Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Những sai lầm của cha mẹ khi cho con dùng điện thoại

Việc cho trẻ em sử dụng điện thoại thông minh có nhiều lợi ích cho quá trình học hỏi của trẻ. Nhưng vì những sai lầm của cha mẹ mà những nguy hiểm trên chiếc smartphone sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên đứa trẻ.
Những sai lầm của cha mẹ khi cho con dùng điện thoại
Điện thoại thông minh đã trở thành một vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời cũng là phương tiện giải trí chủ yếu của nhiều người đặc biệt là trẻ em. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy một đứa trẻ “ôm” chiếc smartphone cả ngày không chán.

Mặc dù smartphone có rất nhiều video hoặc thông tin bổ ích, lành mạnh và giúp trẻ học hỏi được nhiều thứ như những bộ phim hoạt hình mang tính giáo dục giúp trẻ học chữ, học tiếng Anh… Nhưng smartphone cũng là nơi ẩn chứa nhiều nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như những nội dung bạo lực, nội dung nhạy cảm không phù hợp lứa tuổi.
 
-

Trẻ tiếp thu những gì từ chiếc smartphone là do cách quản lý của cha mẹ. Nhưng có không ít bậc cha mẹ không trang bị đủ kiến thức, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng khi cho con bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh.

Không chờ đúng độ tuổi của con

Không có độ tuổi nhất định để một đức trẻ dùng điện thoại lần đầu tiên. Bởi vì, điều này tùy thuộc vào việc phụ huynh xem con đã cần dùng điện thoại chưa.
 
-

Cha mẹ cần xem con mình có cẩn thận với đồ đạc không, con có thường bỏ quên đồ hoặc lấy nhầm đồ không. Phụ huynh nên đợi đến khi con có ý thức giữ đồ của mình trước khi đưa cho con dùng điện thoại. Nếu không cho con dùng điện thoại không khác gì việc ném tiền đi.

Những loại điện thoại bạn cho con dùng cũng cần được chú ý. Trẻ nhỏ chỉ cần một chiếc điện thoại cho phép cha mẹ gọi cho con và ngược lại, trong khi đó, thanh thiếu niên có thể dùng điện thoại với nhiều tính năng hơn để  liên lạc với bạn bè.

Không dạy con về các quy tắc khi dùng điện thoại

Khi cho con tiếp xúc với điện thoại thông minh, điều quan trọng là cha mẹ cần dạy cho con hiểu những mối đe dọa của việc online trên điện thoại, những gì không nên đăng lên mạng và những trang web không nên truy cập.

Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn con nên xem Youtube Kids thay vì xem Youtube thông thường. Gợi ý cho con những chương trình, những bộ phim hoạt hình hay và bổ ích cho con.

Bên cạnh đó cũng nên hướng dẫn con các quy tắc an toàn khi dùng điện thoại như không được để điện  thoại quá gần mắt, không được vừa sạc vừa dùng điện thoại, không vừa ăn vừa xem điện thoại, không được dùng điện thoại quá lâu...

Cha mẹ cũng “dán mắt” vào điện thoại

Một nghiên cứu mới đây tại Australia đã dấy lên mối lo ngại về tác động tiêu cực của việc nghiện điện thoại ở người lớn gây ra cho trẻ. Nghiên cứu cho thấy hàng ngàn trẻ em bị căng thẳng bởi việc học ở trường và thèm khát sự quan tâm nhiều hơn từ cha mẹ - những phụ huynh quá chăm chú vào điện thoại.
 
-

Tiến sĩ Jenny Radesky, chuyên gia tại Đại học Michigan cho biết: Những trẻ em có bố mẹ nghiện các thiết bị thông minh thường dễ bộc lộ những cảm xúc tiêu cực ra ngoài thay vì xử lý trong nội tâm và cân nhắc trước sau.

Bên cạnh đó, khi con thấy cha mẹ "dán mắt" vào điện thoại từ sáng đến đêm hoặc bận rộn với việc check email, thì con cũng sẽ làm theo điều tương tự. Cha mẹ là tấm gương cho con, nên nếu muốn con hạn chế tiếp xúc với điện thoại thì cha mẹ nên thực hiện tốt việc này trước.

Không có kế hoạch quản lý thời gian dùng của con

Lập kế hoạch và quản lý thời gian sử dụng điện thoại của trẻ là một việc rất quan trọng mà cha mẹ cần làm. Sử dụng điện thoại theo giờ giấc hợp lý, đúng quy định sẽ giúp trẻ giảm khả năng bị nghiện điện thoại, có nhiều thời gian tiếp xúc với môi trường xung quanh và tương tác trực tiếp với gia đình, bạn bè.
 
-

Ánh sáng phát ra từ thiết bị điện tử cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ nên cần tắt màn hình trước khi đi ngủ 1 tiếng. Ngoài ra, dùng điện thoại với thời gian hợp lý còn giảm thiểu khả năng mắc các bệnh về mắt cho trẻ.

Hiện có nhiều ứng dụng quản lý thời gian trẻ em dùng Internet trên điện thoại, chặn nội dung không phù hợp và thông báo cho người dùng khi con truy cập vào các trang web không tốt mà cha mẹ có thể thao khảo như: Qustodio, Norton Family, KidLogger, Kurupira...

Quan điểm xem điện thoại là hoàn toàn không tốt

Có nhiều bậc cha mẹ cẩn thận đến mức cách ly hoàn toàn con mình khỏi chiếc điện thoại hay những thiết bị công nghệ khác. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu đã khẳng định lại một lần nữa bản thân việc trẻ xem xem điện thoại, máy tính không phải là xấu nếu cha mẹ biết cách kiểm soát và tạo cho con cơ hội tiếp cận đúng đắn. Những chương trình có nội dung về giáo dục sẽ có lợi cho trẻ tùy thuộc vào từng độ tuổi và môi trường giáo dục.
 
-

Tuy nhiên đó không phải là câu chuyện dành cho những bậc cha mẹ chỉ biết bật chương trình, trò chơi giáo dục và quẳng điện thoại hay tivi cho con ngồi xem với hy vọng con sẽ tự học. Mà đó chỉ thực sự hữu ích nếu trẻ được cha mẹ trực tiếp hướng dẫn và trở thành đối tượng tương tác tích cực cùng con trong mỗi chương trình con xem. Kinh nghiệm của người lớn sẽ là bệ đỡ vững chắc cho con và phát huy được tối đa những lợi ích mà các sản phẩm công nghệ đem lại.

Như vậy vai trò của cha mẹ rất quan trọng và góp phần quyết định việc cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử là tốt hay không tốt. Cha mẹ cần đảm bảo thời gian con vui chơi, hoạt động thực tiễn cũng phải tương đương với thời gian con xem tivi, điện thoại.

Tác giả: Nguyễn Quang- Như Quỳnh

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây