Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (14)

-

-

[Phần 14] Trích đăng Bài giảng và Huấn đức của Đức Cố HY FX Nguyễn Văn Thuận tại Đại Chủng viện Hà Nội, tập 2, từ ngày 17-9 đến ngày 21-11-1991. Các bài giảng do một chủng sinh ghi lại, Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền thực hiện tại Roma năm 2005. Tài liệu này do Đức Ông Phan Văn Hiền gửi riêng cho website CCS Huế.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (14)

 
Bài 101: Sẵn sàng
Thứ ba 22-10-1991 - Tuần 29 Thường Niên
 
Lc 12, 35-38 ; Rm 5, 12.15.17-19. 20-21
 
Đọc chuyện Quo Vadis, chúng ta thấy giáo dân Roma thời sơ khai ban đêm di chuyển như những bóng ma. Người này theo người kia lần lượt xuống hang toại đạo (Catacombs) để cầu nguyện. Tại sao giáo dân Roma thời ấy lại hăng say cầu nguyện suốt đêm như vậy? Chắc chắn là để tránh bị chính quyền Roma bắt bớ, nhưng điều chính yếu là vì họ nghĩ Chúa Giêsu sắp trở lại, nên họ cầu nguyện chuẩn bị đón Chúa đến.
 
Thật vậy, niềm hy vọng được thấy Chúa sắp trở lại đã giúp họ sống sốt sắng và chuẩn bị sẵn sàng để đón Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy sự sẵn sàng của dân chúng. Thánh Luca nói về một dụ ngôn người tôi tớ sẵn sàng.
 
Thế nào là sẵn sàng của Phúc Âm? Thông thường, thái độ đợi chờ có hai mặt: tiêu cực và tích cực. Được xem là tiêu cực khi đợi chờ một cách thụ động, không lo chu toàn việc bổn phận mình. Còn đợi chờ tích cực khi biết lo lắng chu toàn trách nhiệm mình, thanh tẩy tâm hồn, giữ lòng trong sạch để đón Chúa đến.
 
Người Kitô Hữu đích thực và khôn ngoan phải biết đợi chờ Chúa một cách tích cực, nghĩa là sẵn sàng chu toàn bổn phận cách vui vẻ trong khi chờ Chúa đến.
 
Thế giới và xã hội này đang cần Chúa đến để đổi mới và trở nên tốt hơn. Và chính chúng ta, những người Kitô Hữu có trách nhiệm tạo điều kiện cho Chúa đến trong mọi môi trường của xã hội bằng chính cuộc sống của chúng ta. Thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu đầu tiên đã kiên trì sống đức tin để mang Chúa đến cho mọi người trong toàn Đế Quốc La Mã. Đó là tấm gương cho chúng ta.
 
Đúng vậy. Tất cả chúng ta ngày nay đều có nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng đem Chúa đến với tất cả mọi người chúng ta gặp trong cuộc sống. Nhưng muốn đem Chúa đến, trước tiên chúng ta phải là dụng cụ tốt của Chúa, là đầy tớ trung thành và là chứng nhân đích thực của Ngài. Tất nhiên, việc làm chứng nhân cho Chúa trong thời đại ngày này càng gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Lời Chúa nói với các Tông Đồ ngày trước vẫn còn có giá trị đối với mỗi người chúng ta: “Hỡi đoàn con bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã bằng lòng ban Nước Trời cho anh em.” Đây chính là lời ban sức mạnh, khuyến khích chúng ta kiên trì và sẵn sàng làm chứng cho Chúa.
 
Nói tóm lại, Phúc Âm Thánh Luca chương 12 nhắc nhở chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón chờ Chúa đến. Chuẩn bị một cách tích cực bằng cách sống phù hợp với Phúc Âm để đem Chúa đến cho người khác.
 
Chúa Giêsu đã đến và Ngài sẽ trở lại như lời đáp ca mà chúng ta đọc hôm nay: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.” Đây là điều chúng ta cần suy ngắm và đào sâu để mỗi việc chúng ta làm hằng ngày như ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, cầu nguyện... chúng ta làm cho Chúa và trở thành chứng nhân sống động cho việc Chúa đến. Amen.
 
 
Bài 102: Sử dụng ơn Chúa ban
Thứ tư 23-10-1991 - Tuần 29 Thường Niên
 
Lc 12, 39-48 ; Rm 6, 12-18
 
Bài Phúc Âm hôm nay tiếp tục nói về chủ đề phải sẵn sàng để đón chờ Chúa đến, khi trình bày cách sống và đối xử của hai hạng người tôi tớ trong khi chủ vắng nhà. Một hạng trung thành và tận tụy với công việc đã được giao phó cho dù ông chủ không có mặt, còn hạng kia lợi dụng ông chủ vắng nhà đã bỏ bê công việc, tác oai tác quái những người thuộc hạ và tổ chức ăn uống say sưa.
 
Thật ra, hai hạng người này chỉ làm rõ thêm bài Phúc Âm ngày hôm qua khi nói đến hạng tiêu cực và tích cực. Phần kết cho thấy, ông chủ về đột ngột, không báo trước, khám phá ra sự thật về những tôi tớ mà ông đã đặt hết tin tưởng và thưởng phạt họ theo cách họ đã làm. Ở đây, chúng ta để ý đến lời Chúa nói: “Ai nhận được nhiều thì phải trả lại nhiều, kẻ nhận ít thì phải trả lại ít. Và kẻ đã biết ý của chủ mà làm sai thì bị đòn nhiều hơn kẻ không biết.” Nghĩa là những người được giao nhiều hơn và ý thức điều người chủ muốn để sinh lợi, nhưng lại không chu toàn bổn phận, sẽ bị quy trách nhiệm nhiều hơn.
 
Bài Phúc Âm hôm nay như trực tiếp nói với chúng ta là những linh mục, tu sĩ, bởi vì Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn hơn những người giáo dân bình thuờng. Chúng ta được Chúa kêu gọi một cách đặc biệt, được ở trong nhà Chúa, có điều kiện sinh sống, học hành tốt hơn nhiều bạn trẻ khác. Hơn nữa, chúng ta còn được hấp thụ một nền giáo dục tu đức, nhân bản chuyên biệt. Nếu chúng ta không tốt hơn những thanh niên ngoài đời, chắc chắn chúng ta cũng sẽ bị Chúa quở trách như những người tôi tớ bất trung trong bài Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe.
 
Mỗi ngày, chúng ta cần phải suy nghĩ Lời Chúa nói với chúng ta hôm nay: “Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi lại nhiều” để chúng ta tận dụng những ơn Chúa thương ban và sống tốt hơn. Như vậy, chúng ta mới xứng đáng là những tôi tớ đích thực của Chúa, góp phần vào việc xây dựng Nước Chúa ngay ở trần thế này. Amen.
 
 
Bài 103: Lửa thanh tẩy
Thứ năm 24-10-1991 - Tuần 29 Thường Niên
 
Lc 12, 49-53; Rm 6, 19-23
 
Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe tiếp tục nói về chủ đề Nước Trời và những đòi hỏi của Nước Trời. Chúng ta có thể chia bài Phúc Âm hôm nay thành ba phần:
 
Trước hết Chúa nói: “Ta đem lửa xuống thế gian và ước gì cho lửa ấy cháy lên.” Câu này có nghĩa gì? Đây không phải là lửa bên ngoài bình thường. Các nhà tu đức thường gọi đó là lửa thiêng liêng, nhưng đúng ra ngọn lửa ấy là chính ơn cứu độ, là chính cuộc đời của Chúa Giêsu. Thật vậy, Ngài chính là ngọn lửa và Ngài mong cho ngọn lửa ấy bùng lên. Một điều xem ra nghịch lý là chính khi Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá ở đồi Calvario, ngọn lửa đó đã bùng lên một cách mảnh liệt, bởi vì qua cái chết của Ngài, một mầm sống mới được khai sinh mang lại ơn cứu độ muôn đời. Lửa Đức Kitô thanh luyện mỗi người chúng ta và canh tân thế giới.
 
Điều thứ hai Chúa nói là: “Ta phải chịu một phép rửa và rất khắc khoải cho đến khi việc đó hoàn tất.” Đúng vậy, phép rửa Chúa đã hoàn tất là cái chết trên của Ngài Núi Calvario. Nơi đó, Chúa đã dùng lửa của mình để đốt cháy thế gian tội lỗi. Vậy lửa ấy có tác dụng gì? Các nhà thần học gọi đó là lửa thanh luyện. Giống như lửa thử vàng và thanh luyện để làm cho vàng được nên tinh ròng, lửa của Chúa Kitô cũng thanh luyện con người để họ trở nên con cái đích thực của Ngài.
 
Điểm thứ ba: Lửa đòi hỏi gì ?
 
Lời Chúa hôm nay nghe có vẻ khó hiểu: “Ta đến không phải để đem bình an mà là đem sự chia rẽ, giữa con trai với cha, con gái với mẹ, nàng dâu với mẹ chồng; và hai người sẽ chống lại ba…” Chắc chắn Chúa không bao giờ muốn có sự chia rẽ. Vậy những lời này phải được hiểu như thế nào? Thưa rằng, những lời này ám chỉ đến sự tuyệt đối khi đáp trả lời mời gọi theo Chúa. Phải chọn Chúa lên trên tất cả mọi sự, ngay cả tình huyết nhục trong gia đình. Nếu những liên hệ huyết nhục này làm cản trở con đường theo Chúa, người Kitô Hữu phải dứt khoát vượt qua, để chọn Chúa. 
 
Theo Kinh Thánh, lửa này có nhiều ý nghĩa :
 
- Lửa chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa như Ông Mô-sê thấy lửa trong bụi gai cháy.
 
- Lửa chỉ sự quan phòng của Thiên Chúa như cột lửa soi sáng dẫn dân Israel qua khỏi ai cập.
 
- Lửa chỉ uy quyền và tình yêu của Chúa như khi ông Mô-sê cầu nguyện trên núi, hay lửa thiêu hủy lễ vật dâng tiến.
 
- Lửa cũng chỉ cơn giận của Thiên Chúa như lửa diêm sinh từ trời xuống thiêu hủy thành Sodoma và Gomora.
 
Nhưng lửa trong Tân Ước lại là lửa của tình yêu, một tình yêu hoàn toàn, trọn vẹn. Lửa ấy chính là Đức Kitô. Ngài đến để hâm nóng tâm hồn. Ngài đến để thanh luyện, đổi mới, tái tạo và mang lại bình an cho con người, một sự bình an thật và trọn vẹn, chứ không phải bình an giả tạo, chóng qua mà con người thường tìm kiếm như một giai đoạn hoãn binh để rồi sau đó lại xông vào cắn xé nhau vì danh lợi. Và muốn được bình an đích thực, con người phải chấp nhận và sống Tin Mừng cứu độ của Ngài.
 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống với nhau trong tình bác ái huynh đệ chân thành để bình an của Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng con và trong cộng đoàn của chúng con. Amen.  
 
 
Bài 104: Dấu chỉ thời đại
Thứ sáu 25-10-1991 - Tuần 29 Thường Niên
 
Lc 12, 54-59 ; Rm 7, 18-25
 
Ngày xưa, người ta không có máy móc để đo đạt và dự báo thời tiết. Muốn biết thời tiết thế nào, người ta chỉ nhìn trời, nhìn mây để dự đoán. Chẳng hạn như: “Ráng vàng thì tỏ, ráng đỏ thì mưa.” Nghĩa là khi thấy trên trời có ánh sáng màu vàng, họ biết ngày mai trời nắng tốt. Ngược lại, thấy màu đỏ, chắc chắn ngày mai sẽ mưa. Ngày Cha còn bé, người ta cũng chưa biết dự báo thời tiết là gì.
 
Chỉ trong vòng mấy chục năm gần đây, với nền văn minh khoa học kỹ thuật phát triển, người ta mới có thể dự báo thời tiết một cách tương đối chính xác. Cũng nhờ văn minh tiến bộ, nhất là nhờ khoa tâm lý học, con người ngày nay cũng có thể đoán trước được sự phát triển và suy tư của con người. Với khoa xã hội học, con người cũng có thể đoán trước thế giới này sẽ ra sao và đi về đâu. Và với vệ tinh nhân tạo, người ta có thể dò tìm các mỏ quặng dưới lòng đất, hoặc vũ khí chôn giấu ở trong đó, hay đối phó với các hỏa tiển được bắn đi...
 
Đó là những dự báo phần đời, còn người Kitô Hữu chúng ta lại cần phải biết một dự báo khác: Dự báo về “Nước Thiên Chúa đã đến gần” như Lời Chúa đã truyền dạy: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng vì Nước Trời đã gần đến.” Nói cách khác, người Kitô Hữu cần khám phá những dấu chỉ của thời đại qua thiên nhiên và các biến cố xảy ra trong thế giới, để hiểu được ý Chúa và sống theo ý của Ngài trong khi chờ đợi Nước Trời đến. Như vậy, chúng ta cần phải có thái độ nào khi đợi chờ Nước Chúa đến?
 
Trước hết, mỗi người phải mở rộng tâm hồn và chuẩn bị sẵn sàng để đón chờ “giờ” của Chúa gần đến. Giờ của Chúa chính là giờ của ơn cứu độ, giờ của tình yêu hiệp nhất. Trước vũ trụ thiên nhiên, người Kitô Hữu phải biết khám phá ra thánh ý và giờ của Chúa. Công đồng Vaticano II luôn nhấn mạnh việc nhận ra dấu chỉ của thời đại qua các biến cố xảy ra trong thế giới, cộng đoàn và trong chính cuộc sống của mỗi người. Nhờ đó, chúng ta biết hành động phù hợp với ý của Ngài trong hoàn cảnh sống của mình, cũng như trong môi trường mình đang sinh hoạt. Chẳng hạn, tôi phải thực hiện ý Chúa như thế nào trong giáo xứ và địa phận của tôi.
 
Như thế, điều quan trọng trong cuộc sống người Kitô Hữu, là biết khám phá ra ý của Chúa trong giây phút hiện tại và quyết tâm thực hiện ý của Ngài. Những khám phá của khoa học cần thiết để làm cho cuộc sống con người thoải mái hơn, nhưng nếu chỉ chú tâm tới những khám phá thiên nhiên này mà quên mất khám phá ra ý của Chúa thì thật là một tai họa.
 
Nhà bác học y khoa nổi tiếng người Pháp, Vaccine, đã sang Việt Nam nghiên cứu và tìm ra vi khuẩn của bệnh dịch hạch. Đó là khám phá đầu tiên trên thế giới về căn bệnh này. Sống trong một căn hộ ngay bờ biển Nha Trang, ông đã thành công khi hiến dâng đời mình cho việc nghiên cứu. Ông đã ghi lại từng ngày các áp lực của biển Thái Bình Dương, sức gió, sức đẩy của nước biển. Sau mấy chục năm dày công ấy, ông đã để lại một kinh nghiệm về chu kỳ bão và thủy triều. Tại Nha Trang, ông quen thân với Cha Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế cũng là một người ngoại quốc rất giỏi trong việc nghiên cứu khoa học. Trong thời gian Cha làm Giám Mục Nha Trang, ông Vaccine qua đời. Cha được Cha Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế kể lại rằng ngay đêm hôm ông Vaccine sắp qua đời, Cha Bề Trên đã chuyện trò suốt đêm với ông ta. Cha thành thật hỏi Ngài: “Vậy suốt đêm qua, Cha có làm cho ông ta nhận biết Chúa không?” Cha Bề Trên đáp: “Không”. Và Ngài nói tiếp bằng tiếng Pháp: “Mon ami, il est mort comme un chien.”
 
Ông Vaccine, một nhà bác học lỗi lạc, học trò của nhà bác học Pasteur, một người được dân tộc Việt Nam tôn kính vì những thành quả, đóng góp cho dân Việt Nam. Chỉ tiếc rằng mặc dù ông rất thành công khi khám phá ra những bí mật của thiên nhiên, nhưng lại không khám phá ra được dấu chỉ thời đại này. Đó là ơn cứu độ của Chúa Giêsu.
 
Câu nói của của Cha Bề Trên về ông Vaccine đáng được chúng ta quan tâm và suy nghĩ. Nếu chúng ta không biết khám ra ý Chúa trong thời đại mình, chúng ta cũng sống một cách vô nghĩa và người khác cũng có thể nói về mỗi người chúng ta như sau: “Il vit comme un chien.” Amen.
 
 
Bài 105: Chúa đến bất ngờ
Thứ bảy 26-10-1991 - Tuần 29 Thường Niên
 
Lc 13, 1-9 ; Rm 8, 1-11
 
Bài Phúc Âm hôm nay được xem là một bài về thần học cánh chung. Chúa Giêsu bằng nhiều cách đã dùng thí dụ hoặc dụ ngôn để diễn tả về ngày cánh chung. Hôm nay, dựa vào hai biến cố trong lịch sử, Chúa đưa ra dụ ngôn cây vả để báo trước biến cố chung cuộc này.
 
Biến cố thứ nhất: Những người Do Thái đến Đền Thờ Giêrusalem để thờ phượng Chúa. Với lòng ức hận đối với chế độ đàn áp của đế quốc La Mã, họ đã nổi dậy chống lại kẻ thống trị. Quan Tổng Trấn Philatô sợ rằng cuộc nổi dậy này sẽ làm đà kéo theo các cuộc nổi dậy khác, nên ông đã sai lính đến dẹp và đã giết một số đông người Do Thái.
 
Biến cố thứ hai: Sự kiện 18 người Do Thái bị Tháp Silôê sập và đè chết cùng một lúc.
 
Khi nhắc lại hai sự kiện trên, Chúa Giêsu muốn cảnh cáo mọi người rằng không ai có thể biết trước ngày giờ chết của mình. Chết là một điều bất ngờ. Nói cách khác, giờ Chúa đến lúc nào chẳng ai biết được. Vì thế, mỗi người phải tỉnh thức sẵn sàng để đón chờ giờ Chúa đến.
 
Bài Phúc Âm cũng làm sáng tỏ quan niệm hẹp hòi của con người đối với những kẻ bị tai ương. Những người xấu số này thường bị xem là những người tội lỗi nên bị Chúa phạt. Quan niệm này vẫn còn tồn tại trong tâm thức của người thời nay. Chúa xác định rõ ràng: “Không phải những người xấu số này tội lỗi hơn những người may mắn còn sống đâu.” Điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh đến trong bài Phúc Âm hôm nay là mỗi người phải ăn năn sám hối, canh tân cuộc sống của mình. Nếu không, cái chết sẽ bất ngờ ập đến và họ sẽ là người xấu số hơn hết vì sẽ mất cuộc sống hạnh phúc đời đời với Chúa. Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài không muốn bất kỳ ai phải chết đời đời.
 
Lời cảnh cáo của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay cũng áp dụng cho mỗi người chúng ta. Tính cho đến bây giờ, chúng ta đã nhận được biết bao ơn lành của Chúa trong cuộc sống. Nhưng thử hỏi chúng ta đã sử dụng ơn Ngài ban cho như thế nào. Coi chừng! Thiên Chúa rất nhân từ, nhưng Ngài cũng rất công thẳng. Nếu chúng ta không canh tân cuộc sống, chắc chắn ngày tận thế của đời mình, tức cái chết bất ngờ, sẽ là một thảm họa cho chúng ta.
 
Thật vậy, không ai biết được chính xác ngày tận thế sẽ đến lúc nào. Có thể còn lâu lắm, nhưng cũng có thể trong tương lai gần. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là không ai thoát được cái chết. Và cái chết này cũng chẳng ai biết trước ngày giờ được. Vì thế, mỗi người phải sám hối quay về với Chúa để sẵn sàng đón nhận cái chết và đối diện trả lời với Chúa về cuộc sống của mình ở trần gian.
 
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết chuẩn bị sẵn sàng trong giờ Chúa đến. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây