Mặt Nạ.

Thứ hai - 29/10/2012 10:19

-

-
Nhân ngày Halloween sắp tới, tôi xin kể hầu bạn “ma nói chuyện” có nội dung như sau để chúng ta cùng suy ngẫm: “Có người sợ hùm, beo, rắn rít,…có người sợ những chuyện vu vơ, hão huyền như ma, quỉ… Nhưng bạn phải công nhận với tôi: “Người là loài tàn bạo hạng nhất trong các loài tàn bạo”.
MẶT NẠ
 
Nhân ngày Halloween sắp tới, tôi xin kể hầu bạn “ma nói chuyện” có nội dung như sau để chúng ta cùng suy ngẫm: “Có người sợ hùm, beo, rắn rít,…có người sợ những chuyện vu vơ, hão huyền như ma, quỉ… Nhưng bạn phải công nhận với tôi: “Người là loài tàn bạo hạng nhất trong các loài tàn bạo”. Bao nhiêu những sự phiền nhiễu, khổ nhục, hãm hại, giết chóc lẫn nhau chẳng phải tự người sinh ra để hại người cả sao!. Có người trốn tránh quân thù nghịch, đi ẩn núp ở chỗ núi thẳm, hang cùng.
 
 
Một đêm gió mát, trăng trong, người ấy bỗng thấy một con ma vẩn vơ quanh quẩn ở dưới cây dương liễu, sợ quá, cứ nằm phục xuống, không dám trở dậy.
 
Con ma thấy thế, lại tận nơi, bảo: “Sao không ra đây mà chơi?”.
 
Người kia run cầm cập mà trả lời:
 
- Thưa ông, con sợ ông lắm”.
 
Con ma nói: - Sao mà gàn thế! Việc chi mà sợ! Kẻ mà đáng sợ thì chỉ có giống người là đáng sợ hơn cả mà thôi. Bác thử nghĩ xem. Ai làm cho bác đến nỗi điên bái cơ cực như thế này, người hay ma?
 
Ma nói xong, cười một hồi rồi biến mất”.
 
Tôi cũng đã từng nghiên cứu về khoa Chiêm Tinh và Tâm Lý Học rất nhiều, nhưng ít khi coi tướng cho ai, mặc dầu có rất nhiều người nhờ vả đến tôi. Mở đầu bài viết này, tôi xin gửi đến bạn ba cốt truyện “Thuật xem tướng”, “cách biết lòng người” và “Hai cái bị của người đời” của cổ nhân để tất cả anh chị em của chúng ta suy ngẫm:
 
1. Thuật xem tướng:
 
“Nước Kinh có người xem tướng giỏi, nói câu nào trúng câu ấy. Trong nước xa gần đâu cũng biết tiếng.
 
Vua Trang Vương thấy thế, vời lại hỏi:
 
- Nhà ngươi dùng thuật gì mà xem tướng giỏi như thế?
 
Người xem tướng thưa rằng:
 
- Thần không có thuật gì lạ cả. Thần chỉ xem bạn người ta mà biết được người ta hay, hay dở. Như thần xem cho thường dân, mà thấy chơi với những người bạn hiếu, để, thuần, cẩn biết giữ phép nước, thì thần đoán người dân ấy là người hay, thân tất một ngày một vẻ vang, nhà tất một ngày một thịnh vượng.
 
Như thần xem cho quan lại mà thấy chơi với những người bạn thành, tín, có phẩm hạnh, thích điều phải, thì thần đoán cho ông quan ấy là người tốt, làm quan tất mỗi ngày một cao thăng, giúp vua tất mỗi ngày một ích lợi.
 
Như thần xem cho vua chúa, mà thấy quan gần có lắm người hiền, quan xa có lắm người trung, lúc có lỗi, nhiều người can ngăn, thì thần đoán là ông vua giỏi, vua tất mỗi ngày một tôn trọng, nước tất mỗi ngày một trì yên, thiên hạ tất mỗi ngày một quí phục…Thần quả không có thuật gì lạ, chỉ xem người mà biết được người hay, hay dở.
 
Vua Trang Vương cho nói là phải. Bây giờ kíp thu dùng những người tài giỏi, sau nước Sở thành cường thịnh nhất đời Chiến quốc”.
 
2. Cách biết lòng người:
 
Lòng người ta nham hiểm hơn núi sông, khó biết hơn là biết trời.
 
Trời thì hàng năm còn có xuân, hạ, thu, đông, hàng ngày còn có buổi sáng, buổi tối, ta do đấy mà biết được.
 
Đến như người ta thì có kẻ ngoài rõ như cẩn hậu (cẩn thận trung hậu) mà trong thật kiêu căng, có kẻ trông rõ thật tài giỏi mà ngoài trông ra ngu độn, có kẻ ngoài rõ như vững vàng, thư thái mà trong cuống rối nóng nảy. Tâm tính bên trong, diện mạo bên ngoài trái nhau khó lường như thế.
 
Cho nên quân tử dùng người cho ở xa để xem lòng trung, cho ở gần để xem lòng kính, sai làm nhiều việc để xem cai tài, hỏi lúc vội vàng để xem cái trí, hẹn cho ngặt ngày để xem có tín, ủy cho tiền của để xem có nhân, giao cho việc nguy biến để xem có tiết, cho đánh chén say sưa để xem cử chỉ, cho ở chỗ phiền tạp để xem thần sắc. Xem người đại khái như vậy, thì họa mới có thể biết được người.
 
Trong hai câu chuyện trên, bạn thấy không? Người ta chỉ cách nhau một làn da, mà ai đã chắc biết được ai! Sông còn dò, núi còn đo được, vì nó hiển hiện ra ngoài, chớ lòng người ẩn phục bên trong, lấy gì mà cân nhắc, lấy gì mà lường xét. Cho nên ta chỉ trông thấy bề ngoài, thì ta chớ đã vội tin bên trong. Ta phải để tâm nhận cho kỹ; ta phải biết cách xem cho tường.
 
3. Hai cái bị của người đời:
 
- Thưa thầy, tôi không phải là người theo đạo Phật. Xin thầy chỉ dẫn cho phương pháp tu tập.
 
- Quý vị muốn phương pháp tu tập với mục đích gì và tại sao lại chọn chúng tôi để đặt câu hỏi?
 
- Tôi thấy cuộc đời này sao mà khổ quá, như tôi đây cũng có trình độ học thức, có công ăn việc làm tốt, gia cảnh đầm ấm, nhưng vẫn thấy khổ tâm nhiều chuyện, nhiều lúc cảm thấy bất an đến độ ăn không ngon ngủ không yên, nhiều điều lo lắng, bực mình lắm! Tôi muốn được an tâm nên đi tìm phương pháp tu tập để thoát khỏi. Tôi chọn quý thầy để đặt câu hỏi, bởi tôi thường nhận các điện thư (emails) do các bạn bè chuyển tới, với các bài viết  tuy mang hình thức Phật giáo, nhưng nội dung hay quá. Các bạn của tôi thấy có ích lợi nên chuyển cho tôi, mặc dầu tôi không phải theo đạo Phật.
 
- Trên đời này, người nào không có tâm cố chấp, không có tâm phân biệt, không mang nặng hình thức thế gian thì người đó sống đời an lạc với hạnh phúc xuất thế gian.
 
- Kính xin Thầy giảng rõ hơn.
 
- Người đời thường mang hai cái đãy (cái bị). Một cái trước ngực chứa đầy lỗi lầm của người khác. Một cái sau lưng chứa đầy lỗi lầm của chính bản thân. Do đó, người đời thường bực bội, bất an trước các lỗi lầm quá dễ thấy của người khác. Trái lại, với các lỗi lầm của chính bản thân, người đời thường che giấu, không muốn ai thấy, chính mình cũng không thừa nhận, không nhận ra, cho nên khó khá được, cho nên khổ dài dài. Muốn hết khổ, muốn bớt khổ, người đời- dù theo tôn giáo nào- nên đổi vị trí của hai cái bị nói trên.
 
Khi nhận thấy chính bản thân cũng có quá nhiều khuyết điểm, nhược điểm, người đời chắc chắn không còn dám cất cao giọng chỉ trích nhục mạ người khác, cũng như không còn chỉ trích tôn giáo, tín ngưỡng của người khác đang theo.
 
- Kính cảm tạ lời chỉ giáo của Thầy. Thực hay quá. Nhưng riêng tôi, tôi không muốn đổi vị trí của hai cái bị đó thì sao, thưa Thầy?
 
- À, quý vị không muốn đổi vị trí của hai cái bị,  thì quí vị đổi nội dung của chúng cũng được mà.
 
- Tôi chưa hiểu rõ ý của Thầy.
 
- Nếu quí vị vẫn giữ vị trí của hai cái bị: cái bị trước ngực quí vị đựng toàn là ưu điểm của người khác. Cái bị sau lưng quí vị chứa đựng toàn là ưu điểm của bản thân.
 
- Tôi vẫn chưa tỏ tường.
 
- À, khi đó quí vị sẽ thấy ưu điểm của người khác quá nhiều, lắm khi vượt trội hơn mình, mình thật ra chẳng bằng nhiều người lắm. Từ đó, mình bớt đi phê phán, phỉ báng người khác. Hãy thu mình lại, quan sát chính bản thân, mình sẽ được bình an ngay.
 
- Thực là quí hóa, tôi hiểu rồi. Kính chúc Thầy tâm luôn bình an. Kính cảm tạ.
 
Trong những buổi tiệc tùng bạn thử xem từng mỗi cá nhân, bạn sẽ thấy từng mỗi cá nhân đều có những cá tính riêng biệt không ai giống ai cả. Bước tiên khởi để sống hòa đồng với họ bạn phải tạo ra thói quen tìm kiếm những đức tính dễ thương của họ. Nếu bạn nhìn, bạn sẽ nhận thấy ngay.
 
Một trong những nhân vật của đại văn hào Nga, ông Dostoevski, đã nói rằng: “Yêu thương con người bạn phải bịt mũi và nhắm mắt lại, nhưng bạn PHẢI yêu thương họ”. Thi hào Nguyễn Bính của Việt Nam cũng đã kinh qua nghệ thuật làm bạn, cuối cùng ông đã cay đắng cho tình đời qua bốn câu thơ ông dán ngay trước cửa nhà trọ:
 
Từ dạo về đây sống rất nghèo,
Bạn bè chỉ có gió trăng theo.
Những thằng bất nghĩa xin đừng đến,
Để mặc thềm ta xanh sắc rêu
”.

Tác giả: Mây Cao Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập439
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm438
  • Hôm nay147,952
  • Tháng hiện tại1,859,369
  • Tổng lượt truy cập59,145,238
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây