Linh mục Nguyễn Văn Nghĩa thuyết trình nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam.

Thứ sáu - 13/04/2012 04:22

-

-
Có thể nói không sợ sai lầm rằng vận mệnh của một quốc gia, tương lai của một dân tộc tùy thuộc rất lớn ở nền giáo dục của dân tộc, quốc gia ấy.
Linh mục Nguyễn Văn Nghĩa thuyết trình nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam
 
Tác giả: Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa HT71 - Ngày đăng: 19/11/2009

I. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THẦY CÔ CÔNG GIÁO TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM HÔM NAY
 
Giáo dục là quốc sách. Một lời khẳng định xem như có tính luật khi không chỉ ở trên môi miệng những người nắm vận mệnh quốc gia mà đã hiển hiện bằng giấy trắng mực đen. Và hằng năm cứ đến ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam thì câu chuyện giáo dục tại Việt Nam lại được dịp kéo dài thêm cái chuỗi mạn bàn, nhận định, phân tích, góp ý… Không thiếu những góp ý, phân tích, nhận định hay mạn bàn mang tính khoa học và thực tiễn xuất phát từ những khối óc đầy tình quê hương dân tộc. Thế nhưng, một thực tế mà ai cũng hiểu đó là phải tùy thuộc cái cơ chế của nước nhà mà đúng hơn là tùy thuộc cái tầm nhìn rộng, xa và cái tâm sáng những vị đang nắm trọng trách điều hành đất nước.
 
Có thể nói không sợ sai lầm rằng vận mệnh của một quốc gia, tương lai của một dân tộc tùy thuộc rất lớn ở nền giáo dục của dân tộc, quốc gia ấy. Một cánh én bay lên, rồi một cánh én nữa bay lên và cứ thế, cứ thế những cánh én khác bay lên, thì chắc chắn mùa xuân sẽ xuất hiện một ngày không xa. Trong cái viễn tượng ấy, quý thầy cô công giáo chúng ta họp nhau hôm nay chắc hẳn không gì hơn là muốn góp một phần nhỏ của mình để xây dựng mùa xuân cho dân tộc, cho Giáo Hội, dĩ nhiên là với những nén bạc mà Chúa trao cho mỗi người chúng ta, đặc biệt qua trọng trách giáo dục mà chúng ta đang thực thi ngoài xã hội.
 
Để có thể góp phần cách tích cực và hữu hiệu thì trước hết chúng ta không thể không điểm lại vài nét về bức tranh xã hội nước nhà chúng ta về chính trị, kinh tế, văn hóa và cách riêng là giáo dục. Để tránh gây ngộ nhận về thành ý, xin được khái quát bức tranh ấy dựa trên các báo cáo, nhận định của những người đang nắm quyền và những bậc học giả được gọi là có tâm huyết với vận mệnh quê hương, đã được đăng tải trên các kênh, nguồn thông tin chính thức, đồng thời bên cạnh đó không thể thiếu những lời nhận định và huấn thị của mẹ Giáo Hội.
 

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa (thuyết trình)
 
Về chính trị: Hằng năm, quý thầy cô vốn thường được tập huấn về chính trị trong dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới và một vài dịp nào đó khi có các biến cố hay còn gọi là chuyện thời sự đặc biệt trong nước cũng như trên thế giới xảy ra.
 
Hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay có những đặc điểm cơ bản là lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất có quyền lãnh đạo, được ghi trong Điều 4 của Bản Hiến Pháp. Hệ thống chính trị được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, được điều hành bởi lực lượng chuyên chính vô sản.
 
* Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết, một hệ thống lý luận và phương pháp luận gồm có triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học.
 
- Triết học Mác-Lênin bao gồm cả chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đây là một trong những thế giới quan và nhân sinh quan lấy sự vận động và phát triển làm nguyên lý nền tảng dựa trên sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập trong cùng một thực thể.
 
- Kinh tế chính trị Mác-Lênin: Nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chủ yếu là phân tích giá trị thặng dư (m) là phần chênh lệch giữa giá cả và giá trị của sản phẩm.
 
- Chủ nghĩa xã hội khoa học: Nghiên cứu những quy luật chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và phương hướng xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa.
 
* Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội IX của Đảng đã nêu rõ:
 
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…”
 
Trên đây là cái nhìn của đảng cộng sản Việt Nam. Người ta đã phân biệt triết gia và nhà tư tưởng như sau: triết gia là người đã đưa ra một cái nhìn về vũ trụ, về thế giới và con nguời có tính hệ thống, có tính lôgich một cách nào đó như Descarte, E. Kant… trái lại nhà tư tưởng như Blaise Pascal là người có cái nhìn sâu về nhiều vấn đề nhưng không mang tính hệ thống.
 
Về kinh tế: Khi nói về kinh tế nước nhà thì chúng ta thường nghe nói đến mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP – Gross Domestic Product). Trong cuộc họp Quốc Hội kỳ vừa qua Chính phủ đưa ra các chỉ tiêu chính của kế hoạch năm 2010 như sau:
 
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5% so với năm 2009; GDP theo giá thực tế khoảng 1.931 nghìn tỷ đồng, tương đương 106 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.200 USD. (tức khoảng 21.600.000 đồng Việt Nam). Nếu tính ngược lại thì sẽ thấy Chính phủ ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2009 này tính tròn là 20.300.000 đồng. Nếu mỗi nhà gồm hai vợ chồng và ba đứa con thì thu nhập cả gia đình là 101.500.000 đồng/năm. Không biết con số trên dưới 75% là nông dân ở nước ta mà đa số gắn với hạt lúa thì có đạt mức này chăng? Lại nhìn đến tình cảnh các công nhân trong các khu công nghiệp, dù đã tăng ca, tăng kíp thì mức lương cũng trên dưới hai triệu đồng thì con số bình quân thu nhập đầu người ở trên nếu chính xác thì cũng phản ánh sự chênh lệch giàu nghèo của nước ta đang vào thời kỳ báo động.
 
Con số GDP tức là Tổng sản phẩm quốc nội được tính như sau GDP là tổng số giá trị các khoản chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình cộng với tổng giá trị đầu tư của các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cộng với hiệu số giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu cộng với tổng các khoản chi của Chính phủ. Để có được con số GDP thì Chính phủ căn cứ trên các báo cáo thống kê của các ngành hữu quan. Độ chính xác của con số này ra sao hay nói theo ngôn ngữ thống kê là độ tin cậy, xác xuất thông kê ở mức độ nào thì cũng cần xem xét, nhất là với quý thầy cô, những người mà xã hội xem như là có khả năng phản tỉnh và phản biện trước các thông tin. Đã từng có vị Đại Biểu Quốc Hội làm bản tính cộng đơn giản: Chính phủ báo cáo ước tính tăng trưởng GDP năm nay (2003) cả nước đạt 7% vì sáu tháng đầu năm mới đạt 6,9%. Thế nhưng nhìn vào thống kê của các tỉnh, thì chẳng có tỉnh nào tăng GDP dưới 7 %. Có tỉnh tăng 8% có tỉnh những 14 %. Nếu tính trung bình ra thì chúng ta phải tăng trưởng tới 10 % !!! (Phó tổng cục trưởng cục thống kê Nguyễn Văn Tiến – Báo Tuổi trẻ cười số 253 ngày 15 /12/2003 tr.5) Và vị ấy băn khoăn là con số 7% tăng trưởng GDP của cả nước được tính trên cơ sở nào.
 
Trong kỳ họp Quốc Hội bắt đầu từ ngày 20 tháng 10 năm 2009 vừa rồi, “cầm trên tay báo cáo kinh tế xã hội 2008 và 2009 của Chính phủ, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nói thẳng: "Đọc báo cáo năm 2008 và năm 2009, chúng tôi thấy có nhiều đoạn hoàn toàn trùng khớp với nhau, đều ghi ngày 19/10. Có nhiều số liệu rất đáng buồn"... (Vietnamnet Thứ Sáu 23/10/2009).
 
Chúng ta bỏ qua các lãnh vực khác như y tế, quốc phòng… để tập trung vào lãnh vực giáo dục.
 
Về giáo dục:
 
Quý thầy cô thân mến, chúng ta tụ họp nhau nơi đây không phải là để nghe chính trị hay nghe báo cáo về các chỉ tiêu kinh tế văn hóa. Hẳn nhiên ai trong chúng ta cũng rõ mục đích nhắm của chúng ta chính là giáo dục. Vậy cần phải có một cái nhìn tổng quan về nền giáo dục nước nhà trong hoàn cảnh hiện nay.
 
Theo các con số được báo cáo bởi các cơ quan chức năng thì con số học sinh các cấp cơ sở và phổ thông trên toàn quốc có giảm sút. Có người cho rằng nguyên nhân chính là do đời sống kinh tế của các gia đình suy giảm do hậu quả của cơn suy thoái hay tạm gọi là khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua gây nên. Tuy nhiên, nếu xét về con số tuyệt đối vẫn còn thiếu sót, nếu không xét đến sự kiện các gia đình ngày càng hạn chế số con sinh ra, thậm chí ngay cả với các gia đình công giáo. Hỏi các cha xứ thì biết: số lượng các em thiếu nhi trong các lớp giáo lý ngày càng ít đi khá rõ rệt. Ngoài ra chúng ta cần khẳng định với nhau rằng sự ham học vẫn còn là một trong nhưng ưu phẩm của dân Việt chúng ta. Con số sinh viên các trường Đại Học, Cao Đẳng, Trung Cấp vẫn ngày càng tăng. Như thế nếu chỉ nhìn sự kiện với con số thì chưa thể phản ánh cách trung thực và đầy đủ, dĩ nhiên là một cách tương đối nào đó.
 
Để lượng giá nền giáo dục nước nhà, chúng ta cần phải căn cứ vào hiệu quả của nó. Trên bình diện chuyên môn, nếu chỉ nhìn vào số lượng thì chúng ta cần nhìn nhận rằng chưa đạt yêu cầu, vì số người được đào tạo ra làm việc đúng chuyên môn, ngành nghề mình học chưa đến 50%. Trong số người làm việc đúng ngành nghề chuyên mình học thì chất lượng như thế nào cũng cần đặt câu hỏi. Mới đây hai tác giả Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson thuộc Đại học Harvard khi thực hiện chuyên đề: Giáo dục đại học – Cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó, đã đưa ra các con số thống kê khiến chúng ta không chỉ giật mình mà cần chân thành hổ thẹn.
 
Bài viết được xuất bản trên các tạp chí khoa học năm 2007

Cơ sở Quốc gia Số bài viết
Đại học tổng hợp Quốc gia Seoul
Đại học tổng hợp Quốc gia Singapore
Đại học tổng hợp Bắc Kinh
Đại học tổng hợp Phúc Đan
Đại học tổng hợp Mahidol
Đại học tổng hợp Chulalongkorn
Đại học tổng hợp Malaya
Đại học tổng hợp Philippines
Đại học Quốc gia Việt Nam (Hà Nội và thành phố HCM)
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Hàn Quốc
Singapore
Trung Quốc
Trung Quốc
Thái Lan
Thái Lan
Malaysia
Philippines
Việt Nam
Việt Nam
5.060
3.598
3.219
2.343
950
822
504
220
52
44
Chỉ số sáng tạo

Quốc gia Số bằng sáng chế
được cấp năm 2006
Hàn Quốc
Trung Quốc
Singapore
Thailand
Malaysia
Philippines
Việt Nam
102.633
26.292
995
158
147
76
0
Nhìn xuống các em học sinh khối phổ thông và cơ sở thì nhiều con số thông kê cũng khiến chúng ta băn khoăn và lo âu:

Biểu hiện vi phạm Tiểu học THCS THPT CĐ, ĐH
Tỉ lệ đi học không đúng giờ
Tỉ lệ quay cóp
Tỉ lệ nói dối cha mẹ
Tỉ lệ vi phạm Luật giao thông
20%
8%
22%
4%
21%
55%
50%
35%
58%
60%
64%
70%
85%
69%
83%
84%
Theo bản tin Vietnamnet ngày 07/11/2008 thì từ đầu năm 2008, báo chí đã đưa tin về hàng chục vụ án mà thủ phạm là các đối tượng còn ngồi trên ghế nhà trường. Khảo sát vài năm gần đây ở 4 trường giáo dưỡng (dành cho trẻ vị thành niên phạm pháp – thuộc Bộ Công an): Trong 3.448 em, có 145 em buôn bán, hút chích ma túy; 12 em cướp giật; 54 em cưỡng đoạt tài sản; 124 em hiếp dâm; 124 em cố ý gây thương tích; 765 em gây rối trật tự công cộng; 48 em lừa đảo; 69 em giết người; 2.112 em trộm cắp; 40 em thuộc về các hành vi phạm tội khác (Theo website Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội  www.hanoi.edu.vn).
 
Ngày 29 tháng 10 vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, vị đứng đầu về giáo dục của đất nước đã thừa nhận về thực trạng giáo dục bậc đại hoc như sau: “Thực tế, gần 30 năm chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục đại học vì chưa có chuẩn đầu ra của các trường; chưa giữ được chuẩn của giáo viên, chương trình, cơ sở vật chất...; chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng; hằng năm chưa có đánh giá thực tế và có báo cáo về chất lượng đào tạo của các trường và cả hệ thống giáo dục đại học”.
 
Người đứng đầu về giáo dục của cả nước đã bộc bạch rằng Bộ GD&ĐT chưa thể trả lời được 3 câu hỏi: Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo thế nào? Hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho các trường ĐH,CĐ công lập thế nào? Năm 2009, cả nước tuyển sinh hơn nửa triệu sinh viên, gấp 4 lần năm 1997 và gấp 14 lần năm 1987. Về quy mô, tổng số sinh viên cả nước là 1,7 triệu em trong khi năm 1997 là hơn 700.000 và năm 1987 là 130.000. Năm 1987, một giảng viên đào tạo bình quân 6,6 sinh viên, năm 2009 một giảng viên đào tạo tới 28 sinh viên. Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. 20 năm qua, số giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ đạt hơn 10%. Dù đã triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học nhưng Bộ GD&ĐT vẫn phải thừa nhận, quản lý chất lượng giáo dục là khâu yếu nhất hiện nay.
 
Về mặt chuyên môn, chính giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng đã từng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội rằng: Đừng so gì với các nước Âu Mỹ xa xôi, chỉ sánh với các nước Á châu gần chúng ta như Thái Lan, Singapor, Hàn Quốc… con cháu chúng ta học nhiều gấp đôi, thậm chí gấp ba con cháu họ nhưng ra trường lại kém gấp đôi, gấp ba con cháu họ.
Còn về mặt nhân cách, đạo đức, chúng ta hẳn đã giật mình trước kết quả công trình nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn và các cộng sự với đề tài: “Sự lựa chọn các giá trị đạo đức - nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên ở một số trường đại học tại TP HCM trong giai đoạn hiện nay”, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ có tính khả tín rõ nét, cho dù con số sinh viên được tham khảo chưa đến 1000. Kết quả khảo sát cho thấy: 36% sinh viên cho biết làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt; 32% chấp nhận hành vi vô ơn; 41% bảo rằng không nhất thiết phải sống cao thượng; 28% có tư tưởng trả thù, báo oán; 18% nói sẵn sàng đưa lợi ích cá nhân lên trên hết; 60% đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ… (Báo Pháp luật TPHCM ngày 22-6-2009;  Tuần báo Cgvdt số 1713).
 
Một vài bức tranh hiện thực xã hội ở trên cho chúng ta một cái nhìn tương đối tổng quát. Đã là người còn chút lương tri và tâm huyết với tương lai của dân tộc, với vận mệnh của đất nước thì không thể không thao thức. Trang báo điện tử Tuần Việt Nam gần đây đã đăng một loạt những bài nhận định, góp ý, kiến nghị liên quan đến việc giáo dục. Ngày 03/10/2009 trang Web ấy đã có đăng để giới thiệu một số quan điểm về giáo dục của ngài Jean Piaget (1896-1980), một nhà giáo dục, một nhà nhận thức luận và một nhà tâm lý học nổi tiếng. Cái tựa đề của bài báo là “Giáo dục cứu rỗi xã hội” và trọng tâm của bài báo đó là “chỉ có giáo dục mới có thể giúp cho xã hội tránh khỏi nguy cơ bị sụp đổ, dù là sụp đổ một cách nhanh chóng hay từ từ”.
 
Đâu riêng gì mình ngài Jean Piaget nhận ra vị trí, vai trò tối quan trọng của giáo dục. Có thể nói hầu hết các quốc gia hiện nay trên thế giới và dĩ nhiên là có cả Việt Nam chúng ta đều khẳng định “Giáo dục là quốc sách” tức là kế sách quan trọng hàng đầu. Tương lai của một dân tộc, của một đất nước tùy thuộc chủ yếu vào nền giáo dục của nước ấy hiện nay. Thế nhưng đã và đang tồn tại những oái ăm, nếu không muốn nói là mâu thuẫn trong luận lý của cái thể chế mà Việt Nam chúng ta đang theo. Làm thế nào để dung hòa một bên xem giáo dục là quốc sách và một bên vẫn chủ trương rằng mọi hiện hữu trên thế gian này đều là sự vận động của vật chất và cho rằng hạ tầng kiến trúc chi phối và quyết định thượng tầng kiến trúc? Chúng ta đừng quên giáo dục là một trong những lãnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc.
 
Chính vì thế chúng ta không lạ gì đã từng một thời gian khá dài ngành giáo dục chỉ được xem như là một trong những ngành nghề lao động để mưu sinh không hơn không kém, mà lại là một ngành nghề bị đánh giá rất thấp, đặc biệt về khoản thu nhập. Đâu chỉ có phía các sĩ tử vốn đã là các cô tú cậu tú thú nhận rằng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, ngay trong cơ chế tuyển thi Đại Học trước đây thì tiêu chí chọn người vào ngành giáo dục thì rất “bèo”. Không đủ điểm vào Y hay Dược, dù có trượt các ngành Bách khoa hay Tổng hợp thì đủ hay dư điểm để vào Sư phạm. Lọt sàng thì xuống nia. Không vào Đại Học Sư phạm đuợc thì có Cao Đẳng, không đủ điểm vào Cao Đẳng thì các Trường Trung Học Sư phạm vẫn dang tay đón mời. Chúng ta đừng quên chân lý uốn tre thì uốn khi còn là măng. Ý thức tầm quan trọng của việc giáo dục con người ngay thời thơ ấu, thiếu nhi, nên nhiều quốc gia tiên tiến và Việt nam chúng ta trước đây đã rất coi trọng việc giáo dục ở bậc mầm non và Tiểu học. Chính vì thế các tiêu chí tuyển chọn các nhà giáo dục ở hai bậc này rất cao và chặt chẽ. Thế mà hiện trạng ở Việt Nam chúng ta thì như ngược lại. Nhà báo Trường Giang, nguyên Tổng biên tập Báo Giáo Dục và Thời đại đã đề nghị “Thay đổi tư duy đầu não để thoát khủng hoảng giáo dục” (Vietnamnet ngày 17/9/2009).
 
II. LỜI NGỎ CÙNG CÁC “KỸ SƯ TÂM HỒN”
 
Hằng năm cứ đến dịp kỷ niệm ngày hiến chương Nhà giáo thì đề tài giáo dục lại được rộ lên bằng nhiều hình thức. “Không thầy đố mầy làm nên”. Câu ngạn ngữ trên nói lên tầm quan trọng của các vị trong vai trò giáo dục. Tôn sư là trọng đạo hay trọng đạo là phải tôn sư, điều nào cũng là chính đáng và hợp lý. Nhân ngày Nhà giáo lại về, xin được có một vài tâm tình như lời ngỏ cùng các vị được ví là “các kỹ sư tâm hồn”, cách riêng với các vị trong Hội Thánh Công giáo.
 
Cũng có thể là tự nguỵện mà cũng có thể là do hoàn cảnh đưa đẩy quý vị đã đứng vào hàng ngũ những người làm công tác đào tạo, giáo dục, một trách vụ cao cả và quan trọng trong việc xây dựng những con người, đặc biệt cho tương lai quê hương dân tộc, tương lai xã hội và cả Hội Thánh. Sẽ thật khó vuông tròn trách vụ đảm đương nếu chúng ta không ý thức tầm quan trọng của vai trò, vị trí trách vụ mình đang đảm nhận. Khi nói đến một chương trình phát triển nào đó hay một kế hoạch chiến lược nào đó về kinh tế, văn hoá hay xã hội thì người ta đều nhìn nhận yếu tố con người luôn là yếu tố nền tảng và then chốt. Con người không chỉ đóng vai trò nền tảng của mọi kế hoạch, chương trình mà còn là điểm tới, tức là mục tiêu của các chương trình, kế hoạch. Chẳng hạn khi lên kế hoạch nhằm phát triển kinh tế thì cũng là để phục vụ con người. Chính vì thế đất nước ta, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã nhìn nhận giáo dục là một trong những quốc sách hàng đầu.
 
Vị trí – vai trò của người thầy – cô giáo công giáo:
 
Một sự thật cần thú nhận với nhau đó là tại Việt Nam, khi Chính Quyền Cộng sản lên nắm quyền (ở các nước cộng sản khác thì tôi không rõ) đã và đang tồn tại một mặc cảm tự ti nào đó nơi người công giáo khi xuất hiện hay hiện diện nơi môi trường xã hội bên ngoài. Và môi trường giáo dục, cụ thể là tại các trường học, các cơ quan giáo dục, các bạn sinh viên, các em học sinh công giáo chúng ta hiện nay vẫn còn mang mặc cảm tự ti ấy. Còn với quý thầy cô giáo thì sao đây? Cũng phải thú nhận rằng dù với lý do hay mục đích gì nữa thì trước đây cũng đã từng có không ít người trong chúng ta ngại ngần tuyên xưng căn tính công giáo của mình cách công khai, bằng môi miệng hay cả bằng giấy tờ, lý lịch. Còn hiện nay, tình trạng ấy chắc chắn nếu còn thì chỉ là cá biệt. Chuyện tình trạng cá biệt thì hoàn cảnh nào, địa vị nào cũng có. Xin đừng quá băn khoăn, vì ngay cả tập thể Nhóm Mười Hai do Chúa Giêsu trực tiếp chọn gọi, huấn luyện cũng có.
 
Tìm hiểu nguyên nhân của thái độ tự ti mặc cảm nơi học sinh, sinh viên và nơi cả hàng giáo chức thì không thể phủ nhận một vài ý do sau đây: Trước hết đó là vì tỷ lệ người Công giáo đang còn quá nhỏ bé trong các tập thể xã hội. Với điều kiện chính trị –xã hội nước nhà thì người công giáo xem ra đang bị thua thiệt về quyền lợi công dân trong nhiều lãnh vực. Dù rằng trên lý thuyết thì hiện nay từ Hiến Pháp đến các chủ trương chính sách đều khẳng định sự bình đẳng trong đối xử, nhưng trong thực tế thì chưa có bình đẳng, nhất là trong những lãnh vực mang tính nhạy cảm được gán nhãn mác “có tính chính trị” như là an ninh quốc phòng, viễn thông, giáo dục… đặc biệt vị trí lãnh đạo.
 
Đã nhiều lần, nhiều Đấng bậc trong Giáo Hội lên tiếng về một sự thật không hợp lý đang tồn tại trong xã hội đất nước chúng ta, đó là trong khi các tổ chức nước ngoài đã được tham gia vào công trình giáo dục, còn các tổ chức tôn giáo trong nước thì vẫn còn chịu cảnh đứng bên lề, đúng hơn là chỉ mới được tham gia trong bậc mầm non, nhà trẻ. Tâm lý tự ti mặc cảm nơi chúng ta còn có nguyên nhân chủ quan là nơi chính chúng ta. Một đức tin chưa sâu, cộng với một vốn liếng giáo lý thiếu căn bản, thì cũng có thể là nguyên nhân khiến chúng ta không dám công khai danh phận công giáo của mình khi mà rất nhiều giáo trình dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử… không ngớt công kích tôn giáo, phê phán tôn giáo, cách riêng Kitô giáo là phản động, là một loại thuốc phiện ru ngủ đám đông dân nghèo khổ, là một niềm tin phản khoa hoc, đầy chất mê tín… với nhiều kiểu lý luận thoặt xem ra rất lôgich và có bằng chứng khoa học cũng như lịch sử. Một nguyên nhân khách quan cũng cần đề cập đó là những vị có vai vế, có trọng trách ở trên chúng ta, đang quản lý chúng ta trong công tác giáo dục hình như rất ngại đụng chạm đến tôn giáo, nhất là Kitô giáo, có lẽ một phần vì hiểu không đúng hoặc đã có định kiến không tốt, không đẹp về tôn giáo, hoặc không muốn dây dưa, liên lụy đến phạm trù nhạy cảm dễ bị mang vạ vào thân, đó là tôn giáo.
 
Hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ… (Mt 28,19)
 
Trước bối cảnh tình hình đất nước về chính trị, kinh tế… và đặc biệt giáo dục, là những người được xã hội tôn vinh là những “kỹ sư tâm hồn’ và được Giáo Hội khẳng định là những người con ưu tú, chắc hẳn, quý thầy cô ý thức đựoc vai trò và nhiệm vụ quan trọng và cao cả của mình giữa lòng Giáo Hội cũng như xã hội. Xin được lấy lại lời truyền của Chúa Giêsu trước khi Người về trời để một lần nữa nhắc nhớ cho nhau cái nghĩa vụ mang tính tất yếu gắn liền với căn tính Kitô hữu, đó là làm chúng cho Tin Mừng, là làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
 
Qua bí tích Thánh Tẩy, mọi Kitô hữu đều lãnh nhận sứ vụ cao cả lẫn trọng đại này. Và mỗi người được mời gọi, đúng hơn là được sai đi tùy theo hoàn cảnh, bậc sống và môi trường sống của mình. Qua Công đồng Vatican II, Giáo Hội nhìn nhận vai trò của các Kitô hữu giáo dân như sau: “Giáo Hội không thể chu toàn trọn vẹn sứ mạng thánh hóa thế gian nếu không có những giáo dân thánh hóa thế giới như men từ bên trong, qua các công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và xã hội (GH 31). Sứ mạng của họ không do hàng giáo phẩm chia phần cho, nhưng bắt nguồn từ tính chất đặc thù của ơn gọi giáo dân, đó là tính chất trần thế” (ĐGM Giuse Nguyễn Năng - NS CGvà DT số 177 trang 19-20).
 
Để thực thi sứ mạng tông đồ trong môi trường giáo dục, xin mạo muội đề xuất cùng quý thầy cô một vài thiển ý được phân loại theo các mặt tiêu cực và tích cực.
 
Tiêu cực: Hẳn quý thầy cô đã rõ những biểu hiện tiêu cực mà quý vị nhà giáo nói chung và quý thầy cô công giáo nói riêng cần nỗ lực khử trừ, loại bỏ. Đây là một vấn đề tế nhị, một vấn đề rất có thể là “biết rồi, nói mãi, dễ xa nhau”. Thời gian vừa qua, trên các trang thông tin báo chí, mạng viễn thông đã rộ lên một vài scandal liên quan đến ngành giáo dục, chẳng hạn mới đây như ông hiệu trưởng Xầm Đức Xương trường THPT Việt Vinh Huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang, đã nhận bản án tù 10 năm 6 tháng về tội mua dâm trẻ vị thành niên là chính các học sinh của ông ta. Dù rằng một con sâu có thể làm rầu nồi canh, nhưng một vài cá thể biệt loại, đặc thù, thì không phải là tất cả, hơn nữa môi trường nào, ngành nghề nào, bậc sống nào cũng có sự cá biệt. Điều tiêu cực mà tôi muốn chia sẻ cùng quý thầy cô hôm nay đó là ý thức, đúng hơn là nhận thức của chúng ta còn hạn chế về chính vị trí và vai trò của nhà giáo trước xã hội. Phải chăng đang còn tồn tại nơi chúng ta một cách nào đó nhận thức việc chúng ta đang đảm nhận chỉ là một cái nghề, nghề truyền thụ kiến thức chứ chưa thực sự là công tác giáo dục?
 
Có lẽ cái cơ chế hiện nay như đặt trên vai trên cổ nhà giáo nhiều cái tròng không hợp lý. Không nói gì đến hàng huyện hay hàng tỉnh, ngay viên quan chức hàng xã cũng có thể tự đặt mình lên trên các nhà giáo dục. Cầm tiền thì có quyền là một kiểu hành xử theo quy luật hạ tầng kiến trúc quyết định thượng tầng kiến trúc chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng phản giáo dục. Không ai làm thay, chính quý vị nhà giáo phải tìm cách khẳng định vị trí vai trò của mình để ngạn ngữ “tôn sư trọng đạo” được dần hiện thực.
 
Tích cực: Dù chỉ là thiểu số trong ngành giáo dục và ít được đảm nhận các trọng trách như hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục…, vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân chính là “không có thẻ đảng”, nhưng không vì thế mà chúng ta xem nhẹ vai trò của mình đối với xã hội, cụ thể là với học sinh, sinh viên, tương lai của mọi xã hội. Công đồng Vatican II khẳng định: “Trong tất cả các phương tiện giáo dục, thì học đường giữ một vai trò quan trọng đặc biệt…” (GD số 5). Chúng ta nhìn thấy sự thật này nơi các bé mầm non và tiểu học. Những gì thầy cô biểu là như đinh đóng cột, thậm chí có nhiều khi các bé bộc trực với mẹ cha khi thấy cha mẹ không làm đúng như cô thầy chỉ bảo.
 
Ý thức được tầm quan trọng của vai trò và vị trí của nhà giáo đối với xã hội cũng như đối với Giáo Hội và cũng ý thức đúng về vị thế của quý thầy cô công giáo trong xã hội Việt Nam ta, xin được đề xuất một vài ý kiến cụ thể sau :
 
1. Hãy là chính mình, những nhà giáo dục đích thực: Xin được lướt qua phạm vi đạo đức nghề nghiệp, vì quý thầy cô hẳn đã rõ những yêu cầu về tư cách đạo đức của nhà giáo. Là nhà mô phạm thì không chỉ có cái tâm bên trong mà còn cần có tác phong, cung cách ứng xử phù hợp với vị thế của mình như thuật ngữ “nobless oblige”. Ở đây xin được nhấn mạnh đến chữ tinh của ngành nghề. Đã là thầy cô, là nhà giáo thì phải tinh trong nghề nghiệp mình đảm nhận. Nói cách nôm na là phải biết dạy và dạy giỏi. Thực tế cho ta thấy rằng một thầy cô dạy giỏi thì tiếng nói của vị ấy có trọng lượng trên các em học sinh, sinh viên, với đồng nghiệp và với cả những người lãnh đạo. Trái lại, dù cái tâm của chúng ta có đậm sâu đến đâu mà chuyên môn của chúng ta bị hạn chế hoặc quá bất cập, thì khó mà có ảnh hưởng lớn trên các em cũng như đồng nghiệp.
 
Nâng cao chuyên môn mà mình giảng dạy là một yêu cầu có tính tất yếu. Nâng cao khả năng truyền thụ, tức là khả năng sư phạm cũng là một đòi hỏi không thể xem thường. Chúng ta đừng quên học sinh của chúng ta thời hôm nay khác thời hôm qua, khi mà nguồn thông tin đến với các em thật đa dạng và đa chiều. Làm thế nào để nâng cao tay nghề đây? Một câu hỏi mà chắc chắn nếu khiêm tốn thì quý thầy cô sẽ tìm ra câu trả lời. Đó là phải biết yêu nghề và yêu đối tượng mình giáo dục: Chắc hẳn quý thầy cô hiểu rõ tính tất yếu của đòi hỏi này. Không thể là nhà sư phạm đúng nghĩa nếu chúng ta không thực sự yêu quý ngành nghề chúng ta đang đảm nhận. Đồng thời cũng khó trở thành nhà sư phạm hữu hiệu nếu chúng ta không có lòng với học sinh. Khả năng chuyên môn cao, biết cách truyền đạt có phương pháp hữu hiệu thì đúng và xứng là một nguời giảng dạy. Thế nhưng một người có khả năng truyền thụ kiến thức tốt vẫn chưa chắc là một nhà giáo dục tốt. Xin bỏ ngõ vẫn đề này ở đây để quý thầy cô sẽ trao đổi với nhau trong phần thảo luận với một trong ba câu gợi ý đó là hãy phân biệt tức là nêu lên những điểm giống nhau và khác nhau giữa một nhà truyền thụ kiến thức với một nhà giáo dục đích thực.
 
2. Cần hoàn thiện một cung cách phán đoán quân bình với một vốn liếng kiến thức tương đối đa dạng mang tính tổng hợp cao. Không dám tổng quát hóa, nhưng vẫn còn đó nhiều thầy cô rất chuyên sâu với chuyên môn của mình nhưng lại rất sơ sài trong các lãnh vực khác. Là nhà giáo dục, đào tạo, thiết nghĩ, chúng ta cần có một sự hài hòa nào đó trong vốn liếng kiến thức để rồi có cái nhìn và sự nhận định tương đối quân bình trong các mối tương quan đa chiều của các sự vật hiện tượng, nhất là những gì mang tính thời sự đang ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh, sinh viên.
Xin nhắc lại một lời của Chúa Giêsu: “mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố”. Phải khẳng định với nhau rằng hiện nay trường hợp mù xem ra là rất hy hữu, nhưng tình trạng “quáng gà” thì có thể là phổ biến, nghĩa là thấy không rõ vấn đề, quan sát, nhìn không chính xác các hiện tượng… Đòi hỏi sự chính xác trong cái nhìn và nhận định về sự vật hiện tượng thì như không thể, tuy nhiên chúng ta có thể có cách nhìn ít lệch lạc, ít phiếm diện hơn, nếu chúng ta chịu khó quan sát, lắng nghe, so sánh, phân tích và tổng hợp.
 
Chúng ta hẳn đã rõ, dưới lăng kính tổng hợp, người ta đã đưa ra một khái niệm về con người như sau: con người là một sự tổng hòa các mối tương quan. Cái nhìn này dù không mang tính chuyên sâu, phản ảnh những nét đặc thù, nhưng lại rất quân bình. Đã một thời và có lẽ cũng đang tồn tại trong sự nghiệp giáo dục nước nhà đó là đào tạo ra những thành viên đoạt giải cao trong các kỳ thi nội địa hay quốc tế nhưng lại không có khả năng hội nhập với môi trường sống, thiếu khả năng phán đoán, nhận định quân bình, chuẩn mực và như thế sẽ hạn chế trong kỹ năng sống, hòa nhập với cộng đoàn trong tinh thần trách nhiệm và liên đới. Trong thời gian tới, nhờ nhận được sự tích cực cộng tác của nhiều cha trong giáo phận, UBGD Kitô giáo giáo phận nhà sẽ giúp quý thầy cô tiếp cận với cái nhìn của Giáo Hội Công giáo qua học thuyết xã hội.
 
3. Hãy là những thầy cô công giáo: Phải chăng khi đi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và các Lễ trọng là dấu chỉ chúng ta là thầy cô công giáo? Phải chăng khi tham dự các buổi tiệc ở nhà trường chúng ta có làm dấu thánh giá thì chứng tỏ chúng ta là nhà giáo công giáo? Chúng ta thừa biết là không hẳn thế. Chúa Kitô đã minh định rõ: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, đó là chúng con yêu thương nhau” (x. Ga 13,35). Xin đừng quên đây là tình yêu vượt lên trên tình cảm nhân loại thường tình. Chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta (x. Ga 15,12). Làm sao chúng ta có thể biết mình đã yêu thương nhau, yêu thương học sinh, yêu thương đồng nghiệp… như Chúa yêu thương?
 
Câu trả lời thật đơn giản đó là khi ta có Chúa ở cùng, khi ta nên một với Chúa. Khi ở cùng Chúa và nên một với Chúa thì chúng ta sẽ có thái độ ứng xử như Chúa, theo tinh thần của Chúa. Để được vậy, không gì hơn xin quý thầy cô hãy gắn bó với Chúa bằng sự cầu nguyện. Sao ta lại thấy một chút hãnh diện hay tự hào nào đó khi xem thấy một cầu thủ trước khi ra sân bóng hay sau khi ghi được một bàn thằng thì làm dấu thánh giá, còn chúng ta thì không kết hiệp với Chúa ngay trong việc giảng dạy của chúng ta. Dĩ nhiên không ai đòi hỏi quý thầy cô làm dấu thánh giá nhưng một tâm tình cầu nguyện, một lời kinh âm thầm là rất có thể. Chắc chắn hầu hết trong chúng ta thuộc lòng lời kinh: “Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con làm từ khởi sự cho đến hoàn thành đều bởi ơn Chúa – Amen”.
 
Bên cạnh tâm tình cầu nguyện, xin quý thầy cô chịu khó gắn bó với Lời Chúa trong Thánh Kinh, ít là qua các trang Tin Mừng. Hội Thánh dạy chúng ta rằng: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Chính cái biết về Chúa Kitô sẽ làm quân bình những cái biết của chúng ta về mặt chuyên môn ở đời, ngoài xã hội. Thử hỏi trong quý thầy cô đây nếu khi chúng ta nghe những luận điệu công kích rằng tôn giáo là thuốc phiện, Thánh Kinh là phản khoa học vì dạy rằng con người được dựng nên do Chúa lấy đất bùn mà nặn thành trong khi đó học thuyết tiến hóa minh chứng rằng con người là kết quả của quá trình tiến hóa từ thấp lên cao, mà gần nhất là từ loài linh trưởng tiến hóa thành loài người, thì thái độ của chúng ta ra sao? Cố chấp không muốn nghe hay tự ti mặc cảm hay bình thản đón nhận và tìm cách giải thích bằng cả luận lý và bằng cả niềm tin cho chính mình lẫn đồng nghiệp?
 
4. Đừng sợ: Điều cuối cùng xin được lấy lại lời của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và của Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI để chia sẻ cùng quý thầy cô đó là đừng sợ! Đừng sợ làm cánh én nhỏ giữa trời giá lạnh để báo mùa xuân đang về. Đừng sợ làm chứng nhân của tình yêu trong sự thật.
 
Gần đây nhiều người có thao thức với vận mệnh quê huơng, với tiền đồ dân tộc đã mạnh mẽ góp ý cho công cuộc giáo dục đã thẳng thắn nêu lên một nguyên nhân chính đó là cái cơ chế. Nói đến cơ chế là nói đến chủ trương, chính sách, luật lệ. Nói đến luật lệ, chính sách, chủ trương là nói đến những người có vai vế cao, đang lãnh đạo đất nước. Ai cũng mong cơ chế thay đổi để sự nghiệp giáo dục được đổi thay, thoát khỏi cảnh trì trệ, lạc hậu. Về mặt tự nhiên thì nhờ mùa xuân về mà những cánh én được bay cao, nhưng về mặt xã hội thì cái biện chứng “thay đổi về lượng sẽ làm thay đổi về chất” lại nhiều khi rất ứng hợp. Chính nhờ từng cá nhân, nhiều cá nhân hữu trách đã mạnh dạn giao đất cho nông dân, thành quả nhãn tiền là năng suất tăng gấp bội, và thế là cơ chế hợp tác xã phải đổi thay nhường lại cho cơ chế khoán 10, tức là giao đất thẳng cho người nông dân quản lý. Chắc chắn con én nhỏ Đỗ Việt Khoa đã góp phần không nhỏ để làm hé lộ mùa xuân của Ngành giáo dục với tiêu chí “ba không”. Dù rằng một con én không làm nên mùa xuân, nhưng sẽ không bao giờ có mùa xuân nếu không có một con én bay lên, một con én khác bay lên và nhiều con én cùng bay lên.
 
Xã hội luôn đặt niềm tin ở quý thầy cô, Giáo Hội kỳ vọng ở quý thầy cô và Thiên Chúa cũng đặt hy vọng nơi quý thầy cô, những người đào tạo nên thế hệ tương lai.

Tác giả: Lm Nguyễn Văn Nghĩa HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế.

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 34 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 4.9 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập223
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm213
  • Hôm nay25,511
  • Tháng hiện tại270,919
  • Tổng lượt truy cập67,295,766
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây