CHUỖI MÂN CÔI TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY.
MÙA THƯƠNG.
(Tác giả: Trầm Tĩnh Nguyện HT68 - Ngày đăng: 10/04/2009)
“Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,39-46)
Giờ cao điểm của sứ mạng cứu chuộc đã đến. Sau khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su và các môn đệ đi lên núi Cây Dầu; rồi Người gọi Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo Người vào vườn Ghết-sê-ma-ni. Đêm xuống đã lâu. Một bầu khí tĩnh mịch đến rợn người bao trùm lên khu vườn. Các môn đệ dù đã được Chúa Giê-su căn dặn phải tỉnh thức mà cầu nguyện, đều thiếp ngủ vì mệt mỏi.
Mầu nhiệm thứ 1:
CHÚA GIÊ-SU SẦU BUỒN TRONG VƯỜN CÂY DẦU
“Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,39-46)
Giờ cao điểm của sứ mạng cứu chuộc đã đến. Sau khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su và các môn đệ đi lên núi Cây Dầu; rồi Người gọi Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo Người vào vườn Ghết-sê-ma-ni. Đêm xuống đã lâu. Một bầu khí tĩnh mịch đến rợn người bao trùm lên khu vườn. Các môn đệ dù đã được Chúa Giê-su căn dặn phải tỉnh thức mà cầu nguyện, đều thiếp ngủ vì mệt mỏi. Trong cái vắng lặng đượm màu tang tóc đó chỉ một mình Chúa Giê-su đối đầu với gánh nặng tội lỗi của nhân loại. Người quỳ xuống và tưởng chừng như tất cả tội lỗi của loài người đổ dồn lên vai Người. Đức Giê-su, con người vô tội, cảm thấy tâm hồn mình bị giày vò vì những cao ngạo, những hận thù, những tham vọng, những đồi bại của con người. Càng vô tội, Người lại càng cảm thấy đau khổ vì sẽ phải bị đối xử như một phạm nhân. Hình ảnh cây thập giá, những đòn roi, những lời mắng nhiếc sỉ nhục, và nhất là sự hèn nhát, sự bội phản của những kẻ thân tín cứ dội lên trong đầu óc Chúa Giê-su. Sự thống khổ tột cùng xâm chiếm lấy Người. Không chịu đựng nổi cơn bức phá nội tâm, các mao quản bứt tung ra, máu hòa lẫn với mồ hôi nhỏ thành từng giọt xuống đất. Cơn xâu xé thật đến kinh hoàng! Chúa Giê-su, một con người cương nghị, đã phải đau đớn thốt lên: “Cha ơi, xin tha cho con khỏi uống chén này…”.
Trong nỗi thống khổ tận cùng đó, ai là kẻ sớt chia cay đắng với Chúa Giê-su? Các môn đệ, những người được Chúa Giê-su hết lòng yêu mến, đều đã ngủ vùi!… Oái ăm thay, dưới kia, trong thành phố, vẫn còn một số người tỉnh thức. Họ tỉnh thức để lập mưu bắt giết Chúa Giê-su. Họ, những kẻ thù nghịch vẫn còn thức họp bàn mưu sự; còn các ông, những môn đệ thân tín, lại yên ngủ để mặc Chúa Giê-su đau khổ một mình!
May mắn thay, không phải chỉ những kẻ thù của Chúa Giê-su là còn tỉnh thức. Không, trong thành phố chắc chắn vẫn còn một người âm thầm cầu nguyện suốt đêm. Người đó chính là Đức Ma-ri-a, người mẹ dịu hiền nhưng can đảm của Chúa Giê-su, người Mẹ đồng công cứu chuộc của nhân loại.
Mẹ ơi! Mẹ đã sớt chia nỗi thống khổ mà Chúa Giê-su đã gánh chịu vì tội lỗi loài người. Xin Mẹ dạy con biết thật lòng ăn năn thống hối vì những lỗi phạm của con. Chính con, chính những hư đốn đồi bại của con đã góp phần làm tăng sự đau khổ của Chúa Giê-su con Mẹ. Trong cái gánh nặng đã đè lên vai Người, chính con đã, đang và sẽ ném thêm vào đó những khối đá của lòng cao ngạo, của sự tự mãn, của nông nỗi, lười biếng… của tất cả mọi tệ hại của đời con từ lúc thụ thai trong bụng mẹ cho tới ngày trở về với bùn đất. Chính con chứ không ai khác, Mẹ ạ!
Mẹ ơi, Xin dạy con biết thế nào là thật lòng thống hối. Con, một kẻ không biết bao nhiêu lần đã vào tòa cáo giải xưng tội như một máy tính điện tử. Con đã lập cho mình một danh sách liệt kê các tội thường phạm vào "bộ nhớ", để rồi đến tòa cáo giải con chỉ cần "bấm nút" là các tội được kể ra vanh vách, và sau đó đâu lại hoàn đấy!
Mẹ ơi, Xin dạy con biết rằng ăn năn thống hối không chỉ là nhìn lại những lỗi lầm mình đã phạm, mà trước hết phải là nhìn thấy và ngăn ngừa những gì có thể xảy ra. Muốn được Chúa thứ tha, không phải con cứ mặc tình phạm tội rồi tha hồ quỳ dưới chân Người mà khóc lóc! Xin Mẹ đừng để con “đánh lận con đen” với lòng từ bi của Chúa, nhưng xin cho con biết rằng mình được tha thứ là để yêu Chúa nhiều hơn. Chúa tha thứ cho con là để con chỗi dậy và tiến lên, chứ không phải để con mặc tình ngủ vùi trong tội lỗi của mình, bỏ mặc Chúa với nỗi sầu buồn vì phải gánh lấy sự bất trung thất tín của con ./.
Mầu nhiệm thứ 2:
CHÚA GIÊ-SU CHỊU ĐÁNH ĐÒN
“Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn” (Mt 27,26a)
Suốt một đêm dài, những kẻ thù nghịch đã áp giải Chúa Giê-su đi khắp thành Giê-ru-sa-lem, từ nhà Kha-na đến nhà Cai-pha, từ dinh Phi-la-tô tới dinh Hê-rô-đê, rồi lại từ dinh Hê-rô-đê trở về dinh Phi-la-tô. Phi-la-tô thấy Chúa Giê-su vô tội, nhưng vì yếu nhược, ông không dám bênh vực Người. Để tỏ ra vô can, ông rửa tay rồi truyền cho quân lính đánh đòn Người. Đức Giê-su, con người vô tội, phải gánh chịu roi vọt như một kẻ tội phạm; còn Ba-ra-ba, tên tử tù, lại được hưởng ân xá như một kẻ công chính. Ôi, lòng dạ con người thật là tráo trở! Họ hò reo, họ phẫn nộ, họ cương quyết đòi mạng Chúa Giê-su! Tiếng reo hò của dân chúng như một chất kích thích cuồng loạn ập vào đám lính hung tợn. Chúng kéo Người ra trói vào cột đá rồi bắt đầu ra tay hành hạ Người. Những ngọn roi liên tiếp giáng xuống thân mình Chúa Giê-su như một cơn bão loạn. Những vết hằn chằng chịt xé nát lưng người vô tội, máu rỉ loang dần, rồi đẫm ướt thân mình Chúa Giê-su. Càng thấy máu, lũ lính càng như điên tiết, chúng say sưa đánh, đánh, đánh… mặc dù chúng chẳng biết con người đang quằn quại đau đớn kia bị đánh vì tội gì!
Ôi Giê-su! Chúa đã cam nếm mọi khổ đau của kiếp người. Vừa cất tiếng chào đời, Chúa đã phải rét run vì giá lạnh. Lúc còn măng sữa, Mẹ đã phải bồng Chúa dầm sương dãi nắng trên đường bôn tẩu sang Ai Cập. Về Na-da-rét, Chúa đã phải nhọc nhằn vì lao động. Ra đi rao giảng, Chúa đã đói, đã khát, đã mệt mỏi, đã hao mòn vì sứ mạng Chúa Cha trao phó. Giờ đây, cái thân xác đã trải bao khốn khổ phong trần kia lại phải đón lấy những đòn roi oan nghiệt đang ập xuống như bão táp.
Mẹ ơi! Khi suy gẫm mầu nhiệm thứ hai của đường khổ nạn, con xấu hổ gục đầu vì thấy mình đã nhiều lần làm như Phi-la-tô, rửa tay tuyên bố mình vô tội trước những đòn roi Chúa Giê-su phải gánh chịu. Đã lắm lần con làm như chỉ có những người Do Thái thời đó mới là nguyên nhân khiến Chúa Giê-su phải chịu đòn, chỉ có họ mới phải chịu trách nhiệm về sự oan nghiệt đó! Nhưng không, chính con, chính những tội lỗi của con cũng đã góp phần vào cái oan nghiệt vốn đã oan nghiệt kia, chính con cũng đã là duyên cớ gây ra những đớn đau mà Con Mẹ phải gánh chịu. Không phải chỉ có họ mà còn có cả con tham gia cuộc hành hạ Con Mẹ ngày hôm ấy. Chính con là Kha-na, là Cai-pha, là Phi-la-tô, là Hê-rô-đê, là đám lính, là lũ dân cuồng nộ… Phải, chính con, Mẹ ạ!
Mẹ ơi! Xin cho con biết đớn đau vì những bội phản của mình. Xin cho con biết khổ chế thân xác, biết vui nhận hy sinh gian khổ để thông phần vào những khổ đau Con Mẹ đã chịu vì tội lỗi của toàn nhân loại. “Hãy ăn năn thống hối! Hãy ăn năn thống hối!” Đó là lời khuyên nhủ mà Mẹ vẫn không ngừng lập lại với chúng con mỗi khi Mẹ hiện ra trên trái đất. Chính con, chính những người chung quanh con đã phạm tội, đã tham dự vào cuộc hành hạ Chúa Giê-su; thì cũng chính con, chính những người chung quanh con phải ăn năn thống hối vì các tội lỗi ấy. Như xưa Chúa đã chịu đòn roi thay cho chúng con, thì nay chúng con cũng có thể và có bổn phận phải hy sinh đền tội thay cho nhau. Chính Đức Giê-su Con Mẹ đã ban cho chúng con diễm phúc ấy khi Người kết hợp chúng con nên một trong Người. Chúng con nên một trong tình yêu thì cũng phải nên một trong những lao đao trắc trở của tình yêu ấy.
Mẹ ơi! Xin cho con biết khổ đau vì tội lỗi con, để rối từ đó biết khổ đau vì tội lỗi của bao người khác. Giờ đây Chúa không đòi hỏi con phải đánh phạt thân xác, phải tuân thủ những hình thức khổ chế gắt gao như bao lớp tiền nhân đã nêu gương sáng chói cho chúng con. Chúa chỉ muốn con đón nhận những khổ nhọc từng ngày: cái lạnh buốt của những sớm tinh sương, cái oi nồng của những trưa nắng cháy, cái nặng nề của nghề nghiệp, cái vất vả của lo toan… và tất cả những gì vẫn xảy đến trong cuộc sống. Mẹ ơi! Xin cho con biết đón nhận chúng như những phương thế để góp phần cứu rỗi chính con và bao nhiêu người khác nữa ./.
Mầu nhiệm thứ 3:
CHÚA GIÊ-SU CHỊU ĐỘI MŨ GAI
“Chúng kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!” (Mt 27,27-31)
Đánh đập Chúa Giê-su xong, bọn lính lôi Người vào công đường. Vừa thấy Người, các tốp quân đang có mặt ở đó liền ùa tới. Thấy vẻ mặt tang thương của Chúa Giê-su, đồng thời nhớ lại lời cáo tội của dân Do Thái, chúng bèn nghĩ ra một trò chơi mới: biến phạm nhân thành một tên vua thảm hại! Trò đùa này lập tức được cả bọn hăng hái tham gia. Chúng lột chiếc áo đã đẫm máu của Người ra rồi khoác cho Người một chiếc áo đỏ, màu tượng trưng cho vương quyền La Mã! Cẩm bào đã có rồi, còn vương miện và vương trượng? Một tên lính nảy ra một ý tưởng độc đáo: chúng lấy một dây leo dại gai mọc tua tủa kết lại đội lên đầu Người, rồi dúi vào tay Người một cây sậy. Thế là đầy đủ cho Ngài, hỡi đức vua tội nghiệp! Lại phải làm lễ triều bái tân vương nữa chứ! Chúng quỳ gối làm bộ cung kính: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!” Cả bọn phá lên cười ngặt nghẽo. Ôi thôi thì chúng khạc nhổ, chúng vả mặt, chúng nhạo báng thỏa tình. Một tên hứng chí giằng lấy cây sậy rồi gõ vào đầu Chúa Giê-su. Được gõ đầu Vua Ít-ra-en, đó chẳng phải là một vinh dự lớn lao ư? Cả bọn lại cười như điên dại. Dám lính thỏa thuê mà cười cợt, mà sỉ nhục. Còn Chúa Giê-su? Người ngồi đó im lặng “như một con chiên hiền lành bị xén lông”. Chiếc vòng gai cắm sâu vào đầu, máu tươi từng dòng ứa ra, chảy dần xuống hòa lẫn với nước bọt của bọn phỉ nhổ, vẽ lên khuôn mặt đau thương của Người những đường nét dị hợm. Bấy giờ Phi-la-tô cho điệu dẫn Người ra trước công chúng và nói với họ: “Này, chính ông ta đó!”.
Phải, đó chính là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là Con Thiên Chúa đồng thời cũng là Thiên Chúa, Đấng mà Kinh Thánh đã tiên báo sẽ trị vì ngôi báu Đa-vít cho đến muôn đời… Vâng, chính Đấng ấy giờ đây xuất hiện trước mắt mọi người như một tên thảm hại.
Mẹ ơi! Con không thể nào hiểu thấu tình yêu vô biên mà Đức Giê-su Con Mẹ đã dành cho loài người chúng con. Vì yêu, Người đã không chối từ bất cứ một điều gì để cứu chuộc chúng con. Hẳn lòng Mẹ đã chua xót vô vàn khi thấy Người trong chiếc áo đỏ sỉ nhục, đầu đội mão gai, khuôn mặt bê bết những máu và nước bọt. Đức Giê-su của Mẹ đó. Khuôn mặt tinh khôi mà Mẹ vẫn trìu mến ngắm nhìn giờ đây đang lấm lem bê bết vì tội lỗi chúng con. Ngoài Mẹ ra, còn ai nhận biết kẻ đang bị sỉ nhục kia là Con Thiên Chúa, là Vua muôn loài?
Mẹ ơi, con kiêu ngạo quá! Chính vì kiêu ngạo mà con đã phủ lên khuôn mặt bê bết tội lỗi của con những nét tinh khôi. Con sợ nhìn thẳng vào lòng mình, con sợ phải đối đầu với những xấu xa hợm hĩnh của chính con, con sợ phải nhận chân cái “giá trị bụi tro” của mình, con sợ phải sống khiêm nhượng vì tưởng rằng khiêm nhượng sẽ khiến đời mình trở thành ti tiện. Để khỏi sống khiêm nhượng, con đã khoác cho sự kiêu ngạo của mình những mỹ từ bóng bẩy: nào là phẩm giá, là danh dự, uy tín… Con dùng chiếc kính lúp kiêu ngạo của con để soi lên đời những người khác, để đánh giá họ. Như người Biệt phái trong dụ ngôn, nhiều lần con kiêu hãnh thốt lên: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì con không tồi tệ như những kẻ khác”. Con cám ơn Chúa nhưng lòng con nghĩ thầm: mình không tồi tệ vì mình thừa sức để sống công minh. Con quên rằng sở dĩ con chưa đến nỗi tồi tệ là vì Chúa đang che chở cho sự yếu đuối của con. Con quên rằng, nếu con gặp thử thách như họ, rất có thể là con đã tồi tệ hơn họ nhiều. Con tưởng mình đã sống tốt lành thánh thiện lắm. Con quên rằng nếu được hưởng dồi dào ân phúc như con, hẳn nhiều người đã vượt xa con trên đường trọn lành. Con kiêu ngạo, nên con đã bôi son trát phấn cho khuôn mặt xấu xí của mình, và mỗi lần làm như thế là con đã khạc nhổ vào mặt Chúa Giê-su nơi con, làm cho khuôn mặt đẹp đẽ đó trở nên hợm hĩnh xấu xa.
Mẹ ơi! Xin cho con hạ mình khiêm nhượng, biết nhận ra những khuyết tật của lòng con. Không phải để mặc cảm thất vọng, nhưng là để tin tưởng hơn vào Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Đức Ki-tô, người tử tù bị sỉ nhục, trở nên nguồn vinh quang bất diệt cho mọi kẻ đặt hy vọng vào Người ./.
Mầu nhiệm thứ 4:
CHÚA GIÊ-SU VÁC THÁNH GIÁ
“Vậy họ điệu Đức Giê-su đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha” (Ga 19, 16b-17)
Trước những tiếng reo hò cuồng nộ của đám dân Do Thái, Phi-la-tô đành chấp nhận xử oan người vô tội: ông ra lệnh mang Chúa Giê-su đi hành quyết. Bản án được thi hành ngay tức khắc. Một cây thập tự nhám nhúa nặng nề được mang đến, lũ lý hình đặt nó lên vai Chúa Giê-su rồi xua Người bước đi. Sức hơi mòn mỏi, Chúa Giê-su lê từng bước khập khễnh, bờ vai đã rướm máu vì đòn vọt giờ như bị cắt nát ra bởi thân gỗ xù xì. Mỗi bước chân là một cơn đau khủng khiếp dội khắp toàn thân. Máu từ các vết roi ứa ra nhuộm đỏ lưng áo. Máu từ các dấu gai chảy xuống che mờ đôi mắt. Và trong tâm hồn Chúa Giê-su, các giọt máu vô hình cũng đang ứa ra từ những vết thương của bội phản, của vong tình. Người đó – Con Chiên vô tội của Chúa Cha – đang hiền từ nhẫn nhục lê từng bước đến nơi xử án, theo sau là đám đông reo hò gào thét. Pháp trường đã gần nhưng Chúa Giê-su cũng gần tàn hơi sức. Người ngã xuống, gắng gượng đứng lên, rồi lại ngã xuống. Thấy Người không còn đi được nữa, đám lính gọi bừa một người nông phu vừa ngang qua đó, bắt vác đỡ thập giá cho kẻ tử tội. Đoàn người lại tiếp tục tiến lên, đỉnh đồi Gôn-gô-tha mỗi lúc một gần thêm.
Mẹ ơi! Chen lẫn trong đám người cuồng loạn đang hò la chế diễu đó, lòng Mẹ nghĩ gì? Hẳn là Mẹ đau đớn khôn cùng khi thấy Con yêu dấu của Mẹ phải đau đớn khổ nhục đến thế. Máu ướt đẫm châu thân Người mà Mẹ tưởng chừng như máu Mẹ cũng tuôn tràn chi thể. Đầu Mẹ không đội vòng gai mà Mẹ buốt đau như trăm ngàn mũi nhọn đang cắm vào da thịt. Vai Mẹ không vác thập hình mà lưng Mẹ oằn xuống như gánh nặng oan khiên kia đang đè bẹp Mẹ. Mẹ đau khổ, nhưng cũng như Người, Mẹ âm thầm thốt lên hai tiếng “Xin vâng”. Hai tiếng mà Mẹ vẫn không ngớt thân thưa trong mọi phút giây Mẹ sống.
Ôi Mẹ đồng công cứu chuộc! Mẹ đã can đảm thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, xin Mẹ giúp con can đảm vác thánh giá của mình mỗi ngày và đi theo Chúa. Cuộc đời con cũng có lắm đòn vọt, lắm chông gai, lắm gánh nặng: gia đình, bè bạn, xóm giềng, áo cơm, tiền bạc, cửa nhà… và chính con, chính những suy tư dằn vặt, những lo toan của con đang làm con rướm máu, đang đè nặng lên con. Mẹ ôi! Đã nhiều lần con lê từng bước mệt mỏi rã rời. Con té xuống, gắng gượng đứng lên, rồi lại té xuống. Lắm lúc con tưởng chừng mình đã kiệt lực không còn chỗi dậy được nữa. Lúc ấy con khẩn khoản thầm mong có một ai đó – một Si-mon Ki-rê-nê của con – ghé vai vác đỡ cho con gánh nặng. Con cô đơn và yếu đuối lắm. Con những chỉ muốn buông xuôi!
Mẹ ơi! Xin Mẹ nhắc con nhớ rằng: không bao giờ con phải lẻ loi trong cuộc sống. Không nỗi đau nào, không gánh nặng nào con phải gánh chịu một mình; vì hết thảy mọi khổ nhục của kiếp người, Đức Giê-su Ki-tô Con Mẹ đã gánh lấy. Người đã đi tiên phong để con nhìn lên Người mà can đảm tiến bước. Người chính là Si-mon Ky-rê-nê của con, một Si-mon Ky-rê-nê luôn sát kề bên con để sẵn sàng nâng đỡ mỗi khi con kiệt sức. Mẹ ơi! Tại sao con lại quên Người? Tại sao con lại hoảng sợ khi nghĩ đến thập giá hàng ngày của con? Con yêu Chúa mà con lại sợ thánh giá ư? Như thế thì con không xứng đáng để đến với Người, Mẹ ạ!
Xin Mẹ dạy con biết kết hợp những khổ nhục hàng ngày của con với thập giá Chúa Giê-su để biến chúng nên phương thế thánh hóa đời con và góp phần vào công cuộc cứu rỗi mà Người đã thực hiện khi chịu khổ đau vì loài người chúng con ./.
Mầu nhiệm thứ 5:
CHÚA GIÊ-SU CHỊU CHẾT TRÊN THÁNH GIÁ
“Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 23,46)
Đã đến nơi hành quyết, đám lính lột áo Chúa Giê-su ra rồi bắt Người nằm lên thập giá. Tiếng búa chát chúa vang lên. Chiếc đinh đầu tiên, rồi thứ hai, rồi thứ ba… ngập xuống chân tay Chúa Giê-su. Cơn đau tột cùng tưởng chùng như đã cướp mất sự sống của Người. Nhưng không, Người vẫn còn đó để uống cạn chén đắng Cha Người trao phó. Thập giá được dựng lên, kèm theo tấm biển ghi vội vàng dòng chữ: “Giê-su Na-da-rét, vua dân Do Thái!” Hai bên Người, hai cây thập giá khác cũng vừa được dựng lên: hai tên tội phạm cũng lãnh án tử hình chiều hôm ấy. Thật lạ lùng, Con Thiên Chúa lại đồng chung số phận với tội nhân!
Đâu cả rồi, nhóm thân bằng quyến thuộc? Đâu cả rồi, đám ái mộ tôn sùng? Đứng dưới chân thập giá chỉ vỏn vẹn có mấy người: Mẹ Ma-ri-a, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, Ma-ri-a Mác-đa-la và Gio-an. Họ đứng đó, im lặng, thông phần khổ đau với Chúa Giê-su. Đây là những giây phút trọng đại mà vì chúng Người đã được sai đến trần gian. Từ trên thập giá, Chúa Giê-su hé mắt nhìn những con người trung kiên ấy. Một nỗi thân thương tràn ngập tâm hồn Chúa Giê-su. Người thốt lên: “Thưa Bà, đây là con của Bà…” Ôi, tình yêu nhiệm mầu thắng vượt cả khổ đau. Người đã yêu thì yêu cho đến cùng, cho dẫu thịt nát xương tan. Người không đành nhắm mắt khi chưa nói lên lời nhắn gửi cuối cùng…
Giờ thì mọi sự đã xong, tình yêu đã trọn, Người đã có thể yên lòng ra đi. Nơi kia, Cha Người đang dang tay chờ đón lễ vật cao quý nhất dâng lên Chúa Cha. Suốt cuộc đời Người đã sống theo thánh ý Cha, thì giờ đây Người cũng chết để chu toàn thánh ý đó: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.”.
Hỡi người Mẹ dịu hiền nhưng đầy can đảm của con, giờ đây Giê-su Con Mẹ không còn nữa. Người đã phó trao mạng sống vì yêu thương nhân loại. Mẹ đứng đó, lặng im nhìn xác Chúa Giê-su treo trên thập tự, lòng những ước ước ao được hiến tế chính mạng sống mình cùng Con. Mẹ còn đây mà Người đã mất rối, niềm hạnh phúc tuyệt hảo của đời Mẹ đã ra đi vì tội lỗi nhân loại. Mẹ đớn đau nhìn xác Con rũ rượi, và chính trong nỗi sầu thương khôn cùng đó hai tiếng “Xin vâng” ngày xưa lại vang lên trong lòng Mẹ. Nhìn xác Chúa Giê-su, Mẹ hiểu ra được hết ý nghĩa của tình yêu. Vâng, yêu thương là thế đó, là cho đi tất cả, là trao ban chính bản thân mình. Giê-su Con Mẹ đã yêu đến tận cùng, và Mẹ, Mẹ cũng muốn yêu đến tận cùng.
Còn con? Mẹ ơi! Con cũng muốn yêu thương lắm chứ, trái tim con cũng đang thổn thức vì yêu, nhưng con chỉ muốn yêu có chừng mực thôi. Yêu thương mà thiệt thòi nhiều đến thế thì con chả dám đâu! Con vẫn quen yêu thương một cách khác, Mẹ ạ! Cửa lòng con vẫn luôn rộng mở, nhưng là để đón lấy những gì kẻ khác mang lại cho con. Còn nếu phải cho đi? Con sẽ mở một cánh cửa khác, he hé thôi, để tiết kiệm những gì con đang có, để tiết kiệm chính bản thân con! Mẹ ơi! Con vẫn yêu thương đầy tính toán như thế đó. Con sợ mạo hiểm lắm! Con phải giữ lại “một chút gì” cho chính mình rồi mới dám yêu thương. Con không liều mạng được như Chúa Giê-su Con Mẹ đâu!
Nhưng hôm nay nhìn lên thánh giá con mới hiểu ra rằng tình yêu đích thực không bao giờ có chừng mực. Hoặc là yêu đến tận cùng; hoặc là không yêu thương tí nào cả. Con không thể yêu mà còn giữ lại chính mình. Con có thể hy sinh nhiều cho Chúa và cho tha nhân, có thể sống khắc kỷ tiết độ, có thể đầy độ lượng bao dung, có thể nguyện gẫm hàng giờ, bố thí hàng lô của cải, nhưng nếu con chưa cho đi chính mình thì con chưa hề biết yêu thương đúng nghĩa.
Mẹ ơi! Con vẫn sợ mạo hiểm nhưng con lại muốn theo gương Giê-su Con Mẹ. Này đây đôi bàn tay đang ích kỷ níu kéo của con, này đây quả tim đang ngần ngại mở rộng của con, xin Mẹ nhận lấy và dâng lên Chúa để Người tập con biết quảng đại cho đi như Người đã trao ban chính mạng sống mình trên thánh giá .
Nguyên tác : Notre Dame de tous les jours - PAULA HOESL
TRẦM TĨNH NGUYỆN HT 68 phóng tác
Tác giả: PAULA HOESL. Trầm Tĩnh Nguyện phóng tác.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn