Tường thuật Hội Ngộ Hoan Thiện 67. Phần 1: Hội Ngộ Thầy Trò.

Chủ nhật - 09/10/2011 09:39

-

-
...Với chủ đề “Hội Ngộ Thầy Trò” của ngày đầu tiên trong chuyến hành hương, chúng con thật sự xúc động và vui sướng vì được gặp lại những người Cha, những người Thầy khả kính đã từng dạy dỗ và chăm sóc chúng con dưới mái trường Chủng viện.
Tường thuật Hội Ngộ Hoan Thiện 67. Phần 1: Hội Ngộ Thầy Trò.

(Tác giả: Lê Xuân Hảo HT67 - Ngày đăng: 01/08/2009)


PHẦN I “HỘI NGỘ THẦY TRÒ”

Ÿ Thứ Ba 21-7-2009, ngày anh em Hoan Thiện 67 chúng tôi mong đợi đã đến. Theo chương trình dự kiến thì khoảng 5 giờ chiều đoàn miền Nam mới tới Huế, thế mà mới 6 giờ sáng cellphone của Phạm Thanh Cương đã reo ầm ĩ, màn hình lên số của Viết Hùng, Ban tổ chức chuyến đi. Trưởng lớp Huế cầm máy: 

– Alô, tới mô rồi Hùng?
 
– Bọn mình đang ở Sáo Cát (Lăng Cô). Thăm Cha sở Trần Khôi (HT 65) rồi tắm biển, biển ở đây đẹp quá!
 
– Sao đi nhanh thế?
 
– Ai cũng nôn nóng cho cuộc Hội Ngộ, nên thay vì nghỉ đêm ở Qui nhơn như đã định thì cho xe chạy suốt luôn.
 
– Rứa thì chắc tới Huế sớm?
 
– Ừ, ăn trưa xong là bọn mình đi liền.

                     
Từ Lăng Cô đến Huế 70 cây số, xe chạy chừng 1 tiếng rưỡi. Trưởng lớp Huế bấm điện thoại gọi anh em tập trung tại Trung Tâm Mục Vụ lúc 1 giờ 30 để chuẩn bị đón đoàn. Ban khánh tiết Cương, Uý tất tả lên xuống thang lầu để chuẩn bị phòng nghỉ ở tầng 1, 2 và 3. Vợ chồng Dũng Thanh xuôi ngược lo ẩm thực. Nhóm trang trí Huỳnh Dũng, Hoà, Hảo xoay sở treo panô lớn “Hội Ngộ Hoan Thiện 67” ở hội trường.
 
2 giờ 30 chiều, chiếc xe màu xanh trắng mang biển số 53 từ từ chạy vào sân TTMV Giáo phận Huế. Chuyến xe xuất phát từ Sài Gòn và dừng lại nhiều chặng trên đường đi để đón anh em cựu chủng sinh Hoan Thiện niên khoá 1967 và gia đình trở về thăm quê mẹ. Đây là “chuyến xe yêu thương” đón nhận anh chị em với nhiều hoàn cảnh trong tình huynh đệ, chuyến xe chuyên chở những người con tha hương về hội ngộ ở chốn cội nguồn. Xe chưa dừng mà đã có những tiếng gọi, những cái vẫy tay. Cửa mở, người trên xe bước xuống, kẻ dưới đất ùa ra: chúng tôi ôm lấy nhau, kêu tên nhau, thăm hỏi nhau. Niềm vui vỡ lỡ! Có anh thoạt nhìn đã nhận ra ngay. Có anh sau mấy mươi năm với gánh nặng cuộc sống đã khác đi rất nhiều. Tuy thế, chỉ trong chốc lát là tất cả chúng tôi đã hoà vào nhau.

        
– Chào Cha Anh, lúc nầy Cha hơi ốm. Dạy nhiều hay sao vậy?
 
– Cha Cao ơi, răng trẻ dữ rứa? Thằng Bích nó nói Cha “tra không đều” đó.
 
­– Ê, Dương, thấy mi đạo mạo giống giám đốc sở quá!
 
– Huy “cày”, làm chi mà đen dữ rứa?
 
­– Phúc “châm cứu”, vợ mi mô chỉ tau coi nờ? …
 
Đoàn hành hương gồm: Thuỷ, Gioan, Viết Hùng, Hà, Thuận, Văn Hoà (Sài Gòn); Xuân, Phúc, Hộ, Trung, Trương Hùng (Xuân Lộc); Cha Cao, Huy, Phú, Dương, Bích (Quảng Thuận); Cha Anh, Trần Dũng, Chiếu, Trường Sơn (Ban Mê Thuột); Hinh, Thanh (Đà Nẵng); cùng một số phu nhân và các con. Tất cả là 38 người.
 
Anh em Huế có: Cha Luận, Cương, Trần Văn Dũng, Huỳnh Văn Dũng, Hoà, Hảo, Long, Phương, Sử, Thần, Thắng, Uý; và các phu nhân.
 
Sau các cử chỉ gần gũi và những lời thân ái trao nhau, chúng tôi mỗi người một tay đem hành lý về các phòng nghỉ. Các bà có lẽ hơi mệt sau chuyến đi dài nên tắm rửa rồi nghỉ ngơi. Còn mấy ông lại quây thành một vòng tròn và tiếp tục các câu chuyện…
 
Theo chương trình thì tối nay có du thuyền trên sông Hương và nghe Ca Huế, nên 18 giờ Ban tổ chức mời mọi người vào bàn ăn cơm.
 
19 giờ chúng tôi lại lên xe về bến Đập Đá. Hai chiếc thuyền rồng dành cho dịch vụ du lịch đang chờ sẵn, mọi người bước xuống rồi tự chọn cho mình chỗ ngồi thích hợp; ai nghe Ca Huế thì lên chiếc thuyền có ca sĩ và nhạc công, kẻ muốn ngắm cảnh sông nước thì qua chiếc khác. Bầu trời đầy sao, mặt sông phẳng lặng, làn gió nhẹ ve vuốt, đàng kia cầu Tràng Tiền rực sáng nổi bật giữa màn đêm với ánh điện đổi màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, tím. Khung cảnh đẹp như trong tranh! Rồi tiếng ca da diết với chất giọng Huế nằng nặng, quyện lẫn với âm thanh dìu dặt của đàn tranh, ai oán của đàn cò, tiếng sanh gõ nhịp… tất cả tạo nên một bầu khí thanh bình, trầm lắng, huyền hoặc như đang ở một nơi xa xăm nào đó, trong cung điện, chốn đế đô… Nơi đây lòng người thật nhẹ nhàng thanh thản, quên đi những áp lực lo toan của giòng chảy cuộc đời…

          
21 giờ chúng tôi trở lại TTMV để các bạn nghỉ ngơi sau gần 2 ngày đêm rong ruỗi nhọc nhằn trên đường xa …
 
Ÿ Thứ Tư 22-7-2009 với chủ đề “Hội Ngộ Thầy Trò”.
 
Hội trường của TTMV vốn đã rộng rãi khang trang, hôm nay lại càng tươi sáng và xinh đẹp hơn bội phần. Chính giữa bức phông màu đỏ thẩm trên lễ đài là tấm panô “Hội Ngộ Hoan Thiện 67”. Phía trước là bàn thờ đã được chuẩn bị sẵn cho Thánh lễ Tạ ơn sáng nay, với hoa đèn, lư hương, chậu cảnh. Bên dưới là các dãy bàn được sắp đặt hình chữ U thuận tiện để cha con, thầy trò gặp gỡ hàn huyên.
 
Trước giờ khai mạc, Văn Hoà và Đức Thủy đã thay phiên nhau khởi động bầu khí bằng những bài hát thật ý nghĩa và đầy ắp tâm tình do chính các nhạc sĩ trong Lớp 67 sáng tác nhân dịp Hội Ngộ nầy: bài “Cảm tạ tình Cha – Tri ân tình người” của Văn Hoà, “Xin hãy trao nhau” của Hoàng Hiệp, “Tạ ơn Chúa” của Thế Phong.
 
Trên bàn khách danh dự lúc này chúng tôi nhận thấy có Cha Phanxicô Lê Văn Cao, cựu giáo sư TCV (hiện nay đang tạm thời quản xứ An Vân) ; Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải vị Bề trên cuối cùng của TCV Hoan Thiện (hiện nay là Cha sở An Bằng); (Cha giám học Stanilaô Nguyễn Đức Vệ bận công việc mục vụ nên đến trễ, và không đồng tế); và 3 Cha của Lớp 67: Cha Phêrô Trần Ngọc Anh (giáo sư ĐCV Sao Biển, Nha Trang), Cha Phêrô Lê Minh Cao (Quản xứ Quảng Thuận, Nha Trang), Cha Phaolô Nguyễn Luận (Quản Xứ Hà Úc, Huế). Rất tiếc là Đức Tổng và Đức Cha Phanxicô đang trong chuyến đi Rôma viếng mộ Hai Thánh Tông Đồ nên không thể hiện diện trong cuộc hội ngộ nầy; không chỉ là Chủ Chăn trong Giáo phận, các ngài còn là Bề trên và Cha giáo của chúng tôi ngày xưa. Ngoài ra có một số Cha giáo cũng không đến được vì đang đi dự chuyến Họp mặt thường niên của Cựu sinh viên Xuân Bích ở Đà Lạt.
 
Đúng 8 giờ 30, MC Đức Long giới thiệu Quý Cha giáo và sơ lược các nhóm anh chị em các vùng để chính thức đi vào chương trình. Tiếp đến Cha Phaolô Nguyễn Luận, Trưởng ban tổ chức nói lên ý nghĩa của cuộc Hội Ngộ: đây là mơ ước của anh em HT 67 để thăm lại chốn xưa, nơi đã được dưỡng nuôi và đào tạo, đồng thời cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn các vị Ân Sư. Rồi ngài tuyên bố khai mạc Ngày Hội.
 
Sau đó, anh Trần Công Dương đại diện anh chị em HT 67 đọc Lời Chào Mừng. Mọi người đứng lên trong những giây phút trang trọng, trầm lắng và ý nghĩa nầy. Diễn từ như sau:
 
(Diễn từ Chào mừng các Cha Giáo, sáng ngày 22-7-2009)
 
Kính thưa Quý Cha, 
 
Hôm nay, Lớp chúng con về đây, mặc dù Đức Tổng và Đức Cha Phụ tá, hai Vị Chủ chăn và cũng là hai người Thầy khả kính đang công tác ở nơi xa, nhưng chúng con tin chắc rằng trong lúc nầy các Ngài vẫn đang dõi theo những bước đi của những đứa học trò yêu quí của Các Ngài năm xưa. Vậy giờ đây cho phép chúng con được thưa trình như đang có sự hiện diện của các Ngài.
 
Trọng kính Đức Tổng Giám Mục,
Trọng kính Đức Cha Phanxicô,
Kính thưa Quý Cha giáo,
 
Trước hết, Lớp Hoan Thiện niên khoá 1967 xin trình diện với Đức Tổng, với Đức Cha Phanxicô, và Quý Cha giáo. Kính gởi đến Quý Đức Cha và Quý Cha lời chào mừng rất trân trọng và rất kính mến!
 
Chúng con hết sức vui mừng vì hôm nay được quây quần quanh các Cha giáo của chúng con. Xin cám ơn đã cho chúng con sự hiện diện quý báu nầy.
 
Kính thưa Quý Đức Cha và Quý Cha,
 
Năm xưa, Lớp chúng con đầu niên khoá 1967 có 120 người, gồm 2 lớp A và B. Sau biến cố 1975, chúng con tản mác mỗi người một nơi: kẻ ở lại Huế, người xuôi miền Nam, cũng có nhiều anh em vượt biển định cư ở nước ngoài. Do tình hình khó khăn lúc đó, đa số đã chuyển hướng cuộc đời, chỉ còn 5 anh em kiên trì theo đuổi ơn gọi và hiện nay nhờ ơn Chúa đã được bước lên bàn thánh. Đó là các Cha Phaolô Nguyễn Luận (đang phục vụ tại Gp Huế), Phêrô Trần Ngọc Anh (Gp Ban Mê Thuột), Phêrô Lê Minh Cao (Gp Nha Trang) 3 vị đang hiện diện nơi đây, Cha FX Cao Minh Dung (Roma), Phaolô Nguyễn Minh Tâm (Úc). Các ngài là tinh hoa của Lớp 67, là niềm tự hào của tất cả chúng con.
 
Tuy nhiên, dù trong bậc sống nào và bất cứ ở đâu, mỗi người chúng con đều luôn hướng về Quê Hương, nơi có những người Thầy kính mến và mái trường thân yêu ngày xưa.
 
Vì thế, hôm nay quả là hạnh phúc cho chúng con khi được cùng nhau tụ họp nơi đây, trong ngày Hội Ngộ hằng mơ ước nầy. Cuộc Hội Ngộ là chuyến hành hương về nguồn cội đế thăm lại chốn xưa, để bày tỏ lòng tri ân với các Cha giáo, và để chia sẻ cho nhau những kỷ niệm đẹp trong quá khứ, những vui buồn trong hiện tại, ngõ hầu động viên nhau tiến về tương lai trong niềm lạc quan tín thác.
 
Giờ đây, với chủ đề “Hội Ngộ Thầy Trò” của ngày đầu tiên trong chuyến hành hương, chúng con thật sự xúc động và vui sướng vì được gặp lại những người Cha, những người Thầy khả kính đã từng dạy dỗ và chăm sóc chúng con dưới mái trường Chủng viện. Nhờ tình thương và sự hy sinh tận tụy của Quý Đức Cha và Quý Cha giáo mà hôm nay Giáo hội có thêm những Linh mục thánh thiện và nhiều giáo dân trung tín. Chúng con xin được bày tỏ lòng tri ân của chúng con.
 
Các Cha giáo kính mến,
 
Nhớ năm xưa dưới mái trường Chủng viện, chúng con được Bề Trên và Quý Cha chăm sóc khi thức cũng như khi ngủ, khi học tập cũng như lúc chơi đùa. Chúng con được dạy dỗ về tri thức, về đạo đức nhân bản và về đời sống tâm linh. Chúng con được hít thở bầu khí đầy ắp tình yêu thương: tình phụ tử và tình huynh đệ. Nhờ đó chúng con được lớn lên về nhân cách, được phát triển về trí tuệ và được trưởng thành về đời sống nội tâm. Tác giả Thánh vịnh 83 viết “Một ngày tại khuôn viên Nhà Chúa quý hơn cả ngàn ngày”. Có lẽ vì thế mà anh em chúng con người vắn kẻ dài, có anh chỉ ờ Chủng viện một vài tháng nhưng ai nấy luôn trân quý và khắc ghi vào tâm khảm những hình ảnh tươi đẹp ngày xưa. Chúng con rất vinh dự được làm học trò của Quý Cha, chúng con rất hãnh diện vì được mang tên cựu chủng sinh. Niềm hãnh diện nầy nhắc nhở và thúc đẩy chúng con luôn hướng thiện và làm điều tốt. Chúng con hết lòng cám ơn Quý Cha!
 
Thật thế, những ngày tháng đó đã hình thành trong chúng con những đức tính cần thiết để chúng con có thể đứng vững và vươn lên trong đời sống. Vậy phẩm tính của cựu chủng sinh, những người có thời đã được diễm phúc sống trong Chủng viện là gì? – Để trả lời chúng con xin mượn lời Thánh vịnh 14 như sau:

 
“Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong Nhà Chúa, được ở trên núi thánh của Ngài?
– Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy,
miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã.
Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời,
lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,
cho vay không nặng lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay”.
 
Tóm lại, đó là người chính trực, sống đức ái và kính sợ Thiên Chúa. Rồi tác giả kết luận:

“Phàm ai làm những điều này

không hề nao núng chuyển lay bao giờ”.
 
Chúng con xin cám ơn Quý Cha đã gieo cấy trong chúng con những hạt mầm tốt lành ấy, những hạt mầm hôm nay đã bén rễ đâm chồi, đơm bông kết trái, trở thành sức mạnh nội tại để người cựu chủng sinh có thể an bình trong đau khổ, hy vọng khi thất bại, đứng lên khi vấp ngã, và vững tin trong muôn ngàn thử thách.
 
Chúng con xin cám ơn Quý Cha giáo, – bằng giáo huấn, bằng cầu nguyện và nhất là bằng gương sáng, đã định hướng cho chúng con một con đường đi lên, đã tạo lập cho chúng con một nhãn quan ngời sáng, đó là: nhìn cuộc đời như một trường học lớn để đào luyện và thăng tiến bản thân, nhờ đó có thể canh tân gia đình, thánh hoá xã hội và dấn thân phục vụ Giáo hội.
 
Kính thưa Quý Đức Cha và Quý Cha,
 
Trong ý nghĩa của Năm Thánh Linh Mục, – năm Giáo hội đặc biệt tôn vinh và tri ân các Linh mục, những người đã hiến tặng cả cuộc đời cho Nước Chúa và cho tha nhân –, một lần nữa chúng con xin được bày tỏ lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, lòng kính trọng về Quý Đức Cha và Quý Cha, Những Người Thầy kính mến của Lớp Hoan Thiện 67. Chúng con luôn hãnh diện về Những Vị Ân Sư của mình, và hứa luôn cọng tác với các Linh mục để phục vụ và mở mang Nước Chúa.
 
Xin Chúa ban nhiều ơn lành để Quý Đức Cha và Quý Cha đủ sức ngày ngày tiếp tục sứ mạng cao cả của mình.
 
Lạy Cha thánh Gioan Vianê xin phù trợ cho các Cha giáo của chúng con.
 
Lạy thánh Tôma Thiện xin cầu bàu cho các Cha giáo của chúng con.
 
Cuối cùng, chúng con kính dâng lên Đức Tổng, Đức Cha Phanxicô và Quý Cha những cánh hoa đơn sơ nầy, là biểu trưng của lòng kính mến và tâm tình biết ơn của chúng con.
 
Một tràng pháo tay thật dài trong lúc người đại diện tặng hoa Quý Cha như âm vang bất tận của lòng biết ơn hiếu thảo.

         
Đáp lại Lời tri ân của các học trò, Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải thay mặt các Cha giáo bày tỏ một vài tâm tình: Cuộc Hội Ngộ nầy là biến cố chưa từng có của Lớp Mẹ Vô Nhiễm. Ngài rất sung sướng được gặp lại các cựu chủng sinh HT 67, không chỉ các ông mà còn có cả phu nhân và con cái nữa. Là Cha giáo, các ngài luôn mong ước tất cả chủng sinh đều trở thành Linh mục, nhưng “Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít” nên các cựu chủng sinh phải sống đời hôn nhân. Tuy nhiên đây là một lực lượng rất có khả năng được Chúa tung vào đời để làm chứng cho Tin Mừng. Vậy cựu chủng sinh hãy làm sáng danh Chúa trong bậc sống của mình. Trước khi dứt lời ngài không quên xin Chúa ban ơn lành và chúc Hội Ngộ HT 67 thành công. Mọi người vỗ tay thật nồng nhiệt cám ơn Cha Phêrô.
 
Cha cố Phanxicô Lê Văn Cao nhấn mạnh đến chức Linh mục phổ quát mà mọi người đã được lãnh nhận lúc chịu phép rửa tội, đặc biệt đối với anh em đã có thời gian được đào tạo trong chủng viện. Ngài kêu gọi anh chị em hãy ý thức sứ mạng Chúa giao và tích cực dấn thân làm chứng cho Tin Mừng nơi môi trường mình sinh sống và làm việc. Nhất là quảng đại hướng dẫn và động viên con cái dâng mình cho Chúa.
 
Tiếp theo, MC Đức Long lần lượt mời các Cha trong Lớp phát biểu. Cha Minh Cao nhắc lại chuyện xưa ở TCV, vì sao ngài được anh em gọi là “Cao gà”. Đơn giản chỉ vì chú Cao thích ăn mì có “xíu” thịt gà xé, bán ở ngã sáu chỗ Trung tâm Xavie cũ. Cứ có tiền, đợi lúc được “sọt-ti” là đi mua mì gà. Mê mì gà đến nỗi chữ “gà” đi liền với tên gọi. Câu chuyện “Cao gà” thật đơn sơ và dễ thương, du hồn người về khung trời kỷ niệm của ngày xưa ấy, để rồi cảm thấy thân thương gần gũi nhau hơn trong hiện thực cuộc đời.
 
Cha Ngọc Anh thì suy tư về 3 điểm: 1/ Trong diễn từ Chào Mừng có câu “5 linh mục là niềm tự hào của anh em 67”, nhưng nhìn lại thì thấy các ngài không phải là “number one”, là những người xuất sắc trong lớp. Vậy thì “Chúa chọn những kẻ tầm thường để làm việc cao cả”, đường lối Chúa thật lạ lùng! Do đó mỗi người hãy an vui và hạnh phúc trong ơn gọi, trong hoàn cảnh của mình. 2/ Điểm thứ hai ngài nói rằng “Thiên Chúa luôn thương yêu và hằng ban ơn cho chúng ta”, phần mỗi người hãy chia sẻ những ơn ích đó cho tha nhân. Cha cảm nhận được điều này khi thấy anh Trần Văn Thuận (ngồi xe lăn) và các cháu bé đang có mặt trong phòng hội. Họ chính là “trung tâm” của ngày gặp gỡ. 3/ Cuối cùng, với tư cách Cha giáo ĐCV, ngài nói “Đào tạo Linh mục ở thời buổi này khó hơn ngày xưa rất nhiều”, vì xã hội càng văn minh con người càng thêm não trạng tục hoá và môi trường chung quanh càng đầy dẫy những cạm bẫy. Tuy vậy, qua kinh nghiệm đời sống, ta hãy phó thác cho quyền năng Chúa; cứ làm hết sức mình rồi để Chúa lo liệu cho. Rồi Cha kết luận: đó là những bài học lớn của ngài trong những ngày nầy.
 
Tiếp đến, từng thành viên HT67 tự giới thiệu về bản thân, về bạn đời, con cái, công việc… Chúng tôi đến từ mọi (nẻo đường) cảnh ngộ của đời sống: người ổn định kẻ bấp bênh, người ấm êm kẻ “mồ côi” vợ, người khoẻ mạnh kẻ thiếu một phần thân thể… Bất giác mọi người nhìn lên tấm panô Hội Ngộ chính giữa hội trường: Hình lồng kính trên tháp chuông Hoan Thiện có rất nhiều màu sắc, thật xinh đẹp và ý nghĩa! Cũng như mỗi thành viên là một sắc màu độc đáo, nhưng toàn thể Lớp HT67 làm nên một tổng thể hỗ tương hài hoà với tinh thần huynh đệ thân thương, trong cùng một hướng đi phục vụ tha nhân và dựng xây Hội Thánh…
 
Cuộc gặp gỡ Thầy trò kéo dài đến 10 giờ 15, tuy còn nhiều anh chị em chưa có dịp được “tâm sự đời tôi” nhưng MC Văn Hoà phải tạm ngưng nơi đây để ca trưởng Đức Thuỷ tập hát chuẩn bị cho Thánh Lễ Tạ Ơn sắp tới. Thời gian nầy cũng có nhiều anh chị em dọn lòng đón rước Chúa nơi toà cáo giải.
 
Đúng 10 giờ 30 bắt đầu Thánh Lễ Tạ Ơn, đây là đỉnh điểm của Ngày Hội. Chúng tôi đứng vây quanh bàn thờ trên lễ đài. Đoàn đồng tế, do Cha cố Phanxicô Xavie chủ sự, tiến lên trong âm vang của bài hát Ca nhập lễ. Tiếng nhạc rất hân hoan, lời ca quá tuyệt vời:
 
“Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca
Chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa
Qua bao tháng năm mong chờ, say sưa thánh ân vô bờ
Được cùng nhau bên Chúa, thoả lòng con ước mơ…”
 
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang trọng và linh thiêng. Cha Chủ tế nói về ý Lễ: “Hôm nay chúng ta họp nhau nơi để cùng hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa vì muôn ơn lành Ngài đã ban cho mỗi người, cho Lớp HT67; chúng ta cũng cầu xin cho các Cha giáo được bình an và sức khoẻ; đồng thời cũng xin Chúa chúc lành cho cuộc Hội Ngộ này.”
 
         
Chị Vinh (phu nhân của Công Dương) đọc bài I trong sách Xh 16,1-13. Cha Luận công bố Lời Chúa “Hạt được gấp trăm” Mt 13,1-9. Và Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải giảng lễ. Sau lời chào với tâm tình vui sướng, ngài bắt đầu đề cập đến truyền thống hay tinh thần của Tiểu chủng viện Huế, theo cách nói của ngài thì truyền thống hay tinh thần đó là “một dòng chảy”. Vị Bề trên cuối cùng của TCV Hoan Thiện nói “Dòng chảy TCV Huế đã có từ hơn 200 năm về trước. Nếu chúng ta để ý thì trong dòng chảy nầy có những vị Bề trên tử đạo như Cha Jaccard Phan, và có những chủng sinh tử đạo như Tôma Thiện. Rồi đến thời anh em đi tu, TCV được mang tên Hoan Thiện; hai vị thánh tử đạo: Linh mục Gioan Đoàn Trinh Hoan và chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện. Như thế chúng ta có thể nói rằng: Dòng chảy của TCV Huế là dòng chảy làm chứng và bảo vệ Đức Tin.” Ngài xác định cựu chủng sinh là những người dù ngắn hay dài  cũng đã được ở trong dòng chảy nầy, dù ít hay nhiều cũng đã được sồng trong truyền thống cao quý và hào hùng ấy. Ngài tiếp “Đó là thời gian anh em được tôi luyện, được đào tạo. Để rồi có người được chịu chức Linh mục là hiến trọn cuộc đời để phụng sự Chúa và phục vụ mọi người. Và đa số anh chị em, những giáo dân, được Chúa tung vào đời cũng là để làm chứng cho Tin Mừng, đặc biệt trong đời sống gia đình”. Cha nhấn mạnh ở tầm quan trọng của gia đình, vì “gia đình là tế bào gốc” để xây dựng xã hội và Giáo hội. Đó cũng là ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay: Người gieo giống tung vãi hạt giống trên đất. Rồi ngài mượn lời của thánh Phaolô trong 2Cor 3, 3 để kết luận:
 
“Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những ‘tấm bia bằng đá’, nhưng trên ‘những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người’ .”
 
Cuối cùng Cha Phêrô nói “Anh chị em hãy sống làm sao để người khác đọc được Tin Mừng của Đức Kitô trong cuộc sống của anh em, hay nói cách khác, anh chị em hãy vẽ nên dung mạo của Đức Kitô trong chính đời sống của mình.” Đó là mong ước, là lời cầu chúc của những người Thầy, đồng thời cũng chính là lý tưởng của mọi Kitô hữu.
 
Thánh lễ được tiếp tục với Lời nguyện giáo dân với 4 ý nguyện:
 
– Cầu cho Giáo phận Huế ngày càng thánh thiện và phát triển, cầu cho 2 Đức Cha cùng các Linh mục địa phận nhà nhân Năm thánh Linh mục.
– Cầu cho các vị Bề trên và các Cha giáo.
– Cầu cho các Cha giáo và anh chị em đã qua đời.
– Cầu cho các cựu chủng sinh HT67.
 
Đoàn dâng của lễ gồm 6 người: 2 em nhỏ dâng bánh rượu, 2 phu nhân dâng hoa quả, và 2 cựu chủng sinh dâng hương đèn. Được đứng quây quần gần bàn thờ, mọi người tham dự phần phụng vụ Thánh Thể thật sốt sắng. Gần gũi trong không gian lúc nầy cũng giúp anh chị em cảm nhận được sự gần gũi trong tâm hồn với Chúa, và gần gũi với nhau trong con tim. Bầu khí thánh thiêng ấm cúng nầy là môi trường thuận tiện để gặp gỡ và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể lúc đón nhận Chúa vào lòng.
 
Bài ca truyền thống “Salve Regina” kết thúc Thánh lễ lúc 11 giờ 30 .
 
Sau lễ, chúng tôi chụp hình lưu niệm với Quý Cha trên lễ đài. Các phó nhòm làm việc hết công suất vì sau nhiều kiểu chụp chung, nhiều gia đình cũng xin được ghi hình cùng với các Cha giáo. Trong lúc nầy bộ phận ẩm thực hối hả dọn mâm bàn cho bữa đại tiệc mừng ngày Hội Ngộ.
 
Đúng 12 giờ, Ban tổ chức mời Quý Cha và anh chị em vào bàn. Bữa ăn thật thân mật hài hoà vì cha con thầy trò cùng ngồi chung với nhau, bàn nào cũng có một Cha. Phe phụ nữ cũng chia nhau, bàn nào cũng có hai ba bóng hồng. Sau khi Cha cố Cao xin Chúa chúc lành, MC Văn Hoà mời mọi người cùng nâng ly chúc mừng ngày Hội Ngộ. Tiếng “Dô” râm rang biểu lộ sự hiệp nhất trong niềm hoan lạc không cùng. Rồi tiếng thuỷ tinh chạm vào nhau nghe lách cách, và những chiếc ly tràn chất men được uống cạn như cách mọi người bảo nhau: chúng ta quyết sống trọn tình trong phút giây nầy. Mâm cỗ thật thịnh soạn, mọi người vừa ăn uống vừa chuyện trò rất vui vẻ. Thế rồi một chương trình văn nghệ được khởi động. Các ca sĩ “cây nhà lá vườn” đua nhau trổ tài làm nhạc công Văn Hoà không có giờ để thưởng thức các món ăn. Ngọc Uý xổ ngón nghề ứng khẩu “than phần thứ 6” tặng bạn Trần Văn Thuận thật hay. Các Cha cũng được MC Văn Hoà mời lên sân khấu. Cha Minh Cao đệm đàn, ngài là tay organ kỳ cựu hồi còn ở chủng viện. Cha Vệ đăng ký 2 bài. Cố Cao hát bài “Salom” bằng tiếng Do Thái. Cha Ngọc Anh trình bày “Một ngón tay nhúc nhích” với sự phụ hoạ của cháu Tuấn (con anh Trương Hùng) rất dễ thương. Niềm vui như bất tận nhưng thì giờ lại qua mau. Đã 2 giờ chiều. Trước khi chấm dứt, các anh chị em HT 67 vây quanh các Cha giáo. Anh Trưởng Lớp một lần nữa đại diện đám học trò cám ơn các vị ân sư và kính gởi đến các ngài những đoá hoa tươi thắm với món quà lưu niệm. Bầu khí trầm lắng, cảnh tượng thật cảm động, có khói mù đâu đó vấn vương vào mắt ai…

       
Tiệc tàn, các ông thu dẹp bàn ghế, các bà quét dọn nhà cửa trả lại sự sạch sẽ, gọn gàng cho các nơi mình đã sử dụng. Xong công tác là giờ nghỉ ngơi, tuy thế cũng có nhiều người tranh thủ giờ rảnh đi thăm bạn bè thân hữu.
 
15 giờ 30, xe chuyển bánh về đường Đống Đa. Hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Đức Long dẫn anh chị em về thăm trường cũ. Nhìn lại trường xưa lòng ai cũng bồi hồi xao xuyến. Mỗi vị trí đều gợi lên một kỷ niệm. Bên này là dãy phòng học, bên kia là phòng “étude”, đây là nhà ăn… Khu Nhà nguyện tròn vẫn còn đó với chiếc cầu thang xoắn. Khung tháp chuông đàng kia nhưng không còn thánh giá trên cao… Ngôi nhà thân yêu này ngày trước là nơi anh em chúng tôi thảnh thơi trú ngụ, an tâm học tập, vô tư chơi đùa, giờ sao trở nên ảm đạm và lạnh lùng. Chúng tôi nghe bước chân mình ngại ngùng và có cảm giác như ai đó đang dòm ngó nghi nan…

        
Xin giã từ chốn cũ!… Dù thế sự đổi thay nhưng chắc chắn hình ảnh thân thương nầy sẽ không bao giờ phai lạt trong trái tim của “những kẻ hành hương”…
 
Rời con đường Đống Đa chiếc xe đi về hướng Bắc. Kim đồng hồ chỉ đúng 4 giờ chiều…
 
(còn tiếp)

Tác giả: J.B Lê Xuân Hảo HT67

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm66
  • Hôm nay29,530
  • Tháng hiện tại222,868
  • Tổng lượt truy cập68,188,407
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây