Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Tết đoàn viên

Người Việt là thế! Kiểu gì thì Tết cũng phải gặp gỡ nhau, chúc tụng nhau, mừng tuổi nhau. Không đoàn viên kiểu này thì đoàn tụ kiểu khác. Kết nối thành công giữa truyền thống và hiện đại là đây chứ đâu.
Tết đoàn viên
Chữ Tết trong tiếng Việt có nguồn gốc từ chữ tiết () trong chữ Hán. Lịch pháp Trung Hoa chia thời gian trong một năm thành 24 tiết: xuân phân, thanh minh, hạ chí, thu phân, đông chí... Đó là cách nhân sinh “ngắt” chuỗi thời gian bất tận của tự nhiên, thành những chu kỳ nhằm thích nghi và hoà nhập với nhịp điệu của vũ trụ.

Người Việt dựa vào sự “ngắt nhịp” thời gian ấy, biến các tiết trong năm thành những cái Tết mang dấu ấn riêng của văn hóa Việt: Tết Cả (tiết Nguyên đán), Tết Nguyên tiêu (tiết Thượng nguyên), Tết bánh trôi (tiết Hàn thực), Tết mồng Năm (tiết Đoan ngọ), Tết trông trăng (tiết Trung thu), Tết cơm mới (tiết Hạ nguyên)… Trong số đó, Nguyên đán là Tết to nhất, dài ngày nhất, rộn ràng nhất và, trên tất cả, đó là Tết đoàn viên của người Việt.

Gọi Nguyên đán là Tết đoàn viên, bởi vì đó là thời khắc sum họp của người Việt. Dù có đi làm ăn ở nơi đâu, thì khi “xuân về, Tết đến”, người Việt nào cũng đều mong được về Tết để đoàn tụ với gia đình, họ tộc và quê hương. Họ vất vả làm lụng suốt năm, nhưng luôn tiết kiệm một khoản tiền, để dành một khoản thời gian và dự trữ một phần sinh lực... để chuẩn bị cho chuyến hồi hương đón Tết bên những người thân yêu.

Sự đoàn tụ này không chỉ diễn ra giữa những người đang sống với nhau, mà cả với những người ở cõi dương với người ở cõi âm. Đó là lý do vì sao trước Tết, người Việt thường đi viếng mộ phần tổ tiên hay nhà thờ gia tộc. Họ đến đó vun đắp những nấm mộ đã tàn, nhổ bụi cỏ dại, chăm sóc khóm hoa trồng nơi mộ phần, rồi thắp nhang tưởng niệm người quá cố, khấn mời người đã khuất cùng về vui Tết với gia đình, họ tộc.

Về Tết không chỉ là về với gia đình thân thuộc của mình mà còn về với quê hương, bản quán. Với những ai còn giữ mối liên hệ ruột rà nơi quê cũ thì Tết là dịp để họ trở về thăm bà con chốn ấy. Họ biếu người này hộp trà, người kia quả mứt. Người miệt quê cũng hào hiệp đáp lễ người thị thành bằng dăm ba ký nếp, vài cân đậu hay nhành mai chúm chím nụ vàng, lòng những mong cái Tết nơi phố phường sẽ thấm đẫm tình quê.

Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết chính là biểu trưng cao nhất của Tết đoàn viên. Lúc này dường như mọi thành viên trong gia đình đã gác hết sự tất bật, bận rộn của cuộc mưu sinh để quây quần bên mâm cơm cuối năm. Mỹ tục này được người Việt duy trì từ bao đời nay, nên dù đi làm ăn xa hay gần thì đến chiều 30 Tết, ai ai cũng tìm cách đoàn tụ với gia đình trong “bữa cơm đặc biệt” này. Không chỉ đoàn tụ với người sống, họ còn muốn tìm trong khoảnh khắc thiêng liêng này hình ảnh những người thân đã khuất bóng.

Tết đoàn viên là vậy!

Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đang dần mang nhũng cái Tết đoàn viên theo nghĩa thực rời xa những con dân nước Việt. Bởi lẽ, ngày càng có nhiều người Việt rời bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình để học tập, kiếm sống hay mưu cầu sự nghiệp ở xứ khác, không chỉ bên ngoài luỹ tre làng thân thuộc, mà cả bên ngoài biên giới quốc gia. Vì vậy, “về quê ăn Tết” đã trở thành hoài niệm, hay chỉ là “giấc mơ Xuân” của nhiều người Việt xa xứ.

Nhưng có hề chi, người Việt lại nghĩ ra cách khác để được đắm mình trong không khí của Tết đoàn viên, nhờ tiện ích của sự kết nối viễn thông liên lục địa.

Chừng mươi năm trước, nhiều gia đình người Việt có người thân ở nước ngoài, cứ đến chiều 30 Tết thì tập trung về một nhà, nơi có chiếc điện thoại kết nối với mạng viễn thông quốc tế, để chờ đón cuộc “đoàn tụ” với người thân trên sóng điện thoại. Chiếc điện thoại được bật loa ngoài, sau lời chúc Tết của con cháu ở nơi xa, thì đến lượt các thành viên trong gia đình, lớn trước nhỏ sau, trò chuyện, hỏi thăm, chúc Tết qua điện thoại đến người ở nơi xa.

Gần đây, với sự phát triển vượt bật của công nghệ thông tin và sự lan toả không giới hạn của mạng xã hội, người Việt xa xứ có thêm nhiều cơ hội và phương tiện đón Tết đoàn viên với gia đình, không chỉ kết nối bằng lời nói, mà bằng những hình ảnh sống động và chân thực nhất thông qua live stream.
 
Nhiều gia đình bày biện phòng khách thành một phòng sinh hoạt chung của gia đình trong dịp Tết. Đó là nơi chưng những cành đào thắm, bình mai vàng hay chậu quất kiểng; trên tường có lịch năm mới, có chữ Hán chúc phúc vừa xin được từ ông đồ già ở trên phố cổ; có mâm ngũ quả dâng trên bàn thờ gia tiên; có mứt bánh bày biện lớp lang đây đó… Tất cả chỉ đợi đến lúc Giao thừa, hay bất kỳ lúc nào mà người thân ở nơi xa có thời gian thuận tiện để kết nối, là bắt đầu một cuộc live stream cho một cái Tết đoàn viên trên cõi mạng. Một tiếng chuông reo, camera trên chiếc điện thoại thông minh của đứa cháu linh lợi nhất trong gia đình đã bật lên, khung cảnh đón Tết và hình ảnh thân thương của mọi thành viên trong gia đình lập tức được truyền đến cho người thân ở xa. Ở “đầu cầu” bên kia, mọi việc cũng diễn ra tương tự. Những lời chúc mừng, hỏi han lần lượt vang lên; tiếng cười xen lẫn tiếng khóc. Vì nhớ, vì thương, vì mừng gặp mặt…

Ấy là Tết đoàn viên của thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Người Việt là thế! Kiểu gì thì Tết cũng phải gặp gỡ nhau, chúc tụng nhau, mừng tuổi nhau. Không đoàn viên kiểu này thì đoàn tụ kiểu khác. Kết nối thành công giữa truyền thống và hiện đại là đây chứ đâu.

Tác giả: Trần Đức Anh Sơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây