Chúa nhật 25 TN C. Con cái thế gian

Thứ ba - 17/09/2019 21:50
Con cái sự sáng có thể bị chà đạp bởi con cái thế gian, nhưng con cái sự sáng không bao giờ chà đạp người cùng khổ; và công lý không thể được thiết lập như lòng ta mơ ước cho đến khi Con Người lại đến trong vinh quang của Cha Ngài.
Chúa nhật 25 TN C. Con cái thế gian
Suy tư Lời Chúa – Chúa Nhật 25 Thường Niên

Trật tự của thế giới, của xã hội, của gia đình và nhất là trật tự trong lòng dạ con người luôn ở tại câu hỏi: AI LÀ MINH CHỦ? Thiên Chúa hay là Của Cải? Ai sẽ là kẻ ngồi trên ngai vàng của tâm hồn chúng ta? Do đó vấn đề không phải ở tại Thiên Chúa hay của cải; vấn đề luôn ở nơi thái độ của lòng dạ con người. Chúa Giêsu nói: “Không ai làm tôi hai chủ; vì nó sẽ ghét chủ này và thích chủ nọ, hoặc khinh dể chủ này mà tôn kính chủ kia. Các ngươi không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi Tiền Của được.” (Luca 16:13)

Chúa Giêsu biết rõ tâm địa của con cái thế gian lắm. Ngài chỉ mong sao chúng ta như hoa sen sống trong bùn lầy nhưng vẫn không biến thành bùn lầy, nhưng vẫn giữ sự tinh khiết của hoa sen. Bùn lầy vốn cần thiết cho hoa sen sống, và chỉ nở rộ xinh tươi và tinh khiết khi nó luôn vươn lên khỏi mặt bùn.

Bùn lầy, cũng như của cải, đều do Chúa ban; tuy nhiên lắm người không chịu ngước mặt lên để nhìn thấy ánh quang Thiên Chúa, Đấng đang nhìn ngắm chúng ta như nhìn ngắm những đóa hoa sen tươi đẹp; nhưng suốt đời chỉ cúi xuống bùn lấy để cho mặt mủi lem nhem với những giá trị ngoại thân tạm bợ.

Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu được giá trị của tiền của, còn con người cùng lắm thì chỉ hiểu nó theo sự thúc đẩy của nhu cầu và đà phóng của tham vọng. Và điều này chính là sự bất hạnh cho thế giới, trong đó chỉ có dân chúng mới thực sự là nạn nhân, giống như ta vẫn nói: Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết.

Một cô giáo trường tiểu học hỏi một cậu bé học sinh: “Nếu 10 đồng mua được 1 kí bột mì, thì 30 đồng mua được mấy kí?”

Thằng nhỏ trả lời: “Dạ, chừng 2 kí rưỡi và hơn một chút.”

Cô giáo trợn mắt há miệng một hồi rồi nói: “Ai dạy em như vậy? Sai rồi, em biết không?”

Thằng bé nói: “Dạ em biết. Nhưng mọi người đều làm vậy ở ngoài chợ.”

Câu hỏi là: Toán học nói đúng hay là thằng bé nói đúng? Đây không phải là chuyện chơi bởi lẽ một khi sự gian lận trở nên tiêu chuẩn thực hành, thương trường trở nên chiến trường, và mọi người phải gian lận để tồn tại.

Một tên lưu manh giả dạng một thương gia giàu có và bước vào một cửa tiệm kim hoàn. Sâu vào phía trong tiệm là một viên kim cương quí giá, trưng bày trong một lồng kính, với giá $20,000.

“Tại sao chỉ có một viên kim cương thôi?” Anh ta hỏi người chủ tiệm.

“Thưa Ngài, chúng tôi chỉ có một viên thôi ạ.” Viên quản lý trả lời.

“Ồ tiếc quá! Phải chi có cả một cặp thì tôi sẽ mua để làm đôi bông tai cho vợ sắp cưới của tôi.” Tên thương gia nói.”

Ngắm đi ngắm lại viên kim cương ra chiều suy nghĩ, anh ta lại nói, “Hay là tôi tạm mua viên này trước với giá anh mong muốn là $20,000; sau đó anh tìm cho tôi viên thứ hai giống như nó. Nếu anh tìm được thì tôi sẽ mua cho anh giá gấp đôi. Tiền bạc không phải là điều tôi quan tâm. Ráng tìm cho tôi nhé!”

Trả tiền xong, lấy viên kim cương và để lại số điện thoại, anh ta bước ra khỏi tiệm với dáng dấp của một người giàu có.

Một tháng sau lại có người tìm đến tiệm kim hoàn. Người này muốn bán cho tiệm một viên kim cương. Anh chủ tiệm mừng rỡ khi thấy viên kim cương mới này giống y viên mà anh đã bán cho nhà thương gia. Anh nghĩ thầm: “Vậy là mình đã tìm ra người anh em sinh đôi của viên kim cương rồi.”

“Anh bán bao nhiêu?” Chủ tiệm hỏi.

“$30,000.”

Chủ tiệm thầm nghĩ đến ông thương gia, người sẽ trả cho ông 40,000 tiền gấp đôi viên kim cương trước, và anh ta đồng ý mua viên kim cương với giá $30,000.

Thanh toán xong, anh chủ tiệm kim hoàn vội vã vui mừng gọi điện cho vị đại gia về việc anh tìm ra viên kim cương thứ hai. Anh ta gọi mãi, gọi mãi và gọi mãi… vị đại gia biến mất như một bóng ma.

Nhiều kẻ làm giàu trên đồng tiền của bạn! Lại nữa, bạn bị gài bẩy mà không biết tại sao, và công lý loài người cũng không biết làm sao để chống đở. Chuyện như vầy nè:

Có hai người bạn bỏ vốn chung làm ăn với nhau. Được thời gian ngắn thì sinh ra xung đột vì lợi ích riêng. Cả hai đưa nhau ra tòa. Gần đến ngày ra tòa, một anh đến gặp luật sư của mình và hỏi: “Tôi có nên đút lót cho quan tòa để thắng vụ kiện này không?”

“Tuyệt đối không nên. Vị thẩm phán này là người rất liêm chính và rất ghét sự đút lót. Việc đút lót như thế sẽ làm anh thua vụ kiện ngay.”

Sau ngày xử tại tòa, anh ta đã thắng, và tìm đến vị luật sư để cám ơn lời khuyên hữu ích. Luật sư nói: “Anh không đút lót cho quan tòa đó chứ?”

“Có chứ ông! Tôi sai người thay mặt cho địch thủ của tôi đến đút lót cho quan tòa.” Anh ta trả lời.

Sự chính trực của bạn cũng chưa chắc giúp bạn bước qua vũng bùn mà không bị dấy bẩn, vì sự gian tham đã đi vào cơ cấu của luật pháp.

Vị linh mục tìm đến một tiệm sửa xe hơi trong địa phương của mình để nhờ chữa dùm cho cái lốp xe bị đinh ghim qua. Ngài nói: “Nhờ anh giúp cho tôi. Tôi nghèo lắm không có tiền nhiều để trả đâu.

“Tôi biết rồi,” anh thợ trả lời, “Hôm qua tôi có ghé qua nhà thờ và có nghe cha giảng…”

Và khi tiền bạc trở nên đề tài cho giảng thuyết…

Sức mạnh của tình yêu đến từ Thiên Chúa, còn sức mạnh của tiền bạc đến từ con người. Thiên Chúa đề cử Đức Giêsu Kitô làm Đấng Cứu Độ; còn chủ nghĩa thế tục đề nghị con bò vàng (Xuất Hành 32: 7-8) và tuyên truyền và tung hô rằng: “Đây là Minh Chủ các người, đấng giải thoát các người khỏi ách nô lệ.” (Xuất Hành 7:9)

Hãy nghe lại lời tiên tri Amos cho bài đọc thứ nhất cho Chúa Nhật hôm nay và nghe tiếng khóc thảm thương của Thiên Chúa cho con dân khốn khổ trước sự giam tham và tước đoạt của giới cầm quyền giàu có: “Hãy nghe đây, các ngươi chà đạp kẻ khốn cùng và tiêu diệt người nghèo trên đất nước. Các người tính toán: ‘Bao giờ thì hết ngày trăng mới cho ta bán thóc? Bao giờ đến ngày Sabbat để ta mở kho? Để ta đong lúa bằng thúng lủng, tăng thêm sức nặng quả cân lường gạt. Như thế ta sẽ dùng bạc để mua người nghèo; mua một người khốn cùng với giá một đôi dép; và bán luôn cả lúa lép thải đi.’ Đức Chúa chỉ vào mặt kiêu hãnh của nhà Giacóp và thề: ‘Ta sẽ không quên việc chúng đã làm.” (Amos 8:4-7)

Sự gian tham và lừa đảo đã đạt đến tầm mức quốc tế với cuộc chiến thương mại, và câu hỏi vẫn là: ai là Minh Chủ Võ Lâm? Mỹ hay Trung Quốc? Từ xa xưa Chúa Giêsu đã biết chuyện ăn gian trên giấy tờ, trên hợp đồng (Luca 16:1-13), những bẩy nợ mà bây giờ có thể mua cả một quốc gia; tiền bạc không còn là những miếng bạc miếng vàng hay những tờ giấy xanh đỏ, mà ta gọi là tiền tệ, mà đã trở thành những con số chứng khoáng; không những thế thị trường thế giới còn có những nguồn tiền ảo (Digital money/Electronic currencies). Tiền của không còn là vật cụ thể để ta cầm và nhìn và đếm. Tiền của trong thế giới hôm nay trở thành ngẩu tượng để ta chiêm ngắm, suy niệm, nhằm dấn thân hữu hiệu vào kiệu hoa mà nó hứa hẹn; nó khiến con người thông minh tinh quái và hãnh diện với khả năng lừa đảo của mình, không phải chỉ cho cá nhân, nhưng cho cả tập đoàn nhóm lợi ích, bởi lẽ một khi sự gian xảo trở nên tập đoàn thì công lý của luật pháp con người chỉ là con toán tiểu học đúng đắng, nhưng không xử trí được những thực hành chợ búa.

Quần chúng lao động, tay làm hàm nhai, vẫn luôn là nạn nhân. Họ có thể bị kẻ giàu có buôn đi bán lại, và giá của họ không hơn chi một bàn đạp cho những kẻ muốn làm minh chủ. Trong chiến tranh, họ thành biển người (human shields) và trong thương chiến, họ là lao công giá rẻ (cheap labor). Dân lao động không còn là hoa sen đẹp nhất của tháp Mười, họ đã biến thành bùn lầy để nuôi sống đám Bèo mập mạp xấu xí, mà bản chất của chúng không thể thành hoa sen.

Bước ra khỏi đất Ai Cập, dân nô lệ Do Thái không trở nên dân tự do ngay tức khắc. Họ cần phải tự bước đi trên đôi chân của mình trong sa mạc nhằm đạt đến sự tự do đích thực. Sống trên đất Hoa Kỳ không có nghĩa là thành người tự do; cùng lắm là cái gông cùm được lấy ra khỏi cổ thôi. Được bồng bế không phải là có tự do, cho đến khi ta bước đi trên đôi chân của mình. Chủ thuyết tự do cấp tiến luôn đề nghị “con bò vàng” cho dân chúng, hứa hẹn nhiều trong thẻ tín dụng, để sống trong ảo tưởng mà trong đó nhiều người vướng vào bẩy nợ: tiêu tiền mình không có, mua những thứ mình không cần, để tạo ấn tượng cho những người mình không thích. Tự do ta không có bao nhiêu; cái ta có là bảo hiểm, và ta phải trả cái giá bảo hiểm mà ta không xác định hay quyết định được về ta; và ta phải nói láo theo yêu cầu của công ty bảo hiểm khi có sự xung đột trên đường đời.

Sống giữa lòng thế giới này, giữa những con cái của thế gian, bạn có biết mình là con cái của ai không? Đức Giêsu Kitô không hề khiển trách bạn vì đồng tiền bạn phải kiếm mỗi ngày để sống. Ngài chỉ muốn chúng ta chọn Thiên Chúa làm Minh Chủ trong lòng mình, mặc dù sẽ rất thiệt thòi, và lắm khi bất công cho bạn. Con cái sự sáng có thể bị chà đạp bởi con cái thế gian, nhưng con cái sự sáng không bao giờ chà đạp người cùng khổ; và công lý không thể được thiết lập như lòng ta mơ ước cho đến khi Con Người lại đến trong vinh quang của Cha Ngài.

Tác giả: Lm Peter Trương Văn Thường HT74

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập825
  • Hôm nay91,229
  • Tháng hiện tại1,003,493
  • Tổng lượt truy cập57,105,130
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây