28-11-2010. Chúa Nhật I Mùa Vọng A.

Thứ tư - 24/11/2010 08:08
Chúa đã đến và vẫn đến mỗi ngày. Mùa Vọng chúng ta trông chờ Người hay Người trông chờ chúng ta? Người đến và trông chờ chúng ta mở lòng ra đón tiếp Người.

Chúa Nhật I Mùa Vọng A

Người Sẽ Đến

Mt 24:37-44: 37 "Bởi vì những ngày thời Nôê thế nào, thì thời Con Người quang lâm cũng thể ấy, 38 Vì như những ngày trước lụt Hồng thủy, thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ, lấy chồng, mãi cho đến ngày Nôê vào tàu; 39 thiên hạ không biết gì, cho đến lúc lụt Hồng thủy đến mà cuốn đi hết thảy, - khi Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.

40 "Bấy giờ hai người cùng ở trong ruộng, thì một sẽ bị đem đi, và một sẽ được để lại; 41 hai bà cùng xay bột nơi cối, thì một sẽ bị đem đi và một sẽ được để lại.

42 "Vậy các ngươi hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chủ các ngươi đến. 43 Hãy biết điều này: nếu gia chủ đã biết canh nào trộm đến, tất ông đã tỉnh thức và không để nhà bị đào ngạch. 44 Vì thế các ngươi cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì vào chính giờ các ngươi không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Đoạn tin mừng được chia làm hai 24:37-41 và 24:42-44, có chủ đề chung với đoạn trước và sau nó là không ai biết khi nào Con Người sẽ đến. Chủ  đề nầy nói về   “Ngày” của Con Thiên Chúa (24:36; x. 24:37.28[2x].42.44 “giờ”.50). Trong đoạn nầy Mathêô đưa ra các minh hoạ (24:39-41) và dụ ngôn kẻ trộm (24:42-44). Chúa Giêsu đã loan báo ngày Con Người sẽ đến trong quyền năng và vinh quang. Trong ngày ấy các thiên thần sẽ được sai đi qui tụ những người được tuyển chọn khắp mặt đất (24:30). Ngày Con Người đến liên quan đến từng người; như thế, mỗi người phải sống sao để ngày ấy đến không trở nên tai họa cho mình.

Không ai biết ngày giờ Người đến (24:39-41). Đoạn nầy gồm so sánh ngày Người đến với tai họa lụt hồng thủy vào thời Nôê (24:37-39); sự chọn lọc (24:40-41). “Con Người” đóng khung đoạn nầy (cc. 37.39).

Mathêô dùng “hospēr gar” “vì cũng như” để so sánh ngày Nôê vào tàu tương tự ngày Con Người đến (cc. 37.41). Ông nhấn mạnh sự không hay biết của con người về ngày ấy; cũng thế ngày Con Người đến (parousia). Trước lụt đại hồng thủy dân chúng chỉ biết ăn uống, cưới vợ lấy chồng (c. 38); các động từ nầy ở thể phân từ hiện tại chỉ sinh hoạt thường nhật của họ. Họ chẳng hay biết ngày Nôê vào tàu, và cuộc sống của họ đã không thay đổi. Lụt đại hồng thủy ập đến và cuốn họ đi mất (Kn 6:5-24). Sự hủy diệt nầy sẽ được ám chỉ trong câu 24:44. Ngày Chúa đến (parousia) được ví như lụt đại hồng thủy ấy (kataklysmos). Parousia chỉ việc Chúa đến (c. 39); đó cũng là lúc tận cùng của vũ trụ nầy (24:3.27). Chúa chưa đến, nhưng ngày ấy đã được loan báo. Đừng để ngày ấy trở nên tai hoạ cho mình vì không biết.

Mathêô tiếp tục nói đến hành động của Thiên Chúa trong ngày Người đến (24:40-41). “Tote”, trạng từ chỉ thời gian “bấy giờ” (c. 40), liên kết với đoạn lúc Con Người đến (c. 39b). Hình ảnh làm ruộng vườn và xay bột chỉ công việc thường ngày. Hai người cùng làm một việc giống nhau có nghĩa là nhìn từ bê ngoài không thấy có sự phân biệt nào giữa họ. Tuy nhiên, khi ngày của Chúa đến, Người sẽ đem một người đi, và để lại một người. Hai động từ “đem đi”, paralambanō, và để lại”, aphiēmi, đối nghịch nhau hoàn toàn. Paralambanō liên hệ đến sự tuyển chọn của Thiên Chúa (x. 24:31); trong khi aphiēmi liên hệ đến cái chết (x. 22:25). Như thế, khi Chúa đến, Người sẽ phân biệt cách rõ ràng ai được chọn và ai không được chọn. Cũng như chỉ khi lụt hồng thủy đến, người ta mới biết Nôê và gia đình ông được cứu, trong khi những người khác bị tiêu diệt.

Đoạn 24:42-44 là một trong hai dụ ngôn làm thành một đơn vị (24:42-51), nói về thái độ tỉnh thức phải có trước việc Người đến. Đoạn nầy dùng dụ ngôn về kẻ trộm, gồm: -mệnh lệnh “Hãy tỉnh thức” (c. 42); tính tương tự của việc kẻ trộm đến (c. 43); áp dụng (c. 44). Động từ “biết” ở thể phủ định đều có mặt trong cả ba câu 42.43.44. Chúa muốn nhấn mạnh lần nữa con người chẳng biết gì về ngày Người đến; nên phải tỉnh thức.

Dụ ngôn bắt đầu với mệnh lệnh “Hãy tỉnh thức” (c. 42). Mệnh lệnh nầy được dùng bốn lần, và chia hai trong hai tình huống khác nhau: một là lời loan báo Chúa sẽ đến (24:42; 25:13); hai là trong vườn Cây Dầu (26:38.41). Tỉnh thức theo nghĩ đen là không ngủ (x. 26:38); nghĩa bóng là canh chừng và chú ý để tránh khỏi tai họa ập tới như dụ ngôn kẻ trộm nầy; hay tránh khỏi cám dỗ (26:41). Trong cả hai trường hợp, tỉnh thức là bảo vệ chính mình được an toàn và giữ được thông hiệp với Thiên Chúa.

Hình ảnh kẻ trộm gắn liền với “đột nhập” và “ăn trộm” (6:19.20). Sự nguy hiểm của kẻ trộm, đột nhập và lấy đi của cải, rất lớn đến nỗi Chúa Giêsu khuyên phải tích trữ của cải trên trời, chứ không dưới đất. Kẻ trộm chỉ có thể lấy trộm nếu không ai biết. Ở đây dù chủ nhà đã biết kẻ trộm sẽ vào, ông vẫn phải tỉnh thức để của cải không bị lấy đi (c. 43). Vậy người môn đệ càng phải tỉnh thức hơn, vì họ không biết ngày giờ Người đến (c. 44). Động từ “dokeō” có nghĩa là “nghĩ”, “tưởng”. Con Người không đến vào ngày giờ người môn đệ nghĩ đến.

Chúa đã đến và vẫn đến mỗi ngày. Mùa Vọng chúng ta trông chờ Người hay Người trông chờ chúng ta? Người đến và trông chờ chúng ta mở lòng ra đón tiếp Người.

Tác giả: Lm Đặng Quang Tiến HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập795
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm793
  • Hôm nay133,992
  • Tháng hiện tại1,046,256
  • Tổng lượt truy cập57,147,893
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây