Nối kết tháng Ba Không Chín (03-2009).
Hoàng Xuân Tịnh AN41, Kansas.
Ngày đăng: 09/04/2009
Cách đây vài năm tôi nhận được một danh sách Hội Ái Hữu CCS/GP Huế của Nam Cali do anh Phaolồ Nguyễn Văn Huế. Tôi mừng rỡ, đóng niên liễm và gia nhập.
Cách đây mấy tháng tôi lại nhận được một bản Nội Quy Gia Đình Cựu Chủng Sinh Huế tại Hải Ngoại, tác giả: Ban Điều Hành Tạm Thời do Đức Ông Jerome Nguyễn Ngọc Hàm, NT Trần Văn Trí, AN43 và CS Hoàng Đình Thượng, HT 60. Sau đó lại nhận được thông báo của ban giám sát Trần Văn Trí/ Nguyễn Như Quỳnh/ Nguyễn Đức Cung. Cuối cùng thì nhận được bức thư bàn về danh xưng của Hội và một ít linh tinh.
Tôi lên tiếng góp ý thì được Hoàng Đình Thượng đón tiếp và trình bày chi tiết về Hội Gia Đình CCSHueHN. Trong thời gian này những anh em khởi xướng trên đường vận động thành lập Ban Điều Hành chính thức của Hội. Tôi nhận được một bản danh sách các thành viên theo vần ABC. Tôi tọc mạch tìm kiếm các anh em cùng lớp và vui tay sắp xếp lại danh bản theo niên khóa. Tôi hứng thú khám phá ra hàng hàng lớp lớp những người cùng một “lò đúc” mà ra. Từ Cha Cố niên khoá 1930 đến người em ngoại trú sau năm 1975. Tôi chợt nảy ra một cảm giác kỳ thú: Té ra tôi có một đại gia đình gồm những người “ruột thịt” mà trong suốt thời gian tu học tôi không mấy lưu tâm và sau khi tu xuất tôi gần như quên hẳn.
Đọc bài “Con Nay Trở Về” bằng thể lý và tâm linh của Nguyễn Cả trong dịp thành lập.
BĐHCCSHue HN, tôi nghĩ đến “Con Nay Trở Về” của chính mình tôi chỉ còn cái thể lý xác xơ và tâm linh tiều tụy. Đứa con trai trong Phúc Âm đã kịp thời trở lại nhà Cha lúc tuổi còn hăng say như Nguyễn Cả, vẫn còn thời cơ chuộc lại lỗi lầm mà Cả đã xác nhận chỉ vì khiêm tốn. Riêng tôi thì than ôi, một Ông già tóc bạc, ngồi nhìn màn tuyết trắng xoá cuối đông, muốn tìm lại một mùa Xuân đã đi sâu vào qúa khứ thì đã muộn. Hối hận thì sự đã rồi. Tuổi già trí lẫn biết làm gì hữu dụng để tạ lỗi với anh em?!
Nhưng tìm tòi trong đống hành trang rời rạc tôi khám phá và lôi ra được một gói “Tình Thương”. Ừ! Không biết tại sao tôi xúc cảm và thương làm sao ấy mấy người anh em, một số đã cách xa từ lâu không còn trong trí nhớ, phần đông thì xa lạ chưa bao giờ biết đến. Nay những người này đã nghiễm nhiên nằm gọn lõn trong trái tim đương phập phồng thương mến của tôi. Đó là cái “chủng sinh chi tình” đột nhiên được khơi dậy và bừng cháy trong cõi lòng già nua từ bao năm vốn nguội lạnh. Và tình thương ấy đã thúc đẩy tôi chập nhận lời mời gọi làm nhịp cầu nối kết không một đắn đo suy nghĩ.
Tôi rất trân quí và thầm cảm ơn cái công việc liên lạc mà Ngyễn Cả tình cờ trao vào tay tôi. Cầm trong tay xấp danh bản, tôi có môt giấc mơ rất khiêm nhượng nhưng cũng là thật lớn lao đối với tôi. Vì đó là một tham vọng rất khó thể hiện một cách toàn hảo. Nhưng sực nhớ lại một đoạn quốc ca cờ vàng…, không biết ai cắc cớ đổi lời mà nàng con gái 18 tuổi lúc tôi mới cưới về đã dí dõm hát lên mỗi khi cô nương gặp khó: “…Dù có khó…, khó, khó…, khó người… dễ ta…” rồi nàng bỏ nhỏ: “Vì ta đã có Chúa”, làm tôi lấy lại can đảm. Giấc mơ đó là làm sao tôi có thể liên lạc được từng người một trong số trên 200 người anh em tôi rãi rác khắp hoàn cầu, để đem lại cho đại GGĐCCSHueHN sự hợp nhất trong tình tương thân tương ái, huynh đệ một nhà.
Nói là làm, tôi lên đường thăm viếng trước tiên là những danh sách chưa đầy đủ chi tiết hoặc khả nghi là người đồng lớp.
Trước tiên tôi đến gõ cửa ngài Đại Lão Cha Cố Giuse Ngô Văn Trọng, AN30. “Alô! Xin phép cho tôi nói chuyện với Cha Cố Ngô Văn Trọng.” - “Tôi, Trọng đây!” Uả! Ông này cũng ngoài 90, sao tiếng nói như chuông đồng thanh thoát! Sinh nghi, tôi hỏi lại: “Thưa phải Cha Cố Trọng không?” – “Thì tôi đây mà!” _ “Xin lỗi cố…” Tôi tự giới thiệu và hỏi thăm sức khoẻ của Cố. Được biết Cha Cố Ngô Văn Trọng hiện hưu dưỡng tại chi dòng Đồng Công, Hoa Kỳ, bang Missouri, thành Phố Carthage. Cha Cố đã ngoài 90, sức khoẻ dồi dào, trí tuệ minh mẫn và tính tình rất ‘chịu chơi”. Ngài là em ruột của Cha Ngô Văn Triệu, cố giáo sư TCV An Ninh và Phú Xuân.
Cha cố tuổi già mà đã từng đấu ping pong với các tay trẻ Phú Xuân, Hoan Thiện và Cha Đỗ Bá Công. Không thắng, nhưng mang chết chó cũng từng le luỡi. Tôi gọi thăm Cha cố hai lượt và e-mail một lần. Lúc này cha cố chỉ nằm giường và đuợc phép làm lễ tại phòng. Hồi ở chủng viện tôi chỉ biết Cha Triệu, Cha Trọng tôi chỉ biết tên, nhưng nay tôi cảm nhận sự thắm thiết tình cha con như mối tình tôi đã dành cho Cha Triệu. Từ đó tôi đã có sự hiện diện của ngài trong kinh nguyện hằng ngày. Đó là mối tình chủng sinh chăng?
Một ngày nọ mắt tôi đập vào cái tên ĐÔ Nguyễn Ngọc Hàm, linh hướng của Hội. Bé cái lầm, tôi tưởng là Cha Hàm lớp tôi nên e-mail hỏi thăm. Tôi chỉ được trả lời rất ngắn gọn: “Không phải đâu. Cha Đoàn Quang Hàm qua đời mấy năm rồi.” Ông này xem ra ít nói và ghét nói về cái“Tôi”, nhưng tôi nhiều chuyện, muốn phanh phui. Lại thêm một bé cái lầm, tôi tưởng ỗng là qúi tử của cụ Nguyễn Đình Cẩn, An Lộng. Ông thấy tôi đeo dai quá đành hé miệng chút chút, bảo là không phải, nhưng không chịu khai “ỗng là con nhà ai” về phần xác. Chỉ tiết lộ cha nuôi là Trần Hữu Tôn và Trần Hữu Qúi. Và như vậy là tôi không bỏ công vì nhận ra được người em linh tông vì tôi cũng là con Cha Quí vậy.
Huynh Trưởng Hồ Đắc Trọng trên tôi hai lớp. Tôi cùng lớp với Hồ Đắc Vang, em ruột của Ông. Tôi gọi Ông một lần vì nhiệm vụ bổ túc danh sách. Nhưng thấy nhớ, tôi gọi thêm một lần. Tết vừa rồi tôi gọi mầng tuổi và đòi lì xì thì ông cười hì hì. Tự nhiên tôi lại có thêm một ông anh ruột dễ thương, để thăm, để hỏi, đẻ chọc nhau cười và tâm sự tuổi già. Tôi quên hỏi anh Hồ Đắc Trọng về Hồ Đắc Vang, hoặc hỏi rồi mà tôi lại quên, chỉ nhớ là mình già trên 80 mà cứ tưởng là trẻ cho nên không ghi chép kỹ. Tôi sẽ hỏi lại nay mai. Tôi cũng được biết ông Hồ đắc Hoá là anh ruột anh Trọng. Ba anh em Hóa, Trọng, Vang giáng người cao lớn, da trắng, mắt to, mũi bự. Tôi nhứt định phải điều tra, chắc chắn họ là giòng De Gaule vì nếu Napoléon thì lùn tịt.
Cho đến nay tôi đã liên lạc được vài tá anh em mà tôi sẽ lần lượt giới thiệu với các bạn vào những dịp sau. Nhưng đây mới chỉ là những anh em mà trong danh sách còn thiếu chi tiết. Tôi toan tính sau khi bổ túc đầy đủ danh sách tôi sẽ gõ cửa từng nhà, đi thăm từng vùng, “chít chát” với từng cá nhân từ Âu sang Á, từ hải ngoại đến quốc nội. Nhưng chỉ một công tác bổ túc thôi tôi cũng đã gặp được rắt nhiều anh em mà, “vô tri bất mộ”, có ngộ rồi mới tri, có tri rồi mới mộ.
Tôi chợt ngừng lại đây vì tôi đương nghĩ đến cá nhân là thế, nhưng còn các hội ái hữu riêng rẽ tại mỗi quốc gia, tiểu bang, quận hạt và thành phố. Phải nối kết làm sao đây! Tội phải làm sao mà giới thiệu các hội ái hữu ấy cho toàn thể anh em.
Tôi đương phân vân thì những biến chuyển dồn dập xảy ra. Nào là chủng sinh và ân sư đau yếu và qua đời, nào là lễ Tết mừng xuân Kỷ Sửu khắp nơi. Tôi tạm quên công tác nối kết và thưởng thức những tin tức hình ảnh các cộng đoàn trong nước tới tấp đưa lên diễn đàn. Ứ nhĩ! Thế ra từ lâu các cộng đoàn này đã có một sự nối kết với nhau “triến trăng” chặt chẽ và mật thiết như thế mà nào có dẫm chân lên nhau. Nào có hội nào “xông đất” sự riêng tư của hội nào đâu. Công tác của UVLL cũng như mục đích của GĐCCSHueHN không hơn không kém chỉ là sự nối kết, là sợi giây liên lạc giữa các cựu chủng sinh toàn cầu. Nối kết nhưng không chủ tâm kết nạp, không xâm nhập nội bộ riêng tư của các hội ái hữu đã có từ trước.
Tôi đương suy nghĩ thì đụng đầu vào cánh cửa của NT Trần Văn Trí. Trần Văn Trí và tôi là hai bạn lớp trên lớp dưới, nhưng vì nhảy lớp cho nên trở nên cùng lớp. Có điều là không phải Trí nhảy lên mà tôi nhảy xuống. Tôi thăm Trần Văn trí lần trước, bắt gặp Trí ở chuồng gà. Trí than phiền rắng: Có người bạn cho một con gà đá. Sẵn có chuồng gà mà nuôi chim câu, nay cho gà vào mới là phải phép. Nhưng ôi chao, chú gà đá, không có gà để đá, lại đá bồ câu. Lần này đến thăm, tôi cũng nghe cháu gái nói: “Thưa bác, ba con ở chuồng gà.” Nghe Trí đi vào, lần này tiếng nói có vẻ thảnh thơi; “Chúng nó chịu chơi rồi!” – Tôi hỏi: “Anh làm sao hay thế?” – “Có gì đâu, xây cho chúng một bức tường, không là Bá Linh ô nhục, mà luới thưa hài hoà. Riêng tư nhà ai nấy ở nhưng vách hở thênh thang. Thông thương qua lại cho toại lòng nhau. Nay chúng nó có vẻ tương đắc lắm.
Thì ra là thế! Và tôi nhắm mắt mơ mộng chớ gì những anh em CCS Huế ở Pháp, Đức, Anh, Ý, Áo, Bỉ, Mỹ, Úc và Nhật Bổn vốn đã sinh hoạt nhóm này hay hội nọ từ bấy lâu nay, được nối kết với chúng tôi không bằng riêng tư nội bộ mà bằng quan hệ huynh đệ chi tình. Những tin tức vui buồn đau yếu, sinh ly tử biệt, bằng văn thư hay bằng hình ảnh, được trao đổi thường xuyên. Và như thế, chúng ta sẽ không bị ngăn cách bằng những bức vách dày dặc, mà chỉ là những lưới thưa vô hình nối kết tình thương trong tâm tư và kinh nguyện hằng ngày.
Lạy Chúa tôi! Tôi sực nhớ lại tin tức thảm cảnh hỏa hoạn Úc Châu ghê gớm thế, nhưng tôi tuyệt nhiên không nhận được một tin tức nào về hoàn cảnh anh em CCS của tôi và gia đình họ. Sự vắng bóng này làm tim tôi đau nhói và thiết tha ước nguyện có một phép mầu cho tôi được thấy anh em CCS Huế Toàn Cầu được “năng nổ” sinh động nói kết cùng nhau qua chiếc “Cầu Tre Lắc Lẻo” mà chúng tôi đương vụng về bắc lên. Với tâm tình thiết tha huynh đệ, cởi mở đáp ứng, của tất cả anh em, hy vọng không kíp thì chầy, nó sẽ trở nên một giải “ Trường Tiền Sáu Vài Mười Hai Nhịp” thơ mộng và tình nghĩa biết bao.
Tịnh tôi cứ lò mò lẩm mẩm, gặp đâu tạt vào đó và mắt thấy, tai nghe, miệng lảm nhảm, có nói sai nói bậy xin các bạn giơ gậy thật cao nhưng đánh vào khe khẽ! Tội nghiệp ông già!
* Trong cuộc “truy tầm” thánh Bổn Mạng của Cha Tuệ và danh sách con cái Thánh Giuse, tôi thầm khen NT Trần Văn Trí đã chỉ điểm cho tôi rất nhiều chuyện.Ông này chẳng những biết tên thánh mà tên họ của nhiều AE lớn nhỏ. Sai một chút là ổng hiệu chính liền như ông đã viết cho tôi: Thưa Anh Tịnh, NGUYỄN PHÚ BẢO, Germany (thay vì Lê Phú Bảo). Trần Văn Trí qua Mỹ sau tôi nhiều năm sau khi nếm đủ hương vị của các trung tâm cải tạo. Nhưng đã có lời hứa với Chúa nên lấy logo Gíám Mục (Bầy Trẻ) là “Fidei Depositum” và tầm nguyên về “Kho Tàng Đức Tin” kỹ lắm, như chúng ta thấy ông viết về nguồn gốc Chuỗi Môi Khôi, Năm Thánh Phaolồ, Phụng Vụ v.v…
Nhưng khi tôi năn nỉ Ông viết suy niệm cho www.cuucshuehn.net thì Ông chối ngoay ngoảy vì Ông đương bị bắt xâu rất nặng bên phía báo GP Orange County. Có ngày tôi tình cờ thấy Ông xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trên đài SBTN với tên: Nhà Văn Trần Văn Trí. Vì chỉ nhớ dung nhan “chú” Trị hồi nhỏ nên bây giờ nhận diện “ông” không ra, tôi đìện thư hỏi, ông trả lời: “Đúng là thằng em của anh đó anh Tịnh ơi! Nhưng tụi nó chỉ gán bậy là nhà văn…” Tôi vẫn chưa có một chi tiết nào ngoài cái tên: Nguyễn Phú Bảo, AN 49.Xin các AE bổ túc giùm.
* Trong dịp Lễ giỗ Cha Batôlômêo Nguyễn Phùng Tuệ, tôi điện thư hỏi tên Thánh ngài thì lại đưọc thêm chi tiết về ngài. Thì ra ngài là cha nuôi của ĐC Lê Văn Hồng, GM phó ĐP Huế và Cha Trần Anh Dũng tại Pháp. Nguyễn Thế Cường BĐH SG/XL và AE HT69 đã xin Lễ cho ngài do ĐC Hồng chủ ý.
Nhân dịp này tôi nhớ một kỷ niệm với Cha Tuệ trong tai nạn chết đuối của ba chủng sinh An Ninh tại Cửa Tùng năm 1946: Xác chú Lục người An Ninh thì được vớt lên tại chỗ. Nhưng xác chú Hinh, em cha Cầu Trí Bưu thì trôi về và được vớt lên Cửa Việt (Quảng Trị). Và xác chú Gioang Phủ Cam thì nghe đâu trôi về cửa Thuận (Huế), bị các dân chài tìm thấy và chôn cất nhưng không chịu chỉ chỗ vì tin dị đoan. Sau ngày xảy ra tai nạn, chú Thuận (Sau này là HY), chú Tuệ và chú Tịnh được lịnh đi theo bờ biển tìm xác hai chú sau này.
Chúng tôi nổi máu anh hùng định cùng nhau đi cho hết cửa Thuận mới thôi. Nhưng nửa chùng chú Thuận nổi cơn đau bụng. Chú Thuận yếu người, nếu mệt quá thi bị kiết lỵ. Chúng tôi phải để chú trở lại nhà trường. Còn chú Tuệ và tôi tiếp tục đi. Chúng tôi đi đến tối thì về trường. Tôi còn nhớ trong cuộc hành trình thỉnh thoảng chú Tuệ mệt ngồi bệt xuống bãi cát la lên rằng : “Gioang, Hinh ơi! Làm ơn nổi lên đi. Chúng tau cõng về nì!” Chú Tuệ tính tình rất dễ thương, đặc biệt nói chuyện có duyên và ưa pha trò.
* Tôi gửi thư qua bưu điện cho quý anh Hồ Quang Tôn, AN41, ở California; Trần Thừa, AN45, ở Oregon; Trần Quang Tuấn, AN45, ở Virginia; Hoàng Bá Tuấn, AN45, ở Canada và Phạm Khánh An, AN45, ở California. Dĩ nhiên là mỗi một bức thư đều kèm theo “quà cáp” là hai bản Danh sách. Các đấng này có địa chỉ nhưng thiếu e-mail và điện thoại. May mắn sau đó thì liên lạc được quý anh Tôn, Thừa và anh Tuấn. AE nào biết tông tích về quý anh Hoàng Bá Tuấn và Phạm Khánh An xin vui lòng giúp bổ túc.
* Cám ơn anh Hồ Quang Tôn gọi tôi. Anh Hồ Q Tôn người Liêm Công, Đất đỏ, 79 tuổi, 12 người con, còn sống 8. Ở tù 8 năm. Qua Mỹ diện HO 1995. Trước sau con cái đều được qua Mỹ. Hai người cuối qua trong tháng 6, 2008. Anh bị bịnh tim mổ nhiều lần và lấy mạch máu chân làm bypass cho nên chân bây giờ yếu. Anh không sử dụng e-mail. Mấy lâu nay tôi hay hỉnh lỗ mũi tự khoe khoang có đến 9 đứa con, tưởng không ai hơn mình. Nay con cóc đáy giếng nhảy lên thấy trời cao đất rộng: Rất nhiều anh em còn vượt xa tôi mấy bực như Hồ Quang Tôn này đây. Tôi còn biết Nguyễn Đức Nghĩa, AN45, có 11 con; Trần Thừa, AN45, có 11 con và lão đại Nguyễn Văn Viên có đến 13 con.
* Còn một vị, tôi không nhớ là có phải ccs không, nhưng cũng có 11 người con, trong số này có đến 4 ccs. Là một bậc sư phụ mà tôi luôn kính mến. Đó là thầy Nguyễn Văn Nghiêm, người Trí Bưu, thân phụ anh em Nguyễn Duy Sinh, HT63, suồt đời hiến thân cho sinh hoạt hội đoàn đạo đức. Sinh con ra lấy tên toàn các Thánh. Thân mẫu Duy Sinh là em ruột thầy Lê Văn Ba - Ông này đến ngưỡng cửa chức năm thì cứ thụt lui thụt tới, cuối cùng thì thụt ra luôn - Rất tiếc thay hai Ông bà Nghiêm mất sớm, nhưng vẫn linh thiêng tiếp tục hướng dẫn con cái.
Anh em Nguyễn Duy Sinh đều thành thân, thành tài, và thành công, 7 ở Việt Nam, 3 ở Canada, và 1 ở Mỹ. Nguyễn Vinh Sơn, HT65 là một nhà làm phim nổi tiếng. Tôi chỉ có dịp tiếp xúc với Nguyễn Duy Sinh ở Canada. Hai vợ chồng có tiệm bán bánh mì nhận thịt. Tôi nghe nói chảy nước miếng bảo rằng: “Chú thèm lắm đó! Cho chú một ổ. Lâu ngày không có ăn!” Duy Sinh trả lời: “Chú lâu ăn chú thèm, còn cháu ăn riết chán quá rồi! Chỉ trừ ‘mụ vợ’ ăn hoài không thấy chán thôi.” Hoan hô Nguyễn Duy Sinh! But are you sure?
* Nói chuyện với anh Trần Thừa, AN45, ở Oregon, tôi hỏi anh đã học tập đã đời chưa thì anh nói chỉ tù 7 năm thôi. Năm cuối trước 75 làm việc tại Nha Trang. Qua Mỹ năm 1991, có 11 con, đi một lượt 5 con. Đoàn tụ 2 đợt. Đợt dầu 2 con. Đợt hai đương là 2 con. Còn một con có chồng ở VN không qua Mỹ. Một làm bà xơ Phú Xuân, bề trên nhà tập. Có hai con đi Hoan Thiện được 2 năm thì xuất. Anh hứa sẽ bảo các cháu gia nhập gia đình CCSHueHN, hứa sẽ cho e-mail của con cháu làm liên lạc. Nhưng cho đến nay chưa thấy tin tức gì hơn của anh. Tôi có tính “đai hoi” lắm. Chưa chịu buông tha cho anh đâu. Đi xong một vòng mà chưa thấy anh trả lời thì còn chọc phá anh tới cùng và sẽ bắt cóc hai đứa ccs của anh cho được mới thôi. Các bạn có ai quen biết anh Thừa hoặc các con của anh xin giúp bổ túc nhé! Cám ơn.
* Nhận được bức thư ngắn của anh Trần Quang Tuấn, AN45, ở Virginia, với địa chỉ mới và số phôn, tôi vội gọi điện thoại trở lại. Tuấn mừng lắm, nhận ra tôi là Tịnh mang kiếng cận rất dày. Quả thật tôi có biệt danh là Tịnh cận, và ngoài ra nhiều thứ chót thì may mắn được một thứ nhứt là “cận thị nhứt trường” nhưng tiếc thay, qua bao năm tháng thi đời đã tước mất cái nhứt đó của tôi mất rồi. Anh Tuấn ở tù 17 năm. Có lẽ là lâu nhứt xứ rừng xanh. Qua Mỹ diện HO với 3 con năm 1992. Một con qua sau này, một con ở lại VN. Tuấn này là Tuấn hắc xìa có báo động trước hẳn hòi. Tôi không bao giờ quên mỗi khi Tuấn hắc xìa thì Tuấn báo động bằng một tràng a, a, a, a,…cho đến khi mọi người an toàn vào hầm núp thì Tuấn mới “xì” một cái…không chết chóc ai hết.
* Được anh Trần Văn Mỹ, PX55, ở North Carolina, báo tin: “Kính anh Tịnh. Thánh bổn mạng của Cha Nguyễn Phùng Tuệ là BATOLOMEO. Cũng xin báo vói anh là CCS DƯƠNG VĂN DUNG đã thay đổi địa chỉ. Anh nghỉ hưu nên chuyển về Nam CA vùng nắng ấm và nhiều anh em. Sau đây là địa chỉ mới: DƯƠNG VĂN DUNG PX55 2780W BRIDGE PORT Ave Anaheim,CA 92804-2067. Lâu nay không biết anh có gởi DS không? Nếu chưa xin anh vui lòng gởi cho anh Dung danh sách CCS để anh có tài liệu liên lạc với anh em. Xin thành thật cám ơn Anh Trần Văn Mỹ”.
Anh Dương Văn Dung, chúc mừng anh về vùng có Thủ Đô Người Việt Tỵ Nạn. Nơi đây có nắng ấm và tình ngưởi cũng ấm. 34 năm từ ngày qua Mỹ chưa bao giờ tôi một lần bước đến Cali. Mong rằng có dịp về hội tôi sẽ được thưởng thức nắng ấm của Cali thế nào, nhứt là cái tình ấm của AE tôi. Anh Trần Văn Mỹ, Tôi đã gởi DS cho anh Dung qua địa chỉ cũ, không biết anh Dung có nhận được chưa. Tôi sẽ gọi điện thoại hỏi lại. Rủi một điều là anh Dung không sử dụng e-mail. Đó là một thiệt thòi lớn, vì chúng tôi chỉ gởi danh sách bằng bưu điện mỗi năm một lần. Nhưng anh em nào có e-mail thì sẽ nhận được mỗi tháng. Mặc dù vậy nếu có lời yêu cầu thì lập tức chúng tôi sẽ thỏa mãn AE liền.
* Nhân dịp lễ giỗ Cha nguyễn Phùng Tuệ tôi hỏi thăm Nguyễn Phùng Trân thì được Michael Nguyễn Hùng Dũng, HT71 cho địa chỉ. Tôi vui mừng viết một bức thư cho Ông và sẳn sàng gởi danh sách cho Ông. Nhưng cho đến nay chưa thấy hồi âm. Ở Thiên Hựu tôi bị hố một lần rất mắc cỡ là nhặt được một bài làm tên Trân có điểm rất cao tôi vội vã vừa chạy vừa la: “Trân ơi, bài của chú mi cao điểm qúa trời!...” Thình lình nghe đàng sau có tiếng con gái: “Thưa Chú, bài của em!..” Thì ra tôi lấy lộn bài của một nữ sinh cùng tên Trân. Nay nghĩ lại thì có chi đâu. Chỉ sorry một tiếng được rồi. Nhưng hồi đó bị các bạn chế nhạo sao mà mắc cỡ đến tím người! Các bạn ở Virginia xin kiếm gìùm cho tôi cái ông Trân này nhé! Hồi trẻ đẹp trai lắm đó! Bởi vậy mới chớp được ái nữ của Chú Hoa chủ tiệm hình Quảng Trị.
Nói đến chuyện đàn bà con gái thì thời đại của tôi rất sợ các bà lắm. Ở Cửa Tùng thường thường các quan Tây hay dẫn gia đình ra nghỉ mát. Họ thường ưa làm quen với chủng viên. Có một dạo chúng tôi tổ chức một trận bóng đá với con Tây. Chúng nó to lớn như bò, nhưng đá dở ẹc, trận nào cũng thua. Chúng bèn bày mưu lập kế, đương giữa trận đấu chúng làm bộ có đứa bị trặc giò và tức khắc chúng thay vào một nữ cầu thủ và đứa con gái lừa banh tới đâu thì các Chú tẹt ra đó. Trận đó chúng tôi thua xiểng liểng!
Trong lớp tôi có chú Giáo (sau này Lm) có tính bối rối, cái gì cũng sợ tội. Cứ mỗi lần chú Giáo đến phiên dọn đồ Lễ thì y như đến lúc người giúp lễ rót rượu nước thì phải lúng túng la ta, cầm hai chai chạy vào chạy ra, vì không có cách gì mở nút ra được. Chú Giáo đã cẩn thận dùng mười phần công lực đậy kín, sợ vi trùng đột nhập. Nói chi đến chuyện đàn bà con gái! Mỗi khi đi dạo thấy đầm Tây bận đồ tắm ngồi đầy bãi thì chú Giáo về trường, ngồi trong lớp mở sách ra học, nhưng cái đầu cứ lắc lia lịa: “Không phải, không phải!” Thì ra trên trang sách hiện ra đầy con gái.
Chú Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận (Sau này là HY) là một chủng sinh rất chững chạc mà bị chú Giáo la “Có tội, có tội” hoài, nguyên do cũng vì bọn đầm Tây. Không biết Bề Trên và Tây nghỉ mát nói qua nói lại với nhau thế nào mà chú Thuận đươc lịnh giúp dạy toán cho mấy đứa gái con Tây. Có lần chúng tôi thấy chú Thuận ngôi trên bãi biển dạy học trò; chúng nó vẫn thản nhiên trong những bộ đồ tắm. Chúng tôi tin tưởng đức hạnh của chú Thuận nên không ai thắc mắc chi hết. Riêng chú Giáo thì la hoảng: “Có tội, có tội!” Mặc dù bối rối là thế, nhưng chú Giáo cũng là một cây “nói hoang” dữ dội lắm. Anh em hỏi: “Giáo ơi, chú mi sợ tội rứa mà khi đi tiểu tiện làm sao tránh được tội “đá đến chỗ dơ dáy?” Chú Giáo không ngần ngại trả lời: “Dễ thôi, mình luôn luôn đem theo đôi đũa.” Cầu xin Cha Giáo không đọc được cái website này của tôi! :=).
Mấy lâu nay ở Mỹ, quạt nồng ấp lạnh, tôi cứ ở lỳ một chỗ. Nay mới khám phá ra là kiều bào vùng lạnh có thói quen tị nạn trở lại Việt Nam để trốn lạnh của Mỹ. Tôi gọi điện thoại cho anh Đỗ Khắc Túc, AN45, ở Pennsylvania. Ãnh và phu nhân về VN đã ba tháng chắc cũng để trốn lạnh thôi, vì con cái phần đông còn ở lại VN. Qua Mỹ trên mười mấy năm. Không sử dụng e-mail. Chắc chắn đến mùa hè tôi mới có cơ hội gọi lại ãnh.
* Bọn già chúng tôi không mấy lưu ý đến e-mail, nhứt là bị virus thì chán lắm, cho nên vốn ít ưa sử dụng nó. Ngay như anh Bùi Văn Giải, ở Oregon, làm chủ một tờ báo mà hỏi : “E-mail anh đâu?” Anh bảo: “Hư rồi, bỏ luôn!” … Huống chi là anh Nguyễn Văn Thảo, AN45. Tôi hối lộ cho anh hai danh bản và một tờ Liên Lạc 16. Năn nỉ quá trời anh mới chịu cho e-mail của con trai, nhưng tôi ghi sai xài không được. Anh hứa sẽ e-mail để hiệu chính. Nhưng cho đến nay vẫn còn chưa thấy hồi âm. Con của anh Thảo có tiệm may và trang trí màn nhà. Anh ở Houston. Từng theo con đi Wichita làm màn cho khách. Từ đó chỉ cách thành phố tôi ở 2 tiếng rưởi lái xe, nhưng chưa có cách gì gặp nhau được. Gọi điên thoại gặp chị Thảo tôi hỏi: “Anh đâu rồi chị?” – “Đi làm rồi!” _”Chu choa! bảy mươi mấy mà còn đi làm?!” – “Không làm lấy chi ăn, anh!” Thì ra là rứa !
* Tôi có dịp nói chuyện với anh Cái Viết Pháp, AN49, ở California. Tên ãnh là Viết Pháp mà tôi cứ gọi là Việt Pháp. Lại là cái nạn không dấu cho nên tôi ưa bịa ẩu đổi tên thiên hạ. “Vô tư”! Nhưng cũng vì thế mà bị Trần Văn Nông nạo cho một trận nên thân: “Ai đời tên người ta là Phẩm và dám đổi ra là Phạm”… Anh Pháp AN49, ãnh vô An Ninh thì tôi vô Thiên Hữu, hai bên không gặp nhau nhưng chào hỏi vài câu đã trở thành thân mật. Anh qua Mỹ 1995 sau muời mấy năm ở tù, diện HO. 9 con từ 22 tuổi đến 46 tuổi. Gia đình trẻ hơn tôi nhưng anh Pháp yếu phải đi xe lăn, vẫn đi bộ thể thao quanh xóm. Tôi năn nỉ mãi mới chịu sử dụng e-mail của con. Để trả ơn tôi e-mail cho ãnh nguyên cuốn LL 16 và hai danh bản mới nhứt. Anh Pháp, bảo cháu check e-mail đi nhé! Lần này có LL 17 và www.cuucshuehn.net nữa đó. Mặc sức cho anh thưởng thức.
* Cháu Đoàn Mạnh Hữu, HT74, ở California. Bác đã hiệu chính số phôn nhà cháu rồi đó. Chúc cháu mạnh giỏi và cày thật sâu.
* Ở xứ Mỹ này, về già, hưu dưỡng có nhiều vị du dương lắm, không như tôi, 80 còn đi cày, cày hết đất chúng đuổi về mới chịu. Nhưng về hưu vẫn còn lận đận. Hãy xem anh Lê Trung Tha, AN49, thì biết. Học đến cử nhân. Làm ngành cảnh sát. Đi Mỹ học nữa.Về làm ngành cảnh sát điều tra. Đi Mỹ tháng tư bèn chớp ngay một job ngon lành ở một County nọ suốt đời. Nay về hưu, hai ông bà chỉ nghiên cứu các địa danh và đi du lịch. Con cái 5 người đều thành công, phát đạt. Tôi e-mail tặng anh tờ LL 16 và hai Danh Bản để chia sẻ với anh sự may mắn này.
* Thành thật một lời cảm ơn gởi đến Võ Văn Hoàng, HT69, ở Montreal, Canada, đã nhiệt thành giúp đỡ, liên lạc, thu hình và đại diện cho ccshue nhân tang lễ cha Antôn Nguyễn Văn Trông. Đồng thời cám ơn Lê Văn Hùng, HT69, đã giúp gom các hình lại một link. Đọc rất dễ. Cháy nhà mới thấy mặt chuột, cái Ông Nguyễn Văn Gioang, AN45, ở Georgia, em ruột út của cha Trông, tính tình như cha Trông, khiêm tốn thẳm sâu. Học hỏi thấu đáo cõi linh thiêng. Anh nói muốn đem chút ánh sáng mình nhận lãnh nơi Chúa chiếu rọi vào tha nhân. Nhưng than ôi, anh sống như một đạo sĩ tu thiền. Ngọn đèn sáng đem úp dưới thúng thì rọi cho ai! Suốt mấy chục năm trường không liên lạc với các bạn bè. Nay cháy nhà…cha Trông qua đời anh mới ra mặt. Ở An Ninh tôi chỉ quen gọi anh tên Tham. Tôi phải thỉnh đến thầy Lê Văn Ba tôi mới nhớ ra là Gioang này. Chúng tôi được anh Gioang tặng mấy bản văn nội dung thâm thúy và mấy bài thơ lâng hồn man mác. Tiếc bằng tiếng Pháp. Tôi muốn dịch nhưng không thể lột hết hồn thơ của anh cho nên bỏ cuộc. Và như thế Website và tờ LL của chúng ta chưa có cơ hội hân hạnh được anh góp phần.
Cũng trong trường hợp thông tin qua lại giữa BĐH CCS HUE tại HN và anh Võ Văn Hoàng mà hai người con của cha Trông, một ở Việt Nam và một ở Australia, xa cách nhau gần nửa thế kỷ, nay gặp lại thì ôi thôi cha đã ra đi rồi! Tôi đọc bức thư khóc lóc kể lễ của hai em này với người chú Nguyễn văn Gioang mà nước mắt không cầm được. Tội nghiệp, hóa ra anh em cha Trông khiêm nhượng đến thế thì thôi! Ẩn thân quá kỹ, con cái tìm chẳng được!
* Ngày 13 tháng 3, 2009 chúng tôi nhận đưọc tin do cháu Lê Ngọc Hương cho biết anh Lê Ngọc Trân, AN 45, ở California, qua 2 cuộc phẫu thuật, đương về nhà dưỡng bịnh. Chúng tôi đã e-mail xin AE cầu nguyện. Xin cháu Hương cho các chú bác biết ba cháu nay thế nào nhé!
* Xin giới thiệu vói AE anh Hồ Đình Đoá, PX55, ở Pháp. Anh Hồ Đình Đoá là con cháu của Thánh Hồ Đình Hy. Anh Đoá có viết một cuốn sách bằng tiếng Pháp tựa đề là “Le Mandarin et les Empeureux”, kể lại lịch sử của Thánh Tử Đạo và các Hoàng Đế Minh Mạng, Tự Đức. Sách sẽ được một cha giáo sư ĐCV Huế dịch ra tiếng Việt và sẽ được bán ra để góp phần vào quỹ xây dựng và tu chỉnh ĐCV Huế. Hoan hô sự đóng góp của anh Đoá cho Địa Phận nhà chúng ta.
* Cám ơn Nguyễn Hùng Dũng BĐH Saigon/Xuan loc đã mời tôi đi uống cà phê trên mạng lưới Thủ Đức ngày 14 tháng 3, 2009. Dũng 51 tuổi, vợ và 2 con gái 10 và 15 tuổi, học rất giỏi. Dũng làm nghề xây cất trang trí nhà cửa. Đều may mắn là trong lúc mạn đàm tôi biết được tin tức của người bạn cùng lớp là Anh Hồ Đắc Vang, AN41, người Phú Cam, em của các bác Hồ Đắc Hoá, AN hai mươi mấy?, và Hồ Đắc Trọng , AN37. Tôi thường nói chuyện nhiều lần với đàn anh Hồ Đắc Trọng, nhưng tính tình vui vẻ của huynh trưởng này làm tôi nói chuyện sa đà, quên luôn hỏi qua người bạn Hồ Đắc Vang. Dũng quen thân với hai người con của Hồ Đắc Vang, làm nghề thầu khoán ở Việt Nam. Anh Trọng, AN37, còn minh mẫn mắt tỏ rõ tai. Không như anh Vang, là em mà yếu đưối hơn người anh. Tôi sẽ gặp lại anh Trọng để được biết thêm chi tiết về anh Vang.
* Nhân dịp Lễ Thánh Cả Giuse tôi gọi Cha Cố Giuse Ngô Văn Trọng, ở Missouri, mầng bổn mạng nhưng không được trả lời. Tôi rất lấy làm tiếc vì rất quan tâm đến các ông anh già của tôi. Tôi lại ngứa ngáy cho cái tính tọc mạch của tôi vì tôi nghi chắc vị Linh Mục Già báo VBMLV của Bùi Văn Giải phải là Ông này. Tôi muốn nhân cơ hội này “hỏi cho ra lẽ” nhưng ngài lại tẻ đi đâu mất.
* Tôi buồn tôi đi lang thang tìm gặp Cha Cố Trọng không được tôi điện thoại hỏi bổn mạng Ông Cố Hồ Đắc Trọng (Giacôbê) Bác Trọng vẫn mạnh. Đặc biệt là bác gái vừa qua cuộc phẫu thuật cột sống 12 tiếng. tỉnh giậy sau khi mổ 2 tiếng. Bác sĩ vặn vào xương sống 4 con bù-loong. Giải phẫu thành công, bình phục rất nhanh. Bác Sĩ VN rất giỏi (cái gì…Minh). Hiện bác gái sức mạnh, nhưng đương mang cặp lưng, và tập đi bộ
* Ngày 15 tháng 3, 2009 tôi gọi điện thoại cho Đại lão AN30 Giuse Nguyễn Văn Ân, 91 tuổi, ở California. Các đấng AN30 chắc sinh nhằm năm vượng khí cho nên sống lâu sức khoẻ. Tôi không gặp được Ông nhưng nói chuyện với bà con gái 64 tuổi, tên Bân, thì được biết Ông đương đi xem Lễ. Tôi hỏi từng ấy tuổi thọ đi được sao, thì đưọc bà trả lời: “Dạ có cái gậy 4 chân.” À ra là thế! Cũng còn đương chê xe lăn. Ông qua Mỹ diện HO 1994. Ông có 4 người con. một con ở VN. Con cháu và chắt đông lắm. Bà Bân đếm không được. Thế nào tôi cũng phải gọi cụ Ân thêm một lần nữa.
Kính lão đắc thọ, tôi hâm mộ mấy cụ già lắm. Viện Đại Học tôi có một cụ bà 95 tuổi. Gọi bằng bà thôi thì đúng hơn ví bà ấy có hai cặp giò đi thoăn thoắt như con gái, có lúc lại tếu còn ẻo qua ẻo lại. Năm nào khoá Giáo Lý bà cũng ôm sách đi dạy cho sinh viên lớp RCIA. Bà thương phu nhân tôi như con ruột vì hai người tính tếu như nhau. Phu nhân tôi qua đời bà mếu máo tre khóc măng rất tội nghiệp.
* Đại lão Nguyễn Văn Viên, AN37, ở Cali. Tôi muốn hỏi tên thánh xem có phải Giuse. Không gặp được Ông, đương đi chơi với con cái. Tôi đột ngột hỏi bà ỗng tên thánh chi thì bà giật mình hỏi “chi vậy?” Có lẽ bà tưởng là để cầu hồn, tôi vội vã giải thích ý của mình, bà thở ra nhẹ nhõm và cho biết ông tên thánh Micae. Ông ấy 86 tuổi. Hai Ông bà rất sức khoẻ mạnh. Ông xuất thân đại học CT 13 năm. Hãy lẵng lặng mà nghe: Ông có 13 người con còn lại 12, 20 cháu và 5 chắt. Xin kính bái sư tổ đông con!
* Cùng trong cuộc hành trình tìm Bổn Mạng kỳ này tôi điện thoại hỏi tên thánh anh Lê Thiện Giáo, AN39, ở Úc Châu. Tên Thánh Gioan Baotixita, 82 tuổi. Bà Giáo 81 tuổi. Con 10 người, một trong số là Lê Hồng Phong, HT68, 5 kẹt ở VN, 2 ở Pháp, 2 ở Mỹ, một ở Úc. Tai đìếc nhưng bao nhiêu máy nghe đều liệng hết. Muôn sự bỏ ngoài tai. Lần trước gặp anh, anh còn giữ máy nghe, tiếp chuyện tôi rất vui vẻ, nay vì chỉ cần hỏi tên thánh nên tôi không dám phiền anh. Nghe đâu anh là ông vua “poker”, rất ham nghiên cứu về môn này.‘Tournament’ vừa rồi ở Dallas không biết anh có về dự không.
* Chào mừng thành viên mới, anh Lê Văn Khôi, HT63, ở New York. Nguyễn Cả dày công lắm mới liên lạc được anh. Chắc bây giờ anh đã nhận hai Danh Bản có tên anh. Xin anh vui lòng kiếm tìm thêm thành viên mới. Xin nhớ đón em bé “www.cuucshuehn.net ” chào đời sau Lễ Lá và tờ Liên Lạc khởi sắc thêm hương số 17 nhé! Thân ái.
* Cuối cùng có chuyện kể rằng: Có một chàng trai khoác áo thư sinh lên mình linh mục. Chàng bỏ lại quê hương làm người Phi xứ. Rồi tứ cố vô thân bay về La Mã. Ai có tai thì hãy nghe. Hiểu thế nào thì xin cứ hiểu. Nguyễn Cả, hắn bảo đời chàng lắc léo. Tôi thì nói chàng mang kiếp Giêsu: Bỏ Bêlem trốn qua Êgiếp. Rồi từ Êgiếp chạy thẳng Naza. Đó là Lm Lê Đăng Ảnh, PX61, ở Roma. Những mảnh đời Lm hậu 75 long đong là thế! Và còn nhan nhãn những mảnh đời khác đắng cay hơn. Mong các bạn trẻ chia sẻ nhiều nhiều cho hậu thế cùng nghe thông cảm! Tôi và Nguyễn Văn Luỷ, PX61, ở Texas, đã vô tình chuyền ngài như chuyền quả bóng rổ. Từ Thị Nghè qua Thủ Đức. Từ Thủ Đức thậm chí tôi thẳng tay khai trừ ngài ra khỏi danh sách ccs hải ngoại. May thay có Nguyễn Cả, đóng vai anh hùng cứu chúa, con chiên đi tìm chủ lạc. Nay trắng đen đà sáng tỏ xin tạ lỗi và ghi danh ngài trở lại với CcsHueHN.
Hoàng Xuân Tịnh
UVLL
Tác giả: Hoàng Xuân Tịnh AN41, Kansas.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn