Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Sống tha thứ trong gia đình theo gương Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.

-

-

Đây là chủ đề buổi sinh hoạt tưởng niệm Đức Cố HY Tôi Tớ Chúa tại Văn phòng Bác Ái Xã Hội Tòa TGM Huế vào lúc 09g ngày 03-12-2012 do Gia đình Cựu Chủng sinh Huế vùng Huế-Quảng Trị tổ chức, nhân dịp lễ Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.
SỐNG  THA THỨ TRONG GIA ĐÌNH THEO GƯƠNG ĐHY FX NGUYỄN VĂN THUẬN

 
Tha thứ là hoa trái của tình yêu. Có người còn cho rằng đó là hoa trái tuyệt vời nhất, là món quà cao đẹp nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho con người và con người có thể trao ban cho nhau. Thật vậy, nếu hiểu tình yêu là dâng hiến, là trao ban (donner) thì tha thứ (par-donner) là "hơn cả trao ban ", là " bên kia sự trao ban", là "trao ban ở mức độ cao nhất". Tại sao? vì "trao ban " thường phát xuất tự do, tự nguyện, nên dù đòi hy sinh vẫn có thể thực hiện trong niềm vui. Trái lại, "tha thứ" là phải đón nhận cái mình không chờ, bỏ qua điều mình rất khó quên, nhất là phải tái lập lại tình yêu với người đã từng làm mình bị tổn thương. Vì thế có một Thánh thi đã ca ngợi Đức Kitô như sau: "Người trao ban mạng sống mình thì cao cả, nhưng người tha thứ còn cao cả hơn, người yêu thương bạn hữu mình thì tốt lành, nhưng người hiến mạng sống cho kẻ làm thương tổn mình còn tốt lành hơn. Ôi Giêsu, Thiên Chúa bị tổn thương, Người đã tha thứ mọi lỗi lầm của chúng con".
 
Tuy nhiên, lý do khiến anh em cựu chủng sinh Huế chọn đề tài: "Sống tha thứ trong đời sống gia đình" để hướng về ngày lễ Thánh Quan thầy của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie (03.12.2012) còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn. Trước hết, vì Ngài là con người của tha thứ. Chỉ cần nêu lên một ví dụ: nếu trong ngục tù Ngài đã từng nhắn nhủ môn sinh rằng: "Con phải nói được cách thành thực rằng: Tôi không xem ai là kẻ thù nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn luôn xem họ là anh em tôi " (ĐHV 793), thì khi ra khỏi chốn lao tù, Ngài đã sống lời khuyên ấy cách triệt để khiến bao kẻ làm hại Ngài trước đây phải ngỡ ngàng. Việc chọn đề tài tha thứ để chuẩn bị mừng lễ Thánh Quan Thầy của "Cha Bề Trên Thuận" còn có một lý do khác: tưởng nhớ đến Vị Ân Sư không chỉ để ca ngợi cảm tạ Chúa vì Hồng Ân đã ban cho Ngài hay để Ngài sớm được trở thành "Bậc Hiển Thánh", nhưng còn là cơ hội để đưa di sản thiêng liêng của Ngài thấm dần vào trong tâm hồn và đời sống của các môn sinh, đặc biệt trong đời sống gia đình của mỗi người.
 
Trong ý hướng đó, những lời nhắn nhủ đơn sơ của ĐHY Phanxicô mang một âm hưởng thật đặc biệt. Trước hết, Ngài đặt ra cho mỗi môn sinh một câu hỏi căn bản: "Chúa đã trao cho con một người bạn thân yêu, những đứa con xinh xắn, trong sáng để nâng đỡ nhau nên Thánh. Con đã làm gì ?" (ĐHV 485). Tiếp đến là những câu hỏi không dễ trả lời: "Tại sao ngày nào con cũng lập tòa án bắt anh em con diễu hành lần lượt qua đó? Tại sao lúc nào cha cũng thấy con ngồi ghế quan tòa, không bao giờ ngồi băng bị can ?" (ĐHV 772), hoặc: "Tại sao con ghi khắc khuyết điểm của anh em vào bia đá, còn tội lỗi con thì viết trên cát ?" (ĐHV 776).
 
Không những giúp môn sinh tự vấn, Ngài còn chỉ phương cách để sống tha thứ: với cá nhân, "hãy lấy một tờ giấy và bình tĩnh viết trên đó đức tính của người mà con bất bình, con sẽ thấy họ không hoàn toàn xấu như con nghĩ từ đầu." (ĐHV 783);  với cả nhà: "giờ ngồi bên nhau""cùng nhau ngồi bên Chúa" là giờ của chân lý, là một khám phá diệu kỳ, là một liều thuốc thần tiên. Bầu không khí gia đình sẽ thay đổi, nhiều vấn đề gay cấn được thông cảm, giải quyết. Trước kia hai vợ chồng "chung sống hòa bình cách nông cạn, rời rạc, giờ đây tất cả là một tình yêu, một niềm vui, một lời cầu nguyện (ĐHV 505). Cách cụ thể, tha thứ là sống làm sao để "mỗi chiều tối, trước lúc lên giường ngủ, con phải nói được rằng: "Suốt ngày hôm nay tôi đã yêu thương " (ĐHV 781). Hiểu như thế, tha thứ theo tinh thần của Thầy Phanxicô không chỉ là cái nhìn hiện tại về quá khứ, nhưng còn là ánh sáng của một tương lai đầy hứa hẹn: "Có một sự thật đáng buồn: xét mọi người theo quá khứ của họ. Có một sự sáng suốt đầy yêu thương: đoán trước người ta có thể biến đổi tốt đẹp chừng nào !" (ĐHV 472).
 
Để kết luận, hãy cùng nhau nghe lại lời của Người Cha Chung đã nói cách hóm hỉnh: "Đừng phàn nàn cà phê đắng, chỉ tại đường của con không ngọt đủ" (ĐHV 790). Như thế, tha thứ phải bắt đầu từ bản thân tôi, một người đã và đang được Chúa và tha nhân tha thứ không ngừng, như lời Thánh Phaolô đã từng khuyên nhủ: "Hãy chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau, nếu người nầy có chuyện bất bình với người kia.  Cũng như Chúa đã tha thứ cho anh em thế nào, thì anh em cũng hãy tha thứ cho nhau như vậy" (Col 3,13). Chính trong ánh sáng ấy mà Đức Hồng Y Phanxicô chia sẻ cho chúng ta niềm xác tín sâu xa của Ngài: "Hạnh phúc của một người không căn cứ ở của cải, chức vụ, nhưng ở tình yêu mà người ấy tập yêu suốt đời." (ĐHV 462).
           
Câu hỏi thảo luận:

     1- Anh (Chị) hãy kể lại một vài trải nghiệm khi mình tha thứ hoặc khi được tha thứ.

     2- Làm thế nào để bạn có thể tha thứ theo gương ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: hoanthien63.blogspot.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây