PGS Nguyễn Văn Huy: Không nước nào hăm hở làm “Gia đình văn hóa" như ta!

Thứ hai - 08/04/2013 09:57

-

-
Thực chất, gia đình văn hóa chỉ là danh hiệu “chết”. Người dân khi ký cam kết gia đình văn hóa ở các tổ dân phố hay các xã phường đa phần theo kiểu, bảo ký thì ký, chẳng ai đọc nên hiển nhiên là họ không hề mảy may nghĩ tới việc phải sống thế nào để có “văn hóa”. Phía quản lý dường như chỉ quan tâm làm sao phát xong cho mỗi gia đình một cái giấy chứng nhận văn hóa, vậy là yên tâm, công việc trôi chảy, hoàn thành chỉ tiêu.
PGS Nguyễn Văn Huy: Không nước nào hăm hở làm “Gia đình văn hóa" như ta!
 
PV: Mới đây, báo chí đã phát hiện nhiều điều nghịch dị: gia đình người con bỏ bố nằm ở vỉa hè nửa ngày trời ở Kim Mã cho tới trước khi xảy ra vụ việc nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa, hay hơn 90% hộ dân ở xóm Trung, ở thôn Trung, xã Tây Tựu, Từ Liêm, nơi cả xóm thờ ơ mặc côn đồ hành hung láng giềng mà vẫn toàn gia đình văn hóa. Điều này có khiến ông ngạc nhiên không và vì sao?
 
PGS Nguyễn Văn Huy: - Theo tôi, việc vận động gia đình văn hóa chỉ là hình thức, là những biểu hiện bề ngoài, một phong trào mà cách tiếp cận chỉ mang tính tuyên truyền.
 
Thực chất, gia đình văn hóa chỉ là danh hiệu “chết”. Người dân khi ký cam kết gia đình văn hóa ở các tổ dân phố hay các xã phường đa phần theo kiểu, bảo ký thì ký, chẳng ai đọc nên hiển nhiên là họ không hề mảy may nghĩ tới việc phải sống thế nào để có “văn hóa”. Phía quản lý dường như chỉ quan tâm làm sao phát xong cho mỗi gia đình một cái giấy chứng nhận văn hóa, vậy là yên tâm, công việc trôi chảy, hoàn thành chỉ tiêu. Với cách làm như vậy, không có gì phải nghi ngờ khi số lượng gia đình văn hóa tăng còn sự  vô cảm trong quan hệ gia đình, suy thoái đạo đức không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên. 
 
Xã hội của chúng ta đang trong giai đoạn khủng hoảng không những về kinh tế mà cả về các giá trị nhân văn và đạo đức trầm trọng, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều câu chuyện nghịch lý liên quan tới văn hóa không chỉ là vô cảm với xã hội.  
 
Tôi cho rằng, quan trọng nhất là phải xây dựng được một hệ thống giá trị xã hội cơ bản trong đó, nền tảng đạo đức , ứng xử tử tế giữa con người với con người được coi là cần thiết và đáng tôn trọng. Song song với đó là xây dựng kỷ cương, luật pháp, thấm nhuần và thực hiện đúng đắn nghĩa vụ của mỗi công dân. Con người có thể được rèn để ứng xử văn minh khi còn ở tuổi niên thiếu trong sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các môi trường nhà trường, gia đình và xã hội. 
 

Chạy theo phong trào gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xã văn hóa.
 
Nhìn quanh trên thế giới, tôi không thấy nước nào hăm hở xây dựng gia đình văn hóa theo kiểu phong trào như Việt Nam. Thay vào đó, người ta xây dựng nền tảng xã hội từ trong trường học, trong cộng đồng, trong sinh hoạt tập thể, lấy vấn đề xây dựng đạo đức, tôn trọng pháp luật làm cơ sở, tạo ra một xã hội công dân.
 
PV: - Theo tiêu chí năm 2002 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch), để được công nhận gia đình văn hóa phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tìm gia đình “không văn hóa” còn khó hơn gia đình văn hóa. Thực trạng này phải được hiểu thế nào cho đúng và căn nguyên của nó là gì, thưa ông?
 
PGS Nguyễn Văn Huy: - Ngay từ đầu, những tiêu chí đưa ra đã bị nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa phản đối vì hoàn toàn vô nghĩa. Một gia đình hướng tới xây dựng một nếp sống văn minh chắc chắn sẽ phù hợp hơn gắng sức trở thành gia đình văn hóa. 
 
Văn hóa là nền tảng của xã hội, kế thừa, tiếp nối từ đời này qua đời khác. Ví dụ, trong một gia đình, việc thờ cúng tổ tiên hay duy trì gia phong luôn luôn được tự giác duy trì. Các gia đình muốn tồn tại đều dựa trên nền tảng văn hóa từ cha ông, dựa trên khuôn mẫu văn hóa được thế hệ trước trao truyền một cách tự nhiên. Cho nên chắc chắn không có gia đình không văn hóa. Theo tôi tên gọi của phong trào không chính xác, không thỏa đáng.
 
Các tiêu chí đánh giá quá nhiều, quá rộng và quá chung chung, quá chính trị rất khó phân định. Thực tế các tiêu chí đó rất khó vận dụng, cũng không được nhiều người quan tâm, để mắt tới. Và vì thế, cuộc vận động gia đình văn hóa biến thành cuộc chạy đua theo chỉ tiêu, thành tích. Vấn đề ấy người ta đều thấy nhưng không ai nói ra và tìm cách khắc phục mà cứ duy trì cách làm này cho đến hiện nay. Tôi xin nhắc lại, tốt nhất nên xây dựng nền tảng gia đình văn minh trong khuôn mẫu của gia đình Việt Nam.
 
PV: - Ông đánh giá thế nào về một xã hội mà đầu độc đồng loại bằng thực phẩm bẩn, vô cảm, thờ ơ không cứu giúp người bị nạn, bất kính bất hiếu với cha mẹ vì lợi ích vật chất… vẫn có thể tồn tại song song và ngang cấp cùng với văn hóa (gia đình văn hóa)? 
 
PGS Nguyễn Văn Huy:- Bản chất phong trào đó là hoàn toàn mang tính hình thức. Và hiện tại, chính xã hội đang gánh hậu quả của sự hình thức, giả tạo ấy. 
 
Là người làm văn hóa tôi không thể chấp nhận được cách làm đó: in hàng loạt tiêu chí, rồi phát cho các gia đình kí cam kết rồi nhận giấy chứng nhận. Cách làm quá cũ, sáo mòn. Cứ nhìn lại xem, xã hội bây giờ có khác gì thời kì cách đây 35 - 40 năm không? Xã hội thì thay đổi mà phương cách thì vẫn cũ như thế thì hiệu quả sẽ thế nào. 
 
Tôi có cảm nhận phong trào đó xa rời xã hội, không phải là không khí để xã hội thở, không phải là cái chất để người dân sống. Người dân quan tâm đến những vấn đề khác cơ như công ăn việc làm, quan tâm chăm sóc con cái, chứ không phải là mấy tiêu chí gia đình văn hóa đó. 
 
PV: - Vẫn theo đuổi danh hiệu gia đình văn hóa trong bối cảnh xã hội như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, bệnh thành tích đồng thuận với sự giả dối. Ông nghĩ sao về ý kiến trên? Quan điểm của ông như thế nào??
 
PGS Nguyễn Văn Huy : - Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm theo đuổi danh hiệu gia đình văn hóa chỉ là bệnh thành tích. Như tôi đã nhận xét từ đầu, phong trào này sai từ quan niệm đến cách tiếp cận quá cũ và quá hình thức. Phong trào này không đi vào lòng người.
 
Vì chạy theo những chỉ tiêu được các cơ quan cấp trên đề ra hàng năm, bắt buộc phải đạt được, nên danh hiệu trở thành vô nghĩa. Thử hỏi có mấy gia đình trong thành phố treo những bằng được công nhận là gia đình văn hóa được trao tặng. Quá phí phạm tiền của và công sức để in và phát những tấm bằng này. May ra ở nông thôn xa xôi hẻo lánh không có gì để treo cho đỡ trống tường nên họ mới dán lên.
 
PV: - Nếu phải so sánh, giả dối trong giáo dục với giả dối trong văn hóa, theo ông, điều nào sẽ để lại mối nguy hại lớn hơn? Để chấm dứt được vấn nạn này, chúng ta phải làm gì, thưa ông?
 
PGS Nguyễn Văn Huy: - Thực chất, giả dối trong giáo dục hay giả dối trong văn hóa đều nguy hiểm, khó có thể nói cái nào nguy hiểm hơn. 
 
Giáo dục là đào tạo nhân cách của một con người, còn văn hóa là nền tảng, là gốc của xã hội. Thực ra mà nói, gia đình có danh xưng văn hóa hay không văn hóa cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự phát triển xã hội. Nhưng cái nguy hại ở đây là danh xưng đó tạo cho người ta ý thức về sự giả dối, về bệnh thành tích được xã hội hiển nhiên chấp nhận ngay từ trong môi trường gia đình.
 
Muốn chấm dứt vấn nạn này, phải thay đổi quan điểm của các cấp lãnh đạo, quản lý, đừng chỉ nhìn thấy khi tổng kết thì hay, còn hiện thực hoàn toàn giả dối thì làm ngơ. Xã hội cần sự nói thật. Theo tôi, nên bỏ hẳn cái danh hiệu gia đình văn hóa. Phong trào này kéo dài quá, nói dối quá nhiều, chỉ gây tốn kém cho công quỹ của nhà nước và tạo ra tâm lý vô cảm đối với những gì mà người ta cảm thấy vô nghĩa. 
 
Thanh Huyền (thực hiện)

Tác giả: Thanh Huyền (thực hiện)

Nguồn tin: Đất Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập375
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm374
  • Hôm nay39,143
  • Tháng hiện tại1,157,687
  • Tổng lượt truy cập58,443,556
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây