Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Thượng Hội Đồng về Gia Đình: các nhận định không thuận lợi cho phúc trình sau thảo luận

-

-

Phòng Báo Chí của Tòa Thánh cũng chính thức cảnh cáo rằng: đã có những giá trị được gán cho bản tường trình này nhưng không tương hợp với bản chất của nó. Nó chỉ là bản tóm lược cuộc thảo luận trong tuần trước của THĐ, là “một tài liệu để làm việc”, ...
Thượng Hội Đồng về Gia Đình: các nhận định không thuận lợi cho phúc trình sau thảo luận
 
Bản phúc trình vừa được công bố ngày 13 tháng Mười thường được gọi là bản phúc trình sau thảo luận, nhưng thực ra gọi là bản phúc trình giữa khóa mới đúng, vì cuộc thảo luận tại THĐ có tính chuẩn bị này vẫn chưa hoàn tất. Các nhóm thảo luận nhỏ theo ngôn ngữ đang làm việc ráo riết để hoàn tất mục tiêu của THĐ lần này. Bản phúc trình vì thế là dụng cụ để các nhóm này đào sâu. 

Các vị trong hội đồng đặc trách THĐ và các vị chủ tịch luân phiên của THĐ lần này đều đã lên tiếng minh xác như thế. Phòng Báo Chí của Tòa Thánh cũng chính thức cảnh cáo rằng: đã có những giá trị được gán cho bản tường trình này nhưng không tương hợp với bản chất của nó. Nó chỉ là bản tóm lược cuộc thảo luận trong tuần trước của THĐ, là “một tài liệu để làm việc”, nó không phải là một văn kiện có tính thẩm quyền, mà chỉ được dùng làm căn bản để THĐ thảo luận tiếp trong tuần lễ thứ hai. 

Tuy nhiên, phần lớn dư luận, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội không nghĩ vậy. Hơn nữa, không hẳn chỉ là dư luận mà là nhận định của chính các nghị phụ THĐ. 

Đức Hồng Y Raymond Burke chẳng hạn cho rằng bản phúc trình này không phản ảnh chính xác các cuộc thảo luận tại THĐ, mà thực tế, đã “đẩy mạnh các chủ trương mà nhiều nghị phụ THĐ không chấp nhận, và, tôi dám nói, trong tư cách các mục tử trung thành của đoàn chiên không thể chấp nhận”. Ngài mạnh mẽ cho hay “một số đông các nghị phụ THĐ thấy bản tường trình này đáng phản đối”. 

Bản tóm lược chính thức các cuộc thảo luận ngày 13 tháng Mười, do Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố, đã củng cố nhận định trên. Bản tóm lược này cho biết: nhiều vị tham dự THĐ yêu cầu phải minh xác về nguyên tắc “tiệm tiến”, phải nhấn mạnh nhiều hơn tới giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới cuộc hôn nhân bí tích, phải nhìn nhận sự hiện hữu của tội lỗi, và phải mạnh mẽ quả quyết tính bất khả tiêu của hôn nhân. Riêng Đức HY Burke thì cho rằng bản tường trình giữa khóa “thiếu nền tảng vững chắc của Thánh Kinh và Huấn Quyền”. Ngài nói thêm rằng đã đến lúc, Đức GH Phanxicô nên lên tiếng về các yếu tố có tính yếu tính của giáo huấn Công Giáo về hôn nhân. 

Đức TGM Stanislaw Gadecki, chủ tịch HĐGM Ba Lan, cho Đài Phát Thanh Vatican hay: bản tường trình giữa khóa này đã không cung cấp được một hỗ trợ vững chắc đối với “các gia đình tốt lành, bình thường, và thông thường” đang cố gắng chu toàn các lý tưởng hôn nhân Kitô Giáo. Ngài cho rằng “người ta chú ý không phải các điều bản tường trình này nói mà là những điều nó không nói. Nó tập chú vào các nố trừ, nhưng điều cần là phải công bố sự thật”. 

Nhiều vị giáo phẩm khác nhận xét rằng việc công bố sớm bản tường trình đã gây nên cả một khối lượng tin tức lớn, phần lớn sai lạc, khiến người ta có cảm tưởng Giáo Hội đang thay đổi giáo huấn của mình. Đức HY Wilfrid Fox Napier của Nam Phi cho hay: “hiện nay, chúng ta đang làm việc từ một tư thế gần như không thể cứu chữa được nữa. Sứ điệp đã và đang được truyền lan quả quyết rằng đây là điều THĐ nói, đây là điều Giáo Hội Công Giáo nói. Bất cứ điều gì chúng ta nói sau đó xem ra đều là những điều phá hoại”. 

Một phóng viên cựu chủng sinh tên Joe Sparks gọi bản tường trình giữa khóa là một tài liệu kỳ cục, chưa từng có bao giờ sau khi ông ở Rôma cả hàng trăm lần. Ông bảo có bao giờ một tài liệu phát xuất từ Vatican lại có những đoạn như đoạn 50, 51 và 52 đâu. Những đoạn này nói về người đồng tính rằng: nơi họ có nhiều hồng phúc và phẩm tính để cống hiến cho cộng đồng Kitô giáo!

Chưa hết, trước sự ngơ ngác của một số phóng viên và câu hỏi họ nêu ra để các vị chủ trì cuộc họp báo trả lời, “chỉ trừ Đức HY Erdo ra, mọi vị khác đều nói loanh quanh không xứng danh với một Giáo Hội mưu tìm công bố sự thật của Tin Mừng”. 

Ông nêu tỉ dụ: một nữ phóng viên của Đài RAI, Ý, hỏi về việc liệu con cái có quyền được giáo dục bởi một người cha “đàn ông” và một người mẹ “đàn bà” hay không, thì một vị Hồng Y (không tiện nêu tên) chỉ nói tới quyền giáo dục của cha mẹ đối với con cái, không đụng gì tới yếu tố “đàn ông”, “đàn bà” của cha mẹ các em, vốn là trọng điểm của câu hỏi.

Điều Joe Sparks lưu ý hơn cả là bản tường trình thường chỉ được công bố vào cuối một THĐ sau khi đã được THĐ thông qua và sau đó được đệ trình cho Đức Giáo Hoàng. Lần này có khác, còn cả một tuần lễ nữa THĐ đặc biệt này mới kết thúc, vậy mà đã có 1 tường trình, lại còn gọi là tường trình sau khi thảo luận nữa, dù nó “được soạn một cách nghèo nàn, nhiều sai lầm sâu xa, và là một bản văn, trong căn bản, có tính lừa dối” . 

Trên đây, ta đã thấy Đức HY Burke mong muốn Đức Phanxicô lên tiếng về yếu tính của giáo huấn Giáo Hội về hôn nhân. Cho tới nay, chưa thấy Đức Phanxicô nói gì nhưng bài báo ngày 14 tháng Mười của John Allen Jr. về bài giảng mới đây của ngài ở Nhà Thánh Mácta cho thấy phần nào ý hướng của ngài về đề tài nóng bỏng này. 

Trong bài giảng ngày 13 tháng Mười, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng “luật lệ tự nó không phải là một cùng đích”. Các bậc thầy xưa của luật Do Thái coi Chúa Giêsu là kẻ tội lỗi và người phá luật chỉ vì “họ tự đóng khung trong hệ thống của họ”. Những kẻ duy luật pháp này đã quên hẳn “họ là dân lữ hành. Khi ta khởi đầu cuộc lữ hành… ta luôn gặp những điều mới, những điều ta chưa biết”.

Ngoài ra, Đức Phanxicô cho hay: các thày dạy của Luật Lệ cũng quên rằng “Thiên Chúa là một Thiên Chúa của những bất ngờ. Ta nên xin Chúa cho ta một trái tim biết yêu luật, vì luật thuộc về Thiên Chúa, và biết yêu cả các bất ngờ của Thiên Chúa nữa và khả năng hiểu rằng luật thánh tự nó không phải là một cùng đích”. 

Allen cho rằng những lời trên khó mà không hiểu là một dự ứng cho cuộc tranh cãi nổ ra sau đó nhân dịp công bố bản tường trình giữa khóa. Và trong khi, về mặt chính thức, đây chỉ là một tường trình tạm thời, nhưng vị Thư Ký Đặc Biệt của THĐ lần này, Đức TGM Bruno Forte, lại nói như “đinh đóng cột” rằng “sự trung thực trí thức và tình bác ái thiêng liêng” đòi ta phải nhìn nhận các giá trị của người đồng tính. Chính vì thế, nhiều nhóm phò gia đình và sự sống đã cho rằng Vatican đang lùi bước trong cuộc chiến văn hóa và cho rằng bản tường trình này là một “phản bội”. 

Họ không hẳn quá đáng, khi BBC nói rằng THĐ lần này mang chiến thắng lại cho Đức Phanxicô trong các vấn đề đồng tính. Ký giả David Willey của đài này viết bừa rằng “phần lớn các giáo sĩ tại THĐ ủng hộ chủ trương ôn hòa của Đức Phanxicô về các vấn đề gia đình”. 

Tuy không nói rõ chủ trương ôn hòa này là như thế nào nhưng ông cho hay: “Ngài đã thuyết phục được nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo làm dịu ngôn ngữ cực kỳ phê phán trước đây đối với các cuộc kết hợp đồng tính và thừa nhận rằng các người đồng tính có thể có ‘những ơn phúc và phẩm tính để cung hiến’”. 

Cứ làm như Đức Phanxicô vận động ngầm để “phần lớn” THĐ chịu thay đổi chủ trương về phía ngài, trong khi chính ngài chưa nói rõ chủ trương của ngài ra sao. Ông cho rằng tuy tín lý về các vấn đề này vẫn được lặp lại, nhưng Đức Phanxicô đã “thay đổi nhấn mạnh bằng cách tập trung vào các khía cạnh tích cực chứ không tiêu cực của tính dục con người”. 

Willey cũng cho hay: phản ứng của các nhóm đồng tính Công Giáo khắp thế giới rất thuận lợi cho bản tường trình. Tổ chức Quest tại London mô tả bản tường trình này như một “đột phá”. Còn Thừa Tác Vụ Tân Đạo ở Mỹ gọi nó là “một bước lớn tiến về phía trước”. 

Margery Eagan thì thuật lại phản ứng của “một gia đình” đồng tính ở Boston gồm “hai bà mẹ” và hai cô con gái nuôi. Một bà là Marianne Duddy-Burke, tổng giám đốc toàn quốc của Dignity USA, một tổ chức đã có từ 41 năm nay nhằm vận động GH Công Giáo thay đổi giáo huấn về đồng tính. 

Hôm qua, “gia đình” này hân hoan vì “lời cầu nguyện của họ đã được đáp ứng khi các vị giám mục Công Giáo tại Vatican công bố bản phúc trình lâm thời kêu gọi Giáo Hội chấp nhận các cặp đồng tính và con cái của những cuộc kết hợp này”. 

Nói thế rồi, Duddy-Burke thú thực: “bả” không có ảo tưởng gì về bản tường trình này, nó chỉ là một tài liệu lâm thời. “Nhưng chuyển từ chỗ gọi chúng tôi là cái ác nội tại qua chỗ nói như thế này quả là một dấu hiệu có ý nghĩa… Trước đây, Vatican chưa bao giờ nói điều gì tích cực về các mối liên hệ đồng tính. Nhưng trong tài liệu này, họ đang ca ngợi việc cam kết dài hạn và bản chất hy sinh của nó”.

Người ta hy vọng rằng những “mờ mờ ảo ảo” do bản tường trình giữa khóa này tạo ra sẽ khiến các nghị phụ THĐ có quan điểm dứt khoát hơn hướng về phía tích cực của cả hôn nhân lẫn gia đình, phù hợp với ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc, và cho công bố một bản tường trình khác với bản tường trình tạm thời này. 

Đôi dòng về luật tiệm tiến

Các phản ứng nói trên phần lớn tập chú vào các vấn đề đồng tính. Nhưng luật tiệm tiến liên quan tới vấn đề ly dị, tái hôn và bất khả tiêu của hôn nhân cũng đã gặp phản ứng mạnh. Nhưng luật này thực sự nghĩa là gì?

Luật tiệm tiến là một nguyên tắc trong nền thần học luân lý và mục vụ Công Giáo, theo đó, nên khuyến khích người ta mỗi ngày mỗi từng bước gần gũi hơn với Thiên Chúa và kế hoạch của Người dành cho đời ta, chứ không nên mong họ nhẩy vọt từ bước đầu hồi tâm tới chỗ hoàn thiện ngay một lúc. 

Nguyên tắc trên hợp với bản nhiên con người. Họ không thể một sớm một chiều trở nên hoàn thiện, cần có thời gian để họ tiếp tục chiến đấu với tội lỗi. 

Thánh Kinh dĩ nhiên hỗ trợ nguyên tắc này. Thánh Phaolô dạy những điều sau đây

(a) “Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Ðức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?” (1 Cor 3:1-3)

(b) “Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ” (Dt 5:12-14)

Như bài ngày hôm qua đã nhắc đến, linh mục Legge, Dòng Đa Minh, cho rằng luật này đã được sử dụng sai trong một số đề nghị tại THĐ về gia đình năm 1980 và đã được Đức Gioan Phaolô II giải quyết dứt điểm trong Familiaris consortio khi cho rằng tiệm tiến là tiệm tiến trên đường thánh thiện, chứ không tiệm tiến trên đường từ bỏ tội lỗi. Tội lỗi là phải quyết chí từ bỏ ngay và cương quyết cải chừa. Không có chuyện từ từ, chỉ có chuyện “ngã thì đứng lên làm lại”, mỗi lần đều dứt khoát chứ không nửa vời. 

Năm 1997, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã công bố một cẩm nang cho các cha giải tội. Cẩm nang này cảnh cáo các ngài không được có ý nghĩ cho rằng thống hối không đòi người ta phải dứt khoát từ bỏ tội lỗi. Cẩm nang viết: “ nguyên tắc mục vụ về tiệm tiến, không nên bị lẫn lộn với ‘tính tiệm tiến của luật’ có khuynh hướng giảm thiểu các đòi hỏi luật đặt lên ta, nguyên tắc này bao gồm việc đòi một từ bỏ dứt khoát đối với tội lỗi song song với con đường tiệm tiến hướng tới việc hoàn toàn kết hợp với thánh ý Thiên Chúa và với các đòi hỏi đầy yêu thương của Người”. 

Còn bản tường trình tạm thời nói trên thì sao? 

Đoạn 13 viết thế này: “từ lúc trật tự tự nhiên được xác định bởi xu hướng hướng về Chúa Kitô, điều trở nên cần thiết là phải phân biệt mà không tách biệt các trình độ khác nhau qua đó Thiên Chúa thông truyền ơn thánh của giao ước cho nhân loại. Qua luật tiệm tiến (xem Familiaris consortio số 34), một đặc trưng của khoa sư phạm thần linh, điều này có nghĩa phải giải thích giao ước hôn nhân theo tính liên tuc và mới mẻ của nó trong trật tự tạo dựng và trong trật tự cứu chuộc”.

Đoạn 14: “Chính Chúa Giêsu, khi nhắc tới kế hoạch nguyên thủy dành cho cặp nhân bản, đã tái khẳng định sự kết hợp bất khả tiêu giữa người đàn ông và người đàn bà, dù hiểu rằng ‘Môsê cho phép các ngươi ly dị vợ vì lòng các ngươi chai đá. Nhưng từ ban đầu, không phải như vậy’ (Mt 19:8). Như thế, Người cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đi theo con đường của nhân loại, hướng nó về khởi đầu mới, không khỏi qua ngả thập giá…

Đoạn 17: “Khi xem xét nguyên tắc tiệm tiến trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, người ta tự hỏi các cặp vợ chồng đang trải nghiệm sự thất bại hôn nhân có thể nhận được những khả thể nào, hay đúng hơn có thể nào cung cấp cho họ sự trợ giúp của Chúa Kitô qua thừa tác vụ của Giáo Hội hay không? Về phương diện này, giáo huấn của Công Đồng Vatican II cho ta một chìa khóa giải thích có ý nghĩa; chìa khóa này, trong khi quả quyết rằng ‘dù nhiều yếu tố thánh hóa có hiện hữu ở bên ngoài cơ cấu hữu hình của mình… vì là các ơn phúc thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô, các yếu tố này đều là những sức mạnh thôi thúc người ta hướng về sự hợp nhất Công Giáo’ (Lumen Gentium số 8)”. 

Số 47: “Liên quan tới khả thể tham dự các bí tích Thống Hối và Thánh Thể, một số vị ủng hộ các qui định hiện nay vì nền tảng thần học của chúng, các vị khác ủng hộ sự cởi mở lớn hơn tùy thuộc các điều kiện rõ ràng khi xử lý với các hoàn cảnh không thể giải quyết được mà không tạo ra những bất công và đau khổ mới. Đối với một số vị, việc tham dự các bí tích có thể diễn ra nếu trước đó có ngả đường thống hối, dưới trách nhiệm của vị giám mục giáo phận, và với cam kết rõ ràng vì lợi ích con cái. Đây sẽ không là một khả thể tổng quát, mà là kết quả một biện phân áp dụng từng trường hợp một, theo luật tiệm tiến, là luật xem xét tới việc phân biệt giữa tình trạng tội lỗi, tình trạng ơn thánh và các hoàn cảnh giảm khinh”

Nội dung các đoạn trên khó có thể tương hợp với cái hiểu của Familiaris consortio và cẩm nang giải tội của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Vì chúng nghiêng nhiều về “tính tiệm tiến của luật” chứ không nghiêng về phía “luật tiệm tiến”, nghĩa là không đòi người ly dị và tái hôn dân sự dứt khoát từ bỏ cuộc hôn nhân thứ hai mới được xưng tội và rước lễ. 

Tuy nhiên, nên nhớ rằng đây mới chỉ là chủ đề để thảo luận không phải là đề xuất để đầu phiếu. Phải đợi bản tường trình cuối cùng vào cuối tuần này.

Tác giả: Vũ Văn An

Nguồn tin: vietcatholic.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây