Cựu Chủng Sinh Huế

http://www.cuucshuehn.net


Những việc chưa thật tế nhị trong tiệc cưới

Tiệc cưới là ngày vui trọng đại nhất trong đời người. Để tiệc cưới được văn minh và lịch sự hơn, mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với nhau, chúng ta nên tránh những việc chưa tế nhị này.
Những việc chưa thật tế nhị trong tiệc cưới
Đám cưới của các bạn vui, mang tính truyền thống nhưng có những việc chưa thật tế nhị!”. Đây là một trong những nhận xét của những người bạn nước ngoài từng cùng tôi dự nhiều tiệc cưới. Những người bạn này đa số là biết tiếng Việt, am hiểu không ít về văn hóa Việt Nam và những nhận xét của họ khi trải nghiệm dự tiệc cưới với những việc sau đây đáng để chúng ta suy ngẫm.

Trước kia, khi chưa có lệnh cấm đốt pháo, một bánh pháo được đốt lên để chúc mừng cô dâu chú rể cùng hai họ. Giờ đây, khi không còn tiếng pháo thì những chùm bong bóng bay được thay thế. Sau khi MC tuyên bố lý do, hai bên thông gia chào đón, chúc mừng cho tân lang và tân nương thì bong bóng được chích cho nổ để gây tiếng vang.

Tại sao lại bắt đầu ngày hạnh phúc đôi lứa là những tiếng nổ vô cảm và kết cục là sự đổ vỡ - những mảnh vỡ te tua, rách rưới của bong bóng. Trong cuộc sống, cụm từ “bóng xì hơi” thường được dùng để chỉ tâm trạng đang bế tắc, chán nản, thất vọng của con người. Điều này tương phản với ý nghĩa trọng đại của ngày vui nhất cuộc đời. Hiệu ứng âm nhạc, ánh sáng và tràng pháo tay của quan khách chính là sự thay thế rất hay, đầy ý nghĩa và tránh lãng phí.

Trong đám cưới, nhiều người có thói quen gắp thức ăn để thể hiện lòng hiếu khách và sự tôn trọng. Ở góc độ văn hóa, điều này hoàn toàn không trái với thuần phong mỹ tục của người Việt nếu chúng ta dùng muỗng, đũa riêng biệt để san sẻ thức ăn trên bàn tiệc. Đằng này, có người sử dụng muỗng, đũa của chính họ để làm việc đó. Với những người kỹ tính, điều này làm cho họ không hài lòng bởi e ngại sự mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở một góc độ khác, có thể có món ăn không thích hợp với ẩm thực của người khác, vì vậy đôi khi điều này lại gây cảm giác khó chịu cho họ.

Để giữ gìn văn hóa và duy trì thói quen này, chúng ta cũng có thể gắp thức ăn cho người khác với một dụng cụ riêng biệt và với những câu hỏi gợi mở để biết được rằng những vị khách nào không thể thưởng thức món ăn mà ta đang san sẻ.

Tiệc cưới ngày nay không thể thiếu âm nhạc. Có nhiều vị khách đến dự đám cưới mà hát toàn những ca khúc chia ly như Sầu tím thiệp hồng, Được tin em lấy chồng... Có lần trong một tiệc cưới, một anh bạn người nước ngoài khi nghe trên sân khấu có người hát My heart will go on cứ nhún vai rồi lắc đầu. Nếu không biết những bài hát chúc mừng đám cưới, mỗi người hãy chọn cho mình một bài hát có giai điệu vui tươi, có ý nghĩa lạc quan để chúc mừng cô dâu chú rể và mang lại những món ăn tinh thần sảng khoái, yêu đời trong ngày vui của bạn bè, người thân.

Tiệc cưới là ngày vui trọng đại nhất trong đời người. Có những việc nên tránh đi chứ đừng theo xu hướng, theo thói quen chưa được tế nhị của nhiều người. Mong rằng trong những buổi tiệc cưới những việc đã đề cập nói trên sẽ giảm dần đi để tiệc cưới được văn minh và lịch sự hơn ,mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với nhau trong cuộc sống cũng như thích nghi với xã hội hiện đại và hội nhập với bạn bè.

Tác giả: Lê Tấn Thời

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây