Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Video thánh lễ an táng linh mục Gioan Baotixita Dương Quang Đức HT71

Thánh lễ an táng Lm GB. Dương Quang Đức HT71 được cử hành ngày thứ Sáu 12/11/2021 tại nhà thờ chính tòa Antôn GP Beaumont, Texas, với phần giảng lễ song ngữ của Lm Hồ Khanh.

 
 
BÀI GIẢNG CỦA LM HỒ KHANH
TRONG THÁNH LỄ AN TÁNG
LINH MỤC GIOAN BAOTIXITA DƯƠNG QUANG ĐỨC,
ĐỊA PHẬN BEAUMONT, TEXAS.

(Bài đọc: Isaiah 25:6a, 7-9, IThessaonica 4:13-18, Gioan 1:35-42)

(Phần tiếng Việt)

Kính thưa bà cố, kính thưa cha Dương Quang Niệm, sơ Thu Trang, kính thưa toàn thể tang quyến.
Kính thưa quý cha, quý sơ, quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà và toàn thể anh chị em, bạn hữu xa gần:

Vậy là cha Đức đã từ bỏ cuộc chơi, đã rời chúng ta mà đi! Còn gì đau đớn hơn khi mà chúng ta đã mất đi một người con, người em, người anh, một người chú, người bác! Còn gì nhức nhối hơn khi chúng ta mất đi một linh mục vui tươi, năng động, và một người bạn chí thiết và nhiệt tình… Hình như ai mới gặp cha Đức một lần thôi cũng đã bị cuốn hút bởi sự vui tươi, hồn nhiên và cách cư xử thân tình của ngài. Trong những ngày vừa qua, mặc dầu đã quen thân với cha Đức từ lúc mới 12, 13 tuổi, tôi cũng ngạc nhiên trong vui sướng và hãnh diện về sự ảnh hưởng sâu đậm nơi đời sống của nhiều người đã có dịp quen biết với cha!

Trước tiên chúng ta ai cũng đồng ý rằng cha Đức của chúng ta là một con người lạc quan, vui vẻ, yêu đời, luôn muốn tạo niềm vui cho người khác. Tôi chỉ muốn nhắc tới hai chuyện vui về cha Đức, một chuyện liên quan tới VN, và chuyện khác liên quan tới cộng đoàn người Mễ Tây Cơ. Một lần, cha Đức kể là dạy giáo lý cho mấy nhóc VN ở Mỹ thiệt là khó, dạy chúng nó Mười Điều Răn và cắt nghĩa rõ ràng là “Chớ giết người, chớ làm sự dâm dục, chớ lấy của người.” Vậy mà chúng nó cứ đọc tiếng Việt như người ngoại quốc, bỏ hết dấu, lại còn hét thật to là “Cho giết người, cho làm sự dâm dục, cho lấy của người…” Cho làm tưới hết!!!

Lần khác, tôi có nhờ cha Đức giúp dâng lễ cuối tuần cho giáo xứ tại Winnie, vì tôi có việc phải đi vắng. Xứ đó có 3 lễ tiếng Mỹ và 1 lễ tiếng Mễ cuối tuần. Cha Đức nói với tôi, “tiếng Mỹ thì không sao, nhưng mình không giúp lễ tiếng Mễ được!” Tôi trấn an ngài, “Không sao, anh làm lễ tiếng Mỹ cho họ cũng được, họ cũng cảm kích rồi!” Thế mà, sau khi trở về, tôi nghe giáo dân báo lại là bắt đầu bài giảng, cha Đức đã hát như thế nầy, “Besame, besame mucho…” Sau đó ngài nói “Tôi chỉ biết chừng ấy tiếng Mễ mà thôi…” Vậy là ngài thoải mái chơi luôn cả thánh lễ bằng tiếng Mỹ… Giáo dân vẫn nhớ và vẫn nhắc mãi!

Đó là phương cách cha Đức đi vào lòng người, bằng sự giản dị, bằng sự chân tình và tính tình hài hước của ngài. Cha thích và quý trọng bạn bè. Cha có thể ngồi hàng giờ hàn huyên với những người bạn thân, cũng như những người mới quen biết! “Không cần biết anh là ai, không cần biết em từ đâu, không cần biết đêm dài sâu…” Cứ thế mà nói chuyện rôm rả hàng giờ thôi! Trong những ngày qua, tôi ngạc nhiên khi nhận được không biết bao nhiêu tâm tình nhắn gởi luyến tiếc của những người cha gặp cách đây đã mấy chục năm về trước, cả những người không phải là Công giáo nữa!

Những ngày vừa qua, tôi cũng như người vô hồn! Cha Đức ra đi quả đã để lại một sự trống vắng thật lớn trong tâm hồn tôi. Biết nhau từ năm 1972 và đã có một thời chung sống, học hành, làm việc dưới một mái nhà Chủng Viện, biết bao kỷ niệm buồn vui kéo về! Đặc biệt khoảng thời gian sau năm 1975 cho tới mùa Đông năm 1979 khi mà Tiểu Chủng Viện (TCV) Hoan Thiện của chúng tôi bị đóng cửa, thầy Đức lúc đó đã dấn thân lo cho anh em thật nhiều. Vốn có tài ăn nói hoạt bát, hồi đó thầy được chọn vào ban Giao tế để quán xuyến những công việc mua bán và giao dịch cho Chủng viện, cộng tác chặt chẽ với cha Quản lý để lo lương thực cho anh em. Hình ảnh thầy Đức chạy đôn chạy đáo, xuất hiện trước các cửa hàng lương thực để mua cho anh em những bao “bo-bo”, những thùng bột mì hoặc khoai sắn là những hình ảnh quen thuộc. Làm việc tận lực như thế mà chính quyền có để yên cho chúng tôi đâu! Cuối cùng chuyện gì sẽ đến đã đến, mùa Giáng Sinh năm 1979 cũng là mùa chúng tôi phải chia tay nhau, bởi vì Chủng viện của chúng tôi bị chính quyền Cộng Sản bức tử!

Về lại với gia đình, chỉ một thời gian ngắn sau, tôi đã tìm đường vượt biên, và sau đó đã tới Mỹ và đã chịu chức linh mục năm 1990. Trong lúc đó, thầy Đức vẫn cố gắng miệt mài theo đuổi ơn gọi trong hoàn cảnh nghiệt ngã của mình. Thầy vẫn chờ đợi trong tin yêu và hy vọng. Nhưng có lẽ tin tôi chịu chức linh mục tại Mỹ đã khiến thầy Đức và một số anh em cuối cùng cũng đã quyết định ra đi để tìm tương lai cho mình. Sau một chuyến hải hành nhiều thử thách, thầy Đức cuối cùng cũng đã đặt chân tới Hong Kong năm 1991, cùng với 5 anh em chủng sinh trong hai chuyến tàu khác nhau và được phân ra hai trại tỵ nạn khác nhau. Nhờ ơn Chúa nâng đỡ, tôi đã có dịp đến thăm anh em năm 1992, thâu thập giấy tờ và bảo lãnh anh em qua Mỹ năm 1993. Nhờ ơn Chúa nâng đỡ, cả sáu thầy đã là linh mục của Chúa.

Riêng thầy Đức, sau khi gia nhập địa phận Beaumont đã theo học tại Đại Chủng Viện Notre Dame ở New Orleans và cuối cùng đã chịu chức linh mục ngày 10 tháng Sáu năm 2000, chấm dứt một thời gian dài 29 năm làm chủng sinh theo đuổi ơn gọi linh mục (1971-2000)! Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong. Chúng ta phải biết tin tưởng nơi Ngài. Với cha Đức, cha luôn lạc quan và tin tưởng vào Chúa. Có lẽ nhiễm sâu đức tính của vị ân sư Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, người đã xây dựng TCV Hoan Thiện, và là người đã lấy khẩu hiệu “Vui Mừng và Hy Vọng” làm châm ngôn Giám mục của mình, cha Đức của chúng ta cũng thế, lúc nào cũng vui, lúc nào cũng hy vọng. Có nhiều lần cha còn nói là nhiệm vụ của cha Đức là đi kiếm mấy con “chiên lạc,” nhất là mấy người rối rắm về hôn phối để giới thiệu với cha Lương, cha Khanh ở trên Toà Án Hôn Phối mà giúp đỡ cho họ! Nghe cũng dễ thương phải không quý ông bà và anh chị em?

Vậy mà hôm nay cha đã đành đoạn bỏ chúng ta ra đi khi cuộc chơi mới chỉ bắt đầu, khi giấc mơ chưa tròn, khi mộng ước còn dang dở! Cha còn nợ chúng con, không phải là nợ “công viên ghế đá” hay là nợ “dòng sông bến cũ!” Cha cũng không nợ chúng con “nụ hôn vội vàng” hay “con tim bối rối.” Nhưng cha còn nợ chúng con món “nợ tình thương” đó; nhưng không phải là cha trả, nhưng mà chúng con phải trả cho cha để bù lại những ân tình mà cha vẫn luôn dành sẳn cho nhiều người. Nhớ đến cha, chúng con lại nhớ bài hát của cố linh mục Kim Long, “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, trừ ra tình thương mến!” (Kim Long, Nợ Tình Thương). “Cha còn nợ con, con còn nợ cha, cha con mình còn nợ nhau” như cha vẫn thường hay hát! Cha ơi, còn đâu?

Thật ra, biết tính tình cha Đức, tôi biết ngài không muốn chúng ta buồn về cái chết của ngài; nhưng ngài muốn chúng ta phải vui trong mọi hoàn cảnh, ngay cả lúc chúng ta cận kề với nghịch cảnh và cái chết. Cuộc sống thay đổi chứ không mất đi! Một mai kia chúng ta lại gặp nhau trên Thiên Quốc, ở đó, trên Núi Thánh của Ngài, Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt của chúng ta, và Ngài sẽ cất đi chiếc khăn tang bao trùm muôn dân. Ngày đó, chúng ta lại vui mừng quây quần với nhau quanh bàn tiệc Thiên Quốc. Ngày đó chúng ta lại karaoke cho nhau nghe, như khi linh mục Gioan Baotixita Dương Quang Đức vẫn còn ở với chúng ta. Xin Thiên Chúa từ nhân, thánh cả Giuse, hiền mẫu Maria và thánh quan thầy Gioan Baotixita sớm đưa người thân của chúng ta về Thiên Quốc, chúc lành và an ủi tang quyến cũng như mỗi người trong chúng ta, những người ở lại trong những ngày tháng nầy. Amen.

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây