LỜI THƯA “XIN VÂNG” THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI (Lc 1, 26-38)
(Tác giả: Trầm Tĩnh Nguyện HT68 - Ngày đăng: 24/05/2009)
Có tin nghe xong làm chúng ta vui mừng phấn khởi, lạc quan vui sống. Cũng có tin khiến chúng ta bối rối hoang mang, âu lo tư lự. Chúng ta không thể bỏ thuyền để lên bờ, gác ngoài tai mọi tin tức thế sự thăng trầm, trốn chạy thực tế để sống yên thân trong ốc đảo của riêng mình. Song chúng ta cũng không thể tiếp thu mọi tin tức thượng vàng hạ cám một cách ngây ngô, để mình bị lèo lái hoặc vùi dập bởi những làn sóng dữ. Trong bối cảnh đó, ngày lễ Đức Ma-ri-a được sứ thần truyền tin là một dịp rất tốt để chúng ta tìm cho mình một phương cách tiếp cận thông tin đúng đắn nhất, mang lại lợi ích cho bản thân chúng ta và cho những người chung quanh.
***
Mỗi khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta lập lại lời sứ thần Gáp-ri-en chào Đức Ma-ri-a khi mở đầu cuộc truyền tin: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”. Đây chính là lời chúc phúc có ý nghĩa nhất, và cũng là lời chúc phúc có giá trị nhất cho một con người. Quả thế, không có mối phúc nào lớn hơn mối phúc của người được Thiên Chúa ở cùng. Khi cầu khẩn, người Việt chúng ta hay nguyện xin rằng: “Xin Trời phù hộ cho con. Xin Trời thương cứu giúp con”. Và khi được toại nguyện, người ta cảm thấy rất hạnh phúc vì Trời đã nghe tiếng mình khẩn cầu. Vậy mà ở đây, khi không thể ngờ tới, Đức Ma-ri-a lại được chính Ông Trời ở với mình, chung nhà chung cửa, sớm tối cận kề. Thử hỏi có niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn thế chăng? Có ai dám mơ tưởng đến niềm hạnh phúc quá sức tưởng tượng ấy chăng?
Theo sau lời chúc phúc, cũng là lời loan báo cho Đức Ma-ri-a biết tình trạng ân sủng tuyệt vời của Mẹ, sứ thần cho Mẹ biết là Mẹ sẽ thụ thai Con Thiên Chúa. Đây quả là một tin hết sức trọng đại khiến Mẹ phải bối rối. Hơn nữa, Mẹ sẽ thụ thai như thế nào đây, khi mà Mẹ chưa hề chung chăn gối với ai? Thắc mắc của Đức Ma-ri-a được sứ thần giải đáp bằng một câu trả lời có sức thuyết phục một cách tuyệt đối, nhân danh quyền năng của Đấng Tối Cao. Kèm theo là một chứng cứ cụ thể đang xảy ra cho người chị họ của Mẹ. Đối chiếu với các câu Thiên Chúa trả lời cho tổ phụ Áp-ra-ham, cho ông Mô-sê, hay cho thánh Giu-se, chúng ta thấy Thiên Chúa rất tế nhị khi giao tiếp với từng đối tượng: để giải đáp thắc mắc của một thiếu nữ, Người đã chọn cách trả lời giản dị mà có hiệu quả nhất. Câu trả lời này đã mang lại cho Đức Ma-ri-a sự bình an sâu thẳm, Mẹ đã sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa trao phó cho Mẹ. Mẹ đã tiếp nhận được điều chính yếu trong sứ điệp truyền tin, Mẹ đã tin tưởng tuyệt đối vào sứ điệp ấy, và Mẹ sẽ sống hết mình cho điều mình xác tín.
***
Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa gởi đến những sứ điệp có liên quan đến công cuộc cứu độ của Ngài. Trong cái đại dương thông tin mênh mông đang ùa tới với chúng ta mỗi ngày, Thiên Chúa vẫn không ngừng nói với chúng ta bằng tiếng nói của con người hôm nay. Cung cách giao tiếp của Thiên Chúa vẫn luôn tế nhị, thích ứng cho từng đối tượng mà Ngài muốn ngỏ lời. Nếu chịu khó lắng nghe, chúng ta sẽ thấy sứ điệp mà Thiên Chúa gởi đến cho mình cũng có những nét tương tự như sứ điệp truyền tin cho Đức Ma-ri-a. Thay cho lời chào của sứ thần, chúng ta có thể cảm thấy có một cái gì đó lay động linh hồn chúng ta và tạo cho chúng ta một cảm giác thiêng liêng huyền nhiệm. Trước cảm giác linh thiêng này, có thể chúng ta sẽ bối rối xao xuyến vì không biết chuyện gì đang xảy ra trong tâm hồn mình. Chúng ta có thể lờ đi không lưu tâm đến nó nữa. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ không nhận được phần tiếp theo của sứ điệp. Nhưng nếu chúng ta để ý lắng nghe, chúng ta sẽ nhận được những sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao phó cho chúng ta. Đa số các sứ mạng này là những công việc bình lặng trong cuộc sống thường ngày, với mục đích đem ơn cứu độ đến cho chính chúng ta và cho những người khác. Nhưng cũng có lúc đó là những công việc có tầm ảnh hưởng lớn hơn, khó thực hiện hơn, và đôi khi vượt quá khả năng của chúng ta. Những lúc ấy, chúng ta sẽ cảm thấy e ngại vì không biết mình sẽ làm sao để thực hiện điều Thiên Chúa gợi ý. Nếu chúng ta tin tưởng và tiếp tục đối thoại với Thiên Chúa, thì Ngài sẽ đưa ra cho chúng ta lời giải đáp, và có thể Ngài sẽ cho chúng ta một vài bằng chứng cụ thể để củng cố lòng tin cho chúng ta nữa. Đến đây, Thiên Chúa chờ đợi lời thưa “Xin vâng” của chúng ta, như Ngài đã chờ đợi lời thưa “Xin vâng” của Đức Ma-ri-a ngày xưa.
***
Với lời thưa “Xin vâng” của Đức Ma-ri-a trong biến cố truyền tin, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người, mở đầu công cuộc cứu rỗi trần gian. Nếu chúng ta mường tượng lại khung cảnh của biến cố này, chúng ta sẽ thấy được cái lớn lao kỳ diệu đã đâm chồi nẩy mộng từ cái bé nhỏ bình thường như thế nào: với sự vâng phục và tín thác cho thánh ý Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a, một thiếu nữ đang ở độ tuổi nữ sinh cấp 3 của chúng ta ngày nay, đã trở thành nhịp cầu đưa Con Thiên Chúa đến với nhân loại, làm biến đổi vận mạng của toàn vũ trụ. Quả là một lời thưa “Xin vâng” nhỏ bé, nhưng kết quả lại không bé nhỏ chút nào!
Lạy Mẹ Ma-ri-a, có những lúc con đã nghe được tiếng Chúa gợi ý cho biết những công việc phải làm, nhưng khi nhìn lại bản thân, con thấy mình chỉ là một con người bé nhỏ bình thường như vô vàn con người bình thường khác. Vì thế con ngần ngại không dám dấn thân. Con cứ nghĩ rằng “một con én không làm nổi mùa xuân, thì một mình tôi làm sao làm nên được chuyện gì!”. Hôm nay, khi suy niệm về biến cố truyền tin, con hiểu ra rằng: đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, cũng không có gì là bé nhỏ tầm thường vô giá trị. Xin Mẹ giúp con từ nay biết lắng nghe và thực hiện ý Chúa với tâm tình đơn sơ phó thác như Mẹ xưa. Amen ./.