Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Đạo lý Việt Nam

Đi qua mọi thăng trầm còn mất của lịch sử, muôn dân càng chăm nom và làm giàu hơn đạo lý Việt Nam!
Từ lúc thiếu thời, tôi thích thú mãi câu chuyện về thời Lý. Rằng, bấy giờ, khi vua ốm nặng, hoàng hậu họ Đỗ xin lập Long Xưởng. Vua nói: Làm con bất hiếu thì trị dân làm sao được? Ít lâu sau, nhà vua băng hà, để lại di chiếu cho Long Trát lên ngôi và giao cho Tô Hiến Thành phò tá ấu chúa.

Nhưng, Đỗ Thái hậu muốn phế Long Trát để lập con trai lên làm vua, bèn đem vàng bạc đút cho vợ của Tô Hiến Thành. Tô Hiến Thành biết được, đã nói rằng: Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ để lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại lấy của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng.

Thái hậu lại gọi Tô Hiến Thành đến thuyết phục nhưng ông vẫn một mực nói: Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quan hay sao? Thần không dám vâng lệnh.

Tôi mơ hồ hiểu về đạo lý ở đời. Rằng, nó không đòi phải người ta thuộc làu làu các điều giáo lý hay chú mục trích lục từ chương, mà vẫn tự thấy được lối đi cho mình, giải thoát mọi ràng trói và tìm thấy tự do cho bản thân, vì sự yên hàn của xã tắc.

Nhưng, lâu mãi, giờ thích thú hơn cả vẫn là chuyện mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại. Rằng, trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần hai, trước thế giặc mạnh như chẻ tre, Trần Thánh Tông từng vờ bảo Trần Quốc Tuấn rằng: "Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi". Quốc Tuấn trả lời: "Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng"!
 
dao ly viet nam 1
Đạo lý Việt Nam được nuôi dưỡng qua thăng trầm dựng nước và giữ nước.

Thì ra, đạo lý ở đời lại nằm ở chỗ tưởng như nó vô hình nhưng hiện hữu, thích ứng và hiệu quả tức thì. Nó không chỉ thành hình ở lời nói, mà cái quyết định nhất lại ở kết quả của việc làm. Phẩm hạnh, khí phách oanh liệt mà vẫn thật ung dung, tự tại nhưng rất rực rỡ, hào hùng.

Rõ rằng, đạo ở khắp đất giời, hiện hữu nơi nơi.  Nó ẩn tàng trong muôn vật thiên nhiên, hóa thân vào muôn người dân tộc mà không thể minh định chi ly, chẳng thể chia cắt rạch ròi. Nó vô hình nhưng lại hữu dạng. Nó trừu tượng nhưng lại hiện hữu. Nó bất biến nhưng lại đắp đổi vô biên. Nó vận hành bằng nhiều con đường biến ảo khác nhau nhưng lại hiện hình và nắm bắt lấy nó thật là cụ thể. Bởi nhờ vào cái lý đi theo sau nó làm nên đạo lý.

Quy luật và nguyên tắc chính cái lý tự nhiên của đời, làm cho cái đạo càng sáng tỏ. Chuyện về Gián nghị đại phu Trần Trung Tá khẳng khái hay về Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo lừng lẫy, chính là những chuyện về đạo làm quan của đạo lý Việt Nam trên đời.

Đạo lý ấy là con đường, là phương hướng, ấy chính là lối dẫn, là cách xử thế để con người đi đến mục tiêu hay lý tưởng mà mình hay nhân quần theo đuổi và làm nên. Đấy là đạo lý làm người, làm quốc gia dân tộc Việt Nam xứng đáng ở trên đời vậy.

Khi giữ được đạo là lúc khắc chế mình, không thể vượt ra khỏi giới hạn tự nhiên của bản thân. Mà hễ vượt qua cái làn ranh mong manh ấy, lập tức phải trả giá cho hành động của mình. Đó cũng là kết tinh lý, trí, khí, bản lĩnh và hành động người.

Vì, nhân là tính người, nó phân biệt với thú vật. Nhân là tình người, nó nối kết người này với người khác. Có tự kiềm chế, khắc kỷ, khép mình vào lễ, nghĩa, liêm, sỉ mới nên người. Có mở rộng tầm nhìn, lấy “văn” mà tô đẹp mới thành người. Có gắn bó với người khác mới thật là người. Có thấu hiểu bản thân, tri thiên mệnh mới là con người trưởng thành. Một học giả đã nói chí lý như thế. Ấy là hiện thân đạo lý làm người!

Nhiều người làm nên cộng đồng, rồi thành quốc gia dân tộc. Thời thế chuyển biến, xoay vần, người ta có thể thay chính kiến, nhưng không hề đổi đạo lý. Đó là cái bất biến của đạo lý Việt Nam ta.

Đã là đạo lý thì là máu, thịt, tim, óc, là linh hồn, khí phách của con người, là tinh hoa, phẩm giá, bản lĩnh của cộng đồng, quốc gia dân tộc, không thể xa rời, dù trong khoảnh khắc.

Khi đã giữ đạo lý thì không vì giàu sang mà sa đọa, không vì nghèo khó mà lìa xa cái đã theo; vì cái đã chọn thì dù chết, quyết không khuất phục trước nạn bạo quyền. Vì, khi đã tôn thờ đạo lý, thì trong mọi sự bang giao, luôn giữ tình hữu hảo, nhưng quyết không thể lùi bước trước bất kỳ mối đe dọa, không chế hay họa ngoại xâm nào. “Đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”, “Thà đui mà giữ đạo nhà”, “Quốc thể tối thượng”, “Quốc dân vô giá”…. cũng là vậy.

Thời buổi nào cũng thế, dù liên minh với ai, bang giao với dân tộc nào đi nữa, ta vẫn giữ con đường đi ngay ngắn, tâm thế ung dung, tấm lòng hòa mục, tính cách khẳng khái, vì tuân thủ cái đạo của chính mình đã tôn thờ. Rằng, độc lập nhưng quảng giao, tự do mà thấm đẫm pháp lý và nhân tình.

Và, rằng, nhỏ mà không yếu, nhún nhường mà không hèn, lùi bước mà không thua, kiên quyết mà khôn khéo… là nguyên tắc vô cương xử thế của cái Lý.

Như thế, chính là sự khẳng định cái bản ngã của mình, linh hồn và khí phách của dân tộc mình!

Hiểu được đạo lý là biết tự chỉ trích mình, khi thất bại; biết tự học hỏi khi yếu kém; biết lãnh trách nhiệm, khi lầm lỗi và tự biết điều chỉnh khiếm khuyết, khi ngộ ra; biết tự cân bằng trước những dục vọng, những cám dỗ; biết vận trù cái dù là cần thiết tới cái giới hạn cần phải dừng; biết phải tiến, khi không thể lùi được nữa, buộc phải cương quyết khi đã giữ tận cùng gìn giữ cái nhu…  để quật khởi và giữ trọn mình là chính mình, để cảnh giới và quyết tử vì quyền tự nhiên độc lập tự do bất khả xâm phạm của quốc gia dân tộc mình.

Tất cả như thế, giữ đạo lý trên đời ngõ hầu chỉ cốt giữ cái nền móng để làm người cho ra người trên đời, chỉ cốt dưỡng cái nhuệ khí kiến thiết và bảo vệ quốc gia xã tắc cho xứng đáng là quốc gia xã tắc trong cõi hoàn cầu! Không thể dung thứ kiểu “đạo lý cho người và đạo lý cho ta”(!)

Sâu hơn pháp luật là lòng nhân, là tình người. Lấy nhân mà sửa mình, trước nhất là những người mang trọng trách phải làm gương, thì hình pháp sẽ bớt dùng, chữ nhân tỏa rộng. Có nhân thì nhân ở, vô nhân thì nhân chẩm. Khi cần, thì pháp luật thượng tôn, với “Quốc pháp vô thân”.

Đức trị hài hòa với pháp trị, muôn dặm xã tắc sẽ bình yên, và cả hai cùng tỏa sáng. Không ai khác, các yếu nhân trong thiên hạ phải biết làm gương trước nhất.

Cao hơn mọi quyền uy là lễ. Lấy lễ làm đầu thì tự nhiên quyền uy không cần dưỡng đã tự nó mạnh mẽ. Trong bang giao, giữ lễ làm trọng, thì nền độc lập tự do dân tộc chưa cần thuyết giáo ngoại giao đã tự nó đã rực rỡ văn hiến mà kẻ nào âm mưu xâm phạm đã là sự vô lễ, vô pháp và vô đạo rồi.

Người gánh đại sự quốc gia giữ lễ khi xử thế, thủ lễ lúc bang giao là đã thành công một nửa rồi! Nhưng, khi cần buộc phải nổi một trận gió to quét sạch ngoại xâm, thì quyết không lùi bước, để bố cáo khắp thiên hạ rằng: “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Ấy cũng chính là cách xử thế cuối cùng của lễ trong bang giao vậy.

Bao trùm, cần thấm đẫm trong ức vạn người phải là liêm. Bất liêm sinh trộm cắp, trộm cắp thì tự diệt mình, lại làm phong hóa bại hoại, đạo lý tổn thương.
 
-
Đạo lý Việt Nam được giữ gìn, phát huy

Từ những người cầm cương xã hội, nếu giữ mình thanh liêm, lại không phù hoa xa xỉ, tới những thân phận muôn dân dẫu mình nghèo mà không hèn, lấy liêm làm răn mình, để sửa sang thể chế, đặng tu dưỡng chính khí, khắc chế mọi hủ bại, thì đã đủ cho người người trong nước yêu mến tới mọi bậc tha nhân dị quốc cũng vị nể, trông vào. Quốc gia theo đó mà sạch sẽ, mạnh mẽ, văn minh và tiến bộ.

Cao hơn, sâu hơn và rộng hơn tất thảy là sỉ, tức là sự xấu hổ. Mỗi người không có liêm sỉ thì không thành người được. Quốc gia thấu quốc sỉ, là sự xấu hổ chung cả nước. Lấy sỉ làm căn cơ, làm động lực và mỗi người tự giác ngộ mình, cả nước tự răn điều đó, và tất cả trông khắp hoàn cầu, mà giác ngộ.

Những người nắm trọng sự quốc dân, trước khi hành xử đạo “công bộc”, trước tiên hãy tôn thờ đạo làm người! Muôn dặm ai cũng thấu: “Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách”. Thử hỏi như thế mỗi người sao chẳng thành người hơn, quốc gia sao mà không độc lập, tự tôn và hùng mạnh cho được. Quốc thể nhờ đó được tôn vinh, liêm sỉ mỗi người nương theo đó mà rạng rỡ!

Xã hội trên đó mà nảy nở tốt tươi, quốc gia theo đó nhất định phồn thịnh và không ngừng tấn tới. Giữa buổi đổi mới và hội nhập đầy thách thức mất còn hiện nay, thiển nghĩ, càng cần tối thiểu là như thế!

Trải mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, đạo lý ấy của ta ngày càng hàm súc và mãnh liệt. Một phần căn bản, nhờ nó, vì nền độc lập tự do vô giá và thiêng liêng, dẫu hy sinh, vẫn gan góc ngót suốt nghìn năm chống Bắc thuộc, dân tộc bất khuất đập tan mọi sự áp đặt trật tự ngoại bang, để mãi trở thành… chính mình.

Dù thăng trầm, nhiều khi có thể mất còn, nhưng giữ gìn đạo lý ấy, cái ách nô lệ thực dân quàng lên cổ nhân dân suốt trăm năm khiến lắm người rêu rao như là “định mệnh”, nhưng chỉ cần 16 ngày Tháng Tám năm Ất Dậu 1945, dân tộc ta quật khởi, cởi bỏ và quẳng đi. Đó là sức sống đạo lý truyền đời của ta di duệ tới hôm nay và sẽ cả muôn mai!

Từ gốc rễ mấy nghìn năm linh đơn văn hóa ấy, càng ở những khúc quanh, dân tộc ta càng bất khuất “từ trong máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Và, dù đi qua mọi thăng trầm còn mất của lịch sử, muôn dân càng chăm nom và làm giàu hơn đạo lý Việt Nam!Từ gốc rễ mấy nghìn năm linh đơn văn hóa ấy, càng ở những khúc quanh, dân tộc ta càng bất khuất “từ trong máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Và, nối dài truyền thống ấy, mỗi người theo đó, nhờ đó và chăm chút vun trồng không nghỉ, để nối đời an nhiên tự tại và rạng rỡ: Con người Việt Nam!

Tác giả: Nhị Lê

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây