Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Bệnh nhân MERS diễn tiến như thế nào khi bị nhiễm virus

-

-

Người bệnh MERS khởi phát với những biểu hiện thông thường như sốt, ho, khó thở; sau đó nặng hơn là viêm phổi, suy hô hấp cấp, có thể bị tiêu chảy rồi suy thận, sốc nhiễm trùng. Tỷ lệ tử vong 35-40%.
Bệnh nhân MERS diễn tiến như thế nào khi bị nhiễm virus
 
Người bệnh MERS khởi phát với những biểu hiện thông thường như sốt, ho, khó thở; sau đó nặng hơn là viêm phổi, suy hô hấp cấp, có thể bị tiêu chảy rồi suy thận, sốc nhiễm trùng. Tỷ lệ tử vong 35-40%.
 
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Hội chứng viêm hô hấp cấp vùng Trung Đông là bệnh truyền nhiễm nhóm A do một chủng virus mới của họ corona gây nên (MERS-CoV). Nó tương tự như virus gây SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hoặc cảm lạnh thông thường.
 
Virus MERS-CoV có thể có nguồn gốc từ loài dơi rồi truyền sang lạc đà, sau đó lạc đà trở thành ổ chứa virus chính lây bệnh tiên phát sang người. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày.
 

Các đường lây truyền virus MERS-Cov. Ảnh: H.A.
 
Các ca bệnh được ghi nhận đến nay là những người đã sống trong hoặc đi du lịch đến Trung Đông, hoặc tiếp xúc gần với người bệnh. Người bệnh có biểu hiện từ nhẹ như sốt, ho đến nặng hơn như khó thở, viêm phổi, suy hô hấp cấp - cần thở máy. Ngoài ra, bệnh có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao.Virus MERS-CoV gây bệnh nặng hơn ở những người có hệ miễn dịch yếu, người già và người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, ung thư, phổi mãn tính. Tỷ lệ tử vong của bệnh lên đến 35-40%. Trong dịch SARS năm 2003, khoảng 25% người bệnh bị suy hô hấp nặng và 10% tử vong.
 
Một số người nhiễm virus có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có văcxin phòng bệnh.
 
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, triệu chứng khởi phát thường gặp là sốt, ho, ớn lạnh, đau họng, đau cơ-khớp. Sau đó bệnh nhân xuất hiện khó thở và tiến triển nhanh tới viêm phổi. Khoảng 1/3 số bệnh nhân có các triệu chứng tiêu hóa như nôn và tiêu chảy. Một nửa số bệnh nhân tiến triển thành viêm phổi và 10% sẽ nặng thành ARDS - hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển.
 
Theo tiến sĩ Kính, giống như SARS, bệnh MERS-CoV hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ là điều trị triệu chứng và chữa các rối loạn chức năng, trong đó chú trọng điều trị suy hô hấp cấp như thở máy, làm ECMO khi cần thiết và suy thận cấp (lọc máu, duy trì huyết áp, lợi tiểu...). Điều trị hỗ trợ có thể là nhỏ mũi bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường; hạ sốt bằng paracetamol; điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan; sử dụng kháng sinh phổ rộng; tăng cường miễn dịch…
 
Do đó, tiến sĩ Kính khuyến cáo các bác sĩ cần triển khai những biện pháp điều trị theo đúng phác đồ đã đưa ra đối với điều trị bệnh nhân MERS.
 
Ca bệnh đầu tiên trên thế giới được ghi nhận vào tháng 4/2012 tại Arabia Saudi. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến nay đã có 1.209 ca mắc, ít nhất 448 người đã tử vong tại 26 quốc gia. Trong đó vùng Trung Đông bệnh xuất hiện ở 9 quốc gia; Mỹ và Châu Âu: 12 quốc gia, Châu Á có 4 quốc gia ghi nhận bệnh nhân MERS gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia. Tại Hàn Quốc đã có 87 trường hợp mắc, với 6 ca tử vong.

 
Cách phòng ngừa dịch MERS

Hoàng Oanh (Infographic: SCMP)

Tác giả: Nam Phương

Nguồn tin: suckhoe.vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây