Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Cha Tôi 1. Chương 4. Tông Đồ Giáo Dân

-

-

Cuối năm 1967, Ngài tham dự khóa Cursillo tại Manila và sau đó phổ biến Phong Trào Cursillo tại Giáo Phận Nha Trang, rồi dần dần lan ra những giáo phận khác. Danh xưng chính thức của phong trào này là “Cursillo de Cristiandad”,...
Cha Tôi.
Phần 1: Vui Mừng, Gian Truân và Hy Vọng
Chương 4

 
TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
 
Sau khi tổ chức những khóa huấn luyện căn bản cho thanh viên Hội Đồng Giáo Xứ trong toàn giáo phận, Ngài nghĩ đến việc đào tạo những cán bộ nòng cốt có đủ khả năng hiểu biết về giáo lý để cùng với linh mục quản xứ đẩy mạnh sinh hoạt và cách sống đạo của giáo dân cho phù hợp với thời đại. Để đạt được mục đích đó, trước hết Ngài cố gắng tìm hiểu một số những phong trào đang tích cực góp phần vào việc Phúc Âm hóa được Giáo Hội thừa nhận như Phong Trào Emmanuel, Phong Trào San Egidio, Phong Trào Charismatiques, Phong Trào Cursillo, Phong Trào Focolare… và cuối cùng Ngài chọn Phong Trào Cursillo và Focolare vì nhận thấy đây là những  phong trào phù hợp với giáo dân Việt Nam.
 
Phong Trào Cursillo
 
Cuối năm 1967, Ngài tham dự khóa Cursillo tại Manila và sau đó phổ biến Phong Trào Cursillo tại Giáo Phận Nha Trang, rồi dần dần lan ra những giáo phận khác. Danh xưng chính thức của phong trào này là “Cursillo de Cristiandad”, có nghĩa là Khóa Học Ngắn về Kitô Giáo. Vì thế, Cursillo được gọi là Học Hội Kitô Giáo. Khóa học này được tổ chức vào 3 ngày cuối tuần, nhằm giúp khóa sinh ý thức và đời sống Kitô hữu một cách sung mãn, để rồi cùng nhau nỗ lực Phúc Âm hóa môi trường của mình.
 
Tại Giáo Phận Nha Trang, Ngài tổ chức mỗi năm hai khóa Cursillo: một khóa cho linh mục và một khóa cho giáo dân. Như vậy, linh mục và giáo dân trong một giáo xứ dễ thông cảm với nhau và cùng hợp tác để thánh hóa môi trường. Đây cũng chính là những ước nguyện của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khi Ngài nhắn nhủ với các thành viên của Phong Trào Cursillo, trong buổi họp quốc tế tại Roma năm 1966: “…Người giáo dân, sau khi tự đào luyện trong tinh thần Kitô Giáo, sẽ thay đổi tâm thức và cải đổi đời mình theo hình ảnh của Chúa Kitô bằng đức tin, đức cậy và đức ái. Khi hành động trong tinh thần trách nhiệm, người giáo dân biến đổi những cơ chế trần tục mà họ đang sống trong đó. Khi được cái nhìn của Chúa Kitô hướng dẫn trong hành động, họ tiếp tục cố gắng tái tạo thế giới theo chương trình và khuôn mẫu của Thiên Chúa…” và Đức Giáo Hoàng kết thúc: “Hỡi những người Cusillistas! Chúa Kitô, Giáo Hội, Giáo Hoàng tin tưởng nơi các con”.
 
Xét trên bình diện liên giáo phận, Phong Trào Cursillo trở thành nơi gặp gỡ của giáo dân có tâm huyết hoạt động tông đồ, để họ có dịp chia sẻ những giao thức và hợp tác với nhau trong những công việc chung của Giáo Hội.
 
Phong trào Công Lý và Hòa Bình
 
Song song với việc huấn luyện nhân sự qua Phong Trào Cursillo, Ngài còn tổ chức những khóa học riêng về Công Lý và Hòa Bình. Phong trào này được Ngài cảm hứng qua thông điệp hòa bình của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1967, năm mà Ngài được tấn phong Giám Mục,với chủ đề : “Phát Triển Là Danh Hiệu Mới Của Hòa Bình”. Cũng chính những ngày đầu năm này, Đức Giáo Hoàng ban Tự Sắc “Hội Thánh Công Giáo Chúa Kitô”  (Catholicam Christi Ecclesiam) công bố thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Giáo Dân và Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình. Và ngày 26 tháng 3 cùng năm, Đức Giáo Hoàng công bố Thông Điệp “Phát Triển Các Dân Tộc”. Qua hai Thông Điệp và Tự Sắc này, Đức Giáo Hoàng muốn đáp lại nguyện vọng của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế “Vui Mừng Và Hy Vọng”, muốn trình bày những nỗ lực của Giáo Hội trong thế giới ngày nay khi thúc đẩy người giáo dân biết dấn thân vào việc mở mang phát triển những quốc gia nghèo khổ và công bằng xã hội giữa các quốc gia. Vì thế, Ngài đã phát động Phong Trào Công Lý và Hòa Bình tại giáo phận dịp đầu năm 1969, Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Hòa Bình. Ngài cũng phát hành và học tập những tài liệu căn bản về Công Lý và Hòa Bình như Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, “Đại Cương Công Lý và Hòa Bình”, và “Chỉ Nam Công Lý và Hòa Bình”.
 
Khóa Công Lý và Hòa Bình đươc tổ chức mỗi năm một lần. Và có một ảnh hưởng thực tế vì giúp người giáo dân ý thức bổn phận đem Giáo Hội qua việc phát triển xã hội, giúp con người sống xứng đáng với phẩm giá con người, và qua tình bác ái huynh đệ chân thành để kiến tạo một xã hội công bằng và an toàn hơn. Ngài xác tín thảm kịch của người nghèo không phải chỉ là thiếu thốn, nhưng còn vì họ không thể sống ‘xứng con người’ (ĐHV số 588). Vì vậy, nói cách cụ thể, phát triển là thực hiện Chúc Thư của Chúa Giêsu trên trái đất: mọi người yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, san sẻ với nhau trong tình huynh đệ phổ cập.
 
Phong trào Focolare
 
Mặc dầu Phong Trào Cursillo được dành cho mọi giới vì đây là những khóa học căn bản cần thiết cho mọi Kitô hữu, nhưng Ngài đặc biệt quan tâm đến giới trẻ và muốn tìm một phong trào khác, với những sinh hoạt thích hợp hơn để huấn luyện lứa tuổi thanh niên. Ngài chọn Phong Trào Focolare. Có nghĩa là Tổ Ấm. Phong trào này do Bà Chiara Lubich sáng lập trong cảnh đổ nát tang thương của thời kì Đệ Nhị Thế Chiến tại miền bắc nước Ý. Tinh thần cũng như sức sống của Phong Trào dựa vào Phúc Âm và thuc đẩy mọi người hiệp nhất với nhau. Điểm đặc biệt hơn cả của Phong Trào Focolare là quy tụ mọi người không phân biệt tôn giáo, và trong hệ thống tổ chức có nhiều ngành khác nhau: Giám Mục, linh mục, giáo dân. Ngay trong ngành giáo dân cũng được chia ra nhiều giới để dễ sinh hoạt và hướng dẫn: trẻ em, thanh niên, người lớn tuổi…
 
Trong thời gian đi du học tại Rôma, từ năm 1956 đến năm 1959, Ngài đã có nhiều dịp tiếp xúc với những người điều hành Phong Trào Focolare và sau này với tư cách là Giám Mục Giáo Phận Nha Trang, Ngài đã nhiều lần đến thăm trung tám chính của phong trào tại Loppiano để tìm hiểu tại chỗ tinh thần của phong trào này. Vì thế, năm 1973 Ngài mời anh chị em Fololarini ở Phi Luật Tân đến Việt Nam tổ chức khóa học đầu tiên tại Tòa Giám Mục Nha Trang để giúp giới trẻ tìm hiểu và sống tinh thần của Phong Trào Focolare, tinh thần Phúc Âm, những bài hát và trò chơi lành mạnh, những lời Tin Mừng làm ý lực sống hằng tuần, cũng như những lời giáo huấn của Giáo Hội, đã giúp giới trẻ gần lại với Chúa, để cùng với Giáo Hội hoàn vũ, tiếp tay xây dựng một thế giới yêu thương và hiệp nhất hơn.

Tác giả: Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền HT63

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây