵn như đang đợi để an táng các hài nhi vô tội.
 

Hơn 60 ngàn hài nhi vô tội bị phá bỏ được chôn cất tại “Đồi Thiên Thần

 
Khi ngậm ngùi suy tư đến sự bất hạnh đớn đau của các thai nhi vô tội bị giết một cách oan uổng, tôi nhớ tới bài thơ “Mẹ Ơi Xin Đừng Giết Con” như dưới đây.
 
Mẹ Ơi Xin Đừng Giết Con (8)
 
Mẹ ơi!
Con là hòn máu đỏ lòm của Mẹ:
Một thai nhi tuy chưa cử động nói năng,
nhưng có đủ cơ phận con người…
Con vốn kết tinh bởi khí huyết mẹ cha
Trong một phút ân ái đậm đà:
Trong vòng lễ giáo hay vụng trộm,
Nhưng kết quả đâu có khác…
Con là mầm sống còn trong trứng nước.
Khi trọn tháng ngày sinh nở,
Con sẽ là một em bé mũm mĩm thiên thần!
Mẹ ơi!
Mẹ nỡ lòng nào lại muốn giết con???
Con chưa cất tiếng khóc chào đời,
Chưa được thấy ánh mặt trời chói lọi,
Chưa nhìn ngắm mưa rơi tí tách trên hè phố.
Con chưa được uống đôi dòng sữa Mẹ,
Chưa được bàn tay Mẹ âu yếm vỗ về,
Chưa một lần được nghe tiếng Mẹ ru hò à ơ!
Con hoàn toàn là hòn máu vô tội,
Con chưa thốt một lời khiến đau lòng Mẹ.
Con chưa xúc phạm đến Mẹ một lần!
Sao Mẹ nhẫn tâm muốn giết hại con!!!
Những oan trái cuộc đời của Mẹ
Trút xuống thân phận mỏng dòn
Và vô phương tự vệ của con.
Mẹ muốn bảo tồn hư danh của Mẹ
Bằng cách cất lấy mạng sống con đi!
Một phút lỡ lầm của Mẹ
đánh đổi bằng chính sinh mạng của con???
Những khó khăn trong cuộc sống thường nhật của Mẹ
được khỏa lấp bằng cái chết oan nghiệt của con???
Mẹ ơi!
Con đâu có tội tình gì
Mà phải phanh thây nát đầu,
Tay chân tả tơi…như bị xâu xé bởi mãnh thú???
Mẹ đang ngồi chờ ở phòng nạo phá thai
để đưa con vào chỗ sát sinh,
với đôi mắt đỏ hoe nhỏ lệ,
Mẹ đành lòng xin bác sĩ xé xác con đi!
Mãnh thú còn biết bảo vệ con thú nhỏ,
Mẹ làm người có lương tâm đạo lý,
Sao Mẹ nhẫn tâm đến độ ghê tởm:
Cho phép bác sĩ bầm dập thân con!!!
Khi con tan xương thịt nát,
Mẹ lê bước đến những phần mộ vô danh
ở Nghĩa Trang Đồng Nhi Pleiku,
hoặc Nghĩa Trang Các Thánh Anh Hài ở Huế…
Với nhang khói và hoa tàn trong tay
Mẹ khóc than trong ân hận,
khi thân xác con trở thành cát bụi hư không,
do chính bàn tay tàn ác của Mẹ!!!
Mẹ ơi!
Con van lạy Mẹ!
Con van lạy Mẹ muôn ngàn lần,
Khi Mẹ đang đọc những lời con gào thét đây!
Xin Mẹ đừng bịt tai
Khi lương tâm Mẹ đang kêu gào:
Hãy dừng tay lại!
Hãy dừng tay lại!
Mẹ ôi!
Kẻo rồi đây, mọi sự đều quá trễ!!!
Nếu Mẹ có ăn năn thì sự đã rồi!
Mẹ có ân hận suốt đời,
Tiếng nói lương tâm của Mẹ
Cũng sẽ không bao giờ im bặt!!!
Còn con đã đi vào cõi vĩnh viễn hư không
của những cô hồn vất vưởng,
để làm chứng tá cho những tội ác tày trời của Mẹ!!!
(Thai nhi bất hạnh của Mẹ)
 
Đại Chủng Viện Huế (Phú Xuân - Kim Long)
 
Giã từ Nghĩa Trang Thai Nhi Ngọc Hồ, tôi đi thăm viếng Đại Chủng Viện Huế, trước đây là Tiểu chủng viện Phú Xuân ở Kim Long, vào lúc 5 giờ chiều – thời điểm mà Cha Bề Trên cho biết là thuận tiện cho ngài.
 
Đại Chủng Viện Huế là một trong 8 đại chủng viện ở Việt Nam. Đại chủng viện này tọa lạc tại số 30, đường Kim Long, thành phố Huế, chuyên đào tạo linh mục cho Giáo Phận Huế và ba giáo phận: Đà nẵng, Kontum và Hưng Hoá. Giám đốc Đại Chủng Viện hiện nay là cha Giuse Hồ Thứ.
 
Từ năm 1975, sinh hoạt Đại Chủng Viện Huế bị gián đoạn. Ngày 22 tháng 11 năm 1994, Đại Chủng Viện Huế khai giảng trở lại với 40 chủng sinh của hai giáo phận Huế và Đà Nẵng. Bắt đầu từ đây, Đại Chủng viện Huế được đặt dưới sự quản lý của các linh mục thuộc Hội Xuân Bích. Từ năm 1998 có thêm chủng sinh của giáo phận Kontum, và từ niên khoá 2014-2015 có thêm chủng sinh của giáo phận Hưng Hoá. Sau 20 năm tái hoạt động, đến nay đã có 14 khóa nhập học. Và gần 200 tân linh mục đã được tấn phong! Một Hồng Ân lớn lao của Chúa đã ban cho Đại Chủng Viện Huế.
 
Hiện nay, Đại Chủng Viện Huế có 12 Linh Mục trong Ban Giám Đốc, 32 Linh Mục Giáo Sư ngoại trú và 174 Chủng Sinh của bốn Giáo Phận kể trên cùng 55 tu sĩ của hai Dòng (Thánh Tâm và Thiên An Huế) đang theo học các lớp từ Tu Đức đến Thần học III.
 
Nhà Nguyện ở chính giữa là trái tim của Đại Chủng Viện. Sau Nhà Nguyện là Nghĩa Trang – nơi an nghỉ của 56 vị linh mục, chủng sinh, trong đó có 26 thừa sai người Pháp. Đó là những Vị đã hăng say và tận tụy với sứ vụ loan báo Tin Mừng, sẵn sàng đem niềm vui Tin Mừng của Chúa gieo vãi trên khắp mọi miền đất nước.
 

Nhà nguyện Đại Chủng Viện Huế
 
Trong nửa giờ đồng hồ, tôi và anh bạn được Cha Bề Trên tiếp đón vui vẻ. Ngài đưa đi thăm viếng Nhà Nguyện là ngôi nhà thờ cũ kỹ tồn tại từ trước đến nay. Ngoài ra các dãy nhà trệt trước đây được lên lầu để có thể làm chỗ ở cho 174 thầy và trong tương lai có thể lên đến 200 thầy. Vì thế công việc xây cất vẫn còn tiếp diễn cùng với việc tân trang Nhà Nguyện nữa.
 
Nhìn công việc lớn lao nầy do Cha Bề Trên đảm trách, tôi rất khâm phục. Ngài còn trẻ, người thon nhỏ, rất linh hoạt, luôn vui cười niềm nở. Tôi rất cảm mến và thưa với ngài: “Đúng thật! Cha là hậu sinh khả uý!” Ngài tươi cười đáp lại: “Hậu sinh khả ố!” Nhưng theo tôi, phải hiểu ngược lại mới đúng. Rồi Cha Bề Trên đã khiêm tốn nói với chúng tôi: “Đó là công việc của Chúa!”
 
Quả thật, đó phải là công việc của Chúa vì sở phí xây cất gần cả triệu dollars và có thể cần vài trăm ngàn dollars nữa! Nếu không có bàn tay của Chúa thì con người khó thực hiện một công tác lớn lao như thế!
 
Tôi được anh em ở Sàigòn cho biết, năm trước đây, Cha Bề Trên đã lặn lội vào Sàigòn xin phép được quyên tiền vào một số Thánh Lễ Chúa nhật tại hơn 20 giáo xứ. Vào mỗi Thánh Lễ, ngài đã dâng Thánh Lễ và giảng thuyết để xin giáo dân giúp đỡ. Các anh em Cựu Chủng Sinh Huế mang các oi xin tiền đứng ở các cửa ra vào nhà thờ.
 
Ơn gọi
 
Khi đề cập đến vấn đề “Ơn Gọi”, tín hữu Công Giáo nghĩ ngay đến ơn gọi làm linh mục và tu sĩ mà thôi. Về điểm nầy, Chúa đã phán: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Gio 15, 16). Và Chúa còn nói rõ hơn: “Vì kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít” (Mt 22, 14). Ít cho đến nỗi, các chủng sinh nhập học năm đầu và sau 15 năm (8 năm tiểu chủng viện và 7 năm đại chủng viện), hoặc sau 7 năm (7 năm đại chủng viện) chỉ còn độ 10% nhận lãnh thánh chức linh mục.
 
Như vậy 90% còn lại ra sao? Xưa kia, mỗi khi một chủng sinh xin rút lui vì không thể tiếp tục con đường tu học để trở thành linh mục thì được phán một câu xanh rờn: “Mua vé tàu suốt xuống hoả ngục.” Có thể quan niệm nầy không được chấp nhận trong bối cảnh “Ơn Gọi” ngày nay.
 
Vào khoảng 1952-1953, một chủng sinh khá xuất sắc, không muốn tiếp tục sống trong Chủng Viện Phú Xuân nữa, đã gặp Đức Cha Hiền lúc bấy giờ là Bề Trên Chủng Viện Phú Xuân để xin hồi tục. Ngài yêu cầu đợi một đêm để ngài cầu nguyện. Hôm sau, ngài đồng ý cho chủng sinh đó ra về vì ngài căn cứ theo câu Chúa phán trong Phúc Âm với chàng thanh niên giàu có muốn sống cuộc đời hoàn thiện: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì hãy đi bán tài sản của anh, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21). Nhưng chàng thanh niên đó đã khước từ vì anh ta giàu có quá!
 
Đức Cha Hiền căn cứ vào câu Phúc Âm trên đây nên đã chấp thuận cho chủng sinh đó ra về vì theo ngài, Chúa đã xác định “nếu anh muốn” (tiếng Pháp: “si tu veux”; tiếng Latinh: “Si vis”), chứ Chúa không bắt buộc, Nhưng đối với một số linh mục trong Ban Giám Đốc và Ban Giáo Sư thời đó không hoàn toàn đồng ý.
 
Chọn Chúa chứ không phải công việc của Chúa
 
Thật ra mọi tín hữu cũng có ơn gọi. Đó là “ơn gọi nên hoàn thiện” như Chúa đã phán trong Phúc Âm Thánh Matthêu: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Hoàn thiện là biết sống theo Thánh Ý Chúa!
 
Trong quyển sách “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá”, ở “chiếc bánh thứ hai”, Tôi Tớ Chúa ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!” Ngài còn viết thêm, khi bị biệt giam: “Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây (trại giam Phú Khánh), chứ không phải nơi khác.

 

Tác giả: Đỗ Tân Hưng AN49

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập776
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm772
  • Hôm nay139,124
  • Tháng hiện tại1,051,388
  • Tổng lượt truy cập57,153,025
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây