Về việc ĐTC sắp cử Đại Diện không thường trú ở Việt Nam.

Thứ ba - 17/04/2012 12:07

-

-
Trước hết, phải nói đây là một biến cố đáng chú ý trong quan hệ giữa Tòa Thánh và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Đáng chú ý để theo dõi vì sự kiện sơ khởi trên đây có thể mở đường đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam.
Về việc ĐTC sắp cử Đại Diện không thường trú ở Việt Nam.
 
Tác giả: Lm Ngô Tôn Huấn - Ngày đăng: 01/08/2010

Dư luận trong và ngoài Việt Nam chưa hết xôn xao về tin Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 sắp cử vị Đai diện không thường trú của ngài (non-resident Representative) ở Việt Nam sau phiên họp thứ 2 giữa Thứ Trưởng ngoại giao của Tòa Thánh và Việt Nam trong hai ngày 23 và 24 tháng 6 vừa qua tại Rome.

Trước hết, phải nói đây là một biến cố đáng chú ý trong quan hệ giữa Tòa Thánh và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Đáng chú ý để theo dõi vì sự kiện sơ khởi trên đây có thể mở đường đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam.
 
Hai bên sẽ còn họp bàn lần thứ 3 nữa và lần này sẽ họp ở Hà Nội.
 
Tưởng cũng nên nhắc lại là từ trước đến nay, Tòa Thánh chưa từng có quan hệ ngoại giao chính thức với bất cứ chánh quyền nào ở Việt Nam vì nhiều lý do tế nhị. Cụ thể, trong thời gian Việt Nam bị chia cắt với hai chế độ chính trị ở Miền Bắc và Miền Nam, Tòa Thánh chỉ cử Khâm Sứ (Apostolic Delegate) ở Sàigòn để làm việc với các Giám Mục miền Nam, sau khi Đức Khâm Sứ John Dooley bị nhà cầm quyền Miền Bắc trục xuất khỏi Hà Nội năm 1959. Tòa Thánh chỉ cử Khâm Sứ chứ không cử Sứ Thần (Apostolic Nuncio) vì Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao đầy đủ với chánh quyền Sàigòn cũ.
 
Một điều quan trọng cũng cần nói thêm ở đây là Tòa Thánh, về phương diện công pháp quốc tế, cũng là một Quốc gia độc lập và có chủ quyền như mọi quốc gia lớn nhỏ khác trên thế giới. Do đó, Đức Thánh Cha cũng là Quốc Trưởng của Quốc gia Vatican nhỏ bé về diện tích và dân số. Vì là một Quốc gia nên Tòa Thánh đã có quan hệ ngoai giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới kể cả liên bang Nga mới đây. Các nước này đều có đại sứ (Ambassador) bên cạnh Tòa Thánh và Tòa Thánh cũng cử Sứ Thần (Apostolic Nuncio), tương đương với cấp Đại sứ, tại các quốc gia đó.

Các Sứ Thần Tòa Thánh là các Đặc Phái Viên (Special Envoys) được sai đi với nhiệm vụ thay mặt Đức Thánh Cha trong việc giao tế với các chánh phủ liên hệ. Các vị này cũng có trách nhiệm làm mối dây liên hệ mật thiết giữa Tòa Thánh và Giáo hội địa phương - cụ thể là Hội Đồng Giám Mục (Episcopal Conference) quốc gia nơi Sứ Thần được cử đến. Ngược lại, vị Khâm Sứ Tòa Thánh (Apostolic Delegate) chỉ có trách nhiệm liên hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương chứ không có nhiệm vụ ngoại giao chính thức nào với quốc gia mà Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao đầy đủ.
 
Đây là trường hợp của Việt Nam trong suốt thời Pháp thuộc và cho đến trước năm 1975.
 
Trong những năm đó, Tòa Thánh chỉ cử Khâm Sứ, trước tiên ở Hà Nội, sau vào Huế rồi lại trở ra Hà Nội với Đức Khâm Sứ cuối cùng là Đức Cha John Dooley .bị nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội trục xuất năm 1959. Sau này Tòa Thánh lại gửi Khâm Sứ đến Sàigòn trong Miền Nam, và Đức Khâm Sứ sau cùng là Đức Cha Henri Lemaitre, cũng bị trục xuất khỏi Sàigòn ít ngày sau biến cố 30-4-1975. Từ đó đến nay, Tòa Thánh không có đại diện chánh thức nào ở Việt Nam để làm việc với các Giám Mục Việt Nam trong quan hệ mật thiết với Giáo Hội Mẹ ở Rôma.
 
Nay sau hai lần nhóm họp giữa đại diện của chánh quyền Hà Nội và Tòa Thánh, kết quả đầu tiên được công bố là Đức Thánh Cha sẽ cử một Đại diện không thường trú (non-resident Representative of The Holy See) tại Việt Nam.
 
Điều này có ý nghĩa gì ?
 
Trước hết về mặt Giáo Quyền, vị Đại Diện trên sẽ thay mặt Đức Thánh Cha để liên hệ trực tiếp với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về những vấn đề lợi ích của Giáo Hội nói chung và của Giáo hội Việt Nam nói riêng.Cụ thể: vị Đặc Sứ hay Đại Diện này sẽ thông báo cho Tòa Thánh biết tình hình Giáo hội Việt Nam và giúp đỡ các Giám Mục Việt Nam thi hành nhiệm vụ của mình trong liên hệ mật thiết với Tòa Thánh. Ngoài ra, mỗi khi các Giám mục Việt Nam có nhu cầu chọn Giám Mục mới cho một Giáo phận nào hoặc có vị nào đến tuổi về hưu theo giáo luật thì mọi việc liên hệ này sẽ được chuyển qua vị Đại Diện để chuyển về Rôma cứu xét và quyết định, thay vì các Giám Mục chuyển thẳng về Bộ Truyền Giáo như đã làm từ trước đến nay khi không có vị Khâm Sứ ở Việt Nam từ sau năm 1975. (x. giáo luật số 363-364)
 
Mặt khác, đối với chánh quyền Việt Nam, vị Đại Diện nói trên sẽ được dễ dàng ra vào Việt Nam để làm việc với các Giám Mục địa phương mỗi khi có nhu cầu cần đến.. Đây là một sự kiện khá mới mẻ trong quan hệ giữa Tòa Thánh và nhà cầm quyền Việt Nam, và cách riêng đối với Giáo Hội Việt Nam trong liên hệ mật thiết với Tòa Thánh.
 
Vậy tại sao có người lại cảm thấy “bức xức”  hay “thắc mắc khó hiểu” về sự kiện nói trên? Và tại sao cũng có người còn cho rằng biến cố trên đây là “bất lợi” cho Giáo Hội Việt Nam ?
 
Tôi thật không hiểu được suy nghĩ của những người nói trên.
 
Trước hết, là chi thể của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ dưới quyền cai quản tối cao của Đức Thánh Cha, thì mọi giáo hội địa phương - cụ thể là các giám mục khắp nơi - đều phải hiệp thông trọn vẹn, đồng thuận và vâng phục Đức Thánh Cha trong mọi quyết định của ngài thuộc mọi phạm vi tín lý, giáo lý, phụng vụ, và cai quản trong đó có việc bổ nhiêm, thuyên chuyển các giám mục và bổ nhiệm các vị Đại Diện như Sứ Thần, Khâm Sứ và Đặc Sứ cho nhu cầu của các Giáo hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ. Nói rõ hơn, Đức Thánh Cha có toàn quyền tự do và độc lập trong việc bổ nhiệm, thuyên chuyển các giám muc cũng như bổ nhiệm các Sứ Thần, Khâm Sứ và Đặc Sứ mà không cần tham khảo hay tìm sự đồng thuận của bất cứ ai trong Giáo Hội hoàn vũ hay địa phương (x. giáo luật số 362). Có thể ngài cần tham khảo với các cố vấn thân cận và các nhà chuyên môn trong các lãnh vực ngài phải có quyết định với tư cách là Thủ Lãnh Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Nhưng ngài không bị bó buộc phải ưng thuận mọi khuyến cáo của các cố vấn hoặc chuyên viên. Vì thế, khi Tòa Thánh, thay mặt Đức Thánh Cha, tiến hành những cuộc hội họp với đại diện các quốc gia hay tổ chức quốc tế nhằm mục đích mở rộng bang giao của Tòa Thánh với quốc gia hay Tổ chức quốc tế đối tác nào, thì Tòa Thánh không cần phải tham khảo hay cần có sự đồng thuận trước của Hội Đồng Giám Mục địa phương. Chỉ khi nào phải giải quyết những vấn đề liên quan đến “việc cổ võ và duy trì mối liên lạc giữa Tòa Thánh và chánh quyền nào đó thì, tùy hoàn cảnh đòi hỏi, Đặc sứ hay Phái Viên của Đức Thánh Cha mới cần tham khảo ý kiến các Giám mục trong khu vực và thông báo cho các ngài biết về diễn tiến của tình hình” mà thôi. (giáo luật số 365, triệt 2)
 
Như thế có thể nói rằng, trước khi có những phiên họp chung giữa các Thứ Trưởng ngoại giao của Tòa Thánh và Việt Nam ở Rôma trong mấy tháng vừa qua, thì Tòa Thánh không cần tham khảo trước với các Giám Mục Việt Nam. Chỉ sau khi có kết quả đầu tiên là Đức Thánh Cha sẽ cử một Đại Diện không thường trú ở Việt Nam, thì chắc Tòa Thánh đã thông báo việc này cho các Giám Mục Việt Nam biết vì nó có liên hệ mật thiết đến mối dây thiêng liêng giữa Giáo Hội Mẹ và con cái thân yêu Việt Nam ở xa, chứ không phải liên hệ giữa Tòa Thánh và nhà cầm quyền Hà Nội.
 
Như vậy, các Giám Mục Việt Nam phải rất hân hoan đón nhận tin quan trọng này vì đây là lần đầu tiên kể từ sau ngày 30-4-1975, Toà Thánh lại có liên lạc trực tiếp với các Giám Mục Việt Nam qua Đại Diện của Đức Thánh Cha, mặc dù vị này không thường trú ở Việt Nam.
 
Do đó, nếu ai cảm thấy “bức xức” hay “không hài lòng” về việc này là đã quên mất vị thế nhỏ nhoi của mình trong tương quan rộng lớn với Tòa Thánh và đã tự đề cao quá đáng khi nghĩ rằng đáng lẽ mình phải được hỏi ý kiến trước khi công bố kết quả hội họp giữa các Đại diện của Rôma và Hà Nội.
 
Cũng cần nói thêm ở đây là Giáo Hội Công Giáo Rôma khác biệt các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) về mặt thi hành quyền bính và vai trò của vị Thủ Lãnh. Các Giáo Hội Chính Thống ở Nga, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Roumanie, Bulgarie….đều độc lập với nhau trong mọi lãnh vực và sinh hoạt. Cụ thể, Thượng phụ Giáo Hội Chính Thống Istanbul ( Thổ Nhĩ Kỳ) không cần thao khảo ý kiến với Thượng Phụ Chính Thống Nga hay Hy Lạp về vấn đề tiến hành Đại kết (ecumenism) với Giáo Hội Công Giáo Rôma.
 
Ngược lại, trong Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha là Quyền bính tối cao nhất trong Giáo Hội, nên ngài được toàn quyền quyết định mọi việc liên can đến bang giao giữa Tòa Thánh và các Quốc gia trên thế giới, cũng như việc bổ nhiệm, thuyên chuyển các giám mục, Sứ Thần, Khâm Sứ hoặc Đặc sứ cho nhu cầu của các Giáo Hội địa phương.
 
Sau hết, tại sao có người còn tỏ ý “thất vọng” về diễn biến trên đây vì cho rằng nó “bất lợi” cho Giáo Hội Việt Nam ?
 
Bất lợi vì mình không được tham khảo, được góp ý kiên hay bất lợi vì mình muốn “lèo lái” Giáo Hội theo đường lối riêng của mình??? Chính vì có những người suy tư như vậy nên đã làm suy yếu Giáo Hội Việt Nam về mọi mặt như người ta đã và đang thấy hiện nay.
 
Chúng ta phải tin chắc rằng Tòa Thánh, nói chung, không bao giờ muốn làm hay quyết định điều gì mà kết quả nhiên hậu lại có hại hay làm suy yếu cho một giáo hội địa phương. Có chăng chỉ vì Tòa Thánh ở xa, không có Đại Diện bên cạnh các Giáo Mục Việt Nam từ trên 30 năm nay, nên có thể đã không am tường thực trạng của Giáo Hội Việt Nam. Và vì chỉ dựa vào báo cáo của những vị có trách nhiệm ở xa, nên đã có một số bổ nhiệm hay thuyên chuyển không phù hợp với nhu cầu và thực tế của Giáo Hội Việt Nam.
 
Do đó, chúng ta hy vọng khi có Đại Diện Đức Thánh Cha, - dù chưa thường trú ở Việt Nam -, bên cạnh các Giám Mục Việt Nam, thì hoàn cảnh sẽ đổi khác, và nhiên hậu sẽ giúp cải tiến Giáo Hội Việt Nam trong tương quan mật thiết với Giáo Hội Mẹ cũng như trong đường hướng thi hành sứ vụ thiêng liêng của mình nơi cảnh đặc thù của xã hội ViệtNam.
 
Mong lắm thay!

Tác giả: LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Nguồn tin: www.conggiaovietnam.net

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập154
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm151
  • Hôm nay21,664
  • Tháng hiện tại483,566
  • Tổng lượt truy cập67,508,413
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây