Thế nhưng, không phải ai cũng biết về cuộc đời thực tế bên ngoài bức họa của quý bà người Ý này.
Cuộc hôn nhân u buồn
Người mẫu của bức tranh nàng Mona Lisa là Lisa Gherardini, sau đổi thành Lisa del Giocondo theo họ chồng. Bà sinh vào ngày 15/6/1479 ở Florence, Ý, là con cả trong một gia đình gốc quý tộc nhưng đã mất dần quyền lực lẫn sự giàu có.
Khi ấy, các thiếu nữ thường được gả đi sớm cho các người đàn ông lớn tuổi. Năm 1495, khi 16 tuổi, Lisa được gả cho Francesco del Giocondo - một thương gia giàu có 30 tuổi. Cô gái tuổi trăng tròn Lisa Gherardini nhờ cuộc hôn nhân này mà được nâng cao địa vị, bắt đầu cuộc sống của một phụ nữ tầng lớp thượng lưu nhưng gặp không ít sự kiện đau buồn.
Sau khi kết hôn, cô nhanh chóng mang thai và sinh được 6 người con trong vòng 10 năm. Trong số đó chỉ có 4 người con sống đến tuổi trưởng thành. Con gái thứ hai tên Piera của Lisa qua đời năm lên 2 tuổi còn một người con khác chết khi vừa lọt lòng.
Thông tin bê bối nhất trong gia đình của Lisa là về "sở thích" buôn bán, nuôi nô lệ của chồng cô. Suốt nhiều đời liền, gia đình Francesco có truyền thống làm công việc tội lỗi này. Trong cuốn Mona Lisa: The People and The Painting (tạm dịch: Nàng Mona Lisa: Những con người và Bức họa), 2 tác giả Martin Kemp và Giuseppe Pallanti miêu tả: "Kể từ khi còn nhỏ, Francesco đã sống cạnh với những nữ nô lệ do cha ông mua về, và sau khi người cha qua đời, trách nhiệm của ông là mua nô lệ mới. Thi thoảng ông lại mua về nhiều nô lệ hơn cần thiết".
Các nhà lịch sử học cũng đưa ra thông tin rằng cuộc hôn nhân của Lisa và chồng không quá hạnh phúc. Tiêu biểu là sự kiện Lisa từng bị 2 người đàn ông quý tộc bạn của chồng mình gạ gẫm, tán tỉnh. Lisa đã ra sức từ chối họ. Còn về phía Francesco, thay vì nổi giận với 2 gã đàn ông có ý định chiếm đoạt vợ mình, ông lại lo sợ sự từ chối của Lisa ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với họ. Vì 2 người này rất có thế lực, sau lùm xùm, Francesco đã tìm đến nhà họ để khẳng định sự ủng hộ của mình và cam đoan rằng mối quan hệ giữa đôi bên vẫn thân thiện. Sự yếu đuối và hèn hạ của Francesco đã bị đối phương mỉa mai lại.
Tác giả Martin Kemp cũng miêu tả Lisa là một người phụ nữ bị chồng kiểm soát, như nhiều phụ nữ thời bấy giờ. Sự giàu có của chồng đã giữ chặt Lisa trong "một tủ quần áo và hàng đống quần áo ấn tượng", mặc dù người xem không thể thấy điều này trong bức tranh về cô.
Mô hình 3D của nàng Lisa được bảo tàng Louvre tái dựng
Mối duyên với Leonardo da Vinci và bức họa tuyệt tác
Người ta không rõ bằng cách nào họa sĩ Leonardo da Vinci liên hệ được với Lisa, nhưng giữa họ có một mối liên hệ là cha của ông Leonardo là luật sư và chồng của Lisa là một khách hàng của ông. Cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy gia đình Lisa chính là hàng xóm sống cùng khu với cha của họa sĩ. Năm 1503, danh họa bắt đầu vẽ bức chân dung của người phụ nữ 24 tuổi sau này sẽ trở thành kiệt tác nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình.
Danh họa Leonardo da Vinci
Nhiều khả năng Francesco là người đã thuê Leonardo da Vinci - người lúc ấy vẫn là một họa sĩ không tiếng tăm vẽ chân dung cho vợ mình. Cũng như nhiều gia đình giàu có ở Florence, mỗi khi gia đình có sự kiện trọng đại, vợ chồng Lisa lại mời các họa sĩ tới vẽ chân dung kỷ niệm. Năm 1503 là khi Lisa đang mang thai đứa con thứ 3 của mình và mới chuyển đến nhà mới, gia đình đã mời Leonardo da Vinci tới để vẽ chân dung kỷ niệm.
Bức tranh Mona Lisa sau đó được vẽ trong suốt 16 năm, kể từ khi Lisa còn là một phu nhân trẻ cho đến khi bước vào tuổi trung niên. Và tác phẩm hội họa đỉnh cao này thực chất chưa bao giờ được hoàn thành, vì nó đã bị bỏ dở dang vào năm 1519, khi Da Vinci qua đời. Ông cũng không bao giờ trao bức tranh này cho khách hàng mà đã mang nó đến Pháp năm 1517.
Vào những năm tuổi già, Lisa đã sống trong tu viện. Bà qua đời ngày 14/7/1542, thọ 63 tuổi. Khi cả người vẽ lẫn người mẫu đều đã qua đời, bức chân dung Mona Lisa còn dang dở lúc ấy không có danh tiếng gì và không được ai biết đến. Mãi vài thế kỷ sau, nàng Lisa - một người phụ nữ quý tộc bình thường trong hàng triệu phụ nữ của thế kỷ 16 mới đột nhiên trở nên nổi tiếng.
Năm 1550, bằng cách nào đó mà bức chân dung của nàng Mona Lisa lại lọt vào trong bộ sưu tập tranh của Vua Francis I ở nước Pháp. Nó từng vài lần được trưng bày trong bảo tàng Louvre. Năm 1800, Napoleon tỏ vẻ rất thích bức họa này nên đã đem về treo trong phòng ngủ. Ông trả lại nó cho bảo tàng 4 năm sau đó.
Thời gian trôi qua, tiếng đồn về vẻ đẹp của bức tranh lan rộng và bí ẩn về nụ cười nàng Mona Lisa khiến người ta mãi thắc mắc, trầm tư. Nụ cười của nàng Mona Lisa đã khiến hàng triệu người trên thế giới bị mê hoặc nhưng vĩnh viễn sẽ không ai hiểu được bí mật đằng sau nụ cười đó là gì.
Bức tranh Mona Lisa hiện thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp, được trưng bày tại bảo tàng Louvre
Ngày nay, nằm trong lớp kính chống đạn ở một vị trí trang trọng trên tường bảo tàng Louvre, Mona Lisa chính là bức tranh giá trị lớn nhất thế giới. Nụ cười bí hiểm của nàng đã thu hút hàng triệu du khách tới tham quan bảo tàng mỗi năm. Theo thống kê, có tới 80% du khách ghé thăm viện bảo tàng này hằng năm chỉ để được ngắm nụ cười của Mona Lisa.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)