Tình yêu và sự sống của Bí tích Thánh Thể trong Giáo hội và trên Thế giới

Thứ ba - 24/10/2023 05:12
Xuyên qua cuộc đời và gương chứng tá anh dũng của Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta nhìn thấy sự hiện diện liên tục của Chúa Giêsu Thánh Thể đã chiếu toả tình yêu trên mọi người: cho dù là bạn hữu và kẻ thù, các tù nhân Công Giáo hay là lương dân, bạn tù hay là công an Cộng Sản.
 
hy thuan thanh the
 
TÌNH YÊU VÀ SỰ SỐNG CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ TRONG GIÁO HỘI VÀ TRÊN THẾ GIỚI XUYÊN QUA LĂNG KÍNH ĐỜI SỐNG CHỨNG TÁ ANH DŨNG CỦA ĐẤNG ĐÁNG KÍNH ĐỨC HỒNG Y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN

(Nhân Lễ Giỗ lần thứ 21 của Đấng Đáng Kính – Ngày 16 tháng 9 năm 2002-2023)

MỘT HIỆN THỰC

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 21 ngày Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua đời để Về Nhà Cha, chúng ta cùng nhau ngược dòng thời gian, đi tìm lại cho chính mình một cảm nghiệm, xuyên qua lăng kính đời sống và các gương chứng tá anh dũng của Ngài, trong nhịp sống của Giáo Hội và trên thế giới hôm nay. Chúng ta xem đây là một cơ hội để canh tân lại, góp một phần nhỏ trong việc Phục Hưng Thánh Thể, trong tâm hồn của từng người Kitô Hữu. Khi noi gương và học hỏi đời sống của Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã sống – đã trải nghiệm – đã dạy dỗ - đã làm chứng, chúng ta cũng có thể để sức mạnh của Tình Yêu Thiên Chúa, hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, giúp chúng ta tiếp tục sống như là chứng nhân cho Sự Sống Thật – Sự Sống Muôn Đời của nhân loại đang sống trên thế giới và đang chịu cảnh tàn phá. Thật vậy,“Giáo Hội ngày nay cần những chứng nhân hơn là cần thầy dạy” (Công Đồng Vatican II/ Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI). Lời kinh cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến để: “Sửa đổi mọi sự trong ngoài chúng con” lại càng cần thiết hơn cho cuộc sống hôm nay.

Trong tinh thần sống với Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spe), qua Tình Yêu và Sự Hiện Diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta không ngần ngại để xác định: con người nhân loại trên thế giới đang quằn quại, đang chết dần chết mòn. Nhưng, mặt khác, nhân loại cũng đang nỗ lực, để trở mình - để sống lại bằng sức mạnh của Bí Tích Kỳ Diệu – của Tình Yêu và Sự Sống của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội đã trải qua và chịu đựng nhiều gương mù, nhiều chia rẽ, nhiều vết thương với rất nhiều nghi ngờ. Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cũng đã thổn thức: Tại sao có những khủng hoảng trong Giáo Hội?Thưa: Chỉ vì người ta không còn chú trọng đến việc cầu nguyện nữa (Đường Hy Vọng #134).

Trong Thư Luân Lưu Mục Vụ, Lời Giáo Huấn Của Chủ Chăn, Thư Thứ Nhất, Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện, ký vào ngày Lễ Kính Thánh Giuse, năm 1968, Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh: “Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy khó khăn, đầy thử thách cho đức tin, đầy cám dỗ theo tiền tài, nhục dục, danh vọng, một xã hội thối nát, bất ổn, hiểm thù, chán nản …” (trang 7).

Trong Thư Thứ Sáu, ký ngày 31-5-1973, ngài gióng lên tiếng chuông thứ hai: “Tinh thần tục hoá: suy luận theo thế gian, chỉ dùng lý trí mà không tin gì là mầu nhiệm; chỉ chấp nhận những gì là hợp lý, vừa ý mình; chỉ hành động theo sự khôn ngoan thế gian; không thể hiểu được sự khiêm nhường, vâng lời, hy sinh; không thể hiểu được sự “điên dại của Thánh Giá Chúa” … Bỏ những giá trị thiêng liêng và tinh thần, tìm lẽ sống ở bạc tiền, thế lực và khoái lạc … Một thế giới như thế mà càng tiến bộ chừng nào thì càng đầy đủ phương thế để tự huỷ diệt tinh thần cũng như vật chất một cách khủng khiếp chừng ấy … (trang 149).

MỘT KINH NGHIỆM

Trong tập sách Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá, chương 4 với tựa đề Chiếc bánh thứ tư: sức mạnh duy nhất của tôi, Thánh Thể, Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhớ lại cách thức ngài đã sáng tạo để có thể cử hành Thánh Lễ trong tù, truyền phép trong lòng bàn tay với ba giọt rượu nho, thuốc chữa bịnh dạ dày”, một giọt nước cùng chiếc bánh nhỏ bánh thánh giấu trong một lọ chống ẩm. Ngài đã để lại cho Giáo Hội và cho Thế Giới một linh đạo Thánh Thể quý giá, hoa trái của một kinh nghiệm thẳm sâu và bí nhiệm từ nơi lao tù. Khi đối diện với thực tế, dám can đảm vui sống và trải nghiệm điều Công Đồng dạy trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Gaudium et Spes, số 38, Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc nhở chúng ta rằng:Chúa đã để lại cho những kẻ thuộc về Người bảo chứng cậy trông và lương thực đi đường trong bí tích đức tin; trong bí tích ấy, những yếu tố thế trần, kết quả của lao công con người, được biến thành Mình và Máu vinh hiển, nên bữa ăn hiệp thông huynh đệ và nếm hưởng trước bữa tiệc trên trời”.

Suy niệm về “Bữa Tiệc Trên Trời”, Tiệc Tình Yêu Thánh Thể, Thánh Lễ ở ngay trong đời này, giữa biển đời, có những sóng to gió lớn, con thuyền Giáo Hội ngả nghiêng, chiến đấu với những tấn công từ những đợt sóng tục hoá bủa vây và gầm thét, thì Chúa Giêsu vẫn hiện diện với Giáo Hội trong Thế Giới như thuở xưa ở biển hồ Galilêa (Matthêu 14: 22-33). Chúa hiện diện để nhắc nhở chúng ta rằng Ngài còn mạnh mẽ hơn cả bão táp. Chúa Giêsu muốn chữa lành, đổi mới, để cùng hiệp nhất Giáo Hội và thế giới. Với sự hiện diện của Chúa Giêsu, Ngài hiệp nhất chúng ta trong chính Ngài, là nguồn mạch và tột đỉnh của đức tin của Giáo Hội trong việc cử hành và sống Tích Thánh Thể. thế, chúng ta có thể hiểu được rằng Chúa Giêsu ước ao hiện diện để canh tân Hội thánh bằng cách khơi dậy một mối liên hệ sống động giữa con người với Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Trong một cách thế tuyệt vời, Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận mời gọi chúng ta khám phá lại chiều kích trung tâm của Thánh Thể trong đời sống Giáo Hội Lữ Hành, sự hiện diện của Đức Chúa Giêsu Khổ Nạn và Phục Sinh, ĐấngEmmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, cho đến ngày tận thế.

Có một xác tín nói về sự Thiên Chúa tỏ mình ra để rồi dẫn chúng ta đến một niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể một cách trưởng thành hơn. Trong một buổi diễn thuyết cho các sinh viên tại trường đại học Princeton, Hoa Kỳ, một sinh viên hỏi nhà thần học Karl Barth: Thưa ngài, ngài có tin rằng Thiên Chúa cũng tỏ mình ra trong các tôn giáo khác nữa, chứ không phải chỉ trong Kitô Giáo không mà thôi? Nhà thần học Karl Barth vẫn nhẹ nhàng trả lời rằng: “Không. Thiên Chúa không hề tỏ mình ra trong bất kỳ tôn giáo nào, kể cả Kitô giáo. Thiên Chúa đã bày tỏ chính Ngài trong Con của Ngài”. Thật vậy. Có rất nhiều tôn giáo trên thế giới hôm nay nhưng chỉ có một Con Thiên Chúa, là Lời Hằng Sống, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống cho nhân loại.

Thánh Augustinô, trong Tự Thuật X, chương 27, Phần 38, cũng đã thú nhận: “Con đã yêu Chúa quá muộn màng … Con đã lăn xả vào những thụ tạo xinh đẹp Chúa đã dựng nên … Chúa đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù loà của con … Chúa đã toả mùi thơm của Chúa ra. Con được hít lấy và say mê Chúa. Con đã được nếm Chúa và đâm ra đói khát Chúa. Chúa đã chạm tới con và con ước ao sự bình an của Chúa”.

Trong một cách thế tuyệt vời, Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã diễn tả tâm tình của mình như sau: Tôi sẽ không bao giờ diễn tả hết niềm hân hoan vui sướng của tôi lúc bấy giờ! Và như thế, mỗi ngày với ba giọt rượu, một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi đã dâng Thánh Lễ. Ngài kể tiếp: (Bắt đầu trích dẫn)Những người Công Giáo trong nhóm 50 tù nhân chúng tôi cố gắng ở gần nhau. Chúng tôi trải kề nhau những tấm ván gỗ rộng 20 inches đã được phát để dùng làm giường. Chúng tôi ngủ sát cạnh nhau hầu ban đêm có thể cùng nhau cầu nguyện. Mỗi tối, vào khoảng 9 giờ rưỡi, khi chuông báo hiệu tắt đèn, tất cả mọi người phải vào giường. Tôi cúi phục xuống tấm ván gỗ và dâng Thánh Lễ, dĩ nhiên là đọc thuộc lòng, và cho các người bạn láng giềng của tôi rước Mình Thánh Chúa, xuyên qua chiếc màn che muỗi của họ. Chúng tôi đã dùng bao giấy thuốc lá để bao che Mình Thánh Chúa. Hằng tuần có một buổi học tập chính trị mà tất cả 250 tù nhân chúng tôi phải tham dự. Vào giờ nghỉ giải lao, chúng tôi có thể hút một điếu thuốc hoặc nói chuyện gẫu. Các anh em Công Giáo của tôi lợi dụng cơ hội này để chuyền Mình Thánh Chúa đến anh em các nhóm khác. Chúa Giêsu Kitô đã âm thầm hoạt động, chữa khỏi những khổ đau vật chất lẫn tinh thần. Nhiều người trước kia đã mất Đức Tin nay trở về cùng Chúa trong những ngày tháng đó. Ban đêm, các anh em tù nhân thay phiên nhau chầu Thánh Thể. Mình Thánh Chúa giúp ích vô cùng. Ngay cả những người Phật Giáo và những người chưa tin Chúa đã được ơn trở lại. Sức mạnh vào tình thương của Chúa Giêsu không cưỡng lại được. Bóng tối của lao tù trở thành ánh sáng, hạt giống âm thầm nảy mầm trong bão táp. Tôi đã trải qua chín năm biệt giam. Trong thời gian đó, mỗi ngày cứ vào lúc 3 giờ chiều, giờ Chúa tử nạn trên thập gía, thì tôi dâng Thánh Lễ. Lúc đó chỉ có một mình tôi và tôi có thể hát và ngợi khen Thiên Chúa, bằng tiếng La-tinh, tiếng Pháp hay tiếng Việt, tùy theo ý muốn. Tôi luôn mang theo với tôi chiếc bao nhỏ chứa đựng Chúa Giêsu trong Mình Thánh, luôn Có Chúa ở trong tôi và tôi ở trong Chúa.

Đó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi. Trong giờ chầu từ 9 đến 10 giờ tối, tôi hát các bài Lauda Sion, Misérere, Te Deum. Mặc dầu các loa phóng thanh không ngừng gào thét từ suốt 5 giờ sáng cho đến 11 giờ ruỡi đêm mỗi ngày, tôi vẫn cảm thấy một sự bình an trong tâm hồn và một niềm vui có Chúa Giêsu và Đức Mẹ ở cùng tôi. Tôi hát bài Salve Regina và bài Salve Mater và hiệp nhất thành một cùng với Giáo Hội hoàn vũ. Từ xà lim của tôi, tôi có thể nhìn thấy tất cả Giáo Hội - không còn ranh giới ngăn cách; và trước những loạt chỉ trích hung dữ và vu cáo chống lại Giáo Hội, tôi hát lên bài Tu es Pétrus - Con là Đá và trên viên Đá này Ta sẽ xây Giáo Hội của Ta. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể an ủi và liên kết chúng tôi với nhau, nuôi sống và biến chúng tôi thành những người lữ hành trên đường đi Emmau (Ngừng trích dẫn).


MỘT QUYẾT TÂM


Đọc lại những lời trên đây, xuyên qua những chứng từ và những bài viết của Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta cũng có thể nói rằng Ngài đã để lại cho Giáo Hội và cho Thế Giới một linh đạo Thánh Thể quý giá, là hoa trái của một kinh nghiệm thẳm sâu và nhiệm bí từ nơi lao tù với tinh thần tự huỷ trọn vẹn, kenosis, (sự vâng lời tuyệt đối của Đức Kitô). Khi lấy Bí Tích Thánh Thể làm trung tâm điểm để rồi cùng với mọi chiều kích hy tế, ngài đã sống trọn vẹn với căn tính hiệp thông, hiện diện và tôn kính thờ lạy của Bí Tích Thánh Thể.

Xuyên qua cuộc đời và gương chứng tá anh dũng của Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta nhìn thấy sự hiện diện liên tục của Chúa Giêsu Thánh Thể đã chiếu toả tình yêu trên mọi người: cho dù là bạn hữu và kẻ thù, các tù nhân Công Giáo hay là lương dân, bạn tù hay là công an Cộng Sản. Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu tuyệt vời của Đức Giêsu kết hợp chúng ta với Ngài và với tất cả anh chị em, bí tích của sự Hiệp Nhất trong Đức Giêsu Kitô. Chứng tá của Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận của Giáo Hội rất trổi vượt và rất can trường. Sự trở nên “đồng hình đồng dạng”, “nên một” với Chúa Giêsu Thánh Thể mà Đấng Đáng Kính luôn mang theo mình, hằng ban cho ngài nghị lực của môt tình yêu phi thường đối với kẻ thù. Quyết tâm này thường đưa đến việc biến họ từ kẻ thù trở thành bạn hữu. Đó là một sự chọn lựa rất tự do và bình an để ngài sống và thực hành Mầu Nhiệm Thánh Thể khi ngài xác định: Tôi đã quyết tâm yêu thương họ.

Viết đến đây, tôi nhớ lại lời chia sẻ, tâm sự, vị linh mục linh hướng của tôi, Cha Roger Mollison, cho những năm đầu tiên đời sống linh mục của tôi. Sau này, khi ngài bị mắc phải căn bịnh “mất trí nhớ” nhưng Cha vẫn còn nhớ rõ ý nghĩa sống Thánh Thể và luôn nói với tôi: Cha biết đấy! Mình là linh mục. Khi mình dâng lễ thì mình là linh mục; Chúa Giêsu là của lễ được dâng hiến. Trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu đã trở nên tấm bánh bị bẻ ra, chịu nghiền nát, bị ăn bởi chúng ta để cho chúng ta được sống … Sau thánh lễ, chúng ta đem Chúa Giêsu về nơi ta cư ngụ, trở về với bổn phận, với công việc mưu sinh, những trách nhiệm hằng ngày … Lúc đó, trong Thánh Lễ đời mình, Chúa Giêsu sẽ là linh mục dâng lễ; chúng ta được kêu gọi trở thành của lễ, bánh và rượu, được bẻ ra, được chia sẻ, chúng ta được kêu gọi hiến thân để cho người khác (người thân, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, hàng xóm láng giềng, người làm việc với hoặc sống cùng … là bạn hữu hay kẻ thù, tội nhân hay thánh nhân … ăn mình – uống mình - để họ được sống như chúng ta được sống nhờ Chúa Giêsu Thánh Thể.

Rất nhiều người Công Giáo tự đặt câu hỏi: chúng ta tham dự Thánh Lễ và rước Thánh Thể thường xuyên mà tại sao không thấy con người mình thay đổi – không trở nên giống Chúa mỗi ngày mỗi hơn? Có lẽ, phần lớn chúng ta tham dự Thánh Lễ, vì bị bắt buộc hay vì thói quen mà không thật sự ý thức về sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể như thế nào. Chúng ta hãy cùng lắng đọng tâm hồn, lắng nghe lời “trần tình”, “lời nguyện” của Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận như là lời mời gọi, gởi đến từng người chúng ta như là một câu trả lời: … Đã có lần con dâng lễ với dĩa thánh và chén thánh nạm vàng, giờ đây Máu của Ngài nằm trong chính trong lòng bàn tay conĐã có lần con đi chu du khắp thế giới để tham dự các hội nghị gặp gỡ, giờ đây con bị giam nhốt trong xà lim chật chội không một cửa sổĐã có lần con đến viếng chầu Ngài nơi Nhà Tạm, giờ đây con mang Ngài ngày đêm trong túi áo của con. Đã có lần con cử hành Thánh Lễ trước cả hàng ngàn tín hữu, giờ đây con rước lễ dưới bóng đêm âm thầm trong chiếc mùng ngủ của conĐã có lần con chủ sự chầu Thánh Thể trọng thể nơi nhà thờ Chánh Toà, giờ đây con chầu Thánh Thể mỗi đêm vào lúc 21 giờ, trong thinh lặng, hát thầm kinh Tantum Ergo, Salve Regina, và kết thúc bằng lời nguyện này:Lạy Chúa, bây giờ con vui lòng chấp nhận mọi thứ từ tay Ngài: Tất cả mọi muộn phiền, tất cả mọi khổ đau, lo âu, ngay cả cái chết của con. Amen.

Lời kết, xin mượn lời của Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhắn nhủ cho chúng ta: “Hãy tin vào một quyền lực: đó là Phép Thánh Thể, Mình và Máu Thánh Chúa làm cho bạn sống như lời Chúa Giêsu đã xác định: “Ta đến để chúng được sống và được sống dồi dào sung mãn” (Gioan 10:10). Như mana đã nuôi dân Israel trên đường về Đất Hứa, Phép Thánh Thể cũng nuôi các bạn tiến bước trên con Đường Hy Vọng.

Đức Ông Phêrô Nguyễn Quang HT72
TGP Denver, CO

Tác giả: Đức Ông Phêrô Nguyễn Quang HT72

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập412
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm410
  • Hôm nay124,486
  • Tháng hiện tại1,835,903
  • Tổng lượt truy cập59,121,772
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây