Nối kết tháng Tư Không Chín.

Thứ ba - 11/01/2011 22:17
Tôi vừa gởi một bài Nối Kết Tháng Ba Không Chín (03/09) cho “www.cuucshuehn.net”, trong đó có đoạn lén nói xấu cha Nguyễn Văn Giáo, AN41, cùng lớp.

NỐI KẾT THÁNG TƯ KHÔNG CHÍN (04-09).

Tác giả: Hoàng Xuân Tịnh AN41, Kansas.
Ngày đăng: 02/05/2009

Suy niệm bài “Mừng Chúa Phục Sinh” tôi khám phá ra được cái tinh thần căn bản của Chúa Phục Sinh là: Sự đau khổ, sư chết đi và sống lại của Chúa Giêsu chỉ mới hoàn thành nơi Chúa khi Chúa tuyên bố trên Thánh Giá “Consummata!” Ơn cứu chuộc chỉ được xem là viên mãn sau khi thân thể mầu nhiệm của Chúa, là chúng ta, tiếp tục vác Thánh Giá theo chân Chúa mọi ngày.

Người viết bài Nối Kết “Tháng Tư Không Chín (04.09)”  hôm nay thành thật xin lỗi trước nếu quí vị thấy lời văn phần báo cáo của tôi có vẻ đượm buồn, có lúc lại bức xúc không còn tính cách thư giãn như những lần trước. Lý do khí trời thay đổi ảnh hưởng, các cơ bắp căng thẳng đau nhức chăng? Nhưng phần lớn vì bị ảnh hưởng của không khí “Tháng Tư Đen”. Một cái ung nhọt mà 34 năm vẫn chưa lành hẳn.

Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết trên hai thiên niên kỷ. Người Kitô hữu không bao giờ nuôi lòng oán ghét người anh em  Do Thái, nhưng không quên lãng nỗi con đường Chúa đã đi qua mặc dù đã phục sinh vinh hiển. Vì chưng sự hy sinh khổ nạn và chết chóc của Chúa vẫn chưa hoàn thành, khi mà tội lỗi vẫn còn tràn trề trên thế gian, nhân loại vẫn còn chưa được cứu thoát và con cái Chúa còng mang nặng thánh giá đi chưa hết đoạn đường khổ nạn.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã đi theo con đường khổ nạn ấy, đã chết anh hùng và đã được vinh danh lãnh thưởng trên Thiên Đàng vói Chúa. Người Công Giáo Việt Nam tự cổ chí kim chưa bao giờ tỏ ra một ly tư tưởng hận thù anh em ruột thịt bên lương và vua chúa quan lại qua các triều đại. Thế nhưng chúng ta vốn không quên được vết thương đau đớn và luôn nhắc nhở con cháu nhớ đến con đường cha ông đã đi qua vì chưng quê hương yêu quí vẫn còn 80% hạt giống chưa trổ thành hoa quả.

Tháng Tư Đen là một vết thương thời cuộc lịch sử đau thương. Là một vết thương nồi da xáo thịt do những tư lợi ích kỷ của ngoại bang gây nên. Chúng ta không có lý do nuôi dưỡng hận thù giữa những người anh em ruột thịt, nhưng cũng thông thể một mai một chiều quên lãng được. Huống chi những vết thương này vẫn còn bị mưng mủ phá thối bằng những  hậu quả của nó còn nhan nhãn ra đó. Một triệu rưởi con dân Việt bỏ nước ra đi. Trong đó một phần ba đã bỏ mình trên biển cả, dọc rừng núi và trong tay bọn hải tặc vô nhân. Phần còn lại đã trải bao gian khổ, chết đi sống lại mới đến được bờ bến tự do. Mặc dù mang chuông đi đánh nước người của gần hai thế hệ tuổi người Việt, có những đìểm son làm rạng danh giòng giống Lạc Hồng khắp năm Châu bốn Bể, nhưng ở quê nhà vẫn còn nhan nhãn xảy ra những cuộc buôn bán nô lệ tình dục, xuất cảng lao động, mất đảo, lấn ranh, người dân mầt ruông, đất đai bị ngoại bang xâm nhập ố nhiễm và xã hội đầy dẫy những ngưòi đói rách, tàn tật.

Mẹ Việt Nam đương quằn quại đau thương như thế khi Tháng Tư Đen trở về thì làm sao người Việt nói chung và ngưòi viết Nối Kết tôi nói riêng có thể bình bình thản thản nói nói cười cười cho được! Than ôi! Một lần nữa tôi xin quí anh em thứ lỗi nếu những câu chuyện của tôi mang lại cho quí vị một đôi ít kém đi sự thoải mái bình thường. Mong thay!

 

* April 3, 2009. Vừa Nhắc Tào Tháo…

Tôi vừa gởi một bài Nối Kết Tháng Ba Không Chín (03/09) cho “www.cuucshuehn.net”, trong đó có đoạn lén nói xấu cha Nguyễn Văn Giáo, AN41, cùng lớp. Thình lình được tin giật mình vì được một điện thư của cháu Nguyễn Anh Quân HT71, ở Cam Lâm, Việt Nam. Cháu bảo: “Bác ơi, con vừa đi uống café với cha Giáo về đây. Hỏi có biết bác Tịnh con không, thì ngài trả lời liền là Tịnh cận chứ gì. Tịnh này có giọng hát hay nhưng nhạc lý thì dở lắm.”  Thật sự, ở chủng viện, tôi chỉ nhờ cặp kiếng cận mà được “nổi tiếng”, mọi ngưới lớn nhỏ đếu biết đến. Còn hát thì ôi thôi, xuống giọng trầm thì nghe được, nhưng xuống giọng trầm thì ai mà chẳng xuống. Nhưng lên cao thì “xiểng niểng, cà khiểng ơi là giọng tôi nó khiểng! Cha Giáo là dân rành ca nhạc biết đều này, nhưng vì đức bác ái mà ngài xuống giọng một chút làm tôi nghe mát cả ruột! Cám ơn Cha.

Nhưng để trả ‘thù”, tôi dặn kỹ cháu Quân sẽ in cho ngài tờ LL 17 và bài Nối kết của tôi trên trang web. Thế nào ngài sẽ lại mắng “Có tội! Có tội!” Nhưng tôi tin chắc già rồi ngài đã hết sợ tội. Chạy nạn ra Phú Quốc, tôi và bầy thê tử đi bên này đường, thấy cha Giáo mang balô đi bên kia đường, xem giáng thểu não, phần tôi cũng mệt mỏi, không hỏi không chào, mạnh ai nấy bước. Nghe đâu sau này, thủa ban đầu trời đất nổi cơn gió bụi, có một thời cha Giáo hằng ngày lễ lạc xong, đạp chiếc xe đạp, cọc cạch chở một thúng cá ra chợ bán, bổn đạo thương nhào vô mua giúp cha kiếm được đồng lời nuôi mình và nuôi cháu. Sau đó làm cha giữ việc cho tòa GM. Nay cuối đời có vẻ thanh nhàn hơn. Nghe cháu Quân kể: Cha lái chìếc xe máy, chỗ nào cần thì cha đi làm lễ giúp, xong thì tà tà đi uống càfê và ăn nhà hàng. Ngài còn rất minh mẫn và tráng kiện, đó là nhất một điều kiện an hưởng tuổi già. Mừng cho Cha!

 

* April 4, 2009 . Cha Nguyễn Văn Nghĩa

Được bài “Mừng Chúa Phục Sinh” của cha Nguyễn Văn Nghĩa, tôi nín thở đọc một mạch. Hay thật là hay. Cám ơn Cha đã mau mắn nhận lời mời cộng tác cho đề mục suy niệm của trang web được sung mãn. Tôi thán phục vị linh mục này đa đoan biết bao nhiêu là công việc cho giáo hữu, thì giờ đâu mà viết lách dữ dội vậy! Nhưng suy nghĩ hoài phải ngộ ra rằng thì ra những người đầy ắp tình Chúa và tình người thì tự nhiên tư tưởng cứ linh thiêng trào ra trên mười ngón tay, cứ thao thao mà gõ, chỉ khổ một nỗi phải thức trắng đêm, hao mòn sức khoẻ! Xin Chúa trả công cho cha. Ban phước lành cho Rừng Mê Thuột đầy hoa đầy trái.

Suy niệm bài “Mừng Chúa Phục Sinh” tôi khám phá ra được cái tinh thần căn bản của Chúa Phục Sinh là: Sự đau khổ, sư chết đi và sống lại của Chúa Giêsu chỉ mới hoàn thành nơi Chúa khi Chúa tuyên bố trên Thánh Giá “Consummata!” Ơn cứu chuộc chỉ được xem là viên mãn sau khi thân thể mầu nhiệm của Chúa, là chúng ta, tiếp tục vác Thánh Giá theo chân Chúa mọi ngày. Mà theo chân Chúa thì y như là không đau khổ thì không vinh quang và không chết đi thì không sống lại.

 

* 4/8/09 – Giudà Bán Chúa…

Nguyễn Hùng Dũng trong ban ĐH SG/XL thú thật với tôi là tính khí anh hơi “lành chành” chút đỉnh! Thấy điều phải thì nhào vô giúp mà gặp đều trái thì câm miệng không nỗi. Đi nhà thờ nghe cha sở đánh Giudà phản Chúa quá cỡ mạnh, đành chạnh lòng thương hại Giudà. Dũng đâu biết cha sở chỉ dùng Giudà để răn dạy con chiên thôi. Giận cá chém thớt đó mà! Chưa chừng cha đương chém ngay Dũng đó. Dũng hãy liệu thân! Nhưng cha sở cũng xin giơ cao đánh khẽ một chút. Đằng nào Ông Giudà cũng là một trong những vị “Giám Mục” tiên khởi của Giáo Hội đó! Linh mục mà không “hiếu tử vi phụ ẩn, chẳng nên đàm tiếu sự lỗi về người”, mà còn chơi GM sát ván thì đâu còn là tình cha con!

Hình như Chúa Giêsu cũng chỉ nuốt nỗi khổ tâm, vì thương đồ đệ mà trách qua loa “Chớ gì hắn chẳng được sanh ra!” Chớ không xài xể thậm tệ như Ngài từng xài xể bọn Pharisêu. Chúa chỉ nói Giudà bị hư mất theo nghĩa thất bại cá nhân. Chúa chưa “ném đá” Giudà thì hà tất chúng ta vội bôi tro trát trấu lên người ông ta dữ vậy! Ném bạc trả lại cho “Thầy Cả” là một hành động đại trượng phu. Thắt cổ tự tử “có thể”, theo quan niệm bấy giờ, là dùng cái chết để chuộc lỗi với Thầy, đó là cử chỉ yêu thương. Ai dám làm xin đưa tay lên xem! Tôi tin tưởng Chúa không đày Giudà xuống địa ngục đâu. Vì ông là một trong mười hai đại đồ Chúa chọn. Chúa chọn thì Chúa phải thương lắm. Lạy Chúa, tình thương Ngài lớn hơn tội lỗi bất cứ ai, hưống chi là môm đệ yêu của Ngài!

 

* April 9, 2009 –Một Trang Web, Nhiều Cách So Sánh: Một Công Trình Xây Cất? Hay Một Em Bé Chào Đời? Tất Cả Đều Đúng!

Hội Trưởng Nguyễn Cả tâm sự với tôi: “Thành lập một trang Web gia đình CCS Huế là một điều mà  anh em cựu chủng sinh khắp mọi nơi đều mong muốn bấy lâu nay, để thưận tiện thông tin liên lạc và kịp thời trao đổi cho nhau những buồn vui trong cuộc sống. Vì vậy đầu tháng 3-2009, Ban ĐH GĐ CCS Huế tại hải ngoại đã quyết định thiết kế trang Web này với sự cộng tác của anh em ở quê nhà, cách riêng anh Lê Văn Hùng.”
Thế rồi vào những ngày cuối tháng 3 tôi được ban thiết kế tiết lộ danh xưng của trang Web là : <www.cuucshuehn.net>. Tôi thấy lòng nôn nao, tò mò mở vào xem, chỉ thấy hàng chữ: “Trang Web Của Cựu Chủng Sinh Huế Đang Trong Giai Đoạn Xây Dựng”. Chỉ mỗi một cụm từ, nhưng hai chữ “xây đựng” gợi cho tôi một cảnh tượng sau hàng chữ đó có một rạng đông ló rạng, chiếu lên màn trời hy vọng hình ảnh ba ông thợ Lê Văn Hùng, Nguyễn Ấn và Tôn Thất Thắng, đầu đội nón “bảo vệ”, đương di chuyển tới lui không ngừng nghỉ. Thật là một hình ảnh thân thương cảm động.

Tôi có tính hiếu kỳ, nhứt là ưa tọc mạch quan sát những công trường xây cất lúc lái xe qua đường, huống chi đây là công trường nhà của mình. Bởi vậy mới vào đầu tháng tư tôi đà tò mò vào xem trang Web. Tôi vui mừng thấy có thêm dòng chữ: “Xin Qúi Vị Trở Lại Vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh”. Tôi nhất định phải là người đầu tiên chui vào khi mở cửa. Nhưng Nguyễn Cả đã nhanh chân lọt vào lúc 12 giờ 44 phút ngày 9 tháng 4-2009 và cho hay căn nhà đã mở nhưng rất nhiều phòng ốc còn trống trải. Chỉ mới có hai bài giới thiệu của ĐÔ Hàm và Cha TĐT Qúi.

Sáng hôm sau, khoảng 9 giờ Nguyễn Cả lại gọi: “Anh Hai ơi, em đương bận đi làm, anh canh chừng bài vở xem có được post đều đặn chưa. Ngoài hai bài giới thiệu, nay có thêm bài của ĐTC Benedict 16, hai bài suy niệm của Cha Tiến và Cha Nghĩa và bài Năm Thánh Phao Lồ của NT Trần Văn Trí. Xin anh xem coi Hùng đã post thêm được bài nào và sự tiến triễn có xuôi thuận không nhe!” Tôi báo cáo cho Nguyễn Cả yên tâm là đã có bài Nối Kết của Hoàng Xuân Tịnh, bài của anh Nguyễn Đăng Trúc và bài của anh Đỗ Tân Hưng. Bên kia đường giây tôi nghe tiếng thở phào. Nguyễn Cả đã được nhẹ nhõm người.

Từ phút đầu nghe Nguyễn Cả báo động rùm beng, Nguyễn Ấn vội nhắc nhở Nguyễn Cả là Lê Văn Hùng chỉ muốn báo tin nội bộ cho Cả và Ấn biết thôi. Tại sao lại vội vàng công bố sự chào đời của trang Web lên diễn đàn chung lúc bài vở chưa đầy đủ? Nguyễn Cả lý luận thì là mình mời bà con đến xem căn nhà thôi, rủi thiếu đồ thiếu đạc chút đỉnh thì để bà con thương tình giúp đỡ thêm cho đầy đủ đó mà! Chỉ thông báo riêng người nhà, chưa mời khách đâu. Tôi yên ủi hai người: Thì coi như là một đứa bé chào đời đi. Nghĩa là mẹ nó đương chuyển bụng vậy. Mình báo tin trước cho bà con cùng chờ đợi náo núc với mình đó mà!

Tôi có chín đứa con, chỉ có một đứa bị “tổ trác” ra chào đời trong lúc tôi đi làm, còn tám đứa thì tôi đứng chực sẳn đằng đầu của bà xã, làm kịch làm tuồng, nhăn mặt méo miệng từng lúc từng hồi để phụ họa vói phu nhân tôi, và cuối cùng hí ha hí hửng bồng con ra trình làng.Thực sự chưa bao giờ kinh nghiệm theo cái kiểu sanh đẻ bé web này. Sanh con mà người dự kiến bằng “wireless” xa đằng đẳng nửa vòng trái đất. Thằng cha Cả nó ở Đen Vơ; các bà mụ thì: Nguyễn Ấn Cali, Tôn Thất Thắng Nữu Ước và Lê Văn Hùng Ninh Thuận….mỗi người mỗi phương trời, xử dụng những chiếc kềm vạn dặm, xúm nhau đẻ một đứa bé. Có lúc các bà mụ la làng gặp trở ngại thì Cả lo quýnh lên, gọi điện thoại giao cho tôi làm phóng viên “nheo mắt nhòm lỗ khoá” giùm hắn. Tôi báo cáo cho hắn từng khúc từng khúc một và cuối cùng đến chiều thở phào xong nhiệm vụ “con ruồi Lã Phụng Tiên”. Xin tuyên bố: “it’s not a girl, it’s not a boy, it’s a web”. Cám ơn Chúa, mẹ tròn con vuông, đứa bé kháu khỉnh, cân nặng 6 kí, dài 2 tấc rưởi. Tôi 34 năm xài thước Mỹ, nếu có nói sai xin cha nó đính chính. Tên nó là “www.cuucshuehn.net”.

Đây là đứa con chính cống quốc tịch Mỹ. Mặc dù được ra chào đời trên đất nước Việt Nam. Nguyễn Ấn đã khai sanh ở Mỹ và đăng ký nó một lèo 3 năm account. Sự nối kết hài hòa giữa Lê Văn Hùng ở Việt Nam và Nguyễn Ấn ở Mỹ đôi lúc bị trở ngại kỹ thuật như là “Error in Application” hay “No Connection” làm Nguyễn Cả rối lên, quýnh cả người. Giống như một bộ sườn xe được sản xuất tại quê nhà lại lắp ráp vào bộ máy tại Mỹ . Những lúc lúng túng như vậy, anh em ban Wesite đã lập tức điện đàm với Tôn Thất Thắng, chuyên gia vi tính ở Nữu Ước, và cũng là con đở đầu của Lê Văn Hùng. Tôn Thất Thắng đã tỏ ra rất tận tâm đắc lực trong vai trò cố vấn. Thành thật cám ơn Tôn Thất Thắng. Chúng tôi hãnh diện với sự trợ lực của Thắng.

Nguyễn Cả tâm sự rằng: Hôm nay trang Web đã mở mắt chào đời. Nhiều AE từ Đông sang Tây đã tích cực góp phần vào trang Web, một phương tiện truyền thông tuyệt vời hữu hiệu cho công việc truyền giáo và nối kết mối tình chủng sinh chi huynh đệ. Ước mong đây là nơi hội tụ của tất cả AE CCS chúng ta, chia sẻ cho nhau những sinh hoạt và kinh nghiệm cuộc đời. Đứa bé Web thai nghén, sinh nở đã là việc khó khăn, thế nhưng nuôi dưỡng về lâu về dài là một việc trường tồn tốn nhiều cơm gạo. Nhưng nhiều tay vỗ nên bộp, kính mong sự nâng đở cộng tác của toàn thể Gia Đình chúng ta.

 

*April 12, 2009. Lục- Bát- Lục hay Sáu-Tám và Sáu (6-8-6)

Hân hoan giới thiệu thơ 6-8-6 của nhà thơ Nguyễn Văn Tịnh, Trầm Tĩnh Nguyện. Trầm Tĩnh Nguyện bảo loại thơ này anh khám phá ra đâu đó có đôi bài, nhưng lại đâm ra mê. Những giòng thơ mà  anh gọi là “hụt ý hụt lời”. Chỉ có một câu sáu, kế đến một câu tám và sau cùng một câu sáu bỏ lững lờ lưng chừng để người đọc tùy nghi suy nghĩ tiếp… Thấy Trầm Tĩnh Nguyện viết hay quá, tôi trầm trồ với Nguyễn Cả. Nguyễn Cả cao hứng họa lại một bài. Tôi thấy hai người đều hay, bèn hâm mộ bình lên một tiếng rằng:

Gióng lên một tiếng Tĩnh Trầm

Là Trầm Tĩnh Nguyện thì thầm tuyệt thay

Ba câu ngắn gọn mà hay.

Bà con cô bác ai có nhã hứng xin mời vào trang Web, đề mục “Tôn Giáo, Văn Hóa và Nghệ Thuật”, xướng qua xướng lại với nhà thơ Trầm Tĩnh Nguyện cho vui nhà vui cửa.

Sau đây là tâm sự của nhà thơ Trầm Tĩnh Nguyện

Kính thưa Niên Trưởng và Anh Lớn,

Thật là một niềm khích lệ lớn cho kẻ hậu sinh khi được các bậc "đại lão hòa thượng" đón nhận các bài thơ 6-8-6 của mình. Như em có viết trong bài "Thơ 6-8-6 và tôi", em rất mong có được người đồng cảm và đồng hành trong thể thơ "hụt ý hụt lời" này. Nay thì Chúa Kitô Phục Sinh đã ban cho em điều mà em vẫn hằng mong ước, hơn nữa những người đồng cảm đồng hành lại là các bậc tiền bối cùng chung một Gia Đình CCS Huế thì niềm vui đã lớn lại càng lớn hơn nữa. Con xin hết lòng cám ơn Bác HXTịnh đã có nhã ý tặng con một bài 6-8-6 và lại còn gợi ý phát động một "phong trào" cho thơ 6-8-6, nếu được như thế thì niềm vui càng được chia sẻ thì lại càng lớn hơn. Em cũng xin "tâm phục khẩu phục" mấy bài 6-8-6 của Anh Cả. Xin cũng đồng thuận với ý của Bác HXTịnh để nhờ Hùng đưa lên web CCSHuế cho anh em được thưởng thức và chia sẻ. Kẻ hậu bối có "đôi lời vụng dại" thân thưa như thế, kính mong các bậc tiên sinh hạ cố đón nhận.

Thân ái kính chúc Anh Em và gia đình luôn vui khoẻ trong Chúa Phục Sinh,

Kính mến,

Nguyễn Văn Tịnh - HT68

 

* April 16, 2009. Hậu Phục Sinh: Con Đường Chúa Đi Qua

Ôi ghê tởm và rùng rợn qúa! Tôi quên mất tên của người anh em gởi mấy bức hình đồ tể làm thịt người. Nhưng đành chịu thôi vì không còn can đảm trở lại điện thư ấy lần thứ hai. Bọn đồ tể vô thần đã biến những thân hình chứa đựng hình ảnh linh thiêng của Chúa thành súc vật. Thế rồi chúng nó thọc huyết heo, chặt đầu heo, mổ lòng heo và rã thân heo ra thành từng mảnh thịt để trở nên đồ nhậu và thức ăn. Thưa các bạn, tôi chỉ có thể dùng từ Heo thay cho từ Người vì đó là sự thật mà tôi không dám tin là sự thật. Và, xin Chúa xót thương, tôi mong đó là một ngụy tạo, nhưng than ôi, ba nhân vật đại diện đoàn vũ “Thần Vận” của Pháp Luân Công, sắp lưu diễn ở California, những ngày đầu tháng 5, vừa xác nhận trên đài SBTN đó là sự thật.

Những tấm hình đó cũng đã đưa dến cho tôi một cú sốc nặng nề. Đó là một sự thật rùng rợn thê thảm quá! Tôi tức thời phát ớn lạnh, nhói ngực, nhức đầu và nghẹt thở. May thay, Nguyễn Cả lanh trí, bắn cho tôi mấy tấm hình “Con Đường Chúa Đã Đi Qua”. Ôi nhiệm mầu thay, thì ra đây là liều thuốc chữa cơn bịnh ngặt nghèo của tôi. Tôi thấy hình Chúa hiện ra nhầy nhụa phủ đầy những vết thương đẫm máu. Tôi nghĩ ngay đây là hình ảnh của con cái Chúa phải chịu trong qúa khứ, trước mắt tôi trong hiện tại, như em gái nạn nhân này và còn dài dài trong tương lai qua bao thế hệ!

Em gái nạn nhân! Em đừng buồm thảm vì trước vô cùng Thiên Chúa đã gọi tên em, Chúa đã biết em khi em còn trong dạ mẹ. Trong vườn Giếtsê Chuá đã thấy hình ảnh rùng rợn của em. Chúa đã mang hết tội lỗi của những tên vô thần đồ tể kia, nhứt là tội của bọn vô lương, quan thầy của chúng. Chúa đã hấp hối, đã chảy mồ hôi lẫn máu, vì Chúa thấy trước tôi lỗi của chúng nặng nề ghê tởm. Đồng thời Chúa đã ôm trọn nhân loại nạn nhân của chúng vào lòng Chúa, trong đó đã có em, khi Ngài kê vai vác lấy cây khổ giá, thân thể rã rời, ngã lên sụp xuống, lê lết trên con đường dẫn đến núi Canvê.

Chúa đã đồng hành với con cái Chúa, gánh vác những đau thương khổ nạn mà ma qủi và đồ đệ chúng trút đổ trên con cái Chúa, trong đó có em. Em hãy buông thả xác em cho bọn qủi dữ hành hạ nhục nhã, trưóc sau nó cũng thành tro bụi, em chớ quan tâm, vì chúng không bao giờ làm thịt đưọc hồn thiêng em. Và con đường em đi Chúa đã đi qua, là con đường đau đớn nhục nhã và chết chóc mà Chúa đã thắng trận vì Chúa đã sống lại vinh hiển và mở đường cho con cái Chúa cùng sống lại mai sau, trong đó có em.

Tự nhiên tôi hết nhức đầu, nhói ngực và nghẹt thở. Tôi chấp tay cám ơn Chúa vì nếu Chúa là một cứu Chúa ngự trên cao, huy hoàng, chói sáng, hiện xuống uy nghi, chỉ tay năm ngón, nhứt thời cứu chúng con khỏi tội kiếp “Tổ Tông”, rồi lên trời vinh hiển; nếu Chúa không phải là vị cứu Chúa sinh ra trong khó nghèo, sống nhọc nhằn, chịu đau thương, chết nhục nhã trên thánh gíá, thì ngày nay nhân loại chúng con lấy đâu có người đồng hành để thoa dịu vết thương đi hết con đường bất công khổ nạn để được sống lại với Chúa! Và hình ảnh người con gái bị thịt làm sao được xóa nhòa trong tâm khảm nặng nề của chúng con!

Từ trước vô cùng Chúa thấy nhãn tiền những tên đồ tể thủa nào đương toác miệng mửa ra những tiếng cười man rợ giữa rừng cột tẩm dầu mà bùi nhùi là xác thân con cái Chúa. Chúng tưng bừng đốt lên để làm đuốc sáng soi cho những bữa tiệc say sưa trác tráng. Chúa đương thấy những tên đồ tể xa xưa đương xua đuổi hàng hàng lớp lớp những tông đồ, môn đệ và con chiên Chúa vào những quảng trường mênh mông để làm trò tiêu khiển cho dân chúng reo hò thoả thích trước những cảnh voi chà xác, ngựa phân thây, sư muông xé thịt.

Chúa đương thấy những tên đồ tể thời nay đương tàn sát con cái Chúa trong những lò sát sinh Nazi, giữa những trò đấu tranh Vô Sản, trên cánh đồng sọ Campuchia, và hôm nay dưới những đao thủ của Hồi Giáo cực đoan, và những đàn áp Pháp Luân Công/Tây Tạng, mà em gái bị thịt hôm nay là một tiêu biểu ghê tởm rùng rợn. Tồi tệ hơn hết là Chúa đương thấy những tên đồ tể cầm quyền nắm luật của văn minh khoa học hiện đại đương cho phép, cỗ võ, giúp tiền của để giết chết cơ man nào là trìệu triệu những trẻ thơ vô tội đáng ra đã được bình yên nằm trong dạ mẹ và thanh thản mở mắt chào đời.

Các Thánh tử đạo, các nạn nhân Phát Xít/Vô Sản, em gái bị thịt và thai nhi vô tội ơi, hãy vui lên và lắng tai nghe thật rõ: Con đường các vị Chúa chúng ta đã đi qua. Vì thế, trên con đường các vị trải qua Chúa đã sai Thần Khi Ngài xuống bao trùm các vị, âu yếm bảo bọc, cõng các vị trên lưng, ôm các vị vào lòng. Nay bình bình an an nằm xuống, hình khổ các vị đã thoáng qua và hạnh phúc triền miên hằng cửu đương chào đón. Các vị đương chìm đắm trong hào quang sang chói của “Tình Yêu” đương bao phủ trên bàn tiệc hôn nhân của Con Chiên thánh. Các vị đương lặn ngụp trong biển yêu đương và gối đầu an nghỉ trên trái tim vĩnh hằng vĩ đại vô biên âu yếm của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ngược lại hạng người đáng thưong hại mà Chúa phải cứu chuộc không còn là các vị mà chính là bọn đồ tể của các vị. Những tên đồ tể nhân loại bây giờ và sau này đương và sẽ ở đâu?! Chúng đương và sẽ ở dưới vực sâu thăm thẳm, ngước đầu lên kêu thương cùng Chúa và thèm lạt khát khao van xin các vị, chỉ một giọt nước thôi, nhỏ lên đầu lưỡi cháy khét của chúng. Nhưng than ôi! Tội đồ thiên thu của chúng biết bao giờ mới được rửa xong! Xin trả lời giùm tôi!

Tôi bây giờ mới thấu hiểu ý nghĩa của “Con Đường Chúa Đã Đi Qua” chính là con đường “Khổ, Tử’ mà Tổ Tông ta đã để lại cho con cháu. Trong đó: Khổ là tạm. Tử là bước qua. Nhưng Chúa đang đồng hành với ta khi ta chịu khổ, cầm tay nhắc ta khi ta bưóc qua chiếc “cầu tử” và chờ đợi ta  trên cõi vĩnh hằng Thiên Quốc. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến câu chuyện em bé của Cha Nguyễn Bá Thông: Đại khái là một em gái VN mười ba tuổi, một trong số ba chục ngàn (30,000) em gái bị ép làm gái mãi dâm ở Campuchia. Em hận cái ông Chúa ở trong Nhà Thờ lắm, vì em cầu nguyện hoài mà ông đó nhứt định không giúp em, để em phải bị đọa đày. Vì thế mỗi lần Cha Thông và các bạn em rủ em vào nhà thờ thì em nhứt quyết thà chết bỏ chứ không vào vì em ghét ông Chúa ấy lắm.

Nghe câu chuyện này tôi lâu nay vẫn lúng túng không biết phải khuyên em thế nào cho xuôi. Nhưng nay tôi đã có câu trả lời cho em: Em ơi, em không vào Nhà Thờ thì ông Chúa trong Nhà Thờ cũng đương chạy ra khỏi Nhà Thờ và đương bám sát em suốt quãng đường “khổ tạm” của em. Chúa hằng ở bên em, mặc dù xác thân em bị đày đọa, tâm hồn em bị nhục nhã, và em hờn dỗi ông Chúa lắm, nhưng em không biết đó thôi, ông Chúa ấy vẫn mỉm cười tha thứ sự thơ dại của em. Ngài theo em từng bước một, bao che, nâng đỡ, âu yếm, vỗ về em. Sự khổ đau của em chỉ là một gạch nhỏ (-) tạm thời, so với cõi phúc là một đường dài vô tận. Ông Chúa ấy đương dọn sẳn chỗ cho em đó, em biết không? Một ngày nào đó chết đi, vào với Chúa, em sẽ dậm chân bắt đền: “Chúa ơi! Con khổ lắm mà Chúa ở đâu?! Chúa sẽ trả lời em: “Ta đương ẳm bồng con đến chỗ này đây nè!”

“Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con; xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục; xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng; Nhứt là những linh hồn cần nhờ đến lòng Chúa thương xót hơn hết!” Lời cuối câu kinh này, Mẹ Fatima chắc phải ám chỉ những tên đồ tể trên đây. Chúng ta hãy cầu nguyện cho chúng nó!

 

* April 20, 2009.  “Tổng Giáo Phận Huế 150 Năm”

Reng reng reng… - Hé nô! số điện thoại reng vừa rồi không hiện lên tên người gọi. Tôi tưởng là điện thoại rao hàng. Tôi thường không tránh né những callers này mà ưa cà rởng vói họ. Câu trả lòi trước tiên của tôi là nhái theo giọng bắc : Hé nô!” Sau đó để cho họ mặc sức mà nói. Nếu là digital voice thì tôi cúp ngay. Nhược bằng tiếng người thì tôi lắng nghe cho họ nói hết. Sau đó tức thời trả lời: “Sorry I am not interested! Rất tiếc tôi không cần! Nếu họ cứ tiếp tục nói tôi bắt đầu rao hàng của tôi: “Xin lỗi anh/chị tên chi?” Rồi cứ đó mà thao thao bất tuyệt hỏi chuyện này đến chuyện kia. Có lúc lại bày ra giảng đạo nữa. Có người tỏ vẻ thích nghe thì nói nữa, nhưng có người xem ra lúng túng thì tôi buông tha và xin lỗi. Sau đò thì không bao giờ tôi được người đó gọi lại nữa.

Các con tôi nhiều lúc lỡ bị “gọi hàng” như vậy thì chúng nó điềm nhiên giao máy cho tôi: “Này có người gọi ba đây!” Như vậy là chúng thoát nợ. Lần này tôi hú hồn bị tổ trác! Thì ra là Đức Ông Hàm! Ban đầu nghe tiếng “Hé nô” ĐÔ dụ dự nhưng rồi vì đã mấy lần nói chuyện cho nên nhận ra tiếng tôi và ngài  tự xưng danh hiệu. Tôi vui mừng: “Cha gọi con là con lên Thiên Đàng rồi!” Tôi thường ơ hờ, không biết cẩn thận bấm đốt tay tính toán tuổi tác mà cứ đoán bừa; nghe giọng ngài mạnh mẽ tôi tưởng ngài còn trẻ: “Cha nay trên dưới 60?” – “Cậu 80 thì mình phải 70 chứ!” – “70 mà mạnh rứa thì rán cày tới chết luôn nghe Cha!” Ngài nói sắp về hưu rồi và rằng đương dọn dẹp nhà thì gặp cuốn sách “150 Năm Địa Phận Huế”. Tôi như vớ được vàng: “Của qúi lắm đó Cha ơi. Gởi liền cho con đi nhe!” Sau đó tôi mách với Nguyễn Cả. Nguyễn Cả hai lượt nhắc tôi: “Anh Hai nhận được thì gởi cho Nguyễn Ấn đi nhé! Tôi bảo: Còn lâu! Mình phải nuốt hết rồi mới trao qua bên đó!”

Cám ơn ĐÔ, con đã nhận được hàng. Con đã đọc qua, đây là một tài liệu giá trị về lịch sử để chúng con làm tiêu chuẩn tham khảo, kìểm chứng và đăng tải vào website của chúng ta. Đọc cuốn “TGP Huế 150 Năm” tôi ngộ ra rằng: Lịch sử Hội Thánh nói chung, lịch sử Tổng Giáo Phận Huế nói riêng và lịch sử từng Kitô hữu cá nhân là một lịch sử đẫm máu. Một lịch sử dính liền với đời sống và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và hy vọng sống lại vinh hiển với Ngài.

Cảm kích nhứt là gương hy sinh của các vị thừa sai và các linh mục và giáo dân cha ông của chúng ta. Lịch sử đẫm máu này nối tiếp từ đời các vua chúa đến những biến cố lịch sử tang thương của đất nước. Cũng như Chúa Giêsu là nạn nhân của sự hiểu lầm ngu dốt và ích kỷ của dân Do Thái, các Thánh Tử Đạo Việt Nam là nạn nhân của sự hiểu lầm ngu dốt và ích kỷ của những thế hệ cầm quyền tự cho mình là đỉnh cao trí tụê, nhắm mắt bịt tai trước những lời khuyên nhủ canh tân học hỏi của những chính nhân uyên thâm thức giả.

Tôi trích dẫn một đoạn văn nói về Toà Giám Mục của thánh GM Stephano Theodore Cuénot: Hầu hết các nhà đều giống nhau: Một túp nhà lá, lụp xụp giữa vuờn cau, chuối. Có hàng rào tre hay xương rồng. Nhà thấp, phên đất, ba căn, của sổ nhỏ xíu. Đức Cha chọn căn hẹp phía nhà bếp kín hơn. Phòng để đồ là một bực phản, mấy tấm ván đóng kín lại. Giường ngủ, ghế ngồi, bàn giấy, bàn cơm đều ở trên bức phản đó. Mỗi ngày ĐGM dùng hai bữa cơm. Thực phẩm hằng ngày là một bát cơm với mấy dĩa rau luộc, măng cà và nước mắm xoàng. Đó là Tòa Giám Mục Địa Phận Đàng Trong. Địa Phận Huế lúc đó trực thuộc Đức Cha Cuénot. Thánh GM Cuénot bị chết rủ tù.

Đọc về cực hình của các thánh tử đạo, tôi sợ nhứt là cực hình của bốn Thánh bị nhốt vào chiếc củi bằng gai, đặt nằm trên bãi cát nắng cháy, gần một chợ đầy thức ăn uống, bên bờ sông, nước mênh mông, nhưng bị bỏ đói và nhịn khát cho đến chết. Những tên lính canh thương tình khuyên nhủ: “Thức ăn đầy chợ các người muốn ăn mấy cũng được, nước trong tràn sông các người muốn uống thoả thích, chỉ cần một tiếng bỏ đạo thôi!” Các đấng trả lời: “Các thức ấy thì chúng tôi rất muốn, nhưng bỏ đạo Chúa chúng tôi thì dù chết chẳng muốn!” Mặc dù vậy có vị lúc khát nước quá bất tĩnh nói sảng “bỏ đạo”. Quân lính mầng rỡ thả ra. Nhưng sau khi tỉnh lại nói: “Lúc tôi mê sảng chối đạo, nhưng nay tĩnh lại tôi không chối!” Và như thế bị bỏ lại vào củi. Hình như một vị sống được 9 ngày, một vị 15 ngày, một vị 17 ngày và một vị 18 ngày.

Rùng rợn nhứt là trận xử bá đao (100 nhát dao) của Thánh Linh Mục Marchand Du tại Thợ Đúc. Ngài bị xử chung với 4 tử tù khác. Ngài bị cột vào cọc thứ hai trong năm cọc. Bốn người lý hình vây quanh ngài, kẻ cầm kềm, người cầm dao, người có nhiệm vụ đếm số và người ghi sổ. Lý hình bắt đầu cắt lột hai miếng da trên trán và phủ xuống lúp lấy mắt. Và cứ thế mà cắt từ đầu đến chân, đủ 100 miếng. Thánh Marchand vẫn yên lặng chịu đựng. Ngài chỉ la lên một lần và ngước mắt lên trời cầu nguyện. Cuối cùng đầu của ngài bị chém, đem đi diễu trong phố và bêu ba ngày tại chợ chính (?), rồi bị nghiền trong cối và ném xuống biển với xác thân bị phân làm bốn.

Tôi để ý trong các thánh Tử Đạo có một vị tu xuất, giống như tôi, là Phan Viết Huy. Ông phục vụ trong quân ngũ 10 năm. Quan bắt 500 lính có đạo xuất giáo. Hầu hết chối đạo, chỉ còn lại mười lăm người, rồi đến 9 người, trong số này có ông Huy. Ông Huy vốn có vợ bé lúc ở tỉnh. Đương đêm, lẻn trốn ra ngoài, xưng tội, và tuyên bố bỏ vợ bé và trở lại tù. Chín người này lại bỏ đạo 4 người, còn lại 5. Năm người này lại bỏ đạo 2 người, còn lại Ông Huy, Thế và Đạt. Vì thương tình các bô lão trong làng chịu đòn vì mình không bỏ đạo hai Ông Thế và Đạt bỏ đạo. Cuối cùng thấy các bạn đều được tự do Ông Huy bị dụ dỗ cũng chối đạo luôn. Ra ngoài các ông thấy hối hận, đi xưng tội và làm đơn xưng đạo lại. Các quan không chấp đơn, hai ông Huy và Thế đón được vua Minh Mạng đương đi dạo trình thẳng đơn lên vua. Hai vị được chở đò ra biển, chặt đầu, thây phân làm bốn và liệng xuống nước. Ông Đạt bị lỡ cơ hội nhưng sau này cũng được phúc tử đạo.

 

* April 25, 2009. Lịch Sử Tổng Giáo Phận Huế.

Xin báo tin mừng. Gợi ý bằng cuốn sách nhỏ “150 Năm Tổng Giáo Phận Huế” Ban ĐHCCSHuếHN đương xúc tiến tu chỉnh và ấn hành một cuốn “Lịch Sử Tổng Giáo Phận Huế” do cố Lm Nguyễn Văn Hội biên khảo. Xin qúi AE cầu nguyện, cuốn sách được dự tính ra mắt toàn thể anh em trong dịp họp mặt 2011.

 

* April 24, 2009. Mệ Matta

Hồ Viết Tuấn thân mến.

Trần ai khoai cổ vừa được đến Mỹ lại mất mẹ phải lật đật trở về. Mình biết Tuấn buồn lắm nhưng mình chắc Mệ đã thanh thản nhắm mắt vì đã biết con mình được đến bến bờ tự do. Xin Chúa đón linh hồn Mệ vào hưởng sự tự do vĩnh cửu Thiên Đàng trong Tình Yêu của Chúa..

 Theo lời Nguyễn Cả kể lại: Đáng lẽ cô dâu của Cả phải xắn ống quần lội nước lên bờ, Mệ thương tình xây lưng vô cõng. Mình nhớ ngay ra hình ảnh thân thương của các bà mẹ Việt Nam. Thương con cái mình sinh ra vô bến vô bờ. Nhưng lòng thương đó không chỉ đóng khung trong gia đình mà toả ra bao la rộng rãi đến bà con lối xóm. Hình ảnh này đẹp tuyệt vời được diễn tả qua Mệ Matta. Quả tim là biểu tượng của Tình Thương, chiếc lưng là hình dung sự gánh vác được thúc đẩy bởi Tình Thương của một con người. Đó là hình ảnh của Con Người Giêsu với trên lưng có cây Thập Tự Giá!

Mình tin rằng Mệ Matta suốt đời đã từng đưa lưng ra, bằng một cách nào đó, gánh vác chẳng những Thánh Giá của con cái mình mà còn đến cả bà con lối xóm. Nhân dịp tháng 5 này chúng ta đương vinh danh các bà mẹ. Hy vọng Tuấn viết một bài về mẹ mình trên trang web để tưởng niệm sự ra đi của Mệ. Tuấn cứ thư thả. Chừng nào về tới Mỹ hãy mở e-mail ra coi. Mình có gởi tặng Tuấn hai Danh Bản có khoảng trên 200 danh sách của anh em. Tuấn sẽ mặc sức tìm lại AE của mình. Nhứt là lớp PX61 của Tuấn. Hơn nữa hãy mở website <www.cuucshuehn.net>. Tuấn sẽ thấy anh em sinh hoạt giao lưu rất năng nổ. Hy vọng Tuấn sẽ tham gia sinh hoạt với AE.

Hoàng Xuân Tịnh, AN 41

UVLL

 

* April 26, 2009. Thư Trả Lời Của Hồ Viết Tuấn

Thưa Các anh,

Thật vui khi được hồi âm. Không biết phải diễn tả thế nào cho hết. Cảm tạ Chúa vô cùng. Chúa cho Tuấn đời này quá nhiều dù Tuấn chẳng có gì xứng đáng. Những việc Ngài làm cho T chỉ biết cúi đầu đón nhận và ghi lòng tạc dạ hồng ân của Ngài. Chắc chắn rằng Tuấn bất xứng , nên T cầu xin các anh em anciens seminaristes cùng cảm tạ Chúa với T. Thưa Anh em, khi về đến nhà thấy lẳng hoa của CCSHue và nghe gia đình cũng như Cha xứ kể lại, T ngạc nhiên quá độ.vì anh Nguyển Cả và Tuấn mấy chục năm nay chẳng hề liên lạc với nhau, thế mà có chuyện như đã xảy ra…

Theo yêu cầu của các Anh, T chỉ nói sơ qua về mẹ T. Một người đàn bà, chồng bị VM (HXT xin viết tắt) chặt đầu khi 28 tuổi, một mình nuôi dưỡng 5 người con, con lớn 8 tuổi, con sau cùng là T mới có 7 tháng tuổi. Khi ba T mất, ruộng đất bị tịch thu cho đến gần 1954 mới trả lại. T cảm phục mẹ đã nuôi dạy 5 đứa con nên người. Và càng cảm phục hơn về sự hy sinh tuổi thanh xuân của mẹ. Đã trung thành theo quy tắc của Nho Giáo “Tam Tòng Tứ Đức”. Cho đến tuổi này T mới hiểu trọn vẹn sự hy sinh đó.

Đời mẹ nhiều gian truân. Sống yên ổn được 20 năm thì biến cố 75 lại đến. Mẹ suýt bị đem ra đấu tố theo kiểu đấu tố ruộng đất ở miền Bắc 1956. Nhưng rồi Chúa thương mọi sự đều qua. Tưởng mẹ an hưởng tuổi già, nhưng Chúa muốn mẹ vác thêm Thánh Giá thay cho con cái. Mẹ chuẩn bị đi du lịch Norway thăm chị Hương (?) chị Lài (?) thì bị tai biến mạch máu não năm 1994 cho đến ngày qua đời.

Suốt thời gian bệnh, mẹ không nói năng gì được... nhưng có một đều duy nhứt mẹ làm được, đó là đọc kinh lần hạt và thậm chí hát thánh ca “rõ ràng” như một người bình thường. Mỗi lần các Cha đến thăm đều đọc kinh với mẹ, và mẹ rất thích lần hạt chung với bất cứ ai đến chơi. Đó là sự thật 100%. Nhiều anh chi em T cứ suy nghĩ phải chăng tụi T tội lỗi nhiều nên mẹ phải gánh tội thay?! T chỉ kể tóm tắt đời mẹ như vậy kẻo mang tiếng “mẹ hát con khen hay”. Có dịp T sẽ kể kỷ niệm những năm quét dọn phòng của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cho anh em nghe.

Tang lễ mẹ T tổ chức rất chu đáo và nghiêm trang. Vì Nhà Thờ đương tu sửa nên nên Thánh Lễ tổ chức tại “Từ Đường” của gia đình. Máy PC tại nhà có vấn đề nên không post hình ảnh đi được. T sẽ tìm cách chuyển sau. Ngày mai thứ 2, T sẽ đi Quảng Trị, giáo xứ Cây Da tham dự Lễ nhận chức của Cha Francoìs Hồ Văn Uyên (?), là người anh em trong dòng tộc. Có Đức Tổng GM và ĐC phụ tá. Đức Tổng là thầy cũ, còn ĐC phụ tá là người làm phép hôn phối vợ chồng T tại tòa Tổng GM Huế, khi ngài còn làm tuyên úy quân đội. Chiều thứ ba sẽ có LM, gọi T bằng cậu, từ Oklahoma đến dâng Lễ cho mẹ T tại nhà. Xin anh em hiệp ý cầu nguyện cho mẹ T.

Cho phép T ngừng ở đây. Hẹn thư sau. Xin Chúa luôn giữ gìn anh em. Xin Chúa gìn giữ Hội Thánh Chúa và Giáo Hội VN cũng như dân tộc.

Chào các anh,

Tuấn

 

* April 27, 2009. Những Bức Hình Siết Chặt Thêm Tình Huynh Đệ

Thấy căn phòng hình ảnh của website còn trống trải quá BĐHCCSHueHN muốn động viên anh em tham gia tặng hình. Gặp dịp Lễ Phục Sinh tôi được gia đình hai cháu trai thứ 6 và cháu trai út mời đến ăn Lễ. Bữa ăn thật “thịnh soạn” gồm vỏn vẹn hai món quê hương: Một soong “thịt kho với hột gà” do con dâu Mỹ thứ 6 nấu, và một soong “canh thơm” do cháu trai út nấu. Chỉ thế thôi! Đó là bữa “tiệc” Lễ Phục Sinh năm 2009 của tôi. Nếu có bạn nào ngạc nhiên và thắc mắc về bữa tiệc đặc thù này của tôi hãy kê tai vào tôi nói nhỏ sau. Chỉ biết rằng tôi đã ăn một bữa ngon lành no nê thỏa thích.

Ăn xong bèn nảy ra sáng kiến chụp một tấm hình chung và còn cao hứng gởi tặng riêng Nguyễn Cả. Không ngờ anh này cả gan vi phạm bản quyền gởi cho Lê Văn Hùng post lên trang web. Tôi biết được thì ôi thôi sự đã lỡ rồi. Ai bảo tôi không cẩn thận treo bảng “Cấm Đăng”! Đành rán chịu thôi. Không ngờ mấy chú này lại muốn che lấp tội lỗi bèn làm bộ đua nhau khen quá cỡ. Tưởng làm tôi mũi nở, có ngờ đâu tôi đương mắc cở quá trời! Có chú lại bạo gan xúi bậy tôi bước thêm bước nữa, nói nôm na là “phòng nhì”, sợ tôi không hiểu bèn đóng mở ngặc là (deuxième femme).

Trước chú này cũng có vài bạn đề nghị làm mai mối. Tôi suýt bị sa ngã kiếm người thưa kinh, bèn dánh một vòng tham quan trong viện dưỡng lão. May mắn thay, các “cô nương” lái “xe lăn” nhìn thấy tôi thì nguýt một cái dài tới lỗ tai và quay xe lăn, “de” nhanh một cái rẹc. Tôi vỡ mộng không dám mơ quàng nữa. Hơn nữa, sau đó mỗi khi đọc kinh xem Lễ đều thấy rõ ràng phu nhân tôi núp sau áo Đức Mẹ “lêu lêu xấu xấu ông già mất nết!” Tôi đành “lạy em, anh xin chừa!”

Tôi không chịu thua, đành trả thù kêu gọi các ban điều hành quốc nội hải ngoại hãy theo gương “lành” của tôi gởi hình ra đi. Cực chẳng đã Nguyễn Cả ló ra mấy tấm hình và Lê Văn Hùng và Nguyễn Úy hùa theo cho lên hai cái. Tôi thì thấy mấy thầy chú này người nào người nấy đẹp trai quá cỡ. Nhưng bọn họ lại đem ra so sánh: Những người trong nước xem ra trắng trẻo phương phi hồng hào hơn bọn cày ngày cày đêm hải ngoại chúng tôi. Tôi đồng ý và cho biết lý do là vì quốc nội các người được bú sữa mẹ Việt Nam. Trái lại chúng tôi bên này chỉ bú được sữa bò Mỹ thì làm sao mà so sánh được!

Kịp lúc được ĐÔ Hàm gọi nói chuyện tập “TGP Huế 150 Năm”, tôi thừa cơ năn nỉ Ổng cho tôi thấy hình. Anh em mà không biết mặt nhau thì ra như người dưng nước lã. Ông này cũng hà tiện không kém ai, nhín cho tôi được hai tấm. Tôi đòi thêm, Ổng cứ hẹn dịp khác. Nhìn ảnh của Ổng tôi bàng hoàng: sao mà hiền như đứng chăn chiên lành thế. Tôi là anh nhưng nhứt quyết nhường chức lại cho Ổng. Tôi thấy mình bé nhỏ lại trước dung nhan dễ mến này. Hơn nữa, không biết có bà con không mà gương mặt của Ổng giống như ĐÔ Nguyễn Văn Lập, linh hướng của tôi hồi ở Trường Thiên Hữu. Ổng lại làm cho tôi gợi nhớ người Cha thân thương này đã tìm kiếm thăm hỏi tôi dù những năm tôi trốn rất kỹ ở rừng xanh.

Có một cặp vợ chồng và 11 người con, họ được bú no nê sữa mẹ Việt Nam, thế rồi qua Mỹ lại được bú sữa bò Mỹ, cho nên được chiếm giải quán quân. Đó là gia đình của anh Nguyễn Đức Nghĩa ở Philadelphia. Bức hình của anh Nghĩa chúng tôi nhận được hôm nay đẹp cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi nghe đồn anh Nghĩa và gia đình đã chịu không biết bao nhiêu là gian truân khổ cực từ sau năm 1975. Trong đó nổi bật vai trò thực chất người mẹ “tân toan tần tảo” của Việt Nam đau thương. Tôi đã cảm động gởi tặng chị Nghĩa một chút quà mọn là bài hát “Lòng Mẹ Thương Con Như Biển Thái Bình...” Và mặc dù anh Nghĩa đương đi nghỉ vacation tôi cũng chạy theo ảnh xin hình. Hai hôm rồi, về tới Philadelphia anh gởi tặng chúng tôi mấy tấm hình trên, nhưng với lời cảnh cáo “cấm khen tặng” và “cho tôi hai chử bình an” làm tôi cụt hứng, để mặc cho các ban khác phản ứng, tôi rán tự bịt miệng mình cho đến hôm nay.

Anh cấm tôi khen tặng, nhưng tôi có thể so sánh: Gia đình anh chị Nghĩa là những cây sen bị dìm duới đáy hồ, được chôn vùi bởi những lớp bùn lầy và bây giờ đã trồi lên khỏi mặt nước. Nhứ thế là “Trong đầm gì đẹp bằng sen! Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Nhị vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!”...Qua bao nhiêu khổ nhục bể dâu, đến được bến bờ tự do, anh chị Nghĩa đã nghĩ ra cách đền ơn nghĩa Chúa và Mẹ Maria bằng cách giáo dục con cái một cách rất sáng tạo: Anh ra tờ báo “Lòng Mẹ” và lập hội “Gia Đình Lòng Mẹ” (có t-shirt đồng phục đàng hoàng) để liên lạc nối kết và dạy dỗ con cái bằng những bài viết của anh. Nay theo trào lưu tin học anh đã biến nó thành một website gia đình . Tôi năn nỉ thế nào anh cũng không chịu tiết lộ danh tánh của trang Web vì sợ “bị khen tặng” những gì mà anh chị chỉ nhận được từ hồng ân của Chúa.

Anh Nghĩa ơi, Anh khiêm nhu quá! Xin anh hãy hát kỹ kinh “Magnificat” của Mẹ. Chúa dạy có khi phải vào phòng đóng cửa để cầu nguyện với Cha trên Trời. Nhưng có khi ngọn đèn sáng không nên úp dưới thúng mà phải treo lên nóc nhà. Mẹ Maria vội vã đi tìm gặp bà Isave, không phải để khoe khoang Mẹ, nhưng là để tìm người chia sẻ những việc trọng đại Chúa đã làm cho Mẹ “Và danh Người đã nên thánh”. Mẹ đã chia sẻ những hồng ân Chúa ban, để mọi người cùng với Mẹ và giúp Mẹ cám ơn và cao rao danh Chúa cả sáng. Anh chị Nghĩa đang mắc Chúa và Mẹ Maria món nợ này đó. Tôi khuyên anh hãy bạo dạn lên đi, viết lại hết cuộc đời thăng trầm thống khổ của mình và những ơn Chúa anh chị và gia đình đã được. Anh tin tôi đi, Chúa sẽ vui vẻ hơn nhiều khi nghe anh em quốc nội hải ngoại và nhiều độc giả của trang web chúng ta đồng thanh cùng anh chị và gia đình ca ngợi Chúa đó. Ad Majorem Dei Gloriam!

Cùng tất cả quí anh em, chúng ta nay là một gia đình, ơn Chúa, Mẹ Lavang và Anh Cả Tôma Thiện, cho chúng ta có cơ may họp nhau lại. Thế nhưng, vì thời cuộc, tuổi tác và hoàn cảnh, chúng ta vẫn mù tịt về thân thế, mặt mũi và cuộc đời của nhau. Như vậy chuyện sum họp này hoàn toàn chưa đạt được mục đích của nó vì “vô tri bất mộ”. Chúng ta phải “tri âm tri diện và tri tâm” nhau mới có thể gọi là anh em một nhà. Mười ngón tay có ngón ngắn ngón dài là lẽ đương nhiên, nhưng đã là anh em với nhau thì chúng ta không ngại chia sẻ những buồn vui, đắng cay, chua ngọt và thăng trầm để cùng nhau, hoặc yên ủi giúp đỡ, hoặc cầu nguyện, cảm tạ và ca ngợi Chúa và Mẹ Maria. Thánh

Tôma Thiện sẽ vui mừng biết bao khi nhìn thấy con cái Ngài sống hợp nhứt, cởi mở và thương yêu nhau, không “e dè” “kín đáo” và “khách sáo” như những hiệp hội người đời.

 

* April 29, 2009. Những Linh Hồn được Chúa Gọi

Ngoài ra linh hồn mệ Matta, thân mẫu của Hồ Viết Tuấn, bà cố Matta Phan Danh, nhủ danh Nguyễn Thị Hồng, thân mẫu của Cha Phan Xuân Thanh, PX58, đã qua đời ngày 24 tháng 4, 2009 và Lm Đặng Thanh Minh, PX59, giáo sư Hoan Thiện, đã qua đời ngày 26 tháng 4, 2009. Tôi không biết về Cha Giuse Minh, nhưng tin tưởng anh em đệ tử của ngài ở Hoan thiện sẽ giới thiệu về ngài để chúng ta được biết, yêu mến và cầu nguyện với ngài. Xin cho linh hồn các anh chị em chúng con vừa mới qua đời nhờ ơn Chúa thương xót được nghỉ ngơi ở chốn bình an, Amen.

Cũng là trong tháng Mẹ, chúng ta liên hoan Mẹ trên Trời, mẹ dưới đất, mẹ còn sống và mẹ đã qua đời. Tôi thiết tha yêu cầu anh em hãy hồ hỡi lên diễn đàn nói về mẹ mình đi. Riêng Cha Phan Xuân Thanh, chúng con đặc biệt hoan nghênh Cha viết cho chúng con một bài nói về cuộc đời của bà Cố vừa về với Chúa.

Trải qua một mùa chay cả trong tháng Tư, chúng ta đã đắm chìm, tưởng nhớ từng bước một con đường thánh giá của Chúa chúng ta để được vui mừng trong ngày Chúa phục sinh. Hội chúng ta không làm chính trị theo tôn chỉ nội quy, nhưng chúng ta không tránh né vào lề đường chính trị mà không cảm thấy xót xa khi Tháng Tư Đen trở về trên đất nước và trong tâm khảm của người Việt tha hương. Nhưng rồi tháng Năm cùng nối tiếp, đem lại cho chúng ta sự ấm cúng vỗ về của thiên nhiên với cỏ cây xanh tươi, trăm hoa đua nở. Ước gì hình bóng dịu hiền của Mẹ Lavang và các bà mẹ thân mến của mỗi người chúng ta trải dài trên vạn vật, đem lại sự thanh thản cho tâm hồn và niềm vui tha thứ và được thứ tha, yêu thương và được thương yêu trọn vẹn. Kính chúc anh em một tháng Năm đầy tình thương huynh đệ.

Hoàng Xuân Tịnh, AN41

UVLL  

Tác giả: Hoàng Xuân Tịnh, AN41

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập699
  • Hôm nay157,952
  • Tháng hiện tại1,070,216
  • Tổng lượt truy cập57,171,853
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây