Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


25 điều nên biết về Mùa Chay

Dưới đây là 25 điều về Mùa Chay và Mùa Phục sinh, thiết nghĩ mọi người Công giáo nên biết và ghi nhớ.
what to give up for lent
 
Tác giả: Lm. Ed Broom, OMV

Chúa Giêsu đến với chúng ta và thông ban ân sủng và sự hiện diện của Người cho chúng ta bằng nhiều cách kỳ diệu. Trước khi về Trời, Người hứa rằng Người sẽ ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Sau đó, Chúa Giêsu lên Trời, nơi Người ngự bên hữu Chúa Cha. Bằng cách nào? Ở đâu? Khi nào thì Chúa Giêsu ở với chúng ta khi thực sự Người đã về Trời? Câu trả lời là: trong Giáo Hội, là chính Nhiệm Thể của Người.

Trong chu kỳ Phụng vụ, mỗi năm Giáo hội tưởng nhớ lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Hai thời điểm chính hằng năm là Mùa Vọng, với cao điểm là Lễ Giáng sinh, và sau đó là Mùa Chay, với cao điểm là Tuần Thánh và chóp đỉnh là việc cử hành Lễ Phục sinh — Sự Sống lại của Đức Chúa, Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô.

Vì vậy, là những người bước theo Chúa Giêsu, chúng ta cần nghiên cứu và học hỏi về những thời điểm quan trọng này, đặc biệt là Mùa Chay mà đỉnh điểm là Tuần Thánh, và Chúa Giêsu, Đấng chiến thắng sự chết bằng sự Sống lại Vinh Quang của Người.

Dưới đây là 25 điều về Mùa Chay và Mùa Phục sinh, thiết nghĩ mọi người Công giáo nên biết và ghi nhớ.

1. Mùa Ân Sủng cho sự Hoán Cải của Chúng Ta

Mỗi năm, Thiên Chúa, qua Giáo Hội, ban cho chúng ta một mùa ân sủng đặc biệt để hoán cải. Sự hoán cải của chúng ta phải là từ bỏ tội lỗi và noi gương Chúa Giêsu Kitô.

2. Thứ Tư Lễ Tro

Mùa Chay bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro. Tro tượng trưng cho sự chết của chúng ta, rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ chết và vượt qua đời tạm này để đi vào cõi hằng sống với sự phán xét. "Hãy nhớ rằng ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất" (Stk 3, 19)

3. Ăn chay

Những người ở độ tuổi từ 18 đến 59 buộc phải ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro, cũng như vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Chúng ta giảm bớt thức ăn của thể xác để có thể nâng tâm trí và tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.

4. Chúa nhật Thứ Nhất Mùa Chay: Chúa Giêsu trong sa mạc

Vào Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong sa mạc, nơi Người cầu nguyện và ăn chay trong 40 ngày, và bị ma quỷ cám dỗ. Để chiến thắng ma quỷ, xác thịt và thế gian, chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu. Chúng ta phải vừa ăn chay vừa cầu nguyện!

5. Bốn mươi ngày

Hành trình Mùa Chay của chúng ta kéo dài 40 ngày — không kể các Chủ nhật Mùa Chay. Bốn mươi là một con số quan trọng trong Kinh thánh. Người Do Thái đã trải qua 40 năm trong sa mạc trước khi vào Đất Hứa. Tiên tri Giôna đã rao giảng là Ninivê sẽ bị hủy diệt trong 40 ngày nếu người ta không sám hối. Chúa Giêsu đã ở trong sa mạc 40 ngày để cầu nguyện và ăn chay.

6. Những thay đổi về Phụng Vụ

Có một số thay đổi Phụng vụ trong Mùa Chay: không có Alleluia và Kinh Vinh danh. Không trang trí hoa trong nhà thờ. Linh mục mặc lễ phục màu tím - màu của sự sám hối!

7. Sự hoán cải tâm hồn

Như đã đề cập trên đây, Mùa Chay là thời gian nghiêm túc chiến đấu để hoán cải đời sống. Khi xức tro, thừa tác viên cũng có thể đọc những lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong sứ mạng rao giảng của Người: “Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1, 15). Chúa Giêsu cung cấp cho chúng ta 3 cách để đạt được sự hoán cải đời sống này! Đó là những điều sau đây.

8. Cầu nguyện

Bằng việc cầu nguyện, chúng ta vươn lên tới Thiên Chúa và Ngài bước xuống với chúng ta, để giúp chúng ta loại bỏ tội lỗi và thực hành nhân đức. Mọi sự hoán cải đích thực cuối cùng đều là hoa trái của cầu nguyện —lời cầu nguyện của cá nhân hoặc lời cầu nguyện của người khác, và thường là cả hai!

9. Thánh lễ

Cho đến nay, lời cầu nguyện vĩ đại nhất trong vũ trụ là Hiến lễ Thánh của Thánh lễ. Nếu thời gian và lịch trình cho phép, Mùa Chay là thời gian rất thuận lợi để chúng ta thường xuyên tham dự Thánh lễ.
 
10. Sự đền tội

Chúa Giêsu nói: “ giống quỷ không trừ được, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt. 17, 21). Chúng ta nên chọn một số hình thức ăn chay với sự hướng dẫn của một vị Linh hướng tốt lành.

11. Xưng tội và Hoán cải

Một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để đạt được sự hoán cải thực sự là chuẩn bị tâm hồn, tâm trí để thực hiện Bí tích xưng tội với linh mục, và để cho Bửu huyết Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta.

12. Việc Bố thí

Thực hành việc bố thí không nên chỉ giới hạn ở việc cho người ăn xin một số tiền, thức ăn, hoặc quần áo. Đúng hơn, bố thí có thể được hiểu theo cách mà chúng ta đối xử với mọi người. Đặc biệt nhất là chúng ta thể hiện sự tử tế, trắc ẩn, lịch sự, kiên nhẫn và tinh thần hy sinh thực sự với những người trong nhà của chúng ta! "Bác ái bắt đầu từ trong nhà!"

13. Đàng Thánh Giá

Một thực hành rất hay được thực hiện trong Mùa Chay là việc Đi Đàng Thánh Giá. Bằng việc suy ngẫm về 14 chặng hoặc khung cảnh này trong Cuộc đời của Chúa Giêsu —cao điểm của Cuộc Thương khó của Người, chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đã phải đau khổ vì chúng ta và yêu thương chúng ta biết bao. Thật vậy, mỗi chúng ta có thể thành thật nói rằng Chúa Giêsu đã phải chịu đựng tất cả những điều này vì tôi!

14. Chúa nhật Thứ Tư Mùa Chay

Hai lần trong lịch của Giáo Hội, linh mục có thể mặc lễ phục màu hồng khi cử hành Thánh Lễ — Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng và Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay. Tại sao vậy? Màu hồng tượng trưng cho Niềm vui. Sự kiện Chúa Giêsu đã được sinh ra cho chúng ta và Người đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại từ cõi chết cho chúng ta là nguồn mạch của Niềm vui vô tận! Khi cho phép mặc lễ phục màu hồng trong 2 mùa sám hối này, Giáo hội đang mong đợi Niềm vui này!

15. Tuần Thánh

Giáo hội bước vào tuần lễ trọng thể và quan trọng nhất trong năm với Tuần Thánh. Chúa Nhật Lễ Lá bắt đầu Tuần Thánh. Chúng ta tưởng nhớ việc Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem cưỡi trên một con lừa, và dân chúng tung hô Người: “Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!” (Mt. 21, 9) Giữa những tiếng reo hò vui mừng hân hoan này, dân chúng vẫy những cành cọ của mình.

16. Phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá

Linh mục mặc lễ phục màu đỏ - tượng trưng Bửu huyết Chúa Giêsu. Bài đọc Tin Mừng là trình thuật cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

17. Tam Nhật Phục Sinh

Tam Nhật Phục Sinh, chính là trung tâm của việc cử hành Tuần Thánh, bao gồm ba ngày và đạt đến đỉnh điểm là Lễ Phục sinh. Ba ngày này là: Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh. Những ngày này có tầm quan trọng đặc biệt.

18. Thứ Năm Tuần Thánh

Trong ngày trọng thể này, Thánh lễ Tiệc ly của Chúa được cử hành vào buổi chiều tối. Ngày này tưởng nhớ 2 trong số những quà tặng cao quí nhất mà Chúa Giêsu đã ban tặng cho Giáo hội: Thiết lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh. Đặc biệt ngày này mời gọi chúng ta canh tân đức tin, lòng sùng kính và tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể và cầu nguyện cho các linh mục và có thêm nhiều ơn gọi linh mục thánh thiện.

19. Thứ Sáu Tuần Thánh

Vào ngày này, chúng ta đứng dưới chân thánh giá với Mẹ Sầu Bi, Đức Maria chí thánh, với đôi mắt đẫm lệ và Trái tim bị đâm thâu, chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng chịu treo suốt 3 giờ trên thập giá, đổ từng giọt Máu châu báu vì ơn cứu độ đời đời cho chúng ta. Nếu bạn là người duy nhất trên thế giới, thì Chúa Giêsu đã chịu đựng rồi cuộc khổ nạn khủng khiếp của Người vì tình yêu dành cho bạn và cho sự cứu rỗi linh hồn bất tử của bạn. Chiêm ngắm Chúa Giêsu treo trên thập giá là chiêm ngắm Tình Yêu mạnh mẽ nhất trong vũ trụ!

20. Thứ Bảy Tuần Thánh: Sự thinh lặng và chiêm ngắm Đức Mẹ Sầu Bi

Hôm nay Chúa Giêsu đang yên nghỉ trọn vẹn trong mộ. Chủ đề của ngày này là đồng hành với Mẹ Sầu Bi trong thinh lặng. Kết hợp với Mẹ Maria, chúng ta tưởng niệm Cuộc Khổ nạn Đau buồn của Chúa Giêsu. Tất cả nỗi thống khổ của Chúa Giêsu vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí và ký ức, trong đôi mắt và Trái tim của Mẹ Maria. Mẹ hồi tưởng lại cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu ngày hôm ấy. Chúng ta được mời dành cả ngày này ở bên cạnh Đức Maria và an ủi Mẹ, ngay cả khi Mẹ an ủi chúng ta khi hồi tưởng lại nỗi đau khổ của Con Mẹ và Đức Chúa của chúng ta, Giêsu Kitô – Đấng Cứu Thế.

21. Thánh Lễ Vọng Phục Sinh: Chúa Giêsu Sống Lại thật từ cõi chết!

Cũng trong đêm nay, với Thánh lễ long trọng nhất trong năm – Thánh lễ Vọng Phục sinh, Giáo hội và toàn thế giới nói chung cử hành sự kiện vinh quang nhất trong lịch sử nhân loại! Chúa Giêsu Kitô sống lại thật từ cõi chết! Alleluia! Người đã trở lại từ cõi chết trong Thân thể Phục sinh của Người và sẽ không bao giờ chết nữa!

22. Vẻ đẹp của Thánh lễ Canh thức

Trong Thánh lễ này, các dự tòng lãnh nhận ba Bí tích khai tâm — Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức và Bí tích Thánh Thể. Lời ca Alleluia vang lên để ca ngợi Thiên Chúa. Chúng ta hát kinh Vinh danh cùng với các thiên thần. Sau đó là một chuỗi dài các Bài Đọc Kinh Thánh tuyệt vời, tóm tắt lịch sử cứu độ. Tiếp theo phần Phụng vụ Lời Chúa, chúng ta bước vào phần Phụng vụ Thánh Thể. Khi rước lễ, chúng ta sống lại cùng với Chúa Kitô trong đời sống mới!

23. Ngày Phục sinh và Mùa Phục sinh

Lễ Phục sinh, một Lễ trọng thể tưng bừng như thế, không thể được cử hành trong một ngày, và trên thực tế, được cử hành trong suốt 8 ngày. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa cho tất cả cuộc sống của nhân loại. Sau những thử thách, vất vả, đau đớn và buồn phiền của cuộc đời này, nếu chúng ta kiên trì trong ân sủng cho đến cùng, chúng ta sẽ tham dự vào hoa trái của Lễ Phục Sinh — chúng ta sẽ sống lại với Chúa Phục Sinh và đạt tới mục đích của đời mình — Thiên đàng!

24. Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót

Ơn sủng tuôn tràn! Chúa nhật sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót. Những ai đã xưng tội và tham dự Thánh Lễ, rước lễ với tình yêu cháy bỏng trong ngày này, sẽ nhận được Lời hứa của Lòng Chúa Thương Xót: sự tha thứ và sự xóa bỏ hoàn toàn tội lỗi. Điều này có thể được so sánh với một phép rửa thứ hai; tâm hồn chúng ta trở nên trắng như tuyết. Nếu chúng ta chết ngay lúc đó, chúng ta lập tức được vào thiên đàng!

25. Mùa Phục sinh

Mùa Phục sinh kéo dài 50 ngày và kết thúc với Lễ trọng Hiện xuống — sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần và Sinh nhật của Giáo hội Công giáo. Trong suốt Mùa này, Sách Công vụ Tông đồ, còn được gọi là Phúc âm của Chúa Thánh Thần, được đọc trong Thánh lễ!

Chúng ta hãy ngước nhìn lên Mẹ Maria, Đấng đã đứng dưới chân thập giá để kết hợp những đau khổ của Mẹ với những đau khổ của Chúa Giêsu vì ơn cứu độ trần gian. Chúng ta cũng hãy vui mừng với Mẹ Maria, và với niềm vui mừng hoan hỉ, vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh đã sống lại thật từ cõi chết, Người không bao giờ chết nữa. “Lạy nữ vương Thiên đàng hãy vui mừng, Alleluia, vì Chúa đã sống lại thật từ cõi chết”.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP, chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (08.3.2022)
Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/25-dieu-nen-biet-ve-mua-chay-44645

Tác giả: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP, chuyển ngữ

Nguồn tin: Hội đồng Giám mục VN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây