Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Thứ Tư Lễ Tro 22-02 mở đầu Mùa Chay 2012.

-

-

Mùa Chay là thời gian quan trọng trong Phụng Vụ Kitô-Giáo vì là mùa chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh, ngày đại lễ của Giáo Hội Chúa Kitô. Do đó, qua đôi điều tìm hiểu, chúng tôi xin trình bày về nguồn gốc và ý nghĩa Thứ Tư Lễ Tro, góp phần mở rộng ý thức về Lễ Tro...
THỨ TƯ LỄ TRO 22 THÁNG 2 MỞ ĐẦU MÙA CHAY 2012
 
Cao điểm của Phụng Vụ tháng 2-2012 là Thứ Tư Lễ Tro 22-2 khởi đầu Mùa Chay Thánh 2012. Công Đồng Vaticanô II hướng dẫn: “Phụng Vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu dùng cuộc sống của mình hầu diễn tả và biểu lộ cho những người khác thấy Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính” (PV, 2).
 
Hơn nữa, cũng theo Công Đồng Vaicanô II, “muốn thâu đạt được hiệu năng toàn vẹn trong tình yêu nồng nàn của Chúa Kitô, người tín hữu cần đến tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm trí của mình với ngôn ngữ và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng nhận lãnh ân sủng một cách vô ích. Vì thế, các chủ chăn phải lo cho người tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu.” (PV 11)
 
Mùa Chay là thời gian quan trọng trong Phụng Vụ Kitô-Giáo vì là mùa chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh, ngày đại lễ của Giáo Hội Chúa Kitô. Do đó, qua đôi điều tìm hiểu, chúng tôi xin trình bày về nguồn gốc và ý nghĩa Thứ Tư Lễ Tro, góp phần mở rộng ý thức về Lễ Tro; đồng thời ghi rõ Lời nguyện khi làm phép tro và các lời đọc của chủ tế hay phó tế, hoặc thừa tác viên khi xức tro, hầu giáo hữu hiệp thông trọn vẹn khi tham dự Lễ Tro đầu Mùa Chay.
 
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Thứ Tư Lễ Tro
 
Tại sao Lễ Tro vào Thứ Tư?
 
Vì Mùa Chay căn cứ vào Lễ Phục Sinh, nên khi làm ra Niên Lịch Phụng Vụ hằng năm, Giáo Hội dựa vào Lễ Phục Sinh để sắp xếp tháng - ngày của Mùa Chay. Cụ thể, thời Giáo Hội tiên khởi, Mùa Chay chỉ có sáu tuần trước Lễ Phục Sinh và, không kể Chúa nhật dành để tôn kính Chúa Giêsu phục sinh, thì còn lại 6 ngày mỗi tuần hay 36 ngày trong 6 tuần (6x6 = 36 ngày). Như thế, Mùa Chay bắt đầu vào Thứ hai tuần thứ sáu trước Lễ Phục Sinh.
 
Về sau, Thánh GH. Grêgôriô I, còn gọi là Thánh Grêgôriô Cả (590-604) thêm bốn ngày nữa cho việc chay tịnh được 40 ngày (36+4 = 40), nghĩa là từ Thứ bảy phải thêm 4 ngày (Thứ bảy-Thứ sáu-Thứ năm-Thứ Tư) để Mùa Chay có 40 ngày. Từ đó Thứ Tư thành ngày đầu Mùa Chay. Như vậy, Lễ Tro luôn luôn vào Thứ Tư, nhưng tháng và ngày thay đổi mỗi năm. Mùa Chay liên hệ trực tiếp với Lễ Phục Sinh mà Lễ Phục Sinh được mừng sau Lễ Vượt Qua của Do Thái (14 tháng Nissan âm lịch) nên Lễ Tro sớm nhất vào 4 tháng 2 hoặc chậm nhất vào 10 th. 3 vì Mùa Chay diễn ra từ Thứ Tư Lễ Tro đến Thứ Bảy Tuần Thánh hoặc Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Ví dụ:
 
Năm 2008, Lễ Tro ngày 6 tháng 2; năm 2011, ngày 9 tháng 3.
 
Năm 2012, Mùa Chay từ Thứ Tư Lễ Tro (22-2) qua 40 ngày đến 7 tháng 4 năm 2012.
 
Ngoài ra, để nêu cao tinh thần ăn năn, sám hối và đền tội trong Mùa Chay, vào Thứ Tư đầu Mùa Chay lại còn thêm nghi thức “Xức Tro”, nên gọi là “Thứ Tư Lễ Tro”.
 
Thực ra, “rắc tro trên đầu” đã có từ thời Giáo Hội tiên khởi, vào thế kỷ thứ ba thứ tư, nhưng nghi thức nầy chỉ dành cho những người sám hối nơi công cộng, nghĩa là, thời đó, sau khi nghe những người có tội nhìn nhận và thú tội công khai các tội lỗi của mình, thì vị chủ tế cho họ ra về, không cho dự thánh lễ thêm nữa, mà phải đến Thứ Năm Tuần Thánh họ mới được trở lại dự lễ. Khoảng thế kỷ thứ 8, trong Sách Lễ Rôma văn bản Grêgôriô, Lễ Tro có nguồn gốc từ “ngày tro” hay Dies cinerum, dựa vào câu “Cor contritum quasi cinis” (Lòng thống hối tựa hồ bụi tro) trong kinh hát La-tinh Lễ Mồ Dies Irae. Thời đó, ngày Thứ Tư Lễ Tro, trước khi cử hành Thánh Lễ, chủ tế làm phép tro và xức tro trên trán của các tín hữu, hoặc vào “chỗ cắt tóc trên đầu” của các tư tế. Mọi người đều được xức tro, từ Chủ  tế, Thầy Phó  tế, Linh mục hay Giám mục hoặc Hồng Y và cả chính Đức Giáo hoàng cũng được một vị tư tế khác xức tro.
 
Khi xức tro, chủ tế hay Thầy Phó tế hoặc thừa tác viên đọc:
 
Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St 3: 19)
(Memento, homo, quod pulvis es, et in pulverem reverteris)
 
Hoặc đọc câu: “Hãy thống hối và tin vào Phúc Âm” (Mt 1, 15)
 
Xin quý giáo hữu nhớ hai câu nầy để cùng nghe và thầm thĩ đọc theo khi được xức tro.
 
Hơn nữa, các tín hữu cũng hợp lòng cùng chủ tế cầu xin qua Lời Nguyện khi làm phép tro:
 
Lạy Chúa là Đấng hay tha thứ cho kẻ khiêm nhường và nguôi giận khi họ sám hối, xin lắng tai nghe lời chúng con khẩn nguyện, và thương ban đầy ơn (+) phúc cho các tôi tớ Chúa được xức tro nầy, để khi tuân giữ mùa chay, họ được tâm hồn trong sạch, xứng đáng mừng mầu nhiệm vượt qua của Con Chúa. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. (Đáp: Amen)
 
Như thế, tinh thần Mùa Chay là “khiêm nhường, sám hối, khẩn nguyện, xúc tro và giữ mùa chay với tâm hồn trong sạch”.
 
Thứ Tư Lễ Tro  
 
Theo Đức GH. Bênêđíctô XVI, “Lễ Tro là cửa ngõ vào Mùa Chay” như ý nghĩa Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, Tiên tri Gioel nhắc lòng giáo hữu trở về với Chúa là Đấng từ bi hay thương xót: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành và tư bi, nhẫn nại, giàu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai họa” (Ge 2: 12-13).
 
Bài Đọc II: Trong thư gởi tín hữu Corintô, Thánh Phaolô Tông đồ nói đến Đức Kitô là “Đấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành tội vì chúng ta, để trong Người chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa”(2Cr 5: 21)
 
Qua Tin Mừng Thánh Mat-thêu, Chúa Giêsu chỉ rõ về cách thức canh tân nội tâm bằng những việc lành đúng theo ý Chúa, như “bố thí, cầu nguyện và ăn chay” (Mt 6: 1-6)
 
26-2 Chúa Nhật I Mùa Chay B:
 
Bài Đọc I: Trích Sách Sáng Thế về No-e và con cái ông lên tàu thoát nạn hồng thủy (St 9: 6-15;
Bài Đọc II: Thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ (1Pt 3: 18-22 về phép Thánh tẩy
Phúc âm Thánh Mác-cô (Mc 1: 12-15) về Chúa Giêsu vào hoang địa, ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người.
 
Trong Lễ Tro, ý nghĩa chính yếu của việc xức tro là nghi thức liên kết đạo Thiên Chúa từ thời trước Ngôi Hai xuống thế làm người đến sau Chúa Giêsu lên trời. Bằng chứng là Cựu Ước đã nói đến “xức tro” hay “mang bao tro” như dấu chỉ đền tội: Khi một người nào đó tự thú có tội trọng hoặc bị buộc có phạm tội trọng, như chối đạo, rối đạo hay tà dâm, thì phải mang bao bố tro, bị đuổi khỏi đền thờ cho đến khi nào được các tư tế công khai tuyên bố cho trở lại đền thờ.
 
Ví dụ, Trong Cựu Ước, Sách tiên tri Giona, khi nói về dân thành Ninivê thống hối ăn năn đã tường thuật: “Dân thành Ninivê tin vào Thiên Chúa, liền công bố chay kiêng. Họ mặc lấy bao bố (đựng tro) từ lớn chí bé. Tin đã thấu đến vua Ninivê. Ông liền bỏ ngai, cởi cẩm bào khỏi mình và trùm lấy bao bố, rồi ông ngồi trên tro..” (Gn 3: 5-6).
 
Tiên tri Giêrêmia cũng kêu gọi:“Hỡi dân ta, hãy quấn lấy bao bì, hãy lăn vào tro.. “ (Gr 6: 26). Trong Tân Ước, Thánh Matthêu nhắc lại dân thành Tyr và Xiđôn thớng hối, rắc tro lên đầu:
 
Họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối” (Mt 11: 21).
 
Thời Kitô-Giáo tiên khởi, trong những thế kỷ đầu, không có Lễ Tro mà chỉ có thể thức công khai trục xuất những người có tội trọng ra khỏi đền thờ. Nhưng việc trục xuất một Kitô-hữu khỏi đền thờ không hợp với tinh thần bác ái Kitô-giáo, nên đến thế kỷ thứ 7, một số Giáo Hội nhờ nghi thức Lễ Tro để những người có trọng tội được trình diện lên Đức Giám Mục và lãnh hình phạt thống hối, hầu vào Thứ Năm Tuần Thánh, họ lại được xóa tội và trở lại đền thờ.
 
Tro lấy từ lá lễ (kết hình Thánh Giá) trong Chúa Nhật Lễ Lá năm trước, đốt thành tro với ý nghĩa “tất cả là người thì thuộc về bụi tro và phải trở về bụi tro”. Tro xức trên trán chỉ người Kitô-hữu phải nhiệt thành tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô và Thiên Chúa Cha, đồng thời, họ muốn tỏ bày cùng Chúa lòng đau buồn về những sai trái tội lỗi đã phạm làm mất lòng Chúa. Ghi dấu trên trán giống như biểu hiệu dấn thân, theo đó, nhiều văn hóa Trung Đông (và cả Ấn Độ) người dân có thói quen khắc hình tròn có màu sắc (đen hoặc đỏ) trên trán.
 
Ngoài ra, trong Kitô-Giáo cũng có một vài khác biệt tùy truyền thống từng miền, như với Giáo Hội Công Giáo, Mùa Chay từ Thứ Tư Lễ Tro, kết thúc lúc mặt trời lặn Thứ Năm Tuần Thánh, khi khởi đầu Thánh Lễ Tiệc Ly. Các Giáo Hội Phương Tây (Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo), khởi sự Mùa Chay từ Thứ Tư Lễ Tro, không kể các Chúa Nhật vào số ngày trong Mùa Chay.
 
Trái lại, Giáo Hội Phương Đông (GH Chính Thống Miền Đông hay Chính Thống Phương Đông) tuy liên kết với Giáo Hội Rôma, nhưng theo nghi lễ Đông Phương, nên mùa chay gọi là Mùa Đại Chay từ Thứ Hai tuần thứ bảy trước Phục Sinh (như 20-2-2012), gồm luôn cả các Chúa Nhật trong cùng thời gian, cho đến khi kết thúc Mùa Chay vào Thứ Sáu trước Chúa nhật Lễ Lá.
 
Tại nhiều nơi còn có tập tục tổ chức lễ hội Thứ Ba hay Mardi Gras trước Lễ Tro gọi là lễ hội Carnival, theo nghĩa La-tinh là “giã từ thịt” (carnival gồm carn thịt ival kiêng cữ) nhắc nhớ Mùa Chay đến, vì thời trước giáo hữu thường giữ chay bằng việc kiêng thịt suốt Mùa Chay. Hiện nay, với lề thói tục hóa, Thứ Ba Mardi Gras trước Lễ Tro là ngày ăn uống thả giàn, với đủ thứ xa hoa trước khi vào Mùa ăn chay, đền tội. Thông thường, Thứ Ba Mardi Gras hay Shrove Tuesday hoặc Carnival là ngày lễ hội đặc biệt tại Pháp cũng như tại những nơi chịu ảnh hưởng của văn hóa văn minh Pháp, như ở tiểu bang Louisiana tại Hoa Kỳ.
 
Trái lại, như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI hướng dẫn, Thứ Tư Lễ Tro mang nhiều ý nghĩa thâm sâu giúp tín hũu sốt sắng vào Mùa Chay, từ kinh nguyện cho đến các nghi thức phụng vụ. Giáo hữu phải hiệp lòng với chủ tế dâng lời cầu nguyện khi nhắc đến Thiên Chúa yêu thương: “Lạy Chúa, Chúa yêu thương mọi loài và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành. Chúa nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối và tha thứ cho họ vì Chúa là Thiên Chúa chúng con. Đấng hay tha thứ cho kẻ khiêm nhường và nguôi giận khi họ sám hối, xin thương ban ơn phúc cho các tôi tớ Chúa được xức tro để họ xứng đáng mừng mầu nhiệm vượt qua của Con Chúa. Xin chúc phúc cho tro mà chúng con sẽ xức trên đầu để nhận biết mình là tro bụi và sẽ trở về bụi đất. Nhờ lòng sốt sắng giữ Mùa Chay, chúng con được ơn tha tội và canh tân đời sống. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen
 
Ăn Chay và Kiêng Thịt
 
Trong Mùa Chay, có những ngày giáo hữu phải ăn chay, kiêng thịt.
 
Điều 1251 Giáo Luật: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, phải giữ chay và kiêng thịt.
 
Điều 1252 Về tuổi giữ chay: Mọi người từ tuổi thành niên, nghĩa là được 18 tuổi trọn, cho đến khi bắt đầu 60 tuổi thì phải giữ chay.
 
Về kiêng thịt: Luật kiêng thịt buộc những người từ 14 tuổi trọn phải kiêng thịt.
 
Trần Văn Trí (Lễ Tro 2012)
-------------------------
 
Tài liệu tham khảo: Ash Wednesday 2012 – Catholic Encyclopedia

Tác giả: Trần Văn Trí AN43

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây