Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Đức Phanxicô khởi động một Thượng Hội đồng để “hình dung một tương lai khác cho Giáo hội

Hôm 7/9/2021, Vatican đã công bố bảng câu hỏi sẽ được gởi trong những tuần tới cho người Công giáo trên toàn thế giới. Tiếp đến, những kết quả của “tiến trình lắng nghe rộng rãi” này sẽ được nghiên cứu bởi các Giám mục trên khắp thế giới, rồi bởi Thượng hội đồng, vào tháng 10/2023.
Đức Phanxicô khởi động một Thượng Hội đồng để “hình dung một tương lai khác cho Giáo hội
Văn kiện đã được chờ đợi từ nhiều tuần nay. Chưa đầy một tháng trước khi được Rôma đưa ra, làm thế nào để “Thượng hội đồng về tính hiệp hành” không xuất hiện như là một tiến trình quan liêu và  trừu tượng? Đó là vấn đề mà Ban Thư ký của Thượng hội đồng đã trả lời chi tiết, vào ngày 7/9/2021, khi công bố một văn kiện bằng sáu ngôn ngữ. Trong khoảng 15 trang, Vatican muốn làm rõ những phạm vi của việc thực hiện, và  nhất là chỉ ra làm thế nào xúc tiến cách cụ thể. Không quên trả lời cho những phê bình. Vì mục đích của Thượng hội đồng “không phải là sản xuất các văn kiện”.

Từ đó, đâu là mục đích của việc tham khảo ý kiến đồ sộ của mọi người Công giáo, mà Đức Thánh Cha sẽ khởi động chính thức vào ngày 7/10 sắp đến, và phải kéo dài cho đến tháng Tư? Đó không gì khác hơn là làm cho “những ước mơ nảy sinh trong Giáo hội”, như văn kiện cho biết khi lấy lại những lời nói của Đức Thánh Cha. Và chính từ tiến trình lắng nghe rộng rãi” này mà ”khả năng hình dung một tương lai khác cho Giáo hội và cho các cơ chế của Giáo hội, tương xứng với sứ mệnh mà Giáo hội đã lãnh nhận” sẽ tùy thuộc vào.

“Một khái niệm không dễ dàng áp dụng thực tế”

Một Thượng hội đồng là một kiểu trường học về tính hiệp hành, một khái niệm không dễ dàng áp dụng thực tế”, Sơ Nathalie Becquart, phó thư ký Thượng hội đồng, đã thừa nhận trước các phóng viên. Vì thế, Rôma công bố một danh sách các câu hỏi được gộp thành mười chủ đề “cần được đào sâu” và thích ứng bởi các Giám mục theo bối cảnh địa phương.

Chẳng hạn, người Công giáo được mời gọi xác định những người hay nhóm người “bị bỏ rơi bên lề, minh nhiên hay trên thực tế?”, giải thích cách thức mà các tín hữu “được lắng nghe, cách riêng giới trẻ và phụ nữ” cũng như “những người bên lề xã hội và những người bị loại trừ”. “Làm thế nào chúng ta thúc đẩy sự tham gia của tất cả mọi người và những quyết định trong các cộng đoàn được cơ cấu cách phẩm trật ?”, bảng câu hỏi nêu rõ. Hoặc là: “Đâu là những nơi và những hình thái đối thoại trong Giáo hội địa phương của chúng ta? Làm thế nào những khác biệt quan điểm, các cuộc xung đột và những khó khăn được quản lý?”

Những câu hỏi này, có nhiệm vụ làm nổi bật những điểm bất đồng giữa các tín hữu, không nên dành cho chỉ một đa số nhỏ những người thực hành đạo, các nhà tổ chức Thượng hội đồng cảnh giác. Do đó, các giáo phận sẽ phải “có một sự quan tâm đặc biệt” đối với “những người có nguy cơ bị loại trừ” khỏi tiến trình này.

Trong một thủ bản được công bố cùng với bảng câu hỏi, Ban Thư ký Thượng hội đồng Giám mục cũng nhấn mạnh rằng mỗi người cũng sẽ phải tránh “chín cám dỗ”, vốn nhắc lại những cám dỗ đã được Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh giác trước Thượng hội đồng về gia đình năm 2014.  Đặc biệt người ta nhận thấy ở đó “cám dỗ tự dẫn dắt chính mình thay vì được Thiên Chúa dẫn dắt”, cám dỗ “chỉ thấy ‘những vấn đề’” hay “cám dỗ xung đột và chia rẽ”.

Thượng hội đồng không phải là một kinh nghiệm về dân chủ 

Tuy nhiên, văn kiện nhấn mạnh, không được nhìn trong việc tham khảo ý kiến này, dù rộng rãi đến đâu, một kinh nghiệm về dân chủ. “Việc tham khảo ý kiến của dân Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta hành xử bên trong Giáo hội theo những năng động riêng của nền dân chủ, dựa trên nguyên tắc đa số”, văn kiện cảnh giác. “Không có Chúa Thánh Thần, Thượng hội đồng sẽ trở thành một trò chơi  giữa các phe phái”, Đức Hồng y Mario Grech, có nhiệm vụ giám sát tiến trinh này, đã khẳng định như thế khi giới thiệu văn kiện này. Trái lại, phải coi Thượng hội đồng này như là “một thực tập, một kinh nghiệm lắng nghe”.

Cũng cần lưu ý “đến bộ máy loan tin tin sốt dẻo, tin tức giật gân”, ĐHY nói với các phóng viên. Đó là một cách thức để khẳng định rằng tiến trình này không được chỉ nhìn dưới khía cạnh các vấn đề mà truyền thông thích khai thác nhất, như việc bỏ phiếu của phụ nữ ở Thượng hội đồng Giám mục và “con đường đồng nghị” do người Công giáo Đức khởi xướng, vốn khơi lên quan ngại sâu sắc cho Vatican.

———————–
Lịch của Thượng hội đồng

Giai đoạn thứ nhất, cấp giáo phận, của Thượng hội đồng, sẽ được Đức Thánh Cha khai mạc vào ngày 9-10/10/2021, rồi một tuần sau đó nơi các giáo phận. Diễn ra cho đến tháng 4/2022, giai đoạn này cho phép “lắng nghe toàn thể các tín hữu đã chịu phép rửa tội”. Một bảng tổng hợp đầu tiên sẽ được công bố vào tháng 4/2022.

Một giai đoạn suy tư mới mẻ sẽ bắt đầu ở cấp châu lục. Các cơ quan quy tụ các Giám mục của một châu lục, như Sceam (Châu Phi), Celam (Châu Mỹ Latinh) hay CCEE (Châu Âu) đến tháng 3/2023 sẽ phải nộp bảng sao của mình. Suy tư này sẽ được tổng hợp trong một báo cáo mới, sẽ được công bố vào tháng 6/2023.

Rồi, văn kiện mới này sẽ được dùng làm công cụ làm việc cho các vị đại diện của các Giám mục nhóm họp tại Rôma vào tháng 10/2023. Sau đó sẽ là một Tông huấn do Đức Thánh Cha ban hành.
Tý Linh (theo Loup Besmond de Senneville, nhật báo La Croix)
http://xuanbichvietnam.net/trangchu/duc-phanxico-khoi-dong-mot-thuong-hoi-dong-de-hinh-dung-mot-tuong-lai-khac-cho-giao-hoi/

Tác giả: Tý Linh

Nguồn tin: xuanbichvietnam.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây