Kinh Nghĩa Đức Tin: Bản kinh hướng dẫn đời sống đức tin cho người tín hữu.
Nếu được hỏi: Bạn tin vào ai? Bạn tin những gì? Xin được lấy lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính để trả lời và tuyên xưng đức tin của mình [1]:
Thứ nhất: Tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất.
Thứ hai: Tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Chúa Cha.
Thứ ba: Tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công giáo, tin các thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác loài người ngày sau sống lại và tin sự sống đời đời.
Vậy lời tuyên xưng đức tin cốt lõi nhất của người Công giáo là tin Một Chúa Ba Ngôi [2]. Tin Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần canh tân thánh hóa.
Nếu phân tích chi tiết hơn nữa lời tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính, ngoài nội dung đức tin cốt lõi là tin mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Các tín hữu còn tin Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, [3] là Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh và lên trời cả hồn lẫn xác [4].
Tin Hội Thánh Công giáo thánh thiện duy nhất và tông truyền [5]. Tin mầu nhiệm các thánh thông công [6]. Tin phép tha tội nghĩa là ơn được tái sinh bởi nước và Thánh Thần qua bí tích Rửa Tội, bí tích Giải Tội và các bí tích khác, nhất là bí tích Thánh Thể [7]. Tin xác loài người ngày sau sống lại, tin có sự sống đời đời nghĩa là tin có linh hồn bất tử sẽ kết hợp với thân xác sống lại vào ngày sau hết [8]. Đó là tất cả những điều mọi người tín hữu đều phải tin một cách chắc chắn.
Tin là một chuyện còn sống điều mình tin lại là một chuyện khác hoàn toàn. Tại sao như vậy? Bởi vì nếu chỉ tin những điều khắc ghi trong Kinh Tin Kính mà không hề tuyên xưng (nghĩa là không hề sống những điều mình tin) thì chưa thể gọi người đó có đức tin đúng nghĩa được. Thánh Giacôbê nói “đức tin không có hành động là đức tin chết” [9].
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1814 trình bày: Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã nói và đã mạc khải cho chúng ta, và những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa chính là chân lý. Nhờ đức tin “con người tự nguyện phó thác toàn thân cho Thiên Chúa”. Vì vậy ai tin, người đó cố gắng nhận biết và thi hành ý muốn của Thiên Chúa ...” [10]
Số 1814 cho thấy đức tin gồm hai nhịp: nhịp thứ nhất là tin vào Chúa và nhịp thứ hai là “cố gắng nhận biết và thi hành ý muốn của Thiên Chúa” nghĩa là sống đức tin. Như vậy khi người tín hữu tin và sống đức tin (tuyên xưng đức tin) thì mới dám gọi người đó có đức tin hoàn hảo.
Còn trái lại chỉ tin trong lòng, tin tuyệt đối không có sự nghi ngờ nào về những điều mình tin, nhưng không hề tuyên xưng (nghĩa là không sống đức tin), thì nói theo ngôn ngữ của Thánh Matthêu tông đồ: người đó chưa chắc đã được cứu rỗi: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” [11]
Tin vào ai? Tin những gì? Đã có lời chỉ dẫn trong bản tuyên xưng đức tin nơi Kinh Tin Kính. Còn sống đức tin như thế nào? Sống ra sao? Sống ở đâu? Sống lúc nào? Điều này đã được Giáo Hội hướng dẫn chính thức qua những văn bản chỉ dẫn chính thống trong Hội Thánh, cũng như những thư mục và những hướng dẫn thực hành của các Đấng Bản Quyền ở các Giáo Hội địa phương.
Tuy nhiên còn có một bản hướng dẫn tuyên xưng và sống đức tin từ lâu đời được lưu truyền trong kinh nguyện bình dân của người tín hữu Việt Nam (tạm gọi là lòng đạo đức bình dân) [12] đã được người tín hữu đọc vào mỗi Chúa nhật cũng như những ngày lễ trọng, lễ cả trong năm. Bản tuyên xưng và hướng dẫn đời sống đức tin này đó chính là: KINH NGHĨA ĐỨC TIN. Kinh Nghĩa Đức Tin có ba phần.
Phần thứ nhất là những tâm tình của người tín hữu đối với Chúa trước khi tuyên xưng đức tin. Tâm tình đó là: thờ phượng, cảm tạ, phạt tạ và xin ơn: “Ngày Chúa Nhật hôm nay (hay lễ trọng nào thì đọc: ngày lễ...), chúng con hợp nhau kính lạy thờ phượng Chúa, khong khen cảm tạ ơn Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng con, và phạt tạ Chúa vì những tội lỗi chúng con đã phạm mất lòng Chúa: thì chúng con dám xin Chúa hãy khứng ban những ơn cần kíp cho chúng con được rỗi linh hồn.”
Phần thứ hai là những lời tuyên xưng đức tin: những lời tuyên xưng đức tin này chính là nội dung đức tin được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Nên chúng con cả lòng tin vững vàng mọi điều đạo thánh Chúa dạy; nhất là những điều cần kíp này: là có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng dựng nên trời đất; mà Người có Ba Ngôi. Ngôi Thứ Nhất là Cha, Ngôi Thứ Hai là Con, Ngôi Thứ Ba là Thánh Thần; Ba Ngôi cũng một tính một phép cho nên Ba Ngôi cũng một Chúa mà thôi. Chúng con tin Ngôi Thứ Hai ra đời làm người sinh bởi Bà Maria đồng trinh, đặt tên là Giêsu; ở thế gian ba mươi ba năm, đoạn chịu chết trên cây thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ; đến ngày thứ ba Người sống lại; khỏi bốn mươi ngày lên trời đủ mười ngày lại cho Đức Chúa Thánh Thần xuống trên các Thánh Tông Đồ và Hội Thánh mới lập; ai chẳng thông công cùng Hội Thánh ấy thì chẳng được rỗi linh hồn; mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết được; và đến ngày tận thế xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét, kẻ lành lên thiên đàng hưởng phúc đời đời; kẻ dữ sa hỏa ngục chịu phạt vô cùng.”
Phần thứ ba là lời mời gọi sống đức tin – nghĩa là sống điều mình vừa mới tuyên xưng: “Mà chúng con tin các sự ấy mà thôi thì chưa đủ cho được lên thiên đàng; song phải giữ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời cùng Sáu Luật Điều Hội Thánh, và làm những việc lành phúc đức. Nhân vì sự ấy chúng con hằng phải sợ hãi và trốn tránh các tội lỗi, nhất là bảy mối tội đầu, là căn nguyên mọi tội lỗi khác. Vậy chúng con phải ân cần lo lắng mà năng chịu các phép Bí Tích Đức Chúa Giêsu đã truyền, là những phương linh nghiệm cho chúng con được nên thánh. Có bảy phép Bí Tích mà thôi; song phép Rửa Tội, phép Mình Thánh Chúa cùng phép Giải Tội là ba phép cần kíp hơn cho chúng con được rỗi. Ấy vậy chúng con hằng phải ra sức lo lắng thể nào mà chịu các phép trọng ấy cho nên, cùng tin thật vững vàng mà giữ cẩn thận các điều trước này, thì mới được hưởng phúc thanh nhàn đời đời kiếp kiếp. Amen.”
Trong lời mời gọi sống đức tin vừa tuyên xưng, tác giả đã lấy lại ý tưởng của Thánh Giacôbê tông đồ “đức tin không có hành động là đức tin chết”(Gc 2,26). Nghĩa là tin vẫn chưa đủ để được hưởng hạnh phúc nước trời, nhưng còn phải giữ, sống và chịu (lãnh)
- Giữ: Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và Sáu Điều Răn Hội Thánh
- Sống: Bằng đời sống làm những việc lành phúc đức, xa tránh tội lỗi và những nguy cơ dẫn đến dịp tội là bảy mối tội đầu [13]
- Chịu (lãnh): Siêng năng lãnh nhận các phép bí tích Chúa Giêsu đã lập và truyền lại, đặc biệt chú ý đến Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Giao Hòa là ba bí tích tối thiểu cần thiết cho người tín hữu được rỗi linh hồn.
Vậy có thể nói: Kinh Nghĩa Đức Tin là một quyển giáo lý thu nhỏ gồm bốn phần: TIN – GIỮ - LÃNH – XIN. Bao gồm lời tuyên xưng đức tin, các cử hành bí tích, đời sống luân lý và kinh nguyện Kitô giáo.
TIN: Tin ai? Tin gì? Đó là nội dung đức tin được tuyên xưng trong Kinh Nghĩa Đức Tin.
GIỮ: Chính là đời sống luân lý làm lành lánh dữ và tuân giữ các điều răn của Chúa và Hội Thánh.
LÃNH: Tham dự và cử hành các bí tích cách tích cực và hiệu quả.
XIN: Là lời cầu nguyện, tự thân lời Kinh Nghĩa Đức Tin là lời cầu nguyện. Hơn nữa ngay phần đầu tiên của lời kinh, tác giả đã mở ra tâm tình cầu nguyện với bốn cung bậc: Thờ phượng, cảm tạ, phạt tạ và xin ơn.
Kinh Nghĩa Đức Tin – bản văn lời kinh phổ thông giải thích mộc mạc, nhưng đầy đủ ý nghĩa về những điều cốt lỗi trong nội dung đức tin của người tín hữu đã ăn sâu vào trong tâm thức của họ, cùng với lời mời gọi chỉ dẫn tuyên xưng đức tin bằng đời sống một cách cụ thể.
Ước mong trong Năm Đức Tin này ngoài việc học hỏi giáo lý, tìm hiểu các văn kiện Công đồng Vaticanô II, thiết nghĩ cũng cần phổ biến, giải thích, cắt nghĩa các bản văn lời kinh của lòng đạo đức bình dân như: Kinh Nghĩa Đức Tin, Kinh Tin, Cậy, Mến hay Kinh Tin Kính cắt nghĩa [14] ... cho người tín hữu. Vì xét ở một góc nhìn nào đó (chí ít là về thời gian và lợi ích) những cử hành của lòng đạo đức bình dân đã góp phần nuôi dưỡng đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam qua nhiều thế hệ trong những thế kỷ đã qua.