Năm Đức Tin: Tầm quan trọng của Bí tích Hòa giải.

Thứ hai - 07/01/2013 19:33

-

-
Chính trong chiều kích thiêng liêng nói trên mà mọi tín hữu được mời gọi cách riêng trong Năm Đức Tin này là hãy siêng năng đến với bí tích hòa giải trong tâm tình ca tụng và cảm tạ tình thương, tha thứ vô biên của Chúa và cũng để nói lên quyết tâm cải thiện đời sống thiêng liêng ...
NĂM ĐỨC TIN: TẦM QUAN TRỌNG CỦA BÍ TÍCH HÒA GIẢI

 
Bí tích hòa giải (reconciliation) là một trong các bí tích ban ơn cứu độ rất quan trọng và cần thiết mà Chúa Kitô đã trao cho các Tông Đồ trước tiên và cho Giáo Hội ngày nay cử hành để ban ơn tha thứ của Chúa cho các hối nhân còn tin tưởng nơi lòng thương xót tha thứ của Chúa.
 
Thật vậy, sau khi từ cõi chết sống lại và hiện ra với các Tông Đồ, Chúa Kitô đã nói với các ông  như sau:
 
        “Anh  em tha cho ai, thì người ấy được tha
         Anh  em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20: 23)
 
Trước khi thọ nạn thập giá, Chúa Giêsu cũng đã trao quyền tha tội cho Phêrô, sau khi môn đệ này tuyên xưng Chúa là “Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16: 16)
 
        “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên Trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Sđd : 20 : 19)
 
Trên đây là nền tảng Kinh Thánh của bí tích hòa giải mà Chúa Kitô đã thiết lập và trao cho các Tông Đồ trước khi Người về Trời.
 
Sở dĩ Chúa ban bí tích này là vì Người biết rõ con người vẫn còn yếu đuối sau khi được tái sinh qua bí tích Rửa tội. Còn yếu đuối và dễ nghiêng chiều về  sự xấu trong bản tính đã bị băng hoại vì Tội Nguyên Tổ (original sin) cộng thêm với ý muốn tự do (Free will) mà Thiên Chúa luôn  tôn trọng cho con người sử dựng, cho nên nguy cơ phạm tội còn đó. Vì thế  Chúa đã ban bí tích hòa giải để giúp con người nối lại tình thân với Chúa sau khi đã lỡ  phạm tội cá nhân vì yếu đuối và  nhất là vì ma qủi cám dỗ và gương xấu của thế gian. Bao lâu còn sống trong thân xác có ngày phải chết  này,  thì bấy lâu con người còn phải chiến đấu, hay bị giằng co giữa sự thiện và sự dữ, giữa sự tốt và sự xấu trái nghịch nhau  như ánh sáng và bóng tối. Do đó, “anh  em  hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.” (1 Pr 5 : 8-9).
 
 Đó là lời khuyên dạy của Thánh Phêrô Tông Đồ.
 
 I- Nhưng trước hết phải hiểu rõ thế nào là tội và có mấy loại tội 
 
Con người ngày nay, phần nhiều đã mất hết ý thức về tội nên đã thi nhau làm những điều tự bản chất là sai trái, là vô luân như ăn gian, nói dối, trộm cắp,  dâm đãng, ngoại tình, cờ bạc, giết người, phá thai, buôn bán ma túy, súng đạn giết người, sách báo phim ảnh dâm ô, nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghê mãi dâm, hoặc làm nô lệ tình dục cho người nước ngoài dưới chiêu bài “hôn nhân ngoại quốc” hay “lao động nước ngoài”. Nhiều tín hữu cũng mất ý thức về tội nên đã coi thường hay không muốn đi xưng tội nữa dù đã làm những việc mà thực chất là có tội.
 
Những hình thức của tội lỗi nói trên đây đã  ít nhiều  xúc phạm đến Thiên Chúa là tình thương, là công bình và thánh thiện. Do đó, khi ta làm bất cứ điều gì xúc phạm đến tình thương, sự công bình và thiện hảo  thì đã xúc phạm đến chính Thiên Chúa là hiện thân của Chân, Thiện Mỹ tuyệt đối.
 
Giáo lý Công Giáo cũng dạy rằng: “Tội lỗi chống lại tình thương của Thiên Chúa dành cho ta và khiến trái tim ta xa lìa tình yêu đó. Cũng như tội nguyên thủy, tội lỗi của ta là một sự bất phục tùng, một sự phản loạn chống lại Thiên Chúa…” (x. SGLGHCG số 1850)

Thánh Phaolô đã  liệt kê những tội con người có thể phạm như sau
 
“Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo cho mà biết như tôi đã từng bảo: những kẻ làm những điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” (Gl 5:19-21)
 
Thánh Gioan cũng quả quyết rằng: “Mọi điều bất chính trên đều là tội.” (Ga 5 : 17)
 
 II- Giáo Hội phân biệt tội thành hai loại: tội trọng và tội nhẹ
 
    1- Tội trong (mortal sin) là tội tự bản chất nó là sự dữ  như giết người, hiếp dâm, ngoại tình., tiếp tay với quân khủng bố đặt bom giết hại người khác, nhất là  chối bỏ hay lăng mạ Thiên Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, công khai chối đạo …
 
Ngoài bản chất là nghiêm trọng, tội trọng chỉ thành tội khi người ta đã biết rõ tính chất nghiêm  trọng đó mà vẫn cố tình phạm với ý muốn tự do (free will). Tội trọng phá hủy hoàn toàn đức ái và và cắt đứt mọi tình thân đối với Chúa vì đã chống lại Người cách quá nặng nề.
 
Do  đó, nếu ai chết trong khi đang mắc tội trọng mà không kịp xin tha qua bí tích hòa giải thì sẽ chiu hình phạt hỏa ngục (x. SGLGHCG số 1035).
 
   2- Tội nhẹ (Venial sin): không cắt đứt tình thân với Chúa nhưng cũng xúc phạm đến Người và làm tổn thương phần nào đức ái (x SGLGHCG số 1855).
 
Đây là giáo lý của Giáo Hội mà mọi tín hữu phải tuân thủ cho được hiệp thông với Giáo Hội trong mục đích yêu mến, tôn thờ Thiên Chúa và thực hành các giới răn của Người  hầu được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa Kitô.
 
Cũng theo giáo lý của Giáo Hội thì mọi tội nặng hay nhẹ đều có thể được tha qua bí tích hòa giải nếu  hối nhân còn tin tưởng nơi lòng thương xót tha thứ của Chúa và thật lòng ăn năn sám hối. Chỉ có một tội không thể tha được, đó là tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức chối bỏ Thiên Chúa hoàn toàn và không còn tin tưởng gì nơi lòng thương xót của Chúa nữa.
 
Liên quan đến bí tích hòa giải, không thể quan niệm rằng người tín hữu trưởng thành không cần giữ Đạo cách “cổ xưa” với việc tuân giữ luật lệ. Nếu việc tuân thủ mọi giới răn của Chúa và giáo lý của Giáo Hội là không “hợp thời” và cần thiết thì tạo sao Thiên Chúa lại ban 10 điều răn cho con người tuân giữ để được chúc phúc và tại sao Chúa Kitô đã nói với các môn đệ xưa điều này:
 
            “Nếu anh em yêu mến Thầy,
             Anh  em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14: 15)
 
Như thế, yêu mến Chúa đồng nghĩa với việc tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa. Và nếu không tuân giữ thì đã phạm tội chống lại Chúa là tình thương, công bình, bác ái và thánh thiện, vì mọi tội con người có thể phạm đều liên hệ ít nhiều đến các đặc tính trên đây của Thiên Chúa. Cụ thể: giết người hay âm mưu sát hại người khác là chống lại bản chất yêu thương, nhân từ của Chúa. Trộm cắp, gian tham, lừa đảo là phạm đến sự công bình của Chúa. Dâm ô – đặc biệt là tội ấu dâm rất khốn nạn (child prostitution) – là xúc phạm nặng nề đến  sự thánh thiện, trong sạch  của Chúa.
 
Do đó, muốn sống đẹp lòng Chúa và  nhiên hậu được cứu độ thì mọi người có niềm tin yêu Chúa phải quyết tâm xa tránh mọi tội lỗi vì chỉ có tội mới đẩy chúng ta ra khỏi tình thương của Chúa là Đấng yêu thương và “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2 : 4) nhưng lại gớm ghét mọi tội lỗi vì  nó hoàn toàn đi ngược lại với bản chất yêu thương, nhân từ, công bình và thánh thiện của Người.
 
III- Tại sao cần phải xưng tội và xưng cách nào ?
 
Như đã giải thích ở trên, tội là một thực thể và một thực tế (entity and reality) trong trần gian và trong mỗi người chúng ta. Không ai có thể nói là mình không có tội nào như Thánh Gioan đã quả quyết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội. chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta.” (1 Ga 1 : 8)
 
Nhận biết mình có tội thì lời mời gọi là hãy sám hối và xin Chúa tha thứ. Chúa ghét mọi tội nhưng lại yêu thương kẻ có tội biết ăn năn xin tha thứ, như Chúa Giêsu đã đối xử  với người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình và bị bọn Biệt phái dẫn đến xin Chúa cho ném đá. Chúa đã không ném đá và chỉ nói với chị kia rằng: “Tôi không lên án chị đâu, thôi chị cứ về  đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8: 11).
 
Qua lời Chúa trên đây, chúng ta hiểu rõ lòng nhân từ  và khoan dung của Chúa đối  với kẻ có tội, nhưng cũng không muốn ai lợi dụng lòng nhân từ đó để cứ phạm tội, cứ lấy cớ Chúa yêu thương tha thứ để  không quyết tâm cải thiện đời sống và xa tránh mọi tội lỗi. Đành rằng là con người,  ai cũng yếu đuối  trong bản tính, nhưng nếu ta quyết tâm và nương nhờ ơn Chúa phù giúp  thì chúng ta mới có thể đứng vững được trước mọi cơn cám dỗ của ma quỷ, ví như “sư tử  gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5: 8), của xác thịt yếu đuối  dễ sa ngã và của gương xấu đầy rẫy ở mọi môi trường sống.
 
Nói rõ hơn, nếu ta không có thiện chí xa lánh tội và mọi cơ hội đưa đến phạm tội, để rồi cứ sa đi ngã lại, thì Chúa không thể cứu ai được mặc dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá, và đủ cho ta được cứu rỗi. Nhưng dù là đủ, Chúa vẫn còn mong đợi nơi thiện chí công tác của con người vào ơn cứu độ, vì con người còn có tự do để cộng tác  hay khước từ  ơn cứu độ và tình thương của Chúa để sống theo ý riêng mình. Đó là lý do vì sao Chúa Kitô đã cảnh cáo những ai không quyết tâm chừa tội và sống theo đường lối của Chúa  mà cứ đi hàng hai, nửa nóng nửa lạnh như sau:
 
      “Ta biết việc các ngươi làm: ngươi chẳng nóng và cũng chẳng lạnh. Phải chi ngươi  lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3 : 15-16)
 
IV- Xưng tội là một tiến trình hoán cải để trở nên hoàn hảo hơn:
 
Như đã nói ở trên, Chúa Kitô ban bí tích hòa giải vì Người biết trước con người sẽ còn phạm tội cá nhân nhiều lần nữa, sau khi được rửa sạch một lần hậu quả của tội nguyên tổ qua phép Rửa.
Phạm tội vì yếu đuối thì khác với cố tình không quyết tâm chừa tội để rồi lại tái phạm nhiều lần nữa. Cha giải tội có thể không ban phép tha tội nếu biết hối nhân cứ xưng mãi một tội vì  không cố gắng chừa bỏ..
 
Trong Tin Mừng Thánh Lu ca, để trả lời cho một số người đến hỏi Chúa xem có phải những người Ga li-Lê  bị Tổng trấn Phi-la-tô giết chết, lấy máu hòa lẫn với tế vật là vị họ tội lỗi hơn những người khác hay  không, Chúa Giêsu đã trả lời họ như sau:
 
    “ …Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” (Lc 13 : 3)
 
Như thế có nghĩa là chúng ta phải cố gắng chừa tội và sám hối về những việc sai trái đã làm.
 
Sám hối là nhìn nhận mình có tội,  ăn năn chừa bỏ và mau kíp chạy đến với Chúa qua bí tích hòa giải để được tha thứ và giao hòa lại với Chúa và với Giáo Hội.
 
        Khi đi xưng tội, mọi hối nhân cần lưu ý hai điều quan trọng sau đây:
 
        1- Phải hoàn toàn tin tưởng có Chúa Kitô hiện diện  trong các thừa tác viên con người là Giám mục hay Linh mục. Chính Chúa nghe và tha tội cho ta qua tay các thừa tác viên.
 
        2- Do đó, phải thành thật xưng các tội nặng nhẹ đã phạm vì yếu đuối con người, kể cả những tội kín thuộc các giới  răn thứ sáu và thứ chin. Nếu không thành thật xưng ra các tội mình đã phạm, nghĩa là có ý dấu không xưng một tội nào thì việc xưng tôi sẽ không thành và không đáng được Chúa tha thứ qua trung gian của thừa tác viên. (x SGLGHCG số 1505)
 
Xưng tội là dịp cho ta nhớ đến lòng thương xót tha thứ của Chúa sau khi nhận  biết tội lỗi mình đã xúc phạm đến Chúa. Nhưng phải có quyết tâm từ bỏ tội với ơn Chúa nâng đỡ để không sa đi ngã lại. Đây là tiến trình trở nên hoàn hảo hơn như Chúa mong muốn cho mỗi người tín hữu chúng ta. Nói rõ hơn, không phải cứ theo thói quen lâu lâu đi xưng tội để cho an tâm rồi lại không quyết tâm từ bỏ tội lỗi nên lại tái phạm để rồi lại đi xưng tội. Sống đức tin kiểu này thì quả thật xứng đáng để nghe lời Chúa cảnh cáo trên đây.
 
Nói khác đi, phải quan niệm đúng đắn hơn về bí tích hòa giải. Đây phải là phương thế hữu hiệu để giúp con người không những lấy lại tình thân với Chúa  mà còn giúp ta dần dần trở nên hoàn hảo về mặt thiêng liêng qua quyết tâm từ bỏ tội lỗi để  trở nên thánh thiện như Chúa Kitô đã kêu gọi: “Anh em phải nên thánh (nên hoàn hảo) như Cha anh em ở trên Trời là Đấng toàn thiện.” (Mt 5: 48)
 
Trở nên thánh thiện hay hoàn hảo là trở nên giống Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, là suối nguồn an vui và hạnh phúc của các Thánh và các Thiên Thần. Do đó, phạm tội hay sống trong tội là tự ý xa lìa Chúa và không muốn được cứu độ để vui hưởng hạnh phúc Nước Trời.
 
Tóm lại, Bí tích hòa giải không chỉ đơn thuần tha các tội nặng nhẹ con người có thể phạm mà còn là phương thế hữu hiệu để giúp con người trở nên hoàn thiện, qua cố gắng xa tránh mọi tội lỗi để trở nên giống Chúa là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối.
 
Chính trong chiều kích thiêng liêng nói trên mà mọi tín hữu được mời gọi cách riêng trong Năm Đức Tin này là hãy siêng năng đến với bí tích hòa giải trong tâm tình ca tụng và cảm tạ tình thương, tha thứ vô biên của Chúa và cũng để nói lên quyết tâm cải thiện đời sống thiêng liêng bằng cố gắng chừa bỏ dần dần mọi tội lỗi như một thiện chí muốn trở nên hoàn hảo hầu xứng đáng được “thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian này” như Thánh Phêrô đã mời gọi (2 Pr 1: 4).
 
Ước mong mọi quí tín hữu suy nghĩ và thực hành mục đích của bí tích hòa giải trong Năm Đức Tin này.

Tác giả: Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập109
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm103
  • Hôm nay16,754
  • Tháng hiện tại445,189
  • Tổng lượt truy cập67,470,036
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây