Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Linh mục Georges Lefas với phong trào Hướng đạo tại Thiên Hựu Học đường (L’Institut de la Providence) Huế

Trường Thiên Hựu là một trường Tây, trường của Giáo hội Công giáo, dạy tiếng Pháp theo chương trình tú tài Pháp, thành lập năm 1933. Trường do Cha Ngô Đình Thục (sau này là Tổng Giám mục địa phận Huế, cử nhân Triết học) làm Hiệu trưởng trên phương diện pháp lý.
Linh mục Georges Lefas
 
Trường theo kiến trúc của Pháp, ba tầng lầu, nằm ở tả ngạn sông Hương, phía nam là núi Ngự Bình, trường nằm trên một diện tích dài 73 thước, chạy dọc theo đại lộ Khải Định, gần Tòa Giám mục và đối diện với Tu viện dòng Chúa Cứu Thế. Người xây dựng ngôi trường này là kiến trúc sư, thầu khoán Đinh Doãn Sắc dưới sự chỉ dẫn của Cha Douchet. Ngoại trừ nhà nguyện thì do kiến trúc sư André Duthoit lên đồ án tặng không cho trường.

Ngay từ ngày thành lập, trường Thiên Hựu đã có 132 học sinh trong tổng số 190 ghi danh xin học, bao gồm 115 học sinh Việt Nam, 17 học sinh Pháp, 29 học sinh Công giáo, và 103 học sinh các tôn giáo khác như Phật giáo, Khổng giáo, đạo thờ cúng Ông bà, v..v…
 

Ban giảng huấn của trường hầu hết là các linh mục Công giáo người Pháp, phần lớn được gởi tới từ dòng Thừa Sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris), như Đức cha Chabanon, Lemasle, Dancette, Massiot, Quéguinier, Duval, Petitjean, Oxarango, Kermarrec… và cả Cha Georges Lefas, người đã từng chứng kiến những thăng trầm lịch sử của trường từ những ngày đầu thành lập cho đến những năm đầu thập niên 70, và cũng là một trưởng rất tận tụy với phong trào Hướng đạo tại Đông Dương. Cha Lefas là Tuyên úy của đoàn Lyautey, một đoàn Hướng đạo nửa Tây nửa Mít của trường Thiên Hựu.

Linh mục Georges Lefas là một trưởng Hướng đạo thuộc Hướng đạo Công giáo Pháp (Scouts de France), từng góp mặt trong trại huấn luyện Trưởng Hướng đạo Đông Dương đầu tiên tại Đà Lạt năm 1936 cùng với Raoul Serène, Emmanuel Niédrist, Hoàng Đạo Thúy, Trần Văn Khắc…

Năm 1937 khi Tổng Cục Liên Hội Hướng đạo Đông Dương thành lập, linh mục Georges Lefas được cử làm Tổng tuyên úy (Aumonier Général de la Fédération Indochinoise des Associations du Scoutisme) cho đến năm 1945. Tên Rừng của Ngài là Loup Rêveur (Sói Mơ Mộng) và thường xuyên viết bài cho báo “Chef” (Revue Mensuelle, Organer Officiel des Chefs de la Fédération Indochinoise de Scoutisme) của Liên Hội Hướng đạo Đông Dương.

Linh mục George Lefas sinh năm 1906, thuộc nhóm Truyền giáo hải ngoại Paris-Missions Étrangères de Paris (MEP) đã từng trở lại Việt Nam trong cuộc hành hương đến Huế vào năm 2001. Ngài đã từng gắn bó gần 40 năm tại Institut de la Providence, Institution Jeanne d’Arc và Đại học Huế, khoa Nhân văn và Sư phạm (Facultés des Lettres et de Pédagogie, Université de Huế). Ngài từ trần vào cuối tháng 11 năm 2002 tại Avignon (gần Lyon) Pháp quốc, thọ 96 tuổi.

Bên cạnh các linh mục người Pháp còn có các Cha Việt Nam như các linh mục Nguyễn Văn Thích*, Nguyễn Kim Bính, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Văn Thuận, Trần Hữu Tôn...

Ngoài ra còn có một số giáo sư nổi tiếng cũng là hướng đạo trong trường giảng dạy như: Trần Điền (sau này là Thượng nghị sĩ thời VNCH, từng là Tổng Ủy viên Hướng đạo Việt Nam), Trần Văn Tuyên (từng là luật sư, tráng sinh Tráng đoàn Lam Sơn của trưởng Hoàng Đạo Thúy), Tạ Quang Bửu (Tổng ủy viên Hướng đạo Trung kỳ cùng với Tr. Emmanuel Nierdrist, sau này là Bộ trưởng Bộ Đại học của VNDCCH)…

Trưởng Tôn Thất Thiện cũng đã từng học và là đoàn sinh của đoàn Lyautey ở trường Thiên Hựu, trưởng đã được chọn làm chủ tọa cho buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Thiên Hựu Học Đường vào năm 1958, trưởng đã có nhận xét: “Cũng như những năm đi hướng đạo, thời gian học trường Providence góp một phần rất lớn trong sự tạo điều kiện cho tôi tiến dễ dàng trên đường đời sau này… Ở đó tôi được giáo huấn rất kỹ lưỡng, đặc biệt về sinh ngữ Pháp và Anh. Các thầy giáo Pháp cũng như Việt, vừa nhiều khả năng, vừa dạy rất tận tâm chu đáo, vừa nghiêm túc, đòi hỏi ở học sinh nhiều sự cố gắng. Nhờ đó sau này tôi dự thi và theo học các trường đại học lớn của Anh (như London School of Economics), cũng như của Thụy Sỹ dễ dàng.”
 
thien huu 5

Tưởng cũng nên biết, trưởng Tôn Thất Thiện đã được Cha Lefas tuyển chọn đi dự trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới lần thứ VI tại Moisson, Pháp quốc năm 1947. Trong một bài viết của trưởng đăng trong Liên Lạc số 45, tháng 3 năm 2003 có viết: “Cần nhấn mạnh, tôi đi được chuyến này là nhờ Cha Lefas. Chính Cha là người đề nghị cho tui tham gia Phái đoàn “Eclaireurs d’Indochine”. Hồi đó Tổng ủy viên Hướng đạo Đông Dương xin được phép gởi một đoàn Hướng đạo Đông Dương đi dự Jamboree nói trên, do Phủ Cao ủy Pháp ở Đông Dương đài thọ các chi phí. Có đại diện “ba Kỳ” (Nam, Trung, Bắc). Về Bắc kỳ thì anh Thao được đề cử… Về Trung kỳ thì tui được đề cử, mà người đề cử tui là Cha Lefas. Về Nam kỳ thì họ gởi nguyên một đoàn đầy đủ… Chuyện Cha Lefas mà tui kể lại dài dòng ở đây là vì có liên quan đến Hướng đạo, mà lại nói lên tinh thần không kỳ thị chủng tộc và để có thêm yếu tố mỗi khi đề cập đến “Tinh thần Hướng đạo”... Cha Lefas, lúc ở Huế, ông cố đạo này thường sinh hoạt với hướng đạo ở nhà L’Acceuil, cạnh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nơi đó ngoài đoàn Lyautey còn có Bầy Lê Lai nữa. Lúc ấy là thời gian cực thịnh của Hướng đạo Huế.”
 

Nhắc đến trường Thiên Hựu và phong trào Hướng đạo thì có rất nhiều người nhắc đến, Nguyễn Thành Thống (hay còn gọi là Petrus Paulus Thống) đã từng sinh hoạt trong Tráng đoàn Hoan Thiện (Huế) và Tráng đoàn Hùng Vương và Thiếu đoàn Lê Lợi (Đà Lạt), có viết trong bài “Tự Thuật 3” như sau: “Tôi được gửi ra học tại Trường Trung Học Thiên Hựu Huế. Đây là một trường trung học nội trú của Công giáo có từ năm 1933, một trường Trung học tư thục rất nổi tiếng và dạy chương trình Pháp. Khi mới được thành lập trường này có cái tên Tây là «Institut de la Providence». Chúng tôi có nhiều bậc đàn anh nổi tiếng xuất thân từ trường này. Ở cánh bắc thì có Phan Ngọc và Cao Xuân Hạo, hai vị này được học ở đây hai năm đầu cấp. Ở phía nam thì có các vị như: Dương Thiệu Tống, Bùi Xuân Bào, Tôn Thất Thiện, Lý Chánh Trung, Lê Thành Trị, Lê Thanh Minh Châu…Vào thời gian này Trường Thiên Hựu dạy song song hai chương trình Pháp và Việt. Ở trường Thiên Hựu tôi lại được may mắn «thọ giáo» các «đại tôn sư » Georges Lefas, Modeste Duval, Jean Oxarango, M.G.Cressonnier, và hai giáo sư người Pháp do Địa phận Nha Trang chi viện. Đó là cha J.J.A.Larroque, dạy môn vật lý, và cha René Gantier … Ở Thiên Hựu hai giáo sư tôi thán phục nhất là cha Lefas và cha Duval. Cha Lefas là một huynh trưởng kỳ cựu của Hướng Đạo Pháp.”
 

Cũng trong một bài viết của trưởng Bửu Sao đã có ghi về phong trào Hướng đạo tại mái trường thân yêu này: “Tại trường Providence có cái lệ cứ đến lễ Saint Georges, quan thầy Hướng đạo, thì các HĐS trường đến trường phải mặc đồng phục với tất cả huy hiệu. Mấy anh Trưởng dạy ở đó cũng phải mặc đồng phục đi dạy nữa.”
 

Trường Thiên Hựu (hay Thiên Hựu Học Đường, đúng như tên gọi mà Cha Nguyễn Văn Thích đã đặt từ những năm đầu thành lập) bây giờ là trường Đại học Khoa học Huế, nằm trên ba đường phố lớn của thành phố là Nguyễn Huệ, Đống Đa và Lý Thường Kiệt.
………………………………………

*Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích là tác giả bài “Đến nơi nguồn thật” (hay gọi tắt là “Nguồn Thật”) thường được sử dụng trong nghi thức của phong trào Hướng đạo Việt Nam, bài này khi hát không nên vỗ tay: “Anh em chúng ta chung một đường lên. Chung một đường lên đến nơi nguồn thật. Nguồn thật là đây sức sống vô biên. Sống vô biên là sống cùng tạo vật.”

Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978) đã từng là giáo sư của trường Thiên Hựu từ năm 1933 đến 1937. Đến năm 1941, Ngài sinh hoạt với phong trào Hướng đạo ở Huế, và trở thành Tổng Tuyên úy Hướng đạo Công giáo Huế từ năm 1949, sau đó Tổng Tuyên úy Hướng đạo toàn quốc từ năm 1953.

Chuyên mục của GẤU TẬN TUỴ
-----------------------------------
Tham khảo:
. Institut de la Providence à Hué của Georges Lefas (SMEP) đăng trong tập san Tiếng Sông Hương phát hành tại Dallas, Texas, 1994.

. Youth Mobilization in Vichy Indochina and Its Legacies, 1940 to 1970
của Anne Raffin, dưới đề mục Empire under Occupation, Chapter Two. Nhà xuất bản Lexington Books, 2005.

. “Ba giai đoạn, một cuộc chơi” của Bửu Sao đăng trong Liên Lạc bộ mới số 28, phát hành tháng 9 năm 1998.

(Thanh Huyền sưu tầm)
Nguồn: FB. Thành Ngô Văn
https://www.facebook.com/thanh.ngovan.3517563/posts/pfbid02jiQEZ2VwsRitm4qwkw8p8doxXqeNRwKMs8Ya78KACZKo5sh2fkThSffsMxkAkqtVl
 

Tác giả: FB. Thành Ngô Văn

Nguồn tin: www.facebook.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây